VI . Đối với Phật giáo vấn đề truyền thừa Phật pháp, tuyển Phật trường (tuyển người làm Phật) được xem là Phật sự trọng đại, bởi vì nó là cơ sở để phát huy sức mạnh nội tại của Phật giáo trong việc truyền thừa Chánh pháp. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì vào đời Trần quốc giáo, do số lượng Tăng Ni đông quá, cứ mỗi lần tổ chức thọ giới thì phải thải ra hàng nghìn người; tuy vậy, “tính đến năm 1329, số tăng sĩ đã được xuất gia trong những giới đàn do Giáo hội Nhất Tông (Trúc Lâm) tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên 15.000 vị.”. Cũng thế, vấn đề đặt ra và cấp thiết trong việc chấn hưng Phật giáo Đàng Trong là chúa Nguyễn Phúc Chu cung thỉnh các bậc cao tăng làm Tam sư thất chứng, chuẩn bị nhân sự tổ chức, tuyển chọn giới tử, huy động nguồn nhân lực, tài lực để hộ đàn.
Xem thêm:
Tuyển Phật Trường - HT Thích Giác Quang - Phần 1
Sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu cung thỉnh được thiền sư Thích Đại Sán từ Trung Hoa sang lần này để làm Đàn đầu hòa thượng mà trước đó tiên, các chúa chưa có cơ duyên diện kiến là một thành công lớn, nhất là tạo nên niềm tin trong sự đắc pháp cho các thành phần giới tử xuất gia hay tại gia. Hẳn nhiên các thành viên còn lại trong thập sư cũng là các cao tăng đức trọng, tiếc rằng sử không ghi chép. Với tấm lòng trung kiên của một Phật tử, công tác tổ chức chu đáo của Chúa, đã quyết định cho sự thành công của đại Giới đàn.
Trong một thời gian ngắn công việc chuẩn bị đã được hoàn thành tạo sự ngạc nhiên cho vị Hoà thượng Đại Sán: “Thầm bảo, chắc chừng một vài tháng sau, sẽ được an cư”. Nhưng qua ngày sau, chừng canh ba, nghe ngoài chùa có tiếng ồn ào, thì ra đã lo sự ngoại hộ chu đáo. Chúa sai: “một viên nội giám, hai viên bộ công, dẫn đến vừa lính vừa thợ chừng nghìn người để xây dựng nhà cửa. Mờ sáng, người vác tre, kẻ vác gỗ, kẻ đánh tranh, người vót mây, có người lại cuốc đất đắp nền, hoặc leo lên mái nhà gọi nhau, hoặc đào hầm đất đi xuống. Từ sáng đến tối, cất xong một toà phương trượng năm gian ba mươi hai cột, bốn phía có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu năm gian, hai mươi cột, cũng đồng thời làm xong”
Ngoài ra, Chúa còn chủ động họp bàn với Hoà thượng Thạch Liêm, hoạch định chương trình, phân công cụ thể: phần thiền sư thì ra thông bạch, thống suất Tăng chúng tổ chức cả ba giới đàn từ mồng một đến mồng tám tháng tư. Còn Chúa sẽ phát lệnh bài đi khắp các phủ sứ cho Tăng đồ về thụ giới, để được cấp giới điệp, miễn xâu thuế: “Phần đông tăng chúng không giữ giới luật, Ta sẽ phát lịnh bài đi các phủ, bắt Tăng đồ đem về trình lão Hòa thượng, khiến cầu chịu Tam đàn giới pháp, thì mới cấp cho Giới điệp, miễn tha sưu thuế. Lão Hòa thượng ra báo đơn thông tri, từ mồng 1 đến mồng 8 tháng 4 làm viên mãn cả Tam đàn cũng được. Ta sẽ suất quyến thuộc, các quan văn võ, ai có tín tâm, đều xin làm đệ tử, chịu Bồ-tát giới, xin Hòa thượng đặt cho pháp danh đạo hiệu”
Trong Đại giới đàn này Chúa cũng kiến nghị xin phép cho hoàng thân quốc thích, quan lại văn võ, mở giới đàn riêng tại vương phủ để quy y, xin đặt pháp danh, đạo hiệu. Ngoài ra Chúa sẽ là người ngoại hộ đầy đủ về mọi mặt vật chất
Rõ ràng, công tác tổ chức giới đàn thật quy mô, xứng đáng tinh thần tuyển Phật trường, đào tạo Tăng tài cho quốc gia xã tắc. Trên từ Quốc chúa, đến bá văn đều ủng hộ. Số giới tử đến cầu thọ giới lên đến nghìn người. Công tác hộ đàn được thực thi chu đáo dưới sự chỉ của Chúa: “Truyền quan quân các dinh chia nhau dựng cất liêu xá, hạn trong ba ngày lạc thành, bàn ghế khí mãnh hạn 10 ngày phải có đầy đủ”. Thế là mọi việc được quan quân răm rắp thi hành. Nào là “Vân trù (nhà bếp), Thiền đường, Vân thủy đường, dựng lên ở phía tả; Thị liêu, Trai đường, Độc luật đường, Am chủ liêu dựng lên ở phía hữu; ở giữa thì làm một Giới đàn. Suốt sáng thâu đêm, chỉ trong ba bốn ngày là xong. Ngoài ra, khuân vác khí cụ, hàng ngày trên đường đông như kiến cỏ, hơn 2.000 vây thủy, giới tử ai lo phần việc nấy. Quốc sư dọn cơm trưa, xin treo chuông bảng làm hiệu lệnh, tu chỉnh quy ước, và đề những liễn đối”
Tháng 4 năm Giáp Tuất, sau khi thỉnh giáo ngài Đại Sán, Quốc Chúa ban lệnh khai Đại giới đàn ở nội viện tại chùa Thiền Lâm vào ngày Phật đản (mồng 8 tháng 4). Số giới tử thọ Sa Di, thọ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và thọ Bồ-tát giới lên đến cả hàng ngàn người. Trong số đó “Tăng chúng thập phương đầu đơn xin thọ giới đã có hơn 600 người, nhưng liêu xá, và đồ dùng hằng ngày chẳng có một món gì. Tri sự thương lượng với Quốc sư, chỉ nghe trả lời bằng hai tiếng “dễ dàng mà thôi”.
Ngày mồng 8 tháng 4, Quốc mẫu, Công chúa, hậu cung quyến thuộc thọ Bồ-tát giới, đặc biệt, trong ngày ấy, chúa được thiền sư Đại Sán ban cho Pháp danh Hưng Dụng, Đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhơn.
VII . Tổ sư Thích Nguyên Biểu (1836-1906) Năm 17 tuổi, Ngài được Bổn sư chùa Phù Lãng cho sang đây tham học và thọ Sa Di giới. Năm 20 tuổi (1855) Ngài được thọ Cụ Túc giới cũng tại chùa Vĩnh Nghiêm với Tổ Tâm Viên. Tổ Thích Vĩnh Gia: Năm 1859, được 19 tuổi Ngài phát tâm tầm sư học đạo. Lúc bấy giờ tại tỉnh Quảng Nam, nơi quê quán của Ngài, có Hòa Thượng Quán Thông, một vị danh Tăng, vào hàng thứ năm dòng Lâm Tế, làm trú trì chùa Phước Lâm. Ngài mới xin thế phát đầu sư với Hòa Thượng. Thọ Sa Di giới được 6 năm, Ngài tỏ ra là một Tăng sĩ xuất chúng. Hòa Thượng Bổn sư Quán Thông đặt cho Ngài pháp danh là Ấn Bổn, tự Tổ Nguyên, hiệu Vĩnh Gia. Năm 1865, được 25 tuổi Ngài đến cầu đạo với Ngài Huệ Quang tại chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) Quảng Nam. Tại đây, Ngài thọ tam đàn Cụ Túc giới. Tổ sư Hoằng Ân - Minh Khiêm: Năm 1894, bộ sách Thiền Môn Trường Hàng Luật bằng chữ Hán, được Ngài chỉnh biên tóm lược lại bằng chữ nôm và đặt tên là TỲ NI NHỰT DỤNG YẾU LƯỢC cùng cho khắc in để phổ biến rộng rãi. Để tiến hành khắc in bộ Luật nói trên cùng nhiều loại sách khác, Ngài đã nhờ đến sự trợ lực của Ngài Đạt Lý - Huệ Lưu (trụ trì Chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức), giúp phần sao chép để khắc vào bản gỗ.
Với khối lượng bề dày của mỗi quyển sách thì cũng bấy nhiêu số lượng bản gỗ. Và như thế, ngay tại chùa Giác Viên, Ngài cho mời các thợ khắc về ăn ở tại chùa để thực hiện công trình.
Ngài đã bỏ công và mạnh dạn thực hiện công trình in bộ Luật quan trọng ấy. Ngài ý thức được rằng đó sẽ là bộ sách giáo khoa đầu tiên ở cấp sơ học, rất cần thiết cho các chùa ở Nam Bộ. Kết quả là đã trở thành giáo trình học tập nơi các cuộc khảo thí của những Trường Hương, Trường Kỳ thời bấy giờ.
Tổ Thích Vĩnh Gia: Năm 1859, được 19 tuổi Ngài phát tâm tầm sư học đạo. Lúc bấy giờ tại tỉnh Quảng Nam, nơi quê quán của Ngài, có Hòa Thượng Quán Thông, một vị danh Tăng, vào hàng thứ năm dòng Lâm Tế, làm trú trì chùa Phước Lâm. Ngài mới xin thế phát đầu sư với Hòa Thượng. Thọ Sa Di giới được 6 năm, Ngài tỏ ra là một Tăng sĩ xuất chúng. Hòa Thượng Bổn sư Quán Thông đặt cho Ngài pháp danh là Ấn Bổn, tự Tổ Nguyên, hiệu Vĩnh Gia. Năm 1865, được 25 tuổi Ngài đến cầu đạo với Ngài Huệ Quang tại chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) Quảng Nam. Tại đây, Ngài thọ tam đàn Cụ Túc giới. Tổ Vĩnh Nghiêm: Năm 20 tuổi (1860), Ngài thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn chùa Vĩnh Nghiêm. Sau đó Ngài vẫn tiếp tục ở lại chùa tu hành nghiên cứu giáo lý. Ngài tu học rất tinh tấn và trở thành một nhân vật rường cột của Tổ đình này. Tổ Phước Huệ: Năm 12 tuổi (1881), Ngài được cha mẹ cho phép xuất gia tại chùa Thập Tháp, thọ giới với Hòa thượng Chí Tịnh (Minh Lý) được ban pháp hiệu là Phước Huệ. Một thời gian sau, Ngài được Bổn sư cho tới chùa Tịnh Lâm ở huyện Phù Cát, Bình Định theo học với Hòa thượng chùa Châu Long là Ngài Từ Mẫn. Năm 19 tuổi, Ngài trở về giữ chức Thủ khố của Tổ đình Thập Tháp.
Năm 20 tuổi Ngài vào chùa Từ Quang ở Đá Trắng huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên theo học với Hòa thượng Luật Truyền (Pháp Chuyên). Ngài thọ đại giới năm 1889 và đắc pháp năm 1892 với Hòa thượng Luật Truyền. Tổ sư Thích Chánh Hậu: Mùa hè năm Bính Tuất (1886) Ngài an cư kiết hạ tại chùa Phước Hưng (Sa Đéc). Sau mùa an cư có giới đàn, Ngài được cử làm Yết ma A Xà Lê Sư. Tổ Trung Hậu: Ngài thọ Sa Di giới, và năm 20 tuổi (1881) thọ Cụ Túc giới. Sau đó Ngài đến tham học ở trường Phật học Hạ Lôi, rồi xuống chùa Bồ Đề ở huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh ( nay thuộc Hà Nội) tiếp tục nghiên cứu kinh tạng. Thời gian sau, Ngài lại sang chùa Liên Phái ở Hà Nội, chuyên tu theo pháp môn niệm Phật hướng nguyện sinh về Tây phương Lạc quốc.
HT Thích Từ Phong (1864-1938) : Năm 29 tuổi (Quý Tỵ 1893), sau mùa an cư kiết hạ, tại chùa Giác Viên có Đại giới đàn, Ngài được cử làm Yết Ma A Xà Lê. Vốn là người uyên bác lại tinh tấn nghiên cứu học hỏi nên Ngài sớm trở thành một Pháp sư tinh thông kinh điển, có tài hùng biện luôn thuyết phục được người nghe. Vì vậy ai cũng thích đến nghe pháp với Ngài. Năm Kỷ Dậu (1909) chùa Long Quang ở Châu Thành - Vĩnh Long khai trường Hương, thỉnh Ngài làm Pháp sư, nhân dịp này, Ngài viết bài “Khải cáo phát minh văn”. Năm Nhâm Tý (1912) tại Tổ đình Giác Lâm khai trường Hương, Ngài được tôn làm Hòa thượng Pháp sư. Sau mùa an cư này, Ngài nhờ hiệu Quảng Đồng An ở Chợ Lớn đặt bản đá in bộ “Quy nguyên trực chỉ” do Ngài diễn Nôm, Bổn sư là Hòa thượng Hoằng Ân hiệu đính. Bài “Khải cáo phát minh văn” được in lên đầu sách. Khoảng năm 1915, Ngài lại soạn bộ “Tông cảnh yếu ngữ lục” nhằm nhắc nhở những Tăng Ni trẻ mới xuất gia cố gắng tu hành.
Năm Kỷ Mùi (1919) Hòa thượng Chánh Hậu ở chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) khai trường Hương gia giáo, Ngài được mời làm Pháp sư. Qua năm sau (Canh Thân 1920), Ngài lại được thỉnh làm pháp sư trường Hương tại chùa Bửu Long ở thôn Trung Tín, tổng Bình Trung, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, do bà Trần Thị Thọ một thí chủ hằng tâm hằng sản cúng dường mọi sở phí. Đây là chùa tư của bà Thọ. Sau mùa an cư bà cúng ngôi chùa cho Ngài. Em bà Thọ là bà Trần Thị Sanh cũng cúng cho Ngài chùa Từ Lâm. Một số Phật tử khác ở Vĩnh Long cúng cho Ngài chùa An Thạnh, chùa Giác Quang. Ở Mỹ Tho có gia đình ông Trần Văn Thông cúng cho Ngài chùa Linh Phong. Ở Gò Công các Phật tử cúng chùa Phú Thới v.v... Tổng số tự viện các nơi cúng cho Ngài có đến khoảng 20 ngôi.
HT An Lạc-Thích Minh Đàn: Năm Nhâm Dần (1902), Ngài thọ giới Cụ Túc tại giới đàn chùa Kim Tiên (xã An Hữu, huyện Cái Bè), sau đó Ngài an cư tại chùa Hội Phước ở Sa Đéc (1904). Năm 1905, Ngài an cư tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở Gia Định và được cử làm Chánh Tri Sự, sau mùa an cư Ngài được cử làm Đệ tam Tôn chứng Đại giới đàn. Mùa an cư năm Đinh Mùi (1906) tại chùa Long Quang ở Vĩnh Long, Ngài được cử làm Thư ký. Năm Mậu Thân (1907) sau mùa an cư tại chùa Bửu Long ở Sa Đéc, Ngài được cử Yết ma tại Đại giới đàn ở đây. Tổ sư Như Phòng - Hoằng Nghĩa: Năm Nhâm Tuất (1922), giới đàn quan trọng được mở ra tại chùa Giác Lâm nhằm truyền trao giới pháp cho Tăng sĩ khắp nơi. Ngài được suy tôn làm Hòa thượng Đàn đầu. Những năm kế tiếp, Ngài được cung thỉnh vào các hàng Tôn Chứng, A Xà Lê, Giáo Thọ v.v... ở những giới đàn khác, do oai đức vang dội khắp nơi, Ngài cũng ý thức được sự nghiệp gầy dựng những tầng lớp kế thừa, là nhiệm vụ hàng đầu ở buổi bình minh của phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngài không quên dặn lòng cũng như khuyến hóa chúng Tăng phải giữ vững đạo tâm, tuy sẵn sàng cứu dân giúp nước, nhưng chớ để thời cuộc lôi kéo mà quên bổn phận của một hành giả : Cứu cánh giải thoát.
Tổ Giác Tiên: Năm Mậu Thân (1908) Đại giới đàn được tổ chức tại chùa Phước Lâm ở Quảng Nam, do Ngài Vĩnh Gia làm Đàn đầu Hòa Thượng. Ngài được gởi vào thọ Cụ Túc giới tại giới đàn này, Ngài tỏ ra là một giới tử xuất sắc nên được chọn làm Thủ chúng Sa Di. HT Thích Mật Khế: năm (1923), Hòa thượng Giác Tiên tổ chức Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu do Hòa thượng Tâm Tịnh làm Hòa thượng truyền giới. Ngài được Bổn sư cho thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn này. Ngài tỏ ra là người xuất sắc nhất trong hàng các giới tử, nên được chỉ định làm thủ chúng Sa Di. Sau khi thọ giới, Ngài được Hòa thượng Tâm Tịnh ban thưởng cho một cà sa và một bình bát là hai vật thiêng liêng nhất, quý trọng nhất của người xuất gia tu hành. HT Trí Thủ: Năm 1929, đủ 20 tuổi, Hòa thượng Trí Thủ được bổn sư cho vào giới đàn chùa Từ Vân ở Đà Nẵng thụ giới cụ túc. Tại giới đàn này, Hòa thượng đã trúng tuyển thủ Sa di trong số 300 giới tử. Do đó, bổn sư dã cho pháp hiệu là Thích Trí Thủ, với ý khen tặng chữ Thủ, nghĩa là đứng đầu.
HT Thiện Hào: Năm Canh Ngọ 1930, Ngài được Tổ cho đặc cách thọ tam đàn Cụ túc giới tại giới đàn chùa Giác Hoằng - Bà Điểm - Hóc Môn, và được ban pháp tự Pháp Quang, pháp hiệu Thiện Hào, nối pháp đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.
HT Trí Tịnh: ngày 19 tháng 06 năm 1945, Hòa thượng được thọ Đại giới tại Đại Giới Đàn tổ chức tại chùa Long An, Sa Đéc, do Đại lão Hòa thượng chùa Kim Huê làm Hòa thượng đàn đầu.
HT Đổng Minh: Năm 1947 (lúc đó Ngài19 tuổi), Ngài thọ Đại giới tại Đại Giới Đàn chùa Thiên Đức, Bình Định, do Ngài Huệ Chiếu làm Đàn Đầu và Hòa Thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp chứng minh
HT Minh Châu: năm 1949 (Kỷ Sửu) Hòa thượng được bổn sư cho phép thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Hộ Quốc chùa Báo Quốc do chính bổn sư là HT Tịnh Khiết làm Đàn đầu Hòa thượng.
HT Thích Huệ Thành: Năm 12 tuổi, do ảnh hưởng tinh thần Phật Pháp của gia đình từ thuở nhỏ, nên Hòa thượng sớm giác ngộ Đạo Pháp, qua đó sau thời pháp thuyết giảng của Tổ Pháp Ấn – Như Quới tại Tổ đình Chùa Phước Tường, Thủ Đức, Gia Định. Ngài đã nhận chân được lẽ thật của cuộc đời, và từ đây phát nguyện xuất gia học Phật nên Tố Pháp Ấn – Như Quới nhận Ngài làm đệ tử thế độ và ban cho Pháp húy Hồng Tín, tự Bửu Thành, hiệu Huệ Thành. Sau những năm tháng chuyên cần học đạo, tinh tấn hành trì giới luật, biết được đạo hạnh của Ngài đã vững vàng, năm 1931 Hòa thượng được thọ giới Sa di tại chùa Huê Nghiêm – Thủ Đức; năm 1934 thọ đại giới tại giới đàn chùa Phước Thạnh – Tây Ninh.
VIII . Giới đàn Phật giáo Đồng Nai là đàn giới được tổ chức nghiêm túc và lúc nào cũng nghiêm túc, thực hiện đúng theo quy tắc tòng lâm quy chế của chư Tổ sư, vào năm 1984, khi bàn đến tổ chức giới đàn, thì chư tôn đức luôn căn cứ vào sách “Đại học Hoằng giới” mà luận bàn, rồi đến kết luận thực hiện. Lúc bấy giờ chúng tôi cũng được thỉnh tham gia Ban tổ chức, Ban chức sự phục vụ cho đàn giới.
Phải nói là Phật giáo Đồng Nai từ thỉ chí chung, quá khứ cũng như hôm nay, khi được chư tôn thiền đức kiến khai giới đàn, lúc nào cũng có đông tăng ni giới tử đến đăng ký thọ giới, chắc chắn vùng trung du núi non Đồng Nai luôn là “cội tòng cho mọi người đụt nắng”, luôn là : “đất lành chim đậu”.
Chúng tôi là người sanh sau đẻ muộn, nhưng có duyên lành sớm xuất gia đầu Phật, năm 1968 khi về tu học hành đạo tại miền Động, Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh nay là tỉnh Đồng Nai được biết các giới đàn được tổ chức nghiêm túc, theo từng hệ phái đứng ra tổ chức, như: giới đàn Long Sơn cổ tự năm 1956 - giới đàn Liên Tông tự năm 1965, năm 1966, lúc bấy giờ duyên đã đến, thời đã điểm chúng tôi được Thầy Tổ tông phong cho phép thọ giới Tỳ kheo tại Liên Tông tự, Quận Nhì, Saigon, do Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Chiếu chứng truyền.
Rồi đến giới đàn Tổ đình Long Thiền năm 1967 - giới đàn chùa Từ Quang năm 1969 - giới đàn chùa Thanh Long năm 1970, do Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành chứng truyền. Sau ngày hòa bình 30/4/1975 có các giới đàn năm 1978, 1979, 1980 tại Tổ đình Long Thiền, giới đàn năm 1981 tại Bửu Phong cổ tự do Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành chứng truyền, chúng tôi được mời tham dự phục vụ giới đàn với chức danh Phó thư ký trong Ban tổ chức Đàn giới.
Giới đàn ngày 11/7 âl, năm 1982 do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn chứng truyền tại Tổ đình Long Thiền, lúc bấy giờ có đến 3.000 giới tử xin thọ các giới.
Từ năm 1983 đến năm 1999 có tất cả 9 đàn giới truyền thọ, sách tấn cho Tăng ni tu học, do Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai tổ chức, Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành chứng truyền. Mỗi đàn giới có từ 450 giới tử đến 800 giới tử xin đăng ký thọ giới. Tại các giới đàn nầy chúng tôi được thỉnh vào hàng đệ lục trong thất vị tôn chứng.
Năm 2001 Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành viên tịch, các giới đàn năm 2003 đến 2005, được mang đức hiệu danh tăng Thích Huệ Thành, giới đàn được tổ chức do Hòa thượng Thích Thiện Khải chứng truyền. Giới đàn năm 2007 do Hòa thượng Thích Diệu Tâm chứng truyền. Các đàn giới nầy, mỗi đàn có từ 1200 đến 1500 giới tử đăng ký thọ giới.
Giới đàn năm 2009, 2011 mang đức hiệu Nguyên Thiều Siêu Bạch do Hòa thượng Thích Minh Chánh chứng truyền. Hai đàn giới nầy mỗi đàn có đến 1800 giới tử đăng ký thọ giới.
Giới đàn năm 2013, mang đức hiệu “Minh Vật Nhất Tri” đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, đời thứ 34, Trụ trì thứ hai tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Giới đàn nầy có trên 1800 giới tử đăng ký thọ các giới.
IX .
Danh hiệu Giới đàn năm 2013 là giới đàn “Minh Vật Nhất Tri”; là đức hiệu cao quý của bậc danh tăng thuộc phái thiền Lâm Tế đời thứ 34, trụ trì đời thứ 2 tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (1786), ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch đời thứ 33; long vị của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri cách đây 227 năm, hiện nay vẫn còn tôn trí thờ phượng tại tổ đình.
Tổ đình Quốc Ân Kim Cang là dấu ấn lịch sử trọng đại, chiếc nôi của Phật giáo miền Đông, lan dần trở thành sự quy ngưỡng chung của Phật giáo miền Nam.
Kiến khai giới đàn truyền giới là nhằm đáp ứng nhu cầu khát ngưỡng giới pháp của Tăng ni, Phật Tử trong và ngoài tỉnh đến đăng ký thọ giới. Được sự nhất trí của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam tại công văn số 090/CV/HĐTS, ngày 25/03/2013 và chấp thuận của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Ban Tôn giáo dân tộc tỉnh tại công văn số 401//BTG-PG, ngày 23/5/2013, cùng với sự hổ trợ của Chính quyền các cấp, Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai tái khai đàn giới, đại thí tam đàn giới thể giúp cho đoàn hậu học tinh chuyên tu hành trang nghiêm giới tướng, thành tựu giới thể, viên mãn sở nguyện, sở cầu tu tiến, trở thành những bậc chân tăng thật đức, thiền gia chân chánh.
Trải qua gần 5 tháng bàn bạc cho công tác tổ chức, đến nay toàn thể chư tôn giáo phẩm Tăng Ni trong các Tiểu ban của Ban tổ chức, Ban chức sự đã nhiệt tâm tác pháp, tạo cho công tác Phật sự hoằng giới thật sự chu đáo. Giới đàn Minh Vật Nhất Tri - 2013 quy tụ 1027 giới tử, trong đó có 165 giới tử Tỳ kheo, 226 giới tử Sa di, 144 giới tử Tỳ kheo ni, 226 giới tử Thức xoa, 266 giới tử Sa di ni và 700 giới tử các giới loại B, 528 giới tử đăng ký thọ Bồ tát Thập thiện giới; là giới đàn được tập trung tổ chức phù hợp với môi trường sinh hoạt tín ngưỡng hiện tại, nhưng không bỏ những quy cũ, nguyên tắc tòng lâm quy chế của chư lịch đại Tổ sư.
Giới đàn của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai diễn biến 2 năm tổ chức một lần và rất có uy tín với chư vị giáo phẩm Tăng ni Trụ trì, quý vị Bổn sư Tăng ni các tự viện, tịnh xá. Mỗi lần tổ chức truyền giới, Ban Trị sự luôn đón nhận những sự hoan hỷ của chư sơn thiền đức các tự viện, tịnh xá gần xa gởi đệ tử đến thọ giới; nhất là chư tôn túc Tăng già đáp lời thỉnh cầu của Ban tổ chức phát tâm dự vào hàng chức sự cũng như Hội đồng Thập sư nhị bộ Tăng ni, tham gia các Tiểu Ban nhằm phục vụ Phật sự chung và chư vị Trụ trì các tự viện tiếp nhận giới tử lưu trú trong các ngày thọ giới.
Xin đãi lao Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai và Ban tổ chức, trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh nầy, chúng tôi xin tuyên bố lý do của buổi lễ, kính cầu nguyện mười phương Tam Bảo, hộ pháp, long thiên gia hộ cho Phật sự trong các ngày tổ chức đàn giới thành tựu viên mãn,
Giới đàn Minh Vật Nhất Tri 2013 là giới đàn thứ 16 của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai.
Nhằm đáp ứng sự khát ngưỡng giới pháp của Tăng Ni, Phật Tử trong và ngoài tỉnh, Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai tái khai đàn truyền giới, đại thí tam đàn giới thể. Đồng thời, Ban Trị sự cũng được Hội đồng Trị sự GHPGVN và UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận khai mở đàn truyền giới, giúp cho đoàn hậu học trang nghiêm giới tướng, thành tựu giới thể, viên mãn sở cầu tu học giác ngộ giải thoát.
Trải qua 4 ngày làm Phật sự hoằng giới; toàn thể chư tôn Giáo phẩm Tăng Ni là những sứ giả đức Như Lai, đem giới pháp của Phật vào đời cũng như các giới tử đã nhiệt tâm thọ pháp, học pháp tạo cho khoa giáo truyền giới và thọ giới thật sự nghiêm túc, một số Phật sự tuy có đổi mới cho phù hợp với môi trường sinh hoạt tín ngưỡng hiện tại, nhưng không bỏ những quy cũ, nguyên tắc tòng lâm quy chế của chư Lịch đại Tổ sư.
Trong các ngày truyền giới, chư vị giới tử cũng đã chấp hành nghiêm túc nội quy của Đàn giới, tuân thủ sự hướng dẫn của quý vị Quản giới tử, sinh hoạt có trật tự, giữ gìn đạo hạnh rất tốt, nên đã không xảy ra những sự việc vượt giới hạn đàn giới. Về thi cử đa số giới tử có trình độ thật tu, thật học, nên số giới tử trúng tuyển và được thọ giới pháp đạt chất lượng và số lượng, quý vị đã đắc giới, mong rằng sau khi về chùa Bổn sư quý vị giữ gìn giới luật thật nghiêm túc kế thừa sự nghiệp giữ gìn mạng mạch Phật pháp.
Trong Đại luật, Đức Phật dạy:” Giới như đất bằng, muôn giống lành từ nơi đất mà sanh, giới như vị lương y hay trị tam độc, giới như thuyền bè có thể độ người qua bể khổ, giới như chuổi anh lạc để trang nghiêm pháp thân. Giữ được giới cho thanh tịnh thì sẽ được thoát khỏi sanh tử luân hồi."
Về phần công đức phục vụ trong đàn giới, phải nhắc đến công lao và sự tích cực của chư Tăng Ni, các đạo tràng Phật tử chùa Phước Hội, Đại Giác cổ tự, chùa Giác Minh, Quan Âm tu viện, thiền viện Thường Chiếu, Linh Chiếu, Viên Chiếu, tịnh xá Ngọc Uyển, chùa Hoàng Ân, chùa Phước Hưng, chùa Pháp Hoa đã phát tâm hỗ trợ và các chùa hỗ trợ nơi tạm nghỉ của giới tử, cũng như các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường hiện diện, dù là công quả công phu dưới hình thức nào Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cũng ghi nhận và xin tán thán công đức chư liệt quý vị. Quý vị đã tích cực làm Phật sự hộ giáo, hộ giới nhất là trong khâu Văn phòng, Quản giới tử, Giám khảo, Hành đường, Nghi lễ, Thị giả, thiết đãi ăn uống, cung nghinh, Y tế, cúng dường tịnh tài tịnh vật, vận thủy ban sài, quản lý mạng thông tin Phật sự, báo đài cũng đều là Phật sự quan trọng góp phần thành công đại giới đàn Minh Vật Nhất Tri - năm 2013.
Về mặt an ninh trật tự an toàn xã hội, Ban tổ chức luôn đón nhận sự nhiệt tâm hổ trợ của các cấp Chính quyền, các chiến sĩ Công an, an ninh giao thông giúp cho đàn giới sinh hoạt thành công tốt đẹp.
Xin đãi lao Hòa Thượng Trưởng Ban Trị Sự, nhân danh Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh và Ban tổ chức, trước khi giải giới tràng, bế mạc chúng tôi xin cầu nguyện mười phương Tam Bảo, hộ pháp, long thần gia hộ quý liệt vị thiền môn thạnh đạt, Phật pháp trường lưu, tăng đồ hưng chấn, thành tựu các Phật sự.
19 giờ, ngày 29/5/2013 (20/4/Quý Tỵ)
Bút ký: Hòa thượng Thích Giác Quang
Quan Âm Tu Viện