Hôm nay, một người anh Ngọc Hằng quen biết trên mạng vui vẻ kể cho Ngọc Hằng chuyến đi đến một nhà đại thí chủ rất giàu có nhưng đầy thành tâm tôn kính Phật pháp ở Cần Thơ. Vị đại thí chủ này xây nhà như vườn chùa để đón tiếp bạn đạo, khách thập phương đến cùng đàm đạo về Phật pháp , chuyên làm việc từ thiện, cúng dường và đang chuẩn bị hiến tặng một mảnh đất rất lớn để xây dựng chùa. Vị đại thí chủ này rất ngưỡng mộ Tiến Sĩ Nguyễn Tường Bách nên đã mời vợ chồng tiến sĩ đến nhà đàm đạo, kể chuyện về hành trình chiêm bái Ngân Sơn, Tây Tạng. Dường như thấy vẫn chưa thỏa mãn nên vị đại thí chủ này đã mời cả đoàn từng đi chiêm bái Ngân Sơn với tiến sĩ Bách, trong đó có anh đến trò chuyện. Theo như Ngọc Hằng biết, anh chưa phải là một Phật tử thuần hành, hiểu sâu giáo lý đạo pháp nhưng chẳng biết nhân duyên lớn gì mà anh là một trong năm người may mắn giữa 21 người của phái đoàn có thể đến được Ngân Sơn đầy vi diệu.
Nghe anh kể về niềm hoan hỉ vui sướng vì càng đi càng thấy được nhiều con người tuyệt vời mà Ngọc Hằng cũng vui lây với niềm vui của anh. Ngọc Hằng nói cho anh biết vị đại thí chủ ấy chính là hóa thân của những vị Cấp Cô Độc trong thời hiện đại, những con người chỉ suốt ngày phụng sự đạo pháp, sống tốt đời đẹp đạo, mang tặng tất cả những gì họ có với tấm lòng thành kính dâng lên chư Phật nên phước báo của họ rất lớn. Chính nhờ những con người như vậy mà chúng ta cảm thấy mình thật bé nhỏ và những gì mình tự cho là có được chẳng đáng là gì trong khi tâm ích kỷ chỉ lo nghĩ về bản thân lại quá cao. Những vị đại thí chủ ấy chính là hiện thân của các vị Bồ Tát nhắc nhở cho chúng ta học hạnh buông xả, hạnh Bố Thí Ba La Mật từ tâm thì mới mong có ngày được giải thoát. Trong niềm hân hoan phúc lạc với chuyến đi của anh đến nhà vị đại thí chủ ấy nên đêm nay, Ngọc Hằng xin tặng anh và các bạn câu chuyện “Ông Cấp Cô Độc Cúng Dường” để hiểu hơn tâm thành vì Phật pháp của các vị Cấp Cô Độc trong suốt chiều dài lịch sử của Phật pháp là như thế nào nhé. A DI Đà Phật!
“Trong khi Đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá thì Cấp-cô Độc (Anathapindika), một trưởng giả giàu có, từ Xá-vệ (Cravasti) đến. Cấp-cô Độc là một tín đồ sùng đạo. Khi được tin Đức Thế Tôn trú tại rừng Trúc-lâm, ông nóng lòng muốn đếp gặp Ngài.
Cấp-cô Độc lên đường vào một buổi sáng, và khi ông vào rừng Trúc-lâm, một giọng nói thiêng liêng đã đưa ông đến gặp Đức Thế Tôn. Ông được đón chào niềm nỡ; ông cúng dường đại chúng một phẩm vật tuyệt vời, và Đức Thế Tôn hứa đến gặp ông tại thành Xá-vệ.
Khi về đến thành, Cấp-cô Độc bắt đầu phân vân không biết tiếp đón Đức Thế Tôn tại đâu. Vườn tược của ông hình như không tương xứng cho việc đón tiếp một thượng khách như vậy. Vườn cây đẹp nhất trong thành là của thái tử Kỳ Đà (Jeta), Cấp-cô Độc quyết định mua đứt khu vườn đó.
Kỳ Đà nói với ông: “Ta sẽ bán vườn cây nếu ngươi trải vàng khắp mặt đất.”
Cấp-cô Độc chấp nhận điều kiện giao ước. Ông cho xe chở vàng đến vườn, và bấy giờ chỉ còn một dãy đất nhỏ còn trống. Kỳ Đà hoan hỷ ca ngợi:
“Này trưởng giả, vườn cây là của ngươi: Phần ta, ta xin hân hạnh biếu ngươi dãy đất còn lại đó.”
Cấp-cô Độc cho trang hoàng vườn cây, chuẩn bị đón tiếp Đức Thế Tôn. Ông phái một gia nhân trung tín nhất đến rừng Trúc-lâm báo tin cho Đức Thế Tôn biết là ông sẵn sàng đón tiếp Ngài tại thành Xá-vệ.
Sứ giả nói: “Bạch Đức Thế Tôn, chủ nhân con xin đảnh lễ Ngài. Người hy vọng Ngài đã thoát khỏi khổ đau, bệnh tật; người hy vọng Ngài không quên ước hẹn với người. Bạch Đức Thế tôn, họ đang chờ đón Ngài tại thành Xá-vệ.”
Đức Thế Tôn không quên lời hứa với trưởng giả Cấp-cô Độc; Ngài muốn giữ hẹn, Ngài nói với sứ giả: “Ta sẽ đi.”
Ngài hoãn lại một vài hôm; rồi Ngài khoác áo, ôm bình, theo sau là một số đệ tử, Ngài lên đường đi Xá-vệ. Vị sứ giả đi trước để báo cho trưởng giả biết là Đức Thế Tôn sắp tới.
Cấp-cô Độc quyết định đi đón Đức Thế Tôn, vợ con ông xin cùng đi, những người giàu có nhất thành thấy thế cũng xin tháp tùng theo họ. Và khi họ nhìn thấy Đức Thế Tôn, hào quang rực rỡ của Ngài làm họ chói lòa cả mắt; Ngài hình như đi trên một đoạn đường toàn vàng.
Họ theo hầu Ngài đến vườn cây của thái tử Kỳ Đà, Cấp-cô Độc thưa với Ngài:
“Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ làm gì với vườn cây này?”
Đức Thế Tôn đáp: “Hãy cúng dường cho đại chúng, từ nay và mãi mãi về sau.”
Cấp-cô Độc sai gia nhân bê đến một bát vàng đầy nước. Ông rửa tay Đức Thế Tôn và Bạch rằng:
“Từ nay mãi mãi về sau, con xin cúng dường vườn cây này cho đại chúng, những vị sa môn tu tập dưới sự hóa độ của Đức Thế Tôn.”
Đức Thế Tôn nói: “Lành thay! Ta ghi nhận lễ vật. Vườn cây này sẽ là nơi an trú tuyệt vời; tại đây, chúng ta sẽ sống êm đềm, chúng ta sẽ tránh được cảnh oai bức, buốt giá. Không có ác thú vào đây: không có cả một cánh muỗi vo ve quấy rầt sự yên tịnh; ở đây tránh được mưa dầm gió rét hay nắng hạn kinh hồn. Vườn cây này thơ mộng lắm. Tại đây ta sẽ thiền định hằng giờ. Cúng dường đại chúng những lễ vật như thế thật là đúng pháp. Người thông minh trí tuệ không nên thờ ơ lạnh nhạt, hãy nên cúng dường nhà cửa, thức ăn, nước uống, y phục cho các thầy sa môn. Trái lại, các thầy sa môn sẽ giáo hóa chánh pháp cho họ. Ai giác ngộ chánh pháp, người ấy sẽ giải thoát khổ đau và đạt đến niết bàn.”
Đức Phật và đồ chúng của Ngài tự ra sức xây dựng nền tảng tại vườn Kỳ-viên.
Cấp-cô Độc rất lấy làm sung sướng; nhưng, một hôm, một ý nghĩ nghiêm trọng lại hiện ra trong đầu óc ông.
Ông tự nhủ: “Ta đang được mọi người hết lời ca ngợi, nhưng đối với những việc làm của ta, việc nào đáng được khâm phục như thế? Ta dâng lễ vật, cúng dường Phật và cúng dường các thầy sa môn, điều đó, trong tương lai, ta sẽ được quả phúc; nhưng đức hạnh của ta chỉ có lợi cho ta! Ta phải giúp người khác cùng chia xẻ cái đặc quyền đó. Ta sẽ đi khắp kinh thành, ta sẽ quyên góp lễ vật của những ai ta gặp đem cúng dường Phật và các thầy sa môn. Thế là nhiều người sẽ tham gia vào công việc phước đức mà ta sắp làm.”
Ông đến yết kiến Ba-tư-nặc (Prasenajit), vua nước Xá-vệ, một quốc vương cương trực, sáng suốt. Ông tâu với quốc vương về những điều mà ông đã quyết định làm, quốc vương hoan hỷ chấp thuận. Một phái viên được lệnh đi khắp kinh thành để phổ biến thông báo của hoàng triều:
“Đồng bào Xá-vệ nghe rõ! bảy ngày nữa, trưởng giả Cấp-cô Độc sẽ cỡi voi qua khắp kinh thành. Ông sẽ quyên góp lễ vật của tất cả mọi người, sau đó ông đem cúng dường Phật và đồ chúng của Ngài. Vậy mong các ngươi hãy dâng những gì mà ông có thể chấp nhận.”
Đúng ngày ấn định, Cấp-cô Độc ngồi trên lưng voi đẹp nhất qua khắp kinh thành, ông quyên góp lễ vật từng người để cúng dường Đức Thế Tôn và đại chúng. Dân chúng vây quanh ông: người thì dâng vàng, kẻ thì biếu bạc; cô này cởi kiềng, o kia cởi xuyến, chị nọ cởi còng; ngay cả những phẩm vật tầm thường nhất cũng được thâu nhận.
Bấy giờ, tại thành Xá-vệ có một thiếu nữ quá nghèo. Nàng phải mất ba tháng trời dành dụm mới đủ tiền mua được một mảnh vải thô mà nàng vừa may xong cho nàng một tấm áo. Thấy đám người vây quanh Cấp-cô Độc, nàng nói với một người đứng xem:
“Trưởng giả Cấp-cô Độc hình như đi xin thì phải.”
“Vâng, ông đang đi xin,” có giọng đáp.
“Nhưng người ta bảo ông là một trưởng giả giàu nhất thành Xá-vệ. Tại sao ông phải đi xin thế này?”
“Cô không nghe thông báo của hoàng triều được phổ biến khắp thành cách đây bảy ngày sao?”
“Chả nghe gì cả.”
“Cấp-cô Độc không phải quyên góp phẩm vật cho chính ông. Ông muốn mọi người cùng tham gia vào công việc phước đức mà ông đang làm, ông đang quyên góp phẩm vật để cúng dường Phật và đồ chúng của Ngài. Tất cả những ai cúng dường đều sẽ được quả phúc mai hậu.”
Thiếu nữ tự nhủ: “Mình chưa bao giờ làm được điều gì đáng khen. Điều hay nhất là sắm một lễ vật để cúng dường Phật. Nhưng mình nghèo quá. Mình phải làm gì bây giờ?” Nàng bỏ đi, chán nản. Nàng nhìn xuống chiếc áo mới may: “Mình chỉ cúng dường Ngài được chiếc áo này. Nhưng mình không thể lõa lồ ra đường.”
Nàng về nhà cởi áo. Nàng ngồi tại cửa sổ đợi Cấp-cô Độc đến, và khi ông đi qua trước nhà, nàng ném chiếc áo cho ông. Ông cầm lấy và đưa nó cho những người giúp việc.
Ông nói: “Người phụ nữ ném chiếc áo này cho ta có lẽ không còn gì khác để cúng dường. Nàng phải chịu lõe lồ thôi nếu nàng ở nhà và cúng dường lễ vật theo kiểu này. Đi, hãy cố tìm cho ra nàng và xem nàng là ai?”
Bọn gia nhân phải gặp rất nhiều khó khăn trong lúc tìm kiếm cô thiếu nữ. Cuối cùng họ tìm ra nàng và thấy rằng chủ nhân của họ đã đoán đúng: Chiếc áo vất ra ngoài cửa sổ là toàn bộ tài sản của một cô bé nghèo. Cấp-cô Độc vô cùng xúc đông; ông bảo gia nhân đem những bộ y phục sang trọng, xinh đẹp tặng cho cô thiếu nữ thuần thành đã hiến ông chiếc áo giản dị của nàng.”
Ngọc Hằng