Mục Lục
Hỏi: Tu Tịnh Ðộ chết về Cực lạc, còn tu Thiền chết đi về đâu?
Ðáp: Câu này thầy Thanh Từ đã trả lời rồi. Tu thiền cốt đạt đến chỗ vô sinh mà nay lại hỏi đi về đâu thì vô lý. Người tu thiền chưa giác ngộ thì tùy nghiệp tái sinh.
Riêng tôi thì tôi thấy không nên hỏi tu thiền chết đi về đâu mà nên hỏi tu thiền sống đi về đâu?
Tại sao chúng ta cứ có quan niệm tu để sau này chết đi về đâu? Hoặc tu để sau này hết khổ. Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Tại sao không lo sống trọn vẹn ngày hôm nay mà cứ lo ngày mai?
Có một người đi làm nhiều tiền nhưng không dám ăn, không dám mặc. Anh ta nói: tôi để dành tiền để ngày mai ăn mặc no nê sung sướng. Nhưng sang này mai anh vẫn không dám ăn mặc và nói: tôi để dành tiền để ngày mai ăn mặc no nê sung sướng. Và cứ thế anh ta không bao giờ ăn mặc đầy đủ, vì cái ngày ăn mặc no nê đầy đủ kia luôn luôn là ngày mai. Anh ta có đầy đủ tiền bạc nhưng sống chẳng khác kẻ nghèo đói.
Người tu Tịnh Ðộ yên chí sau khi chết mình sẽ về cực lạc nên họ ưa thắc mắc không biết người tu Thiền chết đi về đâu? Nhưng đối với người tu Thiền, hiểu được tánh bất sinh bất diệt của các pháp thì không có gì đi hay về, sống hay chết. Bởi vậy câu hỏi kia vô nghĩa đối với người tu thiền.
Theo tôi, người tu Tịnh Ðộ có hai hạng: lạc quan và yếm thế.
* Hạng yếm thế y cứ vào ngôn cú của kinh văn. Cõi Ta Bà là cõi ô trược, đau khổ (ngũ trược ác thế), cõi Cực Lạc là cõi cực kỳ sung sướng. Chủ trương của họ là yểm Ta Bà, hân tịnh độ, tức là chán ghét cảnh Ta Bà nơi đây và ưa thích cõi Cực lạc đàng kia.
Cuộc sống hiện tại ở đây không vừa ý, họ là những người thất chí, chồng phụ bạc, con bất hiếu, bạn lường gạt, đời hất hủi,..., thật là bất hạnh đau khổ. Ðời họ chỉ thấy một màu đen tối ảm đạm. Những người tu như vậy nếu không phải chán đời thì là gì?
Càng chán đời bao nhiêu thì càng muốn về Cực lạc bấy nhiêu và nhờ đó sự tu niệm tín, nguyện, hạnh được tinh tấn. Họ chỉ mong sao rời bỏ cõi này càng sớm càng tốt. Tu như vậy có phải là muốn chết sớm hay không? Mà dù không chết sớm đi nữa, ở lại cõi này có vui thú gì!
* Hạng lạc quan: đây là những người hiểu được thế nào là tịnh độ, thế nào là cực lạc. Tâm tịnh thì quốc độ tịnh, tâm lạc thì thế giới lạc. Tịnh hay lạc ở ngay trong tâm mình chứ không phải ở bên ngoài. Họ vượt qua sự đối đãi hai bên, bỏ đây tìm kia, ưa cái này ghét cái nọ. Họ không bỏ Ta Bà, chạy theo tịnh độ mà tịnh độ hóa ngay Ta Bà, chuyển Ta Bà thành tịnh độ. Nói cách khác là chuyển sự nhận thức của mình, nâng tâm thức của mình lên một tầng số khác. Ðược vậy thì ngay ở đây đâu có thiếu gì bồ tát, thiện tri thức. Ðề Bà Ðạt Ða cũng là thiện tri thức của Phật kia mà! Hoặc nếu có cầu vãng sinh về Cực Lạc thì đó cũng là vì chí nguyện độ sanh, muốn mau thành Phật để cứ độ chúng sinh, chứ không phải vì yếm thế.
Ðối với hạng người này thì cuộc đời đáng sống và mang nhiều ý nghĩa. Họ hăng say phục vụ chúng sinh, đem lại an vui hạnh phúc cho mình và người. Dù không được cực lạc, sung sướng 100% mà được an lạc 1 hay 2% họ cũng mãn nguyện.
Các thiền sư thõng tay vào chợ, không sợ thị phi, đi vào cuộc đời cứu độ kẻ khác, chính là hạng người này.
Ða số người tu Tịnh Ðộ đều thuộc hạng thứ nhất. Tôi không nói đó là tốt hay xấu, mà chỉ nhận xét như vậy thôi. Ai tu kiểu nào cũng được, miễn có tu là tốt lắm rồi.
Hỏi: Thầy có nói trong băng Duy Thức là niệm Phật không nhất tâm thì không vãng sinh được?
Ðáp: Niệm Phật không nhất tâm tức là những chủng tử Di Ðà quá ít, quá yếu, không đủ sức khởi ra hiện hành thành y báo và chánh báo lúc lâm chung nên khó vãng sinh được.
Hỏi: Nhưng có nhiều thầy dạy rằng trong ba điều: tín, nguyện, hạnh thì tín và nguyện là quan trọng còn hạnh tức niệm Phật thì chỉ quyết định cho quả vị cao thấp thôi. Nếu tín và nguyện mạnh thì dù có niệm Phật ít đi nữa cũng được đới nghiệp vãng sinh, hoặc hạ phẩm hạ sinh. Thầy nghĩ sao?
Ðáp: Ðúng. Nếu tín và nguyện mạnh thì sẽ về Cực lạc .Nhưng làm sao cho lòng tin và nguyện được mạnh? Ðâu phải tin một lần hay nguyện một lần là đủ! Ta phải thường xuyên tin tưởng nơi sự tiếp độ của Phật Di Ðà, thường phát nguyện hằng ngày cầu về cực lạc, như vậy tức là đang gieo những chủng tử tịnh độ Di Ðà vào tàng thức.
Trường hợp hồi nãy là nói những người không có tín, không có nguyện mà lại niệm Phật không nhất tâm thì không vãng sinh được.
Tu Tịnh độ không nhất thiết chỉ căn cứ vào sự niệm Phật. Quý thầy giảng Tịnh độ thường dựa vào kinh tiểu bổn Di Ðà, tức là kinh Phật thuyết A Di Ðà thường được tụng trong các buổi lễ cầu siêu, trong đó đức Phật nói người nào chấp trì danh hiệu Phật A Di Dà, từ một ngày cho đến bảy ngày, được nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung sẽ được Phật A Di Ðà và thánh chúng hiện đến tiếp dẫn về cực lạc. Từ đó quý thầy dạy phải niệm Phật cho nhiều, nhiều thật nhiều để chắc chắn vãng sinh. Chư tổ lại tùy phương tiện đặt ra sổ công cứ để khuyến khích sách tấn người niệm Phật. Ðây là điều rất tốt, nhưng ngoài phương pháp niệm Phật ra, còn nhiều cách tu khác để về cực lạc!
Trong kinh Ðại Bổn Di Ðà tức Kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật Di Ðà khi còn là Pháp Tạng tỳ kheo đã phát 48 lời nguyện, trong đó có ba lời nguyện (18,19,20) liên quan đến việc vãng sinh:
* Lời nguyện thứ 18: Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sinh chí tâm tín mộ muốn sinh về cõi nước tôi cho đến mười niệm, nếu chẳng được sinh, thì tôi không ở ngôi chánh giác.
* Lời nguyện thứ 19: Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sinh phát bồ đề tâm tu các công đức nguyện sinh về cõi nước tôi, đến lúc lâm chung, nếu tôi chẳng cùng đại chúng hiện thân trước người đó, thì tôi không ở ngôi chánh giác.
* Lời nguyện thứ 20: Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sinh nghe danh hiệu tôi, chuyên nhớ cõi nước tôi và tu các công đức chí tâm hồi hướng muốn sinh về cõi nước tôi, nếu chẳng được toại nguyện, thì tôi không ở ngôi chánh giác.
Qua ba lời nguyện trên, ta thấy nguyện thứ 18 nhấn mạnh về lòng tin (tín), nguyện thứ 19 nhấn mạnh về sự mong ước, phát nguyện, nguyện thứ 20 nhấn mạnh về sự hồi hướng. Ngoài ra phải tu các công đức, nếu không có công đức thì lấy gì hồi hướng! Nếu không có công đức mà phát nguyện thì đó chỉ là nguyện suông, không có sức mạnh.
Tu các công đức ở đây chính là hạnh, nó bao gồm tất cả: ngồi thiền, tụng kinh,trì chú, niệm phật, bố thí, trì giới, ...và nhất là thương yêu cứu giúp kẻ khác, tất cả những việc vị tha, đem lại lợi ích cho mình và cho người đều là công đức.
Ta có thể ngồi thiền hoặc trì chú rồi hồi hướng về cực lạc. Ði chợ thấy một bà cụ xách giỏ nặng, ta đến xách hộ rồi hồi hướng về cực lạc. Làm như vậy tức là tu theo lời nguyện thứ 20. Tu Tịnh độ kiểu này đâu có chán đời, đâu cần phải nhập thất ngồi yên niệm phật.
Ở Canada mùa đông trời tuyết giá băng, đi ra đường lạnh thấu xương, ta liền quán niệm như sau: ở đây trời lạnh buốt xương, thật là khổ cực, chẳng bằng ở cực lạc thời tiết ấm áp tùy theo ý mình. Ði chợ nghe người ta cãi nhau, ồn ào nhức óc, ta liền nhớ tưởng đến cảnh cực lạc, ở đó toàn là thiện tri thức nói năng hoà nhã, gió thổi cây reo đều phát ra tiếng nhạc êm dịu. Quán tưởng như thế rồi liền phát nguyện sinh về cực lạc. Ðó là tu theo lời nguyện thứ 19. Tu như vậy, đi vào bất cứ cảnh giới nào của Ta Bà, ta cũng nhớ đến cực lạc. Luôn nhớ cõi cực lạc thì khi chết sẽ về cực lạc, đâu cần phải vào chùa mua hình mua tượng phật Di Ðà đem về treo đầy nhà.
Ngoài hai kinh Di Ðà nói trên còn có kinh Quán Vô Lượng Thọ, trong đó đức Phật dạy cho hoàng hậu Vi Ðề Hy 16 phép quán để vãng sinh về cực lạc. Thí dụ phép quán thứ nhất: quán mặt trời lặn phương tây. Ở Montréal quý vị có thể vào parc Mont-Royal mùa hè ngắm nhìn mặt trời lặn mà vẫn tu được, thấy những hồ nước tĩnh lặng liền nhớ đến ao sen (liên trì) ở cực lạc, nghe tiếng chim hót liền nhớ đến các loài chim quý của kinh Di Ðà...
Mùa hè mình nên cởi giầy đi chân không trên cỏ để tiếp xúc với mặt đất, với thảm cỏ xanh mát và quán tưởng mình đang bước đi trên những hoa sen. Ðâu ai cấm mình làm điều đó Quý vị không làm được vì cho rằng như thế là tưởng tượng. Trong khi đó quý vị đâu có hay là mình vẫn thường đi trên đường với những bước chân nặng trĩu lo âu, với hai vai gánh nặng cuộc đời. Cái đó không ai bắt buộc mà sao quý vị vẫn cứ làm?
Thật đúng là 'thiên đàng hữu lộ vô nhân vấn, địa ngục vô môn hữu khách tầm'.
Quý vị nhớ, tu tịnh độ có nhiều cách thức để tu, không nhất thiết phải lần tràng niệm hạt mới gọi là tu. Nhiều người tu tịnh độ sinh ra cau có, bực bội với chồng con vì phải lo cho chồng con nên không còn thì giờ niệm Phật. Nếu quan niệm như vậy thì sẽ không bao giờ có thì giờ tu, mà dù có ráng tu đi nữa thì tâm cũng khó được an.
Hỏi: Trong một cuốn băng, thầy có nói trẻ mà tu Tịnh độ thì uổng quá.
Ðáp: Trẻ mà tu Tịnh độ theo kiểu người già thì hơi uổng, vì không thích hợp nên khó tu dài lâu. Người già, việc đời đã xong, không còn phải lo sinh nhai kiếm sống, không còn phải lo cho con cái, chỉ cần ngồi yên niệm phật, chờ ngày ra đi về hương quê cực lạc. Nếu tu chăm chỉ, một ngày qua là một ngày sớm về cực lạc cho nên họ càng tin tưởng tinh tấn. Nếu trẻ mà tu như vậy có khác gì cầu chết sớm. Càng tu như thế càng dễ chán đời, vì trước sau gì cũng về tịnh độ, đi làm đi ăn làm chi, cuộc đời này đâu có vui thú gì.
Nếu trẻ mà về cực lạc thì vợ con để lại ai nuôi? Người già đâu còn công nợ gì nữa, trong khi đó người trẻ còn phải lo làm ăn sinh sống, lo trả tiền nhà, tiền thuế, tiền xe,v.v...
Hỏi: Nhưng đời vô thường, vẫn có nhiều người trẻ chết sớm.
Ðáp: Ðúng. Vẫn có nhiều người trẻ chết sớm, nhưng dù ngày mai có bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử đi nữa, ngày hôm nay vẫn còn phải đi làm nuôi vợ con, nuôi gia đình,v.v... Chỉ trừ người trẻ nào bệnh nặng sắp chết như sida hay cancer nằm liệt giường liệt chiếu thì nên tu theo mấy người già, nằm yên hoặc ngồi yên nhắm mắt niệm Phật chờ về cực lạc. Chính tôi, lúc bị bệnh nặng, thấy cái chết kề bên, cũng nằm yên nhắm mắt niệm Phật, vì lúc đó kiệt sức quá không làm gì khác hơn được.
Hỏi: Như vậy thì người trẻ phải tu Tịnh độ theo kiểu nào?
Ðáp: Tu Tịnh độ theo kiểu yêu đời chứ không phải chán đời mà tu. Vui sống để tu hành, tu hành để bớt khổ và hết khổ ngay tại nơi đây. Càng hết khổ thì càng vui sống, càng vui sống thì càng thích tu vì thấy sự tu có hiệu quả ngay trong hiện tại. Tu Tịnh Ðộ đúng như lời Phật dạy :
Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.
Tu Tịnh Ðộ bằng cách thanh lọc tâm ý của mình, sống từ bi hỷ xả, đem lại an vui hạnh phúc cho mình và kẻ khác, biết thương yêu và tha thứ, không nuôi duỡng hận thù. Và thường hồi hướng công đức cầu sinh Cực Lạc, để được gặp Phật nghe Pháp, gần chư Bồ Tát tu hành, sớm thành đạo quả để trở lại cõi Ta Bà này cứu độ cha mẹ anh em.
Hỏi: Thầy có nói đem Tịnh độ về Ta Bà là sao?
Ðáp: Ðó là một cách nói. Ta có thể sống theo thời khóa biểu của Tịnh độ, theo nhịp sinh hoạt của dân Tịnh độ ngay tại Ta Bà này. Chúng ta tập sống như người ở Tịnh độ. Thí dụ: ở thế giới Cực lạc ăn cơm trưa xong mọi người đi kinh hành, thì ở đây ăn cơm xong mình cũng đi kinh hành niệm Phật. Nếu đi làm ăn cơm ở sở, ăn xong mình cũng dành ra năm, mười phút đi kinh hành niệm Phật. Buổi chiều ở Cực lạc, ai nấy đều trở về an trú nơi bông sen của mình thì ở đây (Ta Bà) quý vị trở về nhà ngồi trên nệm của mình hít thở lắng tâm rồi niệm Phật, quán tưởng mình đang ngồi trên một hoa sen, điều này mình có thể làm được, đâu ai cấm, chỉ vì tâm mình lười biếng quen nghĩ lung tung chyện đời, không quen quán tưởng hình phật, hoa sen, v.v... Quý vị nên tập quán tưởng theo 16 phép quán của kinh Vô lượng Thọ rồi đem ra áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Sáng sớm thức dậy đi dạo công viên nghe chim hót, ta liền nhớ lại ở cực lạc cũng có chim bạch hạc, anh vũ, ca lăng tần già, v.v... hót tiếng hòa nhã nói pháp. Ở Ta Bà này cũng có chim sẻ, chim bồ câu, chim sáo,v.v... có thể không đẹp bằng những loài chim kia, nhưng nếu nhìn kỹ chúng cũng dễ thương, cũng hót líu lo chào mừng ngày mới, và nếu tâm ta không nặng trĩu lo âu, buồn phiền thì ta cũng có thể hòa nhịp với vũ trụ và trong một thoáng giây nào đó ta thoát khỏi cái ngã nhỏ bé sinh diệt này và ta có mặt mọi nơi.
Người ngoài nhìn thấy ta ngồi trên cỏ hay trên ghế, nhưng trong tâm ta, ta thấy mình đang ngồi trên hoa sen. Người ngoài nhìn thấy ta đang đi trên đường tráng nhựa, nhưng trong tâm ta đang đi từng bước trên hoa sen đủ màu tùy theo ý thích. Trên đường lái xe đến chùa nghe pháp, ta ý thức được mình cũng giống như dân cực lạc bay đi mười phương nghe Phật thuyết pháp. Thân tuy còn ở đây (Ta Bà) nhưng tâm thức mình đang sống cảnh Tịnh độ. Tịnh độ hay Ta Bà hoàn toàn tùy ở sự nhận thức (perception). Người đời nhìn đâu cũng thấy sầu bi, uế trược, chán đời, còn mình nhìn đâu cũng thấy sự vật chẳng khác cực lạc. Nhờ quán tưởng và nhận thức như vậy, tâm thức của ta được lên một tầng số rung động khác, tương ưng với nhịp rung của dân cực lạc. Nếu được vậy, khi chết chắc chắn sẽ về cực lạc. Chết về cực lạc mà ngay trong lúc sống cũng không rời Tịnh độ, tâm hồn an vui, thanh thoát, không hệ lụy. Như thế có vui hơn không hay là lúc nào cũng phải chán đời (yểm Ta Bà) mới về cực lạc được!
Hỏi: Thế nào là tâm tịnh thì Phật độ tịnh?
Ðáp: Khi tâm mình hoàn toàn thanh tịnh thì nơi mình đang ở sẽ trở thành thanh tịnh như một cõi Phật. Ðây là một vấn đề chuyển hóa nhận thức. Nói có vẻ dễ nghe, nhưng không dễ làm. Tâm tịnh của hàng A La Hán như Xá Lợi Phất cũng còn thấy cõi Ta Bà này là bất tịnh, ít nhất phải như cỡ Bồ Tát Duy Ma Cật, Văn Thù, Quan Âm thì mới thấy Ta Bà chẳng khác Tịnh Ðộ.
Hỏi: Về cực lạc rồi, có ra khỏi lục đạo chưa hay là sẽ phải trở lại lục đạo nữa?
Ðáp: Về cực lạc rồi thì được xem như ra khỏi lục đạo nhưng sẽ phải trở lại lục đạo. Cực lạc cũng tương đương như hóa thành của kinh Pháp Hoa. Về cực lạc ta sẽ sống rất lâu (vô lượng thọ) nhưng không có nghĩa là không chết (bất tử). Nhờ sống rất lâu và chung quanh có chư bồ tát, thanh văn, thiện tri thức sách tấn tu hành nên chắc chắn sẽ chứng được quả vị bất thối bồ tát. Trường sinh nhưng không bất tử, chính đức Phật Di Ðà cũng sẽ nhập niết bàn, sau đó Quan thế Âm bồ tát sẽ thành Phật ở cõi cực lạc, kế tiếp đến Ðại thế Chí bồ tát thành Phật.
Sau khi chứng được quả vị Sơ địa bồ tát hoặc bất thối bồ tát, ta sẽ tùy nguyện thọ sinh hay hóa sinh. Có thể tái sinh lại ở cực lạc hoặc một cõi tịnh độ nào khác, hoặc trở lại Ta Bà cứu độ chúng sinh và cứ thế tiếp tục cho đến quả vị Nhất Sinh Bổ Xứ. Từ quả vị bồ tát cho đến khi thành Phật đương nhiên phải trở lại lục đạo để hóa độ chúng sinh.
HT Thích Trí Siêu