Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam thường đưa lên trường hợp những chùa chiền hay các nhà sư làm những việc không tốt, thậm chí là quá phản cảm và đã có rất nhiều câu hỏi gởi đến trang nhà Linh Sơn Phật Giáo hỏi nếu những bậc tu hành làm điều không tốt thì sẽ như thế nào. Thêm vào đó, một số bạn của Ngọc Hằng, đa phần là ở Việt Nam, những người chưa biết gì về Phật Giáo và một số chỉ là “biết đạo” theo những thông tin không đúng từ các phương tiện truyền thông thậm chí còn mang những hình ảnh ấy hỏi Ngọc Hằng và làm họ bất kính với Tam Bảo.

Ngọc Hằng chỉ biết mỉm cười bảo rằng dù có là ai thì cũng phải chịu nhân quả nghiệp báo cho chính hành động của mình và khuyên các bạn cố gắng sống tốt, nghĩ tốt, làm điều phước thiện, tinh tấn tu hành để có niềm an lạc cho chính mình.

Thật sự những gì các bạn ấy nói và bày tỏ sự bất mãn, thất vọng, cảm thấy bị lừa dối, thậm chí bày tỏ sự chống báng chánh Pháp khi những bậc xuất gia còn làm những hành động như vậy thì Ngọc Hằng cũng đã từng như thế.

Ngày xưa chưa biết đến Phật Giáo và thậm chí khi mới bước vào cửa đạo, Ngọc Hằng cũng thể hiện sự bất bình, thậm chí đến độ cực đoan khi chứng kiến những điều chướng tai gai mắt từ những người cho rằng mình tu theo Phật Giáo mà hành động thì ngược lại. Không biết bao nhiêu lần anh bạn đạo và thầy tổ đã la Ngọc Hằng. Anh bảo Ngọc Hằng quá hình tượng người tu hành mới thế, không nên nhìn lỗi ở người, nhìn lỗi ở mình và cái áo không làm nên thầy tu. Vả lại, mình chưa chứng đắc, còn trong sinh tử luân hồi thì lấy tri kiến gì để phân biệt việc đó là đúng hay sai.

Thầy Ngọc Hằng la Ngọc Hằng lo những chuyện tào lao, loạn động, tại sao người ta không ăn mình cũng không ăn, ai ăn nấy no, ai tu nấy hưởng, ai không tu, tu không đúng hay có như thế nào thì đó là kệ họ, tại sao mình lại không lo tu lại đi nghĩ chuyện bất thiện thì mình cũng đâu có khác gì họ, tu thì phải hành chứ không phải để nói vì ai nói cũng được. Thầy dạy tu hành thì nên nhìn cuộc sống với con mắt tích cực, chỉ cần ráng tu làm sao để có lợi lạc cho mình và mọi người là được, tu hành thì nên vô tâm vô sự còn nếu hữu sự thì vô tâm.

Trải qua một vài năm tu hành, chứng kiến nhiều việc xảy ra với mình và mọi người với cuộc sống của một Phật tử ở hải ngoại đầy khó khăn, không gần thầy tổ và Tam Bảo, Ngọc Hằng mới thấm lời thầy và anh dạy. Vì thế dù có chuyện gì xảy ra, Ngọc Hằng vẫn một lòng kính tin tam bảo trọn vẹn, cố gắng không nghĩ xấu về người khác, chỉnh sửa sám hối tội lỗi của mình từng ngày từng giờ, tin sâu nhân quả tội phước và lấy đó làm kim chỉ nam cho mình tu hành. Ngọc Hằng sẽ mãi nhớ lời dạy của Thường Bất Khinh Bồ Tát “Tôi không dám khinh chê quý Ngài vì các Ngài là Phật sẽ thành.” Vì thế đêm nay, Ngọc Hằng xin kể cho các bạn nghe câu chuyện “Công Bình Pháp Trụ – Đầu Trọc Không Làm Nên Tỳ Kheo.” A Di Đà Phật!

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến Hatthaka.

Chuyện kể rằng, mỗi khi thầy Hattthaka bị thua cuộc trong khi tranh luận, bèn hẹn:

- Hãy đến nơi ấy, nơi kia vào đúng giờ ấy, giờ kia, sẽ kết thúc cuộc bàn cãi.

Và thầy đến trước nơi hẹn, và nói:

- Xem kìa! Mấy người ngoại đạo sợ ta đến nỗi không dám đến gặp. Vậy là họ thua cuộc rồi.

Thầy luôn luôn dùng cách ấy nói với đối phương mỗi khi thua cuộc.

Ðức Phật nghe nói Hatthaka làm như vậy, bèn gọi thầy đến hỏi:

- Hatthaka, có phải ông làm như thế, như thế?

- Thưa vâng.

- Tại sao ông làm như thế? Một người làm điều sai quấy không thể gọi là Sa-môn, dù đầu họ cạo trọc. Người nào sửa được mọi lỗi lầm lớn nhỏ mới thật sự là Sa-môn.

Ngài nói kệ:

(264) Ðầu trọc, không Sa-môn,
Nếu phóng túng, nói láo,
Ai còn đầy dục tham,
Sao được gọi Sa-môn.

(265) Diệt trừ mọi tội lỗi,
Dù lớn nhỏ đều không,
Xô đuổi nhân phiền não,
Là thanh tịnh Sa-môn.

Ngọc Hằng




Có phản hồi đến “Câu Chuyện Phật Giáo Số 4: Công Bình Pháp Trụ – Ðầu Trọc Không Làm Nên Tỳ Kheo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com