Thế giới mà chúng ta đang sống trong đó là một thế giới hiện tượng (monde manifesté) , tức là sự vật ảnh hiện trước mặt ta và giác quan của ta cảm nhận được.

Trời mưa, trời nắng, mắt ta thấy được như vậy. Ðây gọi là sự nhận biết của mắt, trong đạo Phật gọi là nhãn tưởng (cakkhu-sanna). Tiếng khen, tiếng chê, tiếng nhạc, v.v... tai ta nghe thấy được. Ðây gọi là sự nhận biết của tai, hay nhĩ tưởng (sota-sanna).

Trong đạo Phật dạy lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) phát sinh ra lục thức. Ðây gọi là bộ ba căn, trần, thức hay 18 giới. Có một điều quan trọng cần được nói đến mà ít ai để ý, đó là tưởng. Một lần trong quyển Vô Ngã tôi đã bàn đến chữ tưởng, ở đây xin nói nữa.

Tưởng là một uẩn (khandha) trong năm uẩn. Con người được cấu tạo bởi năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Con người đau khổ vì cái máy năm uẩn làm việc không chính xác.

Cái máy năm uẩn được đặt trong thế giới hiện tượng, sự tiếp xúc qua lại đầu tiên giữa hai cái là qua tưởng (uẩn). Tưởng, tiếng Pháp hay tiếng Anh dịch là perception, tức là sự nhận thức, nhận biết (thức là biết) qua giác quan, còn gọi cách khác là tri giác. Tưởng (uẩn) cũng giống như cặp mắt kính ta đeo để nhìn sự vật. Nếu đeo mắt kính đỏ thì thấy cảnh vật toàn là màu đỏ, đeo mắt kính đen thì thấy cảnh vật màu đen, u tối ảm đạm.

Chúng ta đau khổ hay hạnh phúc đều do sự nhận thức của mình. Ðối với sự vật, nếu ta nhận thức sai lầm thì khổ đau liền đến, nếu nhận thức đúng thì hết khổ. Vậy muốn chấm dứt khổ đau, ta phải biết sửa đổi cách nhận thức của mình, tức là sửa lại cách tưởng của mình, tập bỏ dần những cặp mắt kính màu để nhìn trực tiếp sự vật.

Trong ngôn ngữ thông dụng hằng ngày, chữ tưởng thường được hiểu là 'tưởng lầm'. Tôi tưởng hôm nay trời đẹp, hóa ra trời xấu. Tôi tưởng anh đến hôm qua, ai dè hôm nay anh mới tới. Tôi tưởng cô ấy yêu anh, ai ngờ cô ta chỉ đóng kịch mà thôi. Tôi tưởng sự vật như thế này, nhưng thực tế sự vật lại như thế khác. Tôi tưởng người ta như thế này, nhưng thực ra người ta như thế khác. Cứ thế tưởng được dùng theo nghĩa hiểu lầm, tưởng lầm. Như vậy vô tình nó cho thấy là sự nhận thức (tưởng) của ta thường là một sự nhận thức sai lầm. Ta cần ý thức rằng sự nhận thức (hay tưởng) của ta đã bị ảnh hưởng và điều kiện hóa rất nhiều bởi sự giáo dục trong gia đình, bởi văn hóa phong tục tập quán xã hội, bởi tín ngưỡng tôn giáo.

Từ sự nhận thức (tưởng) sai lầm, nó dẫn đến suy nghĩ (hành) sai lầm, rồi đánh giá, phán xét, phân biệt (thức) sai lầm. Từ những sự sai lầm như thế đương nhiên sẽ đưa đến khổ đau (khổ thọ).

Một người tưởng rằng ai cũng ghét mình, rồi nghĩ rằng ai cũng nói xấu mình, rồi kết luận rằng người đời ác độc. Thử hỏi làm sao người này có thể vui sống hạnh phúc được?

Bình thường chúng ta hay dùng chung hai chữ nghĩ và tưởng, như nghĩ tưởng hoặc tưởng nghĩ, và nhiều lúc ta cho hai chữ giống nhau. Tưởng (perception) thuộc tưởng uẩn, còn nghĩ (penser) thuộc hành uẩn. Theo tiến trình bình thường thì tưởng trước rồi nghĩ sau. Thí dụ: anh A đang làm việc bận rộn, tôi đến hỏi anh ta vài câu làm anh nổi nóng, la mắng tôi. Tôi nghi nhận là anh A mắng tôi (đó là tưởng) và từ đó tôi nghĩ là anh A ghét tôi, giận tôi, v.v... rồi tôi buồn (khổ) giận anh ta. Về nhà ăn uống không vô, cứ ôm ấp nghĩ rằng anh A ghét mình. Thật là khổ!

Nhưng nếu tôi biết cách chuyển cái tưởng và cái nghĩ của tôi thì tôi sẽ hết khổ. Tôi ghi nhận (tưởng) là anh A có mắng tôi, nhưng tôi nghĩ rằng anh không ghét tôi, giận tôi, chỉ vì anh ta đang quá bận rộn mà tôi vô ý đến quấy nhiễu nên anh phát cáu, thế thôi. Qua chuyện, ngày hôm sau thế nào anh ta cũng trở lại bình thường. Nhờ nghĩ như vậy tôi sẽ không buồn giận anh A. Và như thế là không có khổ! Trên đây mới chỉ là chuyển cái nghĩ thôi.

Nếu ta đã học và hiểu được lý vô ngã thì ta chuyển ngay cái tưởng ban đầu. Tức là ghi nhận: anh A có nổi sùng lên, la mắng ỏm tỏi, nhưng anh đâu có mắng tôi. Chỉ có một sự phát cáu mà thôi, không có ai chửi ai hết.

Chúng ta có thể nói đến phật tánh, chân tâm, bát nhã, tánh không, v.v... nhưng nếu ta không rõ về tưởng uẩn thì phật tánh, chân tâm kia cũng có thể là một loại vọng tưởng, tức là một sự nhận biết sai lầm.

Người tu thiền, học theo kinh băng của thầy Thanh Từ hay dùng đến chữ vọng tưởng, khi ngồi thiền mà ý nghĩ khởi lên lôi kéo ta đi thì gọi đó là vọng tưởng. Vọng tưởng còn được hiểu là sự suy nghĩ lung tung không cho tâm vắng lặng. Nhưng vọng tưởng hay tưởng (đa số những cái tưởng của chúng ta thường mang tính chất sai lầm nên thêm chữ vọng cũng không sai) cần được ý thức để chuyển hóa ngay trong đời sống hằng ngày chứ không phải chỉ khi ngồi thiền yên lặng mới chú ý đến nó.

Tưởng đã làm chúng ta đau khổ nhiều rồi. Ðừng đổ lỗi mãi cho vô minh, đừng đổ lỗi mãi cho phiền não. Vì ta tưởng lầm nên mới sinh phiền não. Con ếch ngồi đáy giếng nhìn lên trời, thấy bầu trời chỉ bằng cái vung, rồi than sao trời nhỏ quá. Một tuần nay, ở sở nhiều việc anh A phải nán lại làm thêm nên về trễ. Ở nhà vợ anh chờ lâu nóng lòng, tưởng chồng mình đi với tình nhân, rồi buồn tủi ngồi khóc.

Nếu bàn rộng ra thì tất cả những tư tưởng, ý nghĩ, quan niệm, khái niệm đều có thể gọi là tưởng. Ta quan niệm rằng Phật là người như thế này, như thế nọ, đó chẳng qua là do ta đã đọc sách, xem kinh (tưởng) nói về Phật rồi ta đúc kết một hình dáng ông Phật trong tâm ta (hành), và đinh ninh yên chí (thức) ông Phật đó là Phật thứ thiệt. Khi bị nạn, ta cầu cứu thì ngài sẽ hiện ra nguyên hình cứu vớt ta. Như bên đạo Chúa, nhiều người vẫn tin tưởng rằng thượng đế là một người hình dáng giống như chúa Giê-Su vẽ hoặc in trong sách vở.

Có một anh chàng nọ rất ngoan đạo, hằng đêm thường cầu nguyện thượng đế. Rồi một hôm vỡ đê, nước lụt tràn vào làng, cuốn trôi đi nhà cửa. Bà con hàng xóm mạnh ai nấy lo thoát thân. Anh ta không chạy đi đâu hết, yên chí thượng đế sẽ hiện xuống cứu anh. Một lúc sau nước ngập đầy nhà, anh phải trèo ra cửa sổ ngồi. Có một chiếc xuồng chèo ngang, trên đó người ta gọi hỏi anh có muốn đi với họ không. Anh ta từ chối, nói rằng anh chờ thượng đế xuống cứu anh ta. Vài phút sau nước tiếp tục dâng cao, anh phải leo lên nóc nhà ngồi. Có một chiếc trực thăng bay qua, trên đó người ta hỏi anh có muốn đi với họ không. Anh cũng từ chối, nói rằng anh tin tưởng chờ thượng đế hiện xuống cứu anh. Chiếc trực thăng bỏ đi và chỉ vài giây sau nước tràn tới cuốn anh ta trôi mất. Nếu nói về lòng tin thì anh này quả thật là người có nhiều đức tin, nhưng vì cố chấp muốn thấy thượng đế phải hiện xuống dơ tay cứu vớt mình như anh đã từng tưởng tượng. Anh đâu ngờ là thượng đế đã hiện xuống với chiếc xuồng và chiếc máy bay trực thăng để cứu anh nhưng chính anh đã từ chối, vì anh cho đó không phải là thượng đế. Trong đầu anh, thượng đế phải là người tóc dài có râu, mặc áo thụng theo kiểu 2000 năm trước.

Trong đời sống hằng ngày, tiếp xúc, đối đãi với mọi người, không lúc nào mà ta không tưởng. Vì tưởng người khác là thế này, thế nọ nên sinh ra ưa ghét, buồn vui, giận hờn, ganh tỵ, v.v... Phần đông sự tưởng của chúng ta thường mang tính chất sai lầm, Duy Thức Học gọi đó là phi lượng, tức sự nhận thức không đúng sự thật. Ðương nhiên cũng có lúc chúng ta tưởng đúng nhưng trường hợp này rất ít, và khi tưởng đúng thì ta không dùng chữ tưởng mà dùng chữ tri là biết hay biết chắc. Nhưng ai dám nói là mình biết chắc điều gì? Thế giới mình đang sống đây là một thế giới ảo tưởng, tiếng Phạn là Maya. Thế giới tự thân của nó không phải là ảo tưởng (illusion), nhưng chính vì lục căn hay giác quan của ta quá thô kệch và hạn hẹp nên ta nhận thức thế giới một cách méo mó. Từ đó những hiện tượng (chose manifestée) trở nên ảo ảnh không thực. Sự vật vô thường mà ta lại cảm thấy là thường, sự vật vô ngã mà ta cho là có ngã. Mắt thịt (nhục nhãn) của ta đâu thấy được vi trùng, đâu thấy được những màu sắc dưới infra-rouge hoặc trên ultra-violet. Tai ta đâu nghe được siêu âm thanh (ultra-son). Những gì mà lục căn hay giác quan của ta không nhận biết được thì ta cho là không có, không hiện hữu. Nhưng chúng vẫn có, vẫn hiện hữu, tôi gọi đó là thế giới ẩn tượng (monde non-manifesté).

Ðối với thế giới ẩn tượng thì ta mù tịt, không hay biết chút nào. Còn đối với thế giới hiện tượng thì ta nhận thức méo mó qua ảo tưởng và như thế làm sao ta dám tuyên bố là ta biết chắc điều gì?

Thế giới hiện tượng của một người mù hay một người điếc nó khác hẳn với cái thế giới hiện tượng của những người bình thường như chúng ta. Một ngày nào đó gặp duyên may được chữa hết mù, hết điếc, mắt thấy và tai nghe được, họ sẽ nhận ra rằng cái thế giới trước kia của họ thật là hạn hẹp. Ngày nay trước mặt họ thế giới hiện ra mầu nhiệm hơn với muôn vàn màu sắc âm thanh đủ loại. Ở đây khỏi cần nói, ta cũng biết là đời sống của họ trở thành ý nghĩa hơn. Những màu sắc âm thanh kia đâu phải là không có, nhưng vì giác quan nhận thức (hay cái tưởng) của họ quá hạn hẹp nên chúng biến thành ẩn tượng. Có những điều người giác ngộ thấy được, biết được mà chúng ta không thấy, không biết. Và như vậy cái thế giới hiện tượng của người giác ngộ lại trở thành thế giới ẩn tượng đối với chúng ta. Nếu so sánh với người giác ngộ thì ta đâu có khác gì người mù và điếc. Quý vị có nhớ chuyện người mù sờ voi không?

Tôi nói như thế không phải cố ý làm cho quý vị khủng hoảng tinh thần, mà muốn quý vị khi biết điều gì thì phải cẩn thận đừng quả quyết 100% là mình biết chắc. Cái mà mình cho là biết chắc, chẳng qua vẫn chỉ là một loại tưởng mà thôi. Sợi dây tưởng là con rắn, ngón tay tưởng là mặt trăng, người bạn tưởng là kẻ thù, kinh sách tưởng là chân lý.

Giáo lý nào mà ta quả quyết cho đó là chân lý 100% thì giáo lý đó không còn là chân lý nữa. Vì thế Lão tử có nói: 'Ðạo khả đạo phi thường đạo'. Mỗi khi ta cho rằng mình biết được chân lý, nắm bắt được chân lý thì chân lý đã tuột khỏi tầm tay của ta rồi.

Quý vị hãy biết, nên biết, cần biết, nhưng đừng cho là mình biết chắc, thế thôi! Mỗi cái biết, mỗi lần biết là một nấc thang, nhưng không phải là nấc thang cuối cùng.

Quý vị biết chuyện người đeo tro đứa con chứ! Một người đàn ông nọ, vợ chết sớm để lại một đứa con trai, ông ta rất cưng quý. Một hôm ông đi vắng, có bọn cướp đến cướp của đốt làng rối bắt cóc đứa con trai của ông. Khi trở về, thấy nhà cửa cháy tan, trong nhà có một xác chết, vì cháy đen không nhìn rõ mặt nên ông liền cho đó là con trai của mình. Ðau đớn gào thét một hồi, buồn khổ ông ta đem cái xác kia thiêu ra tro rồi bỏ vào một cái túi đeo trên người để tưởng nhớ luôn đến đứa con trai yêu quý. Một ngày kia, con trai của ông trốn thoát bọn cướp trở về nhà gõ cửa. Ông hỏi: ai đó? Nó trả lời: con đây! Ba hãy mở cửa cho con vào. Ông ta quát lên: đừng có nói bậy, con tao chết rồi. Tao đã thiêu nó và tro của nó tao đang mang trên người đây. Ngươi là đứa nào mà dám xưng là con tao? Ði chỗ khác chơi, đừng có lải nhải.

Tội nghiệp thằng bé đứng ngoài cửa, kêu gọi hết hơi mà người cha nhất quyết không mở. Cuối cùng nó đành lủi thủi bỏ đi. Mình còn sống nhăn răng đây mà cha mình cứ nhất quyết bảo mình đã chết, không chịu mở cửa cho vào, lại còn đuổi đi. Thật là oan ức, tức tưởi làm sao!

Quý vị nghe qua câu chuyện trên có thấy buồn cười không? Cười người đàn ông kia sao mà ngu quá! Dù sao đi nữa ông ta cũng nên mở cửa xem mặt mũi thằng bé ra sao chứ! Và biết đâu nhờ đó ông ta có thể nhận ra con mình. Nhưng đàng này ông cứ khăng khăng nhất định từ chối. Vì sao? Bởi vì ông ta biết chắc, tin chắc là con mình đã chết nên đâu cần ra mở cửa làm chi cho mệt.

Quý vị đừng cười ông ta, vì đa số chúng ta cũng giống như ông ấy. Chúng ta tin chắc là mình biết chắc đạo Phật như thế này. Nếu có người khác đến bảo đạo Phật không phải như thế này mà là như thế kia, thì chúng ta sẽ dẫy nẩy lên nói: xin mời ông đi chỗ khác chơi, vì đạo Phật của ông không đúng, là tà giáo. Ðạo Phật của tôi mới đúng, vì tôi đã theo nó, đeo nó từ 10 năm nay rồi.

Trong kinh Duy Ma Cật, phẩm thứ nhất 'Phật Quốc' ngài Xá lợi Phất thắc mắc tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Các cõi Phật khác đều thanh tịnh, sao cõi Ta Bà của Phật Thích Ca không thanh tịnh với hầm hố, chông gai, sỏi sạn, đất đá nhơ nhớp? Lúc đó đức Phật mới lấy ngón chân nhấn xuống đất, tức thì đại chúng liền thấy cõi Ta Bà này hiện ra trang nghiêm rực rỡ như cõi Vô Lượng Công Ðức của Phật Bảo Trang Nghiêm và mọi người đều thấy mình đang ngồi trên toà sen báu. Lấy ngón chân nhấn xuống đất tức là thay đổi cái nhận thức (tưởng) của đại chúng.

Trong đời sống hằng ngày, đối với một người hay một sự việc nào đó mà mình có vấn đề bất an, buồn bực đau khổ thì phải biết kiểm lại cái tưởng của mình đối với người đó hoặc sự việc đó. Từ trước đến giờ mình đinh ninh, tin chắc và nghĩ rằng người đó là như vậy, nhưng có thể họ không phải vậy thì sao? Ðinh ninh tin chắc sự việc là như thế nhưng thực tế sự việc có thể và rất có thể không phải là như thế thì sao?

Tôi không muốn quý vị vứt bỏ, từ chối tất cả niềm tin, hiểu biết hay khái niệm sẵn có của mình từ trước tới nay mà hãy hé mở cửa tâm để có thể tiếp nhận những điều hữu ích cho chính mình, để mình bớt khổ.

Ngoài chữ tưởng (perception) liên quan đến tưởng uẩn của đạo Phật còn có một chữ nữa khá quan trọng trong việc chuyển hóa khổ đau đó là phóng chiếu (projection).

Trong đời sống hằng ngày, có những ý nghĩ tình cảm mà ta không nhận ra chúng là của riêng ta, phát xuất từ ta và ta phóng chiếu chúng vào sự vật và người khác, rồi ta tưởng hay đinh ninh sự vật và người khác là như thế. Danh từ bình dân gọi là 'suy bụng ta ra bụng người'.

'Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ', cảnh vật tự nó đâu có vui buồn, vì trong tâm ta buồn rồi ta phóng chiếu cái buồn của mình lên cảnh vật và thấy (tưởng) cảnh vật buồn. Nhiều lúc ta còn đổ tại cảnh buồn nên làm ta buồn.

Cô Tám có một người bạn thân là cô Ba. Cô Ba sống độc thân còn cô Tám có chồng và hai con. Mỗi lần gặp nhau, cô Tám than thở giùm cô Ba: 'Tội nghiệp chị! Chị sống một mình như vậy chắc khổ lắm nhỉ. Lâu lâu chị có thấy buồn không?'

Nhưng cô Ba là người thích sống một mình, thích tự do, cô sống rất thoải mái, không Bao giờ ao ước lấy chồng có con cả.

Trong trường hợp này ta thấy cô Tám đã phóng chiếu những quan niệm, ước muốn và sợ hãi của mình vào cô Ba, vì nếu cô phải sống một mình như cô Ba, không có chồng con bên cạnh thì cô sẽ cảm thấy buồn khổ bơ vơ khó sống.

Nhiều lúc cô Tám thấy thương và tội nghiệp cho bạn, cô muốn làm mai mối tìm bạn trai cho cô Ba và cô tưởng làm như vậy là tốt, là đúng. Nhưng cô không ngờ càng làm như vậy thì cô Ba càng bực mình khó chịu. Cô Ba đã hết lời giảng giải cho cô Tám biết là cô không thích có chồng, cô rất hạnh phúc sống độc thân. Nhưng cô Tám đâu có chịu nghe cô Ba, cô chỉ nghe theo sự phóng chiếu của mình. Cuối cùng cô Ba đành phải nghỉ chơi, không giao thiệp với cô Tám nữa để khỏi bực mình. Oái ăm hơn nữa là cô Tám không hiểu tại sao bạn mình lại không chơi với mình nữa, trong khi đó mình hết lòng với bạn, hết lòng muốn giúp bạn, v.v... Vì quá tin tưởng vào sự phóng chiếu của mình nên cô mờ mắt, không nhận thức, không hiểu được sự vật đúng như thật. Cô cứ tưởng là mình đúng, là mình tốt, nhưng cô đã làm bạn mình khó chịu và hậu quả là cô cũng không vui sướng gì vì cô mất đi một người bạn.

Có nhiều bậc cha mẹ phóng chiếu tình cảm, ao ước của mình vào con cái. Như muốn con gái mình phải lấy chồng bác sĩ, kỹ sư, v.v... Vì chính họ xưa kia đã từng ao ước như vậy và họ tin rằng có chồng bác sĩ, kỹ sư thì mới có hạnh phúc. Họ làm như chính họ đi lấy chồng chứ đâu phải con gái họ. Trong khi đó cô gái kia đang yêu một anh nghệ sĩ nghèo, và đối với cô nếu lấy được anh ta thì cô sẽ có hạnh phúc nhất đời. Câu chuyện đi tới đâu thì để cho quý vị đoán hoặc tìm cải lương mà xem. Nhưng trên thực tế đã có nhiều gia đình tan nát, con cái bỏ nhà ra đi hoặc tự tử,v.v... Chỉ vì sự phóng chiếu của mình mà cha mẹ làm khổ con và làm khổ chính mình.

Trên đây chỉ là hai thí dụ nhỏ. Sự phóng chiếu đầy dẫy trong gia đình, xảy ra thường xuyên giữa cha mẹ vợ chồng con cái, và với tất cả mọi người. Ngay cả người tu vẫn còn phóng chiếu. Ta có thể vô tình phóng chiếu nhưng nhớ đừng quá tin vào cái tưởng của mình, nhờ đó có thể giảm bớt thiệt hại cho mình và người.

Trong Bát Nhã Tâm Kinh có đoạn nói: 'Bồ Tát nương theo Bát Nhã Ba la Mật nên tâm không quái ngại, không sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt đến Niết Bàn'. Tôi không biết quý vị tu tập Bát Nhã làm sao, nhưng trước tiên là cần phải kiểm lại cái tưởng của mình xem nó có phải là một loại mộng tưởng không? Một loại tưởng đảo ngược (thiện mà cho là ác), một loại tưởng của những người điên (không thật mà cho là thật).

HT Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “3. Lại Tưởng Nữa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com