Tôi làm bác sĩ nên hàng ngày gặp rất nhiều bệnh nhân khác nhau của mọi ngành nghề, thành phần. Thỉnh thoảng khi rãnh rỗi, tôi đều nghe họ kể chuyện nghề nghiệp riêng, công việc ở gia đình hoặc tất cả những gì họ muốn kể, vừa để biết và cũng vừa để họ vui. Ở đây đa phần mọi người đều chỉ thích kể chuyện của mình, gia đình của mình, công việc của mình mà không muốn nghe chuyện của người khác. Tuy nhiên, để tìm được người chỉ lắng nghe họ nói là cả một vấn đề. Ngược lại, tôi không có nhu cầu kể chuyện của riêng mình dù thỉnh thoảng tôi vẫn kể nên việc tôi ngồi nghe họ kể chuyện khi khám bệnh làm họ rất vui dù mất khá nhiều thời giờ.
Bà là bệnh nhân của tôi bốn năm qua, vài tháng tôi gặp một lần. Tôi biết bà đang điều hành một trung tâm dạy trẻ em từ thiện nhưng quả thật cũng không hình dung nó như thế nào. Cũng may từ ngày gặp tôi, bệnh của bà không quá nặng nên bà hay có thời gian kể chuyện ở trung tâm. Mỗi lần nói về những đứa trẻ, những công việc từ thiện giúp người khác, bà vui vô cùng. Ánh mắt bà long lanh đầy cảm xúc ngấn lệ khi tôi bày tỏ lòng cảm mến cũng như khâm phục những công việc bà đang làm. Tôi luôn hứa sẽ liên hệ đến các trung tâm, các sinh viên y tá hay y khoa hoặc những người thích làm những công tác cộng đồng có dịp sẽ đến giúp trung tâm bà.
Thời gian cứ thế trôi đi với bao nhiêu công việc bận rộn. Mỗi lần gặp bà tôi cảm thấy ái ngại vì những nơi tôi giới thiệu tới dường như chưa đủ duyên đến đây. Bà vẫn luôn nhiệt tình vui vẻ thích kể chuyện cho tôi nghe về trung tâm của bà. Tất cả đều là sống nhờ vào sự quyên góp thiện nguyện nên được san sẻ cho ai bà đều vui. Tôi xin một số danh thiếp để có dịp sẽ đưa những người cần đến.
Rồi một ngày, tôi nói cho bà biết tôi sẽ tự thân đến giúp đỡ trung tâm của bà bằng cách dạy thiền, những vấn đề về sức khỏe, tác hại của thuốc lá hoặc các bệnh truyền nhiễm, phòng tránh thai cho các em. Vì trung tâm của bà chỉ hoạt động từ thứ hai đến thứ năm nên cũng khá khó khăn cho tôi đi làm cả tuần. Tuy nhiên, khi nghe tôi nói ý định ấy, bà vui đến khóc và bảo với tôi rằng bất cứ khi nào tôi có thời gian đến, bà sẽ sắp xếp cho các em có mặt ở trung tâm.
Một buổi chiều thứ sáu, sau khi sắp xếp đủ chuyện gia đình, tôi quyết định xuống trung tâm của bà ở một thành phố khác cách xa nhà khoảng một giờ lái xe, hơi khá xa. Tôi dự định sẽ dạy thiền cho các em nhỏ trước khi dạy những vẫn đề còn lại sau này. Bà cũng mong muốn được tôi dạy thiền vì đó là một liệu pháp hiện nay được áp dụng rất rộng rãi ở trường học, các trung tâm y tế và khắp nơi như một phương cách giảm căng thẳng, kiềm chế bản thân rất hiệu quả.
Tôi đến sớm hơn dự tính nên đi vòng vòng ở ngoài xem trung tâm chờ vợ chồng bà đến. Tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao trung tâm đóng cửa hôm nay. Trung tâm được xây dựng khá chắc chắn và đẹp nằm giữa khu dân cư của người da màu rất tồi tàn. Ở Mỹ, những khu dân cư của người da màu tập trung nhiều đa phần đều là không tốt, tệ nạn xảy ra thường xuyên, chuyện sử dụng thuốc, bạo loạn, bắn nhau diễn ra liên tục nên cảnh sát luôn túc trực ở đây. Vợ chồng bà là người da màu và tôi cũng đã nghe một ít các câu chuyện của bà nhưng quả thật vẫn chưa thể hình dung làm thế nào trung tâm có thể hoạt động được.
Vợ chồng bà đến mở cửa cho tôi vào. Chồng bà khá kiệm lời, chào tôi rồi để tôi trò chuyện với bà ở trung tâm. Vừa bước vào, tôi khá ấn tượng vì quả đúng là một trung tâm tuy không lớn nhưng được xây dựng bài bản các lớp học, bàn ghế dành cho sinh viên. Bà xin lỗi tôi là hôm nay không thể tập trung các em được vì bà bệnh quá nặng hai tuần qua, người đau nhức không điều hành nổi. Do đó, tôi có thời gian hơn hai tiếng tìm hiểu trung tâm hoạt động như thế nào.
Theo lời bà kể, cách đây 23 năm, vợ chồng bà bắt đầu nghĩ đến việc dạy các em học sinh đủ mọi thành phần. Hai vợ chồng bà từng tốt nghiệp thạc sĩ tại trường đại học tôi đã học. Vì công việc làm không thuận lợi, vợ chồng bà bị thất nghiệp tạm thời. Do đều là người da màu nhưng được học hành tử tế lại sống trong khu dân cư người da màu đầy phức tạp, vợ chồng bà mỗi ngày đều thấy những cảnh tượng đau lòng các em không được học hành, gia đình không hướng dẫn, chuyện đánh nhau, trốn học, quậy phá, bắn nhau, buôn bán thuốc phiện diễn ra như cơm bữa. Đây là những vấn đề rất phổ biến trong cộng đồng người da màu và những người da màu được học hành cao như vợ chồng bà là không nhiều.
Chồng bà đầy suy tư và nói với bà hãy cùng mở lớp dạy học cho các em nhỏ. Họ không khá giả gì, lại có hai con gái nhưng bắt đầu mở lớp dạy học từ nhà kho của gia đình. Có những ngày khi thất nghiệp nhà bị mất, họ ở trong một chiếc xe mobile home tạm bợ, nằm đất, chia nhau phần ăn chỉ 1 USD nhưng họ vẫn không từ bỏ việc dạy các em. Rồi trung tâm được đưa đến một nơi khác nhưng cũng khá chật chội. Vợ chồng bà tự gánh lấy việc dạy học, không thu phí, không từ chối bất cứ em nhỏ nào, tất cả sống từ tấm lòng của mọi người quyên góp đến, công việc dạy học tất cả cũng chỉ hai người phụ trách. Dù nghèo khó họ vẫn dạy hai con học hành nên người đổ đạt cao. Chính họ cũng không có lương bỗng gì và sống rất thiểu dục thanh đạm.
Cách đây hơn 10 năm, hai vợ chồng người Mỹ trắng của một công ty xây dựng về hưu vì thương cảm cũng như khâm phục ý chí, nghị lực của hai vợ chồng bà nên họ quyết định xây cả trung tâm dành tặng cho bà. Người vợ nói với người chồng trung tâm cũ quá chật hẹp và phải có một trung tâm tốt hơn để dạy các em bài bản. Người chồng đồng ý và tự thiết kế xây dựng một trung tâm đủ tiêu chuẩn của chính quyền liên bang với các phòng chức năng dạy học, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà kho và có cả phòng khám bệnh cho bà. Thế là trung tâm hiện tại được hình thành cách đây 11 năm.
Trung tâm hiện tại có khoảng 6 phòng chức năng, một phòng hội trường chính, nhà vệ sinh tách biệt cho nam và nữ cùng một phòng bà thiết kế thành phòng y tế cho trẻ em và một nhà bếp. Bà cho biết những bàn ghế giường tủ khi trung tâm vừa xây dựng lên, các công ty nội thất tự mang đến tặng cho bà. Khi bà xây một nhà bếp nhỏ, công ty thiết kế buôn bán vật liệu xây dựng nổi tiếng của Mỹ đưa thợ đến làm tất cả rồi chào bà ra đi không lấy một đồng, chúc bà may mắn, vui vẻ. Mọi việc điều hành, lau dọn cả trung tâm đều do hai vợ chồng bà đảm trách. Nghe đến đó tôi hoảng hồn khâm phục vô cùng.
Tôi hỏi hai vợ chồng bà suốt ngày lo dạy học chăm sóc trung tâm vậy làm thế nào để bà có nguồn thu nhập nuôi sống mình. Bà nói hai vợ chồng không phải trả nhiều tiền chi phí bởi vì xe hai vợ chồng bà đi cũng có người tặng và cả nhà mobile home mới cũng có người mua mang đến tặng bà. Hàng ngày vợ chồng cũng ăn đạm bạc, ai cho gì ăn đó ngoài việc lo cho các em. Thêm vào đó, bà có hai đứa con gái đã lập gia đình, có cuộc sống cũng ổn định, công việc tốt nên họ luôn kiểm tra đảm bảo vợ chồng bà có những thứ họ cần để sống.
Ở trung tâm, mỗi sáng thứ hai có một cô giáo dạy nghệ thuật đã nghỉ hưu đến dạy cho các em. Sáng thứ ba có một cô giáo dạy toán đến kèm và thỉnh thoảng cũng có một số sinh viên tình nguyện. Vì ở khu dân cư người da màu không mấy người được học hành đàng hoàng nên chuyện có sự trợ giúp giáo dục vô cùng ít, chưa nói trung tâm ở cách quá xa những trường học tốt khác. Các học sinh từ nhỏ đến lớn có vấn đề ở trường, cần kèm các môn toán, ngoại ngữ, làm các đồ án, cần lắng nghe, cần thức ăn, nhà không ai trông nom, họ lại đến trung tâm của bà. Thế là hai vợ chồng quần quật chia nhau ra dạy hết lớp nọ đến lớp kia, nhóm này làm bài thì dạy nhóm khác nên nhiều bữa phải ở trung tâm đến chín mười giờ đêm. Sau đó, lại do dọn dẹp để chuẩn bị cho một ngày mới. Tôi nghe xong xúc động vô cùng.
Tôi hỏi vì sao trung tâm của bà không nhận hay xin tài trợ từ chính phủ liên bang, tiểu bang hay các tổ chức khác. Các nơi khác họ thường làm vậy và có rất nhiều tiền trang trải các hoạt động khác. Bà cho biết họ đã từng mời vợ chồng bà đến Washington DC để thông báo một nguồn tài trợ rất lớn. Một số trung tâm khác cũng đồng ý xin tài trợ cho bà. Tuy nhiên, họ đưa ra quá nhiều ràng buộc, kiểm tra gắt gao, quá nhiều giấy tờ, chỉ cho bà được dạy một số đối tượng và độ tuổi nhất định. Bà đã từ chối vì như thế sẽ có rất nhiều em nhỏ không nhận được sự trợ giúp khi cần. Đó là chưa kể lúc ấy bà sẽ mãi lo đương đầu với chuyện tiền bạc, hoặc một số nơi dùng các em để kiếm tiền thì bà không còn thời gian để giáo dục các em. Như thế là đi ngược với nguyện vọng, ý chí của vợ chồng bà muốn cứu giúp càng nhiều em ở những cộng đồng đủ thứ vấn đề thế này. Do đó, vợ chồng bà chấp nhận không xin tài trợ bất cứ đâu, không gây quỹ vận động, sống tất cả vào sự quyên góp biếu tặng của mọi người để bà chuyên tâm làm các công việc giáo dục giúp đỡ mọi trẻ em cần đến bà.
Ở Mỹ, nếu học sinh đến các trung tâm dạy kèm đều phải thi đầu vào, hoặc trả tiền khá nhiều. Nếu thuê gia sự dạy riêng cũng phải trả tiền theo giờ. Ở trung tâm của bà, bất cứ trẻ em nào đến đây đều được tiếp đón dù có khi đó là lần cuối cùng bà gặp, tất cả đều miễn phí, tận tình. Nhiều em sinh ra trong những gia đình nghèo khó, thiếu thốn, không được cha mẹ quan tâm, áo quần rách nát, đặc biệt là các em nữ ở độ tuổi dậy thì không có đồ lót sạch để mặc, bà đều tự động dẫn các em đi mua đồ mới. Một số em học tốt, có cách thành tích cao ở trường hay đạt các giải thưởng về thể thao, được đưa đến các thành phố khác cắm trại hay nhận thưởng, vợ chồng bà đều cố gắng lo đầy đủ áo quần, thiết bị cho các em trước khi đi để chúng không cảm thấy thua thiệt với những trẻ em khác. Lâu lâu bà còn tổ chức cho các em đi dã ngoại cắm trại hoặc theo các em đến các nơi nhận giải thưởng để các em biết cuộc sống bên ngoài. Nhiều em ngỡ ngàng khi được ra một môi trường mới không hề có sự tranh cãi, đánh nhau, được thấy các khách sạn, nhà hàng sang trọng mà cả đời chúng chưa bao giờ được bước chân đến.
Có đôi khi một số em, đặc biệt là các em bé gái bị lạm dụng tình dục từ người thân, từ cha dượng đến mang thai, ép phá thai, bị hành hạ cả từ mẹ và cha dượng, bà lại thương cảm mang về nhà nuôi dưỡng, cùng sống đạm bạc với vợ chồng bà rồi họ dạy các em học. Cho đến khi gia đình em hay mẹ em chuyển đến nơi khác, lúc đó em mới trở về nhà để đến trường mới tránh xa nơi cũ bớt thị phi. Gần như ở trường có vấn đề gì ở các em, họ đều gọi đến trung tâm của bà xin giúp trước khi gọi về gia đình các em vì biết rằng ở đây các em sẽ được chăm sóc. Nếu gọi về gia đình sẽ chẳng giúp gì, đôi khi đó lại bùng lên những cuộc bạo hành còn khổ đau hơn.
Bà là một tín đồ Thiên Chúa Giáo và người Mỹ da màu rất sùng tín, đều đến nhà thờ vào mỗi buổi sáng chủ nhật. Tuy nhiên bà bảo hai vợ chồng bà không đi lễ nhà thờ mà trung tâm chính là nhà thờ của bà. Đơn giản vì đó là nơi bà có thể giúp đỡ mọi người hơn và việc chỉ đến nhà thờ hành lễ rồi về nhà đâu lại vào đấy, chuyện xấu vẫn tiếp tục làm. Nghe bà nói đến đó mà tôi thầm cười nghĩ có phần giống mình hay ở đạo Phật cũng vậy hoặc các tôn giáo khác cũng thế. Nhiều người rất chăm đi lễ chùa, kinh sách gì cũng thuộc cũng đọc nhưng hành xử giúp người là chuyện còn ở nơi xa. Do đó bà bảo vì trung tâm bà không phụ thuộc vào tài chính từ ai, không bị ràng buộc trong bất cứ điều gì bà có thể làm để giúp các em nên khi tôi đề cập đến thiền, bà vui vô cùng vì nghĩ rằng có thể giúp các em. Nếu là trung tâm thường, đôi khi muốn dạy một điều gì đó, dù là tốt nhưng chưa chắc đã được chấp thuận vì phải xin hỏi ý kiến. Lại là vấn đề giấy tờ quá mệt mỏi ở đây.
Bà bảo bà rất vui với các công việc của mình và nếu bà có ra đi bà cũng mãn nguyện. Dù trung tâm ở giữa cộng đồng người da màu nghèo khó đủ thứ tệ nạn, sự trợ giúp từ người da màu đến trung tâm của bà chưa đến 1% mà đa phần từ các cộng động khác, từ người Mỹ da trắng nhưng trung tâm không từ chối bất cứ em nhỏ của tôn giáo, tâm linh, cội nguồn nào mặc dù chính yếu vẫn là các em da màu ở đây. Bà cho biết theo các thống kê của các trường học gần đó, tỷ lệ các em từng học ở trường bà tốt nghiệp trung học là 100% và rất nhiều em đổ đại học cao, có các nghề nghiệp ổn định và nhiều em, hoặc các nhân vật nổi tiếng đã đến trợ giúp trung tâm bà. Đặc biệt, từ khi trung tâm bà mở ra, tỉ lệ tội phạm, bạo hành các khu vực xung quanh giảm đáng kể. Do đó, vợ chồng bà nhận được rất nhiều giải thưởng, kể cả được trao bằng tiến sĩ danh dự cho tất cả các cống hiến của họ vì sự nghiệp giáo dục.
Có đôi khi tôi trò chuyện với bà rằng tôi cũng đang làm một số việc ở Việt Nam, nhất là sức khỏe và thuốc men. Dù trung tâm bà chẳng khá giả gì nhưng bà đã hỏi tôi ngay rằng tôi có cần gì không để bà mang đến để tôi gởi về Việt Nam. Tôi bảo không cần gì cả ngoài một số những sách tiếng Anh đơn giản, sách khoa học tôi chưa tìm được nhiều để dạy cho cháu tôi cũng như tặng các em nhỏ. Một số em lại rất thích búp bê và cháu tôi ở Việt Nam rất thích thiết kế áo quần khá đẹp cho búp bê. Chỉ vài ngày sau, tôi đã được nhận không biết bao nhiêu thứ như vậy vì bà bảo ở trung tâm bà có quá nhiều, lúc nào bà cũng mang đi trao tặng. Còn búp bê, bà bảo như một phép màu dành cho tôi, khi hướng dẫn các em đi cắm trại về, tất cả đã được ai đó mang đến để đầy trước trung tâm. Có lẽ cả đời tôi cũng chưa bao giờ thấy quá nhiều các búp bê như vậy và tôi phải chia bớt cho đồng nghiệp khắp nơi vì không dám trả lại sợ bà buồn.
Đi khắp các phòng nói chuyện với bà, mọi thứ khá gọn và ngăn nắp theo khả năng cho các em nên tôi rất cảm phục bà phải lo dọn dẹp, chăm sóc lau chùi không dễ dàng gì. Tôi dọn dẹp nhà cửa mỗi tuần mà lúc nào cũng thở than. Mỗi khi có điện thoại ai gọi đến, bà đều xin phép họ gọi lại vì bà hãnh diện vui mừng nói với họ rằng bà đang tiếp chuyện với bác sĩ của bà đến thăm trung tâm.Nhìn khắp lượt, có một số điều tôi góp ý tư vấn cho bà trong việc định hướng, giáo dục cho các em. Có lẽ vì quá bận rộn, cộng thêm phải lo chuyện đau bệnh sức khỏe hai vợ chồng, không có nhiều người trợ giúp giáo dục nên bà không thể nào lo xuể nghĩ suy. Khi tôi đề xuất các ý tưởng, bà vui vô cùng vì khá đơn giản, đỡ tốn kém, lại có thể giúp bà và các em theo con đường đúng đắn, bà vui đến xúc động.
Có lẽ là bệnh nghề nghiệp nên khi đến trung tâm cũng như đã từng tiếp xúc với khá nhiều bệnh nhân từ cộng đồng da màu, tôi biết họ đang cần gì. Tôi muốn giáo dục và giảm bớt các tệ nạn cho các em từ nhỏ, nhất là thuốc lá,bạo lực, các bệnh gây ra do lạm dụng tình dục, quan hệ tình dục không được bảo vệ. Thật tội nghiệp khi đến những áp phích, các tờ rơi, các tập giấy tờ hướng dẫn những vấn đề này, bà cũng không biết tìm đâu.Tôi hứa sẽ lo tất cả những điều này cho bà, sẽ trang bị cho bà đầy đủ cũng như liên hệ các tổ chức y tế của tiểu bang và chính phủ gởi đến cho bà. Vả lại, tôi làm trong ngành y nên những thông tin về giáo dục hay bất cứ điều gì tôi cần, ở phòng khám và các trung tâm y tế sẽ gởi cho tôi đầy đủ.
Tôi liên tục nói với bà tôi rất xúc động, ngưỡng mộ, khâm phục ý chí hai vợ chồng bà trong công việc giáo dục trồng người suốt 23 năm không biết mệt mỏi. Đặc biệt, lòng từ bi của vợ chồng bà không hề thuyên giảm như ngày đầu hình thành trung tâm từ nhà kho của gia đình đến hôm nay quả là quá hiếm. Nhiều người ban đầu có lẽ cũng thích từ thiện, cũng có lòng từ bi giúp các em nhưng khi đã sa vào một thời gian, vì danh vì lợi, họ chỉ lo cho chính mình và dùng các em làm công cụ để kiếm tiền. Nhiều trường học đã dùng các em, gắn mác bệnh tật cho các em để kiếm tiền từ chính phủ không có gì xa lạ.
Bà khóc khi nghe tôi nói vậy và bảo rằng không nghĩ nó lớn lao như vậy nhưng là sự thật. Bà tin rằng vợ chồng bà đã được chọn lựa để làm công việc này nhưng bà hạnh phúc vì được chọn lựa, vì được đi trên con đường ấy chưa một lần hối hận. Bà thương các học sinh rất nhiều và đóng mọi vai trò các em cần, thay cha mẹ, ông bà, anh chị, cô dì chú bác hoặc bất cứ vai trò nào các em muốn, vợ chồng bà sẽ đảm nhiệm tất cả. Bà bảo vì đã có sự chọn lựa nên tất cả đều là do quyên góp mà đến, bà chưa bao giờ phải đi xin ai, có những khi trung tâm tưởng không còn tiền nữa thì lại có người mang đến tặng bà nên bà rất tin tưởng ở những chuyện mình đang làm luôn có ơn trên phò hộ.
Tôi hoàn toàn đồng ý với bà. Với tôi, vợ chồng bà chính là hóa hiện của những vị Bồ Tát đi vào đời. Ở cuộc đời này, người xấu đến xấu tận cùng tôi gặp không ít nhưng những người tốt đến quá tốt, không hiểu sao họ lại tốt đến như vậy tôi có duyên được biết cũng rất nhiều. Âu chư Phật để cho tôi thấy đủ cả thế giới muôn màu. Và vợ chồng bà là một trong những con người quá cao cả tốt đẹp ấy. Tôi có hứa với bà sẽ đồng hành cùng trung tâm bà trong có thể, sẽ làm cầu nối đến những người tôi quen biết, hoặc các bệnh nhân ở gần khu dân cư của bà đã nghỉ hưu muốn đến dạy các em. Tôi nghĩ rằng tiền bạc có thể dễ dàng được quyên tặng nhưng định hướng, giáo dục, điểm tựa, tình yêu thương mới là điều rất khó để gieo trồng.
Tôi ví bà như những cây dù che nắng che mưa cho các mần mon đứng dậy. Bà cho tôi xem ảnh một chậu hoa giả đầy hoa rất đẹp. Tôi ví công việc của bà như người trồng hoa mang tặng hương thơm đến cho cuộc đời và hiện nay những bông hoa ấy đang nở khắp muôn miền để tiếp tục đâm chồi kết hạt gieo thêm nhiều bông hoa mới. Đơn giản cứu một đứa trẻ để chúng phát triển tốt sẽ cứu nguy biết bao tệ nạn khổ đau sau này nên công việc trồng hoa của bà không đơn giản nhưng rất đẹp, rất đáng trân trọng.
Nghĩ về vợ chồng bà, tôi lại nhìn chính bản thân mình cũng như các công việc mình đang làm. Bao nhiêu năm nay, dù chẳng làm gì được nhiều nhưng các công việc thiện nguyện bé nhỏ tôi đều dồn hết về Việt Nam, luôn nghĩ rằng ở quê nhà của mình cần giúp đỡ hơn tất cả. Hiển nhiên, các công việc của tôi rất bé nhỏ và tôi chỉ làm việc âm thầm, lặng lẽ, không thích kêu gọi, không muốn ai biết tôi đang làm gì, kể cả gia đình trừ thầy của tôi. Vậy mà có lẽ là không phải duyên, nhiều người xem đó là chuyện hiển nhiên. Nhiều người tôi bỏ thời gian ngày đêm giải thích bệnh nhưng không mảy may quý trọng trong khi họ đâu có biết để bệnh nhân gặp được tôi, họ phải trả tiền khá nhiều. Họ chỉ muốn nghe điều họ muốn nghe và bắt tôi làm một thầy thuốc kiểu ở Việt Nam gặp bác sĩ là gặp hỏi thuốc chứ không hề hỏi xem mình cần làm gì để phòng tránh bệnh.
Có nhiều khi họ nhận thuốc tôi gởi tặng còn không hề biết quý trọng, không một lời cảm ơn, và thậm chí xem thường dù suốt ngày tôi cảm thương họ khó khăn không có tiền bạc bị lừa đi mua tiên dược, thần dược, hoặc tốn bao nhiêu tiền gặp bác sĩ để bị đưa về rất nhiều thứ thuốc vô dụng tốn tiền, càng uống bệnh càng nặng thêm hoặc họ bị lừa để mua những loại thuốc ngoại rất đắc tiền. Có khi tôi khuyên họ phải đi kiểm tra xét nghiệm tôi mới có thể biết bệnh, không thể ứng xử kiểu đoán mò thì họ đâm ra nghi ngờ, chỉ suốt ngày hỏi thuốc, tôi cũng đành chịu. Có nhiều khi tôi đã muốn từ chối không trả lời nữa vì họ không chịu nghe những gì tôi khuyên nhưng họ vẫn đến hỏi, vì thương cảm tôi tiếp tục trả lời. Dần dần, tôi cảm thấy muộn phiền và tự nghĩ tại sao làm việc thiện mình không vui nên tôi đã mạnh tâm, chấp nhận hãy để họ tự học bài học cho chính mình. Trong khi thời gian ấy, chỉ cần tôi khuyên bảo, chỉ cần tôi gọi điện thoại nói chuyện, bệnh nhân ở Mỹ, những người phải trả tiền cho tôi họ vui cảm động vô cùng.
Tôi nghĩ có lẽ duyên của mình không phải ở Việt Nam và tôi không thể làm một bác sĩ giống ở Việt Nam mọi người mong đợi được. Họ còn xem như quái dị hay ngạc nhiên khi tôi rất ít và tinh giảm bớt các loại thuốc họ uống, thậm chí là không cần thiết vì như thói quen gặp bác sĩ là họ phải nhận rất nhiều thuốc. Ở Mỹ, thuốc được dùng rất hạn chế và không ai lại đi kê toa đủ thứ như vậy nếu như không muốn gặp rắc rối sau này.Nhìn lại ở Mỹ, nơi đã nuôi dưỡng tôi, cho tôi cả một tương lai tốt đẹp, bao nhiêu người tốt giúp đỡ tôi nhưng mảnh đất quê hương thứ hai này, tôi chưa làm được gì nhiều để trả ơn. Những việc tôi làm dù quá bé nhỏ nhưng bao nhiêu người tri ân và bệnh nhân thương tôi vô cùng. Giờ hôm nay đến trung tâm của bà bệnh nhân, tôi nghĩ mình cần xem lại các việc làm của mình và đã đến lúc tôi cần làm nhiều việc hơn để tri ân mảnh đất cho mình cả một tương lai tươi đẹp hôm nay.
Cả buổi chiều ở trung tâm của bà bệnh nhân, tôi lại làm một bác sĩ tâm lý nghe bà nói suốt hơn hai tiếng và tôi chỉ nói phụ họa. Tôi biết bà vui vô cùng như lâu lắm rồi mới có người để bà giải bày tâm sự tất cả. Tôi cũng rất vui vì mình được có một cơ duyên khác làm những chuyện tốt đẹp cần làm. Bà tiễn tôi về giữa trời mưa bắt đầu trong dòng lệ bà tuôn chảy vì xúc động, chân bà bước khập khểnh trở vô, tôi bồi hồi trở về. Thực hiện lời hứa với bà, tôi đã liên hệ các trung tâm y tế và họ rất vui gởi cho tôi tất cả những gì tôi đang cần. Bà vui lắm khi tôi thông báo như vậy. Tôi cảm ơn bà đã cho tôi có cơ hội góp một phần bé nhỏ giúp bà duy trì trung tâm.
Vì luật lệ ở Mỹ trong ngành y bảo vệ danh tính bệnh nhân tôi không thể chụp ảnh hay đăng tải hình của bà. Bà xin phép chụp ảnh tôi, bảo rằng nhìn tôi thấy đầy sức sống đẹp rạng rỡ lạ thường để được lưu giữ ở trung tâm như một phần trong vô số những con người bà đang treo đầy ở các vách tường giúp bà có động lực tinh thần dù tôi chưa làm được bất cứ điều gì. Tôi sẽ kêu gọi cả em tôi, hiện đang làm bác sĩ nội trú năm thứ hai ngay thành phố bà rãnh rỗi sẽ đến đây giúp đỡ. Hàng đêm tôi đều lạy Phật cầu nguyện cho vợ chồng bà được khỏe mạnh để tiếp tục làm việc giúp đời.
Tôi đã sẵn sàng cho các lớp học sau này, sẵn sàng bỏ việc đi làm thêm kiếm tiền hoặc nghỉ ngơi dành thời gian ấy dạy học. Và bài học đầu tiên tôi mang đến trung tâm chính là thiền, lòng biết ơn, yêu thương cuộc sống. Tôi cũng cầu xin chư Phật nếu đây là nơi sẽ giúp tôi ươm mầm thực hành Bồ tát đạo hãy giúp tôi được ân triêm công đức giúp các em ở đây một chút kiến thức nên người như biết bao nhiêu con người thầm lặng vĩ đại đã từng giúp tôi thành tài trên mảnh đất xa xứ đầy bận rộn nhưng cũng lắm tình người nơi đây.
Ngọc Hằng