I. Tu Hành

Tu Ðạo là cần phải "quay trở lại." Nghĩa là gì? Tức là phải nhường cho người việc tốt lành, còn mình thì nhận phần hư xấu--xả tiểu ngã để thành tựu đại ngã.

Ðối với ma đừng khởi tâm thù nghịch. Hãy xem chúng như các bậc Thiện-tri-thức trợ đạo cho mình.

Từ vô lượng kiếp đến nay, hết đời này sang đời khác, mỗi người tạo bao nghiệp không đồng, nên vọng tưởng cũng không đồng. Nghiệp nặng thì vọng tưởng nhiều, nghiệp nhẹ thì vọng tưởng ít.

Người tu hành phải vì cắt đứt dòng sanh tử luân hồi, vì độ chúng sanh, chứ không vì cầu cảm ứng mà tu Ðạo.

Người tu Ðạo phải luôn luôn hồi quang phản chiếu, không nên hướng ngoại truy cầu. Tìm cầu bên ngoài không thể có được, quay về tự tánh thì đầy đủ cả.

Ðối với kẻ mới phát tâm tu, điều chướng ngại nhất khi dụng công là lòng tham đắm sắc dục giữa nam và nữ. Ðây là vấn đề căn bản nhất.

Người tu Ðạo nên chú ý! Chớ gieo duyên nhiễm ô với người khác. Sợi dây trói buộc bất tịnh này sẽ làm chúng ta đọa lạc.

Hiện tại chúng ta may mắn có được thân người. Nếu không biết dùng thân người để tu hành, thì đợi đến khi nào mới tu? Chỉ e đến lúc mất thân này rồi, dẫu có muốn tu hành thì đã quá trễ!

Học Phật Pháp, điều thiết yếu là phải chân thật. Mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ đều phải chân thật.

Ở chùa, chúng ta phải biết tiết kiệm mọi vật dụng. Rằng:

"Thương tiếc vật của chùa

Như bảo vệ tròng con mắt."

Không thương, không ghét là Trung Ðạo.

Tu Ðạo là tu đạo gì? Tức là tu theo Trung Ðạo--với ai cũng phải đối xử bình đẳng, lấy lòng từ bi làm căn bản, và khi hành sự phải cẩn thận, chớ đi lạc vào lưới rọ tình ái.

Chẳng hề có đạo lý "ngày nay tu Ðạo, ngày mai thành Phật." Mới cuốc một nhát đâu thể có giếng nước ngay được. Tu hành là đem khối sắt mài thành cây kim, công đủ tự nhiên sẽ thành tựu.

Việc đầu tiên khi học mật chú là phải chánh tâm thành ý. Nếu tâm không chân chánh thì khi học, mật chú nào cũng thành tà. Tâm nếu chân chánh thì học mật chú mới được cảm ứng.

Vô minh có hai đồng lõa. Hai đồng lõa ấy là gì? Tức là tham ăn và tham sắc dục. Cả hai việc này trợ giúp vô minh tạo vô số nghiệp xấu.

Có câu rằng:

"Khi muốn làm người tốt thì nghiệp báo hiện,

Khi muốn thành Phật thì ma đến thử thách."

Nếu không muốn trở thành người tốt thì nghiệp báo không tìm đến. Càng quyết chí làm người tốt bao nhiêu thì nghiệp báo càng đến tới tấp bấy nhiêu, đòi mình thanh toán nợ nần cho minh bạch.

Phật và ma chỉ khác nhau ở một tâm niệm--Phật thì có tâm từ bi, còn ma thì có tâm tranh hơn thua.

Người thực sự biết cách tu hành thì nhất cử nhất động đều là tu cả.

Người tu Ðạo không nên đi khắp nơi quảng cáo sự tu hành của mình. Ai thường quảng cáo sự tu hành của mình thì nhất định sẽ đọa lạc vào đường ma.

Người tu Ðạo ở bất cứ nơi nào cũng đều phải che giấu và tẩy xóa tông tích, đừng nên để lộ diện.

Tâm của chúng ta thường trú tại những nơi khác chứ không trú tại trong tâm mình. "Trú tại những nơi khác" nghĩa là có thân mà không có tâm.

Giảng Kinh thuyết Pháp là tu Huệ. Ngồi Thiền là tu Ðịnh. Không nói lời tạp nhạp là tu Giới.

"Phiền não tức Bồ-đề." Nếu biết dùng thì phiền não tức là Bồ-đề. Nếu không biết dùng thì Bồ-đề biến thành phiền não.

Tu Ðạo cần phải tập dại khờ. Càng "dại khờ" bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. "Dại khờ" cho đến mức cái gì cũng không biết cả thì vọng tưởng sẽ không còn.

Vô minh nghĩa là không hiểu rõ. Gốc rễ của vô minh là ái dục.

Mục đích chủ yếu của tu hành là cắt đứt dòng sanh tử, chứ không phải cầu cảm ứng.

Tu hành thì cần phải giữ mình cho trong sạch, như giữ đôi mắt không để dính một hột cát vậy.

Cờ bạc thì tạo nghiệp nặng. Bố thí thì tích lũy công dức. Ngồi Thiền thì trừ ngu si, sanh trí huệ.

Người tu hành nên cẩn thận lời nói nơi chỗ đông người và canh giữ tâm khi ngồi một mình. Lúc giữa đại chúng đừng nên nói nhiều. Khi riêng một mình nên đề phòng tâm ích kỷ và vọng tưởng. Như thế thì chẳng bao lâu sẽ được chuyên nhất thấy rõ tâm mình.

Thọ khổ thì dứt khổ.

Hưởng phước thì hết phước.

Người chân chánh tu Ðạo phải xem xét mọi hành vi, cử động của chính mình. Ði, đứng, nằm, ngồi, chớ rời chánh niệm. Ðừng như cái gương--chỉ biết soi mặt người mà không tự soi lại mặt thật của mình.

Nếu còn chấp trước thì đó là tâm người thường. Nếu không chấp trước, đó là tâm Ðạo.

Nếu muốn không chết, phải sống như người đã chết--tức là phải giữ mình đừng tham lam, sân hận, si mê.

Người học Ðạo nhất định phải phát nguyện. Nguyện lực có khả năng thôi thúc chính mình tiến tu theo Chánh Ðạo, không lạc đường tà. Nhưng phát nguyện mà không hành thì giống như cây có hoa mà không đơm trái, thật vô ích!

Dùng lưỡi để thuyết Pháp thì tích tụ công đức. Cũng dùng lưỡi nhưng lại nói lời thị phi thì tạo nghiệp tội. Thay vì thuyết Pháp mà lại nói những lời vô nghĩa, thị phi là tạo một vạn hai ngàn nghiệp tội.

Người tu Ðạo đối với kẻ trong người ngoài, già, trẻ, lớn, nhỏ, kẻ sang ngưới hèn, đều thường dùng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, thì tự nhiên sẽ nảy sanh cảm ứng.

Tu Ðạo là tu chân thành và thiết thật. Nên có câu: "Tâm thành thì linh ứng."

Chúng ta sống trên thế gian này, luôn luôn phải làm việc lành. Mỗi hơi thở, sức lực đều phải hành thiện tích đức. Trong hiện đời, chớ nên dựa vào thiện căn đời trước mình đã trồng mà tận hưởng hết phước báo.

Phật có thể chuyển hóa tất cả chúng sanh thành Pháp-khí, nên có câu: "Mượn cái giả để tu việc chân thật. Túi da hôi thối này chì là căn nhà tạm bợ." Chúng ta trú tại căn nhà này để tu Ðạo, nghĩa là mượn "ngôi nhà" sắc-thân giả tạm để tu thành Pháp-thân chân thật.

Nếu tâm tham lam tràn trề, không biết đủ, thì tương lai sẽ bị đọa lạc vào địa ngục. Nếu tâm sân hận quá nhiều, từ sáng đến tối luôn giận dữ, thì sẽ trở thành ngạ quỷ. Nếu tâm ngu si nặng nề, chỉ làm những việc ngu xuẩn thì sẽ biến thành thú vật.

Khuyết điểm lớn nhất của chúng sanh là si ái--ngày đêm sống trong si ái, không thể xả bỏ được. Nếu chuyển được tâm háo sắc thành tâm tu học Phật Pháp, từng giờ từng phút không lãng quên việc tu học, thì sẽ mau chóng thành Phật.

Người chân chánh khai ngộ thì không bao giờ nói mình đã khai ngộ. Bậc thánh nhân xuất thế tuyệt đối không tiết lộ chân tướng. Phàm những kẻ tự xưng là Phật là Bồ-tát, đều là tà ma.

Người có đức hạnh không phải do nơi địa vị hay tuổi tác, mà trong những hành vi kín đáo im lặng, tự nhiên hiển lộ phẩm cách đặc thù của họ, khiến người khác đều kính nể. Phẩm cách đặc thù này không khiến cho kẻ khác sợ hãi, vì nếu sợ hãi thì họ sẽ lánh xa.

Mọi người đều có ba thằng giặc phiền não; đó là tham lam, sân hận, si mê. Chúng ta không cần phải diệt trừ chúng mà hãy chuyển hóa chúng thành những hạt giống Bồ-đề.

II. Trì Giới, Nhẫn Nhục

Người tu hành phải tu tướng vô ngã, tu đến mức độ không còn cái "ta." Nếu không còn cái "ta" thì có thể nhẫn chịu được hết tất cả, cảnh giới nào đến tâm cũng đều không động, tự xem mình ví như hư không.

Thành Phật không phải dễ! Không chặt đứt tâm tham dục mà mong thành Phật thì không khi nào được. Người đời nay đa số đều thích cầu may, đi đường tắt, dễ dàng bị cuốn hút bởi những việc huyền ảo, lạ kỳ; do đó bị mê hoặc, lạc vào lưới ma.

Tại sao nói láo? Vì sợ mình bị mất quyền lợi, sự bị thua thiệt.

Nếu phạm giới dâm dục thì dễ dàng phạm giới sát hại, ăn cắp và nói láo. Vì thế, giới dâm dục bao gồm các giới sát hại, trộm cắp và nói láo.

Giữ Năm Giới, làm Mười Ðiều Lành thì được sanh lên cõi trời, cõi người. Nếu còn tâm tham lam, sân hận, ngu si, thì sẽ đọa lạc vài ba đường ác.

Nếu hiểu rõ Giới Luật thì có thể thâm nhập toàn cõi Phật Pháp. Nếu không hiểu Giới Luật thì giống như mây bay trên trời, lơ lơ lửng lửng, không có một điểm tựa căn bản.

Căn bản của Giới Luật chỉ có một điều, đó là không ích kỷ.

Tinh tấn trì Giới chủ yếu là ngay tại những nơi không ai thấy. Không phải chỉ tinh tấn trì Giới trước mặt người khác mà khi ở một mình cũng phải luôn luôn tinh tấn, siêng năng, nghiêm trì Giới Luật.

Chúng ta học Phật Pháp tức là học không não hại kẻ khác. Là Phật tử, phải nên ăn chay; vì nếu ăn thịt tức là làm tổn hại sinh mạng của những chúng sanh khác.

Ăn chay là phải chịu thiệt thòi vì không thể hưởng được của ngon vật lạ trong cuộc đời. Nhưng nếu không ăn chay mà lại ăn thịt loài vật thì sau khi chết phải tới địa phủ để thanh toán nợ nần. Tôi lấy lương tâm mà nói thật cho các vị biết rằng: Nếu mọi người không ham "khoái khẩu," không tham hưởng thụ, thì sau khi chết sẽ không phải ra tòa!

Người học Phật mà không giữ Giới Luật thì cũng giống như chiếc bình không đáy--đổ nước vào bao nhiêu thì chảy ra bấy nhiêu. Thế nên phải nghiêm trì Giới Luật thì từ từ sẽ đạt tới cảnh giới vô-lậu.

Cho dầu tu pháp môn gì đi nữa, chúng ta cần phải có tâm nhẫn nhục thì mới thành tựu. Nếu không có tâm nhẫn nhục thì không thể thành tựu trong bất cứ pháp môn nào.

Người xuất gia tu Ðạo gì? Tu Ðạo Nhẫn Nhục.

Nhẫn là hạt châu vô giá mà người người không biết đào tìm. Nếu biết cách dùng thì muôn sự đều tốt lành.

Người tu Ðạo cần phải nhẫn những gì mà kẻ khác không thể nhẫn, nhường nhịn những gì mà kẻ khác không thể nhường nhịn, ăn mặc những gì mà kẻ khác không thể ăn mặc--nói chung là phải thọ nhận những gì mà người khác không thể thọ nhận.

Khi chúng ta tu Ðạo, việc quan trọng nhất là không tranh. "Không tranh" tức là không cùng người khác tranh đua hơn thiệt, điểm tốt điểm xấu, hoặc tranh luận về việc đúng việc sai của kẻ khác.

Dẫu trong hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta cũng chớ tham lam thái quá. Phải thường biết đủ, nhẫn nhịn. Ðó là pháp vi diệu vô thượng mà mọi người lại quên đi! Thế nên, nếu không tranh, không tham thì phước thọ vô biên. Nếu vẫn còn tranh chấp, tham lam, nhiễu loạn, thì nghiệp tội đến với mình không ít, muốn thoát khỏi ba cõi cũng không cách gì thoát ra được.

III. Tham Thiền, Niệm Phật

Tại sao chúng ta không nhận ra cội gốc, khuôn mặt thật của mình? Ðó là vì chúng ta chưa dẹp bỏ ngã tướng và tâm ích kỷ của mình.

Tham Thiền tức là quán chiếu. Quán chiếu gì? Quán chiếu Bát Nhã. Trong mỗi niệm, chúng ta hãy quán chiếu lại chính mình, chớ không phải quán chiếu những người khác--quán chiếu xem mình có ở đó hay không.

Người tham Thiền phải thấu suốt những vấn đề căn bản. Ðó là những việc gì? Tức là thói quen tật xấu của mình. Khi đả Thiền Thất tức là chúng ta cố gắng dẹp trừ hết những tập khí xấu xa và lỗi lầm của mình.

Trong Thiền Ðường, mọi người ngồi tham Thiền. Ðó là để thử nghiệm xem ai có thể trúng tuyển quả vị Phật. Làm sao để trúng tuyển? Cần phải "bên trong không chấp thân tâm, bên ngoài không thấy có thế giới."

Nhiều người tham Thiền phạm phải hai khuyết điểm: thứ nhất là điệu cử, thứ hai là hôn trầm--nếu họ không khởi vọng tưởng thì cũng ngủ gục trong Thiền Ðường.

Tham Thiền, quan trọng là phải có tâm nhẫn nhục, tâm bền bỉ. Bí quyết tham Thiền là nhẫn. Không nhẫn nổi nữa cũng vẫn cứ cố nhẫn. Nhẫn cho đến cực điểm thì tự nhiên sẽ quán thông, sáng suốt, khai ngộ.

Khi tham Thiền đến độ chín muồi thì không những hết vọng tưởng, mà còn bớt dần nóng giận, bớt dần phiền não, phẩm cách cao thượng hơn, khí phách mạnh mẽ thêm.

Tại sao chúng ta không tương ưng với Ðạo? Vì tâm cuồng loạn chưa ngừng nghỉ.

Tham Thiền cần có lòng nhẫn nại, bởi vì đó là vốn liếng của sự khai ngộ.

Khi tham Thiền, chúng ta có cơ hội khai ngộ, tự tánh quang minh hiện rõ như mùa xuân về lại trên trái đất, vạn vật đều sinh sôi nẩy nở.

Người chân chánh tham Thiền là người chân chánh niệm Phật. Người chân chánh niệm Phật cũng là người chân chánh tham Thiền. Kẻ chân chánh trì Giới cũng là kẻ chân chánh tham Thiền.

Chân ngã là gì? Tức là tự tánh, cũng tức là thành Phật. Thành Phật mới là chân ngã. Trước khi thành Phật thì tất cả đều là giả.

Thân thể ai không nhiễm ô thì người ấy là Phật; thân thể ai nhiễm ô thì người ấy là chúng sanh. Nhiễm ô là gì? Nói vắn tắt thì "nhiễm ô" tức là nhìn không thông, xả không được, giờ giờ phút phút luôn sanh khởi vọng tưởng.

Dụng công cho đến lúc thành thục rồi thì chúng ta sẽ ăn mà không biết là mình đang ăn, mặc mà không chấp trước vào y phục mình đang mặc, còn nói chi đến những vật ngoài thân--tất cả đều xả bỏ hết!

Tu hành không chỉ hạn hẹp trong việc tham Thiền, tụng Kinh mà thôi. Phải tùy nơi tùy lúc mà tu hành. Ðừng móng tâm phân biệt nhiều. Chớ tranh đấu vì quyền lợi, giành chức lãnh đạo để sai khiến người khác, và cũng chớ nên biểu diễn, thi thố tài năng trước mặt Thầy mình.

Ðạo quý tại chuyên nhất. Tướng tài do mưu lược chứ không tại hùng dũng. Binh lính cần tinh nhuệ chứ không cần nhiều.

Chân thật niệm Phật là luôn luôn niệm trong từng giây từng phút; vọng tưởng hay ý nghĩ gì về ăn uống cũng không có cả--cái gì cũng quên bẵng thì đó mới là chân thật niệm Phật.

Chúng ta niệm Phật, Phật cũng niệm chúng ta--giống như đánh điện tín đến Phật A-Di-Ðà vậy. Ðó gọi là cảm ứng Ðạo giao. Nếu chúng ta không niệm Phật thì Phật không có cách gì để nhiếp thọ được; thế nên, chúng ta phải trì niệm danh hiệu Phật.

Niệm Chú, cần phải niệm cho đến lúc Chú lưu xuất từ tâm ra và đồng nhập trở vào tâm. Chú và tâm, tâm và Chú cùng hợp nhất vào một âm thanh, không thể phân biệt. Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm.

Chúng ta lễ Phật, Phật nhận lễ, thì phước huệ của chúng ta tăng trưởng. Thế nên, lễ Phật là "cảm," nhận lễ là "ứng"; đó là Ðạo giao.

IV. Hạnh Của Người Xuất Gia

Phải bốn người xuất gia trở nên lên cùng sống chung hòa hợp thì mới gọi là Tăng-đoàn. Ðó là "hòa giai cộng trụ," không tranh không chấp. Một người xuất gia sống đơn độc không thể gọi là Tăng.

Người xuất gia phải nghiêm trang gìn giữ bốn oai nghi--đi, đứng, nằm, ngồi. Nên nói: "Ði nhẹ như gió, ngồi vững như chuông, đứng thẳng như cây thông, nằm như cung tên."

Không thể muốn pháp xuất thế cùng pháp thế gian đồng một lúc. Chân không thể đứng trên hai chiếc thuyền--một hướng ra Giang bắc, một xuôi về Giang nam.

Các vị thường biết rằng chư Ðại-đức, Cao-tăng thuở xưa đều ngộ Ðạo trong khi tu hành khổ hạnh. Không một vị Tổ-sư nào khai ngộ trong khi hưởng thụ--tìm trong Ðại Tạng Kinh không thấy có một vị nào như thế cả.

Tiêu chuẩn tuyển chọn vị Trụ-trì phải như thế nào? Ðiều kiện tiên quyết là phải không có tánh nóng giận, biết dùng hòa khí đối đãi người, nơi nơi đều có thiện duyên với người, không dùng quyền uy mà bức bách kẻ khác, phải có tác phong ý thức dân chủ, khiến người ta cung kính tôn trọng.

Người xuất gia có thể nhận sự cúng dường, nhưng không được tham cầu cúng dường. Không tham cúng dường mới là đệ tử chân chánh của Phật.

Hai chúng đệ tử xuất gia, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, không nên dụng công vì danh vọng, địa vị, mà cần phải có tinh thần thay thế chúng sanh chịu khổ và phải có tâm bình đẳng cứu giúp tất cả chúng sanh.

Người xuất gia nếu không tinh tấn tu Thiền tập Ðịnh, tụng Kinh trì Chú, nghiêm thủ Giới Luật, mà chỉ nương dựa vào Phật hầu có được miếng cơm manh áo thì chắc chắn sẽ bị đọa lạc vào ba đường ác.

"Tinh lực dồi dào thì không cảm thấy lạnh.

Khí lực sung túc thì không cảm thấy đói.

Thần lực đầy đủ thì không cảm thấy mệt."

Tinh, khí, thần là ba báu vật. Người xuất gia phải tu trì tinh, khí, thần.

Người xuất gia phải làm gương cho chúng tại gia--nếu không nêu được gương tốt thì người tại gia sẽ không sanh tâm thâm tín, và không thể gieo ảnh hưởng gì với họ cả. Thế nên, là người xuất gia thì phải có hình tướng của người xuất gia.

Người xuất gia phải có chánh tri chánh kiến. Nếu không có chánh tri chánh kiến thì nhất định sẽ đi lạc vào đường ma, bị năm mươi ấm ma kéo đi.

Người xuất gia phải cùng nhau làm việc, không được tự mình tạo việc khác lạ, muốn làm gì thì làm.

"Chuyên nhất thì linh.

Phân tán thì bị ngăn ngại."

Chuyên nhất về việc gì? Tức là chuyên nhất đoạn dục vọng, trừ tham ái. Nếu không đoạn dục vọng, trừ tham ái thì có xuất gia tu Ðạo đến tám vạn đại kiếp đi nữa cũng vẫn không thành công. Vì vậy, việc này rất là trọng yếu.

Phải luôn luôn tu Ðạo bồi đức. Khi đức tánh đã tròn đầy, hạnh tu được viên mãn, thì chúng ta mới xứng đánh là người xuất gia.

Người xuất gia phải lấy việc hoằng Pháp làm sự nghiệp.

Hoằng dương Phật Pháp là bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia chúng ta. Thế nên, trong từng tâm niệm chúng ta phải luôn luôn hoằng dương Phật Pháp; và mọi hành động, cử chỉ là thuyết Pháp cho chúng sanh.

V. Nhân Quả, Sám Hối & Chuyển Hóa

"Không thể cầm nắm được nghiệp."

Chúng ta bị nghiệp dẫn dắt nên sanh ra ở thế gian này để chịu theo nghiệp báo đời tiền kiếp của mình. Trong quá khứ chúng ta tạo nghiệp không đồng, nên hôm nay thọ nhận những quả báo khác biệt. Nên nói:

"Lưới nghiệp bủa vây chằng chịt."

Tiếng Hán, chữ "nhục" ( , nghĩa là thịt) gồm có một kẻ bị ăn và một kẻ đang ăn. Kẻ đang ăn thì ở phía ngoài và vẫn còn là người. Kẻ bị ăn thì đã biến thành loài vật. Kẻ đang ăn và kẻ bị ăn có liên hệ kết oán thù với nhau, không thể hóa giải được; họ cứ giết hại lẫn nhau đời đời kiếp kiếp.

Nếu thực sự muốn giải độc cho thế giới thì mọi người phải ăn chay, chớ nên ăn thịt.

Người xưa nói: "Người quân tử tự tạo mạng." Những người Ðạo đức, chánh nhân quân tử, có thể đổi vận mạng của họ, vượt ra ngoài vòng số mạng.

Tại sao có sự không tốt lành? Chỉ vì tâm không tốt lành. Trồng nhân ác thì đương nhiên phải gặt quả báo xấu ác. Nếu có thể sửa tánh ác, làm việc thiện, thì điềm lành sẽ đến và điềm ác sẽ xa dần.

Thói xấu khó mà bỏ được; song, nếu bỏ được thì là người thật có Ðịnh-lực.

"Kẻ thấy lỗi của ta là Thầy ta."

Người nói ra lỗi của chúng ta tức là bậc Thiện-tri-thức của chúng ta; vì thế, chúng ta phải nên cảm ơn, chớ sanh tâm oán thù.

Tâm cung kính có thể biến cải tánh cương cường thành tánh dịu dàng, hiền từ.

Lễ Phật tức là lễ tự tánh Phật--lễ bái vị Phật trong tự tánh của mình. Tương lai thành Phật tức là tự tánh mình thành Phật.

Tại sao chúng ta có nghiệp ma?

Vì trong đời quá khứ không chịu nghe lời dạy bảo, khuyên răn của chư vị Thiện-tri-thức, cứ mãi chạy theo vọng tưởng, tạo nên nghiệp ác. Thế nên đời này thường bị nghiệp ma ràng buộc, mọi việc đều không vừa ý, mãn nguyện.

VI. Giáo Dục

Hiện tại, người đi học chỉ vì danh lợi. Cách phát âm hai chữ minh lý ( ) và danh lợi ( ) trong tiếng Trung Hoa gần giống nhau (ming li), nhưng ý nghĩa thì lại khác nhau đến mười vạn tám ngàn dặm!

Trẻ em như cây non đang lớn--chạc cây mọc ra um tùm, cần phải được cắt tỉa thì tương lai mới trở thành vật liệu hữu ích được.

Các bạn trẻ! Các bạn có biết căn bản làm người là gì không? Ðó là tám đức tánh hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ.

Tại sao hiện nay trên thế giới đầy dẫy những tội lỗi do thanh thiếu niên gây ra? Vì những người làm cha mẹ chỉ sanh con chứ không chăm sóc, dạy dỗ.

Tâm tham của chúng ta là cái hố không đáy--cao hơn trời, dày hơn đất, sâu hơn biển cả, mãi mãi không thể lấp đầy.

Người không Ðạo đức mới thật là kẻ nghèo hèn.

Nếu có người cầu Pháp nơi tôi, tôi sẽ bảo người ấy nên ăn ít, mặc ít, ngủ ít một chút; vì:

"Mặc ít thì tăng phước,

Ăn ít thì tăng thọ,

Ngủ ít thì tăng lộc."

Con người sống không phải vì miếng ăn, mà sống để làm lợi ích cho xã hội, ban phước đức cho nhân dân, hỗ trợ cho thế giới. Người người phải:

Thay Trời đem lòng từ bi giáo hóa chúng sanh.

Một lòng trung thành vì nước, cứu dân.

Ðời tôi, không khi nào bận rộn vì mình, không bao giờ để ý tới bọc thịt thối này.

Tại sao thế giới càng ngày càng băng hoại? Vì ai ai cũng tranh--tranh danh, tranh lợi, tranh quyền, tranh địa vị, và nghiêm trọng nhất là tranh sắc dục.

Tôi muốn xin các vị một món quà lớn nhất--đó là tánh nóng giận, si mê, những phiền não và lòng sân hận của các vị.

Thiên tai không phải là thiên nhiên gây tai nạn hay thiên nhiên gặp tai nạn, mà chính là tai họa nhân loại chúng ta phải chịu. Tai họa của con người là do chúng ta tự tạo ra rồi tự chuốc lấy.

Muốn phát triển Phật Giáo, chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Theo ý tôi, muốn phát triển Phật Giáo, trước nhất phải bắt đầu từ nền giáo dục. Nếu bắt đầu với giáo dục thì trẻ em sẽ hiểu rõ Phật Giáo; đến khi lớn lên thì tự nhiên các em sẽ làm cho Phật Giáo phát triển rộng rãi.

Làm việc ma tức là ma.

Làm việc người tức là người.

Làm việc Phật tức là Phật.

VII. Ðạo Phật & Phật Pháp

Tông chỉ của Phật Giáo là mọi người ai cũng có thể thành Phật.

Chúng sanh trong hiện tại là cha mẹ của chúng ta thuở quá khứ, là chư Phật trong tương lai. Nếu đối với chúng sanh mà khởi tâm sân hận tức là sân hận với cha mẹ và chư Phật, trở thành người con ngỗ nghịch, bất hiếu.

Tôi gọi đạo Phật là đạo của chúng sanh, vì ai ai cũng không chạy ra khỏi hư không, Pháp-giới, ai ai cũng là chúng sanh. Thế nên, đạo Phật là đạo học của tất cả chúng sanh.

Tôi cũng gọi đạo Phật là đạo của con người, vì tất cả mọi người đều có tư cách thành Phật. Chỉ cần chuyên nhất tu hành thì cuối cùng chắc chắn ai ai cũng sẽ thành Phật.

Tôi lại gọi đạo Phật là đạo của tâm, vì mọi người đều có tâm. Tu hành tức là dẹp trừ vọng thâm và lưu giữ chân tâm--có vọng tâm là phàm phu, có chân tâm là Phật.

Dâm dục là nguồn gốc của sanh tử. Nếu không đoạn dâm dục thì muốn sanh lên trời cũng không được, huống hồ là muốn chứng Ðạo Bồ-đề vô thượng? Vì vậy, nếu muốn tu phép Thiền-định Tam-ma-đề, muốn vượt khỏi biển sanh tử khổ đau, thì trước hết phải vượt qua cửa ải này.

Muốn phát tâm Bồ-đề, nhất định phải nghe và học Phật Pháp cho nhiều. Khi hiểu rõ Phật Pháp rồi thì tự nhiên sẽ phát tâm Bồ-đề.

Ðạo Phật bao trùm khắp hư không, Pháp-giới. Tất cả chúng sanh đều đầy đủ Phật-tánh, đều có thể thành Phật. Hiện tại nếu chư vị chưa tin tưởng Phật Pháp thì tương lai sẽ tin tưởng. Nếu tương lai chư vị vẫn chưa tin tưởng Phật Pháp thì kiếp sau sẽ tin tưởng. Không những nhất định chư vị sẽ tin tưởng Phật Pháp mà chắc chắn sẽ thành Phật nữa!

Chú Thủ-lăng-Nghiêm là vua trong các Chú, cũng là bài chú dài nhất. Bài chú này rất quan trọng đối với sự thịnh suy của Phật Giáo. Trên thế giới, nếu còn người trì tụng Chú Thủ-Lăng-Nghiêm thì Chánh Pháp sẽ còn tồn tại. Nếu không còn người nào trì tụng Chú Thủ-Lăng-Nghiêm thì sẽ không cò Chánh Pháp.

Chú Thủ-Lăng-Nghiêm là thần chú do hóa thân của Như-Lai từ ánh quang minh trên đảnh Ðức Phật tuyên thuyết--thế nên, diệu dụng không thể nghĩ bàn, mỗi chữ đều hàm chứa biết bao diệu dụng thâm sâu.

Thời Mạt Pháp, tất cả thiên ma ngoại đạo, lỵ, mỵ, vọng, lượng, yêu quái núi sông, v.v... sợ nhất là chú Thủ-Lăng-Nghiêm. Chú Thủ-Lăng-Nghiêm là thần chú "phá tà hiển chánh."

Thời Chánh Pháp, người người đều muốn tu hành. Trong thời Mạt Pháp, ai ai cũng đều không tu hành. Nếu mọi người đều tu hành thì Mạt Pháp biến thành Chánh Pháp.

Phật Pháp là gì? Nói vắn tắt, Phật Pháp là chìa khóa. Hiện tại giảng Kinh, tức là giảng về chiếc chìa khóa này. Hiện tại thuyết Pháp, tức là thuyết về chiếc chìa khóa này. Ðây là chìa khóa trí huệ mở tung ống khóa vô minh.

Phật Pháp vẫn còn tại thế gian. Nếu chúng ta có thể dõng mãnh vượt ra khỏi dòng thác điên đảo, phát tâm Bồ-đề rộng lớn, chí thành khẩn thiết mà tu trì Phật Pháp, thì vẫn còn có cơ hội vượt thoát ra khỏi thế giới Ta-bà. Bằng ngược lại, chúng ta cứ xoay chuyển trong sáu đường không ngưng nghỉ, vĩnh viễn không thể thoát khỏi khổ nạn trong cõi này.

VIII. Trí Huệ

Chí công vô tư là Chánh Pháp.

Ích kỷ, tự lợi là tà pháp.

Làm thế nào để diệt trừ tâm sân hận do vô minh sai khiến? Phải tu pháp môn Nhẫn-nhục Ba-la-mật, tuyệt đối không nên khởi tâm nóng giận. Ðây là việc quan trọng nhất. Nếu không khởi tâm nóng giận thì sẽ phát sinh trí huệ.

Ðời Mạt Pháp, người người đều phạm một lỗi lầm chung là quá cao ngạo, lấy tai thay mắt, nghe có gì hay thì liền chạy đuổi theo.

Chúng ta, những người tin Phật, chớ nên mê tín quá đáng, mà cần phải dẹp bỏ mê tín. Mê tín là gì? Là tin bậy tin cuồng, tin tưởng ngay những gì người khác vừa nói, tin một cách mê muội.

Tại sao chúng sanh lại điên đảo? Vì nhận lầm vô minh là ông chủ nhà, tống khứ trí huệ đi mất. Vô minh đưa ra mệnh lệnh: "Cho việc đúng là sai; cho việc sai là đúng."

Từ trong Thiền-định, gạn lọc tâm tư, trừ bớt tham dục, khiến trí huệ nảy sinh.

Người thường thích khởi tâm nóng giận đa số là người ngu si, vô minh nặng nề, không một chút công phu hàm dưỡng.

Vọng niệm là niệm hư dối, không chân không thật. Người luôn khởi vọng tưởng điên đảo tức là người tuy biết rõ việc đó là không đúng nhưng vẫn cứ cố làm, lại còn xảo quyệt biện luận cho là đúng.

Nếu chư vị thường xuyên hồi quang phản chiếu, thấy rõ tự tánh, thường sanh Trí Huệ Bát Nhã, thì đó là tạo công. Ứng dụng Trí Huệ Bát Nhã mọi nơi mọi chốn, biến hóa không cùng tận, mà không nhiễm trước, không tạo những việc không thanh tịnh, đó là tạo đức.

Thật ra, Trí Huệ Bát Nhã của kẻ ngu si và người đại trí vốn không khác biệt. Có sai khác là kẻ ngu thì không biết dùng trí huệ, còn người trí thì biết vận dụng nó.

Nếu không chấp trước trong ngoài thì "đến" và "đi" đều được thong dong tự tại, biết được mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. "Ðến" có thể nói là trở về--trở về lại thân tâm của mình. "Ði" tức là đi đến Pháp-giới.

Nếu chư vị chấp trước vào "có đến có đi," thì sẽ bị chướng ngại, không thể tự do.

Nếu có "trí" thì chư vị sẽ giống như mặt trời, có "huệ" thì chư vị sẽ tựa như vầng trăng.

Hy vọng được khai ngộ hoặc hy vọng được thành Phật đều là những vọng tưởng. Mọi người phải ghi nhớ: Chỉ cầu tu hành, không cầu hy vọng hão huyền.

Nếu Bồ-tát có thần thông mà không thị hiện, thì có thần thông để làm gì?

Bồ-tát dùng thần thông để giáo hóa chúng sanh, như dựng cây để thấy hình, khiến chúng sanh tăng lòng tín ngưỡng. Như thế, được lợi ích hai chiều. Ðó là pháp môn thiện xảo phương tiện.

Chư vị hãy chú ý! Ma cũng hiện thần thông, khiến những người tham cầu thần thông và không có Ðịnh-lực sa vào cạm bẫy, mất đi Ðạo-nghiệp, trở thành quyến thuộc của ma. Về điểm này, mọi người đều phải đặc biệt chú ý, không thể không cẩn thận!

Người nào muốn có thần thông thì trước hết phải xả bỏ muôn sự, chuyên tâm tham Thiền tịnh tọa. Ðến khi công phu chín muồi thì tự nhiên có thần thông. Thần thông không phải là thứ có thể tìm cầu ở bên ngoài, mà chỉ có được khi nội tâm mình chứng đắc.

"Nhìn xuyên suốt, xả bỏ, tự tại." Nhìn xuyên suốt tức là hiểu vấn đề một cách rõ ràng. Xả bỏ tức là giải thoát. Chỉ khi đạt được giải thoát rồi thì mới có được sự tự tại chân chánh.

Học Phật Pháp thì cần phải dùng trí huệ chứ không thể dùng tình cảm. Dùng trí huệ để học Phật Pháp thì đó là Chánh Pháp. Dùng tình cảm mà học Phật Pháp thì đó là Mạt Pháp.

Nhiều người nghĩ rằng đời người là vui sướng. Kỳ thật, những sự vui sướng ấy đều là giả dối. Sự vui sướng chân chánh phải được tìm thấy từ trong tự tánh, chứ không phải đến từ bên ngoài.

HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “Ngữ Lục Của Hòa Thượng Tuyên Hóa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com