Chị bảo mấy hôm nay Nha Trang nóng như thiêu như đốt. Từ Tết đến giờ vẫn chưa có mưa, nắng hạn cháy cả cánh đồng bao nhiêu cây trồng lơ phơ trông thảm hại. Trời nóng quá làm con người cũng cảm thấy quá ngột ngạt, dễ cau có bực mình. Biến đổi khí hậu thời tiết vì sự tham ái của con người giờ chính mình phải chịu quả khổ đắng cay, nhất là gánh nặng đè oằn lên đôi vai của những người nghèo khổ.

Xem thêm:

Thành Phố Mùa Bằng Lăng Nơi Viễn Xứ

Florida nơi tôi đang sinh sống đã chuẩn bị đi vào tháng năm nhưng thời tiết vẫn còn lành lạnh. Mấy hôm nay mưa rào cả ngày nên rau trái ba tôi trồng sau nhà được thể phất cờ trỗi dậy xanh ngút ngàn. Thời tiết Florida về hè cũng nóng không thua kém gì Việt Nam nhưng không quá ẩm. Tuy nhiên, mùa hè mưa thường không ngớt nên nhìn đâu cũng cảm thấy cả một màu xanh rượi mát bao phủ cả thành phố tràn đầy nhựa sống.

Nghe tôi kể thời tiết ở đây, chị ước có cánh cửa thần kỳ của Doremon chạy sang trú nóng hoặc chuyển bớt một ít mưa viễn phương về quê nhà để cỏ cây và cả con người bớt đi sự oi nồng. Khắp thành phố nơi tôi ở, đi đâu cũng như ở trong rừng toàn cây là cây, thông phủ khắp nơi, ao hồ cá lội chim bay thoải mái với cuộc sống của chúng không một mảy may lo sợ. Để rồi đến tháng năm tháng sáu, cả thành phố sẽ ngập trong hoa bằng lăng đủ sắc màu đẹp như trong truyện cổ tích thần tiên.

Nghĩ về thành phố nơi mình đang sinh sống, tôi luôn cảm giác mình quá may mắn khi được gieo duyên sống ở đây, một cõi Tịnh Độ thu nhỏ tôi hằng ao ước đã trở thành hiện thực. Thành phố bé nhỏ như Nha Trang, lành lạnh về thu như Đà Lạt còn rừng thông khắp nơi, chỉ khu vựng xung quanh nhà tôi có lẽ cũng đã nhiều hơn cả trung tâm thành phố Đà Lạt. Sau nhà tôi đến năm sáu cây thông, tháng ba phấn thông phủ vàng cả nhà. Chiều mát tôi hay đi dạo ra hồ ngắm cá lội chim bay, nhìn những cành thông đung đưa kêu gọi ở cánh rừng phía sau làm tôi chỉ muốn mãi chìm đắm vào cuốc sống với thiên nhiên mà thôi.

Bệnh viện tôi đi làm cũng gần nhà, các ngôi chợ cũng gần và trên đường đi làm về. Chuyện kẹt xe là rất hiếm xảy ra trừ khi bị tai nạn. Có chăng là vào những buổi sáng đi làm ngang qua con đường của trường đại học đến bệnh viện, thời gian chờ đợi hơi lâu. Cuộc sống ở đây rất yên bình, chẳng xô bồ bon chen, chẳng có những tụ điểm ăn chơi sầm uất thu hút mọi người. Thành phố dành để học tập và nghĩ dưỡng cho người già. Tôi cũng thuộc tuýp người già như vậy.

Tôi cũng rất hiếm khi đi đâu và cũng cảm thấy không có nhu cầu đi đây đi đó. Vì vậy, ngoài thời gian đi làm, tôi đều ở nhà lo cho gia đình rồi lo tu tập cho cá nhân, làm chuyện Phật sự trên mạng. Tuy nhiên, tôi không hề cảm thấy buồn hay có cảm giác thèm muốn phải tranh giành bon chen với người đời. Tôi thuộc thế giới của những người cổ xưa từ hàng trăm năm trước hoặc là chỉ thích hợp ở trong am trong cốc trong chùa. Mọi thứ trôi qua cuộc đời tôi đều chẳng quan tâm quá nhiều hay cần có cuộc sống ồn ào đua chen giao tiếp khắp nơi. Chỉ nghĩ đến những điều đó tôi đã thấy mệt mỏi dù tôi không phải là người nhút nhát, không biết ứng xử với cuộc sống.

Trưa chủ nhật, tự thưởng cho mình một chút thời gian thảnh thơi, tôi nằm trên chiếc võng sau nhà ngắm cỏ cây và nghe chim hót, ve ngân. Cứ mỗi buổi trưa chiều, ve sầu khắp nơi bắt đầu đồng ca ngân lên trong các chùm lá như những bản nhạc giao hưởng. Tiếng ve ngân chưa dứt hòa với tiếng chim kêu lích chính thật vui tai. Trên các cành cây, mấy chú sóc nhỏ chuyền cành, có khi nhảy xuống đất chạy đến những luống rau ba trồng lặt vài cành rồi chạy mất. Cuộc chiến đấu giữa ba và các chú sóc chuyên phá rau quả ba trồng xảy ra quanh năm cho đến lúc ba phải làm dậu làm hàng rào ngăn lại mới bớt.

Chiều chiều, mỗi khi đi làm về thường nghe ba kể chuyện cây trái sau nhà ba trồng đã lên đến đâu. Ở Việt Nam, nhà có đất khá rộng nhưng ít khi trồng mà toàn ra chợ mua vì khá rẻ. Ở xứ người, thời gian không có nhưng ba lại tạo cả một mảnh vườn phía sau gợi nhớ quê hương với đủ loại rau quả. Từ tháng ba tháng tư khi trời ấm, ba bắt đầu gieo mướp, bầu, bí, mồng tơi, rau lang, khổ qua, rau dền, rau nhớt, rau tía tô và những loại rau khác. Ba làm cả giàn rất chắc để chúng bò lên và lên luống để trồng khoai mỡ, chặt cành tre về để chúng bò.

Đan xen trong những loại cây đang lên là chuyện ba chiến đấu với các chú sóc. Nhiều lần ba trồng mồng tơi vừa lên cây thì hôm sau chúng đã lôi đi hết. Bầu ba vừa trồng chưa lên giàn chuột đất đã đào lên kéo xuống. Mỗi ngày chiến đấu với chúng là một phát minh mới ba sáng chế ra. Để rồi ba lại cười nắc nẻ kể chuyện chúng ăn phải ớt trái ba trồng cay quá nên bỏ chạy. Do đó, ớt ba để ở ngoài không phải rào hàng.

Đến giữa tháng năm tháng sáu, phía sau nhà không biết cơ ngơi bao nhiêu loại rau trái không thể nào ăn hết được. Quả bầu rất to còn khổ qua dài đến gần nửa thước, mướp nào quả nào hoa . Phía dưới các loại rau, còn rau dấp cá ngập tràn khắp nơi. Nhà lại vắng nên trồng quá nhiều rồi lại đi mang cho khắp nơi. Khu vườn của ba không thua kém một khu vườn nào ở Việt Nam, thậm chí còn tốt hơn vì là sản phẩm sạch nên suốt mùa hè toàn ăn rau trái ba trồng không hết.Khắp nhà, các cây quýt cũng ra hoa đậu quả nhỏ khá nhiều.

Trước nhà thời gian đấy, bằng lăng năm màu gần cả chục cây trổ hoa rực cả một khoảng trời. Nhà nào xung quanh cũng hoa là hoa đẹp vô cùng. Bãi cỏ xanh mướt phải cắt thường xuyên. Nhiều loại rau vô tình không trồng chúng cũng tràn ra phía trước, có lẽ do chim ăn mang hạt khắp nơi.

Đến tháng chín, tháng mười, những loại rau quả xung quanh đã tàn hết là ba bắt đầu lên đất trồng cải. Khắp nhà là cải và trước nhà cải tự mọc hơn cả cỏ đôi khi bị hàng xóm than phiền hiểu lầm cải là cỏ. Lúc này, mấy cây quýt cũng bắt đầu chín dần vàng rực, khắp nhà đến cả ngàn quả. Cây không to nhưng trái trĩu cành ba phải chống lên nếu không chúng sẽ gãy.

Tháng 11 khi quýt vàng rực khắp vườn cũng là lúc dưới đất ngát màu xanh của cải làm bớt đi cái lạnh đang tràn về. Khoai mỡ được ba đào lên ăn dần và cả cho khắp nơi đến tháng tư mới hết. Khi những ngày tết nguyên đán về thì hoa cải vàng rực thay cho hoa mai ở quê nhà đón chào tân niên.

"Có vạt cải ngồng đứng đợi.

Thuỷ chung mách nẻo hoa vàng."

Cũng như những thế hệ gia đình tha hương khác, quê nhà mãi luôn giữ một vị trí rất quan trọng trong gia đình tôi, nhất là ba tôi. Ở tuổi xế chiều, niềm vui sau những giờ làm việc là khu vườn đặc trưng rau quả Việt Nam. Cơm ở nhà cũng là cơm thuần Việt chứ không phải món Tây món Tàu nào, cơm nhà chứ không phải quán xá nào khác. Ba không cần cũng không cảm thấy vui được đi nước nọ nước kia mà chỉ cần được về Việt Nam vào các dịp tết khi có thể là hạnh phúc nhất.

Miên man theo những tiếng ve, tiếng chim hót tôi bỗng cảm thấy rưng rưng khi gió thổi xào xạc rất mát và mạnh qua khu vườn. Tự nhiên tôi nhớ kỷ niệm của những ngày còn nhỏ ở quê nhà. Cũng những cơn gió thế này giữa trưa hè thổi qua vườn chuối bụi cau, qua những cây xoài trái chín rụng rồi lại trốn nấp thoát ra ngoài lượm xoài hoặc đi chơi. Cả tuổi thơ giản đơn nghèo khổ, chỉ biết làm bạn với ruộng với mương đầu trần giữa cái nắng tháng sáu nhưng hạnh phúc làm sao.

Nhà tôi ngày đó cũng có một khu vườn khá xa nhà trồng rất nhiều xoài và cây ăn trái. Ở dưới má tôi trồng bông Trúc Quan Âm, theo tiếng gọi của quê tôi còn ở các nơi khác người ta gọi là bông phát tài. Những buổi theo má vào gom nhặt bông, chỉ một cơn gió thổi qua, xoài rụng khắp vườn không biết chỗ nào để lượm. Nhiều hôm rủ bạn bè học chung vào vườn lượm xoài, chỉ một chốc đã đầy vài thúng mang về.

Nhiều bữa chờ má cắt bông để gom, tôi nằm trên láng trại nhìn xoài lủng lẳng trước mặt. Có khi em tôi tinh nghịch cắn hết vào đuôi xoài một lỏm nhìn chúng treo tòn ten trông rất buồn cười. Giữa khu vườn xoài đầy bông, ve kêu không ngớt, chim chóc cùng nhau ra rả cả dàn đồng ca. Đôi khi thoảng mùi hương thơm từ các chùm dú dẻ, hoa mãng cầu hay bất chợt gặp mãng cầu chín nhưng đã bị chim ăn cả lỏm, tôi lại tiếc rẻ hái khoe với má. Những khi buồn buồn tôi lại rảo vườn đi trèo hái ổi, leo lên cây xoài ngồi chơi hoặc trèo lên bẻ dừa. Trái điều màu đỏ vàng đẹp lắm khi chín tôi lại hái một ít mang hột về nướng, cắn quả hít nước rồi lại nhả ra vì chát.

Người nhà quê thật là tội nghiệp. Những gì trồng được tốt nhất đều mang đi bán còn những trái hư xấu để ở nhà ăn. Nhà tôi cũng vậy. Mỗi lần vú sữa được trái to má cho người đi bán cho đến lúc sau này ít trái chim ăn, tôi mới có dịp trèo lên hái những trái vú sữa nếp thật to ngọt lịm. Mỗi khi có mãng cầu chín trái to đẹp, má lại mang xuống chợ bán cho người ta cùng với bông chỉ để chúng tôi ăn những trái hư xấu. Xoài bán cả vườn chỉ để một ít thường là cây ở nhà, trái rất chua nhưng chín rất ngọt để ăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chẳng bận tâm vì suốt ngày đi lượm xoài trong vườn không thể nào ăn hết được.

Cuộc sống thưở nhỏ của tôi cũng bình an êm đềm như vậy dù phải ăn không biết bao trận đòn từ ba tôi do chuyên nghịch phá và leo trèo. Hình như không có cây gì ở nhà tôi chưa trèo dù cao cỡ nào. Có bữa đang chót vót trên cây dừa, cây xoài, cây mận, ba tôi bất ngờ về thì cũng là lúc tôi sẽ được no đòn. Trong tâm trí tuổi thơ, ba tôi thật khó tính vì chuyện leo trèo chẳng có gì nguy hiểm, là thú vui ngày hè cũng bị ba cấm cản. Còn những chuyện trốn theo bạn bè ở xóm đi tát cá, tát mương, vào sông vào mương bắt hến mò ốc, xé vở làm diều là chuyện thường ngày cũng đồng nghĩa với "roi vọt trên lưng thịt tím bầm". Giờ nghĩ lại tôi tự cười cho mình khi biết rằng bị ba đánh thời đó như thế là còn ít vì nếu không có khi tôi đã bị tai nạn hoặc đã chết cũng nên.

Ngày đó, cũng may tôi học khá tốt nên ba má cũng ít phải lo hơn cho tôi nhưng trong thời cuộc sống phải chạy lo kiếm cơm kiếm gạo, chuyện học hành của chúng tôi cũng phải tự lo lấy thân. Cho đến khi sau này khi điều kiện khá hơn, ba má mới có thời gian lo nghĩ đến chuyện học hành của chúng tôi. Má suốt ngày trầm ngâm hay nói với hàng xóm chẳng hiểu sao một đứa con gái như tôi nhưng nghịch phá và chơi toàn trò chơi mạnh, đá banh đá bóng ăn mặc như một đứa con trai. Má bảo phải chi tôi là con trai má đã đỡ khổ không phải sinh nhiều. Đi học tôi toàn được làm lãnh đạo và dám đánh cả đám con trai nếu không chịu vào nề nếp kỹ luật, đến thầy hiệu trưởng cấp hai cũng nhắc hoài lãnh đạo học cũng giỏi mà đầu gấu cũng không thua ai khi tôi có dịp về nước đến thăm trường.

Thời gian trôi đi quá nhanh với quá nhiều biến cố xảy ra. Tôi và gia đình đã định cư ở Mỹ đến nay gần 14 năm rồi. Mọi vật chất công danh địa vị đời thường, những gì bao nhiêu người đang mong ước, tranh dành, đau khổ để có được, tôi đã nếm được ít nhiều. Cuộc sống đời thường trôi đi quá vội cũng làm con người ta lớn dần lên cả về tâm tính, suy nghĩ và nhân cách. Tuổi đời giờ đã gấp đôi gấp ba thưở bé thơ thiếu thời chạy nhảy trên ruộng đồng.

Gió trưa hè nơi phương xa giữa cuộc sống rất đầy đủ tiện nghi tự nhiên tôi chợt thèm cả giác như ngày xưa băng trên đồng. Ba lần về Việt Nam, tôi cũng thường hay cầm xe đạp chạy tung tăng khắp làng, rong rủi lên chùa, ngồi ở giữa những cánh đồng và vào vườn xưa tìm cảm giác ngày nào nhưng đã mất dạng. Vườn xơ xác tiêu điều vì tình người phai nhạt, người ta không có tình cảm như xưa, trồng gì cũng bị ăn trộm bẻ hết nên vườn cứ thế tự sinh tự diệt.

Quê nhà giờ đã đông hơn, nhà cửa mọc lên nhiều hơn, xe máy chạy liên hồi, đường đã trán nhựa trán xi măng hóa nông thôn nên cảm giác cứ nửa quê nửa phố thị. Hoa quả đều ra chợ mua về nhưng lại trầm ngâm không biết là sạch hay toàn hóa chất từ trong ra ngoài. Nhà được xây mới to rộng nên cuối cùng lại ở trong nhà không muốn ra đường. Bất cứ chỗ nào cũng hàng quán, người người đông đúc, quán cà phê đèn đỏ đèn xanh, rồi những quán nhậu, quán đặc sản tràn vào khắp xóm làng. Thế nên tôi lại tự nhốt ở nhà, tự nhập thất tĩnh tâm niệm Phật tụng kinh mặc cho dòng đời xuôi ngược.

Một thế hệ mới lại ra đời khi hai đứa cháu ở Việt Nam cũng ngấp nghé tuổi của tôi khi xưa. Tuy nhiên, chúng chỉ biết đi học rồi ở nhà, gia đình không còn khó khăn như xưa nhưng các cháu chẳng có tuổi thơ như tôi thưở nào. Cuộc sống quá vội vả, cái ác cái xấu lan tràn khắp nơi, tiện nghi vật chất đủ đầy nhưng tuổi trẻ mất phương hướng không biết nên sống thế nào cho đúng. Thật khó khăn khi làm thầy, làm cha làm mẹ trong thời hiện đại. Không thể cứu được ai đành cố gắng dạy dỗ các cháu, làm bạn với các cháu, gieo chủng tử Phật pháp từ thưở nhỏ chỉ mong các cháu sẽ nên người tốt, tự nuôi sống chính mình và giúp đỡ mọi người trong sự gia hộ của chư Phật mười phương.

Nắng chiều đang tắt dần và gió cũng không còn thổi quá mạnh. Ve cũng bớt kêu để chim bay về tổ. Tôi rời chiếc võng để vào nhà lo cơm chiều trong sự mộng mơ nuối tiếc một thời thơ ấu đã qua.Một cảm giác hạnh phúc vì mình có một tuổi thơ êm đềm đầy kỷ niệm mãi luôn nuôi dưỡng tâm hồn, làm một phương trời cao vợi nương tựa tâm linh thoát đi những muộn phiền lo nghĩ khi đối diện với cuộc sống hiện tại. Dù quê hương giờ đã đổi thay không còn như xưa nhưng trân báu bao kỷ niệm thưở nào bên ruộng đồng, bên tiếng ve ngân vang đang theo tôi hòa vào cuộc sống nơi xứ người. Bài học vô thường diệt sinh tôi đang dần dần thâm thấu.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Trưa Viễn Phương Nhớ Ve Ngân Quê Hương”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com