Có nhiều tấm gương báo ân, báo hiếu cha mẹ rất cao cả, khiến trời đất, quỷ thần đều xúc động.

Tấm gương báo hiếu làm xúc động cả trời đất được lưu truyền nhiều nhất trong lịch sử Phật giáo và trong dân gian là ông La Bộc tu hành đắc đạo, trở thành Bồ tát

Mục Kiền Liên.

Ngài có phép thần thông nên ngài dùng "mắt thần" tìm, thấy mẹ đang ở trong "cõi quỷ" bị hành hạ đói khát, khổ cực. Thương xót mẹ, ngài xuống "cõi quỷ" dâng mẹ bát cơm. Bát cơm đưa tới miệng thì hóa lửa…

Ngài cầu cứu Phật và theo lời Phật dạy đã hợp sức cùng các chư tăng ni sau 3 tháng kiết hạ tới rằm tháng bảy cúng lễ thành tâm và cứu được mẹ. Từ đó mà thành truyền thuyết lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ, tổ tiên.

Lịch sử Phật giáo còn lưu truyền về Thiền sư Hư Vân (1840 -1959) sinh được 7 ngày thì mẹ mất, được kế mẫu thương yêu nuôi dưỡng. Năm 17 tuổi ngài muốn xuất gia, nhưng cha không cho phép vì cha đang làm quan và rất nghiêm khắc, Ngài lại là con trai độc nhất. Vì vậy, Ngài đã lặng lẽ xuất gia.

Khi cha qua đời, Ngài ân hận đã làm cho cha già phiền lòng, lại nhớ thương mẹ sinh, mẹ dưỡng nên phát nguyện hành hương đến Ngũ Sơn Đài - nơi di tích của Bồ Tát Văn Thù - cứ đi ba bước lạy một lạy nguyện cầu cha mẹ sinh về cảnh giới an lành.

Tổ sư Liễu Quán (1667 - 1742) mồ côi mẹ lúc 6 tuổi, được cha dẫn vượt núi băng ngàn tìm Giác Phong Lão Tổ chùa Báo Quốc học đạo. Đang học thì có tin cha già không người chăm sóc, Tổ đã trở về hàng ngày đốn củi đổi gạo và thực phẩm nuôi dưỡng chăm sóc cha già chí tình, chí hiếu. Tới khi cha qua đời, sau khi lo ma chay chu đáo, Tổ mới trở lại chùa tiếp tục tu học.

Cũng theo lịch sử Phật giáo, ngài Tôn giả Tất Lãng Già Bà Ta xuất gia thành đạo bỗng nhớ cha mẹ già yếu, nghèo khổ, không ai nuôi dưỡng nên muốn đem y phục, thực phẩm cho cha mẹ.

Vì sợ vi phạm giới luật nên Ngài trình nỗi niềm lên Phật. Nhân đó Phật truyền dạy: “Nếu có người nào suốt cả trăm năm, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ và dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên vai mình, cũng chưa thể gọi là đã làm tròn hiếu đạo.

Hoặc đem những thứ y phục và ẩm thực quý nhất trên đời cung phụng cha mẹ cũng chưa đủ báo đền công ơn cha mẹ trong muôn một. Từ nay ta cho phép các tỳ kheo suốt đời hết lòng cúng dường cha mẹ. Nếu ai không cúng dường được thì phạm tội nặng”.

Từ đó trong thế gian có nhiều cách báo ân, báo hiếu cha mẹ, nhưng có 2 cách chính là hiếu thế gian và hiếu xuất thế gian.

Hiếu thế gian là cách thường tình ai cũng làm được. Đó là cung cấp cho cha mẹ cơm áo, thuốc thang, vật dụng, chăm sóc, thăm viếng, hầu cận, ân cần, thương yêu, kính trọng mẹ cha. Cách này chỉ báo hiếu được phần nào công ơn cha mẹ, chưa thể gọi là tận hiếu.

Hiếu xuất thế gian là người xuất gia hướng dẫn cha mẹ vào đạo Phật, quy y Tam bảo, giữ Ngũ giới, niệm Phật cầu vãng sanh, nghe Phật pháp… mới là tận hiếu (nếu cha mẹ chưa biết đạo). Nếu cha mẹ đã biết đạo, phận làm con chỉ cần noi gương cha mẹ mà tu tập cho tinh tấn là báo hiếu rồi.

Hiếu theo thế gian chỉ trong một đời, đó là cái hiếu nhỏ. Còn hiếu xuất thế gian thì thời gian không thể tính hết, nhờ vậy cha mẹ được phước thọ vô cùng, siêu sinh tịnh độ - đó là đại hiếu.

Những người xuất gia đã chọn báo ân, báo hiếu cha mẹ theo cách hiếu xuất thế gian. Theo đó, cha mẹ hiện đời, nhiều đời và tất cả các chúng sinh đều được báo ân, báo hiếu.

(Theo giadinh)



Có phản hồi đến “Những Gương Báo Hiếu Lay Động Đất Trời Trong Nhà Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com