Những câu chuyện kể trên đều là hình ảnh của sông Hằng. Tất cả các hình ảnh của dòng sông ‘sanh tử’ này đã làm cho đức Phật Thích Ca cảm thấy rất nhức đầu. Ngài đã nhìn thấy những hình ảnh của sanh, lão, bịnh, tử và suy nghĩ để tìm cách cứu giúp chúng sanh xa lìa biển khổ sanh tử. Trải qua một quá trình tu trì gian khổ dưới bóng cây Bồ đề, ngài đã giác ngộ được tất cả đạo lý của nhân sanh vũ trụ. Bắt đầu chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển, thuyết pháp Tứ Ðế (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo) cho nhóm năm tỳ kheo đầu tiên (nhóm ông Kiều Trần Như). Ngài nói cho họ biết ‘nhân sanh’ có các thứ khổ như thế nào, nguyên nhân của khổ là gì, phương pháp thoát khổ là gì, và sau khi thoát khổ thì sẽ ra sao. Tôi nghĩ đây là cuộc diễn giảng về y học hoàn hảo nhất trong lịch sử nhân loại. Ðức Phật là một người thầy thuốc vĩ đại nhất, ngài đã giảng cho chúng ta phương pháp vĩnh viễn miễn trừ những sự đau khổ này! Như tia sáng lóe ra từ trong đêm dài đen tối, giác ngộ là một con đường vô cùng xinh đẹp, con đường đi về cố hương, đi trở về với Phật tánh thanh tịnh vốn sẵn có của mỗi người. Ðức Phật Thích Ca mỗi ngày đều kêu gọi chúng ta mau mau lên đường đi về quê hương. Ngài muốn chúng ta tháo mở những phiền não đang trói buộc chúng ta để đi đến sự an lạc viên mãn.

Quý vị muốn nối gót đức Phật lên đường về quê hương không? Có nhiều người đi theo đức Phật và đã giác ngộ rồi. Xin quý vị xem hình của lão hòa thượng Hư Vân, chỉ cần nhìn thần sắc của ngài, chỉ cần nhìn phong độ phi phàm của ngài mà không cần xem truyện ký, chúng ta cũng cảm nhận được tấm lòng của ngài rộng lớn như thế nào mới có thần sắc như vậy? Tôi đã nghe một pháp sư kể lại vào năm thầy của pháp sư 36 tuổi, lão hòa thượng lúc bấy giờ đã 106 tuổi, hai người đi qua một con sông, cây cầu bắt ngang sông làm bằng hai cây trúc hợp lại. Vị thầy trẻ tuổi này không dám đi qua, lão hòa thượng nắm lấy cổ áo của ông nâng lên như thế rồi khiêng ông đi qua sông. Hai chân của ông còn đá tới đá lui sợ hết hồn, lão hòa thượng một nháy mắt cũng không chớp thì đã khiêng ông đi qua cầu. Nguyên câu chuyện này quý vị có thể đọc được trong niên phổ truyện ký, ở đây chúng ta chỉ nhắc đến một chút, mọi người có thể từ đó mà suy nghĩ. Hãy nhìn xem những người nối gót theo chân đức Phật, họ làm thế nào mà ‘sanh thời lệ tợ hạ hoa, tử thời mỹ như thu nguyệt’? Lúc sống đẹp như hoa mùa hạ, lúc chết đẹp như trăng tròn mùa thu chiếu sáng khắp nơi.

Thêm một vị đại đức gần đây nhất là lão hòa thượng Quảng Khâm, mọi người đều xưng tán ngài là ‘bảo vật’ trong Phật giáo. Ðây là di ảnh chụp lúc ngài 95 tuổi, hai ngày trước khi vãng sanh, đôi mắt sáng và vô cùng sắc sảo. Năm lão hòa thượng 92 tuổi, tôi có dịp theo ngài đi lên núi; ngài đi ở phía trước từng bước rất vững vàng và nhanh chóng. Tôi đi theo phía sau thiệt rất mệt mới theo kịp. Lúc đó chùa Thừa Thiên còn đang xây cất chưa xong, khi đi qua một đoạn đường có nhiều vật chướng ngại, xém chút xíu tôi bị té, ngài quay đầu lại nói: “Con phải đi cẩn thận nghen!”, giọng nói của ngài khàn khàn nhưng có oai lực, ánh mắt nghiêm nghị nhưng chứa đựng lòng từ bi vô hạn. Tôi rất hổ thẹn; bây giờ trên đường đời đã vấp ngã bao lần, đã gặp phải nhiều chướng ngại, nhớ lại lời ngài nói thì tự nhiên lệ đẫm ướt mi lúc nào không biết.

Có người tưởng ngài rất là huyền bí nên muốn đi ‘điều tra’ cặn kẽ. Ðến khi nghe ngài nói chuyện hết nửa ngày chỉ nghe toàn là những từ ngữ như: ‘niệm Phật’, ‘đừng ăn thịt’ nên trong bụng thầm nghĩ: ‘tôi cũng biết nói như vậy, cần gì phải hỏi lão hòa thượng!’. Thật không sai, ai cũng biết nói như vậy, nhưng chúng ta không ai đã từng trải qua sự tu hành khổ hạnh, công phu thứ thiệt như ngài, lại không có đủ đức hạnh để cảm hóa người khác. Cho dù có nhiệt tâm để khuyên người, người ta còn chê mình là ‘nhiều chuyện’ nữa. Ngài đã hàng phục được mình, đã hạ thủ công phu rất sâu trong sự tu niệm nên tự nhiên cảm hóa được hàng vạn người. Lúc ngài còn trẻ tu hành ở trong hang trên núi, khi lương thực đem theo đã hết thì chỉ nhờ vào khoai rừng và rễ cây để duy trì mạng sống. Ba chiếc áo vá đi vá lại đến khi chỉ còn một chiếc, suốt sáu mươi năm chỉ ngồi không nằm, đối với vật chất yêu cầu rất thấp. Lúc còn trẻ ở chùa Thừa Thiên thầy của ngài là Chuyển Trần lão hòa thượng có dạy ngài như vầy:

“Ăn những thứ mà người khác không ăn, mặc những thứ mà người khác không [muốn] mặc, làm những gì mà người khác không làm, sau này thì ông mới biết”.

Thầy của ngài chỉ dạy ngài tu khổ hạnh và chuyên niệm Phật. Ngài làm theo những lời dạy này một cách rất thật thà, hạ thủ công phu trên tâm địa mình, rốt cục ngài trở thành một vị rất là phi phàm; rất nhiều người vừa mới gặp liền cảm động, mến phục, và rất kính trọng ngài.

Những lời ngài khai thị thường thường chỉ là một vài câu nhưng có ý nghĩa rất quan trọng; nếu chúng ta tin theo được thì nhất quyết sẽ không lãng phí đời này. Như phía trước có nói: ‘niệm Phật’ và ‘đừng ăn thịt’. Nếu chúng ta trong mỗi niệm đều niệm Phật, làm cho đại quang minh, trí huệ, từ bi, và giác ngộ của chư Phật bất kỳ lúc nào cũng tràn đầy trong tâm khảm của mình; như vậy không phải là lúc nào cũng kiết tường hay sao? Không còn sự đau khổ của ‘nhân, ngã, thị, phi’, không chịu sự hành hạ của tham, sân, và si nữa. Nếu giảm bớt sự ham thích ăn uống và làm theo lời dạy của ngài: ‘đừng ăn thịt’ thì từ từ sẽ thể hội được đạo lý: ‘cùng một gốc rễ’ (cùng bản thể), sẽ thưởng thức được sự hỷ duyệt (vui sướng ) của lòng từ bi; mỗi ngày trong lòng đều điềm đạm, bình thản, mộc mạc, tin sâu, nguyện thiết và niệm Phật cầu sanh tây phương; lúc lâm chung sẽ nhờ sức Phật tiếp dẫn, thoát khỏi sự đau khổ đời đời kiếp kiếp của sanh tử luân hồi! Hai câu nói đơn giản của ngài đã chỉ ra con đường sáng rỡ thành Phật ngay trong một đời. Ai thật thà chịu nghe, tin, và làm theo thì sẽ được lợi ích lớn; người không thật thà chỉ thích nói lý thuyết cao siêu, làm những chuyện kỳ quái, phô trương một số thần thông mà lại xem thường lời dạy quan trọng nhất này thì sẽ đánh mất cơ hội quý báu để thoát ly sanh tử luân hồi.

Ðệ tử của lão hòa thượng thuật lại lúc ngài còn tại thế, một hôm có một người xách cặp táp kiểu điệp viên 007 một cách rất thần bí, lên núi xin gặp và nói chuyện ‘riêng’ với ngài. Vì trong quá khứ đã có người có ý muốn làm hại ngài cho nên các đệ tử không cho người này đơn độc gặp lão hòa thượng. Người này đến kề vào tai lão hòa thượng và hỏi ngài một cách rất cung kính:

“Kính thưa lão hòa thượng, người ta đều nói ngài có thần thông, xin ngài nói thật với tôi ngài có thần thông hay không?”.

Sau đó lão hòa thượng cũng thần bí kề vào tai người kia và nói: “Tôi nói với ông, tôi có ăn thì có thông, không ăn thì không thông!”.

Sự kỳ diệu của Phật pháp là ở chỗ rất bình thường, không lôi cuốn sự hiếu kỳ của người ta bằng những thần thông hoặc những tướng trạng kỳ dị. Người người đều có đầy đủ thần thông, chỉ vì bị tâm tham, sân, si, mạn, nghi, phiền não che lấp nên không thể hiện ra được; có thần thông mà không thể giải quyết vấn đề sanh tử thì cũng như không. Hướng ngoại tìm cầu nhờ ‘những người có thần thông’ cứu giúp thì là ‘bỏ gốc rễ (căn bản) mà tìm cành nhánh’. Ngài nói: “Cầu người thì là mất đi đức Phật Thích Ca”.

Tôi cảm thấy ‘thần thông’ vĩ đại nhất rất đáng cho mọi người tán thán là công phu nhẫn nhục của ngài: ‘nhẫn chuyện người không nhẫn được, làm chuyện người khác làm không được’. Năm xưa khi ngài từ hang động trên núi về đến chùa Thừa Thiên ở Ðại lục, đầu tóc mọc ra quá dài làm cho ngài trông giống như một người rừng, không ai nhận biết đến khi giải thích rõ ràng thì mọi người mới nhận ra. Về chùa qua một thời gian sau đó, vị sư ‘đương gia’ (thầy giám viện) và ‘điện chủ’ trong chùa muốn khảo nghiệm công phu tu hành của ngài nên cố ý đem tiền trong thùng phước sương dấu đi, rồi giả vờ nói nghi ngờ lão hòa thượng đã ăn cắp tiền này; từ đó mọi người đều cho là ngài đã ăn cắp, ai cũng đều nói nặng nói nhẹ lão hòa thượng. Ngài nghe những lời nói này như gió mùa xuân thổi và như uống nước cam lồ, an nhiên tự tại, tâm lượng của ngài thật vô cùng rộng lớn, thật là một người tiêu diêu tự tại. Cái ‘thần thông’ nhẫn nhục này so với những thứ ‘phóng quang, lên khói’ thì còn thần kỳ hơn nhiều; tại vì đốt giấy thì sẽ lên khói, đốt đèn thì sẽ phóng quang, nhưng chúng ta tự hỏi ai bị vu oan là người ăn trộm mà vẫn an nhiên tự tại như uống nước cam lồ và vẫn không giải thích biện bạch rằng mình không phải [người ăn trộm]. 

Ai có công phu tu hành đến mức nhìn thấu chuyện thế gian như bèo như bọt là người có đại trí huệ, xứng đáng được người khác cung kính. Chúng ta thường biến thành vật mà lão hòa thượng hình dung là ‘thạch đầu cẩu’ (con chó chạy theo cục đá). Người ta muốn chúng ta chạy thì rất dễ, chỉ cần liệng một cục đá thì mình liền chạy theo, đuổi theo đến khi mệt lả, đuối sức cũng chỉ vì đuổi theo một cục đá ăn không được! Lão hòa thượng mở to đôi mắt nói: “Không có chủ trương (ý chí không cứng rắn nhất định) như vậy làm sao có thể đi về Tây phương được?” Ngài làm chủ được mình, sanh tử tự tại, mọi người đều kính trọng. Ngài không cầu danh văn lợi dưỡng và biểu hiện qua hành vi trong đời sống thường ngày, làm cho mọi người tâm phục khẩu phục. Có lần nọ một ký giả nhà báo lên chùa uy hiếp, đòi tiền ngài và nói: “Ngòi bút của tôi rất lợi hại, nếu không đưa tiền cho tôi thì tôi sẽ viết xấu về ngài”. Lão hòa thượng điềm nhiên và nói: “Cứ việc đăng lên báo, tùy ý viết như thế nào cũng được, tôi không cần người ta cung kính, nếu người ta cung kính tôi, mỗi ngày tôi phải niệm Chú Ðại Bi gia trì vào nước Ðại Bi cho họ; nếu người ta không cung kính tôi, tôi được rảnh rang thanh tịnh mà niệm A Di Ðà Phật”. Người ký giả này cũng không làm gì được và cảm than rằng ngài không giống người phàm, đúng là: ‘Sự việc đến mức không tâm thì rất vui sướng, người có thể không mong cầu thì phẩm đức tự nhiên cao’.

Còn lần nọ, một số đệ tử theo ngài đi nghe giảng và biết vị pháp sư thuyết pháp có ý phê bình ngài trong buổi giảng nên nổi giận và về chùa thuật lại với ngài. Không ngờ ngài nghe xong không những không nổi giận mà còn kêu nhóm đệ tử này phải sám hối với vị pháp sư đó, và còn giải thích rõ [dùm vị pháp sư] hàm ý của những ngôn từ đó. Ngài nói với nhóm đệ tử nếu người ta lấy pháp danh của mình mà chửi mắng thì mình phải cám ơn người ta, huống chi là họ không có nói rõ tên mình ra! Ngài còn nghiêm nghị mà giảng về đạo lý: “Nếu muốn Phật pháp hưng thịnh thì tăng phải khen ngợi tăng”. Ngài khen ngợi vị pháp sư đó: “Trong thế giới trược ác này có thể độ chúng sanh, đúng là Bồ Tát”. Và còn khiêm tốn nói: “Tôi không dám làm”. Công phu của lão hòa thượng đạt đến mức chúng ta không thể suy đoán nổi, những việc xảy ra thường ngày đều nói lên tâm lượng rộng lớn của ngài. Mỗi câu chuyện đều làm cho tôi cảm động, ngài như ánh thái dương từ bi phổ chiếu từng ngọn cỏ từng gốc cây; tuy nhiên có khi cũng dùng cây kiếm trí huệ của ngài chém sạch cành lá của phiền não, chém sạch danh văn lợi dưỡng, giúp cho những mầm non đang lớn có thể hướng về Tây phương thanh tịnh. Ngài thường đề ra những bài thi đột xuất, thường rất là sôi nổi và kích thích, tài nghệ ‘diễn kịch’ của ngài rất xuất sắc; những người bị khảo thí này thường bị cảnh giới chuyển dời, ngay khi đó không cảnh giác thì không biết, lâu dần thì hiểu được và mới biết dụng ý rất từ bi của lão hòa thượng. 

Phương pháp và sự tập luyện của ngài có thể hình dung là: ‘Xay đến tróc vỏ, mài đến [gạo] trắng, nhồi đến nhuyễn, nung đến đổi màu’. Cách này làm cho một người chân chánh phát tâm tu hành trở thành ‘một cái bánh thánh có thể cúng dường tất cả chúng sanh, cúng dường tất cả chư Phật’. Quá trình này thường phải đòi hỏi rất nhiều nước mắt và mồ hôi. Có lúc lão hòa thượng cũng rớt nước mắt, từ bi mà nói với đệ tử đang bị ngài khảo thí: “Thầy dạy như vậy con có hiểu rõ chưa? Thầy sợ kết oán thù với con, vốn là muốn giúp con phá đi những thứ chấp trước này, nhưng nếu con không hiểu rõ được hết dụng ý, thì sẽ kết thành oán thù với các con. Tạo cảnh nghịch ra là để tập luyện cho các con mà thôi!”.

Tổ sư nói ba món tư lương cần có để vãng sanh Tây Phương là ‘tín, nguyện, và hạnh’. Nguyện là chán ghét muốn thoát ly cõi Sa Bà và ưa thích cõi Cực Lạc. (Sa Bà là từ ‘tự tâm ác’ và ‘tâm uế’ (dơ) tạo ra, Cực Lạc là do ‘tự tâm thanh tịnh’ hiện ra). Tuyết Công lão ân sư cũng nhấn mạnh cái tâm ‘hân’ (ưa thích) và tâm ‘yếm’ (chán ghét) là pháp môn ‘tổng an tâm Tịnh độ’. Phàm phu chúng ta trong cảnh thuận rất khó phát ra tâm chán ghét Sa Bà, bất đắc dĩ nên lão hòa thượng cho đến chư Phật Bồ Tát đều ‘ban’ cho chúng ta những cảnh nghịch, để cho chúng ta ‘dùng khổ làm thầy’, dũng mãnh phát tâm chán ghét Sa Bà ưa thích Cực Lạc mà niệm Phật, liễu sanh thoát tử, dùng sự tinh tấn cần khổ trong đời này đổi lấy sự tự tại hạnh phúc vĩnh viễn; thật ra đây là ân huệ không có gì quý hơn mà các ngài ‘ban’ cho chúng ta. Ngặt vì chúng ta ưa thích những ‘mìn nổ chậm được bao bọc đẹp đẽ bên ngoài’, theo đuổi sự khoái lạc và danh lợi nhất thời mà đánh mất sự an lạc vĩnh cửu. Chư Phật Bồ Tát thường rơi lệ vì những sự tổn thất lớn lao của chúng ta.

Có lần lão hòa thượng nghiêm nghị nói:

“Trong thế giới Sa Bà này, chỉ cần tham ái một ngọn cỏ thì sẽ đi vào luân hồi trở lại”

Cho nên mặc cho mọi người đối với ngài vô cùng cung kính cúng dường, ngài vẫn buông xả một cách rất là siêu thoát; ngôi chùa có một kiến trúc vô cùng hùng vĩ trên núi đối với ngài chỉ là ‘một công cụ dạy học nhất thời mà thôi’, ngài mượn những nhân duyên và cảnh giới này để giảng dạy cho những chúng sanh có duyên. Những người buông xả hoàn toàn và thành thật niệm Phật vãng sanh mới là đệ tử chân chánh của ngài. Không lâu trước khi vãng sanh, ngài cứ lập đi lập lại và nói:

“Sự khổ nạn càng ngày càng nhiều, hãy tu mau lên, phải tu mau mau; tu một phần được một phần công đức, tu một ngàn phần được một ngàn phần công đức, tu một vạn phần được một vạn phần công đức!”.

Ngài rất nhẫn nại nhắc đi nhắc lại hoài, đây là sự khuyên nhủ vô cùng khẩn thiết; tin lời ngài nói thì hãy thật thà niệm Phật, một môn thâm nhập không nên đổi tới đổi lui hoài!

Có một vị đạo hữu kể lại khi ông đi thăm và hỏi lão hòa thượng:

“Phải niệm Phật cách nào?”.

Ngài nghe xong liền hỏi lại: “Ông niệm như thế nào?”.

Ông trả lời: “Khi tôi rảnh rang thì liền niệm Phật”.

Lão hòa thượng đáp: “Ông ‘rảnh’ thì niệm, không rảnh thì không niệm, như vậy chắc ông có ‘quen biết lớn’ (điểm đầu chi giao) với Phật phải không? Niệm như vậy thì làm sao kỳ vọng Phật đến cứu ông trong giờ phút sanh tử. Lại đây, mọi người đưa chân ra, chân nào là chân Phật? Nhận ra chân của Phật không? Nếu muốn ôm chân Phật, chân Phật là chân nào cũng không nhận ra, thì làm sao ôm được. Ông đích thật là có nhận biết được Phật không?” (ôm chân Phật nghĩa là cầu cứu đức Phật).

Ngài nói như vậy là để thức tỉnh người ta. Vị đạo hữu này kể tiếp, ngài hớp một ngụm trà rồi ngước đầu lên hỏi: “Ông thấy tôi có ‘xướng’ ra tiếng không?”. Ông đáp: “Không có”. Ngài hỏi: “Tôi niệm Phật ông biết không?” Lão hòa thượng dạy một cách rất sống động và biểu diễn niệm Phật trong khi uống trà, ăn cơm, đi, đứng, nằm, ngồi, tất cả mọi thời đều phải niệm Phật. Nửa đêm không vặn đèn khi nghe hai tiếng ho ‘ách xì’ thì bạn biết là cha bạn đã về. Như vậy lúc nửa đêm nếu đức Phật A Di Ðà đến thì bạn biết là Phật đến hay không? Chúng ta hãy thử hỏi mình đã niệm đến mức nhận biết Phật và cùng Phật rất quen thuộc hay không? Lão hòa thượng đã niệm đến mức đó rồi. Có một lần ngài nói với một vị bác sĩ đến thăm: “Tiếng chim hót, xe chạy, âm thanh tạp loạn đều là tiếng niệm Phật”. Ông này hỏi ngài có thể niệm như vậy được bao lâu, ngài đáp: ‘trú dạ lục thời’ (nghĩa là 24 giờ mỗi ngày, bất kỳ lúc nào cũng niệm như vậy).

Mười năm trước lão hòa thượng đã nói với đệ tử của ngài: “Tương lai lúc tôi vãng sanh sẽ hiện ra tướng có bịnh” và còn nói ba người trong nhóm đệ tử của ngài sẽ không tiễn ngài ra đi (hiện diện lúc ngài ra đi). Ba người đệ tử này đều không tin, tại vì [họ nghĩ] một trong ba người thế nào cũng có một người luôn ở bên cạnh ngài. Làm sao có thể nói là họ không thể ‘tiễn ngài ra đi’ được. Quả nhiên không sai, lúc ngài ra đi vì một lý do đặc biệt gì đó cả ba người tạm thời đi khỏi thì ngài thiệt đã vãng sanh rồi.

Trước lúc ra đi ngài khuyến khích đại chúng:

“Thế giới Sa Bà rất khổ! Ðại chúng mau mau niệm Phật để đi về tây phương Cực Lạc thế giới”.

Cuối cùng ngài nói: “Không đến, không đi, không có chuyện gì!” rồi an nhiên niệm Phật và vãng sanh. Thật là đẹp, thật là siêu phàm!

Chúng ta thì ngược lại: “Ðến đến, đi đi, quá nhiều chuyện!”, không có ngày nào, không có giờ phút nào mà không có chuyện để lo lắng và bận tâm đến. Chữ ‘sự tình’ (chuyện xấu ) trong tiếng địa phương ở Ðài Loan hàm ý không kiết tường, đúng như người ta thường nói:

‘Bất thị nhàn nhân nhàn bất đắc, nhàn nhân bất thị đẳng nhàn nhân’

(Nếu không phải người nhàn hạ thì nhàn không được, người nhàn hạ không phải là người tầm thường).

Trong tâm chúng ta nếu thiệt là không có ‘chuyện gì’ hết, thiệt là ‘nhàn hạ’ thì phải cần công phu tập luyện chứ không phải dễ!

Khoảng một tuần trước lúc ngài vãng sanh, cả ngày lẫn đêm ngài đều to tiếng niệm Phật, cách niệm của ngài là ‘dùng hết sức mình rất thành khẩn mà niệm A Di Ðà Phật’, không phải người nào cũng có thể niệm như vậy được. Ðại chúng luân phiên nhau niệm lớn tiếng theo ngài mà còn khan tiếng, đau ngực, chịu không nổi huống chi ngài đã 95 tuổi ! Ða số người ta lúc gần ra đi thì hô hấp rất yếu ớt, không thể làm chủ được, còn ngài thì mạnh như ‘tướng quân đột phá vòng vây thoát ra khỏi ngũ trược ác thế’. Mấy người đệ tử sợ ngài yếu sức chịu không nổi vì cả tháng ngài đã không ăn gì hết nên nói:

“Ðể chúng con niệm, xin sư phụ đừng niệm, chỉ nghe theo mà thôi!”.

Ngài mở to mắt ra nói một cách rất dứt khoát: “Mỗi người niệm theo mỗi người, sanh tử của ai thì tự người đó đoạn dứt.”

Nói xong liền lớn tiếng và thành khẩn mà niệm tiếp. Vào ngày thứ sáu trong tuần đó, đột nhiên ngài ‘biểu diễn’ một màn kịch, tôi nghĩ thật là đáng để mọi người chiêm nghiệm. Hôm đó đột nhiên ngài không khuyên mọi người niệm A Di Ðà Phật như lúc trước mà lại ra lịnh cho đại chúng mau đem Ðại Tạng Kinh ra tụng. Ðại Tạng Kinh quá dài ai cũng không biết bắt đầu từ đâu mà tụng nên hỏi lão hòa thượng phải tụng quyển nào?

Ngài đáp: “Tổng tụng” (tụng hết).

Ðại chúng mới đem từ quyển Ðại Tạng Kinh ra, nội việc khiêng ra cũng mệt đứt hơi, nhìn thấy ngài có vẻ rất quyết tâm vãng sanh, mọi người vừa mệt, vừa gấp, mà vừa buồn. Ngài nói: “Ðể coi quý vị biết quyển kinh nào, tất cả đều tụng cho tôi nghe!” Vì thế cho nên đại chúng mới tụng từng bộ từng bộ: Tâm kinh, kinh Kim Cang, kinh Dược Sư, kinh Ðịa Tạng, … Lúc ở trong cửa ngõ sanh tử khẩn yếu này mới biết nội hai trăm mấy chữ trong Tâm kinh cũng tụng không mạch lạc; có thể nói là miệng họ tụng nhưng tâm họ lại lo ra. Lúc mọi người tụng kinh như vậy, ngài lại cười chúm chím mà tiếp tục niệm: “Nam mô A Di Ðà Phật, Nam mô A Di Ðà Phật, ….” một tí gì cũng không bị ảnh hưởng bởi âm thanh đại chúng đang tụng kinh. Nụ cười này của ngài thiệt là một cây gậy thật to đập vào đầu của mọi người! Thử hỏi trong màn biểu diễn bất ngờ này có ai đã ‘tổng tụng’ Ðại Tạng kinh không? Duy chỉ có lão hòa thượng niệm niệm phân minh, rõ ràng, niệm niệm rất khẩn thiết mạnh mẽ niệm A Di Ðà Phật, đây mới là ‘tổng tụng’ Ðại Tạng kinh!

Chúng ta xin đừng nghi hoặc tại sao lão hòa thượng lại thay đổi tiết mục bất ngờ như vậy. Ngài thường dùng phương pháp ‘phản diện’ rất khéo léo để làm cho mọi người tỉnh giác và còn làm cho mọi người ghi nhớ vào xương vào tuỷ; ý nghĩa rốt ráo của sự tu hành là phải ‘thực hành’, không phải chỉ nghe rồi bỏ qua; trong trường Y khoa bàn luận chuyện chữa bịnh trên sách vở hiển nhiên rất khác với chuyện gặp lúc bệnh nhân máu chảy đầm đìa! Có lẽ các bạn sẽ nghĩ sự thị hiện của lão hòa thượng rất giống cách nói của Tuyết Công lão ân sư:

‘Sáu chữ hồng danh bao gồm hết tinh hoa của tất cả vạn pháp’.

Bác sĩ Quách Huệ Trân




Có phản hồi đến “Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng - Phần 5”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com