VẤN: Con là một phật tử ở Hoa Kỳ đã lập gia đình và đã quy y theo năm giới nhà Phật. Quả thật đôi khi con cũng xấu hỗ vì không thực hiện đầy đủ ngũ giới, tham sân si đầy rẫy, tà dâm vẫn chưa dứt. Tuy vậy, con cũng ráng tu hành và đã trường chay dù khó khăn vô cùng. Dù trường chay nhưng con vẫn phải nấu nướng đồ ăn bình thường cho chồng con của con và vẫn còn ăn trứng, uống sữa vì đó là cách duy nhất con còn có thể bổ sung chất đạm theo yêu cầu của bác sĩ do ở chỗ con không có đầy đủ những thực phẩm rau đậu hủ có chất đạm. Một hôm, ở gần chùa con có đón tiếp một vị hòa thượng khả kính từ châu Âu sang. Thầy thuyết pháp và có tặng chúng con một ít sách thầy viết. Thầy cũng khuyên chúng con là nên thọ Bồ Tát Giới thì như vậy sẽ dễ chứng đắc, mới đúng là con của Bồ Tát cần hành trì và tâm lượng sẽ rộng lớn như người xuất gia. Một số bạn đạo con đã nhận việc thọ Bồ Tát Giới từ thầy. Con xin từ chối dù được khuyến khích vì theo con được biết, Bồ Tát Giới là rất lớn, có rất nhiều giới luật trong khi chỉ có năm giới con đã không thực hành được. Phật tử bình thường như chúng con có nên thọ Bồ Tát Giới không và nếu thọ nhưng không thực hành giới luật thì sẽ như thế nào? Nếu chúng con đã lỡ thọ Bồ Tát Giới và muốn xin thôi không thọ nữa thì nên làm như thế nào cho đúng và có được không? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

I. Phật truyền tam quy cho Cư sĩ

Năm 528-508 trước công nguyên, Đức Bổn Sư Thích Ca truyền thọ pháp Tam Quy Ngũ Giới cho trưởng giả Đề Vị, là người đệ tử Ưu bà tắc đầu tiên trong hàng đệ tử tại gia. Tiếp đến thời gian Đức Phật tạm trú trên vùng nghĩa địa hỏa táng Thanh Lâm (Rừng Mát). Mới vừa sáng sớm đã thức dậy, Ngài đang đi kinh hành để hưởng khí mát lạnh ban mai, thì có vị Trưởng giả Cấp Cô Độc đến cầu học Phật pháp và Phật có giảng cho ông nghe bài Pháp thuận và phát nguyện thọ Tam quy, ông tuyên thệ xin làm cư sĩ tại gia trong Tăng đoàn Đức Phật (Cv 6. 4. 1-5). Ngoài ra còn có y sĩ Jìvaka tuyên thệ xin gia nhập hội chúng đệ tử tại gia. Và vào một dịp khác, khi Đức Phật đến an trú trong vườn xoài này, vị y sĩ lại tìm cách học tập các bổn phận của một cư sĩ (AN 8.26). Từ đó lấy việc tác pháp của Phật làm điển hình, cho đến mấy ngàn năm sau, khi giáo pháp truyền đến đâu, các Sa Môn dùng tiếng bản xứ để truyền thọ cho hàng đệ tử tại gia. Việc truyền giới, chủ yếu người thọ, người nói, người nghe phải hiểu biết nhau thì giới thể mới thành tựu.

Theo sách Lĩnh Nam Chính Quái, tác giã Vũ Quỳnh - Truyện Đầm Nhất Dạ thì vào thời Hùng Vương thứ III (2879-257 trước Tây lịch) Chữ Đồng Tử và Tiên Dung lập gia đình không thông qua ý kiến nhà Vua và bị vua Hùng Vương đuổi ra khỏi kinh thành. Hai người lập chợ mua bán, giao lưu với người ngọai quốc trong đó có các vị thương buôn Myamar, Funam. Về sau đôi vợ chồng quy y Tam Bảo với Ngài Phật Quang, tại đảo Quỳnh Viên. Đây là hai vị Phật tử quy y Tam bảo lần đầu tiên tại Việt Nam.

Xưa các vị giới sư y cứ luật Phật, quy định thành nghi thức riêng cho lễ quy giới bằng Hán văn cho súc tích và có lực nhưng gặp nhiều bất lợi khác, giới sư truyền cho giới tử nghe thì Mô Phật con xin vâng, nhưng sau đó chẳng hiểu gì cả, chính cái không rành rõ đó khiến cho Phật tử lơ là trong việc giữ giới.

May mắn thay, hiện nay ở nước ta văn nôm thì có nhiều người biểu biết quan tâm, nhưng Hán văn thì không còn nhiều người quan tâm nữa. Nghi thức truyền quy giới trong quyển Giới Đàn Tăng được Tuyên luật sư Đại lão Hòa Thượng Thích Thiện Hòa sọan dịch ra tiếng Việt từng giới thật minh minh bạch bạch, nên việc truyền giới cho tứ chúng rất thuận lợi tại các giới đàn, mang lại một ý thức giữ giới nghiêm túc hơn trước, khi vi phạm, người Phật tử có ý thức biết lỗi lầm và khắc phục.

Trong Kinh Niết Bàn nói: Trước khi Phật Niết Bàn, Ngài A Nan buồn khóc dật dã lắm. Phật bảo ông đừng khóc lóc, thật hổ thẹn bậc đại Sa Môn. Ngài A Nan nói: “Đức Phật nhập Niết bàn rồi, chúng con tu hành khi có thắc mắc nghi ngờ điều gì không còn biết hỏi ai” - Phật bảo: “Ta tịch rồi, các ông tu hành hãy lấy giới luật làm Thầy, giới luật còn là Ta còn, giới luật mất là Ta mất”.

Như vậy Bạn ơi, khi Bạn thọ giới và đắc giới trở thành vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di rồi, nếu Bạn có giữ giới tinh nghiêm thì giới luật còn, giới luật còn là Phật còn (Đại Luật)

Phật dạy: “Giới luật là thuyền bè để vượt qua biển khổ...” Như một người đi thuyền ra biển tìm ngọc báu, lúc nào cũng mong muốn vượt qua trở lực khó khăn để tìm ngọc báu, tâm chí người đó châm hẩm vào việc tìm ngọc báu, nên vượt mọi trở ngại khó khăn hơn bao giờ hết để đạt chí nguyện. Người Phật tử cũng thế, khi đã thọ giới rồi, cố gắng vượt qua mọi trở lực khó khăn để không phạm giới.

Trong nhà các Bạn Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di luôn có một vị Phật, một vị Bồ Tát. Khi có việc xảy ra làm mất hòa thuận, Bạn quán chiếu người “chồng” là đệ tử của Phật Thích Ca, nếu xúc phạm ông “chồng” là xúc phạm đệ tử Đức Phật. Ngược lại “chồng” đối với “vợ”, lúc sân si nên tĩnh táo phần lý trí quán chiếu “vợ” là đệ tử Phật bà Quan Âm, nếu xúc phạm bà “vợ” là xúc phạm đệ tử Phật bà Quan Âm. Như vậy, khi các Bạn có thọ giới rồi tu theo giới, quán chiếu như đã dẫn thì không khí gia đình bình thường an vui, tham sân si từ đó cũng chấm dứt, các hạnh lành sanh khởi, hạnh lành sanh khởi thì “giới tà hạnh” cũng không sanh, tức là giữ giới.

II .Vấn đề ăn chay?

Phật tử Việt Nam thì đông đầy, nhưng Phật tử ăn chay trường thì hiếm. Bạn ăn chay trường như là bảo vật hiếm quý, ăn chay vẫn đủ đạm, tố chất dinh dưỡng như thức ăn mặn. Việc Phật tử ăn không được hay chưa được là do thèm “cá thịt”, chứ không phải ăn chay làm thiếu dinh dưỡng. Thực phẩm chay đa phần là rau củ quả có rất nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ, các chất khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể, tránh các bệnh về tim mạch, mỡ trong máu thường gây ra do ăn cá thịt.

Chất đạm từ ăn chay có thể được bổ sung từ các loại quả hạt như là ngũ cốc, đậu nành, rau bó xôi (spinach), hạt hạnh nhân và bông cải xanh. Những thực phẩm này còn giúp tăng cường thêm sắt cho cơ thể. Việc ăn chay là quan trọng trong Đạo Phật theo Bắc truyền, tuy nhiên hiện nay, dưới nhãn quan của Phật tử có phần nghĩ ngợi về những nhà Sư ăn thịt cá, thịt chúng sanh, trong khi các gia đình Phật tử thì “ăn chay trường”?

Bạn ơi, “nhứt thiết chúng sanh vô sát nghiệp, hà sầu thế giới động đao binh”. Ngày nay chiến tranh dễ dàng vượt biên giới, không còn là chiến tranh lạnh nữa, nước lớn đem bom đạn sát hại nước nhỏ, sát hại nhiều người, nhiều sắc dân vô tội, là do con người sát sanh quá nhiều. Các lò sát sanh trên thế giới vô cùng tàn ác, hằng ngày thường xuyên giết tập thể trâu, bò, lạc đà, chó, heo, dê, gà, vịt... nhìn chung các lọai thú cầm bị giết chết một cách dã man, không thương tiếc chút nào? Loài thú trước khi chết để cống hiến thịt cho kẻ cướp sanh mạng của chúng, thân xác luôn bị hành hạ khổ đau biết dường bao. Đó là nguyên nhân của chiến tranh, liên minh các cường quốc “đem bom đạn, bom vi trùng sát phạt loài người lẫn nhau” không thương tiếc, hậu quả của sát sanh trở thành những người “ôm bom liều chết” sát hại hàng trăm người mỗi ngày đó các Bạn.

Sanh thời Đức Phật không bảo ban việc ăn mặn ăn chay, nhưng khi gặp các nhà Vua, Đức Phật có khuyên: “Đại vương không nên giết thú”, cho thần dân làm theo. Trong những năm du thuyết hành đạo ở Kandahar, thuộc Afghanistan, nơi đây chỉ là sa mạc không có thực vật để thọ dụng, nên Đức Phật có cho phép chư Tăng “thọ tam tịnh nhục”, thức ăn động vật không thấy nó chết, không nghe tiếng kêu, không sai bảo giết để ăn, thức ăn do con vật khác ăn còn dư, thức ăn con vật tự nó chết... Làm Phật tử, chúng ta không nên nghĩ và nói “các nhà Sư ăn mặn” mà nói “các nhà Sư thọ tam tịnh nhục”, người Phật tử đó có học Phật pháp.

Vấn đề giết thú để ăn, Đức Phật có dạy: “Này Jìvaka, Ta đã đoạn diệt tham, sân, si ở trong ta khiến cho chúng không thể sanh khởi được nữa trong tương lai. Bất cứ kẻ nào sát sanh vì ta hay một đệ tử của ta sẽ phạm một ác nghiệp gồm có năm phần, đó là: dẫn con vật đi, hành hạ nó, giết chết nó, và do vậy hành hạ nó thêm lần nữa và cuối cùng là cúng dường ta và đệ tử ta là không đúng Chánh Pháp”. (MN 55, lược thuật)

Ăn chay trường, nhưng phải phục vụ cho gia đình

Tích truyện Pháp Cú: Tại kinh thành Bhaddiya, thuộc vương quốc Anga. Bà Tỳ Xá Khư được sanh ra trong dòng dõi hoàng tôn. Khi Đức Phật hóa đạo đến xứ Ma Kiệt Đà, Bà và 500 tín nữ quy y Phật, sau khi quy y Bà chứng quả Dự Lưu. Bà Tỳ Xá Khư là vị tín nữ thân tín của Đức Phật. Bà thông minh mẫn tiệp, đức hạnh, thọ quy giới nhà Phật, ăn chay trường. Khi lớn lên, cha mẹ gả về nhà chồng, nhà chồng cũng là nhà đạo hạnh, nhưng thuộc ngọai đạo, Bà vẫn giữ một mực tu hành theo Đức Phật, xứng đáng là nhà danh giá, con nhà Phật. Về sau, Bà hướng dẫn cha mẹ chồng, thân quyến bên nhà chồng đều quy theo Đức Phật.

Lục Tổ Huệ Năng sau khi đắc đạo được truyền y bát rời khỏi ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Tổ dạy phải sống ẩn dật 15 năm mới lập thân hành đạo. Lục tổ nghe lời và phục vụ cho đám thợ săn ở Lãnh Nam. Trong lúc phục vụ nấu ăn, Lục tổ vẫn nấu thức ăn mặn do thợ săn giết được đem về. Trong lúc nấu thịt, Ngài để phần rau vào nồi thịt, khi dùng cơm chung Ngài vẫn ăn chung với thợ săn, nhưng chỉ ăn mớ rau luộc nấu chung trong nồi thịt, có ai mà biết Ngài đang ăn chay? Ngài đã ăn chay bằng tâm niệm đó!

Trường hợp của Bạn “ăn chay trường” mà phải phục vụ cho nhà chồng âu cũng là duyên. Bạn cũng không phải lo ngại vấn đề “ăn chay nấu mặn” làm gì, miễn Bạn đừng thối chí nản lòng trong việc tu niệm, không bỏ cuộc, tương lai các vị ấy cũng “tu niệm” như Bạn thôi!

Người Phật giáo Bắc truyền ăn chay rất kỹ, có truyền thống ăn chay xuất phát từ thời nhà Lương vào thế kỷ thứ VI. Vua Lương Võ Đế là vị Vua đạo đức, thọ Bồ Tát giới, ăn chay trường, thế nhân gọi là Bồ Tát hoàng đế. Nhà Vua sắc chỉ chư Tăng Ni xuất gia ở chùa phải “ăn chay trường” cho đúng nghĩa đệ tử Đức Phật.

Bồ Tát giới:

Phật tử thọ Bồ Tát giới thì cũng tốt thôi. Thọ giới Bồ Tát thì làm việc của Bồ Tát, không phải làm việc của Ưu bà tắc, Ưu bà di nữa, nhưng là Phật tử thâm niên, tụng kinh niệm Phật, hoặc làm việc bố thí thật tích cực, hoặc từ 50 tuổi trở lên thọ giới cũng không muộn. Ở Việt Nam, người Phật tử thà làm việc của Bồ Tát, chứ không thọ Bồ Tát giới vì sợ làm không nổi, làm không đúng có tội với Phật. Thêm vào đó, trong chốn thiền lâm, giới xuất gia cũng như tại gia xem thọ giới Bồ Tát là một đẳng bậc cao để được mọi người tôn kính, nhưng đó là đều nghĩ suy chưa đúng trong đạo giới.

Bồ tát giới, Tỳ kheo giới minh chứng một quá trình tu tiến có hiệu quả, một quá trình tu chứng mà chư Tăng Ni hay Phật tử phát tâm thọ giới Bồ Tát hay giới Tỳ kheo. Cho nên Bồ Tát giới hay Tỳ kheo giới không phải là một “giới chức”, “quyền tước” mà là hệ quả của hành trình tu chứng, dày công tụng kinh niệm Phật. Tại Việt Nam, việc truyền thọ Bồ Tát giới rất quan trọng. Bồ Tát giới được truyền tại giới đàn “Tam đàn thánh lễ”, trong đó chư tôn giới sư “cao hạ” ngồi đàn truyền các giới Tỳ kheo, Sa di, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di ni và đêm cuối cùng mới truyền Bồ Tát giới dành cho người xuất gia, tấn hương (đốt liều) và truyền Bồ Tát giới dành cho người tại gia.

Bồ Tát giới phạm vi rất rộng, tư tưởng vô cùng khoáng đạt, vượt thoát mọi chấp thủ và ước lệ đời thường, nó thuộc về thông giới, “đạo tục dung thông”. Ngoài thất chúng đệ tử ra còn có quỷ thần, Thiên long Bát bộ và những chúng sanh nào hiểu được ý nghĩa của Pháp sư thuyết giới mà hành trì thì đắc giới. Trong Bồ Tát giới kinh dạy rằng: “Lục đạo chúng sanh thọ đắc giới, đản giải ngữ đắc giới bất thất”, nghĩa là chúng sanh trong lục đạo chỉ cần nghe hiểu lời Pháp sư truyền giới Bồ Tát giới mà trì giới thì được đắc giới. Do vậy, mọi người nam nữ, già trẻ và tất cả chúng sanh, trừ thành phần phạm bảy trọng tội (1- Giết Cha; 2- Giết Mẹ; 3- Làm thân Phật ra máu; 4- Giết A La hán; 5- Giết Hòa Thượng; 6- Phá Hòa Hiệp Tăng; 7- Giết Thánh Nhơn) đều có thể thọ Bồ Tát giới.

Trong “Phạm Võng Bồ Tát kinh” có thuyết gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh, đối với hàng xuất gia, tại gia cần tuân thủ. Nhưng trên thực tế tùy theo hoàn cảnh, phong tục mà nội dung Bồ Tát giới tại gia có giảng lược một số giới điều để người thọ giới dễ thích ứng và vận dụng. Hiện nay, nội dung giới văn Bồ Tát tại gia gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh (có giải thích rõ từng giới điều) và được phổ biến trong các giới đàn truyền thọ. Giới Bồ Tát không phổ biến với Phật tử chưa thọ Bồ Tát giới, khi nào Bạn thọ giới rồi đọc học và gìn giữ.

Phật tử phát tâm thọ Bồ Tát giới là đi trên con đường cao thượng, nuôi lớn lòng đại bi, thương chúng sanh đắm chìm trong sanh tử, tạo vô lượng ác nghiệp, thọ vô lượng tội báo mà xả thân cứu độ. Đây là chánh nhân tu học để thành Phật đạo. Phát bồ đề tâm, hành Bồ Tát đạo là công đức và phước báu to lớn nhất. Lấy đại bi tâm làm tông yếu, lấy bồ đề tâm làm hành trình dẫn đạo, thực hiện lý tưởng đại thừa là điểm then chốt của người học Phật cần khắc cốt ghi tâm.

Làm Phật tử sau khi hoàn thành việc xã hội, gia đình, phát tâm ăn chay trường, nên thọ Bồ tát giới theo lời Thầy khuyên, nương theo giới đã học để làm lợi lạc cho chúng sanh. Không nên nghi ngờ “thọ và thực hành được hay không?”, vì sau khi thọ Bồ tát giới Bạn sẽ có sự tiến triển vượt bậc về tri thức, lúc nào cũng có chư thiên thần đến hộ giới, thọ thì phải thực hành thôi. Việc thực hành được hay không các Bạn còn có Thầy Tổ cân nhắc: “thọ giới thì phải giữ giới, không giữ giới thì phạm giới”.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, giác ngộ thì không vận động, không bắt buộc đi theo tín điều, thế nên người Phật tử phát tâm thọ Bồ Tát giới, thì cũng xin xả giới được. Nhưng theo Giới Đàn Tăng của Tuyên Luật sự Hòa Thượng Thích Thiện Hòa quy định Phật tử thọ 8 giới Bát Quan trai sau 24 giờ có phép xả giới, giới Bồ Tát có phép truyền thọ, mà không có phép xả. Việc Phật tử thọ Bồ Tát giới rồi, nay “xin thôi không thọ nữa” xưa nay hiếm, vì một vị phát tâm thọ Bồ tát giới là những người phát tâm thanh tịnh, có trình độ tu cao, thâm niên tu hành, có trí tuệ không thối chuyển.

Chỉ có hai trường hợp “mất giới Bồ Tát”: Tội thứ nhất là cố sát nhân không biết hổ thẹn sám hối; Tội thứ hai là xả Bồ đề tâm, ví dụ nói: “Tôi không tin việc làm Phật, không tin Tam Bảo và không phát Bồ Đề tâm nữa”.

Làm Phật tử phải quy y

Tam bảo nhà Phật tâm thì kính trên

Noi gương tiên đức đắp nền

Ngũ giới thọ học mới nên con người

Tại gia muốn được thảnh thơi

Hạn chế dục nhiễm sanh trời Phạm thiên

Thập thiện giữ thật tinh nghiêm

Sát sanh hại vật là điềm không hay

Phát tâm tập lần ăn chay

Con Phật mỗi tháng mười ngày cũng xong

Vì hoàn cảnh giữ sáu ngày

Nhưng đừng giết sát mạnh tay vật nhà

Có khi sát phải ông bà

Có khi ăn thịt người nhà trước kia

Ăn vịt thành vịt tức thì

Ăn heo lú lẫn biết chi người nhà

Nay gặp ánh sáng Phật đà

Cho ta trí tuệ tại gia tu hiền

Thọ Bồ Tát giới tại tiền

Giúp trong sanh chúng xa miền thế gian

Chúng sanh còn đó muôn ngàn

Cần ta giúp đỡ bước sang liên đài

Công hạnh Bồ Tát hằng ngày

Phát tâm trì giới tịnh trai giúp đời.

HT Thích Giác Quang



Có 1 phản hồi đến “Phật Tử Tại Gia Có Nên Thọ Bồ Tát Giới Không?”

  1. Lê Thị Sâm đã nói

    Phật tử tại gia có nên thọ Bồ Tát Giới

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com