Lại thêm một người bị ung thư hàm miệng, ông đã bị mù, tế bào ung thư đã phát triển đến cổ. Nước vàng không ngừng từ gò má chảy xuống. Con dâu của ông nói: “Ở nhà tôi xịt không biết bao nhiêu dầu thơm cũng không làm những mùi hôi này bay mất”. Tôi nghe rồi mới nói riêng với cô: “Tôi thấy cô thường dẫn ba chồng của cô đi khám bịnh, cô rất có hiếu thảo; chăm sóc cho người bịnh ung thư rất khổ, nhưng Phật có nói: ‘Trong tám phước điền, chăm sóc cho người bịnh là phước điền hạng nhất’. Nếu cô tận tâm chăm sóc cho ông, làm cho ông già được hoan hỷ, tự nhiên phước báo sẽ vô lượng. Một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ già đi, sẽ sanh bịnh, chúng ta đối xử với người già như thế nào, con cái của ta cũng sẽ bắt chước theo để đối xử với chúng ta. Chúng ta phải để ý, cho dù một hành động lời nói rất nhỏ nào cũng vậy, cũng phải thương xót và tội nghiệp cho người bịnh. Người bịnh không muốn có những mùi hôi như vậy. Ngày nay một trong ba bốn người sẽ có một người bị ung thư, nếu người đó là mình thì cũng không thể nào không có mùi hôi; họ bất đắc dĩ phải như vậy mà, nếu cô có thể bao dung một chút thì cô sẽ có thêm phước báo.”
Xem thêm:
Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng - Phần 2
Vì ông bị mù nên thường hỏi bác sĩ bệnh trạng rất kỹ: “Bịnh của tôi thật sự ra sao? Bác sĩ nói thiệt cho tôi biết đi, không hề gì đâu. Ðiều tôi lo nhất bây giờ là con tôi còn một đứa chưa lấy vợ!”. Ôi chao, người ta đúng là có vô biên phiền não, một mình bịnh nặng mà không lo, lại lo cho ‘đứa con chưa cưới vợ’!
Khi một người không có năng lực lo cho mình thì thiệt ra không có khả năng và biện pháp gì để lo cho người khác. Nếu không vượt qua biển khổ của mình thì không thể nào độ người khác và giúp họ vượt qua biển khổ được.
Có một bịnh nhân ở trước ngực có xâm hình rồng và cọp, chắc trước kia là người trong băng đảng gì đó. Từ ngày bị ung thư hóc miệng trở đi ông bắt đầu chân thành sám hối. Ông nói: “Tôi thiệt đáng đời”, không một lời trách móc, chân thành ăn năn, giúp đỡ bịnh nhân khác, tận lực tu thiện. Trải qua rất nhiều hoàn cảnh khổ nạn cuối cùng ông cũng đã vượt qua…
Tôi thường nghe bịnh nhân than thở: “Cả đời tôi đâu có làm ác, đâu có làm hại ai đâu, đúng là ông trời không có mắt; tại sao để cho tôi bị bịnh khổ như vầy?”. Lời này làm tôi suy nghĩ có thiệt như vậy không? Có thiệt là chưa làm việc ác không? Nếu đúng như vậy thì chúng ta đều là thánh nhân hết. Xem lời Phật dạy, chúng ta từ nhỏ đến lớn khi gặp chuyện không vừa ý thì nổi giận, mở miệng thì chửi mắng. Vì dục vọng khi ăn uống không đoái hoài gì đến gà con mất mẹ, không màng gì đến heo con một nhà sanh ly tử biệt. Không nói lời thành thật, làm việc không tích cực, thường cãi lời cha mẹ, vân vân. Tất cả không có thứ nào không bị tham, sân, si chi phối. Người có trồng cải rồi đều biết hột cải tuy nhỏ nhưng lúc mọc ra cây cải thì không nhỏ. Lúc quả báo chưa hiện ra chúng ta còn dám nói xấu người khác, hoặc là trong lúc giận dữ nói lời xúc phạm đến người khác, dám mời khách ăn hải sản sống. Khi quả báo hiện ra mới biết khổ không chịu đựng nổi, đến lúc bị khổ nạn mới cầu nguyện để tiêu nghiệp chướng.
Lão hòa thượng Quảng Khâm có nói:
“Phải từ thân, khẩu, ý mà tiêu trừ căn bản của nghiệp chướng”.
Nói một cách khác khi tham ăn, nghĩ đến con cá chép, con cá trê này cũng là một chúng sanh mà mười phương chư Phật thương xót; nói như vậy thì đó cũng là huynh đệ của mình, chư Phật đang thương xót, má nó đang trông đợi nó; khi gặp chuyện muốn nổi giận nhưng vì hiểu đó đều là mộng huyễn cho nên không sanh tâm sân hận nữa. Nhịn không được muốn chửi người, nghĩ đến họ cũng là chúng sanh mà đức Phật A Di Ðà ngày đêm trông mong để cứu độ và tiếp dẫn; họ cũng bị nghiệp lực trói buộc và có sự khổ não, cho nên mới chuyển tâm niệm để nghĩ đến Phật và niệm Phật.
Nếu có thể sửa đổi mình một cách tích cực, không bị ngôn ngữ, hành động, ý niệm của thói quen làm chướng ngại, nghiệp chướng sẽ bị tiêu trừ, sự khổ của bịnh tật cũng nhờ tâm niệm từ bi nhu nhuyễn hóa giải và giảm dần đi.
Tôi gặp một giáo sư trung học, ông là một bịnh nhân rất phi thường. Mỗi lần đi ngang giường bịnh tôi đều dùng tâm niệm tìm tòi học hỏi để quan sát họ. Khi ông vào bịnh viện thì ung thư đã lan đến tuỷ xương sống, đè đến dây thần kinh cho nên hai chân không thể cử động được nữa. Trải qua một thời gian dùng phóng xạ trị liệu thì miễn cưỡng có thể chống nạng đi được; nhà cầu ở ngay kế bên giường đối với ông là một khoảng cách rất xa. Ông thường phải phấn đấu rất khó khăn mới có thể ngồi dậy và đi vào nhà cầu; mặc dù thân thể của ông rất yếu nhưng hai mắt ông rất có tinh thần. Ông nói chuyện rất khó khăn vì thần kinh trong não cũng bị ung thư. Lúc ngủ hai mắt nhắm không được, rồi sau đó xương chân bị gãy luôn. Trong lúc bị bịnh nặng như vậy mà ông nói: “Rất tiếc là bây giờ tôi không thể dạy học được nữa!” (ông đã là một giáo sư rất nhiệt tâm dạy học trò). Ông nói: “Từng trải qua cơn bịnh quá đau khổ này làm cho tôi hiểu thêm về cuộc đời, hiểu rõ được sự khổ đau của mọi người, tôi sẽ càng thương yêu chăm sóc học sinh của tôi; rất tiếc là tôi không còn cơ hội nữa!”. Tôi nói: “Ông là một giáo sư rất đáng kính trọng, chỉ xem nguyện vọng của ông khi bị bịnh như vậy thì biết được”. Ông từ trên giường phấn đấu để ngồi dậy nhưng chỉ có thể ngước đầu lên ba tấc. Chúng ta lúc ngồi dậy thì lập tức ngồi dậy. Ông phấn đấu đến cả người đổ mồ hôi ướt đẫm áo cũng chỉ ‘gần’ ngồi dậy được; nhưng ông rất vui và nói: “Tôi hôm nay có thể nhích được khoảng cách như thế này”. Ðối với tôi, khi ông ngồi dậy được khoảng 30 đến 40 độ còn đáng nể phục hơn lực sĩ nhảy xa ở Thế Vận Hội. Ngoài sự phấn đấu về thể lực ra ông còn có tâm nguyện muốn tiếp tục dạy học và tiếp tục chăm sóc cho học sinh. Người thường chúng ta mỗi ngày khoẻ mạnh đầy đủ tinh thần nhưng thường tính toán chuyện nhỏ nhặt để đem phiền não đến cho mình; chúng ta thường than trách công việc trong chỗ làm, có sức lực khả năng mà không làm chuyện tốt. Ông là một bịnh nhân nằm chịu đau trên giường nhưng lại có nguyện vọng đi dạy học trở lại để chăm sóc dạy dỗ thêm cho học sinh. Tuy là ông không thể làm vậy được, nhưng tâm nguyện rộng lớn chân thành của ông đã đem ông lên giảng đài vĩnh viễn và trở nên giáo sư của hàng vạn người.
Có một người bị ung thư lưỡi đang trong thời kỳ cuối cùng. Tế bào ung thư đã từ lưỡi lan rộng đến cả hàm dưới. Lúc đầu còn khoẻ thì có thể tự mình đi đứng được, sau đó phải có hai người vịn ở hai bên mới đi được, rồi phải ngồi xe lăn, rồi cuối cùng thì không cử động được nữa. Nước vàng từ những chỗ bị ung thư rỉ ra hoài; mỗi khi tôi đến thay thuốc ông thường hỏi: “Tại sao càng ngày càng lớn vậy?”. Ông nói chuyện không rõ ràng; khi tôi rửa vết thương thay thuốc cho ông, ánh mắt của ông nhìn tôi hình như là đang hỏi: “Không biết bịnh của tôi có thể lành được không? Tôi gần chết rồi phải không?” Cái tâm trạng sợ hãi đó chính là tấm ảnh của ‘sanh tử trên sông Hằng’.
Khi chúng sanh đối đầu với sanh tử, ai cũng cảm thấy rất cô độc, sợ hãi, khủng bố. Cho dù là một bà mẹ tám mươi mấy tuổi cũng co ro vào lòng tôi khóc nức nở như một đứa bé … Một hôm tôi đi nghe giảng kinh và đi ngang qua đường T. H. Trời lúc đó rất lạnh, quán bán thịt nai bên đường vừa mới khai trương. Tôi lái xe mô tô đi ngang nhìn thấy có ba con nai đang đứng khép nép trong lồng. Ánh mắt của con nai đó rất quen thuộc, rất giống ánh mắt của những bịnh nhân đang nằm trong bịnh viện, hình như họ đang nói: “Tôi sắp chết phải không? Mau mau cứu tôi với; không kể dùng thuốc gì, dùng phương pháp gì …” Tội nghiệp ba con nai. Hãy thả chúng ra! Thả cho chúng về rừng đi! Một khi hô hấp của chúng ngừng lại thì không có cách gì có thể làm cho nó chạy nữa, mau mau kiếm người chủ van xin đừng giết chúng nó!
Khi quay trở lại tôi ghé ngang và mua mấy con nai đi phóng sanh. Khi người chủ nghe chúng tôi muốn đem nai đi phóng sanh, cảm động mà nói: “Tôi là người nuôi nai, rất thương yêu chúng, không bao giờ giết hại chúng. Nhưng vì kinh tế khó khăn, bất đắc dĩ hôm nay phải bán chúng làm thịt, tôi cũng rất đau lòng!”. Nghe xong tôi rất xúc động, chúng sanh tạo nghiệp thọ báo đều có những sự khổ não bất đắc dĩ như vậy. Thật ra mỗi người đều có Phật tánh; đây cũng là lý do mà đức Phật A Di Ðà luôn luôn khoan dung, thương xót, chờ đợi đến lúc chúng ta có một niệm quay đầu trở về với quang minh. Chúng tôi mua nai xong đem chúng đi quy y Tam Bảo rồi thả vào rừng, hy vọng là chúng sẽ không bị bắt trở lại, và cũng nguyện cho những người đi săn có thể phát Bồ đề tâm, gặp nhân duyên thiện có thể đổi nghề nghiệp, chấm dứt nghiệp sát để khỏi chịu khổ báo nữa.
Bịnh nhân thường để một con cá trê hay cá chép trong nồi hay thau nước ở dưới giường hoặc trên bàn để ăn cho bổ. Khi tôi đến thăm bịnh thì thấy hình như những con cá này đang vùng vẫy. Có một hôm tôi đến giường bịnh của một cô bị bịnh ung thư vú. Cô là một tín đồ Cơ Ðốc giáo rất trẻ, mới hai mươi bảy tuổi đã bị bịnh này; bạn có thể tưởng tượng được khổ tâm của cô không? Hai tay cô lúc nào cũng lạnh. Ở dưới giường cô có để một con cá; tôi nói với cô:
“Có người đang kêu cứu ở dưới giường cô”. Cô mở mắt thật lớn và tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Tôi hỏi cô:
“Lúc cô biết được cô mắc phải bịnh này thì cô rất hy vọng sẽ có người cứu cô hết bịnh phải không?”. Cô gật đầu, tôi nói tiếp:
“Con cá dưới giường biết là nó sắp sửa vô chảo nóng, cảm tưởng của nó cũng giống cảm tưởng của cô bây giờ. Cô chịu làm Chúa Giê Su đi cứu con cá này không? Con cá đang cầu cứu cô đó. Cô hãy xem”.
Mắt của cô đỏ lên (muốn khóc). Tôi mới nói thêm:
“Cô phát tâm cứu chúng nó, lúc cô bị chuyện khó khăn hay tai nạn, tự nhiên sẽ có người lại cứu cô”. Cô vui mừng chịu đem cá đi phóng sanh. Sau đó một vị đạo hữu ở trường đại học Chuyên Khoa Ðài Trung giúp cô đem cá đi phóng sanh…
Nhiều khi tôi nói với bịnh nhân: “Bán cho tôi nồi cá sống này được không?”.
Bịnh nhân thường nói: “Nếu bác sĩ thích ăn thì tôi tặng cho bác sĩ”.
Tôi trả lời: “Tôi ăn chay, không ăn cá, tôi muốn mua những con cá này đi phóng sanh, đem công đức phóng sanh này hồi hướng cho bạn, hy vọng là bạn cũng giống như con cá này cũng được giải thoát, khôi phục lại sức khoẻ, sớm lành bịnh về nhà đoàn viên với gia đình.”
Bác Sĩ Quách Huệ Trân