Mới đó mà đã ba năm kể từ ngày tôi ra trường và về làm việc với cương vị là một y tá ở bệnh viện. Giờ tôi không còn là y tá tập sự mới vào nghề để cái gì cũng lo sợ mình sẽ không làm được hay bệnh nhân không hiểu mình nói gì. Với kinh nghiệm và thời gian, dù vẫn còn nhiều thứ phải học liên tục và cập nhật thông tin thường xuyên trong ngành y khoa, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều với tài năng và tay nghề của mình.
Tôi đủ bình tĩnh, khả năng để chăm sóc nhiều bệnh nhân dù rất nặng cũng như phân bổ thời gian hợp lý để có thể hoàn tất mọi công việc cần phải làm mà không bị quá giờ cũng như giúp đỡ các đồng nghiệp, hướng dẫn sinh viên hay các y tá mới bắt đầu làm việc. Những chuyện vui buồn về nghề nghiệp, cả thân và tâm tôi đều nếm đủ và giờ đây để kể hết những chuyện này chắc phải viết ra thành sách. Tuy nhiên, theo lời năn nỉ của một người bạn, hôm nay, tôi xin dẫn bạn đi cùng tôi xem một ngày làm việc của tôi ở bệnh viện như thế nào nhé.
Tôi là y tá làm việc cho một bệnh viện của quân đội dành cho các cựu chiến binh của Mỹ. Vì đa phần là cựu chiến binh từng đi tham chiến ở các nước, kể cả Việt Nam nên ngoài những bệnh về thân rất nhiều thì họ còn có bệnh về tâm, nhất là các chứng trầm cảm và hoảng sợ vì chiến tranh. Nơi tôi làm việc hiện nay là một tầng dành cho các bệnh tổng quát nghĩa là bệnh nhân vì bất cứ lý do gì phải nhập viện, ngoại trừ quá nặng phải được chăm sóc cẩn thận, chu đáo ở một tầng đặc biệt khác còn lại thì đều có thể đến tầng của tôi.
Vì những cựu chiến binh đa phần là người già và đến hơn 80% đều hút thuốc lá và nghiện thuốc lá khá nặng nên rất nhiều bệnh sinh ra cũng vì hút thuốc lá. Những bệnh chính mà bệnh nhân tôi thường gặp phải là cao huyết áo, cao mỡ trong máu, tiểu đường, đột quỵ, nhiễm trùng, bệnh về phổi, và đau tim. Vì thế, đa phần bệnh nhân của tôi phải uống rất nhiều thuốc mà đôi khi chính chúng tôi còn lẫn lộn nếu không xem xét kỹ.
Tôi làm việc theo ca 12 giờ mỗi ngày và thêm giờ ăn cơm trưa nưã tiếng là 12.5 giờ ở bệnh viện một ngày. Một ngày trung bình mỗi y tá chăm sóc từ 4 đến 6 bệnh nhân và tùy vào ngày cũng như tùy vào việc bệnh nhân có xuất viện hay không mà có thể chăm sóc thêm bệnh nhân mới nhập viện. Số lượng bệnh nhân không nói lên được điều gì nhiều mà cái chính là bệnh nhân như thế nào, bệnh nặng hay nhẹ thì đó mới là vấn đề đáng quan tâm. Có ngày tôi chăm sóc năm sáu bệnh nhân nhưng lại thấy khỏe khi bệnh nhân khá tốt, không bị mất trí, có thể di chuyển được, ăn uống và tự chăm sóc được.
Tuy nhiên, có ngày chỉ cần chăm sóc ba bệnh nhân mà tôi không thể nào có thời gian để ăn cơm hay ngồi nghỉ khi họ bệnh quá nặng. Tầng của tôi có tất cả 30 giường bệnh và mỗi ca như vậy là có từ năm đến bảy y tá làm việc cộng với hai trợ lý y tá nếu là đúng theo quy định. Từ ngày trở lại trường học, tôi chỉ còn làm vào cuối tuần và số lượng y tá thường bị giảm bớt vào cuối tuần, chỉ có từ bốn đến sáu y tá và một hay hai trợ lý y tá mà thôi. Mỗi phòng có năm giường bệnh dành cho bệnh nhân không bị bệnh truyền nhiễm. Nếu bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm hay có vấn đề gì đó như rối loạn, mất trí, cần phải có người theo dõi ngày đêm thì sẽ được nằm ở phòng riêng hay gần nơi mọi người qua lại.
Tôi bắt đầu ca làm việc lúc 7h30 sáng. Buổi sáng khi bước vào bệnh viện, tôi nhìn xem lịch được phân công mình sẽ chăm sóc bệnh nhân nào. Sau đó, tôi lấy giấy có ghi sơ lượt về thông tin bệnh nhân rồi họp chuyển ca, nghe báo cáo về bệnh nhân từ y tá ca đêm. Vì bệnh viện tôi làm việc tất cả đều dùng máy tính nên để biết chính xác về tình hình bệnh nhân, kiểm tra xem có toa yêu cầu gì của bác sĩ mà vẫn chưa làm hay cần xem bệnh án của bệnh nhân, chúng tôi đều lên máy tính mà kiểm tra.
Ở Mỹ, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của bệnh nhân rất cao cho nên nếu không là người chăm sóc bệnh nhân thì không được truy cập vào thông tin cá nhân của họ. Sau khi nghe tình hình báo cáo và có thể kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân sơ lược trên máy, chúng tôi đến từng bệnh nhân chào hỏi rồi ban giao ca. Tôi bắt đầu tới từng bệnh nhân giới thiệu về mình và cho biết tôi là y tá của họ vào ngày hôm đó. Tùy theo tình hình mà tôi sẽ xem nên đến khám bệnh kiểm tra cho bệnh nhân nào trước. Thường tôi đến kiểm tra bệnh nhân bệnh nặng trước để xem họ như thế nào và xem có cần phải làm gì không.
Với từng bệnh nhân, tôi đến khám sơ, nghe tim mạch, kiểm tra xem họ có bình thường, hiểu biết hay là bị mất trí, hay bị quên. Tôi cũng kiểm tra xem tay chân họ có vấn đề gì không, họ có bị vết thương, dị tật, lở loét, có thể lăn qua lăn lại trên giường bệnh, có thể đi đứng được. hay có thể cần dùng gâỵ hoặc người giúp khi họ đứng lên, chẳng hạn như cần đi tiểu hay đi cầu.
Dù bác sĩ sẽ có trách nhiệm đến khám và nói chuyện với bệnh nhân nhưng y tá cũng phải kiểm tra và khám bệnh để ghi bệnh án. Tôi không gặp bác sĩ chăm sóc bệnh nhân của mình mà chỉ gọi điện hay gặp họ nếu cần hỏi gì, cần yêu cầu điều gì hay cần phải làm điều gì cho bệnh nhân mà thôi. Đây cũng là một yếu điểm trong hệ thống y tế hiện đại dùng toàn máy móc vì chúng tôi chỉ liên hệ với mọi người và bác sĩ qua máy, qua điện thoại chứ không gặp trực tiếp nên sự hiểu lầm hay chưa cập nhận thông tin về tình hình bệnh nhân kịp thời để trả lời cho bệnh nhân hay người nhà của họ đôi khi vẫn xảy ra.
Ở Mỹ thì đa phần rất ít người nhà bên bệnh nhân và y tá là người suốt ngày bên bệnh nhân lo tất cả mọi việc cho họ nên phải kiểm tra cẩn thận để giúp đỡ họ và cũng để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra như bệnh nhân bị té chẳng hạn. Khi đã khám và kiểm tra xong, chúng tôi phải có nhiệm vụ viết bệnh án cho từng bệnh nhân hằng ngày theo một mẫu bệnh án tổng quát và tình hình theo dõi suốt ngày, ít nhất là hai tiếng để ghi vào hồ sơ trên máy tính. Thường thì tôi cố gắng hoàn tất hồ sơ bệnh án tổng quát nhất vào buổi sáng sau khi kiểm tra bệnh nhân xong nhưng đa phần thì khó mà hoàn tất được hết bởi vì luôn có nhiều thứ xảy ra liên tục cần chúng tôi làm việc giúp bệnh nhân.
Ở bệnh viện, bệnh nhân được ăn cơm do bệnh viện nấu và có người mang lên tận phòng mỗi buổi. Tùy vào từng loại bệnh mà có chế độ ăn khác nhau. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của tôi thì thức ăn của bệnh viện là không tốt cũng như không dinh dưỡng đầy đủ . Cơm được mang lên vào lúc 7:30 sáng, 12 giờ trưa và 5 giờ chiều.
Thường thì việc giúp cho bệnh nhân ăn, đút cho bệnh nhân ăn, kiểm tra nhiệt độ, huyết áp dùng máy, lau chùi và tắm rửa cho bệnh nhân là việc của trợ lý y tá. Tuy nhiên, y tá vẫn phải làm việc và tôi thường làm những công việc này ngoài hàng núi việc riêng dành cho một y tá. Lý do là một số trợ lý y tá ở tầng của tôi làm việc không tốt, không chăm sóc bệnh nhân chu đáo và cũng đôi khi vì thiếu người làm hay quá nhiều bệnh nhân bệnh nặng nên trợ lý y tá không thể đảm đương hết. Ngoài ra, vì tôi rất cẩn thận và muốn bệnh nhân của tôi được chăm sóc tốt nhất nên tôi chỉ an tâm khi tự mình làm những việc này nếu tôi có thời gian.
Với những bệnh nhân bị bệnh nặng, bị mất trí, ói mữa, la hét, nuốt hay nhai thức ăn không được thì việc cho họ ăn là vô cùng khó khăn cũng như mất thời gian, đôi khi mất gần cả giờ. Nếu như họ bị thương, bị liệt, không thể di chuyển, không biết đường đi tiêu đi tiểu, thường xuyên tiêu tiểu trên giường bệnh do tiêu chảy thì vất vả vô cùng do phải di chuyển họ, tắm rửa, lau chùi, thay áo quần, khăn trải giường, gối và mền liên tục.
Nếu bệnh nhân quá béo, có khi gấp bốn lần tôi mà không di chuyển được, bị liệt thì chúng tôi phải dùng máy giống một cần cẩu mini di chuyển họ từ trên giường xuống ghế hay đưa họ lên để có thể lau dọn giường, băng bó vết thương và tắm rửa cho họ. Có khi phải tiêm thuốc cho họ bớt kích động, trói họ lại hay cần có một người ngồi canh họ suốt ngày đêm phòng những điều bất trắc xảy ra. Có ngày chỉ cần một bệnh nhân như vây trong tổng số những bệnh nhân phải chăm sóc cũng chiếm hết hơn nữa thời gian của tôi.
Sau giờ cơm sáng cũng là lúc cho bệnh nhân uống thuốc. Vì đa phần những bệnh nhân của tôi bị bệnh khá nhiều nên phải uống thuốc rất nhiều. Thuốc được phân loại ra theo từng bệnh nhân mỗi ngày do trợ lý dược sĩ mang đến từng tầng nhưng đa phần tôi lấy thuốc từ một máy tự động chứa thuốc vì như thế máy đã giúp tôi phân loại liều lượng và thời gian rất nhanh. Lấy thuốc ra cho từng bệnh nhân từ máy xong, tôi bắt đầu đi cho bệnh nhân uống thuốc. Trước khi cho bệnh nhân uống thuốc thì tôi dùng máy tính đi scan mã của bệnh nhân hiển thị lên máy tính rồi mới được scan thuốc để tránh việc cho nhầm thuốc hay nhầm liều lượng cũng như nhầm bệnh nhân.
Việc scan thuốc này cũng tương tự như là mua hàng hóa ở siêu thị vậy nên cũng giúp chúng tôi khá nhiều. Tuy nhiên, vì cũng là máy móc nên đôi khi cũng bao nhiêu thứ phiền toái xảy ra nếu máy không scan được thuốc, máy bị hỏng, hay không scan được bệnh nhân từ một mã quy định đeo trên tay khi họ vào bệnh viện. Scan thuốc cho bệnh nhân nào thì cho bệnh nhân đó uống thuốc và giải thích từng loại thuốc cho bệnh nhân rằng họ đang uống thuốc gì, công dụng thế nào và ra sao.
Ngoài thuốc uống bằng miệng thì còn có thuốc truyền qua ven mạch máu, thuốc xịt vào mũi, thuốc nhỏ mắt, thuốc kem sát trùng, hay thuốc bỏ vào hậu môn, hàng ngàn loại thuốc. Nếu là thuốc về huyết áp thì trước khi cho bệnh nhân uống tôi phải kiểm tra huyết áp của họ. Nếu huyết áp có vấn đê hay quá thấp, tôi phải gọi điện cho bác sĩ để xem mình có được cho uống hay phải tạm không cho uống thuốc đó chờ liều tiếp theo. Nếu bệnh nhân uống thuốc được không nói gì còn nếu họ không uống được thì tôi phải nghiền thuốc hay dùng một loại thức ăn mềm trộn vào thuốc rồi cho họ uống như cho em bé uống thuốc vậy.
Có khi bệnh nhân họ bị mất trí, rối loạn, điên khùng, họ sẽ phản ứng với việc cho uống thuốc nên phải dỗ họ như em bé hay có khi cũng phải cứng rắn với họ thì mới xong. Có nhiều bệnh nhân không thể uống thuốc bằng miệng mà phải dùng một loại ống đưa vào mũi hay đưa vào dạ dày, kể cả cho thức ăn cũng vậy. Rồi sau đó trong một ngày, bệnh nhân đôi khi có vấn đề gì đó xảy ra như đau nhức, đau đầu, ói mữa, chóng mặt thì tôi cũng phải kiểm tra, đo huyết áp, nhiệt độ cho họ, làm mọi thứ trước khi gọi điện thông báo cho bác sĩ để xin toa thuốc hay chỉ dẫn cần thiết.
Việc cho ăn và cho uống thuốc cơ bản là như vậy diễn ra cả ngày. Thuốc cho uống theo toa và tùy theo bệnh nhân mà chỉ có hai liều sáng chiều hay liên tục trong ngày suốt ca làm việc của tôi. Vì tất cả toa yêu cầu của bác sĩ, kể cả việc xét nghiệm, chẩn đoán, thử phân, nước tiểu, thử máu, chẩn đoán gấp, truyền máu, truyền thuốc thông qua ven, hay bất cứ gì cũng đều trên máy tính nên tôi phải cập nhật thường xuyên để làm việc. Do đó thường chúng tôi có một máy tính như một cái xe di dộng cho riêng mình để có thể làm việc, chứa thuốc, chứa đồ dùng cần thiết, viết bệnh án và cho thuốc được tốt.
Nếu như bệnh nhân cần chuyển đến nơi khác trong bệnh viện để chẩn đoán như chụp hình X-ray, đến phòng mổ, kiểm tra ruột hay tim vv thì có một thư ký trực điện thoại sẽ thông báo kêu lên cho chúng tôi được biết. Lúc đó, chúng tôi phải di chuyển bệnh nhân lên xe lăn hay một loại giường nhỏ dễ chuyển rồi có người sẽ mang bệnh nhân đến nơi đó. Kiểm tra hay làm mọi thứ xong, họ trở về tầng chúng tôi và chúng tôi mang họ trở về phòng.
Nói chung bệnh nhân của tôi khi vào bệnh viện đa phần đều phải được kiểm tra rất nhiều thứ và nhiều chẩn đoán xét nghiệm với các loại máy móc tối tân nhất. Bác sĩ không thể viết toa thuốc lung tung hay khó đưa ra quyết định hợp lý nếu không nhờ các loại chẩn đoán này. Đôi khi, có những bệnh nhân quá nặng thì cần chuyển đến nơi khác theo dõi kỹ hơn hoặc nếu họ có phẫu thuật lớn thì họ sẽ được chuyển đến một tầng dành cho bệnh nhân sau hậu phẫu và không trở về với chúng tôi. Do đó, trong một ngày tôi phải di chuyển liên tục và làm rất nhiều việc rất ít có thời gian ngơi nghĩ.
Ngoài việc giúp đỡ cho bệnh nhân hay làm mọi việc giúp họ thì chúng tôi còn phải bận rộn với các cuộc điện thoại từ gia đình bệnh nhân gọi đến hỏi thăm về hiện trạng, tình hình của họ. Buồn cười là ở Mỹ, bệnh viện sạch sẽ, nhân viên đối xử ân cần, phòng ốc rộng rãi nhưng ở nơi tôi làm rất ít bệnh nhân có người nhà chăm sóc thường xuyên.
Có nhiều bệnh nhân từ lúc họ nhập viện cho đến lúc họ xuất viện và kể cả qua đời, tôi không thấy người thân của họ bao giờ. Do đó, chúng tôi là người thân của họ. Vì người nhà của bệnh nhân cũng phải đi làm việc nên họ chỉ có thể gọi điện thoại hỏi thăm về tình hình bệnh nhân làm chúng tôi đôi khi rất mệt mỏi vì liên tục bị réo gọi có điện thoại và phải trả lời dù mình rất bận.
Đôi khi, có người nhà hiểu chuyện, thông cảm thì không sao nhưng có người nhà không hiểu chuyện và kiếm chuyện gây sự với chúng tôi cũng là chuyện bình thường. Rồi khi họ đến thăm bệnh nhân, tuơng tự cũng vây, có người nhà rất tốt, dễ thương, rất tôn trọng và biết ơn người khác, biết ơn sự giúp đỡ của chúng tôi nhưng cũng có người chỉ đến để kiếm chuyện.
Bệnh nhân cũng vậy, có người rất tốt, cố gắng giúp đỡ tôi làm việc, thương quý, trân trọng công việc tôi đang làm cho họ nhưng có người phần vì bệnh, phần vì tâm trí có vấn đề và phần vì tính cách cá nhân nên họ gây ra bao nhiêu là chuyện, la hét, kêu réo cả ngày làm ai cũng mệt. Đôi khi có nhiều bệnh nhân làm quá hay hành vi không tốt, cảnh sát phải lên giúp chúng tôi điều chỉnh họ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi chưa bao giờ gọi cảnh sát giúp tôi điều phục bất cứ bệnh nhân nào của mình. Tôi thương tất cả bệnh nhân của tôi và tôi chấp nhận họ tất cả dù đôi khi tôi cũng vô cùng mệt mỏi và đau đầu vì họ.
Y tá như chúng tôi là ngành nghề được mọi người tín nhiệm và y tá là người được xã hội đánh giá là đáng tin tưởng nhất trong tất cả các ngành nghề ở đây. Tôi cảm thấy mình làm y tá còn hơn làm dâu trăm họ, nghe, chịu đựng đủ thứ nên phải biết hóa giải. Dù vẫn có một số y tá hay người làm trong ngành y khoa không tốt nhưng tôi thấy y tá là người chăm lo cho bệnh nhân nhiều nhất. Nếu người làm y tá bên Mỹ không có tình thương với bệnh nhân, không thích ngành nghề mình làm thì họ sẽ không làm nổi hết việc ở bệnh viện hoặc nếu không họ sẽ bị trầm cảm, mệt mỏi và suốt ngày than thở, chỉ trích, trách cứ bệnh nhân và đồng nghiệp.
Ở nơi làm việc của tôi, cũng như các nơi khác vẫn có sự hiểu lầm, vẫn có đồng nghiệp tốt và không tốt, vẫn có người chăm sóc bệnh nhân không tốt hay cãi vả xảy ra. Tuy nhiên, tôi chẳng bao giờ quan tâm, họ muốn làm gì thì làm, không bao giờ chen vào những chuyện cãi nhau nội bộ. Suốt ngày tôi chỉ làm việc với bệnh nhân, nói cười làm cho đồng nghiệp vui, làm việc hết mình vì bệnh nhân cùa mình rồi về nhà. Đôi khi dù không phải là bệnh nhân của tôi nhưng nếu có thể giúp gì đó cho họ thì tôi cũng giúp, chào hỏi nói cười vui vẻ với họ. Hết một ngày làm việc, tôi bỏ lại tất cả những bực bội, mệt mỏi ở bệnh viện mà chỉ mang những niềm vui về nhà với mình mà thôi.
Là y tá, tôi có quyền hành gọi là có thể gọi điện cho bất cứ ai vì bệnh nhân như bác sĩ, người nhà bệnh nhân hay bất cứ những gì liên quan và cần để chăm sóc bệnh nhân. Ngược lại, chúng tôi cũng là đối tượng bị tất cả mọi người ở bệnh viện réo gọi, yêu cầu gặp mặt, nói chuyện, từ bác sĩ, người nhà của họ, bệnh nhân, người lau dọn, dược sĩ, vâng vâng.
Chúng tôi đôi khi còn gián tiếp làm người lau dọn, người sửa nhà vệ sinh, người khuân vác, người sửa ti vi, sửa đèn, sửa máy móc. Bất cứ thứ gì xảy ra với bệnh nhân hay họ cần gì thì người đầu tiên họ gọi là chúng tôi. Cứ thế, tôi quần quật cả ngày với bệnh nhân, hết cơm đến thuốc, rồi yêu cầu từ bác sĩ, người nhà, giáo dục, giải thích, lau dọn, tắm rửa, giữ cho họ sạch sẽ. Vì tôi muốn bệnh nhân của tôi phái được chăm sóc tốt nhất và phải có tất cả những gì họ cần trong thời gian nhanh nhất cho nên tôi chạy suốt ngày ở bệnh viện.
Bệnh nhân và đồng nghiệp thường đùa với tôi là họ không thấy tôi đi bình thường mà chỉ có chạy, bé nhỏ nhất bệnh viện nhưng làm việc lại rất nhanh và chu đáo nên họ thấy tôi rất cao. Cả ngày tôi và đồng nghiệp sáng gặp nhau chào rồi cứ cắm đầu làm, hiếm khi nói chuyện vì bận rộn cho đến lúc hết giờ họp ban giao ca thì chào nhau rồi về. Dù có nữa tiếng ăn trưa nhưng giờ ăn trưa của tôi thường dao động trong khoảng thời gian là từ 3 đến 6h chiều, hiếm khi có thời gian ăn đủ 30 phút.
Có những ngày tôi chẳng thể ăn gì cho đến khi về nhà. Cũng may cơ thể của tôi chỉ ăn ngày có hai bữa và hiếm thấy đói nên việc ăn uống không thành vấn đề. Tuy nhiên, tôi luôn nhắc mình và cũng cố ăn cho đầy đủ để giữ gìn sức khỏe. Tôi rất ít có thời gian và ít nói chuyện với đồng nghiệp của tôi, dù là khi có thời gian rãnh hơn là tôi nói chuyện, trao đổi với bệnh nhân của mình. Tôi thích chăm sóc bệnh nhân, làm họ vui cười, hiểu biết về bệnh của họ và làm cho một ngày ở bệnh viện của họ dưới sự chăm sóc của tôi được trôi qua nhanh.
Nói chung, làm ngành nghề của tôi khá vất vả, đôi khi thân tâm mệt mỏi, về đến nhà chẳng còn có thể làm được gì nhưng tôi yêu nghề của tôi. Tôi yêu bệnh nhân của mình và thấy vui khi họ hạnh phúc. Bệnh nhân đa phần rất quý tôi, thương tôi, biết ơn, dùng những lời tốt đẹp nhất để nói về tôi khi so sánh không ai chăm sóc họ tốt như tôi đã làm. Tuy nhiên, tôi cũng biết ơn họ đã cho tôi có một nghề lương thiện mà sống. Có rất nhiều chuyện về họ làm tôi cảm động vô cùng.
Tôi chăm họ như tôi chăm người thân của mình nhưng thật ra tôi cũng làm hết lương tâm của mình như lời Phật dạy. Có nhiều bệnh nhân dù đã xuất viện và khi có cơ hội vẫn trở lại bệnh viện gởi thiệp hay chỉ đển đến gặp tôi cảm ơn. Có người cứ một chút là hỏi tôi mấy giờ vì sợ tôi sắp hết ca làm việc rồi về. Có bệnh nhân chỉ muốn tôi bên họ, cầm kinh thánh với họ để cầu nguyện cho họ. Có bệnh nhân chẳng có gì để cảm ơn nên năn nỉ tôi nhận dùm cho họ gói kẹo. Có bệnh nhân ôm tôi, cảm ơn tôi rồi khóc và cũng có bệnh nhân chẳng có gì nên muốn tôi nhận dùm họ chút tiền cho họ vui và hiển nhiên là tôi từ chối. Tôi bảo họ nếu thương tôi, nhớ về tôi thì hãy mang số tiền đó mua thức ăn chăm sóc chính mình không thì mang đi làm từ thiện đâu đó vì như thế sẽ làm tôi vui.
Có những bệnh nhân khi họ qua đời tôi trở thành người cho họ nương tựa, ôm họ vào lòng chỉ để cho họ khóc thoải mái. Đặc biệt, có rất nhiều bệnh nhân từng tham chiến ở Việt Nam nên vừa gặp, có người rất vui nhưng cũng có người bật khóc khi nghĩ về cuộc chiến vô nghĩa hôm qua. Họ hỏi tôi có giận họ, có thù ghét họ không và bật khóc khi nghe câu trả lời của tôi.
Nhiều khi tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian bên họ, giải thích, động viên và mong họ hãy tự tha thứ cho bản thân mình để hướng về phía trước vì quá khứ đau buồn đã qua rồi. Lúc nào họ cũng thấy tôi cười và họ thích nhìn tôi cười. Vì thế, họ đặt cho tôi biệt danh là “thiên thần của nụ cười” và tôi luôn cố gắng biến bệnh viện thành nhà của họ để họ cảm thấy thoái mái, vui vẻ nhất để quên bớt đi những căn bệnh đang hoành hành họ ngày đêm.
Điều buồn cười và thú vị nhất mà đa phần bệnh nhân rất ngạc nhiên khi biết tôi bao nhiêu tuổi. Nhìn tôi họ cứ tưởng như 15 hay 16 tuổi nhưng khi nghe tôi nói tuổi thật đều bất ngờ không tin. Rồi vì họ quý tôi quá nên lúc nào cũng muốn tôi bên họ, nghe họ kể chuyện, khuyên họ hay chỉ muốn giới thiệu tôi với người nhà của họ với một tấm lòng biết ơn và tự hào làm tôi cũng vui. Đôi khi tôi cũng phải lịch sự từ chối vì còn rất nhiều việc phải làm nên hẹn họ sẽ nghe chuyện sau mà cũng thấy tội nghiệp họ.
Nhiều bệnh nhân bật cười không tin khi tôi bảo tôi vẫn sống độc thân, không có bạn trai hay chưa lập gia đình. Họ cứ suốt ngày hỏi lý do thì tôi bảo họ do bận rộn gia đình, lo học nên không có thời gian cho những việc đó. Đôi khi tôi đùa với họ rằng là tại vì chẳng ai muốn làm quen với tôi cả thì họ than trời bảo chắc tôi đùa hay là người ta mù hết rồi và họ bảo ước gì họ trẻ thêm ít chục tuổi thì hay biết mấy. Bao nhiêu là chuyện cười vui nhộn như vậy ở bệnh viện. Họ vui và hạnh phúc khi được tôi chăm sóc nhưng tôi cũng rất vui và hạnh phúc khi làm được một điều gì đó có ích cho họ và có thể giúp họ hay gia đình họ dù họ là ai hay bệnh như thế nào đi chăng nữa.
Đến thời điểm này, tất cả những bệnh tật nguy hiểm gì tôi cũng đều tiếp xúc và chuyện gì tôi cũng đã có thể làm cho bệnh nhân của mình. Do đó, chuyện lau dọn, tắm rửa cho bệnh nhân cũng chỉ là những chuyện thường ngày. Tôi yêu bệnh nhân của mình và tôi trân quý nghề nghiệp của mình, một nghề lương thiện hợp với tôi và giúp tôi có thể nuôi huệ mạng của mình và không có những chuyện hối lộ, đút lót hay bê bối xảy ra. Tôi chăm sóc họ với cả lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của mình. Dù đôi khi cũng có nhiều điều không như ý muốn của tôi và có những lúc tôi cũng làm họ buồn vì hiểu lầm hay vì sự đòi hỏi quá đáng làm tôi cũng hối hận nhưng tôi đã cống hiến trọn vẹn hết tất cả những gì tôi có thể cho bệnh nhân của tôi.
Y tá là nghề nghiệp phù hợp với tính cách và con người của tôi vì tôi không phải cạnh tranh với ai, không cần phải lo chuyện ăn mặc, lo cho cái vẻ bề ngoài hay nhức đầu vì những chuyện kinh tế chính trường. Lên bệnh viện, ai cũng như nhau dưới mắt tôi dù là bác sĩ hay người quét dọn, ai cũng ăn mặc gần giống nhau và mỗi người có một vị trí công việc cho riêng mình. Nghề y tá giúp tôi lo cân tâm mình, lo chỉnh sửa tâm mình hơn lo cho cái vẻ bề ngoài bóng bẫy rất xa lạ với tôi. Nhờ thế, tôi không phải tốn thời gian cho việc phải ăn mặt, không tốn thời gian rang điểm, lo áo lo quần.
Tôi cũng không phải lo đấu trí với bao nhiêu người với bao nhiêu thủ đoạn như các ngành nghề khác để hơn thua, chà đạp nhau dù đôi khi cũng có sự hiểu lầm giữa đồng nghiệp hay với bệnh nhân. Tôi thương bệnh nhân của tôi và họ cũng thương tôi vô cùng. Tôi có một nghề lương thiện đủ để nuôi sống mình, nuôi tâm hồn của mình mà không phải khổ tâm đi cạnh tranh với ai hay làm điều gì đó để mất đi tư cách đạo đức của ngành nghề mình và bản thân mình. Dù sau này tôi có học cao đến đâu và làm gì thì tôi cũng chỉ luôn cố gắng làm một người thầy thuốc đầy tình thương và trách nhiệm với bệnh nhân của tôi mà thôi.
Ngọc Hằng