Còn hai ngày nữa là ngày em gái mình tốt nghiệp bằng dược sĩ. Bao nhiêu năm miệt mài đèn sách, vất vả, khó khăn ở xứ người cuối cùng em cũng hoàn thành xong tấm bằng dược sĩ hiển vinh ở xứ người để bắt đầu một cuộc hành trình mới trong sự nghiệp ngành nghề của hệ thống y tế ở đây. Ngày vui và hạnh phúc nhất của em đến giờ này vậy mà gia đình mình chỉ có mỗi ba đi tham dự. Em trai đang ở Việt Nam với chị Hai còn em gái ở xa bận rộn đêm ngày với trường y của em, nghĩ còn tội hơn rất nhiều. Còn mình phải xin nghĩ làm để ở nhà chăm má để ba đi dự lễ.

Nghĩ đến má là tự nhiên mình buồn dù giờ đã quen rồi. Má, người má kính yêu và vĩ đại của chúng con giờ còn tệ hơn một đứa trẻ, chẳng còn biết gì cả. Mọi biểu hiện giờ đây của má không ai có thể đoán được và người chăm má đêm ngày nhiều nhất lại chính là ba. Nghĩ tội cho ba má của mình, bao nhiêu năm khổ sở, khó khăn mang chúng mình qua đây ngõ hầu mong con cái có một tương lai tốt đẹp hơn ba má. Sự hy sinh của ba má giờ đây được đền đáp bằng sự thành đạt của chúng mình trong công việc học hành dù tất cả chỉ là mới bắt đầu, chặn đường trước mặt còn xa vời vợi. Hệ thống y tế hiện đại nhất ở đây, thuốc men tốt nhất ở đây, mọi chẩn đoán tốt nhất ở đây cũng không thể nào chữa trị căn bệnh mất trí của má mình. Nghĩ mà buồn khi tất cả các con má đều học trong ngành y, hai đứa sắp là dược sĩ, một đứa đang học bác sĩ, còn mình học về y tá và tiếp tục học lên cao nhưng cũng đành nhìn má mình bất lực. Ngày ngày ở bệnh viện, mình chăm sóc cho biết bao bệnh nhân, làm chổ dựa niềm tin giúp họ vơi đi bớt những đau buồn, làm họ hạnh phúc nhưng với chính má của mình, chúng con cũng chỉ biết ngậm ngùi khóc mà thôi.

Đã có một thời gian, gia đình mình rất khổ sở vì không thể chấp nhận được sự thật phủ phàng này và người không chấp nhận sự thật nghiệt ngã nhiều nhất chính là ba. Dần dần tháng năm qua đi, mọi người cũng phải chấp nhận sự thật, chấp nhận với nghiệp lực, nhân quả của má khi đến với cửa Phật. Ba dần dần chấp nhận và thương má hơn, lo cho má rất nhiều. Ba hay cười đùa nói vui rằng đó là nhân quả vì ngày xưa ở Việt Nam má lo cho ba còn giờ đây thì ba lo cho má lại nên ba chăm má như chăm con mọn. Nhìn cảnh ba lo cho má ngày ngày, từ cơm ăn, áo mặc, dọn dẹp, kể cả phụ mình tắm má, kiếm đủ cách nói chuyện làm cho má vui nhưng cuối cùng cũng chỉ có ba tự độc thoại một mình thấy tội ba lắm. Ba chú ý chăm má từng ly từng tý, xem má có biểu hiện gì khác thường, xem má làm gì hằng ngày, xem má có thể ăn gì thì ba chuẩn bị cho má ăn. Chúng mình bận rộn đi học, đi làm cả ngày, về nhà thì lo học bài, làm bài nên không có nhiều thời gian bên má như ba. Hạnh phúc của ba má mình chỉ đơn giản vậy thôi, cùng lo cho nhau và nương nhau mà sống.

Mấy tháng trước cả nhà mang má đi khám bệnh rất khổ sở và bác sĩ nhìn má cũng đành bó tay bảo cả nhà chuẩn bị nghĩ đến chuyện cuối đời của má. Trợ lý bác sĩ và người của bệnh viện gọi điện cho mình và còn đến nhà mình trực tiếp nói chuyện cũng như xem xét tình hình của má. Họ bảo mình sao không mang má vào bệnh viện, vào nơi dành để nuôi những người bệnh để gia đình có thời gian nghĩ ngơi giống kiểu Mỹ. Mình bảo mình không muốn má vô bệnh viện vì sẽ không giúp được gì. Họ hỏi mình có phải mình sợ má sẽ không sống nổi khi ở bệnh viện hay không có tiền chữa bệnh cho má nên mới không đưa má vào viện. Nếu vì tiền bạc thì họ có thể giúp vì với bệnh của má và thu nhập thấp như gia đình mình thì má có thể được chữa trị miễn phí. Tuy nhiên, mình giải thích với họ không phải vì mình sợ má mất hay vì tiền mà vào bệnh viện chính là một sự hành xác với má cũng như sẽ chẳng giúp được gì cả. Phải mất mình mấy tiếng đồng hồ để giải thích cho họ hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa khác nhau. Vả lại, mình làm về ngành y, làm ở bệnh viện nên mình biết họ sẽ làm gì má mình nếu má vào viện. Mình giải thích cho họ biết dù má có vào viện hay không thì bệnh của má cũng đâu thể chữa khỏi. Vả lại, má đâu có thể nằm đó cho họ muốn làm gì thì làm, ai sẽ ở bên má cả ngày trong khi ba không biết nói chuyện tiếng anh còn gia đình thì không có ai ở đây trừ mình. Thức ăn ở bệnh viện má cũng đâu có ăn được và gia đình mình đâu có thể để má nằm trong bệnh viện mà ở nhà nghĩ ngơi như kiểu Mỹ được.

Mang má vào bệnh viện là một sự hành xác với má, làm má khổ và đau nhưng chẳng giúp ích gì. Ngoài ra, chỉ trừ khi họ trói má hay tiêm thuốc mê cho má ngủ thì họ mới có thể lấy máu kiểm tra hay xét nghiệm nhưng sẽ được gì vì má không phải là vật thí nghiệm, như thế đâu phải là cuộc sống của má. Còn một điều quan trọng nữa là mình không muốn cắt đứt sợi dây ràng buộc tình cảm giữa ba và má, không muốn ba lo thêm vì làm sao ba mình có thể ở nhà yên được khi không biết người ta đang làm gì má trong bệnh viện dù hệ thống y tế của Mỹ rất tốt. Rồi má trong bệnh viện sẽ làm xáo trộn cả gia đình, làm các em của mình đang bận rộn học hành cũng phải lo lắng, gọi điện hỏi thăm, có phải là làm gia đình náo loạn nhưng bệnh thì đâu có chữa được. Cuối cùng, chẳng có gì là hạnh phúc, bình yên cả. Má ở nhà có ba và chúng mình chăm sóc. Má được sống với ngôi nhà của má, bên người thân của má, ăn thức ăn của má và gia đình lại có sự bình an. Vừa giải thích với họ mà mình cũng phải bật khóc vì quá xúc động. Sau bao nhiêu giờ phân tích, giải thích, họ mới đồng ý là mình nói đúng. Họ bảo họ khâm phục gia đình mình và cảm động khi mình có cái nhìn sâu sắc đến vậy. Cái này là nhờ mình làm cùng ngành nên mới biết vậy thôi.

Ngày tốt nghiệp của em mình hôm nay làm mình nhớ lễ tốt nghiệp của mình ba năm về trước. Vào ngày 2/5/2008, mình tốt nghiệp bằng cử nhân về y tá và mình là người đầu tiên nhận bằng cử nhân trong gia đình. Năm đó em gái đang học ở trường dược và đang thi nên không thể về dự lễ của mình, chỉ có ba, họ hàng và hai đứa em. Má lúc đó đã bệnh nhưng vẫn còn tỉnh táo đôi chút, vẫn còn nói cười và chịu chụp ảnh. Chúng mình giải thích cho má thế nào má cũng không hiểu. Lúc nhìn thấy mình trong bộ quần áo cử nhân ngộ nghĩnh, má cười cười mà mình muốn rơi lệ. Ngày trường tổ chức tiệc dành cho gia đình sinh viên rồi đến lễ cài huy hiệu để thệ nguyện người làm y tá sẽ mang hạnh phúc, bình an và sức khỏe đến cho bệnh nhân cũng như gia đình bệnh nhân, má cũng không thể đi dự. Đến ngày tốt nghiệp nhận bằng ra trường, má cũng chẳng hiểu, chẳng biết gì và cũng không chịu đi. Cảm động nhất trong buổi lễ tốt nghiệp khi mình bất ngờ được xướng tên nhận giải thưởng và bằng danh dự xuất sắc trong ngành y tá phẫu thuật do các giáo sư của khoa đề cử. Giải thưởng này được dấu kín nên mình không hề biết và mình chỉ biết là mình tốt nghiệp bằng danh dự cho những sinh viên xuất sắc mà thôi. Vì quá bất ngờ khi được xướng tên nhận giải, mình đứng dậy đi như một cái máy đến nơi trao giải. Với thói quen cuối đầu chào kiểu Việt Nam và luống cuống do xúc động, chiếc mũ đang đội trên đầu rơi xuống làm thầy cô và cả hội trường cười ồ lên. Sau khi nhận giải, các giáo sư ôm hôn mình chúc mừng làm mình bật khóc. Đến lúc lên nhận bằng bắt tay trưởng khoa, từ trên khán đài nhìn xuống, mình thấy cả một rừng người. Lẫn trong đó, mình thấy ba mình, em mình, họ hàng mình đang vẫy tay vui mừng nhưng không có bóng hình của má mình trong đó. Nếu má còn tỉnh táo thì ngày hôm đó má sẽ vui lắm vì đứa con đầu tiên của má nhận bằng danh dự ở xứ người theo ước nguyện của ba má rồi đó.

Em gái than trời vì nó tốt nghiệp bằng dược sĩ mà không ai đi tham dự trừ ba. Nó bảo rằng ở Mỹ tụi học sinh chỉ tốt nghiệp trung học mà kéo cả đại gia đình từ bao nhiêu tiểu bang về tham dự còn nó tốt nghiệp thì nhà lại hẩm hiu. Nghĩ mà cũng tội cho nó. Nó còn trách ba không chịu ở lại đó với nó nhiều ngày để nó dẫn ba đi chơi nhiều nơi cho biết. Nó bảo ba khổ cực nuôi nó bao nhiêu năm giờ nó ra trường muốn trả hiếu cho ba và muốn dẫn ba đi chơi các nơi mà ba chỉ muốn ở đó một hai ngày rồi đòi về coi nhà, chăm má và để mình đi làm. Cuối cùng mình xin nghĩ, bảo ba ở lại đó chơi cho nó thoải mái cũng như để cho em mình nó vui và để nó làm tất cả những gì nó muốn cho ba. Mình phải giải thích niềm tự hào, danh dự như thế nào khi ba tham dự các buổi lễ do trường em tổ chức trước khi nhận bằng tốt nghiệp vì có biết bao gia đình phụ huynh muốn như vậy mà không được và cũng để cho em nó vui. Em nó muốn báo hiếu ba thì ba phải để cho em nó làm những gì nó thích. Con cái người khác làm bao nhiêu chuyện bất hiếu để cha mẹ buồn còn gia đình mình các em đều thương ba má, lo cho chị em, con cháu thì ba phải vui và hạnh phúc và phải đi các nơi theo sự chỉ dẫn của em để cho biết. Nghĩ cũng tội, con cái toàn học cao và người ngoài cứ tưởng ba má mình là giáo sư tiến sĩ gì không. Vì vậy, họ vô cùng bất ngờ khi biết ba mình làm nghề nhặt rác còn má thì bị bệnh mất trí. Suốt ngày ba chỉ hẩm hiu đi làm rồi ở nhà chăm má, chẳng biết gì cả và lại cũng chẳng nói được nhiều tiếng Anh nên nhân cơ hội này em gái muốn ba được đi du lịch thoải mái. Cuối cùng thì ba chịu đồng ý ở với em và cho em dẫn ba đi khắp các nơi em muốn đến chán thì thôi.

Sáng nay anh họ và gia đình bác đã sang đón ba đi xuống chổ em gái vì anh họ cũng tốt nghiệp bằng dược sĩ với em gái mình. Dù nhà mình và nhà bác cách nhau chỉ 15 phút lái xe nhưng cũng hiếm khi gặp nhau vì ai cũng có việc bận cả. Mỗi lần bác gái gặp má là bác gái buồn khóc. Sáng nay cũng vậy, vừa nhìn thấy má là bác gái đã khóc. Khuya nay cô mình từ tiểu bang Texas sang đây để đi dự lễ tốt nghiệp cũng muốn gặp má rồi mới chịu đi làm mình sợ lắm. Sợ cô thấy má trong tình cảnh này cô sẽ khóc, sẽ buồn. Giờ người mình lo hơn là ba cũng như họ hàng chứ gia đình mình ở mãi cũng quen và chấp nhận. Nghiệp nợ của má mình thôi thì ráng chịu cho hết để an nhàng mà vãng sanh ra đi.

Ba má ơi, cảm ơn ba má đã chắc chiu nuôi chúng con nên người, dù ở Việt Nam hay ở Mỹ. Chúng mình thương má chẳng biết gì nhưng cũng thương ba khi đã làm mọi việc có thể để giúp chúng mình an tâm học hành. Hôm nhận được tin em trai đậu vào trường dược, thấy ba vui mừng la hét, hân hoan như một đứa trẻ mà mình cảm động nghẹn ngào. Những gì ba má muốn thì giờ đã thành hiện thực rồi đó. Ngày đó má thương và lo cho em trai lắm nên nếu má còn tỉnh táo và biết em được nhận vào trường chắc má sẽ vui mừng, hạnh phúc cũng không khác ba. Em trai giờ cao to, trưởng thành lắm rồi nhưng rất tình cảm, thương gia đình, thương chị thương em, vẫn quấn lấy má và chơi với má như thưở nhỏ. Cảm ơn má vì nhờ có má mà chúng con mới biết đến Phật giáo, mới biết tu học chứ nếu không chúng con đã trôi vào dòng xoáy tranh đua của lợi danh đầy đau khổ rồi. Má đã chịu bao nhiêu nghiệp thay cho chúng con ngoài nghiệp riêng của chính mình. Dù giờ mà không thể hiểu và nói được nhưng con luôn tin rằng ở một phương diện nào đó, má cũng đang rất vui phải không má. Con cũng cầu mong sao các em sớm tốt nghiệp ra trường thành tài, làm những người giúp ích cho xã hội ngoài cuộc sống cho riêng mình, biết tu hành tinh tấn hơn và tình cảm gia đình mình ngày ngày mỗi khăn khít nhau hơn. Đó mới chính là phước báu và hạnh phúc nhất của cuộc đời phải không ba má?

Chúc mừng em, cô dược sĩ mới của nền y tế Hoa Kỳ. Cầu chúc em sẽ có đầy đủ sức khỏe, nghị lực và niềm tin để làm được những gì mình mong muốn và có một cuộc sống hạnh phúc ở phía trước. Cả nhà mình luôn bên em và theo dõi từng bước chân của em.

Hoa bằng lăng nhà mình cuối tháng năm đã nở.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Con Đường Của Nến Và Hoa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com