Bản thảo tập 2 sách "Phật Pháp Vấn Đáp" của ông Sư, HT Thích Giác Quang cuối cùng tôi đã hoàn tất phần biên tập khi mặt trời vừa ló dạng sau một đêm thức trắng. Từ ngày bắt đầu chỉnh sửa, làm việc trên tất cả mọi câu hỏi đáp, tôi cũng không biết mình phải miệt mài làm việc và đọc chỉnh bản thảo bao nhiêu lần nhưng không biết mệt. Mỗi lần đọc là mỗi lần thấu hiểu được nhiều điều hay, bổ ích cũng như tăng thêm kiến thức Phật học cho chính mình. Thế nên, công việc làm sách từ một người không có chuyên môn trình độ như tôi nên phải làm thủ công lại trở nên rất hay vì giúp tôi được học hiểu nhiều điều.

Xem thêm:

Vì Sao Con Làm Sách "Phật Pháp Vấn Đáp"?

Hương Hoa Đức Hạnh - Ngài Đại Ca Diếp Vá Áo

Là Phật Tử, Chúng Con Cần Gì Khi Đến Chùa?

Xin Hãy Là Một Phật Tử Hộ Pháp Thuần Tâm

Chuyển bản thảo và bìa sách chỉnh sửa cuối cùng về Việt Nam, tôi thở phào nhẹ nhỏm, lòng hân hoan sung sướng khi biết sách sẽ sớm được phát hành vào mùa Phật Đản năm nay. Nhìn cả một công trình đồ sộ của tập sách dày 700 trang, tăng 200 trang từ tập 1, tôi không khỏi giật mình vì cũng tưởng nghĩ ra biết bao nhiêu thời gian ông Sư đã miệt mài làm việc để trả lời.

Trong khi tập 2 chưa được xuất bản thì ông Sư lại đang bận rộn đêm ngày với những câu hỏi đầu tiên của tập 3. Tuy nhiên, tôi không hề có một tâm trạng hay thời gian nào để suy nghĩ về điều đó mà chỉ mong lo cho tập 2 thật chu tròn.

Để tự thưởng cho mình trong việc hoàn thành sách, tôi đọc một tác phẩm nhỏ về Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, lòng dâng lên bao niềm cảm mến khâm phục. Từ ngày lo làm sách, tôi không có thời gian đọc nhiều nên hôm nay được quay về ngày xưa theo gót chân tu hành của hòa thượng làm tôi miêm man xúc động ngỡ như mình cũng đã từng sống từng đãnh lễ ngài từ vô lượng kiếp rồi.

Tôi làm báo Phật giáo nên không chỉ tin tức, tài liệu, sách vở còn là bài viết bài giảng của rất nhiều bậc tôn túc, thầy tổ. Không biết có phải tôi hoài cổ hay không nhưng quả thật tôi chỉ cảm nhận mình thích hợp với những gì của ngày xa xưa và chỉ hiểu Phật pháp phần nhiều cũng từ các bậc thầy tổ ngày xưa. Mỗi lần đọc bài viết về công hạnh hay con đường tu tập của các bậc thầy ngày xưa, cuộc sống sao quá nghèo nàn, vật chất giản đơn, phương tiện đi lại thô sơ, đa phần là đi bộ nhưng ai cũng tu tập rất tinh tấn, đạo hạnh tu hành lan tỏa khắp cùng có thể cảm hóa được rất nhiều chúng sinh muôn loài, cả cỏ cây thú vật xung quanh.

Chỉ cần nhìn ảnh các Ngài, trong tôi đã toát lên một niềm an lạc. Bài giảng của các Ngài dù đơn giản, bình dị nhưng tôi cảm nhận được tâm từ bi, trí tuệ, sự hiểu biết sâu rộng về Phật pháp rất vĩ đại. Lời văn không trao chuốt màu mè nhưng dung dị thấm trong sự khiêm cung đức độ cùng đại hạnh vị tha làm tôi cảm nhận mình cũng được nâng đỡ, an lạc, cảm thấy cuộc sống thật đáng sống đáng tu, biết mình nên làm gì ý nghĩa nhất trong kiếp người mong manh vô thường này.

Tôi nhớ cẩm nang tu đạo cũng như Đề thi tu hành của đại lão Hòa Thượng Quảng Khâm, mỗi câu chuyện, mỗi kiến nghi hành động đều là một đề thi, một công án thiền mà cả đời người tu hành phải chuyên sâu tín trì. Tôi đã bậc cười nhưng thấm làm sao trước những bài pháp về đề thi tu hành của Ngài. Khi thấy quá nhiều Phật tử chỉ vì nghe tiếng đến đầy cả chùa, biến thầy thành một ông thánh hay tự biến mình thành một tín đồ cầu khẩn, van xin hơn là thật sự tu tập, hòa thượng đã cố ý làm những hành động trái khuấy mất phong thái của người tu để xem ai thật tu ai giả tu. Bao nhiêu người đã cảm thấy sốc khi nhìn thấy vị thầy họ bấy lâu ngưỡng mộ lại có những hành động như trẻ con lên ba nên than oán hờn trách bỏ về. Ngài đã đánh vào ngã chấp của con người quá nặng, chỉ tìm Phật ở hình tướng mê tín chứ không phải ở tâm.

Hòa thượng Tuyên Hóa, một bậc Bồ Tát mang Phật Giáo lan truyền sang Phương Tây với cả một Vạn Phật Thánh Thành hùng vĩ chỉ để đào luyện tăng ni Phật tử, dịch kinh sách sang tiếng Anh, thành lập một trường chuyên tu Phật giáo, giảm bớt tất cả mọi dục lạc cuộc sống vào chỉ để nhập thất tịnh tu. Dù có thiên nhãn thông, tha tâm thông biết nghe rất nhiều việc nhưng Ngài luôn dạy rèn đạo hạnh chuyên nhất của người tu và Ngài luôn là một ví dụ điển hình. Từ trong nước Ngài đã làm mọi việc của một người con hiếu đạo thủ hiếu bên mộ mẹ suốt ba năm nhưng vẫn chẳng bao giờ cho là đủ.

Mỗi khi trị bệnh giúp người bằng cách trì đọc Chú Đại Bi, người có duyên gần Ngài đều cảm nhận tình thương vô bờ của Bồ Tát Quán Thế Âm hóa hiện. Ngài lúc nào cũng khiêm cung, giản dị, từ ái, lo lắng quan tâm từ những điều nhỏ nhất cho mọi người xung quanh không quên ai dù đôi lần bị chính những đệ tử thân cận mang danh của Ngài hủy báng. Lần nào đọc pháp ngữ của Ngài là trong tâm con dâng lên một niềm ước ao được về California, được đến Vạn Phật Thánh Thành tu tập với đại chúng khắp nơi.

Hòa thượng Hư Vân, trăm năm tuổi hạt, trải qua biết bao triều đại, chứng kiến bao sự biến đổi thịnh suy của thời đại vẫn không sờn phai tu hành tinh chuyên. Từ thở nhỏ đã trốn gia đình sống ở hang cùng ngõ hẹp, ăn trái rừng rau dại, uống nước suối để tu vẫn không bao giờ làm Ngài từ nan lùi bước. Năm 43 tuổi, vì để báo hiếu cho mẹ đã mất khi Ngài vừa chào đời, Ngài đã phát nguyện Tam bộ Nhất bái từ Phổ Đà Sơn đến Ngũ Đài Sơn, quảng đường khoảng 4800 km vượt qua biết bao nhiêu khổ sở, đớn đau, thân xác hành hạ giữa thời tiết trời khắc nghiệt vẫn không làm sờn lòng tâm huyết của Ngài. Cả cuộc đời 120 năm gieo hóa, Ngài đều dùng để lập chùa, tạo am, giúp đời, luôn dẫn đầu trong hạnh tu thanh bần giản dị rực ngọc tâm như những hạt xá lợi lấp lánh phản chiếu chân hạnh tu trì của Ngài.

Hòa Thượng Trí Tịnh, một bậc danh sư, một Đường Huyền Trang, một Ngài Cưu Ma La Thập của Việt Nam trong việc truyền bá dịch kinh có lẽ không một Phật tử nào không biết đến. Ngài là bậc chân sư nghiêm trì giới luật bậc nhất không khác ngài Ưu Bà Ly xưa kia. Là một bậc thầy thông tuệ kinh điển nổi tiếng như vậy nhưng những lời Ngài giảng đơn sơ lại làm tôi cảm động vô cùng. Đó đơn giản chỉ là ăn chay, niệm Phật, cố gắng làm lành lánh dữ, tin sâu nhân quả tội phước.

Trên bảo tháp lưu giữ nhục thân của Ngài, tất cả chỉ khắc lên những lời nói rất bình dị, chân thường như chính cuộc đời ròng tu của Ngài, không từ ngữ gì vĩ đại, cao to, kinh văn vạn pháp nhưng cứ đọc lên là tôi cảm động muốn khóc. Lần hiếm hoi được về Việt Nam, đến bên bảo tháp của Ngài, quỳ lạy Ngài, đọc những lời khuyến tu "Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì theo, tới đâu thì tới"tự nhiên tôi xúc động nghẹn ngào. Mỗi lần đọc tụng lạy quỳ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tôi như thấy hình bóng của Ngài rất rõ, rất gần xung quanh mình.

Hôm đọc sách về Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, việc Ngài trốn cha mẹ đi xuất gia khi hoàn thành hiếu đạo chăm mẹ lành bệnh rồi Ngài lại từ chức hiệu trưởng trường Phật Học cũng vì thế thời người tu hành bị hùa theo chính trị để về Đại Ninh tu hành, trong tôi dâng lên bao niềm nghẹn ngào xúc động. Giai thoại về Ngài khá nhiều nhưng đạo hạnh thanh bần tu trì cảm hóa cỏ cây chúng sinh, các loài xà vương rắn thần lại trở thành những người bảo vệ cho Ngài tu hành không khác các loài rắn thần xưa kia bảo vệ Phật khi Ngài ngồi dưới cội Bồ Đề thiền định đắc đạo. Cả đời rau cháo đạm thanh, làm việc không mệt nghỉ vì lo cho tất cả nhưng lúc nào Ngài cũng an lạc thảnh thơi cuối cuộc đời biết ngày hóa sanh an nhiên về với Phật.

Nhờ ơn của Ngài mà nhiều tập sách, nhất là Lá Thư Tịnh Độ của Ấn Quang Đại Sư trong văn phong bình dị, dễ gần giúp hành giả tu tập Tịnh Độ được thêm khắc sâu một bậc chân tu hiếm thấy trong cõi hồng trần, một vị tổ sư của Tịnh Độ Tông với tấm gương tu hành động thấu đến trời xanh.

Gương người xưa, cuộc sống của người xưa rất hợp với tôi và tôi nghĩ mình cũng thuộc về thế giới xa xưa đơn giản bình an này. Do đó, đa phần tôi cũng chỉ thấy dễ chịu, thoải mái khi đăng tải, truyền lưu lời giảng bài viết của các Ngài. Tôi cảm giác mình rất xa lạ với thế giới hiện đại, với cuộc sống tiện nghi vật chất đầy đủ xung quanh nhưng tình người vô cùng phai nhạt. Nhìn tất cả những gì mọi người đang chạy nhảy bon chen, tôi đứng một mình nhìn ngắm lòng bâng khuâng tự hỏi chẳng lẽ cả cuộc đời con người chỉ dập vùi trong những thứ phù hoa này thôi sao?

Trong thế giới hiện đại ngày nay, băng đĩa giảng pháp tràn ngập, chùa chiền rộng khắp với biết bao khóa tu, bao buổi pháp thoại là biết bao nhiêu giảng sư khắp nơi thuyết pháp đăng đàn. Hơn bảy năm trước khi mới bước chân vào cửa đạo, tôi không biết nhiều nên đôi khi cứ nghĩ các bậc giảng sư, nhất là ở Việt Nam được nhiều người nghe, lời giảng nói khá hay là tiêu chí thành công. Dần dần, không biết có phải vì tôi lập dị hay khác thường, tôi không còn cảm thấy ham thích nghe, rất sợ nghe pháp từ các bậc giảng sư này khi băng trước đã đối chọi với băng sau, toàn tự ngữ rồng múa phượng bay, xáo rỗng không một sự an lạc. Băng đĩa nào cũng đẹp cũng sang trọng, hình ảnh đều bắt mắt, tòa thuyết pháp, giảng đường đều rực rỡ nhưng tại sao tôi không hề cảm nhận được một chút gì của sự thanh bần giản dịcủa Pháp phật ở nơi đây?

Nếu như vậy vẫn chưa đáng để nói nhưng nhiều quý sư thầy,sư cô dùng ảnh hưởng cuả mình để công kích pháp môn khác, chê trách những vị thầy tổ, tôn túc, kể cả những bậc tổ sư được Phật tử kính trọng tán thán. Dần dần, khi đã có sự hiểu biết chút ít về Phật giáo, tôi rất lo sợ và rất hiếm khi nghe băng giảng pháp của những bậc thầy được cho là idol của thời hiện tại vì tôi không cảm nhận được sự an lạc hay học hỏi được điều hay bổ ích về Phật pháp.

Nơi tôi ở Mỹ không có chùa chiền, bạn đạo nào để tu tập với mình. Tôi từng than thở với duyên số không may quá kém đến niềm ao ước được có một ngôi chùa để đến tu tập cũng không có. Tuy nhiên, giờ đây tôi lại sợ đến cả những ngôi chùa đủ thứ vẻ bề ngoài sang trọng, lễ hội đình đám cùng bao nhiêu là chuyện ngoài chính sự không giúp gì được cho sự tu hành của mình. Thế nên, trong rủi có may, tôi lại cảm thấy may mắn nên tôi đã biến nhà mình thành đạo tràng cho riêng mình, tự mình thúc liễm thân tâm tu tập, tránh xa bớt những chuyện thế sự ồn ào, noi theo gương hạnh của người xưa để tu tập, tôi cảm thấy an lạc vô cùng.

Niềm may mắn khi tôi được làm đệ tử của các bậc đạo sư thanh bần giản dị tại Quan Âm Tu Viện Đồng Nai giúp tôi có động lực tinh thần vừa tu vừa hoằng pháp, làm việc thiện nguyện trong khả năng rất nhiều. Tôi vô cùng kính trọng ông Sư của tôi, Hòa Thượng Thích Giác Quang, một bậc chân sư rất hiếm gặp ở thời hiện tại. Ông Sư có lẽ cũng như các bậc tôn sư của ngày xưa làm tôi có cảm giác rất gần gũi, ấm áp, dễ chịu, cảm nhận được cả một tình thương rất lớn bao phủ bên tôi.

Mỗi lần nghe những bài thuyết giảng của ông Sư, nghe giọng nói trầm ấm ngọt ngào làm tôi cảm thấy an lạc, bình yên khác lạ. Lúc nào tôi cũng thấy ông Sư cười dù có bận rộn mỏi mệt đến đâu. Sự từ bi của ông Sư tôi chưa gặp được bất cứ một vị thầy nào ở thời hiện tại như vậy. Dù là một bậc trưởng thượng lãnh đạo của chùa và giáo hội, ông Sư luôn nói chuyện khiêm cung, hòa nhã, thu phục lòng người.

Bao nhiêu năm qua, mỗi khi tôi cần thỉnh bất cứ điều gì trong việc Phật sự, ông Sư chưa bao giờ từ nan, luôn đồng ý và làm việc rất nhanh chóng. Rất hiếm khi tôi nghe được sự chối từ nào từ ông Sư mà luôn gật đầu đồng ý tất cả. Lịch làm việc của ông Sư luôn dày đặc ngập như núi nhưng luôn ưu tiên dành thời gian thức đêm ngày trả lời các câu hỏi Phật Pháp Vấn Đáp tôi gởi về. Đôi khi, tôi cũng cảm nhận mình có sự đòi hỏi hơi quá nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông Sư tỏ vẻ buồn phiền, than trách, bực bội, nói lời không hay hoặc để cho bồ đề gai nổi lên. Dù là với bất cứ ai, ông Sư cũng đều đối xử như nhau không phân biệt. Tri ân sâu dày của ông Sư không bút mực nào có thể tả được, tôi cố gắng hết mình làm những quyển sách Phật Pháp Vấn Đáp cho thật hay dâng tặng đến bạn đọc gần xa.

Tôi luôn biết ơn chư Phật, chư Bồ Tát đã cho tôi làm một Phật tử trong tông phong bên ông Sư, giúp tôi cảm thấy mình đã được trở về với thời xa xưa gần gũi các bậc tôn túc trưởng thượng. Giữa cuộc sống tiện nghi vật chất, chùa to Phật lớn, xe cộ sang trọng bao phủ khắp chùa chiền, lòng tôi chợt bình an khi nghĩ về Quan Âm Tu Viện, nghĩ về thầy tổ, về ông Sư thật từ bi thanh bần giản dị. Mọi thứ xung quanh ông Sư đều nhẹ nhàng, bình an, thanh đạm nhưng sao tôi cảm nhận mình thật sung sướng và giàu có khi nghĩ về nơi xa ấy có một bậc tôn sư thương tôi vô cùng.

Nha Trang quê hương xanh màu ngọc biển của tôi đang có nhiều chùa chiền đạo tràng gầy dựng để giúp Phật tử cùng tu hành. Đã từ lâu, tôi mong ước có ngày được thỉnh ông Sư ra Nha Trang, đến nhà của tôi và thuyết giảng sách tấn các đạo tràng tu học đúng chất Phật giáo nhất. Cũng như các tỉnh thành và đạo tràng ông Sư có duyên thuyết pháp, với tâm lượng bình đẳng đại từ bi, ông Sư cho biết sẽ không nề hà chuyện thuyết giảng ở bất cứ đạo tràng tu tập lớn nhỏ nào chỉ cần mọi người có tâm muốn tu hành. Ông Sư đã hứa khả nhưng chưa thu xếp được thời gian vì lịch Phật sự quá bận. Tuy nhiên, tôi tin ngày đó sẽ sớm trở thành hiện thực để nhiều Phật tử khác ở quê tôi có được phước duyên như tôi được quy ngưỡng một bậc tôn sư đáng kính vĩ đại đầy tình thương yêu trong sự khiêm cung thanh bần rất hiếm gặp trong thời đại kim tiền ngày hôm nay.

Ngọc Hằng




Có 2 phản hồi đến “Tìm Về Cội Xưa Nơi Bóng Hình Hòa Thượng Thích Giác Quang”

  1. Tri ân công đức Ngọc Hằng

  2. Thiện Tâm đã nói

    Ôi, ông Sư từ bi của chúng con. Bao năm rồi ông Sư vẫn như xưa

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com