Chị dạo này được rãnh rang vì không ai phụ chị trồng bông, chồng đi làm suốt, làm nhiều họ ăn trộm nhiều vì quá xa nên chị bán cho người ta luôn ở nhà thảnh thơi tu tập, đi chùa, chăm con. Nghe thế mình cũng mừng. Chị cũng không phải là người có nhiều ham muốn gì, thích ở nhà hơn đi ở ngoài đường, sống rất tiết kiệm. Có chăng điều chị thích là được giữ tiền, như mọi người phụ nữ để vun vén cho gia đình con cái chuyện học hành này kia. Nói chung là bởi vì cuộc sống bây giờ quá bấp bênh, chẳng có gì là cố định vĩnh viễn và cũng không biết tin vào đâu nên phải lo thủ sẵn phòng thân khi có cớ sự. Âu cũng là điều hết sức bình thường. Nhà chỉ có mỗi chị ở Việt Nam nhưng chị bình dân lắm, chăng bao giờ có ý hay nghĩ đến việc xin xỏ gia đình chị em ba má gì, dù cho chị một chút chị cũng vui, không thì thôi. Chị biết bên này phải làm việc sống cực thế nào. Chị lại không phải như người ta ham việc được xuất ngoại, chỉ thích ở nhà, quanh nhà, coi tivi xem băng đĩa vậy thôi.

Vì sống ở nông thôn bởi vậy phải vây xung quanh rất nhiều hàng xóm và cả người thân. Ngày xưa có câu hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, bán bà con xa mua láng giềng gần, mọi người quý nhau chứ thời nay thì ôi thôi đủ thứ phiền nhiễu. Đồng tiền có thể làm cho người ta thay đổi tất cả cùng với sự ghen ghét đố kỵ cái gì người ta cũng dám làm. Riết rồi dần dần mang tiếng là hàng xóm láng giềng như đèn nhà ai nấy thắp, cửa rào then cài. Trẻ con cũng chỉ biết ở nhà tự chơi với nhau ngoài giờ đi học ở trường.

Chị than thở bảo chẳng biết phải sống thế nào cho vừa lòng với miệng đời thế gian. Ngày xưa chị cứ đi trồng bông cực khổ suốt ngày mệt mỏi, làm quần quật quanh năm, mọi người đàm tiếu nhà toàn Việt kiều mà keo kiệt, không dám tiêu xài, suốt ngày vắt cổ chày nên mới đi làm tự chuốc khổ vào thân dù gia đình cũng chẳng cho chị gì nhiều như mọi người vẫn tưởng. Chị cũng hiểu cuộc sống cực khổ bên này thế nào thành ra chị đều tự vun vén cho mình. Chị cho thuê nhà dù toàn là cho giảm giá, cho người nghèo thuê rồi trả nợ cho họ, nhiều khi họ trốn họ lấy tiền của chị nhưng chị cũng chẳng buồn lâu, bảo dù sao họ cũng nghèo. Mọi người lại đàm tiếu hơn rằng ai mướn nhà chị cẩn thận vì chị sẽ dựt tiền mượn tiền người ta. Giờ khi không còn bán bông nữa, chị ở nhà chăm con để chồng đi làm, họ lại dị nghị làm biếng ở nhà, không chịu làm việc. Chị tự nghĩ hoài mình chẳng làm gì, chẳng tiêu xài gì, có xe xua chưng diện đua đòi gì với ai, nhà trồng gì cũng mang đi cho, thuốc men cũng chia sẻ nhưng thói đời ghen tức chẳng bao giờ chịu buông.

Tôi khuyên chị hơi đâu mà lo miệng thiên hạ nói gì vì tâm bình thế giới bình, tâm an vạn vật an. Người tu hành càng chẳng bận tâm chuyện thị phi. Sự đời vốn là thế và sống trên dư luận thị phi tâm bình thì sẽ bình an. Càng nhiều thị phi như người đi giữa gió bão mà an định sẽ giúp tâm vững mạnh lên rất nhiều. Đối diện với nhân ngãi cuộc đời hãy như dòng nước, đâu cũng uốn lượn được. Như tôi làm trong ngành y, nếu suốt ngày lo sợ người ta nói gì, nghĩ gì về mình, tôi sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì cả. Vì vậy, cứ thanh thản bình an, chị bớt đi những chuyện làm việc để dành thời gian chăm sóc gia đình, bớt tiêu xài để bớt khổ, dành thời gian đưa đón con cái, nội trợ, tu hành, con cái lúc nào cũng cảm thấy có mẹ kế bên, đầu tư giáo dục cho con cái giá trị hơn rất nhiều so với việc cứ bận rộn suốt ngày vừa lo quán xuyến gia đình, vừa làm việc quá cực nhọc lại chẳng được là bao. Người tu hành dành thời gian lo tu thì đó chính là hiệu quả nhất.

Nhân đó tôi kể lại cho chị câu chuyện về "Hai cha con và con lừa". Có hai cha con dắt con lừa ra chợ bán. Cha ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người đi đường thấy thế bèn nói: "Cha gì mà không biết thương con! Ngồi trễm trệ trên lưng lừa, trong khi con phải đi bộ!". Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống khỏi lưng lừa và nhường cho con cưỡi lừa. Ði được một chốc, hai cha con lại nghe người hai bên đường chỉ trích: "Ðồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên lưng lừa, trong khi cha lại đi cuốc bộ". Nghe như vậy, hai cha con mới bảo nhau: "Chỉ còn một cách để cho thiên hạ khỏi nói là hai ta cùng cưỡi lừa".

Thế là hai cha con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được một quãng, họ lại bắt đầu nghe một lời phê bình khác: "Thật là đồ vô nhân đạo! Làm sao con lừa chịu đựng cả một sức nặng như thế".

Nghe thế, hai cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng lừa. Lần này thì cũng có người phê bình: "Ðồ dại dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi bộ". Hai cha con không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng con lừa đến chợ.

Ðôi khi chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì những lời khen chê của thiên hạ. Dĩ nhiên chúng ta cần phải biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có thiện chí muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không nên để mình bị "rung động" bởi những lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Câu Chuyện Phật Giáo Số 31: Sống Sao Cho Toại Lòng Người?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com