Nhiều lần tôi nói về tình thương, đối với tôi tu không phải là dứt tình (đoạn tình) mà là chuyển tình. Nhưng một thầy tu mà nói về tình thương hay tình yêu không khéo sẽ có Phật tử hiểu lầm ngay. Ở cõi Ta Bà này là cõi nhiều chuyện nên Phật Thích Ca đã phải nói suốt 45 năm, ấy vậy mà vẫn còn nhiều người hiểu lầm. Sau cùng Phật phải tuyên bố: từ lúc thành đạo cho đến nhập niết bàn, ta chưa hề nói một lời nào.

Trước hết ta cần phân biệt giữa tình thương và ái luyến. Trong tiếng Việt, hai chữ thương và yêu hình như được dùng lẫn lộn, thương với yêu đồng nghĩa, có người nói thương là tiếng bắc, còn yêu là tiếng nam, hoặc ngược lại. Song le trong sự bày tỏ tình cảm, chữ thương có vẻ nhẹ hơn chữ yêu. Nhiều khi rắc rối quá người ta nói luôn hai chữ cho rồi.

Trong vòng giây xích 12 nhân duyên, vòng thứ 8 là ái (tanha), tiếng Việt dịch là yêu hay thương. Tôi nghĩ nếu chỉ có ái không thôi thì chắc không có vấn đề gì, nhưng vì yêu (ái) rồi muốn nắm giữ (thủ) làm của mình (hữu) nên mới sinh ra ái luyến. Chữ luyến có nghĩa là yêu mến không rời bỏ ra được. Do đó tình yêu trai gái thường được gọi là ái luyến, cô cậu một khi yêu nhau thì không thể rời xa nhau được, tiếng Pháp là amour-attachement. Có lẽ vì chữ yêu (ái) còn mang nhiều tính chất của vô minh nên trong đạo Phật người ta không thích dùng hoặc không dám dùng nó mà thay thế bằng chữ từ bi. Từ bi tiếng Pali là metta-karuna, tiếng Pháp dịch là amour (từ)-compassion (bi). Theo Hán-Việt thì từ là tình thương hay sự hiền lành, bi là thương xót, thương hại. Sau này khi nói đến từ bi, quý thầy dịch cho gọn là ban vui cứu khổ. Nhưng ban vui cứu khổ chỉ là kết quả hay sự thể hiện của cái tình bên trong. Có thương và xót thì mới ban vui cứu khổ được chứ!

Từ từ hai chữ từ bi có vẻ đi gần và hợp với tình thương hơn là tình yêu. Một thầy tu mà nói yêu Phật tử thì thật loạn luân, không thể chấp nhận được, nhưng nếu ông ta đổi đi một chút, nói thương Phật tử thì người ta sẽ bảo là ông từ bi. Cũng cùng là một thứ tình nhưng nếu phát ngôn không đúng với tâm lý xã hội thì sẽ có chuyện ngay.

Con người là loài hữu tình, có quả tim nên ai cũng biết thương, biết yêu, nhưng hầu như mọi sự thương yêu đều dẫn đến thủ hữu, bám víu và ái luyến. Vì ái luyến nên mới đau khổ. Nếu ái mà không luyến, không thủ hữu thì ái (yêu) trở thành từ bi. Vì thế công việc tu hành không phải là cắt ái mà là chuyển ái thành từ, nói cách khác là ái mà không luyến.

Ðối với tôi tình yêu hay tình thương đều được, miễn sao biết yêu thương đúng mức, đúng nghĩa, yêu mà không dính mắc, bám víu, không chiếm làm của mình, yêu một cách sáng suốt tỉnh thức, không ích kỷ và nhất là không được xem đối tượng yêu như một món vật mà là một con người.

Sau đây tôi sẽ dùng chữ yêu, nói về tình yêu để thay đổi không khí, mong quý vi đừng hoảng sợ, nhất là quý vị Phật tử thuần thành ngoan đạo.

Nếu ta thực sự yêu một người nào, ta sẽ không tìm cách thay đổi hay biến người đó theo ý mình, ngược lại ta sẽ giúp người đó tìm lại tư cách của họ, trở thành chính họ và không còn lệ thuộc vào ta nữa.

Thông thường khi yêu nhau, người ta hay có khuynh hướng xâm lấn vào thế giới của người yêu và vô tình tước đoạt dần tự do của người kia. Từ từ tình yêu đẹp đẽ ban đầu bị biến thái, trở thành chiếm hữu, ghen tuông, tranh dành quyền lợi, muốn điều khiển kẻ kia, v.v...

Nếu biết yêu thực sự, không vô minh ái luyến thì tình yêu trở thành một sự tự do vô bờ bến. Và tình yêu này bắt đầu ngay nơi bản thân mình, cá nhân mình, tức là ta phải biết yêu thương mình trước hết. Ta đừng làm kẻ ăn mày đi xin xỏ tình yêu. Ta có dư đủ tình yêu để ban cho mình kia mà! Vì không biết hoặc quên đi điều đó nên ta phải tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để khiến người khác yêu ta, ban cho ta những gì ta muốn. Vả chăng nếu người kia có yêu ta đi nữa thì động lực vô minh ban đầu đã khiến cho tình yêu này bị ô nhiễm, trở thành một thứ tình yêu lợi dụng, đổi chác.

Trí huệ hiểu biết rất cần thiết để chuyển hóa tình yêu say mê thành tình yêu chân thật tự tại. Yêu say mê hay si tình là một thứ ái luyến, bám víu và ràng buộc. Tình yêu chân thật có tính chất cởi mở và thông cảm.

Trên đời, người ta yêu nhau, cưới nhau đều đều, nhưng chắc ít có ai biết yêu thực sự. Chỉ có những người trưởng thành tâm linh mới biết yêu đúng với ý nghĩa của tình yêu. Một cặp vợ chồng yêu nhau, quyến luyến nhau, không rời nhau được, đó chỉ là một loại tình yêu ái luyến mường tượng, tức là có vẻ giống như tình yêu nhưng không phải tình yêu.

Một người đã tìm lại được chính mình, biết sống thực với mình, biết thương yêu chính mình thì tự thân người này tỏa ra hào quang của tình yêu. Một người vô ý thức, không biết chính mình, không biết thương yêu mình thì làm sao có tình yêu dư thừa để toát ra ngoài được! Chính vì thế mà anh ta cần phải đi tìm tình yêu từ bên ngoài, giống như một kẻ ăn xin đi gặp một người ăn xin khác và tưởng rằng người kia sẽ có tình yêu cho mình. Nhưng cuối cùng cả hai đều thất vọng và cảm thấy như bị lường gạt. Làm sao ta có thể ban cho người khác những gì mà chính ta không có? Làm sao thương yêu kẻ khác khi chính ta không biết yêu thương mình? Tệ hơn nữa là sau khi thất vọng, thất tình, vì không hiểu biết nên người ta lại đổ lỗi cho nhau, người này bảo lỗi tại người kia...

Khi tình yêu biết cho, biết ban ra, đó là tình yêu thực sự. Khi tình yêu chỉ biết lấy vào, ôm vào, đó là tình yêu giả mạo, một sự khát ái, cần tình.

Tình yêu có ba trình độ:

* Trình độ thứ nhất thuộc thú tánh, mang nặng tính chất sinh lý, nó phát hiện một cách tự nhiên và vô ý thức. Thí dụ một người đàn ông gặp một người đàn bà đẹp, có hình dáng hấp dẫn, thì tự nhiên anh ta như bị thu hút, khởi tâm ưa thích và yêu người đàn bà kia.

* Trình độ thứ hai bớt thô trọc hơn, nó không còn là sự hấp dẫn giữa hai thể xác mà là giữa hai tâm hồn. Nó mang nặng tình cảm hơn là sinh lý. Nhưng nó cũng chịu chung một quy luật, luật vô thường: thành, trụ, hoại, diệt, nói cách khác nó phát sinh rồi sẽ đi đến tàn lụi, chìm dần vào vô thức.

* Trình độ thứ ba thuộc tâm linh. Ðến trình độ này ta không còn yêu ai nữa, không yêu một người hay một đối tượng nào nữa, vì ta với yêu là một, ta là tình yêu, tình yêu là ta. Tình yêu này không hướng vào một đối tượng cá nhân, nếu cần đối tượng thì đối tượng sẽ là cả vũ trụ pháp giới. Tình yêu này tự nó tỏa ra yêu thương như mặt trời tỏa ánh sáng, như bông hoa tỏa mùi thơm dù có hay không có ai ở đó thưởng thức. Loại tình yêu thanh tao và cao thượng này thường là do kết quả của thiền quán hay sự chín mùi của tâm linh. Nó phát sinh khi ta tỉnh thức nhận ra mình là ai và biết sống thật với chính mình. Người mà ý thức được mình với sự sống là một thì biết được tình yêu này. Nó là căn bản mà cũng là cứu cánh của tất cả tôn giáo, đạo giáo. Chúa Giê-Su có nói: 'thương người như mình ta vậy'. Ðức Phật nói bồ tát thương yêu chúng sinh như con một.

Ða số người đời khi nói về tình yêu, họ chỉ biết đến hai trình độ hay hai loại tình yêu đầu. Hai loại tình yêu này thường được người tu xem là giây oan nên họ tìm cách dứt tình. Nhưng làm sao dứt tình được, họ chỉ chuyển tình của họ đến Chúa, đến Phật. Nhưng nếu chỉ biết yêu Chúa, thương Phật thôi, không biết thương yêu kẻ khác thì vẫn chưa đạt đến loại tình yêu thứ ba này. Tu là tập chuyển tình, chuyển hai loại tình yêu nhục dục và ái luyến thành loại tình yêu cao thượng.

Ái luyến

Ái luyến là muốn người, vật và hoàn cảnh luôn luôn như ý mình và không bao giờ thay đổi. Không muốn thân xác mình già yếu, không muốn tình cảm thay đổi, không muốn tình yêu phai nhạt. Mỗi khi bắt đầu yêu một người nào thì liền có ái luyến theo sau, và đương nhiên là dẫn đến phiền phức và khổ đau. Vì ái luyến ta trở nên chiếm hữu, sợ mất người yêu hoặc người yêu của ta sẽ yêu kẻ khác... Từ đó ta phải suy nghĩ tính toán mưu kế để giữ gìn người yêu. Vô tình ta xâm lấn tự do và biến người yêu thành một món đồ, một vật sở hữu. Cuộc tình ban đầu dần dần trở thành một sự giằng co: một bên xâm lấn, một bên dành lại độc lập tự do. Và nếu cứ tiếp tục sống bên nhau thì chả còn tình nghĩa gì nữa mà là hỏa ngục, danh từ trong đạo gọi là oắn tắng hội khổ. Vì thế ái luyến là thuốc độc của tình yêu, tàn hoại tình yêu.

Nếu chưa yêu được theo trình độ thứ ba thì ta vẫn cứ yêu, nhưng phải học và tập yêu với sự hiểu biết thông cảm, không chiếm hữu, không ghen tuông. Yêu là một nghệ thuật, muốn yêu cho có hạnh phúc ta cần phải học vì bản chất yêu của người đời là ái luyến chứ không phải là yêu theo nghĩa thứ ba đã nói ở trên, không phải tự nhiên mà ta có thể yêu theo kiểu Chúa hay Phật được.

Chiếm hữu

Chiếm hữu là biểu tượng của sự nghèo nàn và thèm khát. Người nghèo nàn thiếu thốn tình thương bao nhiêu thì thường có khuynh hướng chiếm hữu bấy nhiêu. Tình yêu chiếm hữu cũng giống như tình trạng của một đứa bé khát sữa đòi bú mẹ. Nhưng mẹ nó bận việc không cho bú được nên nó đâm ra tức tối, giận hờn, ganh tỵ.

Một người trưởng thành về tư tưởng thì không thể chiếm hữu được. Làm sao có thể bắt người khác phải thuộc về ta? Phải thương yêu ta? Mỗi khi gặp nạn hay khổ đau mà đổ lỗi cho người khác, đó là thái độ ấu trĩ nhất trên đời. Một người biết ban bố, chia xẻ thương yêu là người đang làm thể hiện Phật tánh bên trong. Cũng thế, mỗi khi ta cảm thấy muốn đòi hỏi, chiếm hữu, lấy về làm của mình thì phải nhận thức rằng ta đang làm hiển lộ cái tánh ấu trĩ, con nít bên trong. Lúc đó ta hãy ghi nhận, quán sát cái ta con nít đó xem nó biến chuyển và lôi kéo ta như thế nào? Không cần trách mắng hay xua đuổi, chỉ cần nhận diện và quan sát nó. Nhờ tỉnh thức nhận diện, quan sát thường xuyên cái ta con nít bên trong (the baby within) ta sẽ giúp nó trưởng thành. Trước khi muốn thành Phật thì phải thành người trước đã.

Hạnh phúc

Hạnh phúc là mục đích sống của con người, là điều mà ai cũng muốn tìm. Nhưng ta không thể xác định hạnh phúc là gì vì nó tùy trình độ tiến hóa của mỗi người.

Nhân loại có thể được xếp thành ba hạng:

- Hạng thứ nhất là những người còn mê ngủ.

- Hạng thứ hai là những người sửa soạn gần thức giấc.

- Hạng thứ ba là những người đã tỉnh giấc, không còn mê ngủ.


Hạng thứ nhất, hạnh phúc đối với họ là những cảm giác khoái lạc thuộc về thể xác như ăn uống, thỏa mãn nhục dục. Suốt đời họ lo chạy đi tìm hạnh phúc, nhưng loại hạnh phúc này rất mong manh. Mong manh ở đây không có nghĩa là không có, nó có nhưng không kéo dài được, thoáng có để rồi nhường chỗ ngay cho sự thèm khát khổ đau. Loại hạnh phúc này rất nguy hiểm, đạo Phật thường ví nó như kẻ khát uống nước muối, càng uống càng khát, hoặc như liếm mật trên lưỡi dao, thoáng nếm vị ngọt nhưng bị đứt lưỡi ngay sau đó.

Càng đi tìm hạnh phúc lại càng thèm khát và không bao giờ được thỏa mãn. Vì thế hạng người này phải tìm cho nhiều, nhiều tiền, nhiều danh, nhiều sắc, họ sống trong ảo tưởng về số lượng (quantité), nghĩ rằng nếu có nhiều thì mới được thỏa mãn hạnh phúc.

Ðối với hạng thứ nhì, hạnh phúc thuộc về phẩm (qualité). Ðối tượng hạnh phúc của họ không còn là những thứ thô kệch như vật chất, sắc đẹp thể xác hào nhoáng bên ngoài, họ chú ý về phẩm chất nhiều hơn. Họ vẫn đi tìm khoái lạc cảm giác, nhưng thanh tao hơn, như nghe một bản nhạc hay, ngâm thơ vịnh phú, thưởng thức hương trà, ngắm kiểng cắm hoa, v.v... hoặc đàm luận với bạn bè, hoặc đơn giản được sống bên cạnh người yêu, người thân là họ cảm thấy hạnh phúc rồi. Loại hạnh phúc này thanh tao, sâu sắc và có vẻ lâu bền hơn loại hạnh phúc thứ nhất nhưng nó vẫn còn tùy thuộc vào đối tượng bên ngoài như thơ, nhạc, hoa, trà, cảnh, người, v.v...Và nếu ngày nào đó đối tượng kia mất đi thì hạnh phúc liền biến thành khổ đau.

Ðối với hạng thứ ba, hạnh phúc không còn tùy thuộc vào đối tượng bên ngoài nữa. Loại hạnh phúc này có thể được xem là hoàn toàn nhất. Hạnh phúc là sự bình an của tâm hồn, là sự tỉnh thức không còn ngủ mê trong đêm tối. Họ sống trong ánh sáng, không còn bóng dáng của chấp ngã lo âu, ham muốn bám víu vào một đối tượng bên ngoài. Họ sống trong hiện tại, bây giờ và ở đây, sống hòa nhịp với cuộc đời và sự sống. Loại hạnh phúc này là một loại sung sướng thứ thật (chân lạc), nó ở ngay trong ta và nó cũng chính là bản chất hay bổn tánh của ta.

Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “12. Tình Yêu Và Ái Luyến”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com