VẤN: Xin Sư cho con biết những bộ kinh Mật Tông, như bộ “Lục Tự Thần Chú Vương Kinh” có phải do Đức Phật thuyết pháp và là pháp Phật không? Mật Tông là gì và xuất pháp từ đâu? Có phải người tu theo Mật Tông sẽ có một năng lực nhiệm màu có thể cứu giúp rất nhiều người, biết được quá khứ vị lai, quyết định sự tái sanh vào đâu như các vị Lạt Ma không? Ai có thể tu hành theo Mật Tông và cần những yêu cầu gì để tu hành có hiệu quả? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

I.Bộ Kinh Mật tông gồm có 572 bộ Kinh, chia làm 995 quyển, bài giảng nơi đây đâu thể kể cho hết được. Trước nhất Sư sẽ trích một số nét đại cương về phẩm Kinh được các nhà phiên dịch đương đại thực hiện, theo thỉnh cầu của Phật tử

Kinh Luc Tự Thần Chú Vương Kinh nằm trong Mật tạng Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, gồm 4 tập, Lục Tự Thần Chú Vương Kinh thuộc tập thứ 3, kinh số 1045, trang 39-41, bản tên vị phiên dịch từ Phạn văn ra Hán văn bị mất, Việt dịch Huyền Thanh.

Bản Khai nguyên Thập Dị Biên, lục chép ra trong đời nhà Lương, thế kỷ thứ VI, Việt dịch Tỳ kheo Thích Viên Đức, năm 1970. Hiện thư viện Quan Âm Tu Viện có lưu trử tạng thánh điển Mật tông và bản Luc Tự Thần Chú Vương Kinh.

(Thành tâm đảnh lễ giác linh Pháp sư Tỳ kheo Thích Viên Đức, người có công đức tu hành trong giới Mật Tông Việt Nam và có nhiều công đức dịch kinh sách Mật Tông cho hành giả tu mật tông Việt Nam và những người nghiên cứu tu học Phật trong đó có chúng tôi. Nay xin phép dịch giả trích lục phẩm Lục Tự Thần Chú Vương Kinh để hướng dẫn Phật tử học và tu)

Lục tự Thần chú Vương kinh được Đức A Nan thuật lại, thời điểm Đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong huê viên của Thái tử Kỳ Đà, có một phụ nữ ngoại đạo Chiên Đà La chuyên làm nghề ác, ếm đối, thờ các vị thiện thần để gợi niềm tin, thờ các vị ác thần để gieo họa cho người. Lúc bấy giờ Đức A Nan và một số người hốt hoảng. Phật thấy thế Ngài vì lòng từ bi đem bài thần chú của ba đời chư Phật ra tuyên thuyết

An Ðà Lệ, Bát Ðà Lệ, Ca La Chi Sí Do Lệ, Ðế Xà Bà Ðế, Tần Ðầu Bà Ðế, Ðà Ðầu Lệ, Ðà Cưu Ðế Lệ, Ðà Cưu Ma Ðế, Tu Ma Ðế, An Ðà La Bàn Ðà La, Ðàn Ðà la Ðề Ðâu La, Ðà Na Diên Ðà, Mạn Ðà Bà Ðế, A Na A Na Dạ, Ma Ðậu Ma Bà Ðế, Ca La Tra Sí Do La Phù Ðắng Dà Di, Ðế Ám Bà Ðế, Tần Ðầu Ma Ðế, A La Bà Dà Ðế, Tỳ Tra Tỳ Ðề Nị, Chất Tra Tỳ Ðề Nị, Chất Tra Tỳ Ðề Nị Ta Bà Ha.

Thần chú do Phật nói có 9 công năng để cứu vớt những người tu, người phát tâm gieo giống đạo bồ đề, người cải ác tùng thiện, quy y tam bảo, cầu đạo giải thoát

Công năng thứ nhất:

Chỗ nào có Lục tự Thần chú Vương Kinh này, hoặc đọc tụng hoặc thọ trì nhớ niệm, các ác nghiệp trọng chướng đã có thảy đều tiêu diệt. Tức nói chú rằng:

Khư Chi Khư Trụ Khư Tỳ Chi, Giam Thọ, Giam Thọ, Ða Chi, Bà Chi, Ta Bà Ha.

Công năng thứ hai:

Chúng sanh bị trù ếm nguyện nhờ chú này thường được an lành, cầu nguyện … ngày an đêm an, đêm ngày thường an. Sống lâu trăm tuổi, được thấy trăm thu. Bởi vì sao? Tối thượng trong thế gian không qua phép Phật. Trời người cung kính, chúng ma vâng phụng, ly dục không nhiễm. Tức nói chú rằng:

Khư Chi Khư Trụ Khư Tỳ Chi, Giam Thọ, Giam Thọ, Ða Chi, Bà Chi, Ta Bà Ha.

Công năng thứ ba:

Tối thượng trong thế gian không ai hơn Tăng, lương thiện phước điền, hiền Thánh cung kính, các thiện ủng hộ. Tức nói chú rằng:

Khư Chi Khư Trụ Khư Tỳ Chi, Giam Thọ, Giam Thọ, Ða Chi Bà Chi Ðâu Ðế, A Nĩ Ðế, A Châu Ðế, Ta Ba Ha.

Công năng thứ tư:

Nếu kẻ nào làm ác chú trù rủa, hoặc hòa hợp độc dược, hoặc chơn, hoặc ngụy, đã làm phi pháp. Hoặc thân trước hoặc thân này, làm các ác nghiệp, tất cả trọng tội thảy đều tiêu diệt. Tức nói chú rằng:

Ma hưu bà ô ma đế, ô ma đà đồ đà nĩ, khư ủ đà bà để đồ đà nĩ tần đầu ma đề, chất đế chất đa đề bà đồ đà nĩ, a bệ chiên a bệ, ta bà ha.

Công năng thứ năm:

Nếu có người hay tụng trì lục tự Thần Chú Vương Kinh, giả sử kiến chú vào cây khô, có thể được hoàn sanh nhánh lá, huống gì thân người, khiến người ấy được sống lâu trăm tuổi, được thấy trăm thu. Chư Phật đã nói, A Nan đã truyền. Nếu người đọc tụng thông suốt, đều tự hộ mình, các ác lìa thân, các điều thiện nhóm tụ. Nếu chú nguyện cho người khác, hay trừ các ác khổ hoạn cho người ấy. Người đọc tụng phải đoạn dứt ngũ tân, chí tâm thanh khiết, nhiên hậu mới làm. Các nạn hung họa không còn dư sót, đều được cát tường lợi ích. Tức nói chú rằng:

Ha ha giá lị, ha ha na di, ha ha phù đà ma đề, ha ha ni ha trá, ni cù sa, ha ha ni ha đà, khư ủ đà, ni tỳ sa khư ủ đà, i nĩ di nĩ, đà tệ, đà đà tệ, ta bà ha.

Công năng thứ sáu:

Kính lễ Tam-Bảo, kính lễ Thánh Trí Hải Biến Chiếu Trang Nghiêm Vương Như Lai. Kính lễ hết thảy Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác. Kính lễ Thánh A Phược Lô Chỉ Ðể Thấp Phạ La Ma Ha Tát Ðỏa, quy mạng như vậy rồi, vậy sau nói Thần chú, mong nhờ Thần chú này thường an lành. Kính lễ Thánh A Phược Lô Chỉ Ðể Thấp Phạ La, quán chiếu thân con (câu này xưng ba lần) thương xót con. Tức nói chú rằng:

Ô ha ni mộ a ni a đà ni a đà tỳ a đà xà tỳ ni đam tỳ ni, an đà lệ, bát đà lệ, tử bì đề, an đà la bà tử ni, tát lục đậu suất tra, ba la đậu suất tra, chất đảm diêm bà dạ, đam bà dạ, ma ha dạ da bà mậu la, đề na mậu giá đề, lô lụ chất tra na đà tử, lô lụ lô lậu chất tra bát đà tử, ta bà ha.

Công năng thứ bảy:

Chú này hay hộ tất cả ách nạn, vô cấu thanh tịnh giải thoát quang minh quán chiếu, cột trói tất cả kẻ tặc làm ác, không có mê hoảng, người niệm lành được cứu độ tất cả các ác ma nạn, hiện đời ủng hộ ngã thân, sư tử, voi điên, cọp beo, chó sói, khỉ, vượn và các ác cầm thú muốn hại người, khiến thảy bị trói. Tôi nay vì đệ tử … và cùng bạn đồng hành. Tất cả chú lực hướng đên chỗ nào đi đứng nằm ngồi nguyện thảy bình an. Tức nói chú rằng:

Tri Hê Rị, Tri Rị, Thâu Rị Ma Ðắng Kỳ, Chiên Ðà Rị Xoa La Xoa La La Da Ta Bà Ha.

Công năng thứ tám:

Kính lễ Tam-Bảo ắt nguyện chú này, khiến đại cát tường, khéo dùng chú pháp này, ngày đang dùng ấy tắm rửa sạch sẽ, y phục thanh tịnh, thân tâm điềm tĩnh, không được hành dâm, không ăn ngũ tân, không uống rượu thịt, không nói lời ác, phải lấy chỉ trắng, tay nắm giăng ra, tụng chú 7 biến, một biết một gút. Làm dây thành rồi, nếu có quan sự, bị lời thị phi, hoặc gặp tranh cãi, hoặc trù chú rủa, hoặc bàn mưu sàm tấu, vu cáo bậy bạ, và tất cả các ác, lấy chú gút này đeo nơi áo người, những nạn như trên thảy đều tiêu diệt. Sau việc qua rồi, thỉnh Phật Pháp Tăng thiêu các danh hương, trai Phạn cúng dường, thâm tu cầu phước, bi kỉnh báo Phật từ ân, chủ tự mở gút, phát đại nguyện rằng: Con cùng tất cả tứ sanh, vĩnh tuyệt bát nạn, sở nguyện cùng tâm. Tức nói chú rằng:

Hê đậu ma đế da xá bà đế, bà la sa thiên bà đế, ô thọ bà đế, uất đa la ni, a xoa dạ bà đế, a nâu thiên đế mục xí bà la bà mục đế, bà la bà chỉ đậu ta ha.

Công năng thứ chín

Kính lễ quá khứ vị lai hiện tại tất cả Thường trụ Tam-Bảo.

Kính lễ Thánh Trí Hải Biến Chiếu Trang Nghiêm Vương Như Lai.

Kính lễ tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác.

Kính lễ Thánh A Phược Lô Chỉ Ðể Thất Phạt La cứu khổ đại bi giả.

Kính lễ Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát, Tam Mạn Ða Bạt Ðạt La Bồ Tát, Từ Thị Bồ Tát, Khí Ấm Cái Bồ Tát, Tịch Căn Bồ Tát, Huệ Thượng Bồ Tát, Thường Bất Ly Thế Bồ Tát, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, Hư Không Tạng, Bảo Tràng, Khổng Tước Vương Ðà Ra Ni, Lục Tự Chương Cú, Dược Vương Dược Kiên Ý, Bất Ô Hạnh Ðẳng Bồ Tát Ma Ha Tát. Xưng các danh hiệu quy y như vậy, hết thảy Thánh chúng đắc đạo. Vậy sao nói Ðà Ra Ni Thần chú này. Tức nói chú rằng:

Ca ra ni ma đế, tỳ dũ đa ni, dà đế bà ra tỳ, da xá thủ la bà lệ, đà đề nâu đề tán đà bà đề, xá đà mục khư, uất đa la ni, xá đà bà ra tỳ xá tỳ thiên đà, ca rị xa, bà tát na bà dà đế, cưu xá la bà bà ni, a nâu sang đế tỳ san đế tri đế, a tri đế, than na dà đế, a than na dà đế, a bà ta rị, a xá ta ra nĩ, bà la nĩ mục lệ, mâu ra mâu ra bà đà lệ, xá ni bà ra lục, tu lê bà đế thù đế bà la lục, tu tỳ ma lệ yêm ma lệ, ta ha.

Khi nói pháp đây, tất cả Trời, Rồng, Bát Bộ, Quỷ Thần, nghe Phật Ngài nói, đều đại vui mừng làm lễ mà trở về.

Lục Tự Thần chú Vương kinh sở dĩ có là do câu chuyện của Đức A Nan không có khả năng giáo hóa về người phụ nữ ác: trù, ếm, làm tổn hại chúng sanh. Đức Phật giảng pháp nầy dành cho các vị trời rồng, quỷ thần tức là những bậc thiện thần, chư thiên không có mang thân như chúng ta trên hành tinh đến nghe Phật thuyết giảng, do đó kinh có vẽ như xa lạc với chúng ta.

Xuất xứ Mật Tông:

Mật Tông là một trong những tông phái của Phật giáo, cũng gọi là Mật thừa hay Kim Cương thừa, một số danh xưng khác, như: Chân Ngôn tông, Du-già tông, Kim Cang Đảnh tông, Tỳ lô giá na tông, Khai Nguyên tông, Bí mật thừa... được hình thành từ Phật giáo Đại Thừa. Mật Tông Phật giáo xuất phát từ Ấn Ðộ vào khoảng thế kỷ thứ 5-6 sau đó được truyền bá sang Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam... và đặc biệt là phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng. Ở Tây Tạng, Mật Tông còn được gọi là Kim cương thừa. Ở Trung Quốc bộ phái Kim Cương Thừa kết hợp với Thai Tạng giáo gọi Mật Tông.

Trước Mật Tông Phật giáo cũng có Mật Tông Ấn Độ là một phương pháp tu luyện tâm linh Ấn Độ, chỉ chung giáo lý bí truyền của Ấn giáo, tồn tại trong kinh Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư. Ngoài Mật Tông Ấn giáo còn có Mật tông Jaina, đạo Bon

Theo Mật Tông Phật giáo sự truyền thừa bắt đầu từ Đại Nhật Như Lai truyền cho Kim Cang Bồ Tát. Ông biên soạn hai quyển kinh Đại Nhật và Kim Cang Đảnh đem lưu lại trong một ngôi tháp. Long Thọ Bồ Tát mở tháp tiếp nhận hai quyển kinh này và được Kim Cang Bồ Tát chỉ dạy. Sau đó Long Thọ truyền cho Long Trí.

Mật Tông trong giáo lý Phật

Mật tông thuộc Bồ Tát thừa. Khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa, phái Thiên Thai Giáo Quán Tông, Ngài Trí Giả chia giáo pháp đức Phật ra làm tám hệ thống đưa người tu đến chứng ngộ và giải thoát: -1/. Đốn giáo - 2/.Tiệm giáo- 3/. Bí Mật giáo - 4/.Bất định giáo - 5/.Tạng giáo: Giáo pháp Tiểu thừa, dành cho Thanh Văn và Độc Giác Phật - 6/. Thông giáo: Giáo pháp tổng quát, bao gồm Tiểu thừa và Đại Thừa, dành cho Thanh Văn, Độc Giác Phật và Bồ Tát cấp thấp - 7/. Biệt giáo - Giáo pháp đặc biệt dành cho Bồ Tát - 8/.Viên giáo - Giáo pháp viên mãn, tức là giáo pháp trung quán phá bỏ mọi chấp trước (Thiên Thai Giáo Quán Tông)

Trong tám hệ thống trên, hệ thống Mật giáo đứng hàng thứ 3, tức là trong đời hành đạo Đức Phật có giáo hóa về những bài pháp tu Mật chú, Mật ngữ, nhất là lúc Đức Phật giáo hóa đồ chúng ở tại tịnh xá Kỳ Viên, múi Kỳ Xà Quật, nước Xá Vệ. Sau nầy các Trưởng lão hoằng truyền những Mật chú, Mật ngữ đó lập thành tông phái nên gọi là Mật tông

Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều đạo tràng Thiền tông, Tịnh độ tông kết hợp với Mật tông. Có nhiều tác giả dịch thuật những bài kinh thuộc tạng kinh Mật giáo như Thích Thiền Tâm, Thích Viên Đức, Thiền sư Nhẫn Tế, Kim Cang Thựơng Sư Thích Viên Thành dòng Drukpa - Bhutan viện chủ Chùa Hương - Hà Nội v.v..., ngoài ra còn có những vị tu theo mật pháp như Tịnh Danh Pháp Chủ, Nhật Quang, Phương Nghi Huyền Thạch Công, Kim Cang Sư Thích Minh Đức, Thượng toạ Thích Minh Hiền, Thượng toạ Thích Minh Trí, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác, Ni Sư Thích Viên Minh, Ni Sư Thích Bảo Tâm, Ni Sư Thích Thanh Tịnh, Ni Sư Huệ Đức.

Mật tông cũng như các tông phái khác của Phật giáo, đều do Đức Phật giáo hóa, đệ tử hành trì và tu chứng, đạt tiêu chí cứu cánh giải thoát.Tuy nhiên mỗi pháp môn do các Pháp sư, Trưởng lão đi hoằng truyền vào từng quốc gia, từng vương quốc, từng thời điểm, phương hướng xứ sở giáo pháp Phật truyền bá có khác. Có nơi chiêm ngưỡng các Pháp sư diệu dụng thần thông oai phong lẫm liệt, biết quá khứ vị lai, tái sanh để điều phục chúng sanh. Có nơi chúng sanh chiêm ngưỡng Pháp sư trang nghiêm, đạo hạnh nghiêm minh, giữ giới luật tinh nghiêm, có nơi chúng sanh chiêm ngưỡng Pháp sư ngồi nghiêm trang để thiền định, có nơi chúng sanh chiêm ngưỡng Pháp sư tụng kinh niệm Phật thực tiển...hạnh lành có khác nhưng cứu cánh vẫn như nhau:” thấy Phật và thành Phật”

Hành giả tu chứng pháp môn nào cũng đạt đến nhiệm mầu, ai cũng có thể cứu giúp nhiều chúng sanh và con người chứ không riêng hành giả Mật tông. Tuy nhiên ngay từ đầu dạy đệ tử Đức Phật đã không cho phép đệ tử sử dụng thần thông, sử dụng là phạm giới. Câu chuyện sau đây là minh chứng: có một vị Sa di mới theo Phật, trí tuệ chưa sâu, nhưng chứng quả Tu đà huờn. Một ngày nọ Sa di đang đi khất thực đến một bờ sông, muốn qua sông nên nhờ đò. Cùng một lúc có vị đạo sĩ cũng qua sông, nhưng đạo sĩ qua sông bằng chiếc nón là của mình đang đội đi đến bên kia bờ. Trong khi vi Sa di cũng qua sông nhưng lên đò để đi và trả cho ông lái đò hai tiền. Khi lên bờ, vi Sa di hỏi đạo sĩ, Ngài tu bao nhiêu năm mà qua sông nhanh thế? - Đạo sĩ nói: tôi tu 40 năm - Vị Sa di nghe và ca tụng đạo sĩ, riêng tôi chỉ mới tu hai năm cũng qua sông cùng đạo sĩ!

Sanh thời trong tăng đoàn Phật, Ngài luôn luôn cân nhắc đệ tử cần sự tu chứng giải thoát sanh tử luân hồi, hơn là cần sự giỏi dang (thần thông), khó giúp ích chúng sanh.

Ngày nay có nhiều tu sĩ tuy không tu Mật tông, cũng không ở trong môi trường Mật giáo mà xưng là tu Mật, không lập trường tu chứng làm sao chứng đạo. Vả lại Mật tông thuộc bí mật giáo, bí mật mà sử dụng thần thông chúng sanh ai cũng biết thì thuộc Hiển giáo, Truyền Thông giáo rồi!

Việc tái sanh

Tiêu chuẩn của người học đạo giải thoát là cứu cánh, giải thoát sanh tử luân hồi, sau khi giải thoát rồi mới phát nguyện trở lại ta bà để cứu độ chúng sanh, đó là công đức giải thoát của bậc Bồ Tát đẳng giác vào đời bằng hạnh nguyện. Còn lại bậc Bồ Tát quyền thừa đi vào đời còn phải dùng phương tiện giáo pháp Phật như lục độ, tứ nhiếp làm thuyền bè, làm quyến thuộc mới đủ khả năng vào đời độ sanh, cho nên đệ tử Phật tu hành chứng đạo ai cũng có thể tái sanh, chứ không riêng gì các Lạt ma!

Làm Giáo chủ bên xứ sở Tây Tạng thì gọi là Phật Sống, làm Giáo chủ ở Việt Nam thì gọi là Pháp Chủ, làm Giáo chủ ở xứ sở Tây Phương thì gọi là Chủ Tịch. Khác còn một việc nữa là cách tu hành, vị thì oai phong lẫm liệt như Pháp Vương, vị thì trang nghiêm thanh tịnh như Pháp Chủ, Tông Chủ, Tăng Chủ; người được cử làm Chủ Tịch thì bình dị Thiền sư, Đại sư thì nghiệm nghị, tất cả cũng đều là lãnh đạo tối cao ở các xứ sở Phật giáo.

Mật tông thường là truyền đạo ở các xứ vùng cao nguyên, xứ lạnh, xứ sở băng giá là phương tiện tu hành, để sử dụng thần thông phép tắc, tránh xa ồn ào náo nhiệt, nhất là ở những xứ sở nóng bức, ồn ào náo nhiệt, hành giả Mật tông thường gặp trở ngại, có khi tổn hại đền thân. Tu Mật có nhiều cách thức, nhiều nghi quỹ, nguyên tắc rất nghiêm trang, khó khổ suốt cả thời kỳ tu hành, khổ hạnh, chứ không như các Du già Pháp sư ngày nay.

Nghi thức tu hành:

Cách một: Hành giả Mật tông cao cấp, có đẳng cấp cần có am riêng, khổ hạnh thanh bần lạc đạo, ở chốn a luyện nhã, rừng thiêng, hang, điện, rừng núi hoang vu, tu luyện theo thời khóa ngắn ngày dài ngày. Thời gian từ 1 tuần lễ đến 3 năm nhập thất (như hành giả Milarepa)

Cách hai: Chư Hành giả khổ hạnh, phân thời khóa biểu, đăng đạo tràng tụng thần chú Đại bi, Thần chú Vãng Sanh, Thần chú Chuẩn đề Phật Mẫu, mỗi thời khóa 108 Thần chú Đại bi, 1080 Thần chú Vãng Sanh, Thần chú Chuẩn Đề, có sử dụng chuông mõ trường canh cho dễ tụng niệm.

Cách ba: Hành giả cũng khổ hạnh, phân thời khóa biểu, nhưng vận dụng liêu phòng cao ráo sạch sẽ, ít để vật chất, những vật dụng không cần thiết, dành không gian trống để có thể niệm thầm không bị chi phối bởi không gian chật hẹp do đồ đạt quá nhiều. Nếu là Phật tử phải có phòng riêng, không còn sinh họat gia đình, thật thanh khiết quyết tâm tu hành cũng lắm hiệu quả.

Kinh Phật là của Phật gia

Kinh Mật cũng của Phật đà khẩu tuyên

Xưa nay ít ai hoằng truyền

Nếu có cũng chỉ hạ thừa mà thôi

Sau đó sử dụng nhanh liền

Trở thành “thầy pháp” nhiều hơn “Du già”

Việt Nam nhiều Mật lắm đa

Nhưng mà chi có vài đường công phu

Còn bao nhiêu lo võng dù

Hưởng hết phước lộc dành cho gia đình

Tiền bạc phung phí xa hoa

Tiền thần tiền thánh cao xa hơn người

Du già Sư địa hỡi ơi

Phải tu cho đủ ngày giờ mới xong

HT Thích Giác Quang



Có 2 phản hồi đến “ Mật Tông Có Phải Là Pháp Phật Không? Ai Có Thể Tu Hành Theo Mật Tông?”

  1. Diệp Yến Khanh đã nói

    Con bạch Du già ,con muốn tầm sư học đạo để giúp người giúp đời ,vậy Du già cho con hỏi mua sách hướng dẫn kiết Ấn các Ấn của Mật Tông thì mua ở đâu .Con cám ơn Du già .Con không lập gia đình ,ăn chay .

  2. tạ duy chung đã nói

    tầm sư học đạo để giúp người thì học ở đâu ạ

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com