Hơn hai tháng nay lo xây dựng trang nhà Linh Sơn Phật Giáo cũng như đủ thứ chuyện cá nhân, gia đình, công việc làm Ngọc Hằng không còn đủ thời gian, tâm trí để tiếp tục kể những câu chuyện Phật Giáo đầy đạo vị cúng dường đến các bạn. Vài tuần gần đây, sau tang lễ của dượng, duyên đưa đẩy và cũng để muốn mình bình tâm, Ngọc Hằng xem lại những quyển sách, băng đĩa Phật Giáo của Hòa Thượng Thích Huyền Diệu, một vị thầy lỗi lạc với nhân cách sống rất giản dị, đơn sơ nhưng đầy từ bi, khoan dung, độ lượng, trụ trì hai ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật giáng trần và Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật thành đạo. Thầy cũng chính là người đầu tiên phát khởi ý tưởng khôi phục các thánh tích linh thiêng trở thành những liên hiệp Phật quốc tại quê hương của Đức Phật.
Nghe những lời thầy nói cũng như đọc những tập sách nhỏ của thầy, Ngọc Hằng cảm động bật khóc rất nhiều lần vì rất đồng cảm với tâm tư, suy nghĩ của một vị thầy vĩ đại mong muốn làm những gì tốt đẹp cho cuộc sống. Ngọc Hằng cũng ở nước ngoài, làm việc trong ngành y nên càng thấm thía hơn những lời thầy dạy bảo. Điều cốt yếu thầy dạy là phải biết từ bi hỷ xả, tin sâu nhân quả tội phước, biết tri ân và giữ gìn sức khỏe. Sức mạnh lớn lao nhất của cuộc đời chính là tình thương yêu và lòng độ lượng. Thầy đã dùng ánh sáng Phật pháp giúp thiết lập hòa bình trong cuộc chiến ở Nepal. Thầy đau buồn theo thế sự vì người ta đầu tư hàng bao ngàn tỷ đô la để có những vũ khí tối tân cho quân sự giết người hàng loạt, một số tiền đủ có thể nuôi sống cả thế giới khổ đau đầy tốt đẹp.
Chiến tranh triền miên, sát hại sanh linh muôn nơi và để có sự bình an trước là trong tâm hồn khó vô cùng. Cũng vì nghiệp sát hằng sa và con người chúng ta tự cho mình cái quyền được giết hại, được ăn, được tàn phá mọi loài động vật một cách không thương tiếc nên làm sao chiến tranh đao binh được dập tắt. Do đó, những hành động, lời nói và việc làm của thầy như những giọt nước cam lồ từ bình tịnh thủy của Bồ Tát Quán Thế Âm dập tắt bớt phần nào những lò hỏa ngục như vậy. Trong tình yêu thương đầy kính trọng với thầy Thích Huyền Diệu, một vì thầy người Việt Nam làm rạng danh quê hương ở nước ngoài với tấm lòng của một vị Bồ Tát đại bi bao trùm khắp thế giới, Ngọc Hằng xin gởi đến các bạn câu chuyện “Duyên Xưa Nghiệp Cũ.” Nguyện mong chúng ta sẽ biết hành xử, suy nghĩ cho cẩn tắc trước khi ra tay tàn sát bất cứ một chúng sinh bé nhỏ nào. A Di Đà Phật!
"Câu chuyện sau đã xảy ra ở một nhà giàu tại Trung Quốc ngày xưa.Truyền thống “Cải gia vi tự” (biến nhà thành chùa) bắt nguồn từ đó.
Một gia đình rất giàu sửa soạn nhà cửa đón dâu. Phú ông đang bận rộn với việc đám cưới thì gia nhân vào báo, có một sơn Tăng đến khất thực hóa duyên. Vốn là người mộ đạo, Phú ông vội vàng ra nghinh tiếp, mời sư vào nhà, thỉnh ngồi ở ghế thượng khách. Nhưng vị Sư chỉ chống trích trượng đứng cười ha hả. Lạ lùng trước cử chỉ của nhà Sư, nhưng Phú ông không dám có ý nghĩ đấy là người cuồng. Bởi, trông mọi dáng vẻ Ngài đều có tiêu phong đạo cốt, phú ông quyết đấy không phải là người thường giả bộ. Ngước nhìn đôi mắt sáng như sao của nhà Sư, phú ông bất giác rơi lệ quỳ mọp xuống:
- Bạch Hòa Thượng, đệ tử ngu dốt, nay có phước duyên được người chiếu cố, xin người từ bi dạy bảo!
- Hà hà. Chúng sanh mê muội, làm tội ác tày trời còn hí hửng đánh trống thổi kèn.
Trong khi nhà Sư nói vậy, thì từ nhà sau vọng lên tiếng lợn kêu thống thiết. Vị Sư tiếp:
- Con heo đó là cha ngươi ngày trước. Vì tham tiếc cái gia tài, ông đã tái sanh làm con heo sau chuồng nhà ngươi.
Phú ông đầm đìa nước mắt, bạch:
- Bạch Hòa Thượng, quả đúng như vậy, cha con khi sắp chết cứ thao thức tiếc cái gia tài của cải một đời mồ hôi nước mắt này, và dặn đi dặn lại chúng con phải giữ gìn đừng hoang phí.
Nói rồi, vội bảo gia nhân đình chỉ việc giết heo. Nhà Sư lại nói tiếp:
- Còn đứa con gái ngươi sắp cưới cho con ngươi là ai biết không?
- Bạch Hòa Thượng, đó là đứa con gái nhà láng giềng của con. Hai trẻ có cảm tình với nhau từ nhỏ, nên khi chúng thành niên, con cho tác hợp thì có gì ø sai quấy.
- Hà hà. Mới bà bà cháu cháu đó, mà nay đã vợ vợ chồng chồng. Than ôi, chúng sanh có mắt như mù.
- Bạch Hòa Thượng, xin Hòa Thượng từ bi khai thị cho kẻ ngu muội. Con không được rõ thánh ý.
- Có gì là mờ mịt đâu, chỉ gì ngươi không thấy! Ðứa con gái kia là mẹ ngươi ngày trước. Do vì khi sắp chết, người lưu luyến đứa cháu nội không nỡ rời, nên thần thức đầu thai lại cõi đời để sống gần nó.
Phú ông nhẩm lại, thì quả nhiên cô gái thua cậu con 4 tuổi, nghĩa là cô ra đời đúng lúc bà mẹ ông mất, lúc con trai ông lên 4.
- Bạch Hòa Thượng, quả như Ngài nói, mẹ con khi mất đã cầm chặt tay đứa cháu nội, bà rất yêu cháu vì nó là đứa cháu trai duy nhất. Nay sự tình vậy thì con không dám làm việc ác tày đình thế kia. Xin Hòa Thượng chứng minh cho con được thế phát xuất gia biến nhà thành chùa.
Rạp trang hoành cho tiệc cưới trong chốc lát được sửa lại thành đạo tràng. Phú ông cung thỉnh Sư lên pháp tòa thuyết pháp cho bá tánh đến dự và coi đám cưới. Nghe xong thời pháp, mọi người đều xin quy y Tam Bảo, từ bỏ sát sanh, chú rể xin cha theo vị Hòa Thượng về núi tu hành, còn cô dâu nguyện trọn đời ở vậy phụng dưỡng cha mẹ cho đến khi hai thân khuất núi, rồi cô cũng xuất gia.
“Cuộc thế tợ rạp cao, con người như kép hát
Ðổi thay nhiều lớp, biết ai mẹ ai con?
Luân chuyển lâu đời, tưởng người dưng người lạ
Ðời nay thù oán, té ra cha mẹ trước không hay!”
Ngọc Hằng