Người khuyết tật, trước đây chúng ta thường quen gọi là người tàn tật, là người mất đi một hay nhiều bộ phận trên thân thể. Nhóm khuyết tật là nhóm xã hội rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi trong cuộc sống. Theo tâm lý học, các hoạt động nhận thức, ý thức, tình cảm, ý chí cũng như tâm lý của những người khuyết tật rất phức tạp. Họ luôn luôn mặc cảm và tự ti về chính họ. Chính những mặc cảm và tự ti này mà họ đã tự tạo cho họ một rào cản, ngăn cách họ với thế giới xung quanh.

Trong số những người khuyết tật thì số lượng người mù lòa hiện nay trên thế giới có khoảng 40 triệu. Theo thống kê của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước ta hiện có khoảng 1,4 triệu người mù trên tổng số khoảng 5 triệu người tàn tật. Người khiếm thị là người sau khi được điều trị hoặc điều chỉnh khúc xạ mà thị lực bên mắt tốt vẫn còn từ dưới 3/10 đến trên mức không nhận thức được sáng tối, và bệnh nhân vẫn còn khả năng tận dụng thị lực.

Khi giao tiếp, để tránh gây mặc cảm, người ta thường gọi người mù là người khiếm thị, nhưng thực ra khái niệm của hai từ này khác nhau. Người mù là người hoàn toàn không có khả năng nhận thức sáng tối, còn người khiếm thị thì còn chút khả năng nhận thức sáng tối. Để chỉ chung người khiếm thị và người mù, người ta dùng thuật ngữ người mù lòa (visually impaired) hay là người suy giảm thị lực.

Mù lòa không chỉ liên quan đến vấn đề y tế mà còn liên quan tới vấn đề an sinh xã hội, nhất là khi nỗi bất hạnh có thể đưa họ đến chỗ khủng hoảng tinh thần. Con người sinh ra và lớn lên, ai cũng mong muốn có các giác quan toàn vẹn, có sức khỏe, thông minh và cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng mong muốn ấy không phải ai cũng được toại nguyện. Có người vốn lành lặn mạnh khỏe hôm nay, nhưng ngày mai không may bị tai nạn mà trở nên người tàn tật. Hoặc có người ngay từ khi sinh ra đã chịu nỗi bất hạnh này.

Theo Đạo Phật, những sai biệt của con người là do nghiệp lực của con người đã tạo ra trước đó. Con người phải tự chịu trách nhiệm đối với hạnh phúc hay đau khổ trong cuộc sống. Trong Kinh Trung bộ, Đức Phật dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.

Vì không am hiểu chân tướng của vạn pháp nên mới có những hành động tạo Nghiệp. Trong Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada) có câu: “Tùy thuộc nơi Vô Minh, Hành phát sanh" (avijja paccaya samkhara). Kinh Lương Hoàng Sám có đoạn : “Con thấy có kẻ mù cả hai mắt, không thấy gì cả; nên va vào cây hay sa xuống hố, chết rồi sinh ra vẫn chịu thân cũ; sinh rồi lại chết, liên miên như vậy, là vì tội gì? Phật dạy, kẻ ấy quá khứ phủ nhận tội phước, che ánh sáng Phật; may bít mắt người, nhốt giam súc vật, dùng da và túi trùm đầu chụp mắt, không cho thấy gì, vì nguyên nhân ấy mà bị như vậy”[1]

Rõ ràng là việc gì cũng có nguyên nhân, nhưng quả báo phải chịu cảnh mù lòa là nỗi bất hạnh quá lớn trong cuộc sống con người. Chỉ cần nhìn thấy những người mù lần từng bước đi trên đường phố với xấp vé số trong tay, hoặc như cảnh sống của một mẹ già Kim Thị Linh trên 80 tuổi mà hằng ngày vẫn phải cặm cụi nuôi mấy đứa con mù lòa ở xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thì chắc hẳn mấy ai đã cầm được nước mắt.

Do vậy, với tấm lòng từ bi của những người con Phật, công tác từ thiện của chư tăng ni, phật tử đều có hướng một phần lớn dành cho những người mù lòa trên toàn quốc. Tại tỉnh Đồng Nai, hầu như năm nào đoàn từ thiện Quan Âm Tu Viện cũng đến thăm và tặng quà các hội người mù như: Hội Người mù thành phố Biên Hòa, Trung tâm Nuôi dạy Trẻ Khuyết tật thành phố Biên Hòa, Hội Người mù huyện Cẩm Mỹ, huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh, và huyện Nhơn Trạch v.v.

Trong một lần đi tặng quà cho người mù và khiếm thị ở Tân Hạnh - Biên Hòa, phật tử Trang Thị Ngọc Phượng đã nói với chúng tôi rằng: “Cô ơi! Nghe những người mù hát con xót xa quá. Những món quà chúng ta trao tặng hôm nay chỉ có thể an ủi trong phút giây này thôi. Sau đó, họ vẫn phải sống trong một cuộc đời bất hạnh không thấy ánh sáng. Con muốn làm một điều gì có ý nghĩa hơn cho cuộc đời họ, nhưng không biết phải làm sao?”

Đúng là đời sống của những người mù phải được chúng ta quan tâm nhiều hơn. Ngoài những món quà mà những tấm lòng nhân ái đem đến cho họ, có khi nào chúng ta nghĩ đến đời sống tinh thần của những người khuyết tật không? Có phương tiện nào giúp những người mù vươn lên trong đời sống tâm linh và thay đổi số phận trong kiếp sống kế tiếp hay không?

Bản thân ta khi trải qua những cảnh ngộ buồn đau cũng phải có Thầy lành, bạn sáng hoặc Kinh, Luật, Luận an ủi, dẫn dắt chúng ta. Thiết nghĩ, người mù lòa lại càng cần có duyên nghe pháp, đọc tụng kinh điển nhiều hơn nữa để quãng đời bất hạnh còn lại của họ bớt đi những tăm tối và đau khổ.

Ngày xưa, khi đức Phật đang hoằng pháp tại nước Xá Vệ, năm trăm người mù Tỳ Xá Ly đang đi ăn mày nghe nói rằng: Đức Như Lai ra đời rất là hiếm có, nếu chúng sinh nào được gặp, bất luận có bệnh hoạn gì cũng nhờ Ngài cứu được, kẻ mù sẽ được sáng con mắt, kẻ điếc sẽ được nghe rõ, kẻ còng gù sẽ được thẳng thiu, kẻ khễnh kiễng sẽ được duỗi thẳng, kẻ cuồng si sẽ được áo cơm, kẻ sầu khổ sẽ được an vui.

Năm trăm người mù này bàn nhau rằng: - “Lũ ta sinh nơi hạ tiện, đã bị nghèo đói, lại mù đôi mắt, trên đời không ai khổ hơn, vậy chúng ta đến đức Thế Tôn nhờ Ngài tế độ”. Có người thương tình phát tâm dắt đoàn người mù đi yết kiến đức Thế Tôn, nhưng khi họ đến Xá Vệ thì Đức Phật đã sang nước Ma Kiệt Đà, người ấy lại đắt đến nước Ma Kiệt Đà thì Phật vừa sang nước Xá Vệ, cứ thế đến bảy lần vẫn không gặp Phật, dù đường xá xa xôi, thời tiết nóng bức, đi lần mò ngày này qua ngày khác nhưng những người mù vẫn mong muốn được gặp Phật như kẻ đói mong được cơm ăn, kẻ khát mong được nước uống, một lòng chân thành khát ngưỡng đức Thế Tôn. Tuy mù con mắt thịt, nhưng con mắt tâm của họ đã bừng sáng từ lâu, nên họ vẫn hoan hỷ đi kiếm đức Phật không hề mỏi mệt.

Khi đó đức Thế Tôn xem biết thiện căn của họ đã thuần thục, lòng tin đã chắc, nên Ngài ở lại nước Xá Vệ chờ những người mù. Lần sau cùng đến nước Xá Vệ, năm trăm người được gặp Phật, nhờ ánh hào quang, mọi người hết mù, sáng tỏ đôi mắt, nhìn thấy Phật thân vàng chói lọi, vui mừng quá! Cùng nhau tới trước lễ Phật đồng thanh bạch rằng: - “Kính lạy đức Thế Tôn! Chúng con sinh nơi hèn hạ, ra đời thuần thấy đau khổ! Hôm nay nhờ oai thần của ngài được sáng tỏ con mắt, chúng con một lòng thành kính, cúi xin từ bi tế độ cho chúng con được xuất gia tu hành”.

Sau một thời gian tinh tấn bất thối chuyển, không bao lâu 500 người ấy đều đắc quả A La Hán[2]. Như vậy cảnh sống mù lòa của họ đã chấm dứt sau khi gặp được Đức Thế Tôn. Không phải Đức Phật ban cho họ của cải vật chất mà đưa họ vào sự tu tập Chánh pháp.

Ngày nay, trong thời không có Phật, là những người sứ giả của Như Lai, chúng ta sẽ làm gì với những mảnh đời bất hạnh mù lòa? Đối với nhóm người này, trở ngại lớn nhất của họ là không thấy được ánh sáng cuộc đời, cho nên việc tiếp cận tri thức qua việc đọc sách giống người mắt sáng là không thể được. Trong khi đó, sách là người bạn, là người thầy của nhân loại.

Đọc sách là quyền lợi của tất cả mọi người, nhưng đối với người mù thì đây vẫn chỉ là ước mơ. Hiển nhiên là người mù không thể đọc sách bằng mắt như người bình thường mà đọc sách bằng chính đôi tai, bàn tay và bằng con tim khao khát được tìm đến với chữ.

Hệ thống chữ Braille được đưa và Việt nam từ cuối thế kỉ thứ XIX và có những khập khiễng khác nhau giữa 3 miền Nam Trung Bắc, do vậy đã có những dịp trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật thuộc Viện khoa học giáo dục với sự hỗ trợ của tổ chức CRS (Tổ chức cứu trợ và phát triển) đã tổ chức hội thảo nhiêu lần về đề tài “ Xây dựng và thống nhất hệ thống kí hiệu Braille cho người mù Việt Nam”.[3]

Nếu có hệ thống chữ nổi cho người mù thì tại sao chúng ta không tiến hành làm những bộ Kinh bằng chữ nổi cho người mù tụng đọc? kinh điển sẽ đem lại giá trị tinh thần lớn lao khó có thể nghĩ bàn và gieo duyên cho người mù thích nghe Phật pháp.

Có lẽ tâm niệm thiết tha ấy luôn nung nấu trong tim chúng tôi cho đến khi chúng tôi gặp nhóm những người mù của chị Tạ Thị Kim Nga (quận 4 – TPHCM) đang ngày đêm cầu nguyện có được bản Kinh Pháp Hoa bằng chữ nổi. Qua những buổi nói chuyện tiếp xúc với nhóm chị em khiếm thị này chúng tôi không khỏi xúc động và khâm phục tấm lòng khát ngưỡng muốn được tụng đọc kinh điển của những người vốn chỉ thấy cuộc đời qua hố mắt sâu đen tối.

Từng bản kinh chữ của người mắt sáng được chuyển thành bản kinh chữ nổi (chữ Braille) là cả một quá trình gian nan với sự hỗ trợ của rất nhiều người phát tâm công đức cho bộ Kinh quý giá này. Cuối cùng những bộ Kinh Pháp Hoa cao quý bằng chữ Braille (7 cuốn) dày và nặng vài kg đã được trao tận tay những người mù trong những buổi lễ cúng dường Kinh tại các ngôi chùa.

“Thân người khó được, Phật pháp khó gặp”. Ngày nay gặp được Phật pháp lại càng khó hơn, nhưng giờ đây những người mù đã nhìn thấy từng lời đức Phật thuyết hơn hai ngàn năm qua. Với những người may mắn hơn những người mù, tuy họ có đầy đủ các giác quan, và trước mắt họ là những chồng kinh sách, thế nhưng họ vẫn chưa có nhân duyên, và thậm chí chưa từng bỏ một chút thời gian để đọc những lời vàng thước ngọc của đấng Giác Ngộ.

Thật uổng phí biết chừng nào! Nhìn những người mù lần dò từng con chữ nổi trên cuốn Kinh bằng bàn tay sạm màu nắng gió với dòng nước mắt chảy dài trên má mà chúng tôi không khỏi xúc động. Họ là những người đang cố gắng vượt trên số phận của mình, những con người không thể nhìn thấy bằng mắt mà chỉ thấy bằng tâm niệm thánh thiện.

Có thể những giảng sư như chúng ta đã từng nói nhiều đến bất khả tư nghì giải thoát và an lạc, nhưng vẫn có những điều trong cuộc sống chính chúng ta nhìn thấy mà vẫn như đang sống trong một cơn mê, đôi khi không nhìn thấy gì chung quanh, ngoài những nhỏ nhen ích kỷ của chính mình. Cho nên thế giới xinh đẹp này này vẫn nhuộm nhiều màu tăm tối.

Cho đến bây giờ công trình ấn tống Kinh cho người mù đã bước sang một giai đoạn mới. Nhiều tấm lòng nhân ái khắp nơi đã nghĩ tưởng đến những người mù lòa bất hạnh. Chúng tôi không chỉ ấn tống Kinh Pháp Hoa, mà còn ấn tống thêm những bộ kinh khác như: Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng, Kinh Vu lan Báo hiếu, Kinh Pháp Hoa - phẩm Phổ Môn, Kinh Sám hối, và nhiều nhất là Đại bi và Thập chú bằng chữ Braille.

Cứ mỗi lần đến dịp cúng dường kinh cho người mù hay người khiếm thị thì chúng tôi lại tổ chức ở một ngôi chùa. Người mù và người sáng mắt đều có thể đến dự lễ trao kinh cảm động đầy tình người. Xen vào buổi lễ trao kinh là thời pháp thoại tuy ngắn nhưng rất ý nghĩa cho tất cả người mù.

Dự án tặng Kinh cho các học sinh mù và khiếm thị, và tặng kinh sách chữ sáng cho các em khuyết tật khác như câm điếc hoặc tàn tật cũng trở thành chương trình hoằng pháp chính của chúng tôi hiện nay. Chúng tôi cũng đang có dự định trích một phần tiền trong quỹ in kinh cho người mù để ấn hành băng đĩa CD cho những người mù không biết đọc chữ Braille có thể nghe được Phật pháp. Tuy nhiên việc hoằng pháp đối với người khiếm thị chỉ mới tiến hành trong một địa bàn nhỏ.

Hy vọng sau hội nghị hoằng pháp trung ương lần này, dần dà chúng ta sẽ ghi nhận được số lượng cụ thể những người mù hoặc khuyết tật trong cả nước muốn tụng đọc kinh điển để chúng ta có thể giúp đem ánh sáng Phật pháp đến cho từng người, để cuộc sống của những người khuyết tật mà đặc biệt là người mù sẽ có được cuộc sống an lạc trong chánh pháp.

SC Thích Nữ Hương Nhũ

(*) Tham luận tại Hội nghị Hoằng pháp T.Ư tổ chức từ 14-18/4/2009 - Chủ đề: Hoằng pháp với công tác từ thiện [1] Kinh Lương Hoàng sám, phẩm bảy: Phẩm Quả báo. [2] Kinh Hiền Ngu, phẩm thứ hai mươi tám. [3] vietnamnet



Có phản hồi đến “Đem Ánh Sáng Phật Pháp Đến Cho Người Mù”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com