Mấy hôm nay trên các mạng truyền thông cả trong và ngòai nước ngập tràn tin tức về vụ hôi của khi hàng ngàn người dân hớn hở nhào vào tranh cướp bia khi xe chở bia gặp tai nạn ở Biên Hòa. Bao nhiêu sự chê trách phẫn nộ, chỉ trích, lên án vì những hành động cả vô thức và có ý thức, đôi khi chỉ vì làm theo trào lưu tập thể nghĩ rằng đó là của trời ban cho. Tuy nhiên, cảnh tượng ấy mới thấy đạo đức của con người ngày mỗi suy đồi. Người ta có thể vì miếng ăn , đúng ra là vì lòng tham mà bất chấp tất cả và hình như người ta xem đó là những chuyện bình thường ở huyện miễn sao mình có được điều gì đó thì thôi, người khác tranh dành mình không dành sẽ thiệt thòi.
Những hình ảnh ấy quả là nhức nhối và đau lòng nhưng chắc chỉ như các vụ việc khác, rầm rộ lên để tăng sự kích động rồi lại chìm xuống cho những việc khác xảy ra. Có người cho rằng vì đất nước còn nghèo nên người dân mới như vậy. Điều này có lẽ không đúng vì ngày xưa ông bà còn sống cực khổ hơn vậy, thời chiến tranh bom đạn còn giao lao vất vả, mạng sống mong manh nhưng tình người, lễ nghĩa, nhân đức luôn được xem là nền tảng hàng đầu. Nhìn sang các nước xung quanh như Lào hay Campuchia, người dân họ còn nghèo hơn mình nhưng họ có lòng tự trọng, biết ý thức, lễ nghĩa đạo đức có lẽ vẫn còn gìn giữ tốt đẹp hơn chúng ta nhiều.
Ở Mỹ, nơi Ngọc Hằng sinh sống, luật quy định rất rõ ràng rằng khi có một tai nạn xảy ra trên đường, nếu người lái xe không dừng lại cứu giúp sẽ bị truy tố, phạt tội và có khả năng bị tịch thu bằng lái. Nếu người làm trong ngành y tế như Ngọc Hằng thấy người bị nạn không dừng xe cứu, không làm hô hấp nhân tạo hay bất cứ điều gì có thể giúp người bị nạn thì sẽ bị phạt tù và bị tịch thu bằng hành nghề. Dần dần, với một ý thức hệ được quy định, người ta làm việc cứu người không phải vì tuân thủ luật lệ mà vì đạo đức, ý thức của họ không thể đứng nhìn bất cứ ai lâm nạn làm ngơ, như thế là tàn nhẫn vô cùng. Do đó, khi có tai nạn, cảnh sát chưa đến thì người dân đã tự biết giải quyết, gom nhặt giúp đỡ nên chuyện hôi của là không thể xảy ra nếu như không muốn có vấn đề với cảnh sát. Đôi khi không chỉ là tai nạn mà đi trên đường, xe có vấn đề phải dừng thì cũng có người dừng xe hỏi thăm giúp đỡ ngay chỉ trừ khi mình từ chối mà thôi.
Luật pháp có lẽ mọi người làm sai có kẻ hở thoát được nhưng còn có một luật khác không bao giờ chừa bất cứ ai đó chính là luật nhân quả. Qua sự việc trên mới càng thấy rằng việc giáo dục đạo đức, nhất là giáo dục đạo đức nhà Phật trong việc tin sâu nhân quả tội phước, sống thiện nghĩ thiện cho tất cả mọi người, nhất là các học sinh phải được đặt lên hàng đầu mới hòng mong ngăn chặn những hành vi tương tự. Ở Anh Quốc đã lập nên trường tiểu học Phật Giáo đầu tiên giúp giáo dục các em về ngũ giới, về đạo đức con người nên hy vọng trong tương lai đất nước mình cũng sẽ có nhiều trường học Phật Giáo cho thế hệ trẻ như vậy. Nhân đây xin gởi đến các bạn câu chuyện “Một Câu Đáng Giá Nghìn Vàng” Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát nên nguyện mong chúng ta hãy biết sám hối điều xấu ác đã làm, biết tin sâu nhân quả tội phước để làm gương cho con cái, gia đình của mình cũng như tránh quả nghiệp khổ đau do các hành vi bất thiện mình đã gây ra.
Ðời xưa có một nhà triết lý treo biển giữa chợ nói: “Ai chịu hễ một trăm lạng vàng thì sẽ dạy cho một bài học rất hay!”. Một vị quốc vương lúc ấy đi dạo chơi, thấy biển đó, động lòng hiếu kỳ, liền đem một trăm lạng vàng cho nhà triết lý để xin một bải học, thì nhà ấy chỉ dạy cho một câu: “Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến kết quả”.
Câu ấy giản dị đến nổi phần đông cận thần của vua bĩu miệng trề môi cho giá một trăm lạng vàng là quá đáng. Nhưng sau khi ngẫm kỹ, vua nhận thấy lời ấy rất hay và truyền khắc câu ấy trên các tấm cửa cung điện và các đồ khí dụng của vua, để hằng ngày nhớ mãi không quên. Nhờ một câu ấy mà vua xóa bỏ được nhiều điều tệ, phát minh được nhiều điều hay về chính trị làm cho nước mỗi ngày mỗi thêm thịnh vượng.
Thời ấy có những bậc Hoàng thân thấy Thái tử còn nhỏ, muốn gấm ghé ngôi báu, nên âm mưu làm nhiều điều thí nghịch, họ lo lót với một quan ngự y để đầu độc vua trong những khi đau ốm.
Một hôm, vua se mình đòi quan ngự y đến làm thuốc, quan ngự y chế thuốc độc sẵn, rót vào chén ngự để dâng vua. Nhưng may thay, trong lúc quan ngự y lại thấy nơi chén câu cách ngôn: “Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến kết quả”. Ngự y giựt mình, nghĩ đến kết quả, thấy sự thí nghịch chẳng những làm cho mình phải tru di tam tộc, mà còn gây biết bao tai họa cho thần dân, nên liền hối quá, đem tất cả việc đầu độc thí nghịch tâu cho vua rõ. Nhờ sự thú nhận, mà cả bọn gian đảng đều bị tiểu trừ mà ngôi vàng càng thêm bền vững…
“Muốn biết nguyên nhân thời kỳ đã qua, thì nên xem kết quả hiện tại đương thọ.
Còn muốn biết kết quả về sau thế nào, thì nên xem cái nhân hiện tại đương làm.”
Ngọc Hằng