VẤN: Con là một Phật tử nhưng nơi con ở không có các đạo tràng niệm Phật nên đa phần con tự niệm Phật ở nhà nhưng dù niệm bao nhiêu năm tâm vẫn vô cùng loạn động. Bình thường tâm con ít loạn nhưng mỗi khi bắt đầu vào niệm Phật, trong tâm luôn nổi lên rất nhiều suy nghĩ, hết ý nọ đến ý kia dù con luôn cố gắng chú tâm vào xâu chuỗi hoặc quán tượng Phật trước mặt. Con nghe nói nếu niệm phật tu hành với đại chúng thì sự nhiếp tâm sẽ dễ hơn vì có sự cộng tu và thần lực lan tỏa. Có phải đó là lý do con không được sự định tĩnh và luôn loạn động vì tu một mình? Thêm vào đó, cứ đang niệm Phật hay lạy Phật giữa chừng thì mắt con thường bị cay, nước mũi chảy dài rất kỳ lạ vì bình thường không có và con không có bị bệnh? Xin Sư cho con biết tại sao? Con phải niệm Phật như thế nào để được nhất tâm và niệm trong bao lâu mới đạt được điều này? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.
ĐÁP:
I .Người phát tâm tu niệm Phật Tịnh độ dù bất cứ ở đâu, ở chùa, ở non núi, ở nhà hay giữa chợ đời niệm cũng được, miễn Bạn một lòng chí tâm niệm.
Thường thì Phật tử nghe nói đến chí tâm niệm Phật là nghĩ ngay đến phải ở chùa, ở non núi mới niệm Phật nhất tâm. Vì nghĩ như thế mới loạn niệm đó, chớ thường thì Bổn sư dạy niệm Phật là dạy về nhà ráng niệm Phật, như Sư thì khuyên kết khóa lễ niệm Phật tại gia mới có cơ sở nhất tâm. Bạn nhất tâm niệm, niệm Phật như ý muốn.
Nói như vậy để Bạn thấy rằng, ở nơi Bạn không có đạo tràng không có chùa chưa hẳn là niệm Phật không được. Nếu Bạn thọ pháp tu rồi ở tại gia niệm vẫn chánh niệm, lần lượt Sư sẽ hướng Bạn đến chánh niệm.
Lần chuỗi niệm Phật
Trước khi cầm đến xâu chuỗi phải xem trước sau việc nhà đã xong chưa, tắm rửa sạch sẽ, mặc áo quần rộng rãi thoải mái, mặc áo tràng, niệm bài:
Thiện tai giải thoát phục
Bát tra lễ sám y
Ngã kim đảnh đới thọ
Thế thế thường đắc phi
Nam Mô A Sa tràng Bồ Tát ma ha tát
Mặc áo xong rồi mới đến trước bàn thờ Phật xem lại ngôi Tam bảo, đâu đó trang nghiêm. Nếu là lần chuỗi trường 108 hột thì phải ngồi bán già, hoặc kiết già (nếu được), ngồi thẳng lưng hai tay cầm xâu chuổi. Bàn tay trái lần từng hột chuỗi, mỗi hột niệm mỗi câu Nam Mô A Di Đà Phật, lần từ từ, từng hột chuỗi từng câu niệm Phật, hiệp với tâm ý cho thong dong tự tại... Trái châu của xâu chuỗi lúc nào cũng phải ở trên, khi trái châu được lần đến tay phải, Bạn xây trở xâu chuỗi làm sao cho trái châu lúc nào cũng ở trên, cho đến khi lần trái châu quá tay trái, xây trở lại cho trái châu ở trên, cứ như thế Bạn lần chuỗi niệm Phật. Nếu khả năng niệm nhiều chừng 20 phút thì rất tốt, bằng không thì chỉ niệm 10 xâu chuỗi niệm Phật là đủ một thời niệm Phật dành cho Bạn. Khi lần chuỗi niệm bài nầy:
Bồ đề nhứt bá bát
Diệt tội đẳng hà sa
Viễn ly tam đồ khổ
Xích xắc hóa liên hoa
Nam Mô Định Tâm Vương Bồ Tát ma ha tát
Nếu lần chuỗi 18 hột thì niệm 60 xâu, cầm chuỗi tay trái, niệm bài:
Vận chuyển càng khôn tóm một xâu
Ba ngàn thế giới trọn tay thâu
Bồ đề 18 thiền tâm định
Sáu chữ Di Đà báu tợ chậu
Nam Mô Định Tâm Vương Bồ Tát ma ha tát
Niệm đủ danh hiệu Phật rồi, tiếp niệm
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát (3 lần)
Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát (3 lần)
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát (3 lần)
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát (3 lần)
Tiếp đọc bài:
Ngưỡng nguyện Bổn sư Vô Lượng Thọ
Quan Âm, Thế Chí Thánh Hiền Tăng
Đồng triển oai quang phổ chiếu lâm
Cộng tứ minh gia hàm cứu bạt
Vô thỉ kim sanh chư tội chướng
Lục căn tam nghiệp chúng khiên vưu
Nhứt niệm viên quang tội tánh không
Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh.
Niệm hồi hướng
Nguyện đem công đức niệm Phật nầy
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đồng sanh Tây phương Cực lạc thế giới
Đồng thành Phật đạo
Quán tượng niệm Phật:
Ở nhà Bạn tôn trí bàn thờ Phật sao cho vừa tầm nhìn khi đến trước bàn Phật, đứng thẳng nhìn tượng Phật A Di Đà cảm thấy không mỏi mắt. Trước khi niệm Phật, Bạn chuẩn bị các bước như đã hướng dẫn trên. Khi đối trước tượng Phật hai tay hiệp chưởng, xếp hai ngón tay cái vào nhau, không so le ngón tay, hai ngón tay út ép sát vào hai ngón tay áp út, hình thành như búp sen, để trước ngực, đôi mắt nhè nhẹ ngắm nhìn tượng Phật, ngắm nhìn tượng Phật mà niệm Phật, sẽ nhiếp tâm niệm Phật.
Cách niệm Phật như hướng dẫn bài trên.
(Hám mục tức là đôi mắt mở 1/3 sẽ không nóng mắt không chảy nước mắt, không chảy nước mắt thì không chảy nước mũi, muốn không chảy nước mũi thì cho phép đội mũ len trong lúc niệm Phật)
Niệm Phật phải nhiếp tâm, niệm ...Nam...Mô...A...Di...Đà...Phật..., chầm chậm mà niệm, không gấp, không huởn, không ít cũng không nhiều, không tham niệm, không niệm quá ít, không tranh thủ niệm cho xong, thật rảnh rang mà niệm...dù cho các ý tưởng khác có sanh khởi trong lúc niệm Phật, Bạn vẫn nhẹ nhàng nhiếp tâm niệm:
...Nam...Mô...A...Di...Đà...Phật..., ...Nam...Mô...A...Di...Đà...Phật..., vọng niệm khởi là khởi, Bạn niệm Phật là niệm Phật, tức là Bạn đã vượt qua được lọan động sanh khởi rồi đó. Ban cứ niệm như thế cho đến khi hết thời khóa là trọn vẹn khóa tu niệm Phật và chánh niệm.
Giữ chánh niệm
Đời sống thường nhựt, ai mà không giao tế, ai không tiếp xúc ngọai cảnh, tuy nhiên trước khi niệm Phật, trước đó một giờ, các Bạn dừng lại tất cả sinh họat thường nhựt, không gia tăng sinh họat liên tục, giúp cho sự suy viễn đắn đo cũng giảm theo. Bạn không lo âu phiền muộn, không sân si thùy dụ, không đôi co chán chườn, không rũa sả cười giởn lung tung, mọi việc ăn uống, bếp núc, may vá, nhìn chung các việc nặng nề về tay chân, về trí óc giảm nhiều chừng nào tốt chừng đó. Bước chuẩn bị niệm Phật như vậy xem chừng cũng đủ, đấy là cách để giúp Bạn niệm Phật giảm bớt lọan động, thêm nhiều chánh niệm.
Chánh niệm là sự tỉnh giác, không quên niệm, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, biết rõ những gì phát sanh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. Chánh niệm là sự biết rõ (tuệ tri) được những gì đang có mặt, đang xảy ra. Trong Phật giáo Nguyên thủy, chánh niệm là trái tim của thiền tập, là nguồn năng lượng quán chiếu không thể thiếu của một thiền giả; là cột trụ, là cốt tủy trong đạo Phật. Dù tu theo bất cứ pháp môn nào, không riêng pháp môn niệm Phật Tịnh độ, điều tiên quyết là phải thực tập cho mình có chánh niệm.
Chánh niệm trong pháp niệm Phật, niệm Phật đại chúng và niệm một mình Bạn cũng là niệm Phật, chánh niệm cũng như nhau, cũng cân đối không hai không khác. Chánh niệm tức là không có niệm khác, chỉ nhiếp niệm Phật. Tuy nhiên trong quá trình nhiếp niệm thì niệm Phật cùng đại chúng nhiếp niệm dễ dàng hơn, vì có sự trợ duyên lẫn nhau, sự trợ lực tương tác nhiều hơn, nhưng niệm một mình mà nhiếp niệm thì dũng mãnh hơn, không có gì phải so sánh.
Sự tu hành quý ở chỗ Bạn có tâm, đó là túc căn sẵn có, ít có niệm thối chí nản lòng, luôn dũng mãnh như sư tử “tâm vương” ngự phục muôn thú “hôn trầm, thụy miên, biếng nhác, trễ nải, điệu cử, phẩn hận” làm tiêu hao năng lượng. Năng lượng hằng ngày tiêu hao nhiều thì niệm Phật bị hôn trầm thụy miên cám dỗ bấy nhiêu, khó mà chánh niệm.
Pháp giới nhứt tướng chuyên chú vào một chỗ gọi chánh niệm (kinh Bát Chu Tam muội). Bạn ơi nên giữ gìn năng lượng và môi trường sống hằng ngày cho thật nhiều, như trời mưa nhờ có rừng giữ nước thì dân tình ít bị lũ quét, lũ bão mưa giông. Năng lượng kém như rừng bị phá, mưa nhiều lụt nhiều, như Bạn càng ngồi niệm Phật nhưng vọng niệm vẫn dấy sanh càng thêm thắt ngặt, thối chuyển nặng nề ngày càng thêm lớn mạnh, bỏ cuộc.
Như một người nghiện cà phê sáng, nguyện bỏ cà phê, mới đầu còn nhớ cà phê sáng (vọng niệm). Tthời gian trôi đi quen dần không còn nhớ cà phê nữa (bớt vọng niệm), tiếp tục nguyện bỏ cà phê (tinh tấn niệm Phật), quên buổi sáng uống cà phê (không còn vọng niệm), chỉ còn tâm trống rỗng (niệm Phật), việc bỏ cà phê sáng thành công (chánh niệm).
Nam Mô A Di Đà Phật...Nam Mô A Di Đà Phật... Nam Mô A Di Đà Phật
Chánh niệm là niệm vững vàng
Không chánh là niệm duyên phan nửa vời
Tâm như vượn nhảy nhiều nơi
Không ngừng nghĩ dưỡng cho vơi não phiền
Niệm Phật thường bị thụy miên
Tâm nhơn pháp đó đảo điên lằng nhằng
Niệm Phật dứt bỏ hôn trầm
Là nghiệp chí cốt si tâm muôn đời
Niệm Phật thì phải thảnh thơi
Đừng để triệu cử rối bời tâm cang
Si mê nghiệp đổ muôn ngàn
Đi vào sanh tử lại càng sa chân
Dục ái dục nhiễm khổ thân
Ra khỏi dục ái chánh nhân hiện tiền
HT Thích Giác Quang