VẤN: Con đang vướng vào một chuyện tình duyên ngang trái không biết phải hành xử thế nào cho đúng. Con 32 tuổi, đã có gia đình, có hai con, gia đình đều khá giả, không túng thiếu, chồng con rất mực yêu thương con. Theo lẽ thông thường đó là một gia đình hạnh phúc hiếm thấy và con cũng yêu chồng con rất nhiều. Tuy nhiên, không biết duyên gì, con lại có tình cảm với một bạn đạo, thật ra là một người em vì nhỏ hơn con gần 10 tuổi. Ban đầu chỉ là tiếp xúc trên mạng, gặp một vài lần ở đạo tràng và em ấy quý mến rồi thương con. Em vừa tốt nghiệp trung học và cũng khá ngoan, hiếu thuận với gia đình.

Vì cả hai chúng con đều là Phật tử nên biết đó là việc không nên. Chúng con chưa làm gì đi quá giới hạn, chỉ đôi lần gặp nhau, có thổ lộ tình cảm và tặng nhau một vài món quà nhỏ. Tuy nhiên, càng nghĩ con càng thấy mình thật quá tội lỗi với chồng con, với gia đình của mình nên muốn chia tay em. Em đã khóc rất nhiều, bảo muốn chỉ âm thầm bên con, lo cho con hoặc để em làm một người em kết nghĩa của con chứ đừng xa rời em. Con biết sẽ rất khó kìm giữ tình cảm nếu cứ vẫn gặp mặt nhưng bảo chia tay thì chúng con lại quá khổ đau, "bỏ thì thương mà vương thì tội." Nhiều lần con niệm Phật, tụng kinh sám hối vì con thấy mình thật là không phải với gia đình mình, tự trách mình rất nhiều, lòng con trĩu nặng. Xin Sư cho con biết con nên làm như thế nào cho đúng trong vấn đề tình duyên ngang trái này và để con được toàn tâm cho gia đình của mình, không tổn thương em ấy? Chúng con có nên tiếp tục gặp nhau không? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

Phật tử đã có thọ tam quy ngũ giới, lúc nầy phải đem giới ra mà tụng đọc hằng ngày. Sở dĩ chúng ta phát nguyện làm con Phật là vì muốn cầu học đạo giải thoát, giải thoát sanh tử luân hồi, chủ yếu là thoát ái dục. Bạn cần quán chiếu như thế và sâu sắc hơn nữa để thoát qua khỏi ám ảnh nhỏ, không đáng có.

Xin nhắc đây là bóng ma đang phá họai hạnh phúc gia đình Bạn đó, hiện nay Bạn cần phải trở về với thực tế gia đình, xác định lại ba vị trí: một là nghĩa vợ chồng phải có thủy có chung, hai là làm mẹ có trách nhiệm lớn với các con, ba là nhân cách của Bạn đối với cộng đồng. Trong năm giới, ở giới thứ ba là không tà dâm, tức là giới sống một vợ một chồng, chồng không còn có ban gái, vợ không còn có bạn trai. Trường hợp Bạn có bạn trai là điều không thể chấp nhận đối với người thế gian, huống gì Bạn là Phật tử đang giữ giới.

I .

Lời cân nhắc

Nghĩa vợ chồng: dù là Phật tử hay không làm Phật tử, vẫn còn có đạo làm người giúp Bạn làm tròn nhân nghĩa với gia đình, dù người chồng có quân tử dễ dãi thông thoáng bao nhiêu cũng phải “trọng thị” người chồng. Bạn phải thấy dù có vui vẻ và thỏa mãn bao nhiêu cũng không bằng đối xử tốt người thân trong gia đình. Theo phong tục tập quán người Á Đông thời phong kiến:”nam thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”, theo xã hội tiến bộ thì đó là nâng cao vị trí người phụ nữ Á Đông, chớ không phải áp bức người phụ nữ Bạn ạ. Ngược lại người phụ nữ không chính chuyên một chồng, nhất là phụ nữ Việt Nam thì bị đánh giá rất thấp, dù Bạn là đại gia giàu có, địa vị tước quyền hơn người cũng không còn được tín nhiệm với gia đình.

Những lời dạy của Phật về đạo nghĩa vợ đối với chồng sẽ giúp Bạn tháo gở bế tắc như sau:

Một là dậy trước, ý nói đảm đang việc gia đình Hai là ngồi sau, cung kính và trọng thị, tín nhiệm chồng
Ba là nói lời hòa nhã, chân thật, không một mặt hai lòng
Bốn là kính nhường tùy thuận, không lấn lướt, lén lút
Năm là đón trước ý chồng cần gì, chu đáo lo cho gia đình

(lời Phật dạy đạo làm người tốt - Kinh Thiện Sanh)

Vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, tín nhiệm nhau, tôn trọng lẫn nhau, không nên sống chung mà một mặt hai lòng, lo chu đáo cho gia đình...như thế thì phương ấy, tức gia đình được an ổn không điều gì lo sợ”.

Trách nhiệm với con cái: Làm mẹ là gần gủi với con cái nhiều hơn cha, nếu ta không tốt thì con cái sẽ không tốt, tuổi thơ rất nhạy cảm, không khéo giáo dục chúng trở thành người không tốt trong xã hội đó. Nên vì các con mà Bạn thức tỉnh và sau đây là lời Phật dạy: Làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái, Bạn nên quan tâm giải tỏa những bế tắc::

Một là ngăn con đừng để con làm ác, bản lĩnh

Hai là chỉ bày những điều ngay lành, đạo đức

Ba là thương yêu đến tận xương tủy, tình cảm

Bốn là chọn nơi hôn phối tốt đẹp, trách nhiệm

Năm là tùy thời cung cấp đồ cần dùng, lo làm ăn

(lời Phật dạy đạo làm người tốt - Kinh Thiện Sanh)

Trách nhiệm với cộng đồng: nếu ở Mỹ bận rộn lao động, làm gì Bạn có thời gian rỗi rãnh để nói chuyện tình cảm riêng, chắc chắn không thể ngồi “lê đôi mách” để nói chuyện bao đồng. Trường hợp ở Việt Nam thì đạo lý người Á Đông đã trùm lên vai Bạn, làm gì có thời gian rỗi rảnh để nói chuyện tình cảm riêng.

Quan hệ bạn bè, tình làng nghĩa xóm, tức là cộng đồng, phải lấy năm điều thân kính đối với bà con

Một là chu cấp, nếu Bạn bè túng thiếu, hướng dẫn lao động.

Hai là nói lời hiền hòa, không làm cho người mê mẫn.

Ba là giúp ích, giúp cho người tiến hóa, tiến về phía trước

Bốn là đồng lợi, chia sẻ những lợi ích tinh thần

Năm là không khi dối, đối đãi thật tốt, xứng đáng là bạn bè

(lời Phật dạy đạo làm người tốt - Kinh Thiện Sanh)

Với 3 bài đạo lý trên, Sư xét thấy Bạn không có thời gian rỗi rãnh để niệm Phật tụng kinh, làm gì có thời gian nói chuyện của người khác, hoặc tiếp xúc bạn trai.

II .

Không bình thường

Giao lưu với bạn bè có hai tình huống xấu và tốt:

Một là bạn tốt: bạn bè giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần hay vật chất trong lúc khốn khó, giúp đỡ chân thật, không vụ lợi không điều kiện, tháo gỡ bế tắc cho nhau.

Hai là bạn xấu: dùng tình cảm dồn bạn vào thế bế tắc, dù có thương yêu bao nhiêu, nhiều kỷ niệm êm đẹp bao nhiêu, bạn đó cũng là người xấu. Như bạn của Bạn hiện nay là quả báo của Bạn đó.

Bạn có xem truyện “Phong Thần” thời nhà Thưong chưa? - Câu chuyện nàng Tô Đát Kỷ là người đẹp yêu thích Trụ Vương, làm thiếp vua nhà Thương đó. Tô Đát Kỷ thương yêu Trụ Vương, lúc nào tâu rỗi việc triều đình của vua Trụ. Nhà vua vì say đắm Đát Kỷ nên không việc ác nào cũng làm theo, như giết người thân là trung thần Tỷ Can, cắt chân cụ già để xem tỷ, mổ bụng phụ nữ có thai để xem trai hay gái, xây hầm rắn hành phạt tội nhân...Tô Đát Kỷ thương yêu vua Trụ bao nhiêu, thì sự nghiệp của nhà Thương càng mau sụp đổ bấy nhiêu. Cuối cùng nhà Thương sụp đổ, vua Trụ giết Tô Đát Kỷ và tự thắt cổ, nhà Thương sụp đổ dành cho nhà Chu lên trị vì.

Bạn xấu

Theo như Bạn kể trong bài, thì Bạn của Bạn rất tốt, đôi bên đều tốt; nhưng đối với đạo lý và gia đình thì người bạn trai của Bạn không phải là người tốt, vì đã vi phạm đạo lý rồi, vi phạm đạo lý, phạm giới thì đâu còn là người tốt nữa! Bạn có gia đình và 2 con, biết như thế mà bạn trai vẫn giao du với Bạn, hành vi đó thật sự không phải là hành vi của người thân thiện.

Tình huống, thời gian vẫn còn sớm, mới chỉ là tảng băng ngầm chưa tan rã, để ổn định tinh thần và nên “tan hàng” ngay về tình cảm không có ý nghĩa nầy.

Trong cuộc sống ai cũng cần có bạn, tình bạn kiểu Bá Nha, Tử Kỳ thuộc dạng xưa nay hiếm, nhưng cũng cần phải lựa bạn tốt mà chơi, vì nếu “giao du với bạn xấu phạm vào sáu lỗi:

Một là tìm cách lừa dối;

Hai là ưa chỗ thầm kín;

Ba là dụ dỗ vợ người;

Bốn là mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người;

Năm là xoay tài lợi về mình;

Sáu là ưa phanh phui lỗi người

(Kinh Thiện Sanh)

Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu chúng ta làm bạn với kẻ xấu như ở điều thứ hai, thứ ba mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán..

Bạn tốt

Có bốn hạng người thân đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở.

Một là hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên. Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

Hai là hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

Ba là hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người.

Bốn là hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người (Kinh Thiện Sanh)

Ở điều thứ nhất, thứ ba và thứ tư, nếu người bạn trai là tốt, thì tự nguyện không còn giao du với Bạn nữa, giúp Bạn ra khỏi sự sợ hãi, hướng dẫn Bạn ra khỏi bế tắc (chỉ đường sanh thiên) hướng về gia đình và các con.

III .

Tháo gở bế tắc:

Chuyện tình cảm của Bạn là việc không bình thường nhưng có thể tháo gỡ nhẹ nhàng. Lẽ ra làm Phật tử chúng ta không nên đem lên diễn đàn như thế nầy để mổ xẻ, chẳng qua là để cho các Phật tử khác rút kinh nghiệm trong việc giao lưu với đời mà thôi.

Làm Phật tử Bạn phải “can trường gan gốc” trở về với thực tại, với cuộc sống hiện sinh, không quá yếu đuối trong tình cảm, trong giao lưu bạn bè. Bạn còn có trách nhiệm lớn với các con, gương mẫu tiêu biểu cho các con đi vào đời. Bạn sẽ nghe bài hát nầy để nhận thức trách nhiệm của mình với các con nhé:

Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa

Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực

Ba mẹ là lá chắn , che chở suốt đời con

Khi con là con ba - con của ba rất ngoan

Khi con là con mẹ - con của mẹ rất hiền

Ngày mai con khôn lớn

Bay đi khắp mọi miền

Con đừng quên con nhé

Ba mẹ là quê hương

(nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu - Lời bài hát cho con)

Giờ nầy là 12 giờ Việt Nam, ngày 19/12/2015, Bạn đang ở đâu, chắc là Bạn đang làm việc tại gia đình, dùng bữa cơm trưa với gia đình và các con?

Mỗi đêm vào lúc 22 giờ Bạn nên đến trước bàn Phật ngồi thư giản 20 phút, ngồi bán già thẳng lưng, hai tay kiết ấn tam muội như Đức Phật niệm Phật: Nam mô A Di Đà Phật, thực hiện như vậy một tuần lễ, Bạn sẽ thấy kết quả và xa lần tình cảm vô nghĩa kia.

Quán chiếu từ bi: Đây là pháp tu thiền đầu tiên trong pháp môn “ngũ đình tâm quán”, nhưng cũng có lợi ích cho Phật tử. Khi Bạn nghĩ ngợi đến ai, người khác phái sanh lòng thương yêu, Bạn nên quán chiếu đối phương là thân bằng quyền thuộc, anh em dòng họ, chú bác cô dì...nhỏ tuổi hơn thì là em, lớn tuổi hơn là anh, cao tuổi hơn nữa là ông bà cha me, tất cả sự sân giận, sự thương yêu, si ái đều bị dập tắt, không còn sanh khởi. Đây là lúc Bạn quán chiếu bạn trai của Bạn như vậy, tuy chưa phá được “ngã chấp pháp chấp”, nhưng trong lúc nầy Bạn sẽ hóa giải được những bế tắc về tình cảm bên ngoài gia đình (Phật học Phổ Thông - Pháp tu ngũ đình tâm quán - Quán từ bi)

IV .

Bạn phải cắt đứt ngay tâm niệm yêu thương một người nhỏ hơn mình 10 tuổi, trong khi Bạn đã có gia đình và 2 con., theo Sư nghĩ thì không khó đối với Bạn. Bạn có rất nhiều phương tiện để xua tan những “bóng ma” tình cảm lấn ranh vào gia đình Bạn. Bạn nên thành khẩn sám hối với Đức Phật, cho đến khi nguội lạnh không còn vương vấn bạn trai nữa, 01 năm sau sám hối với gia đình, Bạn sẽ trong sạch nhẹ nhàng và thanh thản như xưa. Sư giới thiệu bài sám hối “tâm sanh diệt” cho bạn:

Tội tùng tâm khởi, tùng tâm sám.

Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong.

Tội vong tậm diệt lưỡng câu không,

Thị tắc danh vi chơn sám hối.

Nghĩa là :Tội từ tâm khởi thì cũng phải từ tâm mà sám. Khi tâm đã thực sự vắng lặng rồi, thì tội kia cũng không còn. Tội không, tâm lặng, cả hai đều không thật có, được vậy, mới thật là chơn sám hối. Đến đây, thì không còn gì phải bàn luận là tội hay không tội. Vì đã vượt ngoài hai phạm trù đối đãi nhị nguyên “bặt dứt chủ thể và khách thể “.

Khởi yêu thương từ tâm, sám hối không còn yêu thương cũng từ tâm. Tâm thì không thực thể vắng lặng, hình ảnh yêu thương không thật, bạn trai không thật, lui dần vào thế giới sanh diệt, huyển hoặc.

Đó là hình ảnh của một con người siêu việt dám làm, dám hiên ngang tự tại qua lại trong bầu trời tự do dứt khoát. Bạn trai của Bạn sẽ như mọi người nam thanh niên khác, trở thành đóa sen hồng trong thế giới Cực lạc Tây phương. Đã chẳng những không xấu xa, mà còn là bạn tốt như trong gia đình của Bạn đó.

Qua bài sám hối “tâm sanh diệt” chắc chắn trong Bạn sẽ không còn ghi nhớ hình ảnh bằng sự yêu thương “bạn trai”. Lúc bấy giờ Bạn muốn gặp cũng không gặp được, vì trong Bạn không còn hình ảnh của người “bạn trai” trước kia, mà là người “bạn tốt” của gia đình.

Sanh ra trong cõi hồng trần

Bao nhiêu nghiệp ái xoay vần khổ thêm

Bóng ai tựa cửa bên thềm

Đến đi qua lại kiếm tìm quả nhân

Tử sanh lên xuống bao lần

Khi thì sung sướng, lúc thì hàn vi

Khi thì Cực lạc, lúc âm ty

Quả ai nấy trả sánh vì núi cao

Bào thai nơi mẹ ra vào

Cung sanh cung tử không sao thoát nàn

Tham sân si ái tam xan

Cuốn trôi ngũ dục điêu tàn chẳng hay

Khéo cho con tạo an bày

Cha con chồng vợ nào ai tĩnh thần

Vẽ bày ân ái mê tân

Không cam tâm giác ngộ tâm mê lầm

Làm Phật tử giữ giới dâm

Không nên vi phạm âm thầm khổ thân

Nay sám hối phải nhiều lần

Thanh tâm mát dạ cân phân đạo đời..

HT Thích Giác Quang



Có 3 phản hồi đến “Làm Thế Nào Để Thoát Khỏi Tình Duyên Đau Khổ Với Bạn Đạo Đồng Tu?”

  1. LÊ THỊ HƯƠNG đã nói

    Kính gởiBBTLinh Sơn Phật Giaóvì con đang đi làm nên cũng có rất ít thời gian ạ nên con muốn lúc rảnh có thể mở trang này ra để đọc lại các bài viết của trang ạ vậy nếu BBTkhông gởi về nừa thì con phải tự mở theo línhonphatgiao.comphải không ạ(con xin lỗi vì con đang chưa thạo vi tinh ạ con mong BBT thương xuyên liên lạc để con có cươ hội tiếp cận và học hỏi ạ A DI ĐÀ PHẬT

  2. LÊ THỊ HƯƠNG đã nói

    kính gởi BBTLINH SƠN PHẬT GIÁO có1 người bạn đồng tu quen trên trang fbmuốn gặp con ngoài đời để trao đổi về pháp môn niệm phật và nhờ con quảng cáo phê duyệt các bài viết của bạn và con nhận thấy sự non kếm của mình nên quyết định dừng lạinhưng mở trang fb này ra lại thấy các bài viết của bạn con vẫn muốn đọc xong không muốn viết bình luận như trước nữavì con cũng lo có những điều thầy đã nói tới đó ạ con mong thầy cho con lời khuyên cà chỉ giùm con nên làm thế nào cho tốt ạ A DI ĐÀ PHẬT

    • Mô Phật! Dạ tất cả ở bản lĩnh và tâm của bạn thôi, rằng hai bạn là bạn đồng tu nói chuyện Phật pháp để tu hay là vì duyên khác. Nếu bạn chưa vững tâm, sợ rằng duyên sẽ thay đổi theo chiều hướng không tốt, vậy tốt hơn thì bạn không đọc, hoặc unfriend thế là xong thôi. Tuy nhiên, tốt nhất là nên hiểu tình thương theo Phật giáo với bốn điều của Từ, Bi, Hỷ, Xả, mở rộng lòng từ yêu thương tất cả muôn loài, nguyện làm việc thiện thì đó chính là Đại bi. Bạn đọc bài viết để rõ hơn nhé. Chúc bạn tinh tấn tu hành.

  3. Nam mô A Di Đà Phật!....Nam mô Đại bi Quán Thế Âm bồ tát!.... Chúc Thầy luôn mạnh khỏe, an lạc và trường thọ. A DI Đà Phật!... Chúc Pháp luân thường chuyển Phong điều vũ thuận Quốc thái dân an Thế giới hòa bình Chúng sinh an lạc. Nam mô A Di Đà Phật!..... Nam mô A Di Đà Phật!...Con bạch Thầy ạ! Con năm nay là sinh viên mới ra trường hè vừa rồi, và cũng nhờ ơn của chư Phật chư bồ tát mà hiên tại thì con đã xin được việc làm ngay khi ra trường, con xin được kể câu chuyen của con, con mong Thầy sẽ cho con lời khuyên ạ. Nam mô A Di Đà Phật!... _Dạ con là nam thời con còn là sinh viên, con có quen 1 cô gái kém con 1 tuổi và chúng con đem lòng yêu thương nhau và hiện tại thì đang là người yêu của nhau. Em ấy thì còn học 1 năm nữa mới ra trường, mong ước của chúng con là sau khi ra trường thì em ấy sẽ có việc làm và sẽ kêt hôn với nhau. Nhưng mà lại chớ trêu thay là gia đình con thì mẹ đi xem tử vi thì thấy nói là tuổi chúng con không hợp nhau nếu mà kêt hôn vợ chồng thì sau này 2 đứa xung khắc,bênh tật, nợ nần, tù tội...,nên không đồng ý. Con cũng là một Phật tử nên cũng chút ít biết về nhân quả và con rất tin nhân quả. Con không biết tại sao tử vi lại nói như vậy, con nghĩ là mọi sự việc đều có nhân duyên và luật nhân quả cả và con không tin vào tử vi này, cho dù có là thật đi nữa thì con mong là tự bản thân bọn con sẽ thay đỏi được số phận chứ không phải tử vi sắp đặt cho mình, A Di Đà Phật!...con có biết chút ít về sự mầu nhiệm của chú Đại bi và đức Quán Thế Âm bố tát, hằng ngày con và người yêu vẫn bảo nhau đọc chú và hồi hướng cho chúng sinh, để cầu rằng nhân duyên của chúng con sẽ tốt đẹp và được như ý muốn. Có mấy lần con khuyên mẹ nhưng mẹ không nghe vẫn khăng khăng không đồng ý và mẹ vẫn tin vào lá số tử vi. Mẹ con cũng rất tin vào nhân quả nhưng do lá số tử vi nói vậy nên con nghĩ có 1 phần nào mẹ sợ con sẽ phải chịu khổ nên mẹ không đồng ý!. Nam mô A Di Đà Phật!... con mong Thầy cho con lời khuyên giờ con phải làm thế nào ạ!. Con vẫn sẽ tiếp tục hằng ngày đọc tụng và thọ trì chú đại bi và niệm danh hiệu bố tát Quán Âm và hồi hướng cho chúng sinh cho dù thế nào. Kính mong nhận được hồi âm từ Thầy ạ! Nam mô A DI Đà Phật!.....Nam mô Đại bi Quán Thế Âm bồ tát!...

    • Mô Phật! Chúng tôi xin chia sẻ cùng bạn. Bạn đọc các bài viết này để tìm lời đáp cho chính mình nhé. Nếu vẫn con thắc mắc xin cho chúng tôi được biết. Chúc bạn thân tâm an lạc, vạn sự kiết tường như ý nhé. http://linhsonphatgiao.com/21/7/2014/xung-khac-ky-tuoi-trong-hon-nhan-lam-the-nao-de-hoa-giai.html http://linhsonphatgiao.com/7/2/2013/lam-the-nao-de-khuyen-hoa-gia-dinh-thich-sat-sanh-va-me-tin-di-doan.html BBT Linh Sơn Phật Giáo

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com