Phần đông người ta khi lâm chung rất khổ sở, chỉ bốn chữ ‘A Di Ðà Phật’ cũng niệm không được, huống gì là tụng kinh mà còn tụng Ðại Tạng kinh nữa! Chúng ta hãy nghe theo lời dạy bảo và hãy ‘lão thật niệm Phật, đừng thay đổi đề mục’ nữa. Ðừng lâm vào tình trạng ‘luyện hết mười tám thứ võ nghệ, đến lúc khổ đau quá không biết phải dùng thứ nào’. Mỗi ngày thay đổi đề mục hình như có vẻ học rộng biết nhiều và hình như cũng kết rất nhiều duyên với Phật và Bồ Tát. Ðến lúc cần thiết thì tâm rối nùi như tơ, không biết phải niệm vị nào mới được. Thiệt ra trong kinh A Di Ðà có nói: ‘Sáu phương Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài tán thán A Di Ðà Phật, khuyên chúng sanh tín thọ cầu sanh Tây phương’. Ðây là nói rõ chúng ta niệm Phật A Di Ðà thì tất cả chư Phật đều vui vẻ tán thán, đây chính là ‘tổng tụng’ vậy!

Hai ngày trước lúc vãng sanh, lão hòa thượng đích thân gõ mõ và kêu đệ tử niệm Phật, trong đó có nhiều chuyện rất thú vị. Ngài đem câu ‘Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới’ niệm ráp vào danh hiệu của các vị Phật và Bồ Tát. Thí dụ như Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Phổ Hiền Bồ Tát , Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Di Lặc Bồ Tát ….Tôi hiểu ý của ngài là ‘có thể gặp tất cả những vị Bồ Tát này ở thế giới Cực Lạc’, chỉ cần chuyên niệm A Di Ðà Phật cầu sanh tây phương thì có thể sánh bước cùng họ khi đến tây phương!

Một hôm tôi cùng một bác sĩ lên núi để thỉnh giáo ngài. Ông bác sĩ này hỏi: “Làm thế nào tĩnh tọa mới có thể đả thông huyết mạch?”. Ngài đáp: “Không cần phải đả thông huyết mạch, nhất tâm niệm Phật chứng đến Niệm Phật Tam Muội thì tất cả huyết mạch tự nhiên đều thông!”; đây là lời dạy của người đã giác ngộ và đã được đại tự tại; chúng ta hiểu được thì không cần phải phí sức tốn công đi tìm kiếm vô ích. Mau sớm chuẩn bị tư lương như ngài đã nói:

“Tôi đã mua vé xe rồi! Đã xác nhận ghế ngồi rồi!

Quý vị có phải đã mua vé rồi hay chưa?

Ðã xác nhận ghế rồi chưa?

Hay là không cần xác nhận chỗ ngồi?

Hay là không chịu lên xe? ”

Phải nên mua vé sớm thì hơn, đừng làm giống tôi sau khi ngài vãng sanh lên núi niệm Phật, niệm hết mấy giờ đồng hồ, nước mắt cứ chảy hoài, không thể nào niệm Phật được đàng hoàng để cúng dường lão hòa thượng; cúi đầu không dám ngước lên, tại vì không làm theo đúng lời dạy và lời dặn dò của ngài, xấu hổ và sám hối đều đau khổ; xin nguyện cho các bạn đều sớm mua vé thượng hạng ở toa thứ nhất, lên đài sen vàng ở thượng phẩm thượng sanh!

Tiếp theo đây chúng ta hãy xem Tuyết Công lão ân sư (lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam) là một vị đại đức đương thời, 97 tuổi mới vãng sanh. Ở đây tại sao phải nhắc đến tuổi lúc ngài vãng sanh? Vì đoạn trước có nói những người mắc bịnh mới ba mươi mấy tuổi đã chết, người nhà còn than là mạng sống (đau khổ) kéo quá dài. Nhưng như lão hòa thượng 95 tuổi, và thầy Lý 97 tuổi vãng sanh, mọi người đều than là quá ngắn, ai cũng khóc lóc đòi các ngài ở lại trụ thế mãi mãi để phổ độ chúng sanh. Tôi đi nghe kinh cũng là vì cảm kích thầy Lý. Mười năm trước tôi có cơ hội đến nghe thầy giảng kinh Hoa Nghiêm ở Thư viện Từ Quang, Ðài Trung. Vì thầy có giọng nói của người miền Sơn Ðông (rất khó nghe) tuy là có phiên dịch qua tiếng Ðài Loan, nhưng tiếng Ðài Loan (tiếng Phước Kiến) tôi cũng không thạo, chủ yếu là vì trình độ quá kém nên nghe cũng không hiểu và cảm thấy thời gian kéo quá dài và không thích thú. Thấy mọi người chung quanh nghe kinh và thường cười rộ lên mà mình không biết gì hết. Lâu lâu chỉ nghe được một câu có cảm giác quen quen hình như đã nghe ở đâu rồi nhưng cũng không hiểu. Mấy hôm trước nửa đêm nằm mộng thấy trăng sáng trên núi, tự nhiên nhớ lại lời giảng của thầy mười năm trước. Lúc đó thầy giảng kinh Hoa Nghiêm đến đoạn ‘Vô tận tạng’, thầy có nhắc đến mấy câu trong bài Xích Bích Phú của Tô Ðông Pha:

‘Duy giang thượng chi thanh phong

Dữ sơn gian chi minh nguyệt,

Nhĩ đắc chi nhi vi thanh,

Mục ngộ chi nhi thành sắc...

Thị tạo vật giả chi vô tận tạng dã’

Có một người [không rõ tên] đã dịch như vầy:

“Bui gió mát trên sông dài,

Trăng sáng chiếu non thẳm,

Tiếng thoảng qua tai,

Cảnh in vào mắt …

Kìa kho vô tận của hóa công!”

Thầy giải thích chữ ‘vô tận tạng’ trong bài thơ này là lấy từ kinh Phật. Nửa đêm nằm mơ nhớ lại chuyện này rồi bị điện thoại reo giựt mình, tỉnh dậy không thấy rừng núi trăng sáng gì cả, chỉ thấy bịnh nhân khó chịu nên mấy cô y tá kêu đi khám bịnh. Sau cơn mộng này mới càng hối hận, lúc đó tôi đi nghe kinh không hiểu nên cứ nghĩ là thầy giảng không hay; thật ra là vì trình độ của mình quá kém (thiệt ra là không có trình độ gì cả!), cho nên mới chê là thầy giảng không hay và không tiếp tục nghe cả mười năm rồi, xém chút xíu thì làm hỏng pháp thân huệ mạng của mình! Cách một thời gian sau đó thầy không ra giảng kinh; khi tôi tham gia Trai Giới Học Hội chịu ảnh hưởng rất lớn của Pháp sư Sám Vân nên có thể nói Trai Giới Học Hội đã chuyển biến cả đời tôi. Trong thời công phu tối pháp sư đọc bài hồi hướng cho lão hòa thượng Quảng Khâm và lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam làm cho tôi có ấn tượng rất sâu đậm, nên một hôm có cơ duyên đặc biệt tôi liền theo mấy vị liên hữu đi nghe giảng kinh. Hôm đó chân thầy Lý sưng lên đến nỗi đi đứng không vững nên người ta phải dùng kiệu để khiêng thầy lên bục giảng. Phật pháp thiệt quá quan trọng và người hoằng pháp thiệt là vĩ đại, chân sưng lên đi không được mà vẫn tiếp tục giảng kinh thuyết pháp. Buổi giảng hôm đó tôi khóc từ đầu đến cuối; bài giảng ghi lại nghuệch ngoạc, nét chữ xem không rõ, đến nay cũng không nhớ nội dung là giảng về đề tài gì, nhưng lòng từ bi vô lượng của thầy Lý đã làm chấn động tâm tôi một cách mãnh liệt, tôi cảm động tinh thần ‘vì pháp quên mình’ của thầy, nếu không có lòng nhiệt thành hoằng pháp của thầy thì không có cách nào cứu nổi cái tâm ngoan cố ngu si của tôi, kể từ đó tôi dọn nhà về Ðài Trung để nghe giảng cho thuận tiện.

Mỗi đầu tháng khi bịnh viện sắp xếp thời khoá biểu làm việc tôi luôn luôn yêu cầu sắp xếp tránh thời gian đi nghe giảng; tôi thà chịu liên tục làm suốt mấy ngày liền và thà chịu mệt chứ không chịu bỏ qua những buổi giảng của thầy. Tại vì ‘Thân người khó được, đây là một nhân duyên rất hiếm có; Phật pháp khó nghe được, cơ hội rất khó gặp trong lũy kiếp; nếu lỡ bỏ qua, thiệt không ai có thể bù đắp sự tổn thất này!”

Mỗi ngày bịnh nhân của tôi đều than thở khóc lóc để nhắc tôi tầm mức quan trọng của chuyện này; không phải không có người khuyên tôi: “Cô nên ăn uống có dinh dưỡng một chút, uốn tóc đẹp một chút, mặc áo đẹp một chút”; nhưng tôi thể hội được một cách rất sâu sắc rằng trong giờ phút khẩn cấp của sự sanh tử trong đời người, những thứ này đều không cần thiết tí nào! Phải nên thấy rõ, hiểu thấu, nghe kinh, thực hành theo để chuyển hóa đời sống thì có ích lợi hơn. Cho nên mặc dù giọng nói miền Sơn Ðông của thầy rất khó nghe, nhưng nghe hiểu được câu nào thì trân quý câu đó, thật là cơ hội hiếm hoi ngàn đời khó gặp! Huống chi là lời phiên dịch qua tiếng thổ ngữ Ðài Loan của bác Giản rất rõ ràng và lưu loát, giúp đỡ rất nhiều; nếu còn chỗ nào không hiểu thì tôi đến Ðài Trung để cung kính nghe những vị trưởng thượng trong Liên Xã giảng lại. Khi nghe lại mới biết là các đạo hữu rất chăm học, tư duy thâm nhập [giáo lý] mà lại còn nỗ lực đi thực hành, ai cũng cảm nhận sự giáo huấn và đức hạnh của thầy chiêu cảm. Vào mỗi ngày thứ tư rất nhiều người từ khắp nơi như Ðài Bắc, Ðài Nam, và Cao Hùng lũ lượt về đến Ðài Trung để nghe giảng, cả một giải liễu châu, lục châu, tôi gặp rất nhiều người tay cầm xâu chuỗi, mặc áo đà, thật là một cảnh tượng rất ôn nhu, đẹp đẽ, thanh lương trong thế giới Ta Bà … Tôi còn nhớ rõ ràng buổi giảng cuối cùng của thầy, thầy dùng tấm lòng bi nguyện rộng lớn, từ câu, từ câu khuyến khích mọi người phải luôn ‘tịnh niệm tiếp nối’; đây là lời trong Chương Ðại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông; nhiều người cảm động quá không cầm được nước mắt.

Thầy rán hết sức trong mấy hơi cuối cùng để khuyên mọi người:

‘tịnh niệm tiếp nối’ là điều quan trọng trong sự tu niệm;

Chúng ta có thiết thật làm được chuyện này hay chưa? Trong kinh Phật thường bắt đầu bằng câu: “Tôi nghe như thế này”. Trên bề ngoài chúng ta đều có ‘nhĩ văn’ (tai nghe) nhưng câu cuối cùng “hoan hỷ tín thọ, tác lễ nhi khứ” (vui vẻ tin nhận, lễ lạy rồi lui ra) thì có mấy người làm được? Y theo lời của Ngẫu Ích tổ sư, thân tâm vui mừng thì gọi là ‘hoan hỷ’, không có nghi ngờ gì hết thì gọi là ‘tín’, nhận chịu không quên thì gọi là ‘thọ’; cảm đại ân đức quy mạng lạy xuống thì gọi là ‘tác lễ’; y theo lời dạy mà tu trì không lùi bước thì gọi là ‘nhi khứ’. Chúng ta có thiệt là ‘y giáo tu trì, nhất vãng bất thoái’ không? Nghĩ đến đây thì rất xấu hổ, mọi người thử xem thì biết, tôi tự biết vọng tưởng của mình có sức mạnh giống như thạch nham từ trong núi lửa trào ra, còn tịnh niệm thì yếu ớt như xách một thùng nước nhỏ mà đi chữa lửa. Muốn thay đổi thế lực của hai thứ này (vọng niệm và tịnh niệm) thì phải ra sức khổ công; nếu không như vậy thì lúc thân thể khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt, tự mình còn không làm chủ mình được, tự mình còn không biết tâm niệm kế tiếp là tâm niệm gì thì lúc lâm chung còn tệ hại hơn nữa!

Thầy dạy chúng ta: “Niệm Phật không nên cầu niệm nhiều, niệm một trăm lẻ tám hột chuỗi tâm không loạn, trong đó nếu có một niệm loạn, quay xâu chuỗi niệm từ đầu trở lại”. Tôi luyện tập qua một thời gian, chỉ có ba hột đầu tiên trong xâu chuỗi là có màu đen thôi! Không biết trong ba niệm này có xen tạp không nữa; khi niệm một vạn, hai vạn, cho đến có lúc niệm sáu vạn, bảy vạn danh hiệu thì cũng rất khó tìm ra được ‘trăm lẻ tám tịnh niệm tiếp nối’. Cái tâm này thiệt loạn đến mức quá nguy hiểm rồi, nguy hiểm nhưng tự mình không biết, làm sao không sớm nỗ lực gia công thêm được! Chúng ta hãy nhìn thầy một lần nữa và đem lời dạy này nhớ kỹ trong lòng. Ánh mắt kiên nghị của thầy, ánh mắt nhìn về Tây phương thanh tịnh, nhìn về hư không vô tận, và cũng nhìn chúng sanh khổ nạn vô biên. Thầy dạy chúng ta:

“Tận hư không biến khắp pháp giới đều là thân của đức Phật A Di Ðà. Chúng ta nằm trong lòng của đức Phật A Di Ðà cho nên Phật lại tiếp dẫn chúng ta rất dễ dàng. Ðiều này cũng như cái bàn ở trước mặt chúng ta, có con kiến đi từ bên đây qua đến bên kia bàn, nếu bò theo đường thẳng thì cũng phải bò hết một thời gian rất dài. Cũng như Phật A Di Ðà, chúng ta có thể đem con kiến từ bên này qua đến bên kia, cũng có thể đem ngược lại; chúng ta đi và lại đã nhiều lần rồi mà con kiến cũng chưa đi đến bờ bên kia. Chúng ta niệm Phật khi đến mức có cảm ứng, đức Phật đến tiếp dẫn thì cũng như vậy. Làm sao mới cùng đức Phật A Di Ðà có cảm ứng? Phải đem ngũ dục lục trần buông xuống; phàm những ai niệm Phật không có cảm ứng đều tại vì các thứ này trói buộc.”

Nguyện cho chúng ta có thể thật thà làm theo lời dạy của ngài trong đời sống, có thể làm giống như thầy, có thể dự biết trước ngày giờ vãng sanh, quảng độ chúng sanh, viên mãn bồ đề nguyện.

Có thể có người sẽ nói: rất khó có cơ hội gặp được những người giống như lão hòa thượng Quảng Khâm hoặc là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Phàm phu như chúng ta phải làm sao? Xin quý vị xem xá lợi của lão cư sĩ Lại Tạ Diệu ở Viên Lâm, có năm màu trong suốt lấp lánh giống như lưu ly, mã não, ngọc đẹp… Bác Diệu từ khi tin Phật đến nay rất siêng năng, mỗi ngày thức dậy đều mặc áo hải thanh (áo tràng), mở cửa nghinh đón chư Phật Bồ Tát , ngày ngày thật thà niệm Phật, làm người rất từ bi, ít nói, bà cũng đã niệm đến lúc dự biết trước ngày giờ vãng sanh. Bà nhờ liên hữu trợ niệm giúp, liên hữu nói mùa hè trợ niệm rất là khó chịu. Bà nói:

“Không sao đâu, tôi sẽ lựa một ngày mát mẻ mà vãng sanh!”.

Quý vị xem bà có thể lựa chọn ngày mát mẻ để vãng sanh, thiệt là thong dong tự tại biết bao. Ðến lúc cuối, mọi người trợ niệm giúp bà, bà không thể niệm ra tiếng, nhưng tay có thể gõ vào giường để hòa vào tiếng niệm Phật của mọi người, chánh niệm phân minh mà về Tây. Hỏa táng xong có rất nhiều xá lợi năm màu đẹp như vậy, làm tăng thêm lòng tin cho những người đi sau! Thường ngày bà sinh sống rất đạm bạc, không cần mua châu báu mà dùng lòng tin tha thiết và từng tiếng A Di Ðà Phật tích tụ lại những châu báu trang nghiêm tự mình sẵn có. Vì mỗi khi chúng ta niệm một câu A Di Ðà Phật thì liền đem vô lượng công đức của Phật gom về làm công đức của mình. Tín nguyện trì danh, trì một câu, một câu không thể nghĩ bàn, trì trăm câu, ngàn câu, vạn câu danh hiệu, câu nào cũng không thể nghĩ bàn! Người xưa có câu: ‘Thuấn hà nhân dã, Vũ hà nhân dã, hữu vi giả diệc nhược thị’ (Thuấn là người nào, Vũ là người nào, họ làm được mình cũng làm được! Ðại ý: Vua Nghiêu Thuấn, Vua Đại Vũ là những ông vua nổi tiếng nhân từ hiếu thảo, tôi cũng là một người, nếu tôi rán hết sức thì có thể làm giống vua Thuấn, vua Vũ). Một bà lão có thể làm được như vậy, chúng ta tại sao không thể nhìn mà bắt chước theo? Thiệt ra chúng ta có chỗ nào là thông minh hơn [hay thua] bà lão này không? Ðạo lý của pháp môn Tịnh độ vô cùng thâm diệu, muốn chân chánh đảm đương triệt để thì chỉ có các vị tổ sư như Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, và Vĩnh Minh; nếu chúng ta dùng vọng tưởng để đo lường thì càng suy nghĩ càng sai lầm, ngược lại không bằng bà lão thật thà niệm Phật và có thể từ từ thâm nhập vào Phật trí, âm thầm phù hợp với đạo lý thâm diệu!

Bác sĩ Quách Huệ Trân




Có phản hồi đến “Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng - Phần 6”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com