Có thể sẽ có người hỏi: niệm danh hiệu A Di Ðà Phật có hiệu lực lớn như vậy
sao? Ðúng vậy. Hãy khoan nói công đức vô lượng của danh hiệu đức
Phật, trước hết hãy dùng một tên thông thường làm thí dụ: thí dụ như tên ‘quýt’
(hay cam). Có một bác nông phu muốn trồng quýt để đến mùa thu [đem ra chợ
bán và] có người sẽ thưởng thức được mùi vị ngọt ngào giải khát của quýt.
Từ khi gieo hạt giống, vun bới, bón phân, tốn rất nhiều công sức, cây quýt này
trải qua những trận mưa mùa xuân và ánh nắng gay gắt mùa hè, trải qua những cơn
bão tố, từ đất đen nở ra cây trái vàng óng ánh, toả ra hương thơm ngát, trải
qua thời gian rất dài và tốn nhiều công sức, thật không phải dễ. Cây quýt
có sự liên quan vô cùng mật thiết với cả thế giới này, rễ quýt bám sâu vào lòng
đất, cây quýt hít thở bầu không khí rộng lớn và hòa vào không khí mà chúng ta
hít thở hàng ngày, và cùng thọ nhận nguồn ánh sáng mặt trời vô tư. Anh
nông phu cần phải dựa vào sức lao lực và hoa trái của những người khác để duy
trì đời sống; anh phải mặc áo và khi bị bịnh phải đi khám bác sĩ. Cây
quýt này có một lai lịch thật là phức tạp nhưng khi người mẹ hỏi con: “Con muốn
ăn gì?” Bạn chỉ trả lời: “quýt” thì liền ăn được trái quýt vô cùng ngọt
ngào này, hưởng thụ được thành quả mà người nông phu phải ra sức vun bồi mới có
được.
Không phải vậy sao? Trái quýt bình thường đã vậy, huống chi là câu vạn đức hồng
danh ‘A Di Ðà Phật’. Quá trình thành Phật đòi hỏi bao nhiêu sự khó khăn
gian khổ, đòi hỏi bi nguyện rộng lớn chấn động đến trời đất, thêm vào sức nhẫn
nại nỗ lực qua nhiều kiếp mới thành tựu được Phật quả không thể nghĩ
bàn. Niệm danh hiệu thì cũng như nếm trái quýt; hưởng thụ được
những mùi thơm ngọt của nó; trong danh hiệu ‘A Di Ðà Phật’ này, đức Phật ban
cho chúng ta hạnh phúc vô lượng vô biên, ban cho chúng ta thành quả gặt hái
được từ tất cả công phu tu hành của ngài. Có người hấp tấp nuốt liền và
cũng có người từ từ thưởng thức hương vị; mỗi người nếm được mùi vị khác nhau,
nhưng ai cũng được đã khát. Danh hiệu ‘A Di Ðà Phật’ chứa đựng tất cả sự
trang nghiêm, tốt đẹp, tự tại, thong dong của Cực Lạc thế giới; tất cả
đều có sẵn nhưng chỉ có người có tín nguyện thành khẩn mới có thể tiếp nhận
được. Giả sử bạn nhất định không chịu tin rằng ‘nói ‘quýt’ thì má bạn sẽ
cho bạn ăn trái quýt’, mà nhất định phải tự mình đi gieo hột giống để trồng cây
quýt. Như vậy thì cũng được nhưng sợ cây quýt chưa lớn thì bạn đã khát
quá và chết đi rồi, hoặc là bị rắn trong vườn cắn bị thương. Giống
như tôi không biết trồng cây, mạng sống lại rất ngắn ngủi thì thích nói chữ
‘quýt’ để má cho ăn và liền có thể nếm được mùi vị ngon ngọt của trái quýt,
liền hấp thụ được mùi vị ngọt ngào dinh dưỡng của trái quýt, và cũng cám ơn sự
cần khổ của anh nông phu, tin tưởng vào nguyện và hành của anh nông phu đã
thành tựu, tin vào lời má nói, rất đơn giản và dễ dàng. Ăn xong trái quýt
thì có sức lực để đi khám bịnh, phục vụ xã hội, như vậy thì quá tốt! Giả
sử tin không được nên phải từ sáng bận rộn cho đến tối làm việc [trồng trọt] để
kiếm ăn, đây là cả một vấn đề khó khăn.
Chúng
ta ở trong đời trược ác này lâu quá nên rất khó có thể tin những chuyện
tốt hoặc tin chân lý. Nếu có người nói với chúng ta bên đường phía đông
có một băng đảng tên là Kim Quang, họ chuyên môn lập kế để gạt tiền người
khác. Chúng ta sẽ tin liền, sợ họ và không dám đi về phía đông.
Nhưng nếu nói với chúng ta Tây phương thế giới có đức Phật A Di Ðà, Quan Thế Âm
Bồ Tát, và Ðại Thế Chí Bồ Tát thường phóng hào quang và từ bi đi cứu giúp chúng
sanh, giúp cho họ thoát ly khổ nạn, và hưởng an lạc vĩnh viễn.
Chúng ta ngược lại sẽ hoài nghi cho đến chết cũng không tin. Tại sao đều
là nhìn không thấy mà chúng ta lại tin là có băng đảng Kim Quang và sợ không
dám đi về phía đông. Chúng ta tại sao không tin Phật Bồ Tát từ bi
và có vô lượng hào quang trí huệ, không hoan hỷ tin tưởng để có thể đi về
phương tây? Tâm của chúng ta trầm luân đến nỗi chỉ tin ác chứ không tin
thiện, chỉ tin giả chứ không tin thật? Tôi cũng tin người trong băng đảng
Kim Quang cũng có Phật tánh, nếu chuyển ý niệm và niệm A Di Ðà Phật thì cũng sẽ
thành Phật. Ðức Phật A Di Ðà từ bi sẽ không bao giờ bỏ rơi họ. Tôi
cũng tin Kim Quang đảng trong nội tâm của tôi: tham, sân, si có một ngày nào đó
cũng sẽ phóng hào quang như đức Phật A Di Ðà.
Tôi
xin giới thiệu thêm chuyện của bác Phan Tạ Ánh Mai. Vốn là một đêm trước
tết khi tôi mở cửa phòng khám bịnh chuẩn bị đi về thì nhìn thấy một người trẻ
tuổi nói là họ từ Mỹ về thăm bà má vợ (chồng) bị đụng xe. Bà này đã dặn
dò chuyện ra đi của bà từ một năm trước, bà dặn khi bà qua đời thì kêu họ mời
ngài Sám Công và các vị bạn sen trong liên xã trợ niệm cho bà. Tại vì họ
kêu điện thoại đến chùa Liên Nhân không gặp thầy và có người kêu họ lại kiếm
tôi để nhờ giúp đỡ. Tôi nghe nói bà đã thọ giới Bồ Tát, rất siêng
năng niệm Phật, và đã dặn dò con cái không được di động thân thể của bà sau khi
bà lâm chung, không cho con cái khóc lóc, và phải niệm Phật trợ giúp bà.
Tôi nghĩ: “Bà siêng năng tu hành như vậy mà còn gặp phải tai nạn đụng xe, huống
chi là người như tôi” nên mau mau đi trợ niệm giúp bà, phải làm cho bà được mãn
nguyện, giúp bà vãng sanh. Khi tôi đến bịnh viện thì gặp con bà đang nói
chuyện điện thoại bàn bạc về hậu sự. Tôi cảm nhận được sự khổ của tất cả
chúng sanh đang trôi lăn trong vòng sanh, lão, bịnh, tử. Bà nằm trong
phòng cấp cứu hôn mê đã mấy ngày không tỉnh. Nhưng đến khi niệm Phật cho
bà thì bà chảy nước mắt. Ðêm đó các bạn ở liên xã chưa ăn cơm xong vừa
nghe liền nhiệt tâm đến giúp chồng bà chuẩn bị và giải thích rõ về việc trợ
niệm. Con bà rất hiếu thảo, muốn làm cho bà được mãn nguyện và vãng sanh
tây phương; họ đem các hình gia đình họ hàng đang treo trên tường đem cất để
cho bà khỏi động tâm lưu luyến thế giới Sa bà này. Bà ra đi ngay đêm giao
thừa; có ba bốn mươi người bạn trong liên xã đến để trợ niệm mà trước đó không
có người nào quen biết bà. Tôi rất xúc động khi thấy tờ giấy viết bài
phát nguyện (bài kệ phát nguyện trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện) đã nhuốm vàng
bởi khói nhang. Con bà nói trước đó bà thường đi trợ niệm và có viết sẵn
tên của những người quen có thể đến trợ niệm cho bà. Nhưng gặp ngay đêm
giao thừa có một số đi về quê, một số khác thì bận việc nên không đến
được. Con bà rất lo không có ai đến, nhưng không ngờ lại có nhiều người
không quen biết nhiệt tâm đến để trợ niệm cho bà. Thiệt là nhân quả không
sai, người niệm Phật chỉ cần tu nhân, ‘nhân’ đúng thì ‘quả’ chắc chắn sẽ đúng.
Người
Á đông vốn rất kỵ chuyện tang lễ vào dịp tết, nhất là vào đêm giao thừa, nhưng
Phật tử thì không màng đến chuyện này, chúng ta chỉ hy vọng có thêm một người
vãng sanh thành Phật thì có thể độ được vô lượng chúng sanh; chúng ta chỉ sợ
người trong gia đình trong lúc buồn rầu làm cho họ mất đi ‘tín’ và
‘nguyện’. Sau khi hỏa táng bà để lại vài viên xá lợi màu xanh, vàng, và
trắng. Chồng bà rất cảm động; trước đó ông thường phàn nàn: “Tôi
nghèo như vầy cũng vì bà bố thí hết trơn và không nấu thịt cá cho tôi
ăn!” (từ điểm này có thể biết được bà là người như thế nào). Ông
nói tiếp: “Mỗi khi tôi ngồi coi truyền hình, bà đều ngồi xếp bằng, dùng gốc cây
nhang để tính số niệm Phật; nhiều lúc tôi trách bà nhưng không ngờ là bà đã tu
thành công!”. Tôi cảm thấy một việc rất không thể nghĩ bàn là xâu chuỗi
của bà làm bằng hột ‘Tinh Nguyệt Bồ Ðề’, sau khi hỏa thiêu xong còn lại hai hột
y nguyên không bị cháy hết. Con trai, con gái, và con rể bà đều là tiến
sĩ ở Mỹ, đối với việc này cũng nói là không thể tưởng tượng nổi. Thật thà
niệm Phật, công phu đắc lực thì sẽ thành công; nhân quả tơ hào chẳng
sai.
Hồi
xưa có một đệ tử hỏi Phật: “Nếu gặp chuyện bất trắc mà chết đi bất ngờ thì có
thể vãng sanh được không?” Phật thí dụ: “Nếu có một cây mọc nghiêng
về phía đông, nếu bị gẫy thì cũng sẽ ngã về hướng đông”. Chúng ta
niệm Phật cũng như cây mọc nghiêng về hướng tây, mỗi ngày đều hướng về tây mà
lớn thêm, nếu bị gẫy thì cũng sẽ ngã về hướng tây. Chúng ta phải tự hỏi
mình có nghiêng về hướng tây không? (chỉ sợ là không có!). Cái tâm của
mình thường thường đều hướng về bốn phương tám hướng nhảy tùm lum, và không
nhất tâm hướng thẳng về tây. Hai mươi bốn giờ trong ngày, thời gian thiệt
thà niệm Phật cũng không quá năm phút; nếu người siêng năng hơn một chút thì
một ngày niệm được vài giờ, trong đó cũng không biết có bao nhiêu câu niệm được
đàng hoàng (không xen tạp và không gián đoạn). Cho nên cây này đúng là
mọc tùm lum, nếu bị gẫy bất ngờ rồi ngã về hướng nào thì rất khó mà biết trước
được.
Trong
nhật ký bà đã viết sẵn di chúc dặn con cháu phải lo chuyện lâm chung như thế
nào, đến sau này thì con bà mới tìm ra. Cũng may là hậu sự cũng được làm
giống theo ý muốn của bà. Có một đoạn trong nhật ký làm cho tôi có
ấn tượng rất sâu. Bà có một người con đã từng làm khoa trưởng ở đại học
Phùng Giáp bị tai nạn xe đã qua đời. Lúc đó bà chưa học Phật và cảm biết
được sự đau khổ trong đời người, bà viết: “Hôm nay là ngày vĩnh biệt con tôi và
là ngày đau khổ nhất trong đời tôi”. Một người mẹ nhận chịu sự đau khổ
của người ‘tóc trắng tiễn đưa người tóc đen’ thật là chua xót biết bao.
Một người không tầm thường sẽ không vùi đầu vào sự đau khổ và tối ngày than vắn
thở dài. Người đó sẽ từ những sự khổ: ‘sanh, lão, bịnh, tử, thương xa
lìa, ghét gặp mặt, năm ấm hừng hực (ngũ ấm xí thạnh)’ giác ngộ trở lại và bước
theo gót chân của những thánh nhân hồi xưa. Chúng ta hãy cùng nhau hướng
về pháp hội Di Ðà vĩnh hằng vô tận, hướng về Liên Trì Hải Hội thanh tịnh, hoan
hỷ, sáng lạng, tràn ngập tiếng cười. Ấn Quang đại sư đã từng nói:
Ưng
đương phát nguyện nguyện vãng sanh.
Khách
lộ khê sơn nhậm bỉ luyến
Tự
thị bất quy, quy tiện đắc
Cố
hương phong nguyệt hữu thùy tranh?
Tạm dịch:
Vãng
sanh phát nguyện đi thôi,
Suối
non đất khách mặc người quẩn quanh,
Quê nhà chẳng chịu về nhanh,
Hễ
về ắt được, ai giành gió trăng?
Chúng
ta đừng đi lang thang nữa. Hãy học theo thế giới nội tâm của Hoằng Nhất
đại sư: “Hoa chi xuân mãn, thiên tâm nguyệt viên”; hãy niệm Phật cho đàng
hoàng. Pháp môn niệm Phật là một pháp môn đặc biệt nhất trong tám vạn bốn
ngàn pháp môn của đức Phật Thích Ca, pháp môn này dễ thành công nhất. Mỗi
ngày niệm đến khi vô cùng thành khẩn thì giống như hồi nhỏ trẻ em thường ca:
“Xe
lửa mau bay, xe lửa mau bay, bay qua núi cao, bay qua khe suối …”
Lúc
niệm Phật trong tâm càng trải qua nhiều sự khó khăn thì cũng như xuyên qua núi
cao, băng qua khe suối. Và cũng giống như lời ca: “Mẹ hiền trông thấy
thiệt là vui mừng”. Cha mẹ từ bi vô tận vô biên của chúng ta, đức Phật A
Di Ðà đã dang tay ra từ lâu rồi, rất lâu rồi, khi nhìn thấy chúng ta quay trở
về nhà thì vui mừng biết bao! Nghĩ đến “Bồ Tát đón mừng, Di Ðà đợi ở
ngưỡng cửa” tiếng vang dội từ xa truyền lại thì làm sao không bước mau lên….
Quay
đầu nhìn lại tất cả những hình ảnh sanh tử bên bờ sông Hằng chúng ta giống như
những người đang vùng vẫy sắp chết, chư Phật Bồ Tát từ bi nhảy vào dòng nước
sanh tử tràn đầy đau khổ và dạy chúng ta dùng một câu “ A Di Ðà Phật” để chứng
đến bản tánh bổn vô sanh diệt của chúng ta, đem giòng nước ác trược dơ bẩn này
biến thành con sông thanh tịnh thánh thiện; đem lợn sóng cay đắng này biến
thành những mùi thơm ngọt ngào.
‘Không
nỡ để chúng sanh khổ, không nỡ để thánh giáo suy’. Nguyện cho chúng ta
phát ra tâm từ bi, thường làm theo đại nguyện của đức Phật A Di Ðà mà cứu giúp
tất cả chúng sanh, nguyện chúng sanh đều sanh đến Liên Trì Hải Hội trang
nghiêm, cùng nhau thưởng thức mưa Mạn Ðà La hoa….
Xin
quý vị thứ lỗi, tôi thường không có nội dung tốt đẹp gì để cúng dường cho quý
vị, chỉ kể một vài câu chuyện thê thảm cho quý vị nghe, không muốn quý vị ghi
nhớ những huyết lệ trong đó, chỉ nguyện cho quý vị trên con đường đời sớm giác
ngộ. Chúng ta phải làm ‘ngựa hạng nhất’ không cần phải đợi những sự đau
khổ này đến kề bên người rồi mới chạy. Ngựa hạng nhất là vừa thấy bóng
dáng của cây roi phất ngựa là chạy liền. Thấy người khác khổ, biết
được đời sống có chuyện khổ như vậy, đừng chờ đợi nữa, hãy mau tu hành!
Ngựa hạng nhì là đợi đến khi roi đánh tới mình rồi mới chạy; ngựa hạng ba
là đợi đến lúc bị đánh tróc da chảy máu rồi mới chạy. Ngựa hạng tư là cho
dù trầy da tróc vảy, đau đến xương tủy cũng không biết chạy. Có thể cũng
có ngựa hạng năm là chết rồi cũng không sợ, loại này làm cho Bồ Tát phải rơi
nước mắt!
Buổi
diễn giảng hôm nay vốn là có đạo hữu đề nghị tôi đừng giảng hoặc là mời thầy
khác giảng dùm. (Ở đây thuận tiện nên báo cáo cùng quý vị đạo hữu luôn)
Vì cũng như đã nói ở phía trước, chúng ta đều ở trong dòng sông sanh tử, những
hình ảnh mà chúng ta thấy được trên sông Hằng đều là hình bóng của chính
mình. Tôi cùng tất cả bịnh nhân đều giống nhau, đều bị bịnh ung thư, bây
giờ đúng lúc nhất tâm niệm Phật chuẩn bị vãng sanh. Tôi đã nhận lời cùng
quý vị nói chuyện ngày hôm nay (27 tháng 4). Vì bác Hứa gọi điện thoại
nhiều lần và vô cùng thành khẩn nên cho dù hôm nay chỉ có một người đến nghe
tôi cũng sẽ nói. Tại vì nếu có thêm một người niệm Phật vãng sanh Cực Lạc
thế giới thì sẽ ít đi một người đau khổ rơi lệ. Hơn nữa tôi đã gặp nhiều
vị sư trưởng đều ‘không nỡ chúng sanh chịu khổ, không nỡ thánh giáo suy’, rán
hết sức mình để đem những điều vô cùng quan trọng trong Phật giáo dạy cho chúng
ta. Hôm nay tôi có thể không ở trên giường bịnh rên siết, đến đây cùng
các bạn học tập đều là nhờ ân đức của họ (những vị sư trưởng). Tôi chỉ
muốn rán hết sức mình (phấn đấu với bịnh đau) để báo đáp phần nào ân đức của
họ. Trong Ðại Trí Ðộ Luận, có một vị Bồ Tát nói: ‘Tôi đã mất đi thân
mạng trong vô thỉ kiếp sanh tử vừa qua, chưa từng vì pháp (mà hy sinh)’.
Phải đúng vậy không? ‘Quay đầu nhìn lại xương chất thành núi’, vô số lần
mất mạng trong đời quá khứ đều nhẹ như hồng mao, chưa từng nặng như Thái sơn thì
cũng phải mất mạng. Chúng ta hãy vì Phật pháp, vì chúng sanh, chánh niệm
rõ ràng, niệm Phật mà vãng sanh! Nếu như trong những lời nói hôm nay có
một tơ hào nào thành khẩn đáng quý, nguyện đem phần công đức này hồi hướng cho
tất cả thiện tri thức, cha mẹ, thầy giáo, bạn bè đã nhắc nhở tôi trên con đường
Bồ đề này. Tôi xin cám ơn tất cả, cám ơn từng câu nói thành khẩn, không
kể là khích lệ hay trách mắng; cảm ơn từng nụ cười, từng giọt lệ chân thành,
từng lời dạy dỗ. Cũng xin hồi hướng cho mỗi vị ‘bịnh nhân Bồ Tát’
của tôi, cho tất cả chúng sanh đang chịu đau khổ, nguyện cho họ sớm nghe được
lời kêu gọi của Di Ðà trong nội tâm, đồng sanh nơi ‘không có sự khổ, chỉ toàn
đều vui’ ở liên bang Cực Lạc.
Lúc
tôi đi khám bịnh vì bác sĩ không biết tôi cũng hành nghề này nên lúc họ thảo
luận bịnh trạng với nhau tôi nghe và biết rất rõ và cũng nhìn thấy chỗ ung thư
qua máy siêu âm. Chỗ ung thư này đến lúc tôi có thời gian đi khám thì đã
quá lớn, lớn đến gần hết phía dưới bụng. Tôi rất xấu hổ không biết và lo
chữa sớm, thiệt là quá tệ. Mỗi lần ‘beeper’ kêu là tôi phải mau mau chạy
đi, nhiều khi đang tắm cũng phải ngưng và chạy đi. Mấy ngày trước khi đi
khám, chân tôi sưng lên đến nỗi mang giày không được nhưng cũng phải rán mang
như mang dép đi làm. Tuyết Công có nói: “Nếu có mười phần sức lực mà chỉ
dùng hết chín phần thì không đủ thành tâm”. Tôi không có cảm giác
lo sợ hay khủng bố gì hết, cảm thấy rất bình thường, chỉ quyết tâm niệm Phật
cầu sanh tây phương, tận dụng hết thời gian còn lại để hoàn thành công việc
mình phải làm, gặp mặt những người giác ngộ từ xưa đến nay. Chỉ cần tin
tưởng Phật pháp, tin tưởng điều giác ngộ thứ nhất dạy trong kinh Bát Ðại Nhân
Giác là ‘thế gian vô thường’, nếu như vậy thì chuyện này rất bình thường, không
cần phải hỏi: “Có thiệt không? Tôi làm sao mà bị bịnh này
được”. Bịnh nhân thường hỏi như vậy lắm. Và cũng không cần
phải khóc: “Không. Không thể nào là tôi được. Tôi không thể nào bị
bịnh này được (bịnh nhân thường kháng cự giống như vậy). Tại sao không
thể là chúng ta được? Rất có thể là chúng ta. Hoặc giả vốn là
luân phiên đến lượt chúng ta. Hãy thức tỉnh đi, vận dụng thời gian còn
lại đừng lãng phí và chạy trốn nữa!
Bác sĩ Quách Huệ Trân