Hỏi: Khi nói về bệnh, đa số đổ tại nghiệp, như vậy có nên chữa hay không?
Đáp:Trước khi nói nên chữa hay không, ta phải xét lại nguyên nhân nào đã đưa đến bệnh. Nếu ta không giữ gìn sức khỏe, ăn chơi trác táng rồi bị bệnh, như thế có đổ tại nghiệp được không? Không tắm rửa sạch sẽ, bị sinh ghẻ, có đổ tại nghiệp được không? Ai cũng biết nếu tắm rửa sạch sẽ thì làm sao có ghẻ. Nhưng nếu tắm rửa đều đặn mà vẫn bị ghẻ thì lúc đó có thể đổ tại nghiệp được. Còn chính mình dí tay vào lửa cho cháy rồi đổ tại nghiệp thì đâu có được.

Sống phải biết vệ sinh, chữ vệ sinh có nghĩa là bảo vệ giữ gìn sự sống, phải hiểu thân của mình cũng như chiếc bè qua sông. Đang đi trên sông, nếu không cần biết là bè bắt đầu nứt, nước tràn vào rồi mà cứ mặc kệ làm ngơ thì nửa chừng sẽ phải chết chìm trước khi tới bờ.

Ở các tu-viện và chùa, quý thầy, cô, các ông cha, bà sơ thường bị bệnh rất nhiều vì thiếu hiểu biết về y-lý và sinh lý con người.

Hỏi: Có nhiều thầy bịnh không chịu uống thuốc, nói rằng phải lo tu hành, đâu có thì giờ lo trị bịnh.

Đáp: Nếu vậy thì tu chưa xong mà đã chết trước rồi. Trở lại vấn đề qua sông, có nhiều người không biết lượng sức mình, cho rằng mình có thể bơi một mạch qua sông tới bờ bên kia. Nhưng bơi mới tới giữa dòng thì đuối sức, không bám víu vào đâu được, phải bị chết chìm, chết đuối.

Có người biết mình bơi không nổi, đi lấy một số cây kết lại thành bè để qua sông. Nhưng vì quá hấp tấp, làm vội vàng cẩu thả, giây bè cột không chắc, ra đến giữa dòng thì giây bè mục đứt, vỡ bè rồi cũng chết đuối.

Có người cẩn thận, biết suy tính, thấy con sông dài, biết phải cần làm một cái bè thật chắc với bao nhiêu gỗ, bao nhiêu giây. Trong lúc anh này hãy còn cặm cụi kết bè thì hai người kia đã nhẩy xuống sông trước rồi. Nhìn qua thấy anh thứ ba tuy chậm, đi sau nhưng đến bờ kia an toàn. Còn hai anh kia tuy có vẻ tinh tấn, cương quyết nhưng không tới bến.

Người tu cũng vậy. Có nhiều người quá khích, muốn mau thành chánh quả, tu ngày tu đêm, thức khuya dậy sớm, quên ăn bỏ ngủ. Làm như thế chỉ hại thân mình, quả Phật đâu chưa thấy mà thấy phải vào nhà thương sớm, tự làm khổ mình và khổ lây những người xung quanh phải lo săn sóc cho mình.

Đức Phật có nói người tu cũng giống như người chơi đàn. Phải biết lên dây đàn cho đúng thì đàn mới kêu. Nếu lên dây căng quá thì sẽ đứt, mà chùn quá thì không lên tiếng.

Hỏi: Có nhiều nơi tu chỉ ngủ có bốn, năm tiếng.

Đáp: Nếu ngủ bốn, năm tiếng mà trong ngày chỉ ngồi thiền, đi kinh hành, không làm việc gì cần đến sức lực thì bốn,năm giờ có thể đủ. Nhưng nếu trong ngày phải làm bao nhiêu việc như người ngoài đời thì sẽ hao phí sinh lực, ốm o gầy mòn và chết sớm.

Hỏi: Có người làm việc như người thường mà đêm chỉ ngủ có bốn, năm tiếng mà vẫn không sao?

Đáp: Việc ngủ nghỉ không thể tổng quát hóa (géné-raliser) được. Thí dụ như bà Thatcher, cựu thủ tướng nước Anh, mỗi đêm chỉ ngủ bốn, năm tiếng mà vẫn làm việc không ai bì kịp.

Mỗi người là một tiểu vũ trụ, không ai giống ai. Mỗi người có một tạng riêng, có người béo, có người gầy, người cao, kẻ thấp. Tùy theo tạng người mà có người cần ăn nhiều, ăn ít, ngủ nhiều, ngủ ít. Con người đâu phải là cái máy, rô bô mà bắt ai nấy phải ăn ngủ như nhau được.

Nếu cho rằng ngủ ít là tu giỏi thì bà Thatcher kia xứng đáng là người tu giỏi.

Theo Đông-Y thì con người có ba phần: tinh, khí, thần. Ăn uống không đủ, thiếu dinh dưỡng hoặc dâm dục quá độ thì hao tinh. Không vận động thể dục, thể thao hoặc làm việc quá sức, nói năng quá nhiều thì hao hơi tổn khí. Suy nghĩ, lo lắng quá nhiều, ngủ nghỉ không đủ thì hao thần.

Người tu mà ăn uống không đủ dinh dưỡng, lại không vận động thể dục thì tinh khí yếu, bởi vậy cần ngủ nhiều để bồi bổ lại thần. Nhưng nếu nay lại bắt ngủ ít hơn người thường nữa thì chỉ có nước đi vãns sanh sớm. Người nào tinh khí đầy đủ thì tự nhiên không cần ngủ nhiều mà vẫn khỏe như thường.

Phật pháp bất định pháp. Không thể nói Phật pháp nhất định là thế này hay thế kia được. Ở hoàn cảnh này, trong trường hợp này, đối với người căn cơ này thì phải nói pháp như thế này. Gặp trường hợp khác, với người căn cơ khác thì nói pháp theo cách khác.

Hỏi: Con nghe nói người tu phải 'tam thường bất túc'?

Đáp: Tôi không đồng ý. Câu 'tam thường bất túc' có nghĩa là ba việc: ăn, mặc, ngủ phải không đủ, luôn luôn thiếu. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác có dạy 'thiểu dục tri túc', có nghĩa là nhờ ít ham muốn nên lúc nào cũng thấy dư đủ. Người tu nhờ có thiểu dục tri túc nên không ham ăn, ham mặc, ham ngủ, không tích trữ đồ ăn, không mua sắm nhiều quần áo, không ưa ngủ giường cao, nệm ấm. Vì thế ba việc: ăn, mặc, ngủ không cần quá đầy đủ như người thường. Theo tôi câu 'tam thường bất túc' nên đổi lại là 'tam thường tri túc'.

Hỏi: Nghe thầy nói không giống mấy thầy khác. Quý thầy đa số nói tu là phải khổ hạnh, không được lo vấn đề vật chất..

Đáp: Khi tôi nói người tu cần phải ăn uống, ngủ nghỉ vừa đủ không có nghĩa là lo cho vật chất mà là lo cho chiếc bè đừng sớm hư hoại trước khi sang đến bờ bên kia. Cho tới bây giờ, khi nói đến chữ tu, người ta chỉ nghĩ tu là tu tâm mà thôi. Nhưng đối với tôi, tu là tu cả hai: tu thân lẫn tu tâm.

Hỏi: Nhiều thầy chủ trương khi có bệnh không chịu chữa, chỉ lo niệm Phật cầu vãng sinh.

Đáp: Đó là vì mấy thầy đó muốn chết. Người tu Tịnh Độ muốn vãng sinh cực lạc, họ nghĩ nếu chết sớm thì về cực lạc sớm.

Hỏi: Có những trường hợp, người bệnh nặng gần chết, chí tâm niệm Phật một thời gian thì bỗng nhiên hết bệnh.

Đáp: Bình thường con người chết là do mạng căn đã hết. Song le nếu người đó còn nhiều phước đức thì có thể kéo dài thêm mạng sống qua sự cầu nguyện, lễ bái. Nếu mạng căn hết mà phước đức cũng hết thì dù có cầu nguyện cách mấy đi nữa cũng không thể kéo dài thêm mạng sống.

Hỏi: Vậy theo thầy, khi bệnh có nên chữa trị không hay là niệm Phật cầu vãng sinh?

Đáp: Khi bệnh thập tử nhất sinh thì nên niệm Phật cầu vãng sinh, vì lúc đó mình hoàn toàn bất lực.

Nhưng khi mới bắt đầu bệnh thì phải lo chữa trị, không nên phó thác tại nghiệp. Lúc đó mạng sống hãy còn nằm trong tay mình, còn nước còn tát, phải làm hết sức mình. Nếu làm hết sức mà không tránh khỏi thì hãy đổ tại nghiệp.

Nếu bệnh mới phát mà không lo chữa trị để nó nặng thêm thì đó là do mình vô ý tạo nên chứ không nên đổ tại nghiệp. Nếu muốn nói tại nghiệp cũng được, nhưng là nghiệp vô minh không biết chữa trị sớm.

Hỏi: Thầy nói như vậy có vẻ nghiêng về phần đời nhiều hơn?

Đáp: Đời là gì? Đạo là gì?

Sống mà có trí huệ, mỗi hành động, suy nghĩ thuận theo ý trời (nếu nói theo bình dân) hoặc thuận theo tự tánh (hay phật tánh) được an lạc hạnh phúc thì đó là Đạo. Sống dưới hình thức Đạo, tu Đạo, lo cho Đạo mà không có từ bi trí huệ hay sự thương yêu hiểu biết, ba nghiệp thân, khẩu, ý bị thúc đẩy, điều khiển bởi dục vọng ích kỷ, làm khổ mình và người thì đó là Đời.

Đối với tôi, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền chưa hẳn là Đạo, làm cơm nấu ăn, giặt giũ không hẳn là Đời.

Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Đức Phật Thích Ca đâu phải chỉ là Phật vào những khi ngài ngồi thiền, thuyết pháp, còn những lúc ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa thì ngài không còn là Phật nữa

Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “2. Bệnh”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com