VẤN: Con vừa niệm Phật nhưng khi rãnh con vẫn ngồi thiền theo hơi thở khi không thể niệm Phật. Cả hai phương pháp tùy lúc con đều thấy bình an, không có vấn đề gì nhưng con thích thiền hơn niệm Phật. Con nghe giảng rằng tu nên chọn một pháp môn, không được tu tạp loạn, chuyển pháp này sang pháp khác sẽ không tu tập tốt. Tuy nhiên, con cũng nghe giảng rằng kết hợp cả thiền tịnh song tu sẽ rất là tốt. Vậy có phải là con đang kết hợp thiền tịnh song tu? Phương pháp thiền tịnh song tu đúng nghĩa là như thế nào? Việc kết hợp này có đi ngược với giáo lý nhà Phật vì sinh ra thêm một pháp môn mới và là tu tạp loạn không? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

Khái niệm thiền và niệm Phật:

Niệm Phật là pháp môn dễ tu dễ chứng dễ đắc, trong thời mạt pháp mà có pháp niệm Phật lưu hành trong nhân gian, thật là điều phước báo cho chúng sanh. Pháp niệm Phật như thuyền từ đưa chúng sanh qua bỉ ngạn “bên kinh bờ giải thoát”. Nên có câu:”người khéo tu dù nặng như đá qua sông vẫn được, người vụn tu dù nhẹ như hạt cải vẫn chìm”. Thật là pháp môn niệm Phật là phương tiện tối thắng, tối thượng không pháp nào hơn, như ngài Ấn Quang đại sư nói: “cửu giới chúng sanh rời pháp môn nầy không thể tu thành Phật quả, mười phương chư Phật không có pháp môn nầy không thể cứu độ chúng sanh”.

Thiền định là pháp môn tu dón gọn, “trực chỉ chơn tâm kiến tánh thành Phật” chỉ cần hằng ngày dù bất cứ nơi nào, làm việc gì mà người tu làm chủ kiểm soát giữ cho tâm ý đừng buông lung theo ngọai cảnh thì chính đó là thiền, quán chiếu vào bên trong đế thấy tánh giác, thấy cái thành Phật mau lẹ ra sao?. Tuy nhiên ở thời mạt pháp thì pháp tu Thiền khó chứng đắc, khó đạt đến trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật nhanh lẹ được

Thế nên trong đời giáo hóa của Đức Thế Tôn, Ngài cũng đưa ra nhiều pháp môn tu chủ yếu, phù hợp với chúng sanh trong thế giới ta bà, trong đó có pháp Thiền định và pháp tu Niệm Phật, pháp tu Mật. Pháp tu Thiền là “pháp môn thượng thừa” dành cho những Phật tử thiện căn, thiện nguyện nhơn duyên với pháp môn, nghiệp dứt tình không tu chứng. Pháp môn tu Tịnh Độ là “pháp môn tối thắng”, dành cho những Phật tử thượng căn, trung căn và độn căn, hạ căn tu vẫn được. Bậc thượng căn nghiệp dứt tình không, bậc trung căn nhơn duyên phát nguyện tu niệm Phật, bậc hạ căn chướng sâu tội nặng, phút chốc niệm Phật hoặc nghe tiếng niệm Phật cũng được đới nghiệp vãng sanh.

Pháp tu Mật thì dành cho Phật tử ở những vùng cao nguyên, vùng băng giá, hành giả chuyên tụng các chơn ngôn thần chú, các thần chú được hành giả thu túc lục căn tụng niệm thành “chú lực”, như ngũ bộ thần chú, thần chú Đại Bi, chú Chuẩn Đề, Lục Tự Đại Minh chơn ngôn. Tu Mật giúp cho tam nghiệp thân khẩu ý dung thông “3 là 1”, ngự phục những chướng duyên tham sân si, các pháp bất thiện không sanh, dễ dàng đạt đến cảnh giới tái sanh thượng phẩm.

Vừa tu niệm Phật, vừa tu thiền được không?

Niệm Phật và Thiền là pháp môn tu song hành, tất cả Phật tử đều thực tập được. Tuy nhiên Phật tử cần kiểm lại tâm mình trong quá trình tu Niệm Phật hiệu quả như thế nào, tam nghiệp thanh tịnh đến đâu, tu Thiền có giúp cho Phật tử đạt đến cảnh giới vắng lặng không? Đặc biệt dù tu pháp nào cũng phải có Thầy chỉ dạy từng bước một. Chọn pháp thiền nào, có phải của Phật dạy không? Tuyệt đối không nên thích những pháp tu Thiền không phải của Phật (ngọai đạo thiền) nhé!

Tổ sư xưa từ ngài Đạo An, ngài Lô Sơn Huệ Viễn, ngày Quang Minh Thiện Đạo, đến Vân Thê Châu Hoằng, Trúc Húc Linh Phong, đến Ngọc Lâm Quốc sư, Ấn Quang Đại sư, Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch...các ngài vốn là Thiền sư, nhưng cuối đời trước khi thị tịch đều xương minh Tịnh độ, giúp cho đệ tử mau ngộ nhập tri kiến Phật, gọi pháp môn tu là “thiền tịnh song tu”. Ngài Liễu Quán chủ trương “thiền tịnh đồng tu”. Hòa Thượng Khánh Anh, Hòa Thượng Trí Tịnh, Hòa Thượng Thiền Tâm, xiển dương “thiền tịnh song tu”. Ngài Minh Đăng Quang giáo hóa “trong thiền có tịnh”. Thiền sư Thanh Từ hoằng hóa thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng phát huy Tịnh. Đức Tôn sư Thiện Phước-Nhựt Ý vừa “tu tịnh vừa có tọa thiền”.

II .

Niệm Phật của ngài Vân Thê Châu Hoằng:

Pháp tu niệm Phật có nhiều cách thức tu, cũng không khó lắm, không khó nhưng cũng đừng dễ duôi mà sanh nhàm chán, lơ là buông bỏ uổng phí công như dã tràng xoe cát.

Ngài Vân Thê Châu Hoằng đã đem kiến giải đề xướng minh pháp môn “thiền tịnh song tu”, không những cổ xúy phương pháp trì danh niệm Phật, gọi là “sự trì”, mà cũng còn đề xướng phương pháp tham cứu niệm Phật, gọi là “lý trì”; như dạy người tham cứu câu “Niệm Phật là ai?”, đó tức là trong Tịnh có Thiền. Những vị được hành giả tu Tịnh Độ tôn làm tổ sư trọng yếu của tông Tịnh Độ, như thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ thời nhà Tống (960-1279), cũng như vậy, tức là do kinh nghiệm tu chứng của một Thiền sư mà thấy biết sâu xa cái đạo lý “tất cả các pháp môn tu hành đều chảy về Thiền Định, tất cả các kết quả của công phu tu hành đều chảy về Tịnh Độ”, cho nên biết rằng Thiền và Tịnh dung thông không trở ngại (Thiền tịnh song tu - HT Thích Giác Quang).

Nhìn chung người niệm Phật, phần đông những người chấp trì danh hiệu Phật đều là niệm Phật trong tán loạn. Tuy gọi là tu niệm Phật, nhưng có lẽ cái thời gian vọng tưởng chiếm phần nhiều. Người có chút ít tinh tấn, khi phát giác thấy có vọng tưởng, liền vội vàng trở về với danh hiệu Phật. Người thật sự có tinh tấn, khi niệm Phật, không những trong tâm mặc niệm danh hiệu Phật, mà đồng thời cũng nghĩ nhớ tới Phật. Cuối cùng là khi Niệm Phật, danh hiệu Phật không còn khởi hiện mà trong tâm vẫn Niệm Phật, đó là lúc tiến vào cảnh giới “vô tướng”; cũng là điều mà người ta thường nói là “Niệm Phật, niệm cho đến khi không còn Phật để niệm”. Đi đứng ngồi nằm, luôn luôn ở trong cảnh giới vô tướng niệm Phật; đó là bước đầu nhập vào pháp môn Niệm Phật viên thông của Bồ-tát Đại Thế Chí. Lúc bấy giờ tâm chuyên nhất không tán loạn, tịnh niệm nối tiếp nhau, không có hình tướng Phật, không có danh hiệu Phật. (Thiền tịnh song tu - HT Thích Giác Quang)

Đang tu Tịnh Độ thích tu thiền?

Vọng niệm chăng? Thật tu thì không có niệm bỏ “đây” theo “kia”. Tuy nhiên pháp nào cũng của Phật, chung quy cũng chánh niệm vào đại định. Sư chấp nhận ý kiến đang tu Tịnh thích tu Thiền. Vì cũng có khi có những vị tuy tu Niệm Phật nhưng có duyên ít nhiều với pháp môn Thiền nên đem lòng yêu thích tu Thiền, tìm gặp Thiền sư xin cầu pháp.

Bước sang tu Thiền, ban đầu Thiền sư là người có trí tuệ chắc chắn sẽ hỏi “Từ trước nay, ông tu gì?”

Hành giả thưa rằng “Trước kia con tu Niệm Phật, bây giờ con thích tu Thiền. Con sẵn sàng bỏ hết Tịnh Độ để theo tu Thiền”.

Vị Thầy sáng suốt sẽ không chấp nhận cho người này bỏ công phu Niệm Phật bấy lâu nay vì chính công phu Niệm Phật làm cho người này tăng trưởng đạo lực, tăng trưởng phước duyên. Vị Thầy nhận thấy tốt nhất là kết hợp Thiền và Tịnh Độ chứ không thể dùng thoại đầu khai thị, nên không cho người này bỏ câu Niệm Phật mà phải kết hợp câu Niệm Phật với việc theo dõi hơi thở. Vị Thầy bèn dạy:

Thở vào - Nam mô A Di Đà Phật

Thở ra - Nam mô A Di Đà Phật

Hoặc là

Thở vào - Thở ra - Nam mô A Di Đà Phật

Thở ra - Thở vào - Nam mô A Di Đà Phật

Hành giả tu pháp kết hợp câu Niệm Phật với việc theo dõi hơi thở là người còn trong quá trình thực tập. Chúng ta thường nghe nói căn cơ cao thấp, căn cơ chính là công đức, mà câu niệm Phật là một trong những yếu tố giúp tăng trưởng công đức nên tất nhiên niệm Phật giúp Phật tử tăng trưởng căn cơ.

Trường hợp hành giả Niệm Phật thuần thục, căn cơ cao khi được hỏi “Niệm Phật là ai?” – “Ai là người niệm Phật?” sẽ bùng vỡ tâm linh và buông bỏ câu Niệm Phật, chứng ngộ. Còn người muốn tu Thiền mà căn cơ chưa đủ, bắt buộc giữ lấy Niệm Phật kết hợp hơi thở đó chính là Thiền Tịnh song tu.

Thiền niệm theo pháp tu Tịnh Độ Non Bồng

Từ năm 1959 đến 1965, tại Tổ đình Linh Sơn, Đạo tràng Tây Phương Bồng Đảo đến giờ tu có 2 vị giám thiền một Tăng ở Chánh điện, một Ni ở Liên Hoa Bửu Điện, xướng niệm Phật hướng dẫn quý vị Tịnh nhơn, quý Cô Chú trên núi ngồi Niệm Phật rất trang nghiêm, vị nào cũng thẳng lưng ngồi bán già, có vị ngồi kiết già, đặc biệt đôi bàn tay kiết ấn tam muội, hoặc hiệp chưởng, tai nghe tiếng Niệm Phật. Những chiếc áo màu nâu, màu lam của 500 vị Tịnh nhơn sao mà đẹp đẽ đáng kính yêu, nhiều người mà như một, chừng ấy các vị nghe vị giám thiền từng bước đi chậm rãi niệm: Nam… ...Mô… ...A… ...Di… ...Đà… ...Phật…

Cách niệm nầy mọi người đồng niệm bằng tâm niệm, không ra tiếng; quá trình thực tập tịnh niệm như thế, niệm "Nam" thuộc về vùng trán, "Mô" ở giữa đôi mắt, "A" ở chóp mủi, "Di" ở miệng, "Đà" ở cổ, "Phật" ở vùng chấn thủy… và cứ như thế niệm niệm liên tục và luôn giữ niệm... hành giả nhiếp niệm thật thanh thản, niệm theo hơi thở ra vào, hoặc niệm không ảnh hưởng hơi thở ra vào, cũng không trở ngại.

Niệm ở vùng trán: xóa tan những niệm trần.

Niệm ở vùng mắt: mở 1/3 nhìn thẳng, tập trung tư tưởng

Niệm ở vùng chóp mũi: chuyên nhứt, giữ chánh niệm.

Niệm ở vùng miệng: xả tạp niệm.

Niệm ở vùng cổ: tạp niệm không sanh.

Niệm ở vùng chấn thủy: niệm vong bặt.

Xem ra Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng Niệm Phật có chất liệu của Thiền trong lúc tịnh niệm. Pháp niệm nầy Tăng Ni thế hệ thứ nhất chúng tôi cho đến ngày nay vẫn còn giữ niệm. Chuẩn mực và truyền đạt cho đại chúng các Đạo tràng, các Tự Viện, Đạo tràng Bát Quan Trai Quan Âm tu viện giữ truyền thống pháp tu.

Niệm Phật có Thiền, tu Thiền có Niệm Phật không gọi là tạp niệm!

Theo như sự giáo hóa của chư vị Tổ sư vừa nêu trên là một dẫn chứng thật trong pháp tu. Niệm Phật công phu miên mật đạt đến chỗ “nhất tâm bất lọan”. Nhất tâm bất lọan tức là chánh niệm, chánh niệm thì tam nghiệp thanh tịnh, không còn loạn động, đó là định, định thuần thục tức là đại định. Như vậy là trong Niệm Phật có Thiền! Thiền là giữ niệm thanh tịnh, giữ niệm thanh tịnh làm cho các pháp không sanh, làm cho tam nghiệp thanh tịnh, thanh tịnh chính là chánh niệm, chánh niệm tức không còn thấy tướng niệm Phật A Di Đà, chính đó là định, định lực thuần thục là đại định, đại định tức là Thiền.

Thiền là vắng lặng không sanh các tạp pháp tham sân si, Niệm Phật là thân khẩu ý vong bặt, chỉ còn chánh niệm, chánh niệm thì tạp pháp không sanh. Thiền và Niệm Phật khác nhau ở chỗ một đàng là “sự tu” và một đàng là “lý tu”, nhưng chung quy đều có trạng thái giữ niệm không sanh tạp lọan. Tuy nhiên một hành giả phát nguyện tu Niệm Phật hay tu Thiền và đã phát nguyện thì không bao giờ thay đổi hạnh nguyện của mình làm cho “tâm nguyện hành giả bị động và có phần quái ngại trước các pháp”

Sau đây Phật tử sẽ nghe lời của Ấn Quang đại sư trần tình mà thức tỉnh:”Tôi phát tín tâm, xuất gia làm Tăng, sau một thời gian nghiên tầm giáo lý của Đức Phật dạy, tôi tự lượng lấy mình : nếu không nhờ nương nơi sức bi nguyện rộng lớn của Phật tất khó được giải thoát ở đời này. Bắt đầu từ ấy, tôi chuyên tâm niệm Phật, chí quyết cầu sanh Cực Lạc. Mặc dầu trải qua nhiều năm đi nghe Kinh nghe giảng, học Thiền học Luật, chẳng qua để phát minh lý tánh Tịnh độ, hầu làm tư lương Thượng phẩm vãng sanh mà thôi.

Hờn vì thân thể suy yếu, sức khỏe kém thiếu, nên không thể dũng mãnh hành đạo, nhưng tín và nguyện của tôi rất kiên cố, chẳng những các vị Thiền sư, Giảng sư không thể lay chuyển được chí hướng của tôi, dầu cho chư Phật hiện thân bảo tôi tu pháp môn khác, tôi cũng lạy Phật mà tạ lỗi, chớ quyết không đổi chí bỏ Tịnh theo Thiền, trái bổn nguyện của mình. Ngặt vì túc nghiệp của tôi quá nặng, nên mãi chưa được Niệm Phật (Tịnh) Tam muội (Thiền). Càng nghĩ càng tự hổ thẹn lòng mình với bá gia! (Thiền Tịnh quyết nghi, tác giả Ấn Quang đại sư, bản dịch HT Thích Trí Tịnh DL 1956-PL 2500 tại chùa Vạn Đức, Thủ Đức.)

Quý Phật tử có nghe lời của Tổ sư nói không? Ngài đang tu Tịnh và quyết chí không bỏ Tịnh theo Thiền, nhưng không chê Thiền, lý do chẳng có gì mà phải bỏ “đây” theo “kia”, mà chẳng có gì phải bỏ đây theo kia làm mất chánh niệm. Tại sao Tổ sư nói như vậy? Do thân ngài đến nay đã già suy, sức cùng lực cạn, do quán chiếu như vậy nên niệm Phật càng tinh tấn, nhưng vẫn vì nghiệp duyên nên chưa đạt chánh niệm, chứ nếu Niệm Phật đạt đến chánh niệm thì tức là tam muội hiện tiền, tam muội hiện tiền tức là Thiền đó, gọi là Thiền Tịnh song tu là vậy.

Cho nên Phật tử đang tu pháp Niệm Phật muốn tu Thiền thì cứ tu, chẳng có gì trở ngại, cũng chẳng gọi là tap pháp! Sư chỉ có lời khuyên và đây là lời khuyên lần thứ hai: “không nên chọn pháp Thiền “pháp môn mới” ngoài pháp của Phật dạy nhé!”

Thiền tông do Phật ban truyền

Tịnh Độ là pháp Phật tuyên buổi đầu

Hai môn “vô” “hữu” cao sâu

Mở toang trí tuệ diệu mầu pháp tu

Tịnh Thiền pháp được tuyên lưu

Không nên để phải mờ lu theo đời

Thiền là đạo lý tuyệt vời

Tịnh thì phổ cập muôn nơi trong đời.

Tu Tịnh thì gặp Phật liền

Tu Thiền về chốn Thiền na tức thì

Tịnh Thiền cùng lẽ vô vi

Siêng tu Thiền Tịnh tham si dứt liền

Tu Tịnh rồi lại tu Thiền

Không gọi tạp niệm, cùng viềng cội căn

Chỉ khuyền đừng trở chứng Thiền

Chạy theo “Thiền ngọai” chư Thiên mỉm cười

Có Thiền có Tịnh sen tươi

Song hành Thiền Tịnh sáng ngời tâm vương

Bao nhiêu mây sáng bao trời

Bao nhiêu sông nước sáng ngời ánh trăng.

HT Thích Giác Quang



Có 2 phản hồi đến “Vừa Tu Thiền Vừa Tu Tịnh Độ Có Phải Là Tạp Tu Loạn Pháp Không?”

  1. Trực Giác đã nói

    1. Có Thiền không Tịnh độ Mười người, chín lạc lộ. Ấm cảnh khi hiện ra Chớp mắt đi theo nó. 2. Không Thiền có Tịnh độ Muôn tu muôn thoát khổ. Vãng sanh thấy Di Đà Lo gì chẳng khai ngộ. 3. Có Thiền có Tịnh độ Như thêm sừng mãnh hổ. Hiện đời làm thầy người Về sau thành Phật, Tổ. 4. Không Thiền không Tịnh độ Giường sắt, cột đồng lửa! Muôn kiếp lại ngàn đời Chẳng có nơi nương tựa.

  2. ADIDAPHÂT con xin cảm ơn hòa thượng rất nhiều

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com