I-STRESS, BỆNH CỦA THỜI ÐẠI.
Ở cuối thế kỷ này đời sống con người bị stress làm rối loạn. Stress là tự bất ổn của thời đại văn minh. Ðến ngày nay, trên thế giới, có trên 100.00 tài liệu và trên 200 quyển sách bàn về stress. Những nhà chuyên môn y học tâm thể (psychosomaticien), y học tâm lý (psychophysiologiste), tâm thần học (psychiatre), sinh vật học (biologiste), miễn dịch học (immunologiste)... đang tích cực nghiên cứu về stress. Những cơ chế sâu kín của stress vẫn còn huyền bí. Ðạo Phật có lối suy nghĩ rất độc đáo.
A. STRESS LÀ GÌ?
Stress là phản ứng của cơ thể trước mỗi tấn công của môi sinh. Ðó là định nghĩa của nhà vật học nước Canada, HANS SELYE, người đã tìm ra và trình bày stress cho những bạn đồng nghiệp, lần đầu tiên tại nhà thương Laennec (Paris), năm 1950.
Người ta thường lầm lẫn stress, phản ứng của cơ thể, với nguyên nhân gây ra stress. Ðiều này không quan trọng trong việc dùng từ ngữ hàng ngày, nhưng quan trọng đối với những nhà khoa học. Nguyên nhân của stress có thể ở ngoài hay ở trong ta. Ngoài ra như tiếng ồn ào, chiến tranh bệnh sida... hay tin vui của người vừa thi đỗ...Trong ta, như buồn, giận, thương tiếc, nghi ngờ...Những nguyên nhân đó làm cho ta bực mình, sợ sệt, bất ổn. Ðạo Phật coi ba nguyên nhân gốc làm cho con người khổ là: Tham (tham lam, thèm muốn), sân (sân hận, giận hờn, ấm ức, oán thù) si (ngu muội không thấy sự thật). Ba nguyên nhân ấy do tâm ý gây ra.
Cũng có nguyên nhân làm ta vui, nhưng trường hợp đó rất hiếm. Nếu ta hiểu theo đạo Phật thì, trên thế gian này vui ít khổ nhiều, não nhiều; vả lại, trong cái vui đã có cái mầm của cái khổ.
Hậu quả của stress có thể đem lại cho ta ba cảm thọ khác nhau: dễ chịu, khó chịu, không dễ chịu mà cũng không khó chịu. Tùy theo cảm thọ mà thái độ con người khác nhau.
Thực tế có hai loại stress: loại thứ nhất là loại đột ngột, dữ dội làm khủng hoảng tinh thần con người như chiến tranh bom đạn, cháy nhà động đất, thất nghiệp... Trong trường hợp đó, phản ứng của cơ thể ta đột ngột, dữ dội.
Loại thứ nhì, là loại nhỏ nhặt, lập đi lập lại nhiều lần trong ngày, ngày này qua ngày nọ, như tiếng điện thoại reo liên tục trong ngày, tiếng ồn ào xe cộ quanh nhà, chuyện gây gỗ trong gia đình, nhịp sống quá nhanh của thời đại này v.v...mỗi lần ta bực là mỗi lần cơ thể tiết ra chất độc đổ vào máu. Trong trường hợp này tuy phản ứng của ta không phát hiện ra một cách rõ rệt nhưng lâu ngày, cơ thể và tinh thần ta cũng bị thiệt hại, tiêu mòn, bệnh tình sẽ xẩy ra. Loại stress thứ nhì thường gặp ở thế giới âu tây ngày nay.
Từ stress được các nhà báo chí và đông đảo quần chúng phương tây dùng hàng ngày từ lối 20 năm nay. Thông thường, người bị stress là người tự thấy khó chịu, bực bội, lo âu, bị áp lực bên ngoài đè nén...
Thế giới ngày nay, đang sống trong khủng hoảng tinh thần, chính trị và kinh tế chưa từng có. Cách mạng khoa học kỹ thuật làm xao trộn những hệ thống có sẵn từ trước. Chiến tranh còn kéo dài trên 50 nước. Ô nhiễm môi sinh, bệnh sida, đặt ra cho sự sống còn của nhân loại. Con người chưa tìm thấy lối ra. Vì vậy mà con người phải sống trong stress mạnh và kinh niên.
B.STRESS LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG SNH HỌC.
Nhà sinh vật học HANS SELYE (1907-1982) chứng minh rằng stress là một hiện tượng sinh học: khi cơ thể ta bị một ngoại vật hay nội tâm ta tấn công, phản ứng của nó là tiết ra chất catécholamines (adrénaline, noradrénaline) và hoemones cortcoides. Thực tế, còn nhiều chất hormones khác được tiết ra, nhưng ở đây chúng ta chỉ nêu lên đại khái thôi.
Yếu tố xâm phạm cơ thể khác nhau, ở ngoài như thơìi tiết quá nóng, tai nạn xe cộ chẳng hạn, hay ở trong ta như tham, buồn, thương, giận... nhưng cơ thể chúng ta chỉ có một đáp ứng sinh học máy móc: tiết chất catécholamines và hormones corticoides. Phản ứng không đặc thù ấy (non spécifique) gọi là stress. Còn phản ứng đặc thù (spécifique), như khi lạnh thì run, khi nóng thì đổ mồ hôi, khi buồn thì khóc, không phải là stress.
Catécholamines vàhormones corticoides có tác dụng làm cho tim ta đập nhanh, co mạnh, để cho máu ta chảy nhanh hơn; phổi thở nhanh hơn, để đem nhiều oxygène vào trong cơ thể; gan ta huy động chất đường tích trữ trong gan để đem ra máu nhiều hơn; áp huyết ra được tăng lên v.v... mục đích là để cho chúng ta có thêm năng lực hầu đối phó với các yếu tố gây rối ta: như trường hợp người gặp con cọp trong rừng, nhờ có stress mà người ấy có thể hoặc chạy, để thoát nạn, hoặc ở lại để chiến đấu với cọp. Trong đời sống hàng ngày, stress là hiện tượng sinh lý (phy siologique) cần thiết cho con người. Nhờ có stress ta mới đáp ứng được với các điều kiện thay đổi không ngừng của môi sinh. Ông SELYE có viết “ không có stress là chết”. Ngược lại, stress mạnh quá hay nhiều quá, có thể gây ra bệnh tật.
THẬT RA TA KHÔNG CHỐNG STRESS. TA CHỈ CHỐNG HẬU QUẢ ÐỘC HẠI CỦA NÓ.
Có nhiều trường hợp, phản ứng của chúng ta không thích đáng. Ta không đủ năng lực để đối phó với tình hình bất thường quá mạnh, quá đột nhiên hay quá hung tàn hoặc đối phó với nhiều phiền não, lắt nhắt, nhưng kéo dài từ ngày này qua tháng nọ. Trong những trường hợp đó, BỆNH HOẠN CÓ THỂ XẢY RA. BỆNH NÀO CŨNG CÓ THỂ XẢY RA ÐƯỢC. Những bệnh ấy gọi là bệnh tâm thể (maladies psychosomatiques) vì trong đó tinh thần là yếu tố phát động hay chủ động. Thân chỉ là nơi mà triệu chứng phát ra thôi.
Những bệnh tâm thể tiêu biểu nhất là bệnh suyễn, loét hành tá tràng, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, loạn thần kinh, viêm nhiều khớp, mất ngủ, mất ăn...
C. VAI TUỒNG CƠ BẢN CỦA NÃO VÀ TÂM Ý.
Catécholamines đượchệ thần kinh giao cảm (système nerveux sympathique) và tủy thượng thận (médullo- surrénale) tiết ra, dưới sự kích thích của cấu tạo dưới đồi.
Cấu tạo dưới đồi ở trong Não. Bộ phận này và ba bộ phận khác nhau cũng ở trong não, liên hệ chặt chẽ và hoạt động mật thiết với nhau để điều khiển phản ứng cơ thể và tâm lý trong stress. Ba bộ phận kia là: 1. Võ não (cortex cérébral= trung tâm của sự chăm chú thức, thức ở đây là thức hiểu theo trong thuyết 5 uẩn, tiếng Pháp có thể dịch là connaissance discrimnative). 2.cấu tạo lưới ở não giữa (formation réticulée mésen céphalique= trung tâm của sự thức tỉnh) và 3. Khứu não (rhinencéphale = trung tâm của trí nhớ và cảm xúc).
Trong khoa thần kinh, nhiều người nghĩ rằng Tâm tùy Não mà có. Não chết rồi thì tâm sẽ biến mất đi. Ðạo Phật không nghĩ một cách đơn giản như vậy. Không trở lại thuyết năm uẩn, thuyết 12 nhân duyên hay tông duy thức, ta có thể nói rằng Tâm có nhiều mức độ tùy theo trình độ tu tập. Ở các mức độ thấp, Tâm và Não có liên hệ với nhau; điều này không ai chối cãi được. Ở các mức độ cao, nhờ tu tập, tâm trở thành tinh khiết. Ðến một mức độ tinh khiết nào đó, tâm không còn nương tựa vào não nữa. Ta có thể hiểu Tâm là thức Alaya như vậy. (Ðây là cảm nghĩ riêng của người bác sĩ y khoa Phật tử).
Ðiều làm cho các nhà nghiên cứu tự hỏi là: Tại sao cùng ở một khung cảnh căng thẳng như nhau (như trường hợp của những người làm việc ở phi trường hướng dẫn phi công khi máy bay lên xuống), có người bị bệnh, có người không bị bệnh? Trong số bệnh phát ra, không bệnh nào giống bệnh nào cả. Người bị bệnh tim, người bị loạn thần, người bị loét tá tràng... Hiện giờ không có trả lời nào thỏa mãn. Phần đông họ cho rằng: Thái độ con người trước một sự kiện, tùy theo bản lĩnh, tính di truyền, sự giáo dục và kinh nghiệm của bản thân.
Khoa học sẽ tiến tới và sẽ có nhiều hiểu biết mới về quản lý stress. Khoa học đã nghiên cứu rất nhiều về mặt tâm lý để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa có kết quả tốt. Then chốt ở đây, có lẽ là tự hiểu biết về tâm lý (psychologie) theo khoa học và hiểu biết về tâm ý (mental) theo đạo Phật có khác nhau. Theo đạo Phật, tâm-ý là cơ bản vì “Ý dẫn đầu các pháp”.
Tùy tâm mà nhìn sự vật của mỗi người có khác nhau. Tùy tâm mà cách sống của mỗi người trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó cũng khác nhau.
Về stress, ta có thể phân tác phản ứng, và xuyên qua đó, thái độ con người ra làm ba giai đoạn:
1. Sự kiện xảy ra
2. Mình Nghĩ gì về sự kiện đó? Nó có hại cho mình không? Nếu có hại thì hại như thế nào? Nếu có hại, thì có tiết chất catécholamines và hormones corticoides.
3. Tùy cách suy nghĩ mà mình có thái độ.
Có hại thì có stress. Có hại và klhông biết làm sao tránh cái hại đó, thì stress còn mạnh hơn nữa. Catécholaminess và hormones corticoides có thể đổ ra một cách ồ ạt. Tim đập mạnh, áp huyết lên cao, tinh thần rối loạn.
Ví dụ, trường hợp một người đau bệnh nặng có thể chết được. Sợ chết là cái stress làm khủng hoảng tinh thần đa số con người. Nếu người bệnh thấy chết là hết, cố bám lấy cuộc sống, sợ mất tất cả và cứ ngày đêm tự hỏi “ chết rồi sẽ đi đâu? “thì tâm người đó rối loạn không bao giờ an. Còn nếu người ấy tu theo đạo Phật , hiểu rằng: chết là quy luật tự nhiên không ai tránh khỏi, con người là vô ngã, vô thường, thiền mỗi ngày về đề tài “vô ngã, vô thường”, thì tâm người ấy được nhẹ nhàng hơn.
Tóm lại, nếu tâm ta rối loạn, ta nhìn việc gì cũng u tối. Nếu tâm ta yên tĩnh, ta nhìn mọi sự được rõ ràng. Muốn được sống yên tĩnh và hiểu sự vật rõ ràng như trong sự thật, chỉ có một con đường: Tu Thiền theo đạo Phật.
Những biện pháp điều trị stress sẵn có hiện giờ, là những biện pháp tạm bợ, điều trị bên ngoài thôi. Muốn đi sâu vào stress, con người phải thôi nhìn ra bên ngoài, phải nhìn vào bên trong của mình, nhìn vào tâm ý. PHẢI CÓ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG TRONG TÂM MÌNH, PHẢI TRỪ KHỬ HAY ÍT NHẤT LÀ LÀM DỊU BỚT THAM, SÂN, SI, mới có thể điều hòa stress.
II.THIỀN NIỆM HƠI THỞ VÔ, HƠI THỞ RA (ÀNÀPÀNASATI)
A. CÁCH LÀM GIẢM BỚT STRESS TẠM BỢ TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY.
Con người cần có stress để đáp ứng với cuộc sống sôi động hằng ngày, nhất là trong thời đại này. Nhưng phải làm thế nào để tránh hậu quả có hại của stress. Thật ra, không có phương pháp nào hiệu lực hơn phương pháp “mình biết mình”, biết mức độ của mình để bố trí thì giờ ăn, ngủ, làm việc, không vội vã không hấp tấp, để không đảm nhận trách nhiệm gì quá sức mình, để ra chút ít thì giờ tập thể dục thường xuyên...
Trong những trường hợp đặc biệt như chấn thương tâm thần (traumatisme psychique) sau những tai biến bất thường, với triệu chứng sợ sệt, lo âu ngày, đêm, mất ăn, mất ngủ, hoặc tinh thần suy sút, bệnh nhân nên nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần. Phương pháp điều trị, thường hòa hợp thuốc an thần, dùng trong một thời gian ngắn, với liệu pháp tâm lý (psychothérapie). Ðiều trị này có tính cách tạm thời.
Căn bản của các liệu pháp tâm lý phương tây là “thiền” của Á châu; nhưng họ lột hết bản chất của thiền. Phần còn lại là một lối thiền biến chất.
Ta nên nhắc lại một lần nữa: Tâm ý của con người rất quan trọng trong việc chế ngự tác hại của stress, phải chế ngự tâm. Tâm u tối, rối loạn, thì cái gì cũng là stress. Tâm trong sáng,yên tĩnh thì stress cũng biến đi. Rốt cuộc là phải tu tâm, phải sửa mình để sống cho hợp đạo.
Chúng tôi xin giới thiệu pháp môn “Thiền nguyên thủy do đức Phật giảng dạy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra, một pháp môn Chỉ Quán Ðịnh Tuệ song tu mà mỗi người có thể thực hành, ngay trong hiện tại đối với bản thân mình”(Hòa Thượng Thích Minh Châu)
Thiền có nghĩa là tĩnh Chỉ và tuệ quán. Tĩnh chỉ là ngừng tâm thức lại không để cho nó tán loạn, Tĩnh tâm để suy nghĩ , tư duy. Tuệ quán là quán xét một cách minh bạch. Nhờ tâm thức định tĩnh mà hành giả mới thấy được sự vật như thật. Cần nói rõ ràng,theo đạo Phật chứng minh hàng ngày là sự thật tương đối. Còn sự thật tuyệt đối, là vô ngã, vô thường, chỉ có tuệ mới thấy được. Tuệ ở đây, phải do thiền định mới thành tựu được.
Nói một cách khác, thiền là sự tập trung tư tưởng trên một đối tượng để thấy rõ chân tướng, sự thật của đối tượng đó.
B.THIỀN NIỆM HƠI THỞ VÔ, HƠI THỞ RA, MỘT PHƯƠNG PHÁP CHẾ NGỰ STRESS CÓ HIỆU LỰC.
Thiền niệm hơi thở vô, hơi thở ra có hai đối tượng:
Ðối tượng thứ nhất là hơi thở vô, hơi thở ra.
Ðối tượng thứ nhì là bốn niệm xứ. Xứ là nơi. Niệm là nghĩ nhớ, nhớ rõ. Bốn niện xứ là bốn điều mà Phật tử chuyên chí nghĩ nhớ đến thường xuyên, để ghi xâu vào trong não những điều thiện, điều thật điều đúng. Bốn niệm xứ đó là Thân, Thọ, Tâm, Pháp: Thân không trong sạch, Tâm không thường còn, Thọ là khổ, các pháp không có thực thể.
Bốn niện xứ trong NIỆM HƠI THỞ VÔ HƠI THỞ RA là nghĩ đến điều gì làm cho thân an tịnh, thân và tâm có cảm thọ hoan hỷ, an lạc, tâm được định tĩnh, quán các pháp vô thường, quán ly tham, quán đoạn diệt, quán từ bỏ các phiền não đưa đến giác ngộ và giải thoát.
Thiền Niệm hơi thở vô hơi thở ra gồm có ba giai đoạn: điều hòa thân, điều hòa hơi thở và điều hòa tâm.
Chúng tôi xin giới thiệu quyển Hành thiền của Hòa thượng Thích Minh Châu (1988, 716 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Trong trình bày sau đây, chúng tôi xin phép dựa vào và trích ra nhiều đoạn của nhiều đoạn của quyển sách ấy.
B1. ÐIỀU HÒA THÂN
Ðiều hòa thân là CÁCH NGỒI THIỀN, Àngồi thế nào để có thể ngồi lâu, không mỏi và thân không giao động. Thân không giao động giúp cho tâm không giao động. Cách ngồi ấy là kiết già hoặc bán già, lưng thẳng, giữ đầu sống mũi, cổ và lỗ mũi thẳng một đường, để tay mặt lên trái, hơi cúi đầu xuống, nhắm vừa phải. Nêmn ngồi trên nệm nhỏ, ngồi trên nửa đệm, hai đầu gối sát với sàn nhà. Nếu ngồi bán già còn đau quá, những người lớn tuổi có thể ngồi xếp bằng. Với sự kiên trì, ai cũng có thể tìm được cách ngồi, dần dần thoải mái. Lúc đầu tập ngồi 5 phút rồi dần dần lên 10-15 phút... đến nửa giờ hoặc hơn, nhưng đừng quá một giờ.
B2. ÐIỀU HÒA HƠI THỞ.
Sau khi điều hòa thân, tiếp đến là điều hòa hơi thở. Tâm thoải mái, chăm chú vào hơi thở vô, hơi thở ra, không rời khỏi hơi thở một giây nào, thở bằng mũi, thong thả, nhẹ nhàng với nhịp độ 5 hoặc 6 lần trong một phút.
Niệm theo dõi hơi thở trước hết dùng hai thiền chi, hai trạng thái tốt đẹp, Tầm và Tứ. Tầm là hướng tâm tới đối tượng (đối tượng ở đây là hơi thở). Tứ là dán tâm đến đối tượng hay cột tâm vào đối tượng (hơi thở), để cho tâm đừng nghĩ đến chuyện khác, hoàn toàn tập trung vào hơi thở.
Ðến giai đoạn đếm hơi thở vô, hơi thở ra. Thở vô xong, thở ra xong đếm 1, tiếp theo tuần tự đếm 2 , rồi đếm 3,4,5. Ðếm 5 xong, trở lại đếm từ 1 đến 6. Ðếm 6 xong, đếm từ 1 đến 7. Ðếm 7 xong, đếm từ 1 đến 8... tiếp tục như vậy từ 1 đến 10. Ðếm 10 xong, trở lại đếm từ 1 đến 5, rồi 1 đến 6... tiếp theo như trước. Cứ như vậy mà đếm đến hết giờ ngồi thiền.
Thay vì thở vô thở ra bằng “ngực” như thường xuyên, chúng tôi xin góp ý kiến về phương pháp thở vô, thở ra bằng “bụng”, đúng hơn là bằng cơ hoành (diaphragme). Thở bằng cơ hoành có hiệu lực hơn hơi thở bằng ngực vì cơ hoành là cơ hô hấp cốt yếu.
Trong luận án tiến sĩ y khoa trình năm 1962 với đầu đề “Huấn luyện hơi thở và phẫu thuật phổi”, Lê Hữu Phương đã chứng minh rằng trong 105 bệnh nhân mổ phổi (thủ thuật cắt bỏ thủy lobectomie) hay thủ thuật cắt bỏ phổi (pneumonectomie), hơn 75% bệnh nhân, nhờ huấn luyện hơi thở, tìm lại được chức năng hô hấp trước khi mổ.
Thở bằng bụng diễn biến như sau:
Khi ta hít vô, vừa hít vô ta vừa phồng bụng to lên, to chừng nào tốt chừng ấy, cơ hoành hạ thấp xuống, dồn nội tạng bụng, làm cho dung tích lồng ngực lớn ra nhiều. Do đó, phổi hít vô nhiều dưỡng khí.
Khi ta thở ra, vừa thở ra vừa làm thế nào cho bụng tóp lại, tóp nhiều chừng nào hay chừng nấy, cơ hoành nâng lên cao trong lồng ngực; dung tích lồng ngực bị thu hẹp lại. Phổi bị ép vào, thở ra không khí ô nhiễm (nhất là co2).
Như vậy, thở bằng bụng, hít dưỡng khí vô nhiều và thở khí độc ra nhiều. Ngoài ra, di chuyển của cơ hoành giúp tiêu hóa được tốt hơn.
Hiện giờ các thầy thuốc khoa phổi đều công nhận hiệu lực của phương pháp thở này.
Thở bằng bụng không có gì khó. Tập thở với người chỉ dẫn độ hai hoặc ba ngày thì quen thôi. Thật ra, tập một mình cũng được: đầu tiên, ta nên tập thở nằm vì nằm, ta thấy bụng ta dể hơn. Nên dùng một bao cát hình chữ nhật 30cm/20cm, nặng lối 1kg. Bên Pháp có thể dùng danh bạ điện thoại (annuaie des téléphones).
Trong một phòng thoáng khí, ta nằm, để bao cát trên bụng. Ta vừa hít vào thong thả và làm thế nào cho bụng phồng lên. Ta sẽ thấy bao cát đưa lên. Ta cố đưa nó lên cao tối đa. Xong ta thở ra thong thả, vừa thở vừa làm cho bụng tóp lại tối đa. Ta sẽ thấy bao cát sụt xuống. Tập thở vô thở ra như vậy, 4,5 lần trong một phút. Mỗi lần tập lối 10 phút. Hai lần trong ngày.
Sau vài ngày, khi quen rồi, ta thay thế bao cát bằng hai bàn tay của ta để trên bụng. Khi hít vô, ta thấy tay trồi lên. Khi thở ra, ta dùng hai bàn tay ép bụng xuống.
Sau vài ngày nữa, ta có thể thở một mình bằng bụng, không cần tay. Cái chính là giữ cảm giác bụng trong khi thở vô, thở ra như lúc ta tập với bao cát hay lúc ta dùng tay.
Chừng quen rồi, ta có thể thở như vậy, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi lái xev.v...
Càng tập niệm hơi thở, càng ngày hơi thở càng nhẹ nhàng. Tâm cũng nhẹ nhàng và yên tịnh.
B3. ÐIỀU HÒA TÂM.
Qua điều hòa tâm thì đối tượng của niệm là 16 đề tài: 4 về thân, 4 về thọ, 4 về tâm và 4 về pháp.
-4 đề tài về thân:
1- Thở vô dài, tôi rõ biết tôi thở vô dài
Thở ra dài, tôi rõ biết tôi thở ra dài
2-Thở vô ngắn, tôi rõ biết tôi thở vô ngắn
Thở ra ngắn, tôi rõ biết tôi thở ra ngắn
3-Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô
Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô
4-An tịnh thân hành,tôi sẽ thở vô
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra
Trong hai đề tài đầu, ta niệm theo dõi hơi thở vô, hơi thở ra (tức là tu niệm) và chú tâm vào đầu sống mũi, trong lúc thở vô, thở ra ( tức là tu định).
Qua đề tài 3 và 4, ngoài niệm theo dõi hơi thở và chú tâm vào sống mũi, ta thêm quán tưởng đến “cảm giác toàn thân” và “an tịnh thân hành” và toàn cả thân ta được an tịnh (tức là tu huệ).
Như vậy, ta vừa tu niệm, vừa tu định và vừa tu tuệ.
-4 đề tài về thọ:
5-Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô
Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra
6-Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô
Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra
7- Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô
Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra
8-An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô
An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra
Ở 4 đề tài này, ta chú tâm quán tưởng đến hai trạng thái hỷ và lạc. Hỷ là tâm cảm thấy vui vẻ, không còn sân hận. Lạc là cảm thấy vui vẻ, không còn hối tiếc lăng xăng. Lạc cũng là cái vui của các vị tu hành, trong yên tĩnh. Và ta tập làm sao, khi đang thở vô, thở ra, hoạt động của tâm (tâm hành) được bình lặng.
-4 đề tài về tâm:
9- Cảm giác tâm, tôi sẽ thở vô
Cảm giác tâm, tôi sẽ thở ra
10-Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô
Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra
11-Với tâm thiền định, tôi sẽ thở vô
Với tâm thiền định, tôi sẽ thở ra
12- Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô
Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra
4 đề tài này thuộc về tâm hân hoan, thiền định và giải thoát.
-4 đề tài về pháp:
13- Quán niệm vô thường, tôi sẽ thở vô
Quán niệm vô thường, tôi sẽ thở ra
14- Quán niệm ly tham, tôi sẽ thở vô
Quán niệm ly tham, tôi sẽ thở ra
15-Quán niệm đoạn diệt, tôi sẽ thở vô
Quán niệm đoạn diệt, tôi sẽ thở ra
16-Quán niệm từ bỏ, tôi sẽ thở vô
Quán niệm từ bỏ, tôi sẽ thở ra.
Quán vô thường hết sức quan trọng. Vô thường là qui luật của thiên nhiên. Vô thường, vô ngã và đạo lý duyên khởi là cốt tủy của đạo Phật.
Ly tham, đoạn diệt, từ bỏ được các phiền não là con đường đưa đến giác ngộ và giải thoát. (xem Trung bộ kinh-Kinh số 118)
III. MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ CỦA NIỆM HƠI THỞ VÔ, HƠI THỞ RA TRONG VIỆC CHẾ NGỰ CỦA TÁC HẠI CỦA STRESS.
Ðây là chứng kiến của một bác sĩ y khoa chuyên về bệnh tim mạch, đã bị bại hai lần vì chảy máu não cách đây mười năm. Nay đi đứng được bình phục nhưng có di tật đồi (séquelles thalamiques) và còn nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Triệu chứng di tật đồi là đau kinh khủng ở tay và chân. Ngày, đêm đau như bị điện giật, hàng trăm lần mỗi ngày. Thỉnh thoảng, đau lên từng cơn, tay chân bị đè nát. Aùp huyết khi lên cao, khi xuống thấp, choáng váng thường xuyên.
Các bệnh viện chống đau đã dùng tất cả các phương pháp hiện đại để trị cái đau ấy. Nhưng đau không giảm bớt. Cuộc sống của bệnh nhân là một khổ đau dữ dội, tinh thần rất suy sút.
Cách đây năm năm, nhờ Thượng tọa Thích Thiện Châu chỉ dẫn tu tập và thiền theo pháp môn niệm hơi thở vô hơi thở ra, bệnh nhân thấy triệu chứng đau cũng vẫn còn đó. Mỗi ngày cũng vẫn còn dùng thuốc, nhưng dùng ít hơn trước. Áp huyết được điều hòa. Ăn được ngủ được. Không còn choáng váng nữa.
Bây giờ, chịu nổi cái đau, sống hòa hợp với cái đau. Cái đau không còn là kẻ “thù”ø nữa. Ngày nay, nó là bạn với bệnh nhân và có lẽ là bạn đời vì chắc nó không rời bệnh nhân đến khi chết.
Nhờ tu học bài kinh Bốn Niệm xứ ở Trung Bộ kinh nên người bệnh thường nghĩ: “Tôi có đau đâu? Chỉ cái thân nó đau. Thân này có phải là thân của tôi đâu? Thân này là một giả hợp. Nó sinh ra rồi, ngày nào đó, nó sẽ diệt đi. Hợp tan, tan hợp là luật thiên nhiên. Còn cái “Tôi” tìm mãi trong thân này không thấy cái gì được gọi là tôi cả. Vì vậy mà cái “Tôi” cũng không có bản chất thực thể của nó. Cái “Tôi” là vô ngã.
Ngày ngày, nhờ tập Thiền niệm hơi thở vô hơi thở ra mà tương đối thân tâm được yên tịnh, đời sống tương đối được an lành. Hậu quả đen tối của stress được chế ngự.
Ðược như vậy là nhờ bốn thiền chi do niệm hơi thở vô hơi thở ra đem đến. Bốn thiền chi đó là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc. Thiền chi là trạng thái tốt đẹp do thiền đem lại. Tầm, tứ đối trị được hôn trầm thụy miên (buồn ngủ, thụ động) và nghi vấn. Hỷ, lạc đối trị được sân giận và trạo cử, hối tiếc. Còn thiền chi thứ năm là “nhất tâm” đối trị được tham dục. Bệnh nhân không biết mình đã đến được “nhất tâm” chưa? Nhưng tự thấy mình hết thèm muốn gì nữa. Chỉ còn thèm muốn giữ được sức khỏe ở mức độ ngày nay. Còn chuyện sống chết thì không phải là vấn đề quan trọng.
IV. KẾT LUẬN
Stress là phản ứng sinh học và tinh thần của con người trước một tình trạng bị bắt buộc. Phản ứng được thể hiện bằng thái độ của con người trong tình trạng đó.
Trong stress, yếu tố tinh thần là cơ bản. Nếu tinh thần u tối, rối loạn, thì thấy chuyện gì cũng xấu. Nếu tinh thần trong sáng, an tịnh thì thấy chuyện gì cũng rõ ràng; nhờ vậy mà tìm ra được biện pháp thích hợp để đối phó tình thế.
Từ khi người là người, nghĩa là trên đây 100000 năm, tinh thần vẫn bị ba bệnh ô nhiễm; ba bệnh ấy là tham, sân, si. Ba bệnh này sinh ra cái khổ của con người. Người nào còn mắc phải ba bệnh này, người đó còn khổ, còn bị stress. Không những mình khổ thôi mà còn tạo cái khổ cho người khác, mình còn gây ra stress cho người khác.
Thời đại này là thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật, thời đại con người lên mặt trăng, khám phá vũ trụ, cấy các bộ phận như thận tim phổi vào người, chế tạo ra máy điện toán, máy tự động...Trong lúc đó, hàng trăm triệu người thất nghiệp 80% dân số trên thế giới còn thuộc về thành phần “thế giới thứ ba” không biết ngày nào ra khỏi giòng đau khổ.
Trí thông minh con người vô biên nhưng nhân loại vẫn khổ. Khoa học kỹ thuật chỉ là dụng cụ để phục vụ tâm con người. Nếu tâm còn ô nhiễm, thì dù ở thời đại nào hay ở đâu, con người cũng khổ.
Muốn giải quyết được stress cũng như muốn giải quyết được khổ, chúng ta phải theo đường Phật dạy, Tứ Ðế và phải tu theo ba môn Giới ,Ðịnh, Tuệ.
Chúng ta nên tu thiền theo phương pháp niệm hơi thở vô hơi thở ra vì phương pháp này đơn giản và thần nhất.
Chúng ta “hãy tự cố gắng, Như Lai chỉ là người chỉ đường”.
Xin kết luận bằng vài câu kinh Pháp cú:
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói năng hay hành động,
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo”.
Và lời nói của ông Hans Selye, ông tổ của stress, vài năm trước khi ông qua đời: “Le stress, ca n`existe pas”. (stress, chuyện đó không có). Nghĩ theo đạo Phật, stress là vô ngã.
Nguyên Minh Lê Hữu Phương