Hỏi: Thưa thầy tu để làm gì?

Ðáp: Ðể hết khổ, được an lạc, hạnh phúc.

Hỏi: Có nhiều người không tu mà vẫn có an lạc, và có nhiều người tu mà không được an lạc.

Ðáp: Ở đây cần phải phân biệt giữa an lạc và khoái lạc. An lạc là sự bình an của tâm hồn. Nhờ tâm hồn bình an nên cảm thấy sung sướng (lạc).

Khoái lạc là sự sung sướng khi những đòi hỏi, khao khát của giác quan hay thể xác được thỏa mãn. Thí dụ người nghiện rượu, được uống rượu thì họ sung sướng, đó là khoái lạc. Họ nói tôi đâu cần tu để có hạnh phúc, chỉ cần một bầu rượu là tôi sung sướng rồi.

Người nghiện thuốc lá, không có thuốc hút, họ cảm thấy khổ sở khó chịu. Ðược một điếu thuốc, họ cảm thấy sung sướng. Sự sung sướng này gọi là khoái lạc, không phải an lạc.

Một ngày nào đó người nghiện rượu hay nghiện thuốc ý thức được sự nô lệ của mình, hiểu được nghiện ngập làm mình đau khổ nên quyết tâm từ bỏ rượu, thuốc. Ðương nhiên trong thời gian đầu anh sẽ bị bức rức khó chịu khi cơn nghiền nổi lên. Nhưng đến khi thành công, gặp lại những người uống rượu, hút thuốc, tâm anh bình thản, không còn đau khổ vì rượu và thuốc nữa, đó là an lạc.

Những người có nhà lầu xe hơi, vợ đẹp con ngoan, tiền của dư giả, bảo họ đi tu là điều vô lý. Vì có khổ mới có tâm niệm đi tu để hết khổ. Nhưng họ đâu có khổ mà bảo họ đi tu?

Bình thường đi tu phát xuất từ hai động lực:

1) Chính mình đã nếm mùi đau khổ nên tìm đường giải thoát.

2) Bản thân mình tuy chưa rơi vào cảnh khổ đó nhưng nhờ trí huệ quán sát, hiểu được cảnh khổ nên đi tu. Ðó là trường hợp của thái tử Siddharta.

Muốn hết khổ, thoát khổ thì phải biết, phải hiểu thế nào là khổ chứ! Bởi vậy trong Tứ Diệu Ðế đức Phật đã dạy về khổ đế trước hết.

Bây giờ nói đến người tu mà không được an lạc. Ở đây có rất nhiều lý do, tôi chỉ nêu ra vài lý do thông thường mà tôi được biết:

* chọn pháp môn không hợp với căn cơ, sở thích của mình.

* chọn đúng pháp môn nhưng không tự liệu sức mình, muốn tu gấp quá, muốn giác ngộ liền, như đàn lên giây quá căng. Hoặc tu lè phè không thấy kết quả như giây quá chùn.

* môi trường tu tập không thuận lợi, thầy bạn ích kỷ, ganh tỵ. Người mới tu rất cần thầy lành bạn tốt, tăng đoàn hòa hợp, huynh đệ thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Khi nào căn cơ vững rồi thì lúc đó nghịch cảnh hay thuận cảnh không thành vấn đề.

* chưa hiểu rõ pháp môn mình theo, thấy người khác làm thì mình bắt chước làm.


Tóm lại tu là để hết khổ. Tu đúng thì có an lạc. Nếu sau một thời gian tu mà chưa thấy an lạc thì phải xét lại pháp môn tu của mình, phải tham vấn học hỏi với thiện tri thức.

Hỏi: Vừa rồi thầy nói về an lạc. Còn nhiều người tu lâu năm mà không có hạnh phúc thì sao?

Ðáp: Hạnh phúc không có thật. Nói một cách khác, hạnh phúc tự thân không có thật (le bonheur n'existe pas en soi). Hạnh phúc chỉ có thể được cảm nhận hay không mà thôi. Chính những quan niệm và thói quen của ta, những tư tưởng đóng khung của ta có cho phép ta nếm được, hưởng được hạnh phúc hay không?

Nếu bảo hạnh phúc là có cơm ăn áo mặc. Vậy sao rất nhiều người có cơm ăn áo mặc mà vẫn không thấy hạnh phúc? Nếu bảo hạnh phúc là có thật nhiều tiền. Vậy sao nhiều người tỷ phú, triệu phú vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa hạnh phúc?

Một đứa trẻ đang đói, đòi ăn. Người mẹ cho nó ăn thì nó cảm thấy sung sướng hạnh phúc. Nhưng nếu nó không đói mà người mẹ cứ đem đồ ăn dí vào mặt nó, bắt nó ăn thì ăn trở thành một cực hình, không còn là hạnh phúc đối với nó nữa.

Một người ăn xin nhận được một hai đồng là cảm thấy sung sướng. Nhưng với một người triệu phú thì phải được bạc triệu mới thấy sung sướng. Như vậy sung sướng hay hạnh phúc tùy thuộc vào sự biết đủ (tri túc) hay không biết đủ, biết hài lòng với những gì mình có hay là muốn đòi hỏi hơn.

Người tu là người muốn hết khổ.Vậy khi nào mới hết khổ? Về Cực lạc hay thành A La Hán mới hết khổ? Nếu thiếu nhận thức, không biết tri túc thì tu cách mấy đi nữa cũng vẫn khổ như thường. Càng tu càng khổ, vì cái hạnh phúc mà mình muốn đạt, nó đâu phải ở đây và bây giờ, nó ở tận phương trời xa xăm nào đó, và phải sau khi chết may ra mới được nó. Như vậy thì từ đây đến lúc đó mình vẫn phải tiếp tục khổ dài dài.

Thầy Nhất Hạnh là người rất có công trong việc cải cách tư tưởng tu hành. Thầy dạy những phương pháp giúp cho người tu đạt được an lạc và biết thưởng thức hạnh phúc ngay trong hiện tại. Chỉ cần một chút chánh niệm và tỉnh thức ta có thể biến những xả thọ thành lạc thọ, biến trần cảnh thành thiên cảnh...

Hỏi: Có người tu chỉ cầu về cõi trời thì sao?

Ðáp: Nếu chỉ bàn về chữ tu thôi thì tu có nghĩa là sửa, đang hư sửa lại cho tốt, đang cong sửa lại cho thẳng, đang khổ sửa lại cho hết khổ.

Cảnh khổ của mỗi người mỗi khác, cường độ khổ cũng khác nhau, nên sự mong muốn hết khổ cũng khác nhau. Do đó mới có ngũ thừa Phật giáo, ta không thể nào bắt hết mọi người phải tu thành Phật.

Hỏi: Thời nay muốn đi tu thì phải làm sao?

Ðáp: Tu hay là đi tu? Ði tu thì dễ, còn tu mới khó!

Muốn đi tu thì vào chùa xin thầy cạo tóc, thọ giới đắp y là xong. Nhưng có người đi tu mà không tu, hình thức xuất gia mà trong lòng không chịu sửa đổi những tánh hư tật xấu, cứ khư khư giữ lấy tập khí cũ, ganh tỵ, ngã mạn, v.v... Ngược lại có người tu mà không đi tu, không cạo tóc xuất gia, nhưng hiểu đạo, biết tự sửa mình, thương yêu giúp đỡ kẻ khác, không cầu danh lợi, ích kỷ hại nhân.

Sự xuất gia đi tu là điều thường được kinh luận khuyến khích xưng tán, như kinh Bát Ðại Nhân Giác và Ðại Trí Ðộ Luận. Xuất gia thường được giảng qua ba ý nghĩa: xuất hồng trần gia, xuất tam giới gia và xuất phiền não gia.

Ngày nay khi nói đến xuất gia, người ta chỉ nghĩ đến xuất hồng trần gia, tức bỏ nhà đi tu. Nhưng có người vào chùa rồi biến cái chùa của mình thành một cái nhà khác to lớn hơn cái nhà hồng trần cũ. Và như vậy thì đâu có xuất đi đâu!

Ðối với tôi, xuất gia nói lên tinh thần xả bỏ không bám víu. Ở đời gia đình, vợ con, của cải, danh vọng, địa vị là điều mà ai cũng bám víu, chấp chặt, cố giữ cho là quý giá nhất. Vậy mà ta dám từ bỏ, buông xả ra đi để tìm chân lý, giải thoát, đó mới thật là xuất gia.

Chúng ta không chịu nhìn cái tinh thần xuất gia mà cứ nhìn vào hình thức xuất gia. Một người cạo tóc đi tu mà bám víu vào chùa, vào tượng của mình thì người đó tuy mang hình thức xuất gia nhưng thực ra chưa hề xuất gia. Một người cư sĩ tại gia, sống rộng rãi, bố thí, không bám víu vào gia tài, của cải, vợ con, nếu cái gì cần buông bỏ thì sẵn sàng buông bỏ, được vậy thì tuy hình thức tại gia mà đã xuất gia.

Xuất gia là điều tốt, nhưng đối với tôi, tu hay không mới là điều quan trọng.

Hỏi: Con thấy mình hãy còn tham, còn sân quá nên chưa tu được!

Ðáp: Chính vì còn tham và sân nên mới cần tu, cần sửa. Nếu không còn tham, sân, si nữa thì đâu cần tu làm gì. Những tánh tham, sân đó làm mình đau khổ, trở thành một người khó chịu, khó thương, khiến người khác xa lánh mình. Ý thức được mình còn tham, còn sân là điều đáng quý, nhờ đó mới cầu học hỏi tiến tu.

Phần đông chúng ta, ai nấy đều còn tham, sân, si nhưng có mấy ai ý thức được điều đó, ngược lại cứ tưởng mình thánh thiện, đạo đức, hiền lành, dễ thương.

Hỏi: Sau khi quyển 'Ðạo Gì' được phổ biến, thầy làm nhiều người hoang mang. Họ nói thầy là tu sĩ mà còn không biết mình có tu đúng với đạo Phật hay không, như vậy làm sao họ dám nương theo thầy để tu học?

Ðáp: Ở đây có hai điều. Thứ nhất, trong quyển Ðạo Gì, nếu để ý sẽ thấy rằng tôi vẫn tu theo đạo Phật, hoặc đúng hơn là tôi vẫn theo tinh thần đạo giải thoát. Tôi không còn tu đúng theo đạo Phật Nguyên Thủy (Theravada), đạo Phật Ðại Thừa (Mahayana), hay đạo Phật Kim Cang Thừa Tây Tạng (Vajrayana) mặc dù tôi đã trải qua một thời gian tu tập với những truyền thống đó. Truyền thống nào cũng có cái hay và đương nhiên cũng có cái dở. Khi theo học với một truyền thống nào đó, ta có quyền (và nên biết) lựa chọn những điều hay để áp dụng và loại bỏ những điều cố chấp bảo thủ.

Ðiều thứ hai, khi viết quyển Ðạo Gì, tôi không cố ý làm ai hoang mang cả, tôi chỉ muốn thay đổi, nói lên cảm nghĩ và kinh nghiệm của mình. Những quyển sách tôi viết về trước, Phật tử có thể ưa thích vì nó đi đúng khuôn khổ truyền thống, có nghĩa là ông thầy viết sách chỉ để lập lại hoặc bình luận, giảng giải lời Phật nói cho Phật tử yên chí theo đó tu hành. Ðể Phật tử mến mộ, tôi có thể tiếp tục dịch kinh, viết sách theo đà cũ, Phật nói thế này, Phật nói thế kia, v.v... Nhưng thực sự, Phật có nói đúng như thế không, hay là chính tôi nói rồi mượn danh Phật.

Trong mười điều tâm niệm có nói 'học đạo mà không bị khúc mắc thì sở học không thấu đáo'. Như vậy học đạo mà có hoang mang, có nghi ngờ là điều tốt, nhờ vậy mình mới tiến bộ.

Tôi không muốn Phật tử phải tin hay phải nghe theo tôi vì lý do tôi là tu sĩ. Tôi đã nói trong sách là tôi không muốn làm thầy ai cả, tôi chỉ chia xẻ một kinh nghiệm sống, thế thôi!

Ngày nay trên thế giới có rất nhiều đạo sư (guru) và tà sư, có nhiều giáo phái (secte) kỳ lạ xuất hiện nhất là ở Âu Mỹ. Người học đạo, cầu đạo phải sáng suốt lựa chọn. Riêng trong Phật giáo, đâu phải thầy nào nói gì mình cũng phải tin theo. Mỗi người phải tự ý thức đời mình, phải tự thắp đuốc lên mà đi, Như Lai chỉ là người chỉ đường. Ðức Phật đâu có muốn chúng ta tin theo ngài một cách mù quáng, ngài nói: 'tin ta mà không hiểu ta đó là hủy báng ta'.Nếu tin mà không hiểu thì có khác gì tin dị đoan, và như thế vô tình xem Phật như thần thánh ngoại đạo ban phúc giáng họa.

Hỏi: Con đã quy-y với một thầy rồi, nay con muốn quy-y lại làm đệ tử thầy có được không?

Ðáp: Quy-y để làm gì? Quy-y với tôi thì thành đệ tử của tôi hả? Quy là quay trở về, y là nương theo. Quy-y nói cho đủ là quy-y tam bảo, tức quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Một vị thầy truyền lễ quy-y chỉ là người đại diện làm trung gian đưa ta về với tam bảo. Sau lễ quy-y ta trở thành đệ tử của Phật Thích Ca, đệ tử của tất cả quý thầy chứ không phải đệ tử của riêng cá nhân thầy nào.

Xin cám ơn cô đã đặt câu hỏi trên, nó có vẻ hợp lý và hơi ngây thơ một chút nhưng đó là một quan niệm sai lầm mà đa số Phật tử thường mắc phải.

Có nhiều Phật tử quy-y với một thầy A, trở thành đệ tử của thầy A. Họ chỉ tôn kính, nghe lời thầy A thôi, còn những thầy khác họ không cần biết. Sau một thời gian, thầy trò xích mích, bất hòa, họ chán ghét thầy A, không còn muốn làm đệ tử thầy A nữa, có nhiều người còn xé luôn cả phái quy-y mà họ đã thọ với thầy A. Sau đó họ đi tìm một thầy khác xin quy-y lại.

Về phía quý thầy, có nhiều thầy truyền lễ quy-y cho Phật tử xong rồi nói: quý vị là đệ tử của tôi.

Ðối với tôi, Phật tử quy-y một lần là đủ, không nên quy-y lại nhiều lần với nhiều thầy khác nhau. Phật tử là đệ tử của Tam Bảo chứ không phải đệ tử của riêng thầy A hay thầy B. Nếu ta tu học với thầy A không tiến bộ thì ta có quyền theo học với thầy B, thầy C, v.v...

Hỏi: Sau quyển Ðạo Gì, nhiều người thắc mắc, không biết thầy bây giờ tu theo đạo gì? Tu thiền, tịnh độ hay mật tông?

Ðáp: Tại sao phải đóng khung tôi vào đạo gì? Tôi ráng tập tu thế thôi. Không tu thiền cũng không tu tịnh độ hay mật tông. Bộ đạo Phật chỉ có ba cái đó thôi sao? Nếu quý vị nhất định muốn một danh từ thì tôi tu Sửa. Nói vậy hơi thừa vì tu tức là sửa đổi, từ xấu trở thành đẹp, khổ trở thành vui, ích kỷ thành lợi tha. Cái chữ chính và quan trọng là chữ Tu mà không ai để ý nhấn mạnh, cứ mải mê chạy theo sau chữ tu, tu đạo nào, tu môn nào, tu theo ai, v.v...

Nói "tu sửa" tuy hơi thừa và ngây ngô nhưng rất nhiều người quên mất mục đích của sự tu và cũng quên luôn tu là sửa. Tuy thừa nhưng đúng chứ đâu có sai. Trong tiếng Việt mình cũng có nhiều chữ thừa như: khai mở, khám xét, sinh sống, xuất ra, nhập vô, v.v... Ðó là những chữ kép mà chữ đầu là tiếng Hán, chữ sau là tiếng Việt và cả hai đều cùng một nghĩa.

Nếu quý vị không thích tu sửa thì tu tập cũng được. Tập sống cho ra sống, sống sao cho hạnh phúc đừng ích kỷ làm khổ mình, khổ người, đó là tu. Ðúng như lời Phật nói: 'chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo'.

Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “8. Tu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com