Hỏi: Thưa thầy ý nghĩa của những buổi lễ quán đảnh (initiation) Tây Tạng là sao?

[Những câu hỏi sau đây do một nhóm Phật tử đã theo học với các vị Lạt Ma Tây Tạng nên có nhiều danh từ chuyên môn mà tôi miễn giải thích.]


Ðáp: Lễ quán đảnh, tiếng Phạn là abhisheka, Tạng ngữ là dbang (đọc là wang), nói đúng hơn là truyền pháp hay điểm đạo, đó là những buổi lễ thuộc Tantra, vị lama hướng dẫn người đệ tử đi vào mandala (mạn đà la) của vị Yidam (thần linh, déité) Phật hay Bồ Tát, truyền câu thần chú của vị Yidam và cho phép người đệ tử tự quán tưởng mình là Yidam đó.

Thọ lễ quán đảnh xong, về nhà không thực hành thì cũng giống như gieo duyên được phước vậy thôi. Dân Tây Tạng và ngay cả người Âu Mỹ mới biết đến Kim Cang Thừa (Vajrayana) rất thích đi dự lễ quán đảnh để có phước nhiều.

Nếu thực sự muốn tu tập Tantra thì sau buổi lễ quán đảnh phải được vị lama truyền thêm hai thứ nữa, đó là Lung (transmission orale) có nghĩa là sự cho phép đọc saddhana và Tri (commentaire) tức là luận giảng về saddhana.

Sau khi nhận lãnh Lung và Tri rồi thì hằng ngày phải tu tập theo quyển saddhana, một loại kinh của người tu theo Tantra, gọi là tantrika, trong đó gồm những cách thức quán tưởng, trì chú, bắt ấn và cúng dường vị Yidam.

Hỏi: Con đã thọ nhiều lễ quán đảnh với các lama Tây Tạng, mỗi ngày phải tụng nhiều câu chú khác nhau, cuối cùng con cũng không biết là mình tu theo Yidam nào?

Ðáp: Mỗi Yidam (Bồ Tát hay Phật) tượng trưng hay biểu hiệu cho một đức tánh. Ban đầu chưa biết gì thì mình có thể thọ nhiều lễ quán đảnh của các Yidam khác nhau, cũng giống như nếm mỗi thứ một chút. Sau đó về kiểm lại xem mình có cảm tình với Yidam nào nhiều nhất thì thực hành Yidam đó. Thí dụ người nào thích trí huệ, hoặc nhìn hình Văn Thù Bồ Tát thấy đẹp thì lựa Văn Thù làm Yidam chính và bỏ những Yidam khác. Người nào giàu tình thương, ưa thương người thì lựa Yidam Quán Thế Âm. Người nào thấy mình nhiều tội lỗi, muốn tẩy trừ nghiệp chướng thì lựa Yidam Kim Cang Tát Ðỏa (Vajrasattva), v.v... Một khi lựa vị Yidam thích hợp rồi thì phải bỏ những Yidam khác đi, nếu không thì thành tạp tu, tu mỗi thứ một chút cuối cùng không đi tới kết quả.

Hỏi: Khi dự những buổi lễ quán đảnh lớn như Vajrayogini hoặc Yamantaka thì thầy khuyên Phật tử phải làm sao?

Ðáp: Những buổi lễ quán đảnh lớn như Vajrayogini, Yamantaka hoặc Kalachakra, tiếng Tây Tạng là Wang Chen, các lama phái Gélugpa thường cho Samaya, Tạng ngữ là Damtsig, tiếng Anh là commitment, tiếng Pháp là engagement, đó là những điều mà mình phải hứa là sẽ làm, nếu không làm thì phạm tội. Những người chưa biết gì về Mật tông hay Tantra thì tôi khuyên không nên thọ lãnh Samaya. Mình vẫn có thể tham dự buổi lễ quán đảnh như mọi người nhưng đến phần truyền Samaya thì mình không nhận, không lập lại sau lời của vị lama truyền giới. Như thế mình vẫn thọ được phước lực của vị lama và gieo duyên với vị Yidam mà mình đang dự.

Ngoài những lễ quán đảnh lớn, còn có những lễ quán đảnh nhỏ gọi là Wang hoặc Chénang như Amitabha, Amitayus, Avalokitesvara, Manjusri, Sangyé menla, v.v... thường không có Samaya nên ai dự cũng được. Dự nhiều thì được phước nhiều.

Hỏi: Vajrayogini hay Yamantaka có lợi lạc cho Phật tử Việt Nam không hay là những lễ quán đảnh thường thì có lợi ích hơn?

Ðáp: Những lễ quán đảnh lớn kéo dài hai ba ngày và cách tu rất phức tạp, tôi thấy tốt hơn là nên thỉnh các lama truyền cho mình những lễ quán đảnh thường.

Hỏi: Tu cái gì cũng phải có sự và lý. Về Thiền và Tịnh Ðộ thì đã có nhiều sách, nhưng về Mật Tông Tây Tạng thì lý chúng con chưa hiểu, về sự thì chỉ thấy có lễ quán đảnh rồi về trì chú, như vậy cũng không khác gì niệm Phật. Thầy có thể giảng nói về lý của Mật Tông Tây Tạng?

Ðáp: Mật Tông đứng về sự thì rất phiền phức, rườm rà. Pháp môn nào cũng có nhiều tầng lớp, cho người bình dân, cho kẻ trí thức, người tu phước, kẻ tu huệ. Khi nói đến Phật Giáo Tây Tạng, người ta liên tưởng đến đức Dalai Lama, một vị nguyên thủ quốc gia và cũng là vị lãnh đạo tôn giáo. Ngài là một người trí thức, được mời đàm luận về chính trị, tôn giáo, xã hội tại các hội nghị, và hội trường lớn như Havard, Yale, UCLA, v.v... và thính chúng là những người trí thức. Nhưng nếu chúng ta đi vào một tu viện Tây Tạng thì sẽ thấy đủ loại sư. Tựu chung có thể chia ra hai loại sư: một loại chuyên về học thức và một loại chuyên về nghi lễ cúng kiến. Và nghi lễ cúng kiến thường ảnh hưởng nhiều đến đa số quần chúng hơn.

Ở các tu viện mỗi khi có một buổi lễ lớn thì người ta đi dự rất đông, giống như đi xem đại hội. Họ đến để xem các sư làm lễ, tụng kinh, thổi kèn, đánh trống, v.v... tâm lý của những người này là hiếu kỳ hoặc thích được phước. Nếu nhìn vào sự kiện này thì ta thấy Phật giáo Tây Tạng chả có gì đặc biệt, cũng chỉ là tín ngưỡng với hình thức khác mà thôi.

Ngay trong Phật giáo Việt Nam cũng vậy, đọc sách về đạo thì thấy lời Phật dạy cao siêu làm sao, nhưng nếu đi vào chùa, nơi đại diện cho đạo Phật thì ta sẽ thấy gì? Cầu an, cầu siêu, cúng kiến, lễ lược, v.v... Không còn thấy đạo lý cao siêu ở đâu nữa mà chỉ thấy một sự tín ngưỡng.

Mật tông Tây Tạng cũng vậy, những buổi lễ lớn (puja) người ta tham dự đông đảo, vô tình hay cố ý là để cầu một cái gì đó, dù là cầu phước, cầu pháp, cầu tiêu tai nghiệp chướng,v.v... Việt Nam mình có cầu an, cầu siêu, mông sơn thí thực, chẩn tế cô hồn,... đó cũng là những hình thức ảnh hưởng của mật tông.

Về lý của Mật tông đương nhiên có nhiều trình độ cho những căn cơ khác nhau, nhưng tôi thích nhất là lý 'chuyển hóa nhận thức'. Chúng ta sung sướng hay khổ đau đều do sự nhận thức của mình. Ta khổ vì thấy cái thế giới mình đang sống đây là Ta Bà ngũ trược ác thế, thấy cái thân này bất tịnh, người này dễ thương, người kia dễ ghét, thấy cuộc đời ô uế nên phải tu Tịnh Ðộ để cầu về một thế giới khác thanh tịnh, sung sướng hơn.

Người tu Mật tông chuyển ngay sự nhận thức của mình. Họ hiểu được cõi này ô uế hay trong sạch là tùy sự nhận thức của mình. Bình thường ta thấy người kia dễ ghét quá, hay chê bai chỉ trích, nói xấu mình, nhưng người tu mật tông thì không nhìn thấy như vậy, vì họ đã đeo một cặp mắt kính khác. Thí dụ người tu về Yidam Vajrayogini thì thấy tất cả người nữ đều là dakini (tiên nữ), tất cả người nam là daka (tiên nam), tất cả những âm thanh đều là thần chú và thấy cõi này (nơi mình đang ở) là cõi tịnh độ Katcheu của Vajrayogini.

Một người khác tu về Yidam Văn Thù (Manjusri) thì luôn quán tưởng để thấy mình là Văn Thù và tất cả chúng sinh cũng là Văn Thù. Khi ai nói gì mình, dù đó là khen hay chê cũng thấy đó là âm thanh của câu thần chú. Như vậy thì đâu còn đối đãi hơn thua nữa!

Người tu Tịnh độ cầu về Cực lạc vì ở đó mỗi khi gió thổi cây reo phát ra tiếng nhạc nhắc mình tu hành, thì ở đây cũng vậy, mỗi khi gió thổi cây reo, mình cũng lắng lòng nghe, nhớ lại giáo pháp mình tu.

Người nặng tánh chấp nhị biên (hai bên) tu Tịnh độ rất hợp. Thấy cõi này khổ, cõi kia sướng, người ở đây xấu ác, người ở kia tốt lành, ở đây ô uế, đàng kia thanh tịnh.

Người tu thiền hay theo Bát nhã thì vượt qua nhị biên, còn gọi là bất nhị (không hai), thấy các pháp bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh. Thấy Ta Bà không nhơ cũng không sạch, thấy người không thiện không ác, không xấu cũng không đẹp.

Người tu Mật tông thì thấy toàn một bên. Thấy tất cả đều đẹp, đều thiện, đều thanh tịnh. Thấy Ta Bà là Tịnh độ, phiền não tức bồ đề.

Người tu Tịnh độ thấy có bên này, có bên kia, bên kia hơn bên này.

Người tu thiền không thấy có bên này, bên kia. Không bên nào hơn bên nào.

Người tu Mật tông chỉ thấy một bên, thấy tất cả đều tốt. Thấy thế giới là pháp giới, thân người là hóa thân phật, tiếng nói là pháp âm (thần chú).

Chữ 'thấy' mà tôi nói ở đây mang hai nghĩa: có người thấy thật và có người đang tập thấy.

Những gì tôi vừa nói có thể làm người tu Tịnh độ không bằng lòng, nên tôi lấy thí dụ khác.

Người còn chấp nhị biên thì nói thầy tu phải ăn mặc rách rưới, nghèo khổ, không được mặc quần áo đẹp. Người không còn nhị biên thì nói ăn mặc làm sao cũng được. Khi cần mặc áo rách thì mặc áo rách, khi cần mặc áo đẹp thì mặc áo đẹp. Vô ngại!

Người chấp một bên của Mật tông thì thấy áo rách cũng đẹp, áo lụa cũng đẹp, mặc áo nào cũng đẹp hết. Họ tập nhìn thấy ngay ở đây tất cả sự vật gì có ở Tịnh độ. Ðây là lý chính yếu của Mật tông khi làm những buổi lễ (puja) hay saddhana (nghi thức quán tưởng trì chú).

Thí dụ về saddhana Chenrézi (Quan Thế Âm). Ta ngồi nhiếp tâm quán tưởng mình từ từ biến thành Chenrézi. Người ngoài nhìn vào đâu thấy gì khác thường, nhưng trong tâm mình, mình không còn thấy mình là cái xác phàm phu nữa mà là Quan Thế Âm. Ròi từ đó mình tập thể hiện những đức tính Quan Âm. Thí dụ mình giận ai rồi muốn chửi người đó, sực nhớ lại Quan Âm đâu có chửi, nói ra lời nào cũng là thần chú (mantra) nên mình liền niệm om mani padme hum. Ðó là quán về mình, tiếp theo là quán về người khác. Khi nhìn họ, mình không còn thấy họ dưới hình tướng bình thường nữa mà dưới hình tướng Quan Âm, thấy ai cũng là Quan Âm hết. Như vậy làm sao ưa người này ghét người kia được.

Nói về địa thế, nơi ở. Nơi ở của Quan Âm là Potala, Hán Việt phiên âm là Phổ Ðà Lạc Giạ. Ðức Dalai Lama là hóa thân của Chenrézi (Quan Âm) nên cung điện của ngài ở được đặt tên là Potala. Mình ở đây là Montréal, đàng kia là Ottawa nên mình thích ở Montréal hơn. Nhưng nay nếu mình là Chenrézi (Quan Âm) thì Montréal cũng là Potala, Ottawa cũng là Potala, đi đâu, đến đâu cũng là Potala hết. Như vậy đâu còn vấn đề ưa đây, ghét kia.

Ở Cực lạc gió thổi, cây reo, chim hót đều nhắc mình niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Ở đây nếu có người nào suốt ngày cứ theo sau mình nói niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thì mình có nhức đầu không? Ý kinh muốn nói là tất cả những âm thanh nào phát ra cũng nhắc mình nhớ tu hành, thì nay ở đây cũng vậy, gặp người khen mình ghi nhận: người này nhắc mình tu hành; gặp người chê, mình cũng ghi nhận: người này nhắc mình tu hành. Như vậy gặp người khen kẻ chê đều nhắc mình tu hành cả.

Trở lại cách tu mật tông, qua các saddhana, hành giả tập làm như mình đã thành Phật rồi. Tập quán tưởng, suy nghĩ, hành động theo những đức tính của Phật hoặc các Yidams. Cứ tập như vậy cho thuần thục, 10 năm, 20 năm, 30 năm, đến một ngày nào đó thì tự nhiên sự nhận thức của mình hoàn toàn thay đổi. Và ngày đó Phật với mình là một, mình với Yidam của mình là một, năng và sở nhập một, gọi là Yoga (hợp nhất). Bởi thế trong danh từ Mật tông mới có Yoga-tantra và Anuttarayoga- tantra.

Hỏi: Nếu vậy thì người tu Tịnh Ðộ cũng có thể quán tưởng cảnh Cực lạc ngay ở đây?

Ðáp: Ðúng, quán tưởng như vậy rất tốt. Chính đức Phật đã có giảng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, dạy hoàng hậu Vi Ðề Hy cách quán tưởng cảnh Cực lạc. Sau này căn cơ chúng sinh lười biếng, không chịu quán tưởng nên chư tổ Tịnh Ðộ mới dạy niệm danh hiệu Phật, lục tự Di Ðà.

Hỏi: Như thầy vừa nói là chuyển nhận thức. Chuyển như thế tức còn niệm trong tâm, đâu có trống rỗng. Mà Phật tánh trong thiền là trống rỗng, như vậy là sao?

Ðáp: Trong kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật quốc, ngài Xá Lợi Phất hỏi tại sao cõi Ta Bà của Phật Thích Ca không thanh tịnh. Lúc ấy đức Phật mới lấy ngón chân cái nhấn xuống mặt đất, tức thì tam thiên đại thiên thế giới liền hiện ra trăm ngàn thứ châu báu trang nghiêm rực rỡ như cõi Vô Lượng Công Ðức của Phật Bảo Trang Nghiêm, tất cả đại chúng đều khen ngợi và thấy mình ngồi trên tòa sen báu.

Ở Cực lạc tất cả mọi người đều thấy cảnh vật thanh tịnh vì họ cùng chung một cộng nghiệp, cùng có sự nhận thức giống nhau.

Ở cõi Ta Bà này, vì cùng tạo nghiệp tương ưng nên chúng ta có những nhận thức giống nhau, ngó thấy đất đá, bùn lầy nhơ bẩn. Nhưng thật ra cảnh vật tự nó không nhơ không sạch. Ở cảnh địa ngục cũng vậy, người ở đó chỉ thấy chung quanh toàn là lửa. Thật ra đâu có lửa, vì nghiệp sân hận của họ quá nặng khiến họ nhìn thấy lửa. Ngay ở đây, khi ta giận dữ, mặt mày cũng đỏ bừng lên, đó là lửa trong tâm đang thiêu đốt ta.

Ta có thể lo cho Ðịa Tạng Bồ Tát, không biết ngài ở địa ngục có chịu nổi lửa nóng không, nhưng ngài đâu có thấy lửa, trong tâm ngài đâu còn sân hận, chỉ toàn là từ bi. Nhờ từ bi nên nhìn đâu cũng thấy thanh lương (trong mát), thấy hỏa diệm là hồng liên.

Tu thiền là tập làm hiển lộ Phật tánh của mình. Một khi nhận ra ông chủ rồi thì phải làm sao? Phật tánh là tánh không, là trống rỗng sao? Nhận ra ông chủ rồi thì phải ngồi yên một chỗ, không dám nhúc nhíc, cục cựa, nói năng, hành động gì hết sao?

Tánh không chỉ là một khía cạnh của Pháp thân, của Phật tánh. Tánh không là thể của các pháp. Các pháp đều có ba phần: thể, tướng, dụng. Thí dụ về nước, thể của nước là tánh ướt, tướng của nước là chất lỏng, dụng của nước là làm lưu nhuận, trôi chảy, tươi mát, v.v...

Lục tổ Huệ Năng có nói trong kinh Pháp Bảo Ðàn: tự tánh hay bổn tánh vốn bất sinh bất diệt, tự thanh tịnh, vô diêu động, tự cụ túc và năng sinh vạn pháp.

Ðiều cần chú ý và nhấn mạnh là vô diêu động mà năng sinh vạn pháp. Nó tương đương với câu 'chân không diệu hữu' của kinh Lăng Nghiêm.

Nếu tu thiền mà dẹp hết vọng tưởng, ngồi im ru, giữ tâm yên lặng, không dám suy nghĩ gì hết, chờ đó để thành Phật thì quan niệm này cần phải xét lại.

Nếu không nghĩ gì hết thì rơi vào cái gọi là 'trầm không thú tịch' hoặc khá hơn thì vào Không Ðịnh rồi tái sinh vào cõi trời Vô Tưởng Thiên hoặc Không Vô Biên Xứ.

Trời trong đâu ngại gì mây gió. Chính vì tánh của hư không là trống rỗng nên mây mưa, gió bão mới hiện ra được. Tuy hiện ra đó nhưng chúng không làm giảm hay mất đi tánh không của bầu trời. Chính vì bầu trời trống rỗng nên mây đen cũng có, mây trắng cũng có. Chính vì tự tánh của tâm trống rỗng nên thiện cũng có mà ác cũng có. Khi cả mây đen và mây trắng đều tan hết thì bầu trời tự nó hiển lộ. Hiển lộ ra sao? Tối thui hay trắng xóa? Ban ngày mặt trời chiếu sáng bầu trời xanh trong, ban đêm muôn vàn ánh sao lấp lánh. Không phải mầu nhiệm hay sao?

Khi tánh không hoàn toàn hiển lộ thì các đức tính khác của Phật tánh cũng hiển lộ. Từ xưa đến nay ta quen sống dưới một bầu trời u ám, phủ đầy mây đen rồi cứ ngỡ bầu trời là như thế. Rồi một ngày nào đó, ánh sáng mặt trời soi thủng làn mây, một chút trời xanh hiển lộ trước mắt, ta bừng tỉnh hiểu được tự tánh xưa nay của bầu trời. Tự tánh xưa nay tức là bổn tánh. Khi nói đến chữ tánh thì phải nói rõ tánh gì, hay tánh của cái gì! Tánh của nước là tánh ướt, tánh của lửa là tánh nóng, tánh của tôi là tánh hay giận hay ghen, v.v...

Trong kinh Lăng Nghiêm hay Ðại Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm, từ trên đảnh đầu (nhục kế) của Phật Thích Ca phóng ra hào quang, trong hào quang đó lại biến hiện ra các đức Phật. Chính những Phật hóa quang Như Lai này tuyên nói thần chú Lăng Nghiêm.

Ðâu ai cấm ta làm giống như vậy. Trong các saddhana của Tây Tạng, hành giả biến mình vào tánh không qua câu mantra 'om sobhava shuddha sarvadharma...', rồi từ hư không lại biến hiện ra dưới hình tướng một vị Phật hay Yidam, và sau đó cũng phóng hào quang v.v... Ðương nhiên khi quán tưởng như thế mới chỉ là tập làm trong tư tưởng, chưa hóa hiện được thực sự, nhưng ít ra cũng biết được là mình có khả năng làm dù chỉ là ý tưởng.

Nếu thành tựu, chứng đắc saddhana thì có thể biểu hiện được những đức tính, phép tắc thần thông. Còn chưa thành tựu được thì sau khi chết, vào cõi Trung Ấm, gặp cảnh dữ, ma quỷ thú dữ rượt thì nhớ lại mình là Yidam, tức khắc thân mình biến thành Yidam. Vì ở trong Trung ấm thân, còn gọi là Ý sanh thân, tức cái thân được làm bằng ý tưởng, mình nghĩ cái gì thì liền hiện ra ngay cái đó, nghĩ đến Phật Di Ðà thì Phật Di Ðà hiện ra tiếp dẫn mình về Cực lạc.

Hỏi: Tập chuyển nhận thức (perception) là phương tiện độc nhất của mật tông Tây Tạng hay còn có phương tiện nào khác?

Ðáp: Cách chuyển nhận thức là tu theo saddhana của các Yidam như Chenrézi (Quan Âm), Manjusri (VănThù), Yamantaka, Vajrayogini, Guhyasamaja, Vajrapani, Kalachakra, Amitayus, v.v... [Yidam là những vị Phật hay Bồ Tát đối tượng của sự quán tưởng trong một saddhana]

Ngoài ra còn có một cách khác đó là tu theo sáu phép yoga của Naropa, trong đó hành giả phải học điều khiển hơi thở và các luồng khí vi tế để khai thông huyệt đạo, luân xa, v.v... nói chung là về tsa, lung, tiglé, tiếng Phạn là nadi, prana, bindu.

Trên đây là hai cách thức tu tập mà tôi đã học, nó thuộc loại Anuttarayoga-tantra, ngoài ra còn ba loại tantra khác nữa mà tôi không được học.

Hỏi: Thưa thầy có các buổi lễ Tây Tạng, con thấy họ ăn thịt và uống rượu, cái đó có ý nghĩa gì?

Ðáp: Những buổi lễ (puja) mà có ăn thịt uống rượu, tiếng Tây Tạng gọi là Tsok, tiếng Phạn là ganacakra, có nghĩa là tích tụ công đức. Những buổi lễ này cũng là cơ hội để tập chyển sự nhận thức của mình. Bình thường ta cho rượu thịt là thứ bất tịnh, qua buổi lễ với những thần chú (mantra) và sự quán tưởng thì những thứ bất tịnh kia trở thành thanh tịnh. Nói như vậy không có nghĩa là miếng thịt kia trở thành miếng bánh mà miếng thịt vẫn là miếng thịt, nhưng nhãn quang của ta không còn thấy nó bất tịnh nữa mà là một thứ thanh tịnh, tiếng Phạn gọi là amrita, tức như nước cam lồ. Trong những buổi lễ như vậy thường có vấn đề xảy ra, đó là sự lạm dụng. Ðối với các vị sư Tây Tạng, khi làm lễ họ đọc, hiểu và quán tưởng đúng theo nghi thức nên không có vấn đề gì, nhưng đối với những người tham dự buổi lễ mà không hiểu một chút gì về giáo lý tantra, lại thêm tánh ưa nhậu nhẹt, thích ăn thịt uống rượu thì thật là tai hại. Thông thường, giữa buổi lễ, sau khi làm phép thanh tịnh hóa các thức cúng dường xong thì vị tcheupeun (người lãnh trách nhiệm phân phối đồ lễ) đem dâng thức ăn lên các vị lama trước rồi đến Phật tử. Các vị lama chỉ lấy tượng trưng một miếng thịt rất nhỏ và nếm một chút rượu trên đầu ngón tay thôi, còn các cư sĩ thì ham hố lấy những miếng thịt to và húp thật nhiều rượu, nhiều lúc họ còn lấy cho cố để dành sau buổi lễ ăn tiếp hay nhậu tiếp.

Cũng cùng một buổi lễ mà có hai hạng người khác nhau: một hạng tích tụ công đức qua sự nhận thức thanh tịnh, một hạng tạo nghiệp ham ăn ham nhậu.

Nếu hiểu được ý nghĩa của các buổi lễ như thế thì đó là những cơ hội cho ta vượt qua cái chấp nhị biên tịnh và bất tịnh. Nhiều lúc ta tưởng mình tu hành ăn chay thanh tịnh, nhìn người khác ăn thịt bất tịnh, nhưng đâu ngờ là mình còn dính mắc hai bên.

Không phải buổi lễ nào cũng có ăn thịt uống rượu, chỉ những buổi lễ lớn có Tsok như Vajrayogini, Yamantaka, Guhyasamaja, Chakrasamvara, Kalachakra mới có. Còn những lễ nhỏ như Chenrézi, Manjusri, Amitayus, v.v... thì không có.

Ngoài những buổi lễ Tsok, không ai được uống rượu cả, vì đó là một trong năm giới căn bản của Phật tử. Riêng về ăn thịt thì Tây Tạng không có giới cấm đó, nhưng vị lama nào có ý thức thì trước khi ăn thịt họ tụng một câu chú để giúp cho con thú vãng sinh và chính họ cũng bớt tội.

Hỏi: Thầy có thể nói về các vị Lama có vợ không?

Ðáp: Những vị Lama có vợ đa số thuộc phái Nying-mapa (cổ mật). Theo giáo lý về tsa, lung, tiglé thì khi đưa được luồng nguyên khí prana (lung) vào đường kinh trung ương (Shushumna, Uma) chạy lên đỉnh đầu thì hành giả chứng ngộ, đạt được tánh không và sự khoái lạc cùng một lúc. Sự khoái lạc tột độ mà con người có thể có là khi giao hoan, nhưng sự sung sướng đó rất ngắn ngủi và nguy hơn nữa là sau khi nếm mùi khoái lạc rồi, con người trở thành nô lệ thèm khát muốn tái diễn lại cảm giác đó. Muốn thực hiện điều này, người ta phải lệ thuộc vào một tình nhân hay hôn phối và đây chính là nguyên nhân của khổ đau.

Một hành giả tu luyện khá, làm chủ được ít nhiều luồng nguyên khí prana của mình mà chưa giác ngộ, có thể tìm một người nữ để giao hoan. Vì khi giao hoan, anh ta có thể đưa luồng prana vào sạn đạo trung ương dễ dàng hơn. Nếu thành công thì anh ta đạt được giác ngộ và khoái lạc cùng một lúc, và sự khoái lạc này vĩnh viễn không bao giờ mất. Nhưng đâu phải ai cũng thành công hết, có nhiều người không thành công mà lại trở thành nô lệ cho sắc dục, đó là con dao hai lưỡi. Chính vì thế mà Tsongkhapa, sáng tổ của phái Gélugpa (Hoàng mạo) đã bắt đệ tử phải giữ giới luật thanh tịnh.

Hỏi: Một người giác ngộ không sung sướng an lạc hay sao mà phải tìm giao hoan?

Ðáp: Người giác ngộ có hai hạng:

1) Tu theo thiền quán, quán chiếu thẳng vào tâm, lấy tâm làm đối tượng tu hành. Ngộ được bản tâm hay bổn lai diện mục, đó là tâm giác ngộ. Vị này tuy giác ngộ nhưng chưa làm chủ được thân, vẫn có thể bệnh hoạn ốm đau, khổ sở về thân xác, và không có thần thông.

2) Tu thiền định trước, chứng được định, có thần thông, sau đó chuyển qua tu quán, chứng ngộ đuợc bản tâm . Vị này giác ngộ có thần thông, và có thể làm chủ được thân xác.


Cả hai hạng này đều có an lạc nhưng không có khoái lạc. An lạc thuộc về tâm, khoái lạc thuộc về thể xác. Khi tâm an, không còn vọng tưởng phiền não thì khổ đâu còn, đó là sung sướng (lạc). Sự sung sướng này thuộc về tâm. Có những vị giác ngộ rồi nhưng thân thể bệnh tật hoành hành, đau đớn quá phải nhập định để bớt đau hoặc nhập niết bàn luôn.

Người đời thì ngược lại, không đi tìm an lạc mà tìm khoái lạc, tìm sung sướng qua cảm giác thể xác. Nhưng mọi cảm giác vật chất đều vô thường, không tồn tại lâu bền, sướng một chút rồi lại khổ ngay, giống như người khát uống nước muối.

Người tu nên tìm an lạc, không nên tìm khoái lạc. Nhưng! Nếu tìm được cả hai, vừa an lạc vừa khoái lạc thì có sung sướng (bội lạc) hơn không? Và đây là mục đích mà hành giả tu theo tsa, lung, tiglé nhắm tới. Quý vị nghe qua thấy ham, nhưng con đường này rất nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm! Thành công thì ít mà thất bại rất nhiều. Thất bại ở đây là đau khổ, đọa lạc chứ không phải dậm chân tại chỗ.

Hỏi: Tu mật tông mà chỉ tụng chú thôi, như vậy có được không?

Ðáp: Ðược. Nếu tụng chú đúng theo âm tiếng Phạn (Sanskrit) thì tốt hơn. Khi tâm nhìn một đối tượng nào lâu thì nó có khuynh hướng trở thành một với đối tượng đó. Tiếng Phạn hay Phạm âm là những âm thanh có tầng số rung động rất cao. Khi chuyên tâm hay nhất tâm tụng chú, tâm trở thành một với câu chú và nó được nâng lên một bình diện rung động tương ưng với câu chú, lúc đó hành giả tự nhiên chứng đạt một cái gì đó nhiệm mầu, không thể suy nghĩ diễn tả được (bất khả tư nghì), vì nó vượt quá bình diện ý thức thông thường.

HT Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “6. Mật Tông”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com