VẤN: Hàng ngày, con đều cố gắng công phu tụng kinh niệm Phật và thực hiện theo nghi thức trong kinh nhật tụng. Tuy nhiên con có điều thắc mắc là khi chuẩn bị vào thời khóa công phu hằng ngày, con có nên mời chư vị pháp giới xung quanh cùng con niệm Phật hay không ? Hay chỉ mình con niệm Phật rồi sau đó hồi hướng đến tất cả pháp giới ? Thập phương pháp giới là gì? Cõi tam thiên đại thiên thế giới nghĩa là gì? Có phải đó là chư Phật, Bồ Tát, oan gia trái chủ hay cửu huyền thất tổ? Con kính chúc Sư thân tâm thường lạc, Phật đạo viên thành.
ĐÁP:
Trước nhất xin giảng về từ Phật học “công phu”, nói cho đủ là “công phu, công quả”. Công là việc làm, phu là người làm việc (tự điển Việt Nam của Thanh Nghị) Công phu có nghĩa là hiệu quả của sự tu hành, trong nhà thiền goi việc siêng năng tu hành tinh tấn là công phu tọa thiền, công phu tham cứu, công phu biện đạo (tự điển Phật học Huệ Quang của HT Thích Minh Cảnh, chủ biên). Công quả là công việc lành đem lại hiệu quả tốt. Ngoài ra còn có thành ngữ Phật học là “công phu công quả vận thủy ban sài”, nghĩa là người làm việc tốt, việc lành có hiệu quả, gánh nước bửa củi trong chùa
I .
Ý nghĩa công phu
Chư Tăng Ni hay Phật tử siêng năng tụng kinh niệm Phật, hằng ngày kết khóa tu đúng theo thời dụng biểu không lui trễ goi chung là công phu. Công phu còn là làm việc Phật pháp có hiệu quả, như hộ trì Tam Bảo, làm các Phật sự khó làm, như Giám Trai sứ giả Bồ Tát chuyên lo gánh nước bửa củi, làm những việc nặng nhọc thay thế trong nhà chùa. Ngày nay việc công phu là sinh hoạt thông dụng không những dành cho chư Tăng Ni tụng kinh niệm Phật, tham thiền học đạo, tác pháp biện sự mà còn dành cho cả Phật tử nữa. Công phu là danh từ chung trong giới thiền lâm, ai cũng phải biết.
Trong giáo pháp nhà Phật, người tụng kinh Phật, tả kinh, dịch kinh, sọan kinh, thuyết kinh đều là những sinh hoat công phu công quả trong nhà chùa, Trong Kinh Pháp Hoa, Phật có giảng vị trí nầy là Pháp sư (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Pháp Sư công đức).
Xưa nay ít có nghi thức tụng niệm nào hướng dẫn Phật tử trước khi tụng kinh mời Thập phương pháp giới, chư Thiên, chư vị chư thần xung quanh đến cùng nghe kinh, cùng niệm Phật. Nhưng trong bài cầu nguyện có thỉnh chư vị Bồ Tát, chư Thiên, chư Thần, vì chánh pháp của chư Phật đến hộ trì hành giả tụng kinh, triệu thỉnh chư hương linh chúng sanh trong mười phương, trong đó có cửu huyền thất tổ ông bà cha mẹ quá thế nhiều đời đến nghe kinh.
Trong các nghi thức tụng kinh Kinh Kim Quang Minh, Kinh Pháp Hoa, Kinh Phạm Võng phần cuối có bài
Trời, A-tu-la, Dạ-xoa thảy Đến nghe pháp đó nên chí tâm:
Ủng hộ Phật Pháp khiến thường còn Mỗi vị siêng tu lời Phật dạy
Bao nhiêu người nghe đến chốn này
Hoặc trên đất liền hoặc hư không Thường với người đời sanh lòng từ
Ngày đêm tự mình nương pháp ở
Nguyện các thế giới thường an ổn
Phước trí vô biên lợi quần sanh
Bao nhiêu tội nghiệp thảy tiêu trừ
Xa lìa các khổ về viên tịch.
Hằng dùng giới hương xoa vóc sáng
Thường trì định phục để giúp thân
Hoa mầu Bồ-đề khắp trang nghiêm
Tùy theo chỗ ở thường an lạc.
Bài cầu nguyện:
Hàng xuất gia hay tại gia trước khi khai khóa lễ tụng niệm có những việc phải làm: niệm hương, bạch Tổ, lễ Tổ xong - đến Chánh điện đọc bài kiến Phật - sau bài nguyện hương là bài cầu nguyện, nội dung có 4 phần chính như sau:
* Phần thứ nhất: vị chủ lễ bạch Phật làm lễ cúng khai kinh cầu an, hay cầu siêu, tụng kinh niệm Phật.
* Phần thứ hai: triệu thỉnh hương linh người quá cố đến nghe pháp nghe kinh.
* Phần thứ ba: Hồi hướng cầu nguyện cầu siêu cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ quá thế nhiều đời siêu sanh lạc quốc (tưởng niệm). Cập cầu nguyện thế giới hòa bình, bãi chiến đao binh, cầu nguyện cho quốc thể Việt Nam hòa bình độc lập, gia đình vạn dân an cư lạc nghiệp
* Phần thứ tư: Phụng thỉnh 10 phương chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng giáng lai lâm đạo tràng chứng minh công đức, hay chứng minh Phật sự
Như vậy trong bài cầu nguyện có triệu thỉnh chư hương linh cửu huyền thất tổ đến nghe tụng kinh, nương công đức nầy mà siêu sanh Tịnh độ, hoặc cầu an vạn gia bá tánh. Đối với Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng thì vị chủ lễ thỉnh chứng minh.
II .
Kinh Tam Bảo (tác già Đoàn Trung Còn)
Quyển kinh Tam Bảo do Cụ Đoàn Trung Còn biên dịch, nhà xuất bản Phật học tòng thơ phát hành năm 1960. Nội dung có kinh A Di Đà, Kinh Hồng danh bửu sám, kinh Vu Lan, Kinh Phổ Môn, kinh Kim Cang bát nhã, có cả nghi thức tụng niệm, thời công phu khuya, thời công phu chiều, Cứu khổ chơn kinh, Quan Âm Bạch Y Chú, kinh cúng sao, những ngày vía Phật, Bồ Tát...
Trong nghi công phu khuya trình bày ngắn gọn, nhưng súc tích, như bài chú rửa tay, chú rửa mặt, chú súc miệng - Lễ tổ, lễ Phật - Niệm hương - chú Phổ lễ Tam Bảo - bài nguyện chuông - chú phá địa ngục - các bài chú Tịnh khẩu nghiệp chơn ngôn - Tịnh thân nghiện chơn ngôn - Tịnh tam nghiệp chơn ngôn - Án thổ địa chơn ngôn - Hộ pháp chú - Vào kinh Tán bài Dương Chi tịnh thủy - Tụng thần chú thủ Lăng Nghiêm - Tụng chú Đại Bi - Tụng Thập Chú.
Như vậy nghi thức tụng công phu khuya trong quyển kinh Tam Bảo xưa không thấy có hướng dẫn thỉnh mời chư vị, chư thần nào đến cùng Tăng Ni tụng kinh, hay nghe Tăng Ni tụng kinh niệm Phật. Tuy nhiên trong chương tụng kinh Kim Cang bát nhã ba la mật, có tụng bài Hương tán - Tịnh khẩu nghiệp - Tịnh thân nghiệp - Tịnh tam nghiệp - Án thổ địa chơn ngôn - Phổ cúng dường chơn ngôn - Phụng thỉnh bát Kim Cang - Phụng thỉnh tứ Bồ Tát - Phát nguyện tụng kinh.
Ở phần tụng kinh Kim Cang bát nhã, quyển Kinh Tam Bảo nầy cùng với các bản kinh xưa nay đều có hướng dẫn phụng thỉnh tứ vị Bồ Tát, bát bộ Long thần Kim Cang đến hộ trì người tụng kinh.
Cũng có lúc các vị đến nghe pháp, như trong nghi thức tụng Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa có bài kệ:
Cúi lạy đấng Tam-giới Tôn, Quy mạng cùng mười phương Phật
Con nay phát nguyện rộng
Thọ trì kinh Pháp-Hoa
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có kẻ thấy nghe
Đều phát lòng Bồ-đề
Hết một báo thân này
Sanh qua cõi Cực-Lạc.
Nghi thức tụng niệm Tịnh Độ Non Bồng
Trong quyển Nghi Thức Tụng Niệm Tịnh Độ Non Bồng thì không có hướng dẫn đảnh lễ chứng minh do soạn giả giảm bớt bài lễ thỉnh cho phù hợp với cách tụng niệm của các hệ phái. Nghi thức tụng niệm năm 1960 chư Tăng Ni Non Bồng trước khi khai kinh có lễ: thỉnh mười phương Tam Bảo, lễ 10 vị Phật, Bồ Tát, Thầy Tổ tác đại chứng minh. Sau thời kinh cũng niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát, Thầy Tổ chứng minh và hồi hướng công đức khắp pháp giới chúng sanh.
Trước khi vào kinh có bài văn phát nguyện triệu thỉnh chúng sanh ở các thế giới khác trong mười phương đến nghe Tăng Ni tụng kinh. Việc thỉnh Phật chứng minh, triệu thỉnh nghe kinh làm tăng phước lực, trí tuệ sung nghiêm giúp cho chư Tăng Ni tụng niệm rất nghiêm túc, trang nghiêm báo thân, tam nghiệp thanh tịnh, không dám có hành vi thô hạnh, không có những lỗi lầm vi tế trong lúc tụng niệm.
III .
Ý nghĩa hồi hướng pháp giới
Hồi hướng là hạnh nguyện của chư Phật, Bồ Tát, của người tu không luận là xuất gia hay tại gia. Sau khi làm việc Phật sự nào xong người đệ tử Phật cần hồi hướng những kết quả nầy đến với pháp giới chúng sanh đồng cộng huởng phần công đức, tức là chia sẻ những niềm vui chung trong cộng đồng. Đó là hạnh nguyện của Bồ Tát, pháp tu hồi hướng môn của liên hữu tu Tịnh độ.
Chia sẻ trong Phật pháp
Người thế gian thì chia sẻ như thế, còn người tu Phật thì hồi hướng pháp giới chúng sanh đồng sanh Tây Phương Cực Lạc, tức là chia sẻ những kết quả cứu cánh giải thoát đến với mọi người. Như vậy thì Phật tử chúng ta ngay trong thời kinh cũng có thỉnh mời chư thiên, chư thần, chúng sanh trong nhiều pháp giới đến nghe tụng kinh và hộ trì người tụng kinh. Đồng thời tụng kinh xong, xin nguyện hồi hướng công đức nầy đến với pháp giới trong mười phương là đúng
Chia sẻ theo thế gian
Trong sinh họat cộng đồng của người Ấn xưa, khi lao động hay làm việc gì xong, họ thường nắm tay nhau hô to:”ta ba la mật”! “ba la mật”, tức là xong rồi, xong rồi các Bạn ơi (Biện chứng giải thoát trong tư tưởng Ấn độ). Tại Việt Nam thì vừa mừng thành quả vừa vui tươi thêm sức làm việc bằng câu:” Hò dô ta! Hò dô ta! Là hò dô ta!”
IV
Ý nghĩa thập phương pháp giới
Cũng gọi mười phương pháp giới, tức là các thế giới trong khắp mười phương. Cũng tức là cõi tâm linh trong nhà Phật, gồm thế giới Phật, 5 thế giới thiện nghiệp,1 thế giới có thiện nghiệp, có ác nghiệp và 3 thế giới ác nghiệp.
Phật:
1/. Pháp giới Phật là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, giải thoát sanh tử luân hồi. Là bậc có lòng từ bi hỷ xả, nhiều phân thân biến hóa khôn lường trong thế gian để cứu khổ chúng sanh.
Thiện nghiệp:
2/. Pháp giới Bồ Tát là bậc tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ
3/. Pháp giới Duyên Giác tu thập nhị nhơn duyên, chứng đạo trong quá trình nhơn duyên quả, các pháp vốn không tự tánh, duyên hợp huyển có.
4/. Pháp giới Thanh Văn tu tứ đế, khổ đế, tập đế,diệt đế và đạo đế
5/. Pháp giới Trời tu thập thiện nghiệp, không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối khoe khoang, đâm thọc, rủa sả, tham lam, sân giận, si mê
6/. Pháp giới Người giữ gìn ngũ giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa sả, không uống rượu, tham lam, sân giận, si mê.
Có thiện có ác:
7/. Pháp giới A tu la, thần phi thiên, nữ nhân hình đẹp, nam nhân xấu xí, thường xuyên chiến đấu với chư Thiên. Tâm không đoan chánh như chư Thiên, A tu la cũng là lọai thần thường hộ trì chánh pháp, khi Phật thuyết pháp ở đâu thần nầy thường đến đó để hộ trí chánh pháp.
Ác nghiệp:
8/. Pháp giới địa ngục, si mê, những kẻ ác độc, tuy ở đời nầy nhưng tâm hồn đã ở địa ngục rồi đó. Về sự thì địa ngục là nơi có đủ mọi tội khổ bị đày đọa triền miên. Địa ngục là những kẻ lỗi lầm, người phạm những tội lớn như ngụ nghịch, thập ác.
9/. Pháp giới ngạ quỷ, lòai ma quyỷ đói khát, một lọai chúng sanh vì mắc quả báo, hồi ở dương thế do bỏn sẻn, rít rắm để cho mọi người bị đói khát, nên đến thác bị đọa vào hàng ngạ quỷ.
10/. Pháp giới súc sanh là loài yếu hèn, lòai súc vật thấp bé, mà người ta thường nuôi để lấy thịt. Súc sanh có hai đường tiến hóa: một là tiến hóa theo loài rong, nước, cỏ cây mà sanh lên, hai là do thiếu nợ người thế gian nên sanh làm trâu bò, ngựa heo để đền mạng mà trả quả báo. Trả quả đến không kịp sanh lên làm người thóat khỏi thú cầm.
Pháp cũng tức là cõi pháp, trong quá trình duyên khởi các nhân tố của vạn vật thường duyên với nhau mà thành, như núi sông, con người, tốt xấu, phải quấy gọi là pháp giới. Các bậc Bồ Tát do tu luc độ vạn hạnh, Duyên Giác do tu thập nhị nhơn duyên mà đắc đạo; chúng sanh si mê không giác ngộ thuộc pháp giới địa ngục, chúng sanh bỏn sẻn thành ngạ quỷ, chúng sanh đam mê ái dục thành súc sanh.
Pháp cũng tức là cõi tâm, nhứt thiết duy tâm tạo, làm Phật cũng từ tâm, làm chúng sanh cũng từ tâm; cho nên trong kinh Hoa Nghiêm có câu:
V .
Tam Thiên đại thiên thế giới
Theo tự điển Phật học của Cụ Đoàn Trung Còn xuất bản năn 1968 thì tam thiên đại thiên là thề giới lớn, như ta bà thề giới, trong đó có 1.000 thế giới nhỏ hiệp thành 1 tiểu thiên thế giới - nhân cho 1.000 thế giới nữa thành 1 trung thiên thế giới - nhân cho 1.000 thế giới nữa thành 1 đại thiên thế giới
Chúng ta có:
* Thế giới nhỏ, gọi là tiểu thế giới tương ứng từng trời Sơ Thiền, tầng thiền thứ nhất trong cõi tứ thiền, thuộc sắc giới, gồm có các tầng trời nhỏ như Phạm thân thiên, Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Đại phạm thiên.
* 1.000 tiểu thế giới nhơn thành tiểu thiên thế giới, tương ứng từng trời nhị thiền. Là cảnh giới thứ hai trong cõi tứ thiền, thuộc sắc giới gồm có Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Quang âm thiên.
*1.000 tiểu thiên thế giới nhơn thành trung thiên thế giới tương ưng từng trời tam thiền . Là cảnh giới thứ ba trong cõi tứ thiền, thuộc sắc giới, gồm có: Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên.
* 1.000 trung thiên thế giới nhơn thành đại thiên thế giới, tương ưng từng trới tứ thiền là từng thiền thứ tư trong cõi tứ thiền, thuộc sắc giới. Chư Tiên trong cõi nầy không còn ăn uống, không đắm sắc dục. Song vẫn còn mang hình thể, mê đắm vật chất thích ở cung điện, gồm có Vô vân thiên, Phước quả thiên, Quảng quả thiên.
*1.000.000.000 thế giới nhỏ gọi là đại thiên thế giới. Do nhân 3 lần thế giới nhỏ nên gọi là tam thiên đại thiên thế giới. (tự điển Phật học - Đoàn Trung Còn).
Thế giới chúng ta đang sống không phải chỉ có hành tinh địa cầu, mà là thế giới ta bà, gồm có Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới do Đức Bổn Sư Thích Ca hiện đang làm Giáo chủ (tam giới độc xưng tôn, thiên nhơn chi đạo sư), cũng gọi là cõi trung thiên. Trong thế giới ta bà có nhiều hành tinh, hằng hà sa số thế giới hiện diện xung quanh hành tinh địa cầu và hằng hà sa số những thế giới ngoài thế giới ta bà. Các thế giới đó cũng có những cung bậc cuộc sống như “con người” ờ hành tinh địa cầu, nhưng vì nhục nhãn của “con người” có giới hạn, không có tầm nhìn xa hơn 10 km, 20 km hoặc 30 km được. Các sinh họat thấy nghe hay biết của “chúng sanh” hành tinh “địa cầu” khác với thấy nghe hay biết của “chúng sanh” ngoài hành tinh “địa cầu” . Do xa tít và khác nhau như vậy nên “con người” ở hành tinh địa cầu gọi các thế giới trong không gian vô tận kia là các cõi hư vô, các thế giới vô hình là vậy.
VI .
Như đã dẫn giải, thì tam thiên đại thiên thế giới tương đương với bốn từng trời, gọi là cõi tứ thiền, thuộc sắc giới. Cõi nầy đã vượt qua dục giới, không còn có những cảnh sống chung, như vợ chồng ở thế gian, không sanh con đẻ cái như người trần, không có cảnh chung đụng nam nữ như người trần, cuộc sống tâm linh vô cùng trong sáng thảnh thơi an nhàn. Sắc giới có 20 cảnh, trong đó Tứ thiền thiên choán hết 13 cảnh, còn 7 cảnh trên là Tịnh phạm địa. Song kể chung 20 cảnh miền sắc giới là cảnh Phạm Thiên, theo Đức Phật thì Phạm Thiên (Brhama) thuộc đấng tối cao của đạo Bà la môn (Ấn giáo)
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, trước khi nhập diệt, Đức Phật Thích Ca nhập định từ Sơ Thiền lên Nhị thiền, từ Nhị thiền lên Tam thiền, từ Tam thiền lên Tứ thiền và ứng tận hoàn nguyên trở lại từ Tứ thiền xuống Tam thiền, từ Tam thiền xuống Nhị thiền, từ Nhị thiền xuống Sơ thiền và cứ như thề Đức Phật chuyên sâu vào đại định lên xuống, tự tại vào ra 3 lần cho đền khi Niết Bàn (Kinh Đại bát Niết bàn - phẩm Ứng Tận Huờn Nguyên)
Tam thiên đại thiên thế giới hay là cõi Tứ thiền, nơi đó chỉ có chư Tiên, chư Thiên, các bậc tu hành đắc quả đến Tứ thiền, đến Tịnh phạm địa. Đức Phật là Thầy của cảnh giới nầy (Thiên nhơn chi đạo sư), các vị Bồ Tát giảng kinh nơi thế giới nầy (như ngài Vô Trước, ngài Thế Thân ở vào thế kỷ thứ 4, thứ 5 sau Tây lịch), các bậc Thanh Văn, Duyên Giác, các tôn giả Sa môn đệ tử Phật, đắc quả hữu dư y Niết Bàn sanh lên các từng Trời nầy, các bậc đạo sư Ấn giáo là bậc xuất thế chuyên tu thiền định đều đạt đến cảnh giới cao nhất Tịnh Phạm địa như Sắn Đề Đề Bà (Thầy của Bồ Tát Sĩ Đạt Ta)
Chính vì lẽ đó ở cõi tứ thiền là cõi siêu thoát, không có những môi trường trần tục, không có cảnh oan gia trái chủ và chỉ một điều duy nhất các bậc ấy luôn chuyên tâm thiền định cho đến khi vượt ra khỏi miền vô sắc giới, ra khỏi tam giới, đắc đạo, đến cứu cánh Đại Niết Bàn.
Tụng kinh niệm Phật cần chuyên
Tâm thanh tịnh trí gieo duyên tại tiền
Niệm Phật theo lời khẩu tuyên
Không niệm lơ láo làm phiền bá gia
Tịnh tâm gắng giữ đạo nhà
Trau câu niệm Phật Di Đà chớ quên
Tụng kinh là để đáp đến
Ông bà cha mẹ bước lên liên đài
Tụng kinh chớ có đơn sai
Dung hòa pháp giới tháng ngày không quên
Tụng và cầu nguyện cho bền
Âm dương hai nẻo cửu huyền siêu sanh
Phật tử một dạ chí thành
Hướng về nguồn cội vang danh họ hàng
Tam thiên thế giới mây ngàn
Tứ thiền là cõi đẹp sang huy hoàng
Không có xú uế dọc ngang
Ái ân không có sang đàng cũng không
Ai về đến đó một lòng
Xả bỏ thế tục tâm không tịnh thiền
Thập pháp giới cõi hoàng thiên
Có thiện có ác có hiền khổ không
Đến thời kinh nguyện vẫn đồng
Thỉnh Phật, Bồ Tát chứng lòng của ta
Triệu thỉnh hương linh ông bà
Chư thiên, Hộ pháp gọi là nghe kinh .
HT Thích Giác Quang