Mùa học trước, chúng tôi học về một môn học đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho người già, đặc biệt là những người bị rất nhiều bệnh và làm cách nào giúp cho họ quyết định những vấn đề cuối đời. Để giúp cho những sinh viên chúng tôi có thể làm việc với những bệnh nhân với đủ thứ ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc ở Mỹ chuẩn bị qua đời cũng như kiểm soát cảm xúc của mình khi đương đầu với những vấn đề sống chết như thế này, bà giáo sư đã yêu cầu chúng tôi viết một bài luận văn về việc mình mong muốn cuộc sống cuối đời của mình sẽ như thế nào và đám chết của mình sẽ ra làm sao. Có làm như vậy thì mình mới biết mình cảm nhận về cái chết như thế nào mà bình tĩnh giúp bệnh nhân trong thời khắc khó khăn. Đối với tôi, từ ngày đi làm y tá ở bệnh viện, tôi đã chăm sóc và chứng kiến rất nhiều bệnh nhân qua đời nên cũng không có gì làm ngạc nhiên hay hoảng sợ. Ngoài ra, về chuyện sống chết và cuối đời của mình, kể từ khi đến với Phật giáo và kể cả trước kia, tôi chẳng bao giờ sợ chết. Ngày nào em gái cũng nghe và thuộc lòng những gì tôi muốn gia đình làm cho tôi nếu có điều bất trắc xảy ra cho mình. Vì thế, bài luận này có lẽ khó với người khác nhưng với tôi thì dễ vô cùng nên tôi cứ ngồi viết một mạch từ sáng đến chiều. Nó như là một di chúc thư của tôi cho gia đình và giấy chỉ định cho bệnh viện nếu có điều gì xảy ra với tôi. Đây là bài luận của tôi.

“Mọi người sinh ra trên cuộc đời này đêu mong muốn được trẻ, đẹp, khỏe mạnh và hạnh phúc đến muôn đời. Tuy nhiên, chẳng ai có thể sống suốt đời và một ngày nào đó, lần lượt từng người trong chúng ta cũng sẽ già và chết. Tôi cũng không phải là ngoại lệ và tôi biết rằng mình đang già đi và sẽ chết đi đến một thế giới khác. Trong khi làm việc như một y tá tại bệnh viện, tôi đã phải đương đầu với rất nhiều loại bệnh mãn tính nguy hiểm khi chăm sóc những bệnh nhân già, đối diện với ranh giới mỏng manh giữa sự sống và chết mỗi ngày và đối diện với cảm xúc, tình cảm của mình khi bệnh nhân của tôi qua đời, thậm chí chết trên tay tôi. Tôi cũng tận mắt chúng kiến ranh giới mong manh giữa sống và chết, khỏe mạnh và bệnh tật và tôi biết rằng một ngày nào đó mình cũng trải qua những giai đoạn khắc nghiệt như thế này.

Thật ra, tôi là một Phật tử nên tôi hiểu rất rõ chu kỳ luân hồi của cuộc sống: sinh già bệnh tật và tái sinh đều xảy ra với tất cả mọi người trên trái đất này dù họ là ai. Nghiệp báo sinh ra do vô minh nên luân hồi cứ tiếp diễn mãi. Nhân quả tội phước con người gặt được do những thiện nghiệp hay ác nghiệp mà mình tạo nên. Đức Phật có dạy rằng “tùy theo sự khác nhau của nghiệp báo mà sinh ra sự khác nhau trong quá trình tái sinh, cao hay thấp, khổ hay sướng. Tùy theo sự khác nhau về nhân quả mà chúng sinh có sự khác nhau về giàu, nghèo, được, mất, hơn thua, tán dương, chỉ trích, hạnh phúc hay khổ đau.” Vì thế, tôi luôn cố gắng hết mình gieo những hạt giống thiện cho những việc làm của mình để sau này mình gặt được quả ngọt.

Tứ Diệu Đế của cuộc sống là: đời là khổ, khổ do tham, sân, si gây nên, khổ sẽ hết nếu vô minh tận diệt và con đường thoát khổ là thực hành Bát Chánh Đạo là chính kiến , chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tấn, chính niệm, và chính định. Vì đời đầy đau khổ nên tôi không muốn đau khổ nữa. Do đó, tôi cố gắng thực hành Bát Chánh Đạo để cải thiện bản thân hầu mong làm một con người giúp ích cho xã hội. Tôi mong muốn có một cuộc sống hữu dụng và ý nghĩa đế sau này không phải hối tiếc gì cả.

Khi về già, tôi muốn có nhiều thời gian đi khắp thế giới làm việc từ thiện và giúp đỡ mọi người. Tôi cũng muốn có cơ hội thăm viếng bốn thánh địa Phật tích là: Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật giáng trần ở Nepal, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật thành đạo ở Ấn Độ, Vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân, và Câu Thi Na nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Tôi muốn về đó để cảm thấy gần bên Đức Phật và cảm nhận hơn những bài giảng của Ngài về sống và chết. Đó sẽ là một cơ hội tốt cho tôi được nhìn lại chính mình, nhìn sâu vào tâm mình để gội sạch những bụi bẩn của cuộc đời.

Tôi muốn chăm sóc mình thật tốt cho đến khi lìa đời. Vì thế, tôi luôn luôn cố gắng chăm sóc mình tốt nhất để ít bị bệnh tật về sau. Tôi không ham mê đồ ăn, áo quần hay những nhu cầu vật chất mà mình không thể có được để rồi sinh khổ. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình và cố gắng sống trong chánh niệm từng giây phút của cuộc đời mình. Sau này, tôi mong muốn dùng tất cả tài sản mình có được để giúp đỡ những người nghèo trước khi mình mất đi. Nếu tôi có thể tự chăm sóc mình thì tôi không muốn ai lo lắng cho mình cả. Tôi muốn có nhiều thời gian niệm Phật để được vãng sanh về cõi Cực Lạc vì tôi không muốn tái sinh nữa. Tôi muốn có nhiều thời gian thiền định, làm dịu tâm mình và giúp mọi người hiểu về Phật giáo một cách đúng đắn. Vì tôi không muốn ai lo lắng cho mình, tôi không muốn bị ràng buộc để khổ nên tôi cũng không muốn lập gia đình. Do đó, nếu tôi quá yếu, tôi không muốn vô bệnh viện. Tôi không muốn nhận được bất cứ sự điều trị nào thêm để giúp kéo dài sự sống một cách khổ đau như bệnh nhân của tôi ở bệnh viện. Tôi nghĩ rằng tiền bạc cũng như các vật dụng y tế, các máy móc và các chẩn đoán đắt tiền để lo cho tôi ở bệnh viện khi tôi biết rằng mình sẽ phải chết nên dùng cho những công việc làm khác tốt hơn ở bên ngoài xã hội. Thêm vào đó, tôi không hề muốn cơ thể mình bị xâm hại trong những việc giải phẩu để kéo dài sự sống mà không cải thiện được sức khỏe và niềm hạnh phúc của mình. Tôi muốn về nhà và chết ở đó.

Tôi đã dặn em tôi rất nhiều lần rằng gia đình tôi sẽ làm gì nếu chẳng may tôi quá yếu và không thể quyết định nên làm gì cho tôi . Vì tôi tin vào nhân quả, tôi chẳng bao giờ sợ chết. Nếu đến lúc tôi phải chết, tôi sẽ chết mà không hối tiếc gì cả. Tôi chỉ tiếc khi làm việc không tốt với người khác chứ tôi không tiếc khi mình phải chết dù là ở bất cứ độ tuổi nào. Tôi biết rằng mình rất may mắn khi có một cuộc sống rất tốt so với hàng tỷ người trên trái đất này vậy thì tôi còn đòi hỏi gì thêm nữa. Vì thế, những gì tôi có hiện nay là: tiền bạc, một công việc tốt, địa vị đều là vô thường. Do đó, tôi phải nghĩ xem mình nên làm gì để trả lại chúng một cách tốt nhất vì tôi không thể nó mang theo khi chết đi. Cái duy nhất tôi có thể mang theo bên mình là nghiệp quả. Vì vậy, tôi sẽ mang tặng tất cả những gì tôi có cho mọi người để làm được chút ít việc thiện hòng gặt hái những quả thiện sau này.

Khi tôi sắp chết, tôi muốn được ở nhà ngồi niệm Phật A Di Đà. Nếu tôi ngồi không nổi thì tôi sẽ nằm niệm Phật nguyện Ngài sẽ tiếp dẫn tôi về Tịnh Độ khi qua đời. Tôi muốn được yên tĩnh và tôi không muốn ai phải khóc, thương tiếc hay đến gần giường của tôi nói chuyện với tôi. Nếu họ thương tôi thì tôi mong họ cùng niệm Phật và hồi hướng cho tôi để tôi được vãng sanh về Tịnh Độ. Ở trong phòng xung quanh tôi là hình Ngài cũng như Tây Phương Tam Thánh. Nếu tôi có thể ăn uống được thì tôi ăn uống. Nếu tôi không ăn uống được thì tôi không muốn bất cứ loại ống dẫn thức ăn hay thuốc men đưa vào người của tôi. Tôi chỉ muốn có nhiều thời gian niệm Phật mà thôi. Xung quanh ảnh của Ngài là những cây nến, một đĩa trái cây, một lọ hoa và vài nén hương. Nếu tôi không còn đủ sức lần chuỗi niệm Phật, tôi muốn được mở máy niệm Phật lên nghe suốt ngày đêm cho đến khi qua đời.

Sau khi tôi tắt thở, tôi không muốn ai đụng vào người của tôi để lo hậu sự ít nhất là 8 giờ. Tôi muốn họ tiếp tục niệm Phật cho tôi vì đây là thời khắc duy nhất vô cùng quan trọng quyết định việc đầu thai của từng người. Trạng thái của tâm tại thời điểm lâm chung vô cùng quan trọng vì nó quyết định tình trạng đầu thai của từng người vào kiếp sau. Vào thời điểm đó, các tăng ni Phật tử cũng như gia đình, người thân, bạn đạo của tôi sẽ tụng kinh cầu nguyện cho tôi. Theo truyền thống của Phật giáo, việc tụng kinh vào lúc lâm chung rất quan trọng vì đó là điều cuối cùng mà người chết có thể nghe được. Tôi muốn mọi việc hậu sự cho tang lễ của tôi diễn ra hết sức bình thường, đơn giản và ít tốn kém nhất. Các sư thầy, sư cô sẽ hướng dẫn gia đình và bạn bè của tôi lạy cho tôi, dâng thức ăn chay lên bàn thờ của tôi. Tôi chỉ muốn một cái hòm rẻ tiền hoặc không thì chỉ cần một tấm chiếu quấn lên người tôi là cũng đủ rồi. Sau đó, họ sẽ thiêu xác tôi rồi mang tro cốt vào chùa để tôi có thể tiếp tục được nghe kinh Phật. Trước, trong và sau tang lễ của tôi, tôi muốn tất cả mọi người đều vui vẻ cầu nguyện cho tôi. Sau đó, tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục cầu nguyện suốt 49 ngày cho tôi. Tất cả những đồ đạc của tôi kể cả tiền bạc sẽ được mang tặng cho người nghèo hay làm từ thiện đúng nơi đúng chỗ. Đó sẽ làm cho tôi vui khi biết rằng mình có một cuộc sống ý nghĩa kể cả khi tôi lìa trần.

Tôi không đợi cho đến lúc mình già chết đi mới hối hận rằng mình đã chẳng làm được gì giúp ai và có một cuộc đời vô nghĩa. Tôi muốn có nhân lành quả ngọt cho cuộc đời nên tôi sẽ cố gắng ươm trồng thật nhiều hạt mầm tích thiện. Đó là bởi vì “Bồ Tát thì sợ nhân còn chúng sanh thì sợ quả.” Điều này có nghĩa là các vị Bồ Tát hiểu được hậu quả của những hành động xấu. Ngược lại, chúng sinh chỉ cảm thấy sợ hãi khi bị quả báo cho việc làm bất thiện của mình. Chết chỉ là một chu kỳ khác của sự sống nếu ai tin vào nhân quả, tội phước, luân hồi. Vì thế, tôi chẳng sợ chết bao giờ. Tôi không đếm mình sống được bao nhiều năm mà đếm được bao nhiêu việc tốt mình có thể làm trong cuộc đời. Tôi luôn luôn tin rằng nếu mình làm tốt, nhất tâm nguyện cầu niệm danh hiệu A Di Đà Phật và nguyện được vãng sanh thì tôi sẽ được sinh về cõi Tịnh Độ thoát khỏi sinh tử, luân hồi khi kiếp người mong manh này đi qua.”

Bài luận đơn giản này từ tâm viết ra nên bà giáo sư của tôi đã xúc động cũng như ngạc nhiên khi đọc nó. Cô viết thư cho tôi bảo rằng cô thật sự không hiểu nhiều về Phật giáo và mong tôi giảng giải cho cô hiểu hơn về tôn giáo này dù cô cũng tin rằng sẽ có kiếp sau vì cô là một người Thiên Chúa Giáo. Đặc biệt, cô khuyên tôi nên viết chúc thư cho riêng mình về những vấn đề y khoa liên quan đến sự sống chết của tôi vì những gì tôi mong muốn chết sẽ không được chấp nhận ở những bệnh viện ở Mỹ nếu không có sự dặn dò. Tôi hiểu chứ vì tôi cũng làm việc ở bệnh viện mà. Tôi viết thư cảm ơn cô cũng như tri ân tấm lòng cô đã lo lắng cho tôi. Tôi chỉ muốn có một cuộc đời thật đơn giản, bình thường, ít tốn kém nhất để dành những sự may mắn cho người khác và làm từ thiện. Đến khi lâm chung lìa đời, Cõi Tây Phương Tịnh Độ sẽ là nhà của tôi.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Đường Về Tịnh Độ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com