Trong quyển "Ðạo Gì", chương 'âm dương nam nữ', phần cuối tôi có nói: Ðối với tôi, tu là tu cả hai, tu thân và tu tâm. Tinh thần và thể xác luôn đi đôi. không thể có một tinh thần bạc nhược trong một thể xác tráng kiện hay tinh thần minh mẫn trong một thể xác bệnh hoạn.

Ở các chùa và tu viện, quý thầy cô tu hành thường bị bệnh rất nhiều, không bệnh nặng thì bệnh nhẹ, không bệnh này thì bệnh kia. Sinh, lão, bệnh, tử đâu ai tránh khỏi, nhưng không phải vì thế mà sống một cách cẩu thả, bừa bãi, không vệ sinh.

Qua kinh nghiệm bản thân, trước kia tôi cứ nghĩ tu là tìm một chỗ trong chùa, trong am vắng ngồi yên tham thiền nhập định, hoặc ngày ngày tụng kinh niệm Phật là đủ. Nhưng thật không đủ tí nào! Thân thể tôi gầy yếu dần và đi đến chỗ bệnh hoạn. Thành Phật đâu chưa thấy mà thấy sắp chết đến nơi. Từ đó tôi nhận ra sự lầm lẫn của mình là chỉ lo tu tâm mà không biết tu thân. Tôi phải bỏ thì giờ ra bù đắp lại sự thiếu xót của mình bằng cách nghiên cứu về Ðông-y, thực tập Khí công, Thái cực quyền và Yoga. Nhờ vậy sức khỏe của tôi mới trở lại bình thường.

Sau đây tôi xin nói về năm điều mà bất cứ người tu nào hoặc theo đạo nào cũng có thể thực hành được, đó là:

1) Buông thả, thư giãn.
2) Vận động thể dục.
3) Ðiều hòa hơi thở.
4) Ăn uống đúng cách.
5) Thiền quán.

Tu là sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Con người gồm có thân và tâm, nếu chỉ sửa tâm thôi thì sự tu đó còn thiếu xót. Năm điều trên sẽ giúp ta tu sửa cả thân và tâm.

1) Buông thả, thư giãn

Thân và tâm tuy hai mà một, nói cách khác thể xác và tinh thần liên quan rất mật thiết với nhau. Ðau răng, đau bụng mà ngồi thiền thì tâm khó được an, và ngược lại nếu tâm buồn bực, lo âu thì các bắp thịt, gân cốt cũng nhức mỏi, khó chịu. Trong xã hội hiện nay con người sống rất vội vã, hấp tấp, căng thẳng, từ tâm hồn đến thể xác. Nếu ta để ý nhìn vào những người văn minh, trí thức một chút thì sẽ thấy nào trán nhăn, mày chau, vai co, cổ rút, lưng còng, v.v... Nhiều người đi làm mệt mỏi, về nhà nhảy vào giường ngủ, nhưng họ ngủ trong lo âu, trằn trọc. Tuy gọi là ngủ nhưng cơ thể và tinh thần không thực sự được nghỉ ngơi, nhiều lúc sáng dậy họ cảm thấy còn mệt mỏi hơn nữa.

Người tu cần tập buông thả, thư giãn. Buông thả những lo âu, phiền muộn trong tâm ý, và thư giãn những căng thẳng co rút của gân cốt, bắp thịt. Ta có thể tập buông thả trong tư thế ngồi hoặc nằm. Trong yoga có một tư thế gọi là tư thế xác chết (savasana) dùng để buông thả. Hành giả nằm ngửa trên sàn nhà, không nằm trên nệm, hai tay và hai chân hơi dang ra một chút. Mắt nhắm, hít thở thật sâu và đều.Trong lúc hít thở thì chú tâm vào sự phồng lên xẹp xuống của bụng. Sau đó ta chú ý đến từng phần trên cơ thể và ra lệnh cho nó buông thả, từ đầu xuống đến chân, hoặc từ chân lên đầu. Ta sẽ có cảm giác toàn thân ta như chảy ra, hoặc nặng như đá. Ðó là dấu hiệu thành công của sự buông thả. Ta chỉ cần tập năm, mười phút là đủ mỗi khi trong người cảm thấy căng thẳng, bực dọc.

Danh từ xác chết rất hay. Chúng ta nhiều phiền não, lo âu chỉ vì bám víu quá nhiều vào cuộc đời. Giả sử nếu nằm xuống chết thì sao? Chết thì mọi sự đều phải buông, dù muốn dù không. Chúng ta không buông xả được vì cứ nghĩ là mình sẽ sống đến trăm tuổi mới chết. Bởi vậy lâu lâu tập làm xác chết một chút sẽ giúp ta nhớ lại vô thường và tập buông xả.

2) Vận động thể dục

Tu hành không phải chỉ ngồi yên một chỗ, tụng kinh, tham thiền nhập định là đủ.Thời đức Phật còn tại thế, đi khất thực từ làng này sang làng kia, từ trên núi xuống làng mạc, đó là một hình thức vận động cơ thể. Tổ Bách Trượng chế ra nội quy: 'một ngày không làm là một ngày không ăn' (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực), tăng chúng phải vác cuốc ra đồng làm việc. Nhờ làm việc vận động tay chân như thế, khí huyết mới điều hòa lưu thông, tránh được nhiều bệnh tật. Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, ta thấy các vị cao tăng của chùa Thiếu Lâm đều có võ công và nội lực thâm hậu. Không biết sự thật có đúng như thế không, nhưng tôi thấy điều đó có lý. Người tu thời nay rất thiếu vận động thể dục, nhất là những vị xuất gia. Ở xứ Âu Mỹ người xuất gia đâu có đi làm nên không có bảo hiểm an sinh xã hội, mỗi lần bị bệnh phải vào nhà thương thì thật là cả một vấn đề khổ! Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tôi đề nghị quý vị nên tập Yoga, Khí công hay Thái cực quyền, đó là những môn thể dục có tính cách dưỡng sinh và trị bệnh. Ðừng chờ lâm bệnh rồi mới đi cầu an, sám hối. Mình phải chịu trách nhiệm về thân tâm mình.

3) Ðiều hòa hơi thở

Sinh vật nào cũng phải thở mới sống được. Hết thở là chết! Hơi thở là cây cầu nối giữa thân và tâm. Mỗi khi ta sợ hãi, hồi hộp thì tim đập mạnh và hơi thở trở nên dồn dập, đứt quãng. Ngồi thiền thân tâm an lạc thì hơi thở cũng theo đó mà trở nên nhẹ nhàng vi tế. Người tu yoga rất chú trọng đến cách làm chủ hơi thở, gọi là pranayama. Bình thường chúng ta chỉ hít thở với một phần ba dung tích của phổi, và mỗi khi tâm hồn bất an lo lắng, ta thở ít hơn nữa và nhiều lúc quên thở hoặc nín thở luôn. Hơi thở là sự sống, hơi thở đem dưỡng khí (oxygène) vào phổi, đi vào máu nuôi các tế bào của thể xác. Trên phương diện nguyên lực vi tế (énergie subtile), hít thở đúng cách sẽ tác động vào các luân xa (chakra), nuôi dưỡng các thể vi tế (corps subtils), khai triển những khả năng huyền bí của con người mà ta quen gọi là thần thông.

Phật giáo cũng nói đến hơi thở trong việc thiền quán, như kinh quán niệm hơi thở (anapanasatisutta). Lục diệu pháp môn của tông Thiên Thai cũng nói đến việc đếm hơi thở (sổ tức) và theo dõi hơi thở (tùy tức). Những người học thiền với thầy Nhất Hạnh chắc không lạ gì việc thở vào thở ra phối hợp với chánh niệm và sinh hoạt hằng ngày.

Hơi thở có ý thức, có chánh niệm là việc tốt nhưng ta cũng cần tập hít thở cho đầy đủ, khai triển tận lực khả năng của buồng phổi.

Người tu theo thiền Minh Sát cũng chú ý đến hơi thở ra vào và sự phồng xẹp của bụng. Khí công cũng nói 'ý dẫn khí', nếu ta chú ý đến bụng thì dần dần hơi thở sẽ đi sâu xuống bụng. Cách hít thở đầy đủ nhất là theo yoga, khi hít vào đẩy hơi xuống tận đáy phổi nên bụng phồng lên trước, sau đó ta hít thêm nữa lấp đầy phần trên nên lồng ngực phồng lên sau. Khi thở ra bụng xẹp xuống trước và ngực xẹp xuống sau, như vậy thán khí được tống ra ngoài tối đa.

Mỗi ngày ta nên bỏ ra năm, mười phút tập lại cách hít thở. Sau đây là một cách tập đơn giản của pranayama. Khi hít vào ta đếm thầm từ một đến bốn. Sau đó giữ hơi trong phổi, cũng đếm tới bốn. Rồi thở ra đếm bốn. Nín hơi đếm bốn. Rồi lại hít vào đếm bốn. Như vậy sự hít thở được chia làm bốn giai đọan bằng nhau: hít vào, giữ hơi, thở ra, nín hơi.

Pranayama còn nhiều cách tập phức tạp hơn nữa, trên đây chỉ là một cách tập đơn giản giúp ta giữ gìn sức khỏe và sửa đổi lại thói quen hít thở. Mỗi khi thân tâm bất an, ta có thể thực tập hít thở như trên để điều hòa lại tự thân. Tập quen lâu ngày, ta tăng dần thời gian, thay vì đếm tới bốn, ta đếm tới sáu hoặc tám, v.v... Hơi thở càng sâu, càng dài, càng nhẹ càng tốt.

4) Ăn uống

Thân người được làm bằng tứ đại nói theo nhà Phật, nhưng nói theo cách khác thì thân người được làm bằng những thức ăn mà ta nuốt vào.

Nhiều người tu cho việc ăn uống không quan trọng nên ăn uống tạp nhạp, bừa bãi, như chỉ ăn mì gói, rau luộc chấm nước tương, nghiện cà phê, nước trà, thuốc lá, v.v... cho đến khi bị bệnh thì đổ tại nghiệp.

Nếu bảo thức ăn không quan trọng, vậy tại sao Phật cấm uống rượu? Vì rượu uống vào sẽ làm tâm trí hôn ám đần độn. Thức ăn là những chất đi vào máu để nuôi cơ thể, tế bào. Như tôi đã nhấn mạnh thân và tâm liên quan ảnh hưởng mật thiết với nhau nên những thức ăn mà ta ăn vào cũng ảnh hưởng đến tinh thần và tâm trí của ta.

Trong Phật giáo Ðại thừa, chúng ta có truyền thống ăn chay. Ăn chay là điều rất tốt, nhưng nên ăn chay một cách thông minh. Ở đây tôi xin trích lại một phần mà tôi đã nói trong quyển Ðạo Gì.

Những hành giả yogi Ấn Ðộ ăn uống rất kỹ lưỡng, vì ăn uống đúng phép cũng là tu. Họ chia thức ăn theo ba loại: tamasique, rajasique và sattvique.

Thức ăn tamasique là những loại có tính chất làm hại cơ thể tiêu hao nguyên lực và làm tâm trí đần độn. Ðó là thức ăn thiu chua hoặc quá chín, thịt cá, hành tỏi, rượu, thuốc lá, thuốc phiện, đồ hộp, đồ đông lạnh, v.v... Ăn quá no cũng được xem là tamasique. Ăn no ngồi thiền dễ buồn ngủ vì tâm trí hôn ám.

Rajasique là những loại kích thích cơ thể, tâm trí và cảm xúc. Nó kích thích luôn cả đam mê và làm mất tự chủ. Hành giả yogi cố tránh những thứ này càng nhiều càng tốt. Ðó là trứng, cà phê, trà, đồ gia vị mạnh, quá chua, quá đắng, đường trắng, bột ngọt, đồ hóa học,v.v... Ăn quá nhanh hoặc ăn nhiều thứ trộn lẫn cũng được xem là rajasique. Người tu thiền ăn những thứ này dễ bị loạn tưởng chi phối.

Sattvique là loại thức ăn bổ dưỡng cho cơ thể, đầy đủ sinh tố, dễ tiêu giúp cho tâm trí bén nhạy, sáng suốt và vắng lặng. Ðây là thức ăn chính của hành giả yogi, gồm ngũ cốc, hoa quả, rau cải tươi, bơ, sữa, fromage, đậu hạt, mật ong, nước trái cây, nước suối, v.v...

Người ăn chay nên chọn những thức ăn sattvique, nhưng cũng phải biết ăn theo thời tiết bốn mùa, theo phong thổ và luật âm dương.

Ở chùa và tự-viện, tăng chúng đông, các vị lãnh chúng như tri sự, chúng trưởng cần phải để ý đến vấn đề ăn uống của đại chúng, nên đề cử người biết cách nấu ăn theo dinh dưỡng, đủ chất bổ để tăng ni có sức khỏe tu hành. Tăng ni không cần ăn ngon mà cần đủ chất bổ. Ở đây tôi không nói các chùa nghèo ở làng quê hẻo lánh mà nói các chùa, tu-viện hay Phật học viện đông tăng chúng, có nhiều Phật tử cúng dường.

5) Thiền quán

Trong phần này tôi không cần nói nhiều, vì đây là phần tu chính của mọi hành giả. Về thiền thì đã có quá nhiều kinh sách của quý thầy giảng dạy rồi. Ai muốn tu theo thầy nào hay thiền sư nào cũng được.

Phần thiền quán này cũng có thể gọi là phần tu niệm, có nghĩa là người nào tu Tịnh Ðộ hay Mật tông thì cứ niệm Phật hay trì chú, không nhất thiết phải thiền.

Từ trước đến nay đa số người tu chỉ chú trọng đến điều thứ năm và bỏ quên bốn điều trước, chỉ chú trọng đến tâm mà bỏ quên thân. Tôi xin thành tâm nhắc nhở bạn nên tu cả thân và tâm.

Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “9. Tu Thân Và Tâm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com