Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát
Nguyên nghĩa và thực tế:
Vu Lan phiên âm từ phạn ngữ Ullambaha, Trung Hoa dịch là "giải đảo huyền" với nghĩa cởi mở những hình phạt khủng khiếp như treo ngược tội nhân hay giải thoát những cực hình trong các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tinh thần Phật Giáo rất tự nhiên, dể hiểu và thích ứng với mọi thời đại, ta có thể ví người có tội, như gian nhà đang tối tăm, chiếc áo bị vây mực, hay thân thể bị dơ, người thức giả cần mở cửa bật đèn và dọn dẹp cho gian nhà sáng sủa và thoáng mát; áo vây mực, cần chút thuốc tẩy, xà phòng và biết các giặc ủi, sẽ trở thành vật hữu dụng; thân thể thường bị các chất bẩn trong người đào thải ra, hay từ bên ngoài vướng vào nên cần tắm rửa thường xuyên để tránh mùi "không hợp tỷ" cho những người chung quanh. Luật pháp thế gian, người có tội biết cải tà quy chánh cũng được giảm khinh.
Trong tôn giáo, người biết lỗi thường ăn năng sám hối và nguyện không tái phạm nữa, thì sẽ được giải trừ. Đây là trường hợp dành cho người biết tu tỉnh để thăng hoa lên hàng thánh thiện, nếu biết lổi mà không chịu sửa đổi, thì càng lún sâu vào 3 đường ác: Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh.
Duyên khởi:
Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo và hoằng dương Phật Pháp, Chánh Pháp của Như Lai đã thu phục được nhiều tầng lớp nhân dân kể các bậc lảnh đạo quốc gia, hàng thức giả, các dị giáo và môn đồ tứ chúng quy ngưỡng rất đông trong đó có Đức Mục Kiền Liên đường đường là vị giáo chủ của Bái Hỏa Giáo biết rỏ giáo lý Phật Đà là thượng thừa diệu pháp nên ngài xin quy y và trợ duyên hoằng hóa cho Đức Như Lai.
Luận về tâm lý con người và việc tranh cử vào các chức vụ cao cấp ngoài xã hội, thì xưa sau cũng không khác, đức Mục Kiền Liên được lên ngôi vị cao quý đương thời, một phần nhờ mẹ ngài là bà Thanh Đề thuộc lớp quý tộc, muốn dùng tiền tài, uy lực của mình để nâng Tôn Giả lên hàng lảnh đạo, nên bà không từ bỏ những điều bất chính, gây ra tội lỗi, xúc phạm đến tôn giáo, hiền nhân, do đó mà sau khi chết bà phải đọa vào A Tỳ địa ngục, làm kiếp ngạ quỷ khốn khổ vô cùng. Tội nhân trong ngục phải thọ khổ triền miên, nên cảnh giới này còn có tên là Vô Giám địa ngục.
Chúng tôi xin trích dẩn thêm cuốn video tape "Mục Liên Tìm Mẹ" do Sàigòn sản xuất. Họ căn cứ vào một vài truyện tích nhân gian về thuở hàn vi bà Thanh Đề cũng là người mộ đạo, nên không quản ngại đường sá xa xuôi, đưa bát cơm nếp đến cúng chùa. Do viển cảm thông linh, vị hòa thượng trụ trì đã biết rỏ nhưng vì bận Phật sự cần thiết phải đi nên ngoài căn dặn một đệ tử phải túc trực đón tiếp vị "đại thí chủ" này. Với tinh thần Phật Giáo, việc cúng dường cần thành tâm hơn phẩm vật tiền tài (*) nhưng thầy tiếp tân lại nghĩ về vị đại thí chủ sẽ là một bậc quyền quý, hay hàng trưởng giả giàu sang mà khinh miệt và nặng lời xúc phạm bà Thanh Đề đang đội bát cơm nếp quỳ đợi trước cổng chùa, khẩn khoản, xin được vào cúng Phật, cúng Tăng trong buổi chiều tà. Do sự hiểu lầm đáng tiếc này mà nhà chùa lại "thêm thù bớt bạn", và vì phẩn uất, bà Thanh Đề sinh tâm sân hận, đã nặng lời thề thốt quầy phá nhà chùa, nên khi gặp cơ hội làm thiếp của một vị tướng lảnh, bà ta tận dụng quyền lực để thỏa mãn chuyện không đâu!! Chẳng qua vì "vô minh che lấp", và "nghiệp chướng nặng nề" thu hút nhiều người vào địa ngục, trong đó có bà Thanh Đề, nên thế nhân có câu đối khôi hài, trào phúng với hậu ý đời này có người đạo đức, hiền lương thì ít, kẻ hung hản lừng khừng chẳng thiếu chi:
"Thiên đường sáng lạn, hiếm người vào
Địa ngục âm u, nhiều kẻ đến !"
Chúng tôi cảm thấy nội dung cuốn video này không có gì ngược với ý nghĩa Vu Lan báo hiếu mà còn góp ý xây dựng về ngôi chùa là nơi phụng sự Chánh Pháp, phục vụ nhân sinh nên viết ra đây để các đồng hương thưởng lãm, xin luận cổ suy kim để thấy tinh thần bình đẳng vô tư của nhà Phật.
Đức Mục Kiền Liên là một đại đệ tử của Phật thần thông đệ nhất, ngài cảm thấy lòng mẹ thương con hơn biển rộng sông dài. Vì muốn cho con mình hơn ai hết, nên mẹ ngài phải tận dụng tiền tài, quỷ kế để che mắt thế nhân, đương nhiên tội lổi cũng chất chồng. Ngài quán chiếu và thấy rỏ mẹ ngài đang khổ nơi âm cung, Ngài đích thân đến viếng và dâng cơm cho mẹ, nhưng nghiệp lực bà Thanh Đề quá nặng nên phẩm vị hiến dâng tội hồ không dùng được. Tôn giả Mục Kiền Liên niệm Phật, nguyện cầu nhưng nhân quả rỏ ràng chưa chuyển hóa nổi. Trước thâm tình mẫu tử, Ngài bi ai thống thiết xin từ giả mẫu thân trở về bạch Phật xin tế độ mẹ hiền!
Phật dạy:
Mẹ ông tội lỗi sâu dầy, mặc dù ông phước trí trang nghiêm, hiếu hạnh vẹn toàn nhưng chưa chuyển hóa được, nên phải nhờ sức chú nguyện của Mười Phương Thánh Tăng trong ngày tự tứ vào gia tiết Vu Lan ... Nhân ngày chư Phật hoan hỷ, Chúng Tăng tự tứ, ông nên phát tâm tác tạo phước duyên chúng dường bố thí, hoằng pháp lợi sanh, để nhờ công đức tu tịnh hạnh sau mùa An Cư Kiết Hạ, nên nguyện lực của Chư Vị càng cao, hồi hướng công đức để chuyển hóa tội lỗi của mẹ ông. Khi tội hồn đã tỉnh ngộ, thành khẩn sám hối niệm Phật cầu vãng sanh thì tội nghiệp chướng tiêu trừ, căn lành tăng trưởng. Chư Phật Bồ Tát cũng đều hoan hỷ phóng quang tiếp dẫn về Tây Phương An Lạc dộ của Phật Di Đà. Các Phật tử vì kẻ mất người còn mà thành khẩn thực hành hạnh lợi tha thì cha mẹ nhiều đời, gia thân quyến thuộc, rộng ra là thân hữu đồng hương hay các giới hữu tình cũng sinh tâm hoan hỷ, dũng tiến trên đường đạo, là tạo nhân lành hay dành sẵn tư lương rất cần cho mai hậu, những người quá cố, thập loại cô hồn cũng quân triêm thắng phước.
Ngài Mục Kiền Liên và Đại Chúng "y giáo phụng hành". Truyền thống Vu Lan báo hiếu khởi đầu từ đó.
Vài chi tiết trong mùa Vu Lan:
1. Mùa An Cư và Ngày Tự Tứ: Sau khi thành lập giáo đoàn, đức Phật và Chư Tăng cố hoằng pháp lợi sinh. Mặc dù triều đình vua Tịnh Phạn và công chúa Da Du Đa La tìm cách thỉnh Phật hồi triều nhưng Như Lai đặt đức tin tôn giáo và chúng sanh vào hành chính yếu, còn tình cảm gia đình xin dành lại vào hàng thứ yếu. Tăng đoàn của Phật thường đi du hóa bốn phương vời cuộc sống vô cùng thanh đạm trong thời bấy giờ như đi chân đất, quấn vải vóc để che thân. Câu "nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du" có nghĩa là chiếc bình bát thọ nhận cơm cúng dường của bá tánh, đơn thuần qua vạn nẻo để truyền bá Chánh Pháp cho tha nhân.
Do sự giao thông liên lạc đương thời quá khó khăn và mùa hẻ ở Ấn Độ mưa gió liên miên, côn trùng sinh nở, đi lại nhiều sẽ giẫm đạp làm thương tổn sinh mệnh của muôn loài, nên Đức Phật nghĩ ra phép "an cư kiết hạ" để các Tăng đoàn tu học tại chổ, thực hiện nếp sống lục hòa, thanh tịnh trang nghiêm, trau giồi giới đức. Người có kiến thức rộng, hướng dẫn đồng đạo tiến lên, ai có những sáng kiến đặc biệt gì thì ghi vào lá bối để làm tài liệu tham khảo về sau. Bản thân chúng tôi có dịp được mời tham gia phái đoàn hành hương và khảo sát các ngôi chùa cổ Việt nam, nên may mắn được xem ít "bối diệp kinh văn" trong vài ngôi chùa. Nhất là có khá nhiều bản được lưu giử tại chùa Ma Ha Túc ở thị xã Sóc Trăng của Phật Giáo Nam Tông. Chùa ngày có nhiều điển tích đặc biệt là quy tụ vô số loại dơi to lớn như vịt trời, hải âu, chúng bay rợp khắp trời, hay treo mình lủng lẳng khắp các cây đại thụ trong vườn rộng thênh thang, do đó nhân gian thường có tên gọi là "Chùa Dơi".
Sau ba tháng An Cư, thì làm lễ Tự Tứ, để chư vị kiểm điểm công hạnh của mình, cầu Phật chứng minh, cầu Thầy bạn góp ý xây dựng để thăng hoa trên đường tu tiến. Phật Giáo Bắc Tông thường cử hành lễ Nhập Hạ vào mùa Phật Đản và Tự Tứ Xuất Hạ vào mùa Vu Lan. Mỗi kỳ Hạ như vậy được tính là một tuổi đạo. Chư Tôn Giáo Phẩm thường tính thâm niên tu trì và hành đạo bằng Hạ Lạp. Đương nhiên là sau mỗi khóa tu, uy đức Chư Vị càng tăng, tinh thần vững tiến nên Giai Tiết Vu Lan còn gọi là ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng Tự Tứ, ngày siêu độ vong linh, ngày hiếu của thế nhân...
2. Trung Nguyên Địa Quan xá tội: Theo âm lịch và các tiết lễ Trung Hoa thì ngày rằm đầu mỗi mùa là một lễ lớn:
-- Rằm tháng Giêng (đầu mùa Xuân âm lịch): lễ Thượng Nguyên Thiên Quan giáng phước.
-- Rằm tháng Tư: Đại lễ Phật Đản
-- Rằm tháng Bảy: Lễ Trung Nguyên Địa Quan xá tội
-- Rằm tháng Mười: Lễ Hạ Nguyên Thủy Quan
3. Ngày Hiếu của thế nhân, ngày siêu độ vong linh và tiến cúng cô hồn: Tôn giáo và văn hóa thường ảnh hưởng với nhau tạo thành những phong tục tập hóa trong nhân gian. Rằm tháng bảy là lễ Trung Nguyên Địa Quan xá tội và do lời Phật dạy tứ chúng đệ tử nhân mùa Vu Lan và ngày Tự Tứ, nên tác tạo phước duyên, hồi hướng công đức cầu siêu nguyện độ cho Cửu Huyền Thất Tổ, Lịch Đại Tôn Linh, Lục Thân Quyến Thuộc, Cha Mẹ nhiều đời, và nên tưởng nhớ về kẻ mất người còn mà tùy duyên giúp đở, để xoa dịu nổi đau thương của nhiều người trong cơn khốn khó, hay tiến cúng thập nhị loại ám linh cô hồn, để linh hương những người quá vãng được văn kinh thính pháp, trực vãng Tây Phương, đúng với tôn chỉ của Phật Giáo là tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha.
4. Ngày Bông Hồng Cài Áo: Theo lời Phật dạy và truyền thừa hiếu hạnh của đức Mục Kiền Liên Tôn Giả cùng các thầy tổ, gần đây rút mỹ tục tặng hoa của các quốc gia trên thế giới, nguời ta tổ chức cài hoa hồng cho nhau trong thắng hội Vu Lan, nói lên sự cung khính Từ Thân người đối diện với mình.
Những ai còn Mẹ sẽ được cài Hoa Hồng Thắm ngụ ý chúc thọ bậc cao niên, trưởng thượng và mừng người trực diện thường vui vẻ vời Từ Thân. Những ai mất Mẹ sẽ được cài Hoa Hồng Trắng với thành ý nguyện cầu người quá vãng được thanh thoát tiêu diêu nơi Lạc Quốc và nhắc nhở nhau tác tạo phước duyên, để hồi hướng công đức cho kẻ mất người còn được quân triêm thắng phước.
Tìm hiểu về Tứ Trọng Ân và Tam Đồ Khổ:
Qua bài kệ:
"Nguyện dĩ thử công đức
Trang nghiêm Phật tịnh độ
Thương báo Tứ Trọng Ân
Hạ tế tam đồ khổ
Nhược hữu kiến văn giả
Tất phát bồ đề tâm
Tân thử nhất báo thân
Đồng sanh Cực Lạc Quốc"
với đại ý người Phật tử hay các thiện hữu đồng hương làm được những công quả gì lợi mình lợi người tức là tái bồi cho Đạo Pháp nhân sinh. Họ xin đem công đức này đền đáp bốn ân sâu và trợ duyên giải thoát về 3 đường khổ. Nếu có ai thấy nghe mà sinh tâm hoan hỷ, xin nguyện cho các vị đó sinh về nước Cực Lạc. Ta thấy tinh thần các Phật tử canh cánh bên lòng ý niệm làm cho đời tốt đạo đẹp, luôn đền đáp Tứ Trọng Ân:
1. Ân Quốc Gia: tức là nêu cao tinh thần yêu nước thương nòi, tôn trọng các bậc anh hùng liệt nữ, danh nhân tử sĩ đã xả thân vì đại nghĩa quốc gia, tự cường cho dân tộc
2. Ân Xã Hội: Nói chung về ân thầy bạn, các đoàn thể nhân quyền trong cộng đồng sinh hoạt mỗi người một việc để cung ứng các nhu cầu cần thiết cho nhau, đem lại nếp sống tinh thần và vật chất phú túc thăng hoa.
3. Ân Tông Tổ Mẹ Cha: là những vị đã tận tình gây dựng sự nghiệp, san sẻ phần nào tinh hoa và sức sống các ngài để tài bồi cho lớp hậu duệ vuơn lên. Cha Mẹ là những người trực tiếp sinh dưỡng con cái, thì không lời nào tán dương cùng tận, không bút mực nào diển tả cho trọn vẹn ân đức của Mẹ Cha! Đêm năm canh, ngày sáu khắc không người mẹ nào để quên con chịu dơ bẩn đói lạnh, cũng hiếm thấy người cha bỏ con lêu lỏng chơi bời với các tổn hữu ác đạo. Ngày xưa, khi thí sinh đổ đạt, được triều đình ân tứ áo mão, giúp phương tiện vinh quy bái tổ, thiết tưởng đó là lối giáo dục con người hướng về cội nguồn, ghi ân Tông Tổ Mẹ Cha. Tiếp theo những ai học hành thành đạt, hay các văn nhân soạn giả, tạo dựng những tác phẩm giá trị thường ghi dòng chữ vào nơi trang trong: "Dâng Kính Tôn Sư và Song Thân đã dày công giáo dưỡng cho con nên người hữu dụng." Đó là quốc hồn quốc túy cần phải duy trì và phát huy. Xem phim về các loài động vật, thỉnh thoảng chúng ta thấy nhiều loại động vất ra sức chống cự với đối thủ cường bạo để bảo vệ đàn con, hay thấy chúng tha từng miếng mồi về mớn cho con trong cảnh "mẹ thấy con vui, con thấy mẹ mừng", con đực luôn canh chừng các hung thú dòm ngó từ bên ngoài, có thể thừa cơ đột nhập bắt bớ... Ôi tình nghĩa mẹ cha tha thiết mặn nồng. Làm sao ta quên được câu ca dao thắm tình ruột thịt:
"Có ông bà mới có tâng bà là gốc, mẹ cha là cành
Thân ta như thể lá xanh
Nhờ gốc tiếp nhựa, nhờ cành dưỡng nuôi!"
4. Ân Đức Tam Bảo: là ghi nhớ ân đức cao dày của Phật - Pháp - Tăng. Đức Thích Ca Như Lai là một nhân vật thượng thặng giửa thế gian nhưng Ngài không tham luyến riêng tư, quyết "xả thân cầu đạo, xả phú an bần". Ngài lưu lại cho đời một Giáo Pháp vô thượng thậm thâm, thiên nhân kính ngưỡng, thật là một nhân vật vô song, nên Phật tử hay thế nhân nghiêng mình đảnh lể ghi ân Ngài là điểu hiển nhiên (văn thiện ngôn tắc bái).
Người Phật tử đã báo đáp phần nào Tứ Trọng Ân, tưởng cũng nên mở rộng vòng tay trợ hòa cho ba đường khổ, đó là Địa Ngục - Ngạ Quỷ - Súc Sinh. Vấn đền này thì tùy duyên tế độ, thể hiện trong những thời tụng niệm hôm mai, hay qua những lễ nghi tôn giáo, đại lễ Vu Lan...
" Giấy rách phải giữ lấy lề" là khi hoàn cảnh không cho phép thực hiện những điều mình ấp ủ mong muốn, nhưng phải cố gắng gìn giữ những gì tốt đẹp, trân quý và nề nếp gia phong của tiền nhân để lại. Nay chúng ta gặp thuận duyên thường trú tại quốc gia tự do kinh tế dồi dào, mặc dù đất nước này (nước Mỹ) chỉ mới có 500 năm dựng nước (từ khi ông Chirstopher Columbus khám phá ra năn 1492) nhưng cũng đã có ngày Mother's Day và ngày Father's Day, thì từ ngàn xưa Việt Nam chúng ta do Đại Lễ Vu Lan với ngày Bông Hồng cài áo trong cận đại, đương nhiên chúng ta sẽ không thẹn với người đi sau mà biết chu toàn đạo nghĩa.
Hôm nay, Trung Nguyên Giai Tiết, chúng tôi mạo muội viết vài ý nghĩa và truyền thống Vu Lan, nhân thể chúng tôi sưu tầm và biên soạn vài bài "Điệp Văn Truy Niệm, Chẩn Tế Chư Ân Linh Cô Hồn", gọi là gợi nhớ các Đồng Hương một Đại Lễ cổ truyền của Á Đông, hợp với tình đời lẽ đạo, luôn thích ứng với người muôn nơi muôn thuở.
Nam Mô Siêu Thập Địa Bồ Tát Ma Ha Tát
Trần Trọng Khoái