I . Giá trị thời gian:
Từ mười phương vọng về, những khúc nhạc trầm tư, những cung bậc vang vang đều đều như nhịp sóng mõ chuông nơi đại hùng bửu điện, chốn bồng cung năm xưa yêu dấu. Tiếng ai niệm Phật đầy vẽ bi tráng diệu linh, nhiệm mầu như thoi đưa, tiếng con tim nhân loại nhịp nhàng cùng hơi thở vũ trụ, lục châu giang sơn thế giới. Tiếng bi ai hoài vọng về vô cực vượt hẳn thế thái nhân tình, nhân sanh tỉnh mộng dưới ánh triêu dương, tỉnh thức giấc nam kha quay về miền cố quận. Đưa chiếc thuyền từ lên đênh giữa sóng vỗ lưng trời, như đất lỡ xa xăm làm cho nhân sanh lở khóc lở cười, lặn ngụp chơi vơi giữa phong ba vào bến bờ an lạc. Tôi đã học được nhiều trong những năm tháng làm thư sinh nơi chốn quê nhà, nơi vùng đạo đức đầy khí thiêng bên dòng Cửu Long giang được phát huy toàn diện và khả kính, khải nghe âm vang vọng nhớ ngày xưa, tiếng thơ của Hòa Thượng Giảng sư Nhựt Long trích thơ của Đoàn Như Khuê, nhan đề “Bể Thảm” hồi năm 1917 truyền đạt cho Sư Bà Diệu Lầu lúc dạo cảnh bái Phật tại Long Hòa Tự, làng Hưng Long:
Bể khổ mênh mông sóng lụt trời
Khách trần chèo một lá thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Coi lại cùng trong bể thảm thôi
Hay là:
Bể khổ mênh mông sóng lụt trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Nghĩ lại cùng trong bể khổ thôi
Bốn câu thơ nầy đã từng được Sư Bà Diệu Lầu học thuộc và trùng tuyên lại cho tôi nghe trong những năm 1959 còn độ tuổi thiếu niên tại chùa Long Phước, làng Long Khánh, nơi Đại lão Hòa Thượng ân sư thượng Quảng hạ Đức khai sơn giáo hóa dân làng.
Người dân Cai Lậy dễ thương, trìu mến với những vầng thơ lâng lâng bên sóng nước, sống trên những vùng sông nước như quê tôi có nhiều sự thu hút về công đức tu hành về lời giảng:
“Cõi đời là khổ đế như sự lặn ngụp trôi lăn theo sóng nước vô biên.
Như mây trắng bay bên khung trời xanh khi chiều về xuôi trong vô tận”.
Tuổi trẻ, tôi sớm nhận chân giá trị cuộc đời là nhiều khổ đau và nước mắt, tiếng khóc than của chúng sanh như râm rang trong không ảnh cõi phù ta, tiếng kêu la thảm thiết của chúng sanh như âm cung (địa ngục) đầy tăm tối, những giếng nước mắt triều dâng theo mọi khổ hãi của nhân sanh, những sự nhễ nhạy của bi thương trong cuộc thế, những thế thái nhân tình luôn vỡ vụn như áng mây trôi, những ân tình hòa hợp rồi ly tan, khi thương yêu, khi hận thù theo năm tháng, những ly tan rồi hòa hợp như áng mây ngũ sắc lơ lửng trôi giữa khung trời bao la thăm thẳm.
Ôi những hình ảnh đi theo tuổi thơ tôi, đã sớm nhận chân giá trị của cuộc đời, bây giờ đây biến thành sự thật, càng ngày càng sáng tỏ tuyệt vời hơn, tôi chợt nhìn giá trị cuộc sống con người bị trôi đi xa như người khách trần chèo một chiếc thuyền nan lững lờ trôi giạt theo bóng thời gian từ quá khứ xuôi về hướng tương lai đầy ảo ảnh. Và rồi con thuyền ngược xuôi, xuôi ngược theo dòng đời mênh mông như tha hóa tự tại, khổ không hay, sướng không biết, xem sự chơi vơi của định mệnh lại là nhà, thấy nương dâu như đất bằng xanh thẳm, một cuộc sống dành cho con người như không định hướng, không có lối thoát, đường đi và nẻo về trong vĩnh cửu. Rốt rồi cùng đi về với mẫu số chung “một nổi khổ chúng sanh triền miên bất tận”.
II . Truyền thống Phật môn:
Bạn ơi, còn một điều nầy nữa, trong thế gian nầy ai là “người tốt”, ai là “người xấu”? ai nhục, ai vinh? Tại sao người ta dùng từ ngữ “tốt xấu”, “nhục vinh” để áp đặt cho nhau, để phân biệt, tranh hơn thua, đưa nhau vào chổ cấu xé lẫn nhau, chiến tranh chém giết lẫn nhau chỉ vì hai từ “tốt xấu”, “nhục vinh”. Thậm chí bôi mặt đá nhau, sát phạt nhau không thương tiếc. Ôi thôi, Bạn ơi tôi thấy những cái “tốt xấu”, “phải trái”, “nhục vinh” Bạn thỏa mãn trong lâu đài vinh quang danh dự, Bạn chèn ép tôi, lăn nhục tôi làm cho tôi ô uế cuộc đời, tôi bị vu khống lăn nhục trong bùn nhơ nước đục, nhưng hai chúng ta cũng chỉ là những sanh vật đang nổi trôi trong bể khổ thế gian nầy thôi Bạn ạ!
Đạo pháp hưng thịnh và cuộc đời tươi sáng, chúng ta nên nắm bắt cái hưng thịnh và tươi sáng để tận hưởng, không nên đem ô nhục, lấm lem áp đặt cho người khác, riêng mình thì thụ hưởng vinh quang danh dự. Chắc chắn cả hai đều không được “vinh danh” gì cả, mà chỉ gánh lấy những “bất hạnh” trong cuộc đời?
Sư Bà Diệu Lầu nhận chân được giá trị thời gian vĩnh cửu, những được mất, những cái hay dỡ, cái ảo giác hư danh, nhục vinh mộng huyễn và đã truyền dạy cho chúng tôi tuy không nhiều, nhưng là một ký ức sâu đậm “tiếng pháp âm” trong những năm tôi đã giác ngộ đi tu.
Sư Bà ơi! Cháu phát tâm xuất gia ngày 30 tháng 7 năm Canh Tý (1960) với Đức tôn sư Thiện Phước Nhựt Ý, dòng Lâm tế thứ 41 (biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai) thuộc môn phong Liên tông Tịnh độ Non Bồng.
Môn phong có truyền thống hành đạo pháp môn niệm Phật 93 năm rồi; môn phong có dạy tu “lễ bái niệm Phật” và kể từ khi xuất gia đầu Phật đến nay là 53 năm, pháp môn “lễ bái niệm Phật” rất phù hợp với hạnh nguyện của cháu. Cho nên dù đang làm Phật sự trong và ngoài tông phong đa đoan, nhưng con vẫn thực hành pháp tu miên mật, mỗi ngày vào lúc 2 giờ 30 sáng con phải thức dậy, mặc pháp phục trang nghiêm, hướng về đảnh lễ Phật 108 lạy, sau đó nghiên cứu kinh, viết sách, rổi mới đến thời công phu cùng với chư Tăng trong tu viện Bà ạ!
“Lễ bái niệm Phật” là pháp tu chính trong Liên tông Tịnh độ Non Bồng, khi còn là Sa di, cháu và các bạn đồng tu cả năm sáu trăm người lạy tập thể từ 18 giờ đến 19 giờ đó Bà. Về sau còn có pháp tu “bá nhựt trì danh”, “lạy kinh Pháp Hoa”, “sám hối niệm Phật” được phổ cập trong các tự viện của Tịnh độ Non bồng. Mong rằng các pháp tu biệt truyền nầy vượt ra ngoài môn phong đến chư Tăng Ni, Phật tử đại chúng tu tập hiệu quả. Các pháp tu được hướng dẫn trong quyển 100 ngày niệm Phật & 100 bài pháp của tác giả HT Thích Giác Quang, NXB Phương Đông, ấn bản năm 2010.
Vị ân sư thứ nhất vị pháp thiêu thân cúng dường chư Phật cầu nguyện cho chánh pháp trường tồn, Phật giáo Việt Nam bất diệt hồi năm 1963. Vị ân sư thứ hai, người thế phát xuất gia cho cháu và chính Bà là người viết thư gởi cháu cho Thầy dạy dỗ nuôi dưỡng cho nên người. Hai vị ân sư, Bà, cha mẹ cháu hôm nay đã không còn nữa trên thế gian, chắc chắn các vị đã cao đăng bảo địa, vì cháu đã nên người trưởng thượng trong hàng tăng lữ Phật giáo Việt Nam. Hiện thân của cháu đã làm cho “cha mẹ Thầy Tổ” tròn hạnh nguyện “thượng báo tứ ân, hạ tế tam khổ” rồi phải không Bà.
III . Học làm con Phật:
Năm lên 9, học lớp Nhì, dịp bãi trường Ba cho về thăm Bà Nội và ở suốt thời gian ba tháng; tôi còn nhớ ba tháng đó tức là ba tháng tu hành của tôi, tức là Bà Nội cho ăn chay, ăn chay thì ăn chứ chẳng sao, tôi quen mùi muối dưa đậm đà bản sắc Phật giáo lắm rồi, tôi rất biết vâng lời Phật dạy, lúc nào cũng sợ làm những việc có tội, không dám nghĩ ác, làm ác, tôi được giáo huấn rất kỹ trong giáo pháp nhà Phật, dù chưa phải là Thầy Tu nhưng không khác quý Thầy chốn am thiền. Ở xóm tôi, mỗi tối nhà nào cũng tụng kinh, chuông mõ đều đều thâm thâm dịu dịu cùng tiếng kinh, tiếng niệm Phật, tu Tịnh độ, vợ tu, chồng tu, con cháu công phu Di Đà; đem một trẻ thơ kêu cho làm ác cũng chẳng dám làm, huống gì tự các thiếu nhi ấy thực hiện thủ ác. Làng tôi, người dân quê chúng tôi rất bình lặng như sống trong thế giới Tịnh độ Tây phương.
Ngày 22 tháng 5 năm 1957, nhìn thấy một nhà sư du tăng Khất sĩ đi trì bình khất thực, tôi được biết đó là Thầy Thích Chơn Thường ở chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Saigon đến thăm Thầy Giảng sư Nhựt Long tại chùa Long Hòa. Thầy Chơn Thường tuy tu theo Bắc Tông, nhưng lại mang pháp phục nhà sư du tăng đi khất thực trì bình trong xóm tôi; Bà Nội và Cô Hai có dịp thỉnh Thầy dừng chân để cúng dường cơm canh, thức ăn chay cho Thầy, sau đó tôi được biết Thầy đi về hướng chùa Long Hòa để cúng dường và độ ngọ vào lúc 12 giờ trưa. Từ lúc gặp Thầy Chơn Thường đi khất thực tôi có cảm tượng như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ảnh hiện đâu đây gần xóm tôi, tôi càng tinh tấn niệm Phật, tụng kinh mỗi tối, không cần ai nhắc nhở tôi cũng theo Bà Nội ngồi bán già tụng niệm với Bà.
Thầy Chơn Thường đạo hạnh cao viễn, thần khí cao xa liêm khiết, tiếng pháp âm của Thầy lãnh lót chốn sơn môn, tôi được một lần đến nghe Thầy giảng tại chùa Long Hòa và còn nhớ câu:
“lành nhỏ không bỏ
dữ nhỏ không làm”
Ấn tượng sợ làm việc có tội, cộng với bản tính hiền hòa chất phát của người dân quê hương tôi cho đến hôm nay vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi, giờ đây đã làm Hòa Thượng giáo hóa chúng sanh, làm Phật sự và đã 68 tuổi rồi, tuy không phải Phật nhưng cũng là sứ giả của Ngài, mọi người đang chờ tôi giúp đỡ, chắc chắn tôi không làm việc gì sai trái, không tạo tội chốn thiền lâm, đó là tập quán và còn vì hạnh nguyện muốn làm việc Phật pháp giúp đỡ cho mọi người tu giải thoát mà thôi!
IV . Triêu dương:
Ngày 19 tháng 02 năm Quý Mão (1963) có dịp về ghé thăm người thân tại quê nhà tại ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, quận Chợ Gạo, tôi và quý Sư bạn cùng đàm đạo với Sư Bà Diệu Lầu, lúc bấy giờ với những giọng cảm từ lưu loát, Sư Bà trích từ trong kinh Kim Cang - bản dịch song ngữ Đoàn Trung Còn, trang 60, nói:
Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
Thầy đi tu Thầy phải nhận chân giá trị pháp âm của Phật từ ngàn xưa còn vang vọng đến hôm nay, tôi đọc hoài đọc mãi mà không biết làm sao mình đắc đạo ngay để khỏi phụ lòng Đức Thế Tôn, nếu không cũng làm sao phải có cơ hội được lên đến bờ giác. Đọc thì đọc, nhưng mà Phật là Phật, mà ta là ta, thì hai thế giới chưa là một, mình còn đắm chìm trong bãi bể nương dâu, phù ba sóng dậy. Nói đến đây Sư Bà xúc động nửa cười nưửa khóc, nửa cười là vì nói lên được một lời pháp của Phật cho tôi nghe và mọi người nghe; nửa khóc là vì mình biết pháp Phật vi diệu đến thế, mà vẫn chưa thâm nhập thần trí, chưa giải thoát khỏi vòng luẩn quẩn trược uế tử sanh, sanh tử luân hồi!
Ôi tiếng pháp âm của Đức Thế Tôn luôn còn vang vọng suốt mấy nghìn thu, hôm nay và mãi mãi ngàn sau vẫn như thế, như thế và như thế. Tiếng pháp âm vẫn còn vang vọng khắp mười phương, khắp trong hằng hà sa số các hành tinh xung quanh hành tinh địa cầu, làm cho chúng ta cảm nhận Đức Thế Tôn muôn thuở vẫn còn đâu đây và gần nhất với chúng ta, đang chia sẻ những quá trình thị hiện tu chứng mà Ngài đạt được từ trong muôn vạn kiếp bản sanh.
Sư Bà ơi, cháu đã hiểu: các pháp hữu vi, những gì thuộc về hình tướng, âm thanh sắc tướng, những khởi niệm theo từng niệm sanh diệt của thời gian, những gì thấy nghe hay biết luôn trôi đi theo bóng thời gian, thời gian trôi đi nhanh quá, làm cho chúng sanh luôn cảm nhận pháp ấy không thật, như mộng ảo thoạt có đó rồi hoàn không, thoạt thân tín biến thành thù hận, pháp hữu vi huyển hóa, như nhà ảo thuật “đem cái không làm cho có, đem cái có làm cho trở thành không”, sự chuyển hóa ra đi khỏi tầm mắt, khỏi sự thấy nghe hay biết của chúng sanh, ra đi rồi lại đến, đến rồi lại đi như mộng ảo, như huyển thuật… đó là cái trò đời trắng đen đen trắng, đổi tâm thay dạ, một tấc dạ hai tấc lòng, biết thế mà chúng sanh vẫn luôn lầm lạc trong muôn thuở phải không Bà!
Các pháp hữu vi, như sóng nước, như hình trong gương, như sương mai, như điện chớp… thật mầu nhiệm thay những cái như thị như thị, nhan nhãn trước mắt mà ta không thấy, phải đợi đến Đức Thế Tôn giáng trần, dùng tay chỉ điểm cho ta mới thấy được, nhưng chỉ thấy thôi chứ chưa tin hẳn, vì chúng sanh vẫn còn mê muội, đắm chìm trong cuộc đời, không chấp nhận cái nhìn trung thực, mà chỉ chấp nê một bên, cho là đã đúng, là thật, rồi bước đi vào hố thẳm cuộc đời, nhìn hố thẳm là ánh hào quang trăm năm hạnh phúc, đam mê mãi cho đến khi sự sáng tắt lịm, sự sanh lão bệnh tử xuất hiện mới thôi.
Sư Bà ơi! Những âm thanh lời pháp Phật dũng xuất từ miệng Bà, cháu thấy như ngày nào Bà còn trỗi giọng đã làm cho các chư huynh đệ của cháu, như Sư Từ Pháp, Sư Thiện Thành, Sư Thiện Thạnh đều khâm phục trí tuệ lưu loát của Bà, tâm ý của Bà lúc bấy giờ như vầng hồng ban mai triêu dương cuộc đời! Cháu đang quán sát và thực chứng về tiếng pháp âm ngày xưa của Bà đấy!
HT Thích Giác Quang