Tháng tư âm lịch đang về trong hơi thở hân hoan của tất cả những người con Phật. Đến hẹn lại lên, người người khắp nơi không phân biệt quốc gia cội nguồn cùng đồng quy tìm về bến giác thắp hoa tâm dâng cúng đấng cha lành. Nơi vườn Lâm Tỳ Ni của Nepal xưa kia bao cánh hoa sa la bất diệt đồng khai nhụy trổ hương thơm muôn nẻo. Cuộc sống dẫu vội vả bon chen đầy tham ái khổ đau cũng tìm đường bình yên dừng đôi lát để thành tâm dâng trọn tấm lòng lên đấng từ phụ của cả trời người.
Mở đầu cho sự kiện đón mừng Phật Đản trên thế giới chính là từ Hàn Quốc. Năm nào cũng vậy, chùa Tào Khê, tông phái Phật Giáo lớn nhất của Hàn Quốc cũng tổ chức xuất gia gieo duyên cho các em bé với độ tuổi từ 4-8 tuổi cùng sống cùng tu tập với các bậc xuất gia trong một tuần. Nhìn hình ảnh dễ thương của các chú bé hiện oai tướng cũn cỡn trong y áo lễ nghi thật đáng yêu vô cùng. Mầm bồ đề hướng thiện từ thưở ấu thơ mẹ cha các chú bé đã biết thương con mình gieo thiện tâm từ thơ bé.
Tiếp đó, lễ thắp sáng đèn lồng và những cuộc diễu hành đèn lồng rộng khắp cả nước Hàn Quốc thật ấn tượng và đẹp mắt . Giữa cuộc sống hiện đại, hình ảnh diễu hành đèn lồng truyền thống đan xen đưa con người tìm đến nhiều cung bậc cảm xúc, tự quay về với thời xa xưa điều phục chính mình. Cả tuần lễ tổ chức mừng Phật Đản với biết bao hoạt động, khắp các chùa đầy sắc đèn lồng truyền trao ánh sáng của trí tuệ, tình thương và hiểu biết xua đi bóng đêm tâm tối vô minh đầy tham ái đang bao phủ khắp nơi.
Các chùa ở Hàn Quốc, khắp trần nhà đều phủ đầy lồng đèn nhiều sắc màu, không phải chờ đến Phật Đản mới được thắp lên. Chùa cổ ở Hàn Quốc được gìn giữ khá cẩn thân và chu đáo, rất ít có sự xâm nhập của các công trình hiện đại phá vỡ nét kiến trúc đậm cổ xưa bao phủ trên khắp các đền đài. Mọi hoạt động trong chùa đều bình yên, giản đơn, im lặng đúng bản chất thiền môn thanh tịnh bốn mùa theo những cây lá không gian rộng lớn tỏa rạng khắp nơi.
Đài Loan, quốc gia xem Phật Giáo là quốc giáo thường bắt đầu tổ chức đón mừng ngày đại lễ Phật Đản vào ngày lễ của mẹ. Hai ngày lễ cùng kết hợp tổ chức nhằm nhắc nhở những Phật tử đến lòng tri ân và báo ân cha mẹ, Đức Phật cũng như mọi sanh chúng muôn loài. Nổi bật trong tất cả các hoạt động tổ chức Phật Đản ở Đài Loan phải kể đến hội Từ Tế. Đây là một tổ chức Phật Giáo, một tổ chức thiện nguyện với bề dày 50 năm nổi tiếng nhất thế giới trong các công tác cứu trợ, giáo dục, y tế xuyên suốt khắp toàn cầu.
Phật giáo là quốc giáo của Đài Loan nên người dân Đài Loan rất thấm nhuần lời Phật dạy. Ở các chùa chiền, kỹ luật rất nghiêm minh và nếu Phật tử vô ý hay cố tình đi đứng không đúng quy định, hành xử không đúng khuôn phép, ăn mặc không đàng hoàng sẽ được nhắc nhở. Lễ đón mừng Phật Đản của Hội Từ Tế diễn ra trên khắp thế giới thuộc các chi nhánh của hội có mặt. Tại Đài Loan, các hoạt động này như là ngày lễ lớn của đất nước nên luôn có sự tham dự của tổng thống Đài Loan cũng như các quan chức cấp cao của chính phủ.
Không chỉ có Hội Từ Tế mà các tông phái Phật giáo chính của Đài Loan như Pháp Cổ Sơn và đặc biệt là Phật Quang Sơn nổi tiếng thế giới cùng đồng quy tổ chức. Dấu ấn khắc ghi trong mùa Phật Đản là các hành động thiện nguyện, cúng dường trai tăng, phóng sinh, giáo dục, bảo vệ môi trường. Nổi tiếng trong các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức thiện nguyện trên thế giới cũng chính là Hội Từ Tế. Hội có rất nhiều nhà máy tái sử dụng rác, nhựa để tạo nên những sảnh phẩm mền, chiếu, áo quần, giày dép, mũ nón, các vật dụng cá nhân rất đẹp và ấn tượng. Đạo Tràng Phật Quang Sơn hiện nay đã mở rộng sang đến Châu Phi nhằm gieo trồng hạt bồ đề đến cho mảnh đất cằn khô đau khổ chưa được khai hóa ánh đạo mầu.
Thái Lan, một quốc gia xem Phật giáo là quốc giáo khi mọi hoạt động của người dân đều quy về chùa trong thành tâm cung kính. Dù là vua chúa hay những nhân vật cấp cao nhưng đứng trước một bậc xuất gia đại diện cho hình ảnh tăng đoàn của Phật, mọi người đều biết lễ nghi chắp tay lạy quỳ. Mỗi năm, lễ Phật Đản được tổ chức rộng lớn khắp nơi, từ diễu hành, cúng dường trai tăng, cầu nguyện. Năm nay, lễ cúng dường trai tăng lớn nhất thế giới cho 100 ngàn tu sĩ đã được diễn ra tại quốc gia này.
Thái Lan còn là nơi có rất nhiều trường đại học Phật Giáo cũng như có lễ đài lớn nhất thế giới so sánh với một Mecca của người Hồi Giáo hay một Vatican của người Thiên Chúa Giáo. Từ khi Phật giáo được công nhận là một ngày lễ hội của Liên Hiệp Quốc, được tổ chức đón mừng tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc từ năm 1999, Thái Lan cũng là quốc gia đăng cai tổ chức các kỳ đại lễ Vesak nhiều nhất trên thế giới.
Các quốc gia Châu Mỹ, châu Úc hay Châu Ấu cũng có rất nhiều hoạt động tổ chức đón mừng Phật Đản, đặc biệt là ở những khu vực có đông người Châu Á sinh sống. Phật giáo không còn là một tôn giáo mà là một triết lý, một con đường để giúp cho mọi người sống tốt, sống hạnh phúc trong thời buổi hiện đại đầy vật chất nhưng cũng lắm khổ đau. Với tầm nhìn và suy nghĩ thực tế, khoa học nên Phật Giáo dễ dung hòa chấp nhận ở phương trời Âu Mỹ khi mọi thứ đều luôn song hành gắn liền với khoa học.
Năm nay, lần đầu tiên, tổng thống Hoa Kỳ Obama đã gởi thông điệp chúc mừng đại lễ tam hợp Vesak. Thống đốc tiểu bang California, nơi có cộng động người Việt và Á Châu sinh sống đông đúc nhất cũng đã gởi thư chúc mừng đến cho các tín đồ của tôn giáo đầy chân thiện mỹ này. Điều đó chứng tỏ sự hiểu biết và tầm quan trọng của Phật giáo đang được thâm thấu khắp nơi không phân biệt niềm tin, tôn giáo, cội nguồn.
Phật giáo thường được xem là truyền thống tôn giáo của Á Châu nên các quốc gia dù xem Phật giáo là quốc giáo hay không đều cùng nhau tề tựu đón mừng. Miến Điện, Sri Lanka, mặc dù chịu rất nhiều khổ sở, chia cắt vì chiến tranh nhưng Phật Giáo là quốc giáo nên những nhà lãnh đạo của các quốc gia này cùng với người dân thường hay tổ chức cúng dường, chẩn tế, xây chùa chiền hoặc sản xuất những sản phẩm văn hóa Phật giáo có giá trị.
Bhutan, quốc gia bé nhỏ nằm trên triền của dãy Hy Mã Lạp Sơn, một đất nước "kín cổng cao tường" hạn chế mọi sự phát triển về khoa học, vật chất, không lấy GDP làm mục tiêu mà lấy tổng sản phẩm hạnh phúc của đất nước là mục tiêu phát triển. Cán cân thương mại cả năm chỉ chưa đến 2 tỷ USD nhưng tiêu chí về hạnh phúc của con người luôn làm tất cả các đất nước khác muốn học hỏi. Quốc gia tuy bé nhỏ nhưng lại nổi tiếng nhất thế giới yên bình trong khuôn khổ Phật giáo, bảo vệ môi trường. Do đó,ngày đại lễ Phật Đản, người dân cùng nhau tổ chức trồng cây gây rừng, nguyện cầu cúng dường và làm việc thiện nguyện.
Quay về với quê hương của Đức Phật từ Nepal và Ấn Độ, các điểm hành hương tâm linh từ Tứ Động Tâm càng trở nên rộn rã, đông đúc hơn bao giờ hết trong mùa Phật đản. Các lễ nguyện cầu tại tháp Đại Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng ngày đêm luôn đông đúc. Những buổi lễ thuyết pháp, cúng dường diễn ra thường xuyên. Từ nhiều năm qua, hiểu rõ tầm quan trọng của Phật pháp và lợi ích từ du lịch hành hương tâm linh mang lại, lãnh đạo của hai quốc gia này đã không ngừng ca ngợi, tán thán, dùng Phật giáo như một biểu tượng của hòa bình, an lạc, mở rộng mối quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia Á Châu. Hy vọng một ngày không xa, ánh đạo vàng sẽ sớm rực sáng tại quê hương của Ngài.
Trở về với quê hương Việt Nam mến yêu đang rực rỡ hân hoan với biết bao hoạt động tổ chức mừng mùa Phật Đản. Dù không được chính thức công nhân là quốc giáo hay là cái nôi truyền thống sâu dày truyền bá Phật giáo như các nước nhưng từ sâu thẳm trong trái tim của người con Việt hầu như đều xem mình có ảnh hưởng từ văn hóa Phật giáo. Tinh thần bi, trí dũng của đạo Phật hòa quyện với niềm tin dân tộc ngàn đời hòa quyện làm một. Với bước chân hoằng hóa của các bậc tôn sư cùng Phật tử ngày mỗi sâu rộng, đại lễ Phật đản đã trở thành một ngày hội lớn đầy sắc màu yêu thương .
Xứ Huế mộng mơ cũng là cái nôi có bề dày truyền thống Phật giáo của Việt Nam, mùa Phật Đản là một ngày đại lễ của mọi người dân. Khi trời tháng tư vừa chớm nhụy, nhà nhà bắt đầu trang hoàng bàn thờ, cờ ngũ sắc, đèn lồng dâng cúng Phật. Khi bảy đóa sen khổng lồ được thắp sáng trên sông Hương cũng là lúc cả thành phố đi vào lễ hội. Hàng năm, diễu hành xe hoa. lễ rước Phật về chùa Từ Đàm thu hút hàng trăm ngàn người tham dự. Với bất cứ người dân hay khách du lịch được đến Huế vào mùa Phật Đản là một niềm hạnh phúc và may mắn.
Khắp các tỉnh thành miền Trung, miền Nam và cả ở vùng cao nguyên, đất trời cùng đồng ca đón mừng Đức Từ Phụ. chùa chiền trang hoàng rực rỡ, đường phố, công viên gần chùa cũng được trang hoàng cờ hoa đèn lồng. Nhiều gia đình cũng tổ chức trang hoàng Phật đản, dù không rực rỡ, rộng lớn như xứ Huế nhưng đậm sắc màu. Các hoạt động thuyết pháp, diễu hành xe hoa, làm từ thiện, tổ chức các khóa tu, cúng dường tam bảo, văn nghệ ca nhạc không thể nào diễn tả hết được. Trong trái tim của người con Phật, ngày đản sinh của Ngài có một vị trí vô cùng đặc biệt quan trọng không thể nào diễn tả thành lời.
Phật giáo miền Bắc dù không được rực rỡ, phát triển như ở miền Nam nhưng mỗi năm, nhiều chùa mới đúng chất đạo Phật lại mọc lên. Nhiều hoạt động tu học theo chánh pháp cũng được mở ra dù khiêm tốn mong giảm bớt những tệ nạn mê tín dị đoan cũng như mang giáo pháp thật sự đến cho người dân bản địa. Nhiều chùa cùng tổ chức liên kết tổ chức các khóa tu và mừng đại lễ trước khi bắt đầu vào mùa an cư kiết hạ ba tháng hè.
Trăng tháng tư đang dần tròn soi chiếu khắp muôn nơi trên quả địa cầu. Hoa đẹp nhất dâng cúng đón mừng Ngài không gì hơn bằng chính hoa tâm khiết thuần đầy thiện nghiệp, lợi tha. Hàng động thiết thực nhất để dâng lên Ngài không gì hơn chính là tự thân tu tập giảm bớt tham sân si tham ái của cuộc đời. Tâm chí thành nguyện cầu ánh đạo vàng bất diệt của bi trí dũng theo vầng hào quang của Ngài sẽ soi thấu khắp cùng tưới hạt giống bồ đề sớm vươn cao làm đẹp tô thế giới.
Ngọc Hằng