Mỗi năm đến mùa Vu Lan báo hiếu, người Phật tử tại gia thường noi gương hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên báo đáp công ơn cao dày của cha mẹ đã qua đời cũng như còn tại thế, mà cách phổ thông nhất như ca dao từng bảo:

Cha già là Phật Thích Ca,
Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lên chùa lạy Phật đền ơn sanh thành.

Đó là một trong những cách báo hiếu đơn giản nhất của người sơ cơ học đạo. Còn những Phật tử thì vào dịp này, thường sắm sửa phẩm vật, thiết lễ Trai tăng cúng dường thập phương tăng chúng - sau ba tháng thanh tịnh tu học - để hồi hướng công đức cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long, và phụ mẫu quá cố được sinh về nhàn cảnh. Thế còn người xuất gia báo hiếu cha mẹ bằng cách nào?

I. BÁO HIẾU VỀ MẶT VẬT CHẤT LẪN TINH THẦN

Vào thời đức Phật có Tôn giả Tất Lăng Già Bà Ta, sau khi xuất gia hành đạo, chạnh lòng nghĩ đến cha mẹ già yếu, nghèo khổ không ai nuôi dưỡng. Ngài muốn đem y phục và thực phẩm cúng dường cha mẹ, nhưng vì sợ phạm giới luật. Ngài bèn trình bày nỗi băn khoăn của mình lên Thế Tôn. Nhân đó, đức Đạo sư họp các Tỳ kheo và truyền dạy: "Nếu có người nào suốt cả trăm năm, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, và dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên vai mình, cũng chưa thể gọi là làm tròn hiếu đạo. Hoặc đem những thứ y phục và ẩm thực quý nhất trên đời cung phụng cha mẹ cũng chưa đủ báo đền công ơn cha mẹ trong muôn một. Từ nay Ta cho phép các Tỳ Kheo suốt đời hết lòng cúng dưỡng cha mẹ. Nếu ai không cúng dường thì phạm tội nặng". (1)

Vâng lời Phật dạy, hàng ngày Tôn giả đi khất thực đem về chia cho cha mẹ hai phần, còn mình thọ dụng một phần, và thường dâng cho cha mẹ những nhu yếu khi cần.

Trường hợp trên đây cho chúng ta thấy, dù là người xuất gia vẫn có bổn phận cưu mang cha mẹ nếu cha mẹ không người nuôi dưỡng. Trường hợp Tổ Liễu Quán (1667-1742) sau đây cũng tương tự như thế. Tổ mồ côi mẹ lúc vừa sáu tuổi, thân phụ bèn dẫn đến chùa Hội Tôn cho thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên. Nhưng theo hầu được bảy năm thì Hòa thượng viên tịch. Tổ liền vượt núi băng ngàn tìm ra Thuận Hóa thọ học với Giác Phong Lão Tổ chùa Báo Quốc. Được một năm, lại hay tin cha già không người chăm sóc. Tổ phải trở về nhà, hàng ngày lên núi đốn củi, đem về đổi gạo nuôi dưỡng phụ thân. Dù hoàn cảnh gia đình thanh bạch, Tổ vẫn săn sóc cha già chí tình, chí hiếu, cho đến khi thân phụ qua đời. Sau khi lo việc ma chay chu đáo, Tổ mới trở ra Thuận Hóa tiếp tục con đường tu học. (2)

Tấm gương của Tổ Liễu Quán có phần nào giống với hoàn cảnh của Lục Tổ Huệ Năng (638-713) . Lục Tổ khi còn bé cha mất sớm, chỉ còn một mẹ già, gia cảnh lại nghèo khó. Do đó, hàng ngày Tổ phải lên non đốn củi, gánh ra chợ bán, rồi đổi lấy gạo đem về nuôi mẹ. Một hôm nghe người ta tụng kinh Kim Cương đến câu " Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", Tổ cảm thấy như bừng tỉnh, nên có ý định xin phép mẹ đến núi Hoàng Mai thọ giáo với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Nhưng vì mẹ già không ai phụng dưỡng, nên lòng còn trù trừ chưa nỡ xuất gia. Bỗng có người hiểu được tâm nguyện cuả Tổ, bèn trợ giúp mười lạng bạc, và hứa sẽ thay mặt Tổ để trông nom nuôi dưỡng bà cụ đến trọn tuổi già. Nhờ thế, Tổ mới an tâm, từ thân xuất gia học đạo, và đã trở thành một trụ cột độc sáng của thiền tông Trung Hoa. (3)

Nhìn lại nước ta vào thời kỳ vàng son của Phật giáo đời Trần, cũng có vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền sư Huyền Quang (1254-1334). Tổ là một vị Trạng nguyên xuất chúng, mặc dù thi đỗ, làm quan, nhưng xem phú quý như bèo bọt. Một hôm, Tổ theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm tham dự pháp hội, thấy Quốc sư Pháp Loa đang hành đạo, liền nhớ lại duyên xưa, bùi ngùi than rằng: " Làm quan lên bồng đảo, đắc đạo đến Phổ Đà; trên cõi nhân gian là tiên, cảnh giới Tây phương là Phật. Phú quý nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên lưu luyến mãi hoài".

Thế rồi, dâng biểu xin vua xuất gia học đạo tu hành. Bỗng một hôm nghe tiếng chim khách kêu vang trên cành ở trước sân, Tổ chạnh lòng nhớ đến cha mẹ già yếu, nghĩ đến công ơn sinh dưỡng sâu dày, liền sắm sửa hành trang trở lại cố hương, hầu thăm cha mẹ. Về nhà, trông cha mẹ còn khỏe mạnh, và biết ông bà cụ rất sùng tín Tam Bảo, Lòng Tổ rất hoan hỉ. Nhân đó cho xây một ngôi chùa ở phía Tây nhà, đặt tên là chùa Đại Bi, lấy ý từ câu: " Đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát cứu độ cha mẹ hướng về Phật đạo". Bấy giờ cha mẹ đã có ngôi bảo điện để hàng ngày tụng niệm, khuây khỏa tinh thần, thấm nhuần pháp vị, di dưỡng tuổi già, Tổ mới an tâm tiếp tục sứ mệnh hoằng dương chánh pháp. (4)

II. BÁO HIẾU TRÊN PHƯƠNG DIỆN TINH THẦN

Thiền sư Hư Vân (1840-1959) lúc mới sinh được bảy ngày thì thân mẫu từ trần, được kế mẫu thương yêu nuôi dưỡng. Đến năm mười bảy tuổi, Ngài có chí xuất trần, nhưng thân phụ không cho phép. Vì ông đang làm quan, tính tình lại nghiêm khắc, hơn nữa Ngài là con trai độc nhất của gia đình. Thế nhưng, do động cơ xuất gia mãnh liệt, cuối cùng, Ngài đã lặng lẽ thoát ly gia đình, để hoàn thành chí nguyện cao cả của mình. Đến khi thân phụ qua đời, Ngài ân hận đã làm cho cha già phiền lòng, lại nhớ thương mẹ hiền vắng bóng từ lúc còn thơ ấu. Do đó, Ngài phát nguyện hành hương đến Ngũ Đài Sơn - nơi di tích của Bồ Tát Văn Thù - cứ đi ba bước lạy một lạy với mục đích sám hối tội lỗi không phụng dưỡng mẹ cha trọn đạo, đồng thời hồi hướng công đức để nguyện cầu cha mẹ sinh về cảnh giới an lành.

Tấm gương hiếu thảo của thiền sư Hư Vân làm cho chúng ta phải thán phục. Thế còn thiền sư Hám Sơn (1545-?) lúc còn bé đã là một đứa trẻ khác thường. Năm lên ba tuổi, Ngài chỉ thích ngồi lặng lẽ một mình hơn là đi chơi với những đứa trẻ khác. Mẹ Ngài lại là một Phật tử thuần thành, suốt đời thờ đức Đại Sĩ Quán Âm. Năm ngài lên bảy tuổi, bà gởi con đến một ngôi trường cách nhà một dòng sông. Một hôm, sau khi về thăm mẹ, Ngài trở lại nhà trường, được mẹ tiễn chân ra tận bờ sông, nhưng vì quá quyến luyến mẹ, Ngài không muốn rời khỏi tay bà. Đang cơn tức giận, bà liền túm tóc con, ném xuống sông rồi quay về nhà mà không một lần ngoái lại. Lúc ấy, bà nội của Ngài có mặt ở đó, kêu cứu, Ngài mới thoát chết. Sau đó, mẹ Ngài nhiều lần đứng khóc một mình trên bờ sông và phân trần với mẹ chồng: "Con phải làm thế để cho nó vượt qua cái tính quá đa cảm mà học hành nghiêm chỉnh".

Năm mười hai tuổi, Ngài từ giã mẹ cha, dấn thân trên con đường du phương học đạo. Suốt thời gian ấy, mẹ Ngài luôn luôn theo dõi tin tức con mình. Khi nghe tin Ngài đang tham học ở Ngũ Đài Sơn, bà liền hướng về đó đảnh lễ và niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Âm. Nhờ thế, bà cảm thấy lòng mình trở nên khuây khỏa.

Sao bao năm xa cách, Ngài trở về nhà thăm lại song thân và định chọn đất xây mộ cho hai người. Môt buổi sáng, Ngài cùng cha mẹ đi thăm mồ mả tổ tiên để tỏ lòng tôn kính. Lúc ấy thân phụ Ngài đã 80 tuổi. Ngài nói đùa với ông: "Hôm nay con chôn cha, như vậy giúp cha khỏi trở lại thế gian này lần nữa". Vừa nói Ngài vừa gõ cuốc xuống đất. Mẹ Ngài lập tức giật lấy cuốc và tiếp: "Phần mụ để mụ tự đào mồ lấy, không cần ai lo cho mụ cả". Rồi bà bắt đầu đào đất một cách vui vẻ.

Về sau, Ngài mới hiểu rằng mình có một bà mẹ rất khác thường, và đó chính là một trợ duyên thật quý báu để Ngài thành tựu được đạo nghiệp rạng rỡ. (5)

Thiền sư Động Sơn Lương Giới (807-869), vị Tổ khai sáng tông Tào Động Trung Hoa, cũng có một bà mẹ rất đặc biệt. Ngài đã trình bày quan niệm hiếu thảo và cách thức báo hiếu của người xuất gia đối với cha mẹ, cũng như sự mong đợi của cha mẹ đối với người con đi tu, qua hai bức thư trao đổi giữa Ngài và mẹ Ngài. Trước hết là lá thư Ngài gởi cho mẹ trình bày lý do và xin phép xuất gia.

"Được nghe chư Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân. Muôn loài hàm linh phải nhờ trời đất che chở. Thế nên, không có cha mẹ thì chẳng sinh, không có trời đất thì chẳng trưởng. Nhưng, tất cả hàm thức đều chịu định luật vô thường chi phối. Nghĩ đến ân bú sú thâm trọng, cũng như công nuôi dưỡng cao dày, nếu đem của cải thế gian phụng dưỡng, hoặc cùng máu thịt thân này dâng hiến, cũng không thể đáp đền. Hiếu kinh nói: " Dù một ngày giết đôi ba con vật để cung hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu. Vì sẽ lôi nhau vào vòng sanh tử, chịu muôn kiếp luân hồi". Do đó, muốn đền ân sâu dày của cha mẹ đâu bằng công đức xuất gia. Vì sẽ cắt đứt dòng sông khát ái sinh tử, vượt qua bể khổ trầm luân, đáp ân cha mẹ nghìn đời, đền nghĩa từ thân muôn kiếp. Kinh nói: "Một người con xuất gia, chín họ đều sinh lên cõi trời". Con nguyện bỏ thân mạng đời này, để thành tựu đạo quả Bồ đề, đem căn trần muôn kiếp mà thắp sáng trí tuệ Bát nhã. Cúi mong cha mẹ mở lòng hỷ xả, dứt nỗi nhớ mong, noi gương đức vua Tịnh Phạn và Thánh Mẫu Ma Da, hẹn sẽ gặp nhau trong hội Long Hoa. Còn hiện nay xin cam chịu lìa nhau. Chẳng phải con quên ân dưỡng dục, mà chỉ vì thì giờ chẳng đợi người. Cổ đức từng nói: " Thử thân bất hướng sinh thân độ, cánh hướng hà thân độ thử thân? Thân này chẳng nhắm đời này độ, còn đợi đời nào độ thân này?".

Kính xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong!
Nhận được thư con, mẹ Ngài hồi âm:

"Mẹ cùng con đời trước có nhiều nhân duyên nên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ lúc mẹ hoài thai, sớm chiều cầu thần khẩn Phật, mong sinh được con trai. Thai bào đủ tháng, mạng sống như chỉ mành. Sinh được con trai, mẹ rất toại nguyện, xem như châu báu, không nề hôi hám nhơ uế, chẳng ngại bú sú nhọc nhằn. Con vừa thành người, mẹ dắt đến trường cho con học tập. Mỗi khi con đi chơi về trễ, mẹ đứng tựa cửa ngóng trông. Nay con viết thư về quyết xin xuất gia. Cha con đã mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo, mẹ biết trông cậy vào ai! Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có dạ quên con. Từ khi con cất bước tha phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ, khổ thay! Khổ thay! Nay con lại thề chẳng về nhà, mẹ cũng tùy theo chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, như Đinh Lai khắc cây, mà chỉ mong con như Tôn giả Mục Liên, độ mẹ thoát khỏi trầm luân, tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy, e phải có tội. Mẹ cầu mong cho con hoàn thành chí nguyện của mình". (6)

Trên đây, chúng tôi đã trình bày một vài tấm gương báo hiếu của người xuất gia, mỗi người có mỗi hoàn cảnh riêng, nhưng chung quy ai cũng mang nặng ân tình của cha mẹ. Vì nhờ cha mẹ mới có thân ta. Do đó, mở đầu bức thư Ngài Động Sơn đã nói "Chư Phật ra đời đều nhờ cha mẹ mới có thân này". Và nhờ có thân này mới tu thành chánh qủa cứu độ quần sinh. Thế nên, sự báo hiếu cha mẹ đương nhiên là bổn phận thiêng liêng, không một ai được phép quên lãng. Vì vậy, người xuất gia, nếu cha mẹ già yếu, cô độc, không người nuôi dưỡng, vẫn có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ cho đến trọn đời. Trái lại, nếu cha mẹ đã có người chăm sóc tạm được an lành, thì người tu sĩ cần dốc chí tu học, hoàn thành đạo nghiệp, rồi vận dụng tâm lực, hồi hướng công đức, cứu vớt cha mẹ khỏi vòng trầm luân khổ hãi. Thiết nghĩ, đó là cách báo hiếu chân chính của đạo từ bi, và thích hợp với những ai đã chọn con đường thoát tục.

Mùa Vu Lan, P.L. 2538

Thích Phước Sơn


_________________

Chú thích:

(1) Luật Ngũ Phần, Đ.22, tr. 140c
(2) Theo văn bia Tổ Liễu Quán, do T.T Giới Hương phiên dịch
(3) Kinh Pháp Bảo Đàn
(4) Tam Tổ Thực Lục, bản chữ Hán, tr. 50b-54a
(5) Thiền đạo Tu Tập, Trương Trừng Cơ, Như Hạnh dịch, Kinh Thi XB 1972, tr.188-219
(6) Theo bản dịch của H.T Thanh Từ trong băng giảng



Có phản hồi đến “Gương Báo Hiếu Của Người Xuất Gia”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com