VẤN: Theo con được biết, tụng kinh là để thể hiểu biết những điều Phật dạy và từ đó thực hành, tu tập. Nhưng hiện nay, phần lớn các chùa tụng kinh theo âm Hán Việt. Có rất nhiều Phật tử thuộc kinh lòng lòng, đọc vanh vách, nhưng khi được hỏi hàm ý bao quát của mỗi loại kinh thì không trả lời được. Con đọc nhiều khi không hiểu, hoặc chỉ hiểu lờ mờ. Có một số quyển kinh được dịch nghĩa tiếng Việt, nhưng trong nghi thức vẫn còn lẫn lộn nhiều phần âm Hán. Vậy thì làm sao có thể thực hiện tiến trình VĂN – TƯ – TU để khai mở tuệ giác ? Việc tụng kinh theo các âm Hán Việt, Pali hay được Việt ngữ có sai sót theo ý của chư Phật không và nên tụng theo tiếng nào để dễ được nhiếp tâm, gia trì và đúng nhất?
ĐÁP:
Vào thế kỳ thứ 11, Phật giáo được lưu truyền ra khỏi đất Ấn, đến Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đa phần là theo hệ thống Bắc truyền, cũng gọi Bắc tông. Phật giáo đến các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia theo hệ thống Nam truyền cũng gọi Nam Tông. Phật giáo đến Việt Nam có Tổ sư Minh Đăng Quang khai sơn thêm hệ thống Khất Sĩ. Như vậy trên thế giới có hai tông phái lớn là Bắc tông và Nam tông, tại Việt Nam có ba tông phái lớn là Bắc Tông, Nam Tông và Khất Sĩ.
Mỗi tông phái có nghi thức tụng niệm khác nhau, lễ bái khác nhau, nội dung kinh tụng khác nhau, nhưng chung quy cũng để dành cho đệ tử Phật tu tập diệt trừ tham sân si, nhắc lại lời kinh Phật không để cho bị mất và cuối cùng là cầu nguyện thế giới hòa bình vạn dân an cư lạc nghiệp.
I .
Kinh Nhựt tụng, Kinh Tam Bảo âm nghĩa theo hệ thống Bắc truyền:
Đầu tiên ở Trung Quốc, Ngài Thiện Đạo đại sư, tông Tịnh Độ phân pháp tu Tịnh Độ ra làm hai hạnh là: chánh hạnh và tạp hạnh. Chánh hạnh có năm cách tu riêng, trong đó “đọc tụng” tụng kinh niệm Phật, đọc lại những bài kinh Phật, những kệ pháp của Phật là hạnh thứ nhất. Đến đời nhà Đường, nhà Tống chư vị Tổ sư thay nhau biên tập các kinh tụng trích từ trong Hiển giáo, Mật giáo mà hình thành. Đến đời nhà Thanh vua Thuận Trị, Khang Hy, kinh tụng được Ngọc Lâm quốc sư biên soạn (trang 69, Thiền Tịnh song tu của HT Thích Giác Quang) hệ thống hóa thành khóa lễ hằng ngày công phu khuya và tối tại các chùa. Nhà vua sắc chỉ làm chư Tăng Ni ở chùa phải học thuộc hai thời công phu tối và khuya. Năm 1921 ngài Tỳ kheo Hưng Từ , hiệu Quán Nguyệt chú giải và viết lời tựa bản kinh Nhị Khóa Hiệp Giải, tại núi Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang,.
Ở Việt Nam đến thời vua Gia Long, khi mới lên ngôi vì để chỉnh đốn Tăng già trong các chùa trải qua nhiều thập niên chiến tranh, nhà vua cũng sắc chỉ chư Tăng Ni ở chùa phải thuộc và thực hiện hai thời công phu cho tinh tấn, mới được ở chùa (trang 70, Thiền Tịnh song tu của HT Thích Giác Quang). Từ năm 1950 đến nay các kinh tụng được phổ cập sâu rộng trong đại chúng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, như:
* Kinh Tam Thời Nhựt Khóa, gần như bị thất lạc, không có tái bản
* Kinh Nhị Thời Nhựt Khóa, gần như bị thất lạc, không có tái bản
* Kinh Tam Bảo, trong đó có năm đệ Thủ Lăng Nghiêm do ngài Quán Nguyệt chú giải. Kinh A Di Đà,. Kinh Phổ Môn, Kinh Kim Cang bát nhã do ngài Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn ra tiếng Hán. Kinh Hồng Danh Bửu Sám do Bất Động pháp sư trước thuật. Các bài kinh trên do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch từ nôm (âm) ra Việt (nghĩa) năm 1949, do Liên Hải Học Trường ấn hành
* Ngoài ra còn có Nhà học giả Phật học Đoàn Trung Còn phiên dịch kinh từ Hán văn ra Việt văn từ năm 1930 các kinh bộ lớn như Kinh Niết Bàn, Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang Bát Nhã, Kinh Tam Bảo (Lăng Nghiêm, Di Đà, Hồng Danh, Phổ Môn, Vu Lan, Kim Cang, Kinh Cứu Khổ, Mông Sơn thí thực) và gần 100 sách kinh Phật có giá trị văn học Phật giáo, nhưng ít được phổ biến? Ngày nay Nhà xuất bản Hương Trang tái xuất bản những tác phẩm có giá trị của Phật học tòng thơ và Phật học thơ xã. Chư Tăng Ni, Phật tử 170 chùa của Tịnh Độ Non Bồng đều sử dụng các bản kinh của học giả Đoàn Trung Còn.
* Nói về kinh Vu Lan đời Tấy Tấn do Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-303) dịch từ Phạn ra Hán văn và còn nhiều người phiên dịch. Trong số những dịch phẩm tiếng Việt do Sư cụ Đoàn Trung Còn phiên dịch Phật học tòng thơ xuất bản năm 1959. Kinh Vu lan bồn diễn nghĩa, in vào năm 1962. Kinh Vu Lan do Hòa thượng Trí Quang dịch ra nôm (âm) và Việt hóa (nghĩa), nhà in Sen Vàng ấn hành tại Sài Gòn vào năm 1971. Ngoài ra còn có nhiều dịch giả cùng tham gia phiên dịch bản kinh từ văn nôm (âm) ra văn xuôi hay văn vần (nghĩa) dành cho Phật tử tụng đọc
* Mông Sơn Thí Thực do Tam Tạng Pháp sư Mật Tông hiệu là Bất Không dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào thế kỷ VIII, thời Đường. Một trong các kinh quan trọng nhất là Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp (Theo Đại Tạng Đại Chính Tân Tu, bản kinh này đánh số 1215). Tất cả các bản kinh Mật Tông này đã làm nền tảng cho phần nghi lễ, và cung cấp các bài thần chú, các thủ ấn quan trọng, để cho các pháp sư Mật giáo tổ chức nghi thức chẩn tế cô hồn ngạ quỷ. Ban đầu các nghi lễ này chỉ được thiết lập ở trong hoàng cung để cầu nguyện cho vua chúa, nhưng dần dần lan rộng ra dân gian. Vào các triều đại kế tiếp, các pháp sư Trung Quốc đã kết hợp nghi thức chẩn tế với một số nghi thức cầu siêu khác để cầu nguyện cho cô hồn ngạ quỷ, các linh hồn người mới chết. Dần dần các tông phái khác như Thiền tông và Tịnh Độ cũng sử dụng nghi lễ chẩn tế cô hồn để làm phương tiện độ sanh..Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, nghi thức chẩn tế cô hồn trở thành phổ biến và được áp dụng khắp nơi. Từ đó các bản nghi thức cúng cô hồn được in thành tập và được sử dụng ở các nước Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam.
* Kinh Tam Bảo Tôn kinh do nhà xuất bản Thanh Mậu, xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định in và phát hành năm 1956, có in thêm nhiều bài sám thi văn nghĩa rõ ràng nghe rất mầu diệu theo âm điệu giữa chốn tòng lâm thanh tĩnh, của chư vị tổ sư như ngài Từ Vân sám chủ...rất dễ tụng và làm cho người tu dễ thâm thấu lý kinh Phật, như sám Di Đà, sám Từ Vân, sám Quan Âm, sám Thập Phương nghĩa, sám Thái Bình, sám Ngã Niệm...và khỏang 20 bái sám thi văn giá trị.
* Nghi thức tụng niệm do Hòa Thượng Thích Trí Hải biên sọan từ văn nôm (âm) thành văn Việt (nghĩa) và phổ biến ở miến Bắc năm 1950.
* Tam Bảo thường thức do Hòa Thượng Viện chủ Trường Thạnh Tự, Quận Nhứt, chứng minh biên sọan
* Kinh Nhựt Tụng do quý Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, HT Thích Thiện Hoa, HT Thích Trí Quang, HT Thích Phước Huệ, TT Thích Nhất Hạnh chủ trương biên sọan, do Phật Học Đường Nam Việt ấn hành năm 1960, kinh tụng vẫn còn là văn nôm (âm), thỉnh thoảng có bài kỳ nguyện, nguyện hương, những bài sám nghĩa tụng niệm nghe rất thâm trầm tĩnh lặng chốn cửa thiền trong những năm Phật giáo vừa phục hồi nền văn học Phật giáo Việt Nam.
* Kinh Nhựt Tụng dành cho Cư sĩ tụng niệm, do chùa Xá Lợi phát hành, trong đó có in các bài tụng lễ vía Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, lưu hành sâu rộng trong giới Phật tử rất thuận lợi trong việc tụng kinh niệm Phật
* Kinh Nhựt Tụng, do Hòa Thượng Thích Thiện Huê biên sọan, chủ yếu hướng dẫn dành riêng cho liên hữu tu Tịnh Độ
* Kinh Nhựt Tụng, do nhiều tác giả biên soạn. Hiện nay do Đại Đức Thích Minh Thời soạn lại, NXB Tôn Giáo ấn hành
* Kinh Nhựt Tụng do Tỳ kheo Thích Đăng Quang, Trưởng ban Ấn Tống Kinh sách, chùa Hải Tuệ, đường Trương Minh Giảng (cũ), sau chợ Trương Minh Giảng chủ trương in ấn, Quan Âm tu viện, Biên Hòa phát hành Phật lịch 2515- Dương lịch 1970..
* Nghi thức tụng niệm dành riêng cho chư Tăng Ni, Phật tử Non Bồng tụng niệm, kết khóa tu Tịnh Độ niệm Phật, Hòa Thượng Thích Giác Quang biên sọan năm 2000, tại Quan Âm tu viện, những bài kinh chưa dịch ra Việt (nghĩa); tuy nhiên nhiều bài phát nguyện được phổ biến trong giới Tăng Ni, Phật tử rất dễ đọc và thu hút làng tu,lưu hành nội bộ.
* Hòa Thượng Thích Giác Liêm biên sọan bộ Nghi Lễ, 6 quyển toàn Việt (nghĩa), Phật lịch 2517, do Điều ngự tử Thích Tâm Hoàn nói lời phi lộ. Nội dung biên soạn các khóa lễ vía, lễ nghi cúng cầu an, cầu siêu, cách thức tổ chức giới đàn, chẩn tế, lễ tang, lễ nhạc, các bài sám văn dành cho chư Tăng Ni tụng niệm và thừa hành Phật sự.
Tất cả những kinh tụng cho các khóa lễ, chư Tăng Ni đều tụng niệm bằng chữ nôm tức là “âm”, dịch ra Việt gọi là “nghĩa”, đa phần hiện nay kinh tụng Phật giáo Việt Nam chưa chuyển từ tiếng nôm (âm) ra tiếng Việt (nghĩa) nhiều. Chỉ trừ bộ kinh Tam Bảo của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh được dịch từ nôm (âm) ra tiếng Việt (nghĩa); năm 1949 - Nghi thức tụng niệm của Hòa Thượng Thích Trí Hải được dịch từ nôm (âm) ra chữ Việt (nghĩa) năm 1960.
Theo quan niệm của các bậc tu non núi (Sơn Tăng), những bậc Lão Tăng, chư Tăng Ni cựu học thì trong các khóa lễ tụng niệm bằng chữ nôm (âm) có thần lực hơn khóa lễ chữ Việt (nghĩa). Tuy nhiên quan niệm nầy chỉ còn là một bộ phận không lớn lắm trong chốn thiền lâm, vì tương lai Phật giáo Việt Nam, văn hóa Phật giáo Việt Nam phải độc lập trong ngôn ngữ, giải thoát ra khỏi ngôn ngữ chữ Hán. Chữ Nôm từ suốt trên 2.000 năm tồn tại của dân tộc Việt Nam, không còn bị ảnh hưởng tư tưởng Hán Nôm, Nho Giáo trong văn học Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay Ban Nghi Lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hoàn thành quyển kinh Nhựt Tụng bằng chữ Việt (nghĩa) sẽ phát hành trong nay mai, tạo thuận lợi cho các đạo tràng Phật tử, nam nữ Phật tử, cư sĩ tại gia dễ dàng tụng niệm, tung dễ, tụng là hiểu nghĩa ngay trong khi tụng tại các khóa lễ quan trọng.
II .
Kinh tụng theo hệ thống Nam truyền:
Hệ phái Nam tông Theravàda, Kinh Nhựt Tụng dành cho Cư sĩ, do Tỳ Kheo Tăng Định hợp sọan, gồm có 4 chương, 6 phần:
Một là Lễ bái Tam Bảo (phần 1)
Hai là Luật Cư Sĩtóm tắt (phần 2)
Ba là Cầu an và Cầu siêu (phần 3, 4 và 5)
Bốn là Nghi thức và lễ giáo (phần 6)
Năm 1966, Giáo đoàn Tịnh Độ Non Bồng, quý Sư đáp lời mời của HT Tăng Thống Thiện Quang về cư trú tại chùa Kỳ Quang đệ nhị để tu học kinh tạng Pali. Trong quá trình đó quý Sư có học Kinh Tam Bảo Nhựt Hành, do ngài Hòa Thượng Hộ Tông (Maha Thera Vansarakkhita) sọan dịch từ tiếng Pali sang văn vần Việt Nam (nghĩa) tụng đọc rất dễ hiểu và ngắn gọn.
* Kinh tụng Pali - Việt, gồm có 7 chương
Chương I: Xưng tán Tam Bảo - Thời khóa hằng ngày
Chương II: Kinh gia niệm an lành
Chương III Một số bài kệ động tâm (cầu siêu)
Chương IV: Kinh Trì Tụng
Chương V: Xin quy giới - tác bạch đặt bát - Trai tăng
Chương VI: Kệ xưng tán (các kỳ đại lễ, tiểu sử Phật, báo ân cha mẹ, thỉnh Pháp sư, chiêm bái xá lợi)
Chương VII: Phụ lục (Những đoạn Kinh, Kệ, Thi Kệ dành cho chư Tăng, nhưng cư sĩ cũng có thể đọc tụng để tự nhắc nhở, khuyến hóa mình cũng được). Ví dụ bài 10 điều phản tĩnh của người xuất gia
Sống theo đại nguyện ly trần
Mười điều phản tỉnh phải cần xét soi:
1. Xuất gia tướng mạo khác người
Chức năng, phận sự hằng thời nhớ ghi.
2. Thảnh thơi cơm áo dễ gì
Tháng ngày nuôi mạng, ta vì ân ai?
3. Giữ gìn thân khẩu nay mai
Cố công thêm nữa, chửa hài lòng đâu!
4. Tự tu, tự kiểm trước sau
Nhu hòa, nết hạnh qua cầu nhân sinh.
5. Đừng cho bậc trí chê khinh
Nặng lời khiển trách, giới mình lươn ươn.
6. Buồn, lìa nhân vật ta thương
Chán, gần người ghét, lẽ thường thế gian.
7. Nghiệp sanh nhân quả rõ ràng
Dữ thì thọ khổ, lành càng được vui.
8. Xuân thu mau lẹ thoáng trôi
Tiến hóa tu tập, ta thời tốt chăng?
9. Lại thêm xét gẫm nữa rằng
Tĩnh cư thanh vắng, ta hằng mến yêu?
10. Nói làm giác niệm sớm chiều
Trú an hơi thở, tiêu diêu cửa thiền
Quyết tâm theo gót trí hiền
Xả rời lậu hoặc, não phiền duyên sinh
Đến khi sự chết rập rình
Các bậc phạm hạnh đạo tình hỏi han
Xét mình bổn phận chu toàn
Ra đi không thẹn dự hàng Sa-môn!
Kinh nhựt tụng của Phật giáo Nguyên Thủy, Nam tông Việt Nam là Kinh sọan theo ngôn ngữ Pali. Tuy nhiên, ngay từ đầu quý Trưởng lão đã dịch xuyên suốt từ tiếng Pali sang tiếng Việt (nghĩa), chứ không còn văn nôm (âm) như kinh tụng Phật giáo Bắc tông, nên người Phật tử rất đễ đọc tụng, đọc tụng thì nhớ liền, không quên và hiểu lý kinh Phật dạy.
III .
Kinh tụng theo hệ thống Khất sĩ:
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, Phật giáo Khất sĩ hay là Hệ phái Khất sĩ Việt Nam là một trong 9 tổ chức thành viên thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hệ phái Khất sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập từ năm 1944 với chí nguyện: "Nối truyền Thích Ca chánh Pháp (trích Bách khoa tòan thư - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam)
Sau đây Sư giới thiệu về các nghi thức của giáo phái Khất sĩ Việt Nam, gồm có Kinh Phổ Môn - Nghi thức Cầu An - Nghi thức dâng y, dâng Tịnh xá - Kinh Vu Lan Bồn - Hồng Danh Bửu Sám - Kinh A Di Đà - Nghi thức cầu siêu - Nghi thức tụng niệm - Nghi thức cúng dường thọ trai - Các bài kệ tụng - Kinh báo hiếu phụ mẫu trọng ân - Kinh Vu Lan bồn - Nghi thức cầu siêu - Nghi thức cầu an. Trong đó Nghi thức tung niệm là đầy đủ các bài kinh, dành cho Cư sĩ Phật tử tụng niệm ngày đêm tại gia hay tại Tịnh xá, tất cả đều được Tổ sư dịch ra Việt (nghĩa) từ văn xuôi thành văn vần rất sẽ tụng niệm, tụng rồi mau nhớ, nhớ rồi hiễu nghĩa lý của lời Phạt dạy. Tại Việt Nam chỉ có bộ kinh Nghi thức tụng niệm nầy thu hút được đại đa số Phật tử, dù Phật tử ở hệ phái khác cũng thích tụng niệm, đều có quyển kinh trong nhà.
Ý nghĩa
Tụng là đọc tụng, Niệm là suy nghĩ, nhớ tưởng. Tụng niệm là miệng đọc tụng, tâm nhớ nghĩ, tâm và miệng hợp nhất, chú định vào lời kinh tiếng pháp. Tụng niệm có nhiều ý nghĩa:
Theo ý nghĩa của tụng niệm bên Giáo phái Khất sĩ là tụng niệm để giữ cho thân tâm thanh tịnh, ngăn ngừa tất cả vọng niệm, tụng kinh là cốt để cho trí tuệ phát sanh, hiểu được những tinh hoa giáo lý Phật, làm cho các pháp bất thiện không sanh, các pháp thiện được phát triển. Trong quá trình tu hành người Phật tử cũng có thể giúp cho bạn bè phát triển về trí tuệ, những người chưa biết tu cũng có thể tu được cùng với chính mình
Tụng niệm để hướng lòng bi nguyện đến tất cả chúng sanh, cầu cho chúng sanh thuận hòa, vui vẻ. Tụng niệm để tỏ lòng sám hối tội lỗi trước ngôi Tam Bảo, là nơi hoàn toàn thanh tịnh, không chút tội lỗi nhiễm ô.
Vì những ý nghĩa đó, người đã tin Phật nên phải phát tâm tụng niệm và tụng niệm đúng cách. Khi tụng niệm, phải giữ gìn trang nghiêm, tránh mọi sự ồn ào phức tạp, tránh mọi điều làm kích động, làm ý đắm lợi mê danh, tham luyến trần tục. Chỉ tụng niệm trước bàn Tam Bảo, trong đạo tràng thanh tịnh, hoặc nơi thích hợp chính đáng. Không tụng niệm trước chỗ thờ quỷ thần, cúng đồ mặn, đốt vàng mã theo tục lệ mê tín dị đoan, không thích hợp với Phật pháp (trích Nghi thức tụng niệm - Ý nghĩa và cách tụng niệm - Đạo Phật Khất sĩ, nối truyền Thích Ca chánh pháp)
IV .
Tụng kinh Phật tiếng Pali dành cho quý Sư hệ phái Nam tông Việt Nam, Nam tông Khmer. Tụng kinh chữ Hán dành cho quý Thầy tu Trung Quốc theo hệ thống Bắc truyền. Tụng kinh bằng chữ nôm dành cho quý Thầy thông hiểu nho văn, tụng chú lực như chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm, Thập chú dành cho quý Thầy tu Mật tông. Tu sĩ Hoa Kỳ họa giáo lý ngôn ngữ Hoa Kỳ. Tu sĩ Tây học giáo lý ngôn ngữ Tây. Tu sĩ Anh học giáo lý ngôn ngữ Anh...Pháp ai nấy tu, Thầy ai nấy thờ, Đạo ai nấy giữ. Các Bạn không nên tu tạp pháp, nay tu pháp nầy mai tu pháp no, vui tu buồn bỏ, nhất là không chạy đôn chạy đáo theo phong trào “tu kiểu mới”, thì sẽ không sai sót theo ý của chư Phật, pháp nào cũng làm cho tâm thanh tịnh, chánh niệm, giác ngộ và thành Phật
Tiếng pháp âm của Phật lúc nào cũng phong phú, hội nhập hòa đồng, xuyên suốt khắp mười phương, trong thế giới ta bà và ra ngoài những tinh cầu khác không trở ngại. Một lời giảng, một bài pháp của Phật luôn còn tồn tại trong thế gian và khắp mười phương ba đời (bài giảng của Đức Tôn sư Thiện Phước Nhựt Ý vào năm 1973, tại Tịnh xá Thắng Liên Hoa, xã Hiệp Hòa, Biên Hòa), những dư âm khắc ghi vào lòng người và chúng sanh. Pháp âm của Phật vang động khắp các cung các cõi trời xa gần, tiếng pháp âm của Phật là vô biên giới như vậy, nên dù con người ở phương trời nào, sắc dân nào, chủng tộc nào đều có thể nghe đựợc và nghe đúng lời Phật dạy. Cụ thể suốt trên 2.500 năm lịch sử những lời di chúc cuối cùng của Phật, kinh pháp, giới luật, luận đàm của chư vị Bồ Tát, chư vị Tổ sư vẫn còn nguyên vẹn những tinh hoa giáo lý, như tứ đế, thập nhi nhơn duyên, bát chánh đạo, lục độ van hạnh (Phật lý căn bản Bắc tông - HT Thích Huyền Vi) Tam thừa, Phật thừa (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa)
Bạn ơi! Kinh luật luận là vô biên, kinh tụng niệm cũng như vậy, cho dù tiếng nói, kinh tụng quốc gia nào, tiếng pháp mầu của dân tộc nào cũng đều là chánh pháp là trí tuê của Phật tại quốc gia dân tộc đó. Lời pháp của Phật lưu truyền vào quốc gia nào cũng sẽ biến thể theo ngôn ngữ quốc gia đó, nhưng trí tuệ của Phật không thay đổi và sẽ làm cho người tu ở quốc gia đó giác ngộ thành Phật (bài giảng pháp tu Bá Nhựt Trì danh của HT Thích Giác Quang tại Quan Âm tu viện, năm 2007).
Lý Phật mầu nhiệm cao sâu
Pháp âm diễn đọc từng câu rõ ràng
Phát khởi từ nội tâm an
Khẩu minh chơn lý đàn tràng trang nghiêm
Tụng kinh là để kiếm tìm
Những phương tiện khéo tâm yên sửa mình
Kinh là tiếng nói trái tim
Làm nên công đức về miền Lạc bang
Bóng ai ngã cạnh suối ngàn
Tâm tư theo bóng thời gian tĩnh thiền
Phật tâm lắng động tâm kiền
Không còn kẻ hở não phiền vô biên
Tụng thì phải niệm cho chuyên
Không nên vui tụng, não phiền bỏ ngang
Tụng niệm tâm tánh nghiêm trang
Lại thêm trí tuệ vô vàn vô biên
Phật tâm là ngộ lý thiền
Đảnh lễ tam thế tam thiên Phật đà
Trắng, đen, vàng, cõi ta bà
Năm châu bốn bể chung nhà Thích Ca
“Tiếng” tuy khác “tuệ” không xa
Như trăng đầu ngõ trắng ngà thâu đêm.
Pháp âm ai nấy kiếm tìm
Thầy ai nấy học khỏi phiền lo chi.
Không nên hứng thú cầu kỳ
Việt lại đi tụng Pali phương trời
Pali phương tiện hoc thôi
Đâu phải công án cho người chuyên tu
Thôi thì Phật ai nấy thờ
Duyên ai nấy độ dứt ngờ cho xong.
HT Thích Giác Quang