Có người cho rằng: “Đạo Phật là đạo bi quan yếm thế. Giáo lý của Phật chỉ để cho những người già nua, bệnh hoạn mong cầu những thế giới ảo huyền. Nhà chùa chỉ là nơi nương tựa bất đắc dĩ của những người thất bại trên đường đời, cho những cuộc tình dang dỡ v.v.. Và nếu như có muốn tu hành thì phải ẩn thân vào thâm sơn cùng cốc, xa lánh xã hội”.

Thiết nghĩ, đây là những nhận định chủ quan, thiếu nghiêm túc và thiếu công minh trong việc tìm hiểu giáo lý nhà Phật. Thử xét, giáo lý nhà Phật nếu không thiết thực với xã hội, không phải là điểm hẹn của tâm hồn hướng thượng thì liệu chăng có tồn tại trên 25 thế kỷ không?

Đức Phật xuất hiện ở Ấn Độ năm 623 T.C.N(1) lúc bấy giờ, Ấn Độ có trên 62 học thuyết(2) khác nhau, chi phối toàn bộ hệ thống tư tưởng; nổi bật nhất là Bà-la-môn giáo. Trong xã hội phân định bốn giai cấp rõ rệt, Bà-la-môn và Sát-đế-lợi được xem là những người thuộc giai cấp bề trên; còn Phệ-xá và Thủ-đà-la là hạng nông nô, nô lệ phải phục tùng và hầu hạ hai giai cấp trên. Trước sự đau khổ cùng cực, than oán của con người và sự phân tầng của một xã hội đầy bất công như vậy, đức Phật xuất hiện là tiếng chuông cảnh tỉnh, là thông điệp hùng hồn gởi đến muôn người, xóa tan định kiến chấp chặt từ trước tới nay. Từ địa vị một thái tử có sự nghiệp là đế vương, trong tay là quyền uy danh vọng, lợi lộc ngai vàng, nhưng Ngài đã xả bỏ, khoác bá nạp y thay y châu báu, tay cầm bình bát khất thực du phương thuyết pháp cho mọi người. Ngài khẳng định không có giai cấp cao thấp trong dòng máu cùng đỏ, dòng nước mắt cùng mặn. Ngài thu nhận tất cả mọi thành phần trong xã hội, từ dòng dõi vua chúa, Bà-la-môn cho đến hạng người cùng đinh trong xã hội. Thậm chí những kẻ cướp, dâm nữ nếu họ thức tâm tu tỉnh đều được an trú trong giáo pháp của Ngài. Đức Phật dạy: “Ví như nước của các sông đổ vào đại dương, mất tên trước kia của chúng và chỉ gọi là “đại dương”, cũng vậy tất cả giai cấp khi vào tu học trong giáo pháp của Như Lai đều mất danh tánh và dòng dõi trước kia và chỉ còn được xem là con nhà họ Thích.”

Xưa cũng như nay, biết bao hiền triết danh nhân luôn cố công tìm những phương thức tối ưu để cải thiện xã hội, làm cho xã hội công bằng hạnh phúc. Sự khẳng định giá trị đích thực con người và chất liệu tự tin cho con người trong cuộc sống, chỉ có mình mới tạo cho mình cuộc sống an vui hay đau khổ, chứ không nương nhờ thần linh nào ban phúc hay giáng họa. Vì vậy, ta luôn chủ động trong cuộc sống và:“chính ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp v.v.. phàm việc nào sẽ làm thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy.” (Tăng Chi II)

Giáo lý của Phật không chỉ có lợi ích khi Phật còn tại thế mà tác dụng của nó xuyên suốt thời gian và không gian. Điển hình như vua A Dục ở Ấn Độ. A Dục là đại đế hùng cường trong suốt lịch sử nhân loại. Đáng lẽ ra, ông phải kế tục sự nghiệp các tiền vương để mở rộng đế quốc Mauriya, nhưng ngay sau khi chiến thắng Kalinga, ông đã nhận ra, chiến tranh tàn khốc chỉ là thảm họa của nhân loại, nó làm cho người mất nhà tan, vợ chồng con cái ly tán v.v.. và từ đó, A Dục tuyên bố từ bỏ bạo động, chủ trương hòa bình bất bạo động. Will Durant cho rằng A Dục đã biểu lộ một động thái vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngay sau khi chiến thắng Kalinga (Lịch sử văn minh Ấn Độ-Nguyễn Hiến Lê dịch). A Dục còn là vị đại thí chủ trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ III của Phật giáo. Cuộc đời và sự nghiệp của vua A Dục đã để lại nhiều dấu ấn cho nhân loại cần nghiên cứu và học hỏi. Chính những bia ký của ông còn để lại là những xác chứng hùng hồn cho các nhà nghiên cứu Phật học sau này.

Không phải giáo lý nhà Phật tác động trên đất nước Ấn Độ mà nó còn được lan tỏa đến Trung Hoa, Nhật Bản, và hiện nay có nhiều nước trên thế giới cũng thấm nhuần giáo lý từ bi giải thoát của Ngài. Ở Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà vua Đinh lại phong hiệu “Khuông Việt” cho thiền sư Ngô Chân Lưu và càng không thể ngẫu nhiên thời Lý Trần Phật giáo là Quốc giáo và được xem như thời kỳ vàng son trong lịch sử Dân tộc. Tuy nhiên, những vị thiền sư không trực tiếp tham gia thế sự, song tài đức của quý Ngài có tác dụng rất lớn đối với triều đình. Có lần vua Trần Thái Tông được Quốc sư Trúc Lâm bảo: “Đã là đấng quân nhân thì phải lấy cái tâm của thiên hạ làm cái tâm của mình, lấy mong ước của thiên hạ làm mong ước của mình”. Điều kỳ lạ là một số vua thời Lý Trần và hoàng tộc đã xuất gia tu học; Vua Trần Nhân Tông trở thành thiền sư nổi tiếng sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang phong cách Việt Nam.

Trong quan hệ cư xử, đức Phật cũng giáo dục rất kỹ không phải chỉ việc quốc gia đại sự, mà ngay cuộc sống đời thường. Trong kinh “Giáo thọ Thi ca la việt” (kinh số 31 Trường Bộ) đức Phật đã dạy những pháp cư xử nhằm tạo nên những quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa chồng và vợ, giữa bạn bè với nhau, giữa gia chủ và người lao động, giữa tu sĩ và dân chúng v.v..

Và có lẽ cái tính thiết thực nhất của giáo lý nhà Phật là chỉ dạy con người phải tìm cho được cái hạnh phúc, an lạc của tâm hồn. Vì chính sự an vui của tâm hồn mới thật sự là nhu cầu cần thiết. Đành rằng, ta không phủ nhận vật chất nhưng vật chất chỉ là phương tiện hoàn thiện hạnh phúc chứ không phải là hạnh phúc thiết thực. Vì hạnh phúc vật chất luôn đi kèm với sự đấu tranh, chính sự đấu tranh này dẫn đến những cảnh tương sát tương tàn. Giáo lý nhà Phật đưa ra mô hình và hạnh phúc chân thực chỉ có thể ngự trị trong bầu không khí thương yêu, xoá bỏ chiến tranh và thù hận.

Trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, với sự tiến bộ sấm sét của nền khoa học kỹ thuật, ta thấy rằng sự tiến bộ của khoa học có đáp ứng nhu cầu trọn vẹn của con người chưa? Tại sao có vô số hành vi khủng bố tàn ác, những tệ nạn xã hội, những chứng bịnh nan y không thuốc chữa. Ta có thể tự tin rằng, nếu mọi người thực hành giáo lý nhà Phật trong lãnh vực Nhân thừa cũng đủ làm cho thế giới hòa bình nhân sanh an lạc.

Trên đây, chỉ điểm qua một số tính thiết thực của nhà Phật, chứ không thể nào bàn đến nhiều vì giáo lý nhà Phật có vô lượng pháp môn. Tuy nhiên, điều thực tiễn ấy nếu có, khi và chỉ khi ta thực hành lời Phật dạy một cách nghiêm mật, không xao lãng.

(1) Lịch sử đức Phật Thích Ca

(HT. Thích Minh Châu)

(2) Kinh Phạm Võng (Trường Bộ)

Thiện Duyên




Có phản hồi đến “Vài Suy Nghĩ Về Giá Trị Thực Tiễn Của Đạo Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com