SƠ YẾU LỊCH SỬ CÁC BẬC TỔ SƯ TIỀN BỐI

SÁNG LẬP TỔ ĐÌNH LINH SƠN TỰ, NÚI DINH

VÀ KHAI SƠN TÔNG PHÁI LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG

& TIỂU SỬ CHƯ TĂNG NI TÍN SĨ CỦA TÔNG THÔNG VIÊN TỊCH THOÁT HÓA

Bổ sung TIỂU SỬ CỤ ĐỔ HỮU HƯỜNG

(để ghi niệm công đức người Hộ Pháp, Hộ Đạo cho Đức Tôn Sư trong những năm 1956 – 1957 hóa đạo tại tỉnh Biên Hòa)

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

Chư Tôn Đức tiền bối thừa kế, có công khai sơn tạo tự trang nghiêm cho tổ đình Linh Sơn Tự trở nên Tòng Lâm thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử…và đã có công lớn đóng góp, lập thành tích vẻ vang trong hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước

*****

Linh Sơn Tự là một ngôi tổ đình có bề dày lịch sử trên 200 năm, trải qua 08 đời liệt vị Tổ sư thừa kế. Hòa Thượng Tôn Sư Thượng Thiện Hạ Phước là người thừa kế thứ 7, kế đến là Ni trưởng Thượng Huệ Hạ Giác Trưởng Tông môn làm viện chủ cả hai cơ sở I (Ni) và II (Tăng) của Tổ Đình.

Thánh địa Tổ Đình Linh Sơn nằm ở sườn Tây khu núi, khoảng giữa của ngọn núi dinh (cao 591 mét). Quần thể Núi Dinh gồm nhiều ngọn núi cao thấp khác nhau như núi Bao Quan, cũng gọi là Ba Quan (vì có một ngọn lớn, hai ngọn nhỏ). Có nhiều hang động, núi Ông Cậu, núi Ông Hựu, Núi Dinh, xa nữa là núi Thị Vải, núi Ông Trịnh…

Trong khu vực núi Dinh, có núi Tổ chúa Hang Tổ, ngọn Long Mai có hang Mai, chùa Hang Mai, hang Lầu, hang ông Trọng là chỗ căn cứ của Cách Mạng đóng trước đây (dưới thung lũng dãy núi Bao Quan cũng là căn cứ của Cách Mạng thành Đoàn). Trong Núi Bao Quan có nhiều hang động, cảnh quan đẹp, có suối nước mát, như điện Hàm Rồng, nay gọi là “Phật Điện Bửu Quang”

Mặt tiền Chùa nhìn ra biển Đông Hải có núi Ông Trần, mặt Hậu giáp núi hang Tổ, dãy Bao Quan và núi Long Mai (Hang Mai), phía Nam giáp với Suối Tiên, có con suối bắt nguồn từ Hang Tổ chạy uốn khúc lượn quanh xuống chân núi gọi là Suối Tiên hay Suối Đá (gọi Suối Tiên vì mùa mưa nước suối trong mát, phong cảnh đẹp đẽ, mùa nắng không có nước, chỉ còn trơ đá, nên cũng gọi là Suối Đá). Hiện nay là tân thắng cảnh sinh thái của khu di lich Bà Rịa – Vũng tàu, phía Bắc giáp núi Bồng Lai, có suối Bồng Lai, chảy từ núi Long Mai xuống đến chân núi Dinh, ra đến cầu Rạch Ván, và Chu Hải.

Quần thể núi Dinh còn có tên gọi là Bàn Cổ Sơn Phật hay Tây Phương Bồng đảo do Đức Hòa Thượng Tôn Sư đã đặt tên như vậy. Tổ đình Linh Sơn có phong cảnh đẹp, mát mẻ, tòng lâm thắng cảnh, cây xanh mát. Trước đây có những đồ quý như Dầu, Sao, Săn Đá, Gỏ, Cẩm Lai, Huỳnh Đàn và nhiều nhất cây Cẩm Tàu…thật là:

“ Phong quang vui vẻ bốn mùa.

Nước reo Pháp Phật gió khua nhạc Trời”

Chốn lâm san này cũng có nhiều loại thú rừng: Cọp, vượn, khỉ…nhiều loại chim quý nhiều màu hót tiếng thanh tao…Đúng là một Thánh cảnh thích hợp cho người tu niệm!

Với cảnh núi thanh vắng, thâm u tịch mịch, với thiên nhiên gió mát trăng trong, nên vị tổ sư đã tìm đến nơi đây ẩn tu. Có nhiều vị đã đắc đạo, những tiểu sử lai lịch của quý Ngài chỉ nghe được qua sự truyền khẩu của các bậc trưởng lão, tiền bối nơi trú xứ kể lại mà thôi.

Theo tương truyền, quý chư tôn đức liệt vị Tồ sư có công lớn trong việc khai sơn khẩn hoang Hang, tạo Điện, tạo Tự cho Tổ Đình, có các Ngài:

1. Hòa Thượng Thi: Húy Thi (1814 – 1852) viên tịch ngày 28/9. Ngài khai Am lập Chùa tu đầu tiên trên núi này, xiển dương chánh pháp, nối truyền mạng mạch cho Phật Giáo. Ngài là bậc Cao Tăng đắc đạo, có công khẩn hoang khai sơn, biến vùng núi hoang vu hẻo lánh này trở thành một cơ sở Phật Giáo lớn đầu tiên của Phước Hòa. Ngài khai đất từ chân núi ra Phước Hòa để làm kinh tế cho nhà chùa. Thật là một vị đạo cao đức trọng! nhưng tiếc thay không có sử liệu để lại, chỉ biết được rất ít qua sự truyền tụng với danh hiệu là húy Thi.

Thừa kế ngài là :

2. Yết Ma Đối (1853 – 1876) rồi đến

3, Yết Ma Sanh (1877 – 1895)

Nối tiếp Ngài Bảo Quản Chùa, Am, Cốc. Đây là quý vị tiền hiền có công lớn với tổ đình Linh Sơn. Rất tiếc không có một tư liệu nào cả (có lẽ các vị này thích ẩn tu, không cần lưu danh hậu thế, nên không có Long Vị, cũng không có bút tích, hoặc bị chiến tranh nhiều lần hủy hoại lạc mất!?).

4. Giáo Thị Nhi (1895 – 1913) tịch ngày 08/04. Tư liệu được các Trưởng lão nhân dân địa phương. Phước Hòa và xã Long Hương kể lại rằng. Ngài Giáo Thọ Nhi Trụ Trì gần 20 năm, có công bảo quản và tiếp tục khai sơn. Ngài cũng là vị Tăng Đức có công lớn với tổ đình. Viên tịch ngày 08/04, tháp cũ bị chiến tranh (1965 – 1975) làm hư hại hoàn toàn. Năm 1980 đã được tổ Đình trùng tu lại.

5. Sư cô Diệu Đường (1914 – 1926) Thế danh Võ Thị Giả bảo quản Giám tự cho Chùa Linh Sơn. Vị này là một Phật tử thuần thành, đắc lực hộ trì Tam Bảo với niềm tin trong sạch, có một đại nguyện khi còn là Phật tử. Nhờ ân Tam Bảo hộ trì được mãn nguyện nên theo hộ thầy đến khi thầy viên tịch nối tiếp lo Phật sự. Sư cô đã mở rộng xây dựng thêm chính điện, nhà trú, dựng thêm các am, Thất có nơi chốn cho các vị mộ đạo về tu dưỡng. Sư cô là một Phật tử, một tu sĩ có tiếng tăm thời đó. Thời gian chỉ có mười mấy năm thôi mà Sư cô và con cháu đã góp phần tạo dựng cho Tam Bảo, công đức không lường được. Sau vì tuổi già, Sư cô cúng dường lại cho Ngài Trừng Tát.

6. Ngài Trừng Tát (1926 – 1946). Hiệu Phước Như, thế danh Đỗ Văn Sở viên tịch ngày 19/10. Yết Ma Sở này nối tiếp các việc trùng tu tổ đình và xiển dương chánh pháp, tế Tăng, độ chúng, Ngài là một vị cao Tăng tu mật tông, có đạo lực, có uy tín, có hạnh lành, đức tốt, Ngài có lòng từ bi cứu độ chúng sanh bằng nhiều phương tiện thời bấy giờ. Từ Bà Rịa. Long Điền, Đất Đỏ cũng như Phước Hòa, Long Hương điều biết danh Ngài. Ngài mở phòng chẩn trị y dược Đông Tây để bố thí thuốc, nhờ có Docteur Phụng, con rễ của Sư Cô Diệu Đường làm thầy xem mạch chẩn trị. Thời đó Docteur Phụng tốt nghiệp ngành Tây Y Pháp Quốc, nhằm năm có bệnh dịch hoành hành, dân chúng đều đau khổ vì tật bệnh, thêm nạn đói. Với lòng từ. Ngài cùng Docteur Phụng đi đến từng nơi chữa bệnh cho nhân dân, rồi đem lời lành, đạo đức lương hiền giảng dạy cho quần chúng. Câu an, cầu siêu cho các nạn nhân làm duyên khiến bá tánh biết ăn chay, niệm Phật làm lành. Khoảng thời gian trên 20 năm. Ngài độ được hàng xuất gia trên 20 vị, và Phật tử tại gia trên 500 người thuần thành. Những ngày vía lễ . Phật tử đồng bào về núi chiêm bái rất đông. Ngài cũng là người ủng hộ Cách mạng Dân quân kháng chiến chống Pháp. Nhựt ẩn trú nơi Chùa, nơi vùng núi Dinh. Bấy giờ thực dân Pháp thường xuyên đem binh lính bố ráp, mở các cuộc hành quân nhằm tiêu diệt du kích quân Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn này. Ngài Yết Ma Sở tận tình giúp đỡ các anh em du kích thoát khỏi bao lần hành quân càn quét của thực dân Pháp. Ngài đã trợ giúp thuốc men lương thực cho du kích quân, kháng chiến với tinh thần yêu nước, yêu đồng bào chống ngoại xâm. Đây là truyền thống cao đẹp của Phật Giáo Việt Nam đã gắn bó trãi qua nhiều thời đại đúng nghĩa với câu: “Đạo Pháp và Dân tộc”.

Vào tháng tư, năm 1945, khoảng 8 giờ sáng, một đội quân ngoại xâm đã lên núi Dinh đốt phá hủy hoại hoàn toàn Chùa dưới (cũng gọi là chùa Bồng Lai ngày nay) và trục xuất tất cả chư Tăng Ni xuống khỏi núi. Thế là Đạo tràng tổ Đình Linh Sơn thuở đó bị đổ nát, không còn lưu lại dấu tích gì. Ôi ! nhìn một cảnh tượng điêu tàn, thương tâm đến thế, gỗ đá cũng phải ngậm ngùi! Đây là nói lên cảnh chùa chiền núi rừng của tổ đình Linh Sơn bị hủy hoại trong thời kỳ thứ nhất, thời kỳchống Pháp.

Lúc bấy giờ Ngài Yết Ma Sở phân tán các đệ tử đi khắp nơi ẩn thân, như Sài gòn, Mỹ Tho. Long Thành và nhiều nơi khác. Riêng Ngài về chùa Long Hòa, huyện Long Điền lập Am tu tịnh, tiếp tục hoằng dương chánh pháp tế độ quần sanh. Ngài trụ chùa này cho tới khi cuối đời (viên tịch 19/10/1961 Tân Sữu). Hiện nay Tháp thờ Ngài vẫn còn ở Chùa Long Hòa, huyện Long Điền, Bà Rịa, Vũng Tàu. Còn Docteur Phụng là Phật tự thầy thuốc cứu bá tánh lê dân cùng với ngài cũng đã từ trần trước Ngài và được chôn cất trên núi Dinh. Hiện nay mộ ông vẫn còn.

Từ lúc thực dân Pháp khủng bố trục xuất Chư Tăng Ni xuống núi, cảnh Chùa Tổ Đình Linh Sơn từ đây vắng bóng người tu, cây cỏ rậm rập quạnh hiu, chim kêu vượn hú bốn bề vắng vẻ, chỉ còn sót ngôi Chùa nhỏ phía trên gọi là “Dinh Ông”( bây giờ là Chùa Tây-Phương )

Với phong cảnh đẹp, u-tịch vắng vẻ thích hợp cho người hâm mộ tu hành. Nên dù núi bị động mà cũng co những vị lén về tu một năm, hai năm như Thầy Hồng Quang (Mỹ Tho), Thầy Bẩy Sen (Ông Bẩy Mối, núi Châu Thới), Thầy Giáo Tư (Ông Tư Đầu Đỏ, xã Phước hòa). Nhưng chiến tranh khủng bố liên tiếp càng quét, nên không thể ở được. đành phải xuống núi!

7/ Hòa Thượng Thích Thiện Phước ( 1957 – 1986 ), biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai, tên thật là Lê Minh Ý, khi tham gia cách mạng đổi tên là Lê Văn Mười, sinh năm 1924, tại Nhật Tảo, An Nhật Tân, Long An, húy Nhật Ý, thuộc giòng Lâm Tế Gia phổ thứ 41.

Ngài là người có căn lành, có pháp khí lớn. Lúc 16 tuổi đã biết cầu đạo tu học khắp đó đây, Ngài về Văn – Liên Bảy Núi, miền Tây Nam Việt Nam tìm minh sư học đạo.

Ngài cũng là người có lòng yêu nước thương đồng bào. Thấy nước nhà bị thực dân Pháp xâm chiếm, tổ quốc lâm nguy, dân tộc khổ đau, vì chiến tranh tàn khốc. Năm 1945, Hòa thượng tham gia hoạt động chống Pháp ở quê nhà với Ông Mười Ri, tức Đại tá Hoàng Lan và được cụ Lê Minh Xuân kết nạp vào Đảng với bí danh Hùng-Sơn. Ngài lãnh chức giao liên hỏa thực Mật khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Rồi đến nhiệm vụ Quản lý văn thư Ban Quân Báo Nam Bộ, sau đó về hoạt động ở chiến khu Đ.

Đến năm 1954 đình chiến. Ngài tham gia tổ chức đưa phái đoàn của Cụ Vương Quốc Chính tập kết ra Bắc. Ngài được phân công ở lại miền Nam, lí do không đủ sức khỏe.

Năm 1955 trở lại quê nhà, bị địch theo dõi nên Ngài trốn về núi Dài ẩn tu với Hòa Thượng Sư Ông Thượng Bửu Hạ Đức tại Chùa Bửu Quang (xã Ba Chúc) được 08 tháng. Đức Sư Ông dạy Ngài phải về miền Đông thành đạo thì mới được bình yên.

Đến năm 1956, Ngài về Biên Hòa độ được một số đệ tử rất đông, trong đó có bà Diệu - Ý, gia đình bà Ban Kiết là những người mộ Đạo, làm việc thiện, có lòng yêu nước tham gia hoạt động cách mạng. Các Phật tử đưa Ngài viếng Chùa Long- Sơn Cổ Tự ở Tân- Ba. Có duyên tao ngộ với Hòa Thượng Thích Trí Châu (Trụ Trì Long Sơn Cổ Tự) nên Ngài đã cầu pháp và được thâu nhận làm đệ tử thuộc phái Lâm-Tế Gia-Phổ thứ 41, hiệu Nhật Ý. Ngài trụ nơi đây một thời gian hoá độ rất đông tín đồ trong đó có gia đình Thầy Đốc Sấm, Mã Sâm, Hà Thị Cứng, Hà Thị Lư, gia đình Ông Mười Son, Ông Cả Khôi, và chọn được ngươi đệ tử để thừa kế Ngài đó là Ni-Sư Huệ-Giác. Với số tín đồ hâm mộ quá đông, khiến chính quyền tỉnh Biên Hòa chú ý, thường xuyên theo dõi, rồi ra lệnh trục xuất Ngài rời khỏi tỉnh Biên Hòa.

Năm 1957, quý Phật tử ở Biên Hòa đưa Ngài về ẩn tu tại tổ đình Linh Sơn, xã Phước Hòa, huyện Long Lễ tỉnh Phước Tuy, nay là xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Tổ Đình Linh Sơn là ngôi chùa cổ có trên 200 năm trải qua nhiều đời Trụ Trì. Ngài là vị Trụ Trì nối tiếp khai sơn lập tự trùng hưng, xiển dương chánh pháp, xương minh Tịnh- Độ cho Tổ đình quần thể núi Dinh từ đây.

Ngài là bậc chân tu đức hạnh, có lòng thương dân mến nước, nên đi đến đâu cũng được đồng bào Phật tử tin tưởng theo tu học rất đông. Đức càng vang rộng, tiếp Tăng độ chúng có uy tín khắp nơi. Ngài Yết-Ma Sở Thấy Hòa Thượng Tôn sư là bậc gương mẫu tiêu biểu cho thế hệ Tăng Ni Giáo Hội, sau này làm lợi lạc quần sanh, nên làm giấy tờ giao trọn Tổ đình cho Hòa thượng Trụ Trì tiếp Tăng độ chúng.

Mới về núi, Chùa, Am, Tịnh thất của Tổ đình đều bị giặc đốt phá điêu tàn, chỉ còn đống gạch vụn và sót lại một Dinh Ông nhỏ Chùa trên. Đức Tôn Sư mới cho xây dựng ngôi Tam Bảo bằng cây rừng, mái lợp tole đơn sơ, nhà ăn, nhà ở để chư Tăng Ni an trụ tu hành.

Vì đồ chúng quá đông, Ngài cho khai rẫy từ chân núi ra đến cầu Rạch Ván, hai bên đường đi trên 100 hecta để làm kinh tế tự túc cho nhà Chùa.

Để đào tạo Tăng Ni tài, Ngài cho mở Phật-Học-Đường Tây-Phương Bồng-Đảo, rước Chư Tôn Đức giảng sư về dạy học.

Với lòng từ mẫu trong giai đoạn này, ngoài việc tiếp Tăng độ chúng, Ngài còn thành lập một Cô Nhi Viện lấy hiệu là Phước-Lộc-Thọ để đón nhận trẻ mồ côi trong chiến tranh bị bỏ rơi, nuôi dưỡng những người già neo đơn không nơi nương tựa và nhằm ẩn dấu đùm bọc con em gia đình cách mạng về nương nấu trong giai đoạn trốn giặc. Viện nuôi trên 250 em cô nhi.

Lúc ấy Đức Tôn Sư và Chư Tăng Ni rất là gian khổ, phải lo việc ăn mặc, thuốc men cho Viện Cô Nhi, nhưng với tinh thần thương yêu, với tình người, tập thể tăng Ni vẫn hoan hỷ phục vụ. Lợi ích quần sanh đúng theo lời Phật dậy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật”.

Với tinh thần yêu nước, làm đẹp quê hương, nên mỗi chuyến du sơn ngoạn cảnh, Ngài tìm ra hang, động đẹp, có cảnh thanh tú, có suối nước reo vui, thuận tiện cho người ẩn tu.Ngài cũng đặt tên theo phong cảnh để người tu vào nhập định, niệm Phật được quả lành thánh thiện viên mãn, như: Điện Ngũ Đài có cảnh trí đẹp, Điện Địa Tạng có hang sâu, Kim Cang Bát Đức Phật Điện, Bồ Đề Phật Điện, Tào Khê Phật Điện, Bát Tiên Phật Điện có những hang sâu, dưới hang có suối nước chảy thì đặt là Thủy Sanh Phật điện, Thủy Ngân Phật điện. Phong cảnh nên thơ đặt làThiên Thai cảnh, chỗ có dòng suối chảy thầm lặng êm buồn Ngài gọi Nhạn Sầu Vãng. Đường về Hang Mai có suối Thiện Tài, Má Ba La. Nơi đây anh em giải phóng quân thường dừng chân nghỉ mệt. Vì lòng mong muốn nước nhà sớm được hòa bình, Ngài tìm ra một hang có gộp đá đẹp đề tên là Điền Thái Hòa, Lôi Âm Phật Điện để tưởng nhớ Từ Phụ Thích Ca, Điện Vô Lượng Quang để nhớ Phật A Di Đà, chỗ Chư Ni tụng kinh Pháp Hoa gọi là Liên Hoa Nhị Thất, Hương Tích Phật Điện..v..v..duyên với Chùa Hang Mai, Chùa Tổ và Chùa Giữa:

Chùa Hang Mai có phong cảnh rất đẹp, có suối mát nước trong, có nhiều hang động lớn, có thể chứa được vài ba mươi người, là nơi của Chư Tổ tu khi xưa. Bấy giờ là nơi trú ẩn của cách mạng để tránh bom đạn.

Theo người truyền tụng di tích này, xưa Tổ Thiên Thai Huệ Đăng, người miền Trung du hóa đến khai sơn rồi lập Chùa, Am, Thất Tu. Nhưng cũng bị chiến tranh càn quét, Ngài phải về Long Điền để xây dựng Tổ Đình Thiên Thai, cơ ngơi nơi đây rất mỹ quan. Hiện nay Tổ Đình do sư cô Diệu Ngọc Trụ Trì (Diệu Ngọc tức Cô Ba Xuyến là người cách mạng Đồng Khởi ở Bến Tre).

Nối tiếp Chùa Hang Mai này có Hòa Thượng Pháp Ngộ về vừa ẩn tu vừa hoạt động cách mạng (thường gọi là Ông Sáu Trụ Trì Chùa Hang Mai).Vì là đồng chí với nhau, nên Hòa Thượng di chúc: “Đệ tử của Ngài (tức Hòa Thượng Tôn Sư Đông), sau này cho người qua phụ bếp giữ Chùa Hang Mai…” Đây là nhơn duyên tiếp nhận Chùa hang Mai, hiện nay có Thầy Huệ Khai về tu, nhưng chưa đủ điều kiện để trùng tu ngôi Long Mai Cổ Tự .

Núi tổ, Chùa Hang Tổ cũng gọi Là Long Cốc Tự hay Chùa Thượng, xưa do Tổ Long Cốc vào hang tu tịnh rồi xây dựng Chùa này và tạo phong cảnh trang nghiêm thánh địa. Lúc đó, Tổ Sư có đến thung lũng của núi Tổ phía sau lập một ngôi Chùa Giữa gọi là Chùa Giữa hay Chùa Trung và vì có trồng nhiều sầu riêng, nên cũng gọi là chùa Sầu Riêng. Rồi Ngài xuống Long Hương lập ngôi Thích Ca Tự (gọi là Chùa Dưới). Khi Tổ viên tịch có xây Tháp thờ. Cô Năm Diệu Nghiêm là người đệ tử thừa kế giữ Chùa Tổ, vì lớn tuổi lại hay bệnh đau nên đem chùa giao lại cho Hòa Thượng Tôn Sư. Đức Tôn Sư liền bổ nhiệm Ông Thiên Phước (Nguyễn Văn Khoãnh, cũng gọi là Ông Ba Quán) là người giao liên vận tải lương thực từ chùa ở cầu Rạch Ván đến cơ sở anh em cách mạng. Ông ba Thiên Phước trú nơi Chùa Tổ lúc đó cũng hứng bom chịu đạn rồi xuống ở Long Hương.

Khi hòa bình, vì cảm niệm công đức lớn của Tổ Long Cốc. Ni Sư Huệ Giác về xây lại Tháp Tổ và làm bài thơ lưu niệm để tưởng nhớ công đức của Ngài, nhưng Chùa thì chưa xây lại được.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Sơ Lược Tiểu Sử Các Bậc Tổ Sư Sáng Lập Tổ Đình Linh Sơn, Núi Dinh”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com