Rất nhiều bạn bè người thân và kể cả bệnh nhân đã từng hỏi tôi tại sao có thể làm việc liên tục không mệt mỏi nhưng lúc nào cũng vui. Họ thắc mắc làm thế nào tôi có thể giữ được cảm xúc cho chính mình khi ngày ngày tiếp xúc với biết bao bệnh nhân đủ thứ bệnh, kể cả đối diện với sự sống chết của bệnh nhân. Làm thế nào tôi có thể quán xuyến mọi điều và nghe bệnh nhân than thở, đôi khi là chỉ trích nhưng không khổ đau trầm cảm để vẫn tiếp tục giúp họ? Ngày ngày sống giữa thế giới bệnh tật như vậy có bao giờ tôi cảm thấy chán nản muốn buông xuôi và nghĩ rằng mình đã chọn lầm nghề?

Xem thêm:

Phật Giáo Trong Y Khoa Ở Hoa Kỳ

Bằng “Doctor” Trong Mùa Phật Đản Màu Nhiệm Lần Thứ Tư Của Đời Con

Những thắc mắc hoài nghi tương tự như vậy rất nhiều. Cũng như các y bác sĩ khác, chúng tôi phải giải trình rất nhiều thứ một cách hợp lý. Và như mọi ngành nghề khác, trong ngành y, dù là ở nơi có nền y khoa bậc nhất là Mỹ nơi tôi đang làm việc, trong số rất nhiều y bác sĩ rất tốt, tận tâm với bệnh nhân vẫn có không ít người chỉ muốn kiếm tiền từ bệnh nhân nhưng đối xử, chữa trị với bệnh nhân không ra gì. Theo kinh nghiệm cá nhân cũng như những gì tôi quan sát, chiêm nghiệm, tất cả những gì tốt đẹp nhất tôi có thể làm được để trụ vững trong ngành y chính là do việc tu tập Phật giáo mang lại.

Có lẽ, nhiều bạn ở các tôn giáo khác hay vô thần sẽ có sự hoài nghi hoặc chỉ trích tôi đang tuyên truyền tôn giáo. Tôi là một Phật tử nhưng cũng là một thầy thuốc, một nhà khoa học nên tôi xin trình bày mọi điều theo khía cạnh khoa học thực tiễn và lợi ích mà Phật giáo đầy khoa học mang lại cho tôi khi hành nghề y khoa. Lẽ dĩ nhiên, sẽ có nhiều người biện luận rằng có rất nhiều vị y bác sĩ rất tốt, rất tận tâm nhưng họ đâu phải tu tập theo Phật giáo. Thật sự, những con người tốt ấy đã là một vị Bồ Tát thực thụ đi vào đời chỉ là theo danh nghĩa từ ngữ khác nhau nhưng họ đã vô lượng kiếp là những người con Phật chân chính, trong ý nghĩa Phật giáo mang hạnh phúc đi vào đời chứ không phải ở sự huyền bí, dị đoan, giáo điều.

Việc đầu tiên khi nghĩ đến bác sĩ, ai cũng mong được gặp một bác sĩ từ bi, thương người. Thời ban đầu khi mới vào nghề, có lẽ sự nhiệt huyết, tình thương bệnh nhân rất bao la nhưng dần dần sẽ trở thành một thói quen, làm việc vì nghĩa vụ, lo nghĩ về lợi ích cá nhân, lương bổng, chính sách làm việc, con người sẽ dần dần trở nên khô cứng, làm cho xong để thoát khỏi địa ngục trần gian phòng khám hoặc bệnh viện. Lẽ dĩ nhiên, đôi khi tình thương vẫn còn được khơi dậy nhưng đã bị bóng đen của lợi danh lấp đầy nên vẫn sẽ có nhiều người sẽ bất chấp tất cả vì lợi ích của mình.

Tình thương với lòng từ bi vô ngã trong Phật giáo đã giúp tôi giữ được ngọn lửa yêu thương này. Từ bi trong nhà Phật là mong muốn được người khác hạnh phúc, làm vì hạnh phúc của người khác, đứng trên bản thể của họ để làm việc. Người càng nhiều tình thương tâm sẽ rộng mở sẽ sống hạnh phúc vị tha hơn. Tình thương ở đây không có màu sắc vụ lợi, tham ái, ích kỷ, ràng buộc nhau mà chỉ vì mong muốn làm những điều tốt đẹp giúp bệnh nhân bớt khổ bớt đau mà thôi. Vì tôi thích chăm sóc bệnh nhân, thích làm việc cứu người, ngoài bổn phận đó là nghề nghiệp còn là tình người. Đa phần tôi hành xử là vì chính họ, thương cảm cho sự khổ đau của họ nhưng vì không có ý nghĩ lợi dụng, toan tính, mong cầu nên họ đều vui và tôi cũng vui, không mệt mỏi, ray rức.

Vậy tôi sẽ đứng trên hành ý của bệnh nhân thế nào để giúp họ nhưng không để cảm xúc, suy nghĩ của mình xen vào? Đó là tôi thực tập việc quán xét chính bản thân mình, hiểu rõ cái tôi của mình và lắng nghe không quán xét theo lời Phật dạy. Trong ngành y khoa ở Mỹ, đây là bài học mà bất cứ sinh viên nào cũng phải học qua gọi là lắng nghe nhưng không phán đoán. Điều này có nghĩa rằng tôi có những quan điểm, suy nghĩ riêng của tôi, cuộc sống của tôi, món ăn, thức uống, cách sống của tôi thì bệnh nhân cũng vậy nên phải tôn trọng lẫn nhau.

Vì vậy, khi làm việc với bệnh nhân, nhiệm vụ của tôi là tôn trọng những cách sống, suy nghĩ của họ mà không phán xét đúng sai mà chỉ làm thế nào để trị bệnh cho họ thật tốt theo phương cách sống của họ. Do đó, nếu bệnh nhân ăn chay, không ăn một điều gì đó, họ muốn nạo phá thai, không phá thai, quan hệ đồng tính, thích làm chuyện phiêu lưu mạo hiểm, họ từ chối không truyền máu vì một lý do tôn giáo nghe có vẻ rất cực đoan, họ không chịu dùng biện pháp tránh thai vì theo một quan điểm nào đó, tất cả đều được tôn trọng.

Ở đây không có sự tranh luận đúng sai. Nếu tôi lấy tri kiến của tôi áp lên bệnh nhân, quyết định ngược với những gì họ nghĩ và hành, bệnh nhân sẽ không tuân thủ, từ chối, đôi khi là phạm luật vì vi phạm quyền bệnh nhân. Chưa kể, nếu mãi mang cái đúng cái sai của tôi áp lên họ, đó chỉ là sự cực đoan vì họ cũng nghĩ tôi đang sống sai, cuối cùng chỉ là khổ đau mệt mỏi khi về nhà.

Nhiều y bác sĩ biết bài học không phán đoán này nhưng cũng không ít người chẳng hành trì được, chỉ suốt ngày bực bội kể tội bệnh nhân, chỉ trích sự đúng sai, phân bua với bao nhiêu người rồi tự biến công việc của mình quá nặng nề hoặc từ chối gặp bệnh nhân họ có thành kiến. Nhờ tu tập theo Phật giáo trong vấn đề tránh chấp ngã bảo thủ, tôi luôn để cái ngã của tôi ra ngoài khi trò chuyện với họ mà không cảm thấy mệt mỏi. Bệnh nhân đôi khi vì một chuyện gì đó hoặc có khi họ cũng không thích tôi, có ý thay đổi cách sống của tôi, tôi cũng chẳng lấy gì làm bực bội, tranh luận hay tự chỉ trích mình nếu tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cần làm.

Rất nhiều y bác sĩ quá trầm cảm với cuộc sống của họ nên dùng thuốc an thần, các chất kích thích, uống bia rượu, các chất nghiện ngập và chuyện tự sát không phải là điều gì hiếm thấy. Hiển nhiên, họ đều là những con người tài giỏi, có thể thuyết giảng vanh vách nguyên nhân về bệnh, tại sao con người trầm cảm, các loại thuốc ứng dụng hoạt động thế nào khi vào cơ thể và tại sao nhiều người đã tự tử nhưng chính họ cũng không thoát khỏi con đường ấy vì họ xem đó là cách để giải thoát bình yên. Tất cả là vì họ chỉ nói trên lý thuyết nhưng tâm quá yếu, không biết cách điều chế bản thân mình, kiểm soát an định tâm mình trước bao nhiêu biến cố thị phi công chuyện đang diễn ra.

Nhiều y bác sĩ vì lo dính mắc vào đời sống của bệnh nhân, tranh luận hơn thua với họ, mệt mỏi khi để quá nhiều tình cảm khi nghe bệnh nhân than thở đủ thứ chuyện trên trời, cảm giác bất lực khi càng chữa trị bệnh nhân càng trở nặng hay chết hoặc so kè tranh luận với đồng nghiệp, các nhân viên làm xung quanh nên nhìn họ trông thật thảm hại. Có đôi khi họ lại không biết phân tách, rạch ròi giữa chuyện gia đình và công việc. Nếu ở nhà họ không hạnh phúc với người bạn đời của mình, con cái có chuyện, cha mẹ anh chị em phiền nhiễu, họ mang tâm ấy lên làm việc, mang khổ mang buồn ở nhà lên gặp bệnh nhân rồi lại trở về nhà bực dọc vì chuyện phòng khám, công việc. Cuối cùng cả một ngày chẳng bao giờ có được một chút bình an cho mình vì dính mắc quá nhiều vào chuyện người khác.

Nhờ thực tập theo Phật giáo không để tâm mình dính mắc vào cuộc sống người khác làm loạn động, tôi rất hiếm khi xem báo chí hay ti vi hoặc kiếm người trò chuyện, nấu cháo điện thoại. Khi ở nhà tôi làm hết những gì cần làm và ở bệnh viện phòng khám cũng vậy. Hết ngày làm việc trở về, tôi bỏ lại hết những lo âu buồn bực ở phòng khám để có thể thảnh thơi trong chính căn nhà của mình.

Tôi không để những suy nghĩ của người khác, dù là tốt hay xấu làm bận tâm mình quá nhiều rồi lại tự khổ đau than thở. Tôi tự rèn tâm mình cho thật mạnh, không bị buộc ràng vào chuyện thị phi và tôi hay nói đùa tôi sẵn sàng bước trên mọi thị thi để sống. Nếu không, tôi sẽ chẳng bao giờ có thể làm tốt công việc ở phòng khám và ở nhà, nhất là phải chăm sóc má tôi bị bệnh mất trí, hành xử không bình thường như người xung quanh.

Vậy tôi rèn tâm mình bằng cách nào? Đó là do tôi thiền định và sống trong giây phút hiện tại. Cũng như mọi người bình thường khác, tâm của tôi cũng bay nhảy khá nhiều nhưng đã tốt hơn xưa sau bao nhiêu năm tu tập. Hằng ngày, lịch khám bệnh của tôi khá nhiều, chưa kể bao nhiêu công việc khác phải lo, phải gọi điện hoặc viết email trả lời cho bệnh nhân, bao công việc liên quan đến phòng khám tôi đều phải chu toàn.

Nếu tôi không có sự chánh niệm, lo khám bệnh nhân này nghĩ đến bệnh nhân kia, tôi sẽ rất mệt mỏi hoặc làm việc không tốt. Bệnh nhân sẽ cảm thấy tôi không quan tâm đến họ, không dành thời gian cho họ, không tôn trọng họ. Như thế họ chẳng muốn gặp tôi hoặc là có khi tôi sẽ lẫn lộn giữa các phương cách điều trị, viết bệnh án nhầm hoặc là bỏ qua nhiều vấn đề quan trọng mà bệnh nhân muốn tôi giúp đỡ. Như thế sẽ rất nguy hiểm nếu tôi lộn thuốc điều trị có thể dẫn đến chết người cho các bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư.

Vì vậy, trừ những trường hợp tôi phải điều trị tâm lý để bệnh nhân kể chuyện, than thở họ sẽ vơi lòng vì không ai chịu nghe, chịu trò chuyện, tôi làm việc rất nhanh nhưng bệnh nhân rất hài lòng. Tất cả mọi công việc tôi đều hoàn thành và quán xuyến nhưng không cảm thấy mệt mỏi, khổ đau.

Tôi không ăn cơm trưa, ít khi ăn gì vì cũng ăn chay, toàn rau củ, suốt ngày chạy nhảy ở bệnh viện, ai nhìn vào lượng công việc của tôi và ở nhà đều phải ngạc nhiên lo lắng nhưng tôi hiếm khi nào thấy mệt hoặc u sầu. Nếu mệt chỉ cần ngồi xuống nghỉ ngơi thiền định hoặc nghe nhạc niệm Phật trong ít phút, tôi sẽ trở lại bình thường. Do đó, chuyện bệnh tật là hiếm khi xảy ra với tôi

Chánh niệm tỉnh giác trong giây phút hiện tại giúp cho tôi có sự tập trung cao độ, rèn sức chịu đựng bền bỉ của tâm khá nhiều. Chỉ cần tâm tôi khỏe an, mọi thứ còn lại đều không là vấn đề. Tôi đã chứng kiến rất nhiều sự nhiệm màu tốt lành khi mình có sự chú tâm chuyên nhất này làm những loạn động xung quanh tôi đều tan biến.

Trong những khi tôi làm sinh thiết xương, một phương cách dùng kim tiêm không khác dùi chọc vào xương để lấy tủy xương nên sẽ rất đau và nguy hiểm nếu làm việc không tốt. Nhờ sự chánh niệm thiền định, kể cả việc niệm Phật cầu nguyện, xác suất thành công của tôi rất cao và bệnh nhân bất ngờ vì rất ít đau lại nhanh chóng. Tôi được xem là người làm sinh thiết tủy xương tốt nhất ở phòng khám của tôi.

Quán nhân duyên vô thường, hành theo nhân duyên theo lời Phật dạy là một bài học tôi vẫn đang thực tập hàng ngày khi khám chữa bệnh và làm việc. Mỗi ngày tiếp xúc với bao bệnh nhân, có nhiều người chỉ vừa thấy tôi họ đã rất thích nhưng cũng có một số bệnh nhân, dù rất ít cảm thấy không thân thiện với tôi dù tôi chưa bao giờ khám bệnh cho họ hay tiếp xúc nhiều. Tôi nghĩ đó có lẽ là nhân duyên bao đời bao kiếp, ân oán nào giữa tôi với họ nên tôi chỉ xin từ tâm sám hối tháo oánn kết.

Có khi, có lẽ đã từng là bạn đạo tu tập bao đời, dù ở kiếp này họ là một con người khác, tôn giáo khác, nhưng vừa thấy tôi, nghe tôi nói về Phật giáo, về thiền, họ đã yêu thích quyến luyến tôi vô cùng. Họ bảo tôi như người thân của họ nên chỉ thích kể chuyện đủ thứ cho tôi nghe dù tôi không phải là người thích nhiều chuyện. Tuy nhiên, tôi đều đáp lại theo những gì họ mong muốn nghe kể để họ vui rồi về nhà.

Tôi từng chăm sóc bệnh nhân qua đời và ở phòng khám chuyên trị các bệnh ung thư và huyết học hiện nay, chuyện sống chết của bệnh nhân diễn ra như cơm bữa. Vì hiểu sự mong manh vô thường của kiếp người, tôi không sầu khổ. Tôi làm tất cả giúp cho họ và người thân của họ trong mọi thời khắc của cuộc sống còn chuyện gọi điện thoại hỏi thăm họ rất thường xuyên. Biết họ sẽ sớm ra đi, tôi nhất tâm cầu nguyện niệm Phật tiễn đưa khuyên người còn lại cố gắng sống tốt, chăm sóc chính bản thân mình.

Hiện nay, bệnh ung thư với đủ thứ hình thức nặng nhẹ ngày càng nhiều nhưng chẳng biết rõ hết mọi nguyên nhân. Nhiều bệnh nhân than khóc vì sống rất mẫu mực, không hút thuốc, rượu bia, gia đình êm ấm nhưng lại bị ung thư hiểm nghèo. Nhiều bệnh nhân nhìn rất hiền lành nhưng thần sắc rất tệ, vừa tiếp xúc tôi đã cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Tôi chỉ còn biết an ủi, động viên khuyến khích họ, hãy cố gắng sống an lạc trong những ngày cuối đời. Tôi chẳng biết nghiệp duyên gì đã xảy ra với họ hoặc họ đã làm chuyện gì như tôi phải đối diện với bệnh của má tôi ở nhà.

Làm một bác sĩ, chỉ từ bi thôi chưa đủ mà cần phải có trí tuệ. Từ bi phải kết hợp với trí tuệ đúng theo tinh thần Phật giáo mới làm việc được tốt, giúp bệnh nhân và cả giúp mình. Trí tuệ không chỉ là ở việc phải liên tục cập nhật thông tin về bệnh, các phương pháp điều trị tối tân, hiện đại, kiến thức y khoa mới, các nghiên cứu vừa ra đời mà còn ở trí tuệ giao tiếp để điều hành công việc.

Có thể nói, trí tuệ trong giao tiếp khi tiếp xúc với bệnh nhân rất quan trọng để thiết lập mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, tạo niềm tin cho họ. Nếu một bác sĩ dù có đầy tình thương nhưng không biết chữa bệnh, không có kiến thức y khoa, bệnh nhân không thể nào dám trao thân mình cho họ. Ngược lại, dù vị bác sĩ có giỏi đến đâu nhưng không biết giao tiếp, trò chuyện như một con robot, quát tháo bệnh nhân, thiếu tình thương hoặc không biết dịch giảng thuật ngữ y khoa theo sự hiểu biết của bệnh nhân, đó chỉ là một sự đại họa khi hai phía cùng công kích lẫn nhau.

Lẽ hiển nhiên, tôi không phải là một vị thánh, một Bồ Tát đầy lòng vị tha từ bi như Bồ Tát Quán Thế Âm tầm thinh cứu khổ hoặc nói huyên thuyên như một vị chứng đắc tất cả vì người khác. Tôi là một chúng sinh đầy đủ mọi lục dục thất tình tham si mê đắm như tất cả bao người nhưng cố gắng tu tập theo Phật giáo để sống và làm việc.Tôi làm tất cả những điều trên vì bệnh nhân nhưng cũng là vì cho chính bản thân tôi, vì lợi ích của riêng tôi dù không phải là vì mình hại người. Đơn giản là do tôi tin sâu vào nhân quả tội phước.

Nhờ tin vào luân hồi nhân quả mà tôi không khổ sầu quá nhiều nếu những gì tôi cố gắng không có được hoặc vô tình mình có được điều gì đó ngoài sự mong chờ. Vì tin vào chân lý làm lành được lành, làm ác bị quả báo mà tôi không ngại làm thật nhiều việc giúp đỡ cho bệnh nhân, không dám nghĩ đến điều bất thiện để gây nguy hại cho họ, gây oán thù, mưu mô lợi dụng ác tâm với người khác để mang lợi lạc cho mình.

Vì vậy, khi khám chữa bệnh, tôi luôn làm hơn những gì mình cần, phần vì đó là công việc, là nghề nghiệp tôi yêu thích nhưng cũng là vì để tôi cảm giác mình đã thật sống hết mình cho bệnh nhân. Nhìn họ đang bị bệnh đủ thứ hành hạ, sống lên chết xuống, ăn uống không được, đau đớn khắp mình, gia đình đủ thứ chuyện khổ đau, tôi tự răn đó là bài học cho chính mình. Có lẽ họ đã làm điều gì đó không tốt trong vô lượng kiếp giờ duyên đã đủ nên quả khổ tích tụ phải trả nghiệp. Tôi không muốn mình sẽ bị như vậy mà chỉ mong được những hoa trái đẹp trong cuộc đời.

Nhà Phật có câu "Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả." Điều này có nghĩa Bồ Tát sợ việc sai từ khi khởi tâm còn chúng sanh chỉ biết sợ khi quả khổ đến. Do đó,điều bất thiện nhân ác không phải chờ đến lúc hành động mới tính đến mà đã bắt đầu được tính đến khi khởi tà tâm. Do đó, dù ngày ngày cũng đang chạy nhảy theo trò đuổi bắt lợi danh ích kỷ, tôi cũng cố gắng hết mình tự "giữ ý như giữ thành" và hàng đêm đều cố gắng tu tập lạy sám hối nguyện sửa sai dù tôi biết con đường hoàn thiện chính mình vẫn còn dài thăm thẳm.

Phật giáo hiện nay đang được rộng mở phát triển khắp mọi nơi trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ theo nhiều áo nghĩa khác nhau, từ thiền định, sống chánh niệm, an trú trong hiện tại, buông xả, từ bi, tôn trọng và thương yêu muôn loài. Phật giáo hài hòa trong thế giới tri thức công nghệ theo dấu chân của các nhà khoa học thực nghiệm đi vào đời một cách thiết thực và hiểu quả. Trong y khoa, lợi ích Phật giáo mang lại cho cả các thầy thuốc và bệnh nhân rất lớn nếu mọi người cùng thực tập, hành trì. Biết bao nhiêu bằng chứng nghiên cứu khoa học đang tìm về với Phật giáo hoặc chứng minh những gì Đức Phật đã thuyết giảng hơn hai ngàn năm trước một cách thuyết phục giúp xua đi sự vô minh, mê lầm

Không phải tự nhiên Phật giáo được lựa chọn là tôn giáo được Liên Hiệp Quốc tổ chức đón mừng hàng năm trong ngày đại lễ Vesak tam hợp thiêng liêng đón ánh hào quang bất diệt của một bậc chánh đẳng chánh giác ra đời. Những thầy thuốc thực thụ chính là những Bồ Tát đi vào đời mang lại niềm an lạc cho các bệnh nhân cùng bao người. Cuộc sống và công việc của những y bác sĩ, dù với niềm tin, tôn giáo nào cũng sẽ được viên mãn trọn vẹn hơn nếu từng người biết thực tâm hành trì những chân lý bất diệt của Đức Phật. Có như vậy, thế giới sẽ tươi đẹp hơn và tình người sẽ dâng đầy khi thầy thuốc đúng nghĩa như mẹ hiền cho nhân loại.

Ngọc Hằng




Có phản hồi đến “Muốn Làm Một Thầy Thuốc Tài Đức, Hãy Tu Tập Phật Giáo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com