Cố đô Huế nổi tiếng về danh lam và cổ tự. Đó cũng là nét đặc thù góp phần tạo nên bản sắc, truyền thống phong phú về văn hóa-lịch sử tại nơi này. Câu chuyện đầy cảm động về đạo hiếu thờ mẹ của hai nhân vật lịch sử. Thiền sinh Nhất Định và vua Tự Đức triều Nguyễn, đã tạo duyên lành đồng cảm, để lại danh thơm lưu truyền cho ngôi chùa Từ Hiếu. Chính Tự Đức đích thân trân trọng ban cho chùa "Sắc tứ Từ Hiếu tự".

Khởi đầu địa danh ấy, xa xưa chỉ là một mái tranh đạm bạc vô cùng, cỏ cây hoang dã. Thiền sư Nhất Định từ xứ khác tìm qua, dựng lên nơi ẩn cư tu tập, gọi là An Dưỡng am. Tại sao có chữ Dưỡng ? Nguyên do, vị cao tăng có mẹ đã già, không nỡ bỏ mẹ mà đi tu, để người trơ trọi một mình. Cho nên khi đến đây, thấy sơn thủy thanh cao rất thanh tịnh cho sự ẩn cư, Ngài liền về cõng mẹ, lặn lội lập am nương náu. Tại đây, vừa tu hành, tìm đạo giải thoát, kinh kệ hàng ngày, Ngài vừa rau cháo qua ngày, nuôi dưỡng, săn sóc thân mẫu vốn rất thường đau yếu. Bởi thế mới có chữ "Dưỡng" trong tên An Dưỡng am của Ngài lúc đó. Chuyện ấy bắt đầu vào năm 1843, thời triều Nguyễn, vua Thiệu Trị (1841-1847). Qua đến triều Tự Đức (1848-1883), gặp lúc ngày kia, mẹ Người lâm trọng bệnh vì thiếu thốn, kham khổ trong cảnh sống chung với con đang là bậc tu hành. Ngài tìm y sư cứu chữa, được khuyên rằng cần phải bồi bổ cho bệnh nhân bằng thịt hoặc cá mới được thuyên giảm. Thế là Ngài liền chống gậy tìm xuống chợ (Bến Ngự ngày nay) mua được cá chết, treo trên đầu trượng trúc, đem về am thổi cháo hầu thân mẫu, mới qua được cơn hiểm nghèo, lần hồi bệnh thuyên giảm...

Cũng vì xuống chợ mua cá mà bị đời dị nghị thành mang tiếng này nọ. Người không biết nguyên nhân, cứ mặc tình mai mỉa : Ngài vẫn chẳng lưu tâm, một lòng nuôi mẹ cho lành. Hàng ngày hái củi, nhóm bếp, tự mình chăm sóc hầu hạ. Lâu ngày, chuyện lạ đến tay vua Tự Đức, vua sai người theo dõi, tìm hiểu sự thực hư ra sao. Lúc bấy giờ, tuy am ở ngoại kinh thành chẳng bao xa, thế nhưng còn hoang vu tịch mịch, chưa được biết đến nhiều như về sau. Vua Tự Đức lại là một người thờ mẫu hậu Từ Dũ rất hiếu đạo, rất hiếm có xưa nay. Vì thế, sau khi tỏ tường câu chuyện, vua vô cùng cảm động, lập tức cho tu bổ cảnh chùa, đồng thời đích thân ban biển ngự đề "Sắc tứ Từ Hiếu tự". Kể từ đó, An Dưỡng am trở thành chùa Từ Hiếu, lưu danh đến ngày nay.

Lại nói về vua Tự Đức, người đã sắc phong cho hai chữ Từ-Hiếu, đó là vị vua hiếu đạo bậc nhất trong 13 vị hoàng đế triều Nguyễn. Mẫu hậu là bà Từ Dũ được vua săn sóc, tôn kính, vâng lời hết mực. Bà truyền bảo điều gì đáng lưu tâm, vua liền ghi ngay vào sách tùy thân mà nghiền ngẫm, gọi là "Từ huấn lục" (sách chép lời mẹ dạy). Trải qua suốt 36 năm chấp chính ngai vàng, Tự Đức bao giờ cũng dành ngày chẵn vào cung vấn an sức khỏe mẹ, ngày lẻ thì lo việc triều nghi, chẳng vì ngồi trên chỗ vạn năng quyền thế mà lơ là phận làm con. Không những thế, có gì lo âu, vua liền thỉnh ý để được nghe lời dạy bảo. Chính vì thế, bà đã từng đề nghị giảm thuế má cho dân vào những khi gặp thiên tai, mất mùa, đói kém, nhà vua đều làm theo ý mẹ. Có lần, ngày mai là đến kỳ giỗ k?tiên đế Thiệu Trị, thế mà hôm ấy nhà vua ham săn bắn, gặp nước lụt chảy mạnh bất ngờ, quan quân chưa dám dong thuyền hồi cung, phải mắc kẹt chốn ngoại thành rừng Thuận Trực. Bà Từ Dũ sai quan Nguyễn Tri Phương đi rước, khi vào cung, vua biết lỗi, dâng roi, nằm xuống chờ quở phạt. Bà giận, quay mặt chẳng nói, sau mới tha cho hình phạt, chỉ trách dạy bằng lời mà thôi. Xem thế, đủ biết vua Tự Đức thờ mẹ rất chí hiếu.

Bởi thế mà vua cảm phục đạo hạnh của Thiền sư Nhất Định vô cùng. Đó là bậc cao tăng không những đã có "Từ tâm", lại còn nặng lòng với "Hiếu đạo", một kẻ đã nhập đạo nhưng vẫn tròn đời. Thiền sư đã không quản ngại tiểu tiết, chẳng vì cái danh tướng hư huyễn của đời mà câu chấp, quên đi đạo làm con bên mẹ. Ngài chỉ biết lấy cái tâm Phật soi lòng, chẳng hề đắn đo ngã tướng, khen chê. Nếu không phải là Tự Đức, người biết coi trọng chữ hiếu, thì cái duyên để lại hai chữ Từ Hiếu kia cho đời sau học hỏi chắc ít phần quảng bá, sâu rộng giữa đời thường như hôm nay. Kinh Phật dạy có chữ "duyên" thật là sâu sắc.

Ngày nay, chùa Từ Hiếu qua nhiều tuế nguyệt, đã được trùng tu lại nhiều lần. Hình ảnh chiếc am cỏ hoang dã cùng với bóng cao tăng hái củi ven đồi... hình ảnh khói lam chiều, ánh lửa bập bùng của người con bên bếp nhỏ ngày xưa... không còn nữa. Thế nhưng, ý nghĩa và đạo vị ngọt ngài hai chữ "Từ Hiếu" không phai nhòa, còn mãi giữa đất trời xứ Huế. Khách thập phương bước vào cổng chùa, nhất là trong những mùa Báo Hiếu Vu Lan, càng bồi hồi cảm xúc câu chuyện kể bậc Thiền sư cõng mẹ... Huế nay đã trở thành di sản văn hóa thế giới, có những du khách nước ngoài đến Từ Hiếu tự, khi được phiên dịch lại lịch sử ấy, từng có người quay lưng đi, đưa khăn lên mắt. Dù cách biệt Đông-Tây, cũng vẫn hiểu : đang gợi nhớ đến mẹ hiền, và họ chính là người bất hạnh...

Liễu Thượng Văn



Có phản hồi đến “Chữ Hiếu Của Thiền Sư Nhất Định Và Vua Tự Đức”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com