LỜI TỰA

Đối với nhiều người ngày nay, công việc làm đã mất dần ý nghĩa. Nỗi chán chường này không chỉ giới hạn vào một số nghề nghiệp, môi trường hay tín ngưỡng nào, nó từ từ thấm lan khắp mọi ngõ nghách của công việc nói chung. Đây quả là điều bất hạnh, vì công việc vốn dĩ là một phương tiện rất hữu hiệu để chúng ta tìm được lạc thú sâu xa trong đời sống. Công việc có thể là một nguồn suối của sự tăng trưởng, một cơ hội cho ta hiểu thêm về chính ta và để phát triển những tương quan tích cực, lành mạnh với mọi người. Nếu nhìn công việc theo cách ấy thì ta sẽ thấy thực không có gì khác nhau giữa sự dành năng lượng tâm trí mình cho công việc và dành năng lượng để cải thiện sự tỉnh thức và để thưởng thức hương vị đời sống.

Tuy vậy thực không luôn luôn dễ dàng tìm cách khiến cho công việc trở thành một con đường vui sống. Trong khi làm việc với những học viên, tôi vẫn hàng ngày cố khuyến khích để họ tìm được trong chính họ những phương thức ngõ hầu rút được niềm vui, sự viên mãn từ công việc họ làm. Đây không phải là dạy dỗ theo ý nghĩa truyền thống, mà là những gợi ý, cốt để hướng dẫn họ trong công việc và trong sự tự mỡ mang của họ. Sách này có ra từ những ghi chú trong các buổi thảo luận hàng ngày, nó triển khai từ nhiều buổi nói chuyện thân mật. Phương tiện khéo (tên sách nguyên ủy, đã được DG đặt lại) đề cập những cảnh ngộ tiêu biểu mà người ta thường gặp trong công việc và trong đời sống hằng ngày. Đấy là những thói quen mẫu mực tư duy và hành xử vốn thường ngăn cản chúng ta đạt được mục đích mình và tìm được ý nghĩa chân thật trong đời sống.

Thay đổi những mẫu mực đã thành nếp từ thuở nhỏ là một bài học khó nhất cho cả người dạy lẫn người học. Chúng ta thường tưởng rằng những tập quán ta đã quen suốt đời thì không thể nào thay đổi, bởi vậy ta cảm thấy mình bị giới hạn trong một vài việc. Nhưng kỳ thực là không có giới hạn nào cho những gì ta có thể thành tựu, nếu ta thực tình đón nhận mọi cơ hội mà cuộc đời đem lại cho ta. Ta có thể phá vỡ những giới hạn do mình tự tạo, làm những thay đổi lớn, khám phá những khả năng mới mà ta chưa bao giờ biết là mình có được. Quan trọng nhất là ta có thể bừng tỉnh trước những khả năng thực thụ của ta.

Dùng công việc làm phương tiện để tự mở mang và trưởng thành đã đem lại một thay đổi sâu xa trong đời các học viên và cả trong đời tôi. Tôi đã lập nguyện san sẻ với người khác những gì tôi học được, đây là trách nhiệm của tôi, là sự đóng góp của tôi cho cuộc đời. Công việc đã giáo dục tôi một cách phong phú, tôi vô cùng biết ơn về biết bao nhiêu cơ hội tôi có được để học tập và san sẻ.

Trong 20 năm qua, tôi đã có dịp quan sát những lề lối làm việc và lối sống ở cả Đông lẫn Tây phương. Sau khi rời Tibet năm 1959, tôi dạy học và làm việc ở Ấn Độ 10 năm trước khi qua Mỹ. Từ 10 năm nay tôi vẫn làm việc ráo riết hàng ngày cùng với những người Mỹ thuộc nhiều môi trường, nghề nghiệp khác nhau, ở các lãnh vực quản trị kinh doanh, giáo dục, hành chánh, tư vấn, xây dựng, in ấn sách và các nghệ thuật tạo hình.

Mặc dù đóng vai giảng dạy, tự thâm tâm tôi là một kẻ học trò, học sống và học bản tính con người. Hoàn cảnh tôi, sự tu tập của tôi ở Tibet không trực tiếp chuẩn bị cho đời sống trong văn hóa Tây phương, bởi vậy tôi đã vô cùng quan tâm học hỏi từ kinh nghiệm làm việc ở Tây phương. Thông thường khi thấy một nền văn hóa bằng con mắt người ngoài, ta có thể có một nhãn quan mới về những hoàn cảnh, những thái độ mà người trong cuộc thường cho là bình thường. Tôi đã thấy và đã cảm được nỗi chán chường mà nhiều người cảm thấy đối với công việc của họ.

Thế mà tôi lại thấy công việc của mình rất bõ công, rất hứng thú, mặc dù công việc ấy không phải luôn luôn dễ dàng gì.

Mục đích của sách này là san sẻ với bạn đọc những kinh nghiệm ấy, mong chúng có thể giúp bạn tìm ra nguồn vui lớn trong công việc và trong đời sống. Mỗi con người là độc nhất vô nhị, mỗi hoàn cảnh sống cũng khác nhau, bởi thế mỗi cá nhân có thể tìm thấy trong đây một điều riêng có giá trị với họ, để thúc đẩy họ tìm cách nhận ra những khó khăn, rồi vượt qua chúng, và tiến lên để trưởng thành và được thỏa mãn.

Khi sử dụng phương tiện khéo, ta đi thẳng vào công việc mình, hành động ngay để giải quyết vấn đề, và khai mở tiềm năng tự nhiên của ta. Mỗi chúng ta đều có tiềm năng ấy và nếu nhận ra được nó thì ta có thể san sẻ với ngưới khác những tuệ giác và tình yêu của mình đối với công việc. Cuối cùng ta có thể đem lại lợi ích và niềm vui cho tất cả mọi người, để mọi người cũng học tập cách sống những cuộc đời đem lại cho họ thỏa mãn.

Có thể có người ưa triển khai những tư tưởng này cho phù hợp với tiến trình công việc của riêng họ, với sự tăng trưởng nội tâm họ. Ai đề ra những ý tưởng này trước tiên là điều không quan trọng, điều quan trọng là cái giá trị của việc thực hành những ý tưởng này trong công việc và trong mọi sự khác nhau của cuộc sống.

Đây là một thời đại thật khó sống, khó mà làm mọi sự cho thật có ý nghĩa, nên đa số người đang tìm cách làm cho công việc và đời sống họ đem lại niềm vui và ý nghĩa. Và đây là một vài suy tư tích lũy trong nhiều năm qua, mà tôi muốn san sẻ cùng các bạn.

Tôi muốn bày tỏ niềm biết ơn sâu xa đến các học viên, cộng sự viên ở nhà xuất bản Dharma Publising về sự giúp đỡ của họ trong việc xuất bản sách này. Sự đóng góp thì giờ và năng lực của họ thật vô giá trong việc cho ra quyển sách này.

TARTHANG TULKU

Tháng 10, 1978

DẪN NHẬP

Trong quá trình sống, mỗi chúng sinh trong vũ trụ bày tỏ bản chất thật của mình. Với con người thì làm việc là một cách tự nhiên để chứng tỏ mình đang sống, đang dự phần vào vũ trụ. Công việc giúp ta tận dụng tiềm năng mình, giúp ta mở đường đến vô số kinh nghiệm nằm ngay trong sinh hoạt bình thường nhất của thế gian. Qua công việc, chúng ta có thể tập sử dụng năng lượng mình một cách khôn ngoan làm cho mọi hành động đều có kết quả và phong phú.

Làm người chúng ta ai cũng muốn được thỏa mãn vẹn toàn. Chính công việc sẽ đem lại cho ta cơ hội thực chứng niềm thỏa mãn ấy bằng cách phát triển những đức tính chân thật sẳn có của mình. Công việc biểu hiện một cách khéo léo toàn thể con người của ta và cái cách ta tạo nên hòa điệu và quân bình trong bản thân và trong thế giới. Qua công việc, chúng ta đóng góp năng lực mình vào cuộc đời, đặt cả thân thể, hơi thở và tâm ta vào hoạt động sáng tạo. Khi thi thố tính sáng tạo của mình là chúng ta làm tròn nhiệm vụ tự nhiên của mình trên đời, và gieo vào lòng người niềm vui của sự tham dự cuộs sống.

Mỗi chúng ta đều ý thức vai trò của công việc trong đời sống mình. Chúng ta biết rằng công việc có thể chiếm hết con người mình, ảnh hưởng trọn vẹn đến khối óc ta, trái tim ta và các giác quan ta. Nhưng ngày nay ít ai gắn bó vào công việc của mình một cách sâu đậm như thế. Trong xã hội phức tạp hiện nay, chúng ta đã mất liên lạc với tri kiến về cách vận dụng những khả năng mình để sống những cuộc đời có hiệu quả, có ý nghĩa. Trong quá khứ, giáo dục chiếm vai trò quan trọng trong việc trao truyền kiến thức cần thiết để hội nhập học và hành, để biểu lộ bản chất nội tâm mình một cách thiết thực. Nhưng ngày nay, tri kiến cấn yếu đó không còn được trao truyền nữa. Vì vậy hiểu biết tổng quát của ta về công việc rất giới hạn, và chúng ta hiếm khi có được niềm vui thỏa mãn sâu xa do làm việc một cách thiện xảo nghĩa là, làm hết mình.

Có lẽ vì không cần phải thi thố hết sức mới có được những nhu yếu căn bản, nên chúng ta ít khi đặt hết tâm trí vào công việc. Quả thực là sự làm việc vừa đủ sống này đã trở thành mẫu mực. Đa số người không mong gì sẽ yêu được công việc mình làm, lại càng khó làm cho chu đáo, vì công việc thông thường được xem như chẳng gì hơn là một phương tiện để đi đến một cùng đích (là kiếm tiền chẳng hạn – DG). Dù làm bất cứ công việc gì, chúng ta cũng nghĩ về công việc như là cái gì đốt cháy một phần thời gian của đời mình, một phận sự không thể tránh.

Cũng có lúc ta làm việc hết sức hăng, nếu có động cơ thúc đẩy khá mạnh, nhưng nhìn lại động lực thúc đẩy, ta thấy nó thường có phạm vi rất hẹp hòi, chủ yếu hướng về sự thăng cấp, thêm quyền lợi cá nhân và về lãnh vực riêng tư như vì danh dự, vì gia tộc. Cái thứ động lực ích kỷ này khiến ta thực khó mà biểu hiện và phát huy tiềm năng con người của mình qua công việc. Thay vì giúp ta đứng vững trong những đức tính của mình, môi trường làm việc lại nuôi dưỡng những tính như cạnh tranh, thủ đoạn.

Phản ứng lại tình trạng ấy, nhiều người chọn cách hoàn toàn tránh né việc làm. Khi có quan điểm này, chúng ta có thể tưởng là mình đang theo đuổi một đức hạnh khá cao. Nhung thay vì có một công khác làm ta tăng niềm vui sống, thì sự nghỉ việc như thế thật càng hạn chế tiềm năng của ta hơn nữa. Vì sống mà không làm việc chính là làm cho chúng ta rút lui khỏi cuộc đời. Khi chối bỏ cách biểu hiện năng lực của mình bằng việc làm, là vô tình chúng ta tự tước mất cơ hội thể hiện bản tính của mình, và từ bỏ sự đóng góp độc nhất vô nhị của mình có thể làm đối với xã hội con người.

Cuộc đời đòi hỏi chúng ta phải trả giá rất đắc nếu ta không tham gia trọn vẹn. Chúng ta mất liên lạc với những giá trị và đức tính con người tự nhiên tuôn phát từ một sự dấn thân trọn vẹn vào công việc và đời sống: liêm khiết, chân thật, trung thành, trách nhiệm và hợp tác. Nếu không có sự hướng dẫn của những đức tính này trong đời sống, chúng ta sẽ trôi dạt và vướng vào một cảm giác bất mãn hết sức khó chịu. Một khi đã mất đi ý thức muốn làm việc có ý nghĩa, thì ta không còn biết quay về đâu để tìm giá trị cuộc đời.

Điều quan trọng là ta phải thấy rằng theo một nghĩa rộng, sự sống còn của ta tùy thuộc vào ý chí sẳn sàng dốc hết năng lực tâm hồn để làm việc, để tham dự trọn vẹn vào cuộc sống. Chỉ bằng cách ấy ta mới nhận thức được những giá trị và đức tính con người, những thứ đem lại quân bình hòa điệu cho đời sống chúng ta, cho xã hội và cho thế giới. Chúng ta không thể tiếp tục tảng lờ hậu quả của động lực ích kỷ, của những thói như cạnh tranh và thủ đoạn. Chúng ta cần một triết lý làm việc mới căn cứ trên sự hiểu biết sâu hơn về con người, trên sự kính trọng đối với bản thân và người khác, và trên một ý thức về những đức tính tạo nên hòa bình thế giới, đó là truyền thông, hợp tác và trách nhiệm.

Điều này có nghĩa là sẳn sàng đối mặt với công việc một cách cởi mở, nhìn một cách trung thực sở trường sở đoản của mình, và làm những thay đổi khiến đời sống chúng ta tốt đẹp hơn. Nếu thực sự dành hết năng lực để cải thiện thái độ của ta đối với công việc, phát triển những gì thực sự có giá trị trong con người mình, thì chúng ta có thể làm cho toàn thể đời sống trở thành một kinh nghiệm thú vị. Những gì ta học được trong lúc làm việc sẽ định hướng trưởng thành của ta và cho ta phương tiện đem lại thỏa mãn và ý nghĩa cho từng mỗi lúc của đời sống bản thân và người khác. Làm việc như vậy chính là làm việc một cách thiện xảo.

Phương tiện khéo là một quá trình gồm 3 bước có thể áp dụng cho bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống chúng ta. Bước đầu là ý thức rõ thực tế khó khăn của mình, không chỉ bằng cách ghi nhận trên tri thức, mà bằng cách chân thật quan sát chính mình. Chỉ với cách ấy ta mới tìm được động lực để đi bước kế tiếp là làm một quyết định thay đổi. Khi đã thấy rõ thực chất vấn đề và khởi sự thay đổi, chúng ta có thể san sẻ kinh nghiệm với những người khác. Sự san sẻ này có thể là kinh nghiệm thú vị nhất, vì không có niềm vui nào bền bỉ sâu xa bằng khi thấy người khác tìm được cách làm cho đời họ viên mãn và có hiệu năng.

Những chương sau đây bàn đến vài trở ngại cho thế quân bình hòa điệu xảy ra trong các tình huống làm việc, và một số giá trị tốt đẹp mà chúng ta có thể triển khai để chuyển hóa những khó khăn của mình thành một nguồn năng lực để lớn mạnh. Khi dùng phương tiện khéo để trực nhận và tăng cường những phẩm chất của ta trong công việc, là chúng ta đang động đến tài nguyên quý báu tiềm ẩn trong ta đang đợi chờ khám phá.

Mỗi chúng ta đều có tiềm năng tạo nên hòa bình và vẻ đẹp trong vũ trụ. Khi phát triển những khả năng mình và cố san sẻ với người, ta có thể thưởng thức giá trị của chúng một cách sâu xa. Sự thưởng ngoạn này khiến cho cuộc đời thực sự đáng sống , nó mang lại tình yêu và niềm vui cho mọi hành động và kinh nghiệm của chúng ta. Nhờ tập sử dụng phương tiện khéo trong mọi việc ta làm, chúng ta có thể chuyển cuộc sống hàng ngày thành một nguồn vui, một thành tích còn hơn cả mọi giấc mơ đẹp nhất của mình.

Tác giả: Tarthang Tulku Rinpoche
Dịch giả: Thích Nữ Trí Hải



Có phản hồi đến “Làm Việc Một Nguồn Vui - Dẫn Nhập”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com