Thương kính gởi đến cô Hoa và thầy tổ ở Quan Âm Tu Viện Biên Hòa

Ông Sư bệnh khá nặng phải nhập viện làm mọi người ở tu viện đều nháo nhác hoảng sợ. So với tất cả những vị thầy còn lại ở tu viện, Sư tuy là bậc trưởng thượng lớn tuổi nhưng sức khỏe khá tốt, sắc diện hồng hào rạng ngời. Tuy nhiên, vì làm việc quá nhiều lo đủ thứ việc giáo hóa tăng ni Phật tử, bao nhiêu chuyện Phật sự, thuyết pháp độ chúng các chùa không ngớt thỉnh mời nên Sư gần như làm việc không ngơi nghỉ, ăn uống qua loa. Do đó, sức khỏe có hạn và chuyện gì đến cũng phải đến, Sư ngã bệnh bất ngờ giữ sự thương yêu lo lắng của tăng ni Phật tử khắp nơi.

Xem thêm:

Tâm Tư Ngày Sư Bệnh

Cơm Tình Thương Tại Quan Âm Tu Viện Đồng Nai

Quan Âm Tu Viện Đồng Nai - Quê Hương Tâm Linh Lần Thứ Ba Trở Lại

Con biết tin Sư bệnh cũng bất ngờ khi chẳng hiểu sao người bất an, gọi điện về hỏi thăm Sư giữa buổi chiều mưa nơi xứ người. Cứ ngỡ như mọi lần hỏi thăm và Sư kể chuyện Phật sự nhưng không phải vậy. Nghe giọng Sư quá yếu, con hỏi thăm và hoảng hốt giật mình biết Sư đang trong bệnh viện và vừa được chuyển ra phòng hồi sức. Là thầy thuốc, chỉ nghe loáng thoáng bệnh, con đã hiểu nguyên nhân vì sao cùng việc điều trị sẽ như thế nào. Tuy nhiên, con lại không ngờ người ấy là Sư.

Không dám làm phiền Sư vì để Sư tịnh dưỡng, con chỉ chúc Sư khỏe và cầu xin Sư một điều là buông bớt việc nghỉ ngơi vì con sợ rằng nếu Sư vẫn làm việc với cường độ như vậy, chuyện vào viện trở lại chắc chắn sẽ xảy ra.Giữa buổi chiều mưa nơi xứ người đang trút xuống trong cái nắng hạ da diết chợt thấy đắng lòng nước mắt tuôn rơi khi nghĩ thương thầy tổ như mẹ cha nơi quê nhà.

Nghĩ về Sư con luôn cảm thấy rất bình an với sự từ bi thương yêu vĩ đại mà con chưa gặp được ở bất cứ một người thứ hai nào trên cuộc đời này. Với một người khá ngông cuồng, hiếu thắng, có phần rất cứng đầu kể cả bất chấp cũng như liều mạng nếu ai động đến, vậy mà con như tan ra tất cả khi đối diện với sự từ bi của Sư. Giáo pháp Phật con không thiếu, sách vở đọc bao la nhưng thực hành vẫn còn ở một phương nào. Con học rất nhiều ở Sư từ thân giáo hơn khẩu giáo vì đó là từ sự thực hành ở một người thực tu thực chứng.

Sự từ bi của Sư mỗi lần nhắc đến luôn làm con cảm động nghẹn ngào. Chưa bao giờ Sư từ chối không tiếp chuyện con, không bắt điện thoại của con dù lúc đó có khi Sư đang bận họp chuyện giáo hội, đang tiếp xúc Phật tử, đang làm việc giữa khuya hay miệt mài những công việc ở chùa buổi chiều. Lúc nào Sư cũng nhỏ nhẹ, hiền từ, giọng nói trầm ấm ngọt ngào trong khiêm cung đức hạnh đúng với tứ nhiếp pháp thu phục lòng người. Không chỉ riêng con mà với bất cứ Phật tử nào Sư cũng luôn như vậy.

Trên mạng, rất nhiều bạn biết Sư bệnh đã vội vàng đến hỏi và muốn vào bệnh viện thăm Sư nhưng con xin cảc bạn hãy để Sư nghỉ ngơi cho đến lúc về chùa. Thế mới biết sự từ bi đức hạnh của Sư lan tỏa khắp cùng đến nhường nào. Kể cả lúc bệnh nặng như vậy, giọng nói rất yếu, Sư vẫn bắt điện thoại của con trò chuyện một cách rất bình thản, nhẹ nhàng.

Gọi điện về hỏi thăm cô Hoa cũng như xem xét tình hình thuốc men gởi về mà con vừa vui cũng như chạnh lòng. Nếu lòng thương kính của con đến thầy, đến ông Sư bao nhiêu thì tình yêu mến, kính trọng của con với cô cũng nhiều bấy nhiêu. Hơn 20 năm cô lo cơm nước cho đại chúng, tuổi cao sức yếu đã được phần nghỉ dưỡng lo tu nhưng chẳng ngày nào cô không lo sự tịnh dưỡng của từng người ở chùa.

Thầy bệnh, cô lo tìm mọi thứ thuốc men thực phẩm nào thầy có thể ăn được, kể cả cố gắng trồng rau trái có thể để thầy dùng. Nghe ông Sư bệnh, không biết thể trạng ra sao, cô buồn lo cả ngày. Cô thương tiếc ông Sư với một thân thể vẹn nguyên chưa một vết trầy nhưng giờ bệnh nặng như vậy không biết rồi sẽ ra sao. Con an ủi động viên cô cũng như giải thích một chút về bệnh trạng để cô an lòng đừng lo nhiều. Sau đó, con hướng dẫn cô vấn đề dinh dưỡng thực phẩm cần thiết cho Sư khi xuất viện làm cô rất vui.

Thật sự con cảm phục cô vô cùng vì không hiểu nổi sức mạnh và động lực tinh thần nào cô có thể giữ mãi tâm từ bi lo chuyện cơm nước cho cả chùa và đại chúng hơn 20 năm qua. Cả chùa và đại chúng biết bao nhiêu người, từ người nhỏ đến lớn, cô đều biết tâm tính. Dù đã được cho phép "nghỉ hưu" để chuyên tâm tu hành vì tuổi đã cao, sức khỏe không được tốt nhưng không ngày nào cô không lo chuyện cơm nước khi mỗi người một sở thích khác nhau.

Ở ngoài, con chỉ lo cho cơm nước vài người trong nhà, dù ai cũng dễ ăn mà đã than thở, mệt mỏi, lúc nào cũng mong sớm ngày hết nợ không phải lo nấu ăn, không khổ vì cái ăn dù thực phẩm không hề thiếu nếu không nói là dư thừa. Vậy mà ở chùa, cơm nước thanh bần giản dị, việc bảo đảm dinh dưỡng nhất là cho những bậc cao niên là không hề dễ dàng gì nhưng cô đều cố gắng xoay sở lo chu toàn. Chỉ cần mọi người bình an, vui vẻ, khỏe hơn là cô đã cảm thấy mãn nguyện, hạnh phúc như chính mình được những điều tốt đẹp ấy vậy.

Mỗi lần gọi điện về , cô đều lo lắng cho con, hỏi thăm tình hình của má, sợ con làm việc quá sức, suốt ngày lo lắng hỏi con tiền bạc ở đâu mà lo đủ thứ chuyện, từ thuốc men đến thực phẩm cúng dường. Cô làm con nhớ má của con ngày xưa lúc nào cũng lo cho gia đình, cho con cái của mình được no đủ. Để rồi cô đều nhớ nghĩ hàng đêm niệm Phật, phóng sanh hồi hướng cho má dù bao lần con cản cô hãy để dành chút tịnh tài bé nhỏ lo chuyện Phật sự cho đại chúng trong chùa.

Con cười vui cô đừng lo nghĩ những chuyện bé nhỏ ấy vì luôn nằm trong tầm tay của con. Vả lại, con sống thanh bần chẳng cần gì nên lúc nào về vật chất cũng thấy thừa dư. Vì là một thầy thuốc, con không cam lòng khi cứ thấy các cô và Phật tử hết đau bệnh này đến bệnh khác, đi khám đủ thứ nơi và ôm về rất nhiều những thứ thuốc vô dụng hại đến sức khỏe cho mình. Con chỉ cố gắng trong khả năng mong mang đến những loại thuốc cần thiết nhất giảm bớt bệnh tật, giảm bớt bao nhiêu chi phí đắc đỏ cho người tu để có sức khỏe, có thời giờ tu hành.

Mỗi lần về chùa hay nói chuyện với cô, con vui và bình an lắm. Dù cô có lẽ không biết nhiều và chưa bao giờ thật sự dạy con một pháp tu nào vì pháp Phật con đã có thầy và ông Sư chỉ dạy, con học được ở cô rất nhiều từ cách sống cũng như tình người. Con luôn thầm so sánh cô với biết bao nhiêu người tu hành khác, kể cả bản thân con, biết rất nhiều, bằng cấp rất cao, kinh thiên vạn quyển pháp môn gì cũng có thể thuyết giảng vanh vách nhưng tiếp xúc chỉ toàn thấy bồ đề gai nổi lên. Con không cảm nhận được một chút an lạc, một chút từ bi, một cuộc sống tình người dám xả thân vì người khác như cô vậy.

Cô lo lắng chu toàn không chỉ ở các bậc trưởng thượng, thầy tổ mà với cả những quý thầy, quý sư cô vừa mới bước vào cửa tu, kể cả Phật tử đang công quả ở chùa. Thấy ai bệnh đau, héo gầy, cô lại đi tìm mọi thứ có thể, nấu ăn chăm sóc cho từng người. Gặp cô như gặp cả một bầu trời hạnh phúc vì lúc nào cô cũng cười. Chuyện của cô chỉ vòng quanh ở cơm nước, ở một vài vấn đề giản đơn của thầy tổ, chuyện sức khỏe từng người nhưng chứa đựng biết bao nhiêu bài pháp Phật thực tu về sự từ bi, tấm lòng chân thành cô trải khắp lan tỏa đến những người xung quanh.

Mỗi người tu hành có một hạnh nguyện, một con đường khác nhau và con đường nào cũng đều đẹp, công việc nào cũng đều là việc của Phật. Có lẽ, nhiều Phật tử thường tán thán, ca ngợi các bậc thạc đức biết giảng pháp hay, nói lời tốt, hiểu Phật pháp nhiều và chìu theo tâm ý Phật tử. Tuy nhiên, con luôn kính trọng những người như cô đứng đằng sau ấy lo chuyện sức khỏe, cơm nước cho mọi người. Chuyện cơm nước nhà bếp rất khổ nhọc không hề dễ dàng gì và giữa bao sự nóng bức mệt mỏi ấy, cô vẫn vui cười an nhiên bình thản vì tất cả với con đó là một sự nhiệm màu hiếm thấy vô cùng.

Ông Sư vừa về chùa được hai hôm, con bận rộn chưa kịp gọi điện về hỏi thăm thì cô đã gọi sang cho con. Theo sự chỉ dẫn của con, cô đã cố gắng nấu những thứ cần thiết dâng cúng Sư nhưng cô không biết Sư có ăn được không vì sợ sẽ khó chịu như thầy. Cô lo Sư không khỏe, người yếu đi, tuổi hạt sương mai và đôi khi dù biết, dù lo sợ những điều không tốt vấn chìu ý nếu thầy tổ cứ mãi kiêng dè ăn uống quá ư thanh đạm. Để rồi cô chợt vỡ òa vui mừng khi con gọi điện hỏi thăm và cho cô biết Sư ăn ngon miệng. Cô vui lắm và vội vả lo đi làm cơm nước cúng dường. Nghe cô nói mà con cảm động không thốt nên lời vì thương kính vô vô cùng.

Có những khi thấy cô cứ mãi rong ruổi nghĩ suy về người khác và đôi khi con cũng cảm thấy mình thật vô ý khi chưa quan tâm nhiều đến cô. Vì vậy, nhiều lần con muốn làm điều gì đó chỉ riêng cho cô, bày tỏ sự quan tâm của con đến cô. Tuy nhiên, cô đều biết ý và từ chối tất cả. Có lẽ với cô, hạnh phúc của mình chính là khi thấy người khác vui, hạnh phúc, biết cùng chung lo Phật sự không toan tính nghĩ suy và sẵn sàng chịu phần thiệt thòi về mình. Tâm cô đẹp như ánh trăng rằm, như hào quang của chư Phật hóa hiện đến trần gian này vậy.

Cô thường lo nghĩ con ở quá xa lại cứ lo bao nhiêu chuyện ở Việt Nam và ở chùa. Cô cũng không hiểu con làm việc trên mạng là như thế nào vì với cô đó là quá tầm. Với một người có trình độ như con, vật chất tiện nghi không quá nhiều nhưng không hề thiếu, sống ở nước ngoài, tiếp xúc với biết bao nhiêu con người đủ mọi thành phần, thăm viếng biết bao nhiêu chùa chiền lớn nhỏ nhưng chẳng nơi đâu cho con có bình an như về Quan Âm Tu Viện, về với thầy tổ của mình. Có lẽ là do duyên nhưng còn hơn thế nữa.

Ở Quan Âm Tu Viện dù không có nhiều khóa tu, nhiều chuyện có lẽ được xem là không rạng rỡ, không huy hoàng như các nơi nhưng con lại thấy bình an ở đó. Bởi vì ở đây con cảm thấy đó là tình cảm gia đình, huynh đệ thầy tổ như người thân trong nhà, rất gần gũi thân thiết với con mà ở các nơi khác con không có được. Huynh đệ dù chỉ cùng tông phong tự xem nhau như anh em ruột thịt sẵn sàng hy sinh vì nhau. Và cô cho con cảm giác gần gũi, ấm áp, dễ chịu như con thấy bóng hình của má con vẫn còn hiện hữu tỉnh thức xung quanh.

Cánh hải âu vẫn lượn sóng mãi giữa biển trời báo bão cho tàu thuyền neo đậu an toàn. Đàn bồ câu vẫn tung cánh giữa trời xanh mang hòa bình an lạc đến cho khắp ngõ. Công hạnh, tình cảm, đức độ của cô vẫn như cánh chim trời bay mãi muôn nơi không biết mỏi mệt để truyền những thông điệp của từ bi, chân thành, yêu thương, hong nóng tình người sưởi ấm bất cứ những nơi đâu cô có thể bay đến. Ở đó, con cảm thấy bóng hình Bồ tát không hề xa lạ, không hề quá cao với không đến được mà hiện hữu trước mắt của mình.

Dù không có duyên phước được gần thầy tổ, được gần cô để tu hành chuyên nhất nhưng con biết từng bước chân, từng hành ý của mình luôn có biết bao bậc cha mẹ trong cửa đạo dõi theo. Một lạy này từ xa con xin gởi theo gió theo mây mong cô ghi nhận tấm lòng của một đứa con phương xa nhưng lúc nào cũng thương kính cô vô cùng. Nguyện mong chư Phật mười phương sẽ luôn trì từ gia hộ cho cô có thật nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc để tiếp tục làm bếp lửa hồng sưởi ấm cho biết bao con người đang bị giá lạnh, đóng băng vì ích kỷ, tham ái, si mê sớm thức tỉnh quay đầu để tình thương yêu luôn được tung bay chắp cánh tròn vẹn.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Như Cánh Chim Không Mỏi”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com