VẤN: Đầu năm con thường dẫn gia đình và con gái đi chùa gieo duyên Phật pháp. Con gái con có hỏi con về ý nghĩa các pho tượng, long thần hộ pháp trong chùa và tại sao lại tôn trí như vậy. Thật tình con cũng không biết phải trả lời làm sao. Xin Sư cho con biết cách thờ tự đơn giản ý nghĩa nhất ở các chùa là như thế nào. Cách nhận dạng, ý nghĩa và hình tượng đơn giản của các vị Phật, các vị bồ tát, các vị tổ đang thờ trong chùa và vị trí nào mới nên để hình tượng các Ngài thờ tự. Vào đến chùa thì con nên vào đâu trước tiên, hành xử như thế nào và nên gặp ai để hỏi thăm nếu có chuyện cần hỏi. Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

Đáp:

Chùa Việt Nam hiện nay quá nhiều, kể cả trong nước và ngoài nước, nhưng tạo chùa thì dễ, mà tạo Tăng thì khó, hiện nay còn rất nhiều chùa ở miền Bắc không có Tăng Ni làm Trụ trì, một vị Tăng có thể làm Trụ trì 3, 4 chùa là việc thường tình. Tuy nhiên, chùa xưa thì xây dựng theo quy cách thời xưa; chùa nay thì xây dựng đa phần theo Tây phương. Ngoài ra còn có thiền viện, tu viện, tịnh xá, thiền thất, tịnh thất... Cho nên việc thờ phượng luôn thay đổi theo môi trường, nơi chốn của chùa đó. Chùa ngày nay không nhất thiết phải thờ phượng theo chùa xưa, miễn làm sao có ngôi Tam Bảo đúng đắn, đúng theo kiền độ của Phật, thanh quy thiền lâm quy chế của Tổ sư, trang nghiêm ấm áp cho Phật tử chiêm bái.

Ở Việt Nam hiện nay có gần 15.000 ngôi chùa, 44.498 Tăng Ni, 45.000.000 tín đồ (theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam), mỗi chùa là ngôi Tam Bảo, ngôi Tam Bảo có nhiều danh xưng khác nhau như sau: Tổ đình, chùa, thiền viện, tu viện, tịnh viện, thiền thất, tịnh thất, niệm Phật đường, am, cốc, Đạo tràng... nhưng đại đa số ít nuôi Tăng Ni, thường là chỉ có một vị Trụ trì và một vài Tăng hay Ni cư trú, vắng vẻ lắm. Riêng tại các thiền viện (thiền tông), tu viện (tịnh độ tông), các Trường Phật học thì nuôi Tăng Ni tu hành từ 200 vị trở lên. Lần lượt Sư dẫn giải về việc thờ phượng ở các chùa.

Thiền Môn:

Bước vào chùa, mọi người phải đi ngang qua cổng chùa, qua ngưỡng cửa thiền môn thì bước vào thế giới thanh tịnh. Cổng chùa là ranh giới giữa cõi đời và cõi đạo. Có cổng ba cửa gọi là tam quan. Tam quan hay tam quán được giải thích trong Phật học từ điển (Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, quyển III, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992) là ba mối, ba chỗ quán tưởng. Có chùa xây tam quan hai tầng, tầng trên dùng làm gác chuông (chùa Mía, chùa Đậu), hoặc tầng trên thờ tượng Hộ Pháp (chùa Linh Sơn Đông Thuyền, chùa Linh Phong), thờ tượng Phật (chùa Phụng Sơn), thờ tuợng vị tăng (chùa Vĩnh Tràng) v.v…

Sau cổng chùa là trục chánh đạo dẫn vào sân chùa. Sân chùa trồng nhiều cây có bóng mát. Có chùa ở sân trước có hòn non bộ (chùa Diên Hựu, chùa Ấn Quang), có chùa ở sân trước có hồ sen (chùa Phổ Minh, chùa Từ Hiếu), hoặc hồ nước lớn (chùa Keo, Thái Bình). Ở sân trước nhiều chùa có xây tháp thờ Phật (chùa Thiên Mụ), tháp chuông (chùa Xá Lợi), tháp vọng (chùa Cổ Lễ); nhà bia (chùa Phổ Minh, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu); tháp chuông và tháp trống (thiền viện Trúc Lâm, thiền viện Thường Chiếu); gác chuông (chùa Trăm Gian, chùa Bút Tháp), xây tháp thờ Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ tát , Địa Tạng Bồ tát (Quan Âm tu viện) v.v…

Chùa Bắc tông:

Chủ yếu chùa xưa từ 50 năm đến 100 năm trở lên, chùa nào cũng có ngôi Tam Bảo (ba ngôi Phật Pháp Tăng), đối diện ngôi Tam bảo là Long Thần Hộ pháp (Thiên Long bát bộ ủng hộ chùa và người tu Phật); phía trước thờ Tiêu diện đại sĩ (hiện thân Quan Âm bồ tát độ cõi âm, âm binh, thập lọai cô hồn); phía sau ngôi Tam Bảo thờ Bồ Đề Đạt Ma, chư lịch đại Tổ sư, long vị các vị Trụ trì viên tịch, nhìn vào long vị thờ ở bàn Tổ sư, chúng ta sẽ biết được chùa có từ thời gian nào. Tiếp đến ở hậu đường thì thờ Bồ tát Chuẩn Đề Phật Mẫu, thờ Giám Trai sứ giả (hộ đạo tràng).

Chùa ở miến Bắc, ngoài ngôi Tam Bảo còn có nơi thờ Mẫu Man Nương, Mẫu Liễu Hạnh, thờ thần Sấm, thần Sét, thần Mưa, Thần Mây, chư Thánh; ở miền Trung có chùa thờ ngôi Tam Bảo mười phương Di Lặc Bồ tát, Quan Âm Bồ tát, ở miền Nam thì thờ ngôi Tam Bảo, chủ yếu tầng một thờ Tây phương tam thánh (Phật Di Đà, Quan Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát), tầng hai thờ Thích Ca Mâu Ni, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, tầng ba thờ tượng Di Lặc Bồ tát (Phật Bảo), tầng bốn giữa lư hương, hai bên chuông (phải) và mõ (trái) dành cho chư Tăng Ni tụng kinh; hai bên ngôi Tam Bảo là các tủ kinh sách Phật (Pháp Bảo).

Chùa Nam tông:

Thờ 01 tượng Phật Thích Ca, đức Trung tôn ở giữa chánh điện (Phật Bảo); ngoài ra thờ những vị A la hán, những vị Thánh Tăng đệ tử Phật tu đắc đạo thời Phật tại thế, các Nhà Sư Cao Tăng viên tịch; phía sau tượng Phật Thích Ca là tủ kinh sách (Pháp Bảo), hai bên chánh điện là Tăng xá, am cốc chư Tăng.

Tịnh xá Khất sĩ:

Thời Phật gọi Tinh xá (nơi lưu trử kinh pháp), nay gọi Tịnh xá, thờ 01 tượng Phật Thích Ca đức Trung tôn, tôn trí an tọa trong Tháp Đa Bảo ở giữa chánh điện (Phật Bảo); phía sau tượng Đức Trung Tôn thờ tượng Đức Giáo tổ Minh Đăng Quang. Tiếp đến hai bên là bàn thờ Tổ sư, thờ Chơn lý đại đồng, kinh pháp Phật (Pháp Bảo). Ở Việt Nam ngày nay tại tịnh xá Trung Tâm (Gò Vấp) có thờ tượng Quan Âm Bồ tát cao 21 mét. Hai bên chánh điện là Giảng đường, Tăng xá, am cốc (Tịnh xá Tăng), Ni xá (Tịnh xá Ni)

Thiền viện (Thiền tông), Tu viện (Tịnh độ tông):

Các Thiền viện của Thiền tông Việt Nam, như Thiền viện Thường chiếu, Trúc Lâm Trí Đức thờ 01 tượng Phật Thích Ca có cầm cành hoa sen, biểu tượng của thiền tông “niêm hoa vi tiếu” (Đức Phật cầm cành hoa sen lên, không ai biết gì, Ngài Ca Diếp nhìn hoa sen mỉm cười). Thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sơn môn phái Trúc Lâm Yên Tử.

Các Tu viện, chùa thuộc Tịnh độ tông Việt Nam như: Quan Âm tu viện, Nhứt Nguyên bửu tự, Long Sơn cổ tự và 160 chùa của Tịnh độ Non bồng trên toàn quốc đều có thờ Tây phương Tam thánh, thờ tượng Phật Thích Ca mâu ni, thờ Quán Thế Âm Bồ tát, kể cả Phật tương lai tức là Đức Di Lặc Bồ tát... thờ Tổ sư khai sơn môn phái Tịnh độ Non bồng.

Chùa Nam tông, tịnh xá Khất sĩ chủ yếu phát triển ở miền nam Việt Nam, một ít ở miền Trung, ở miền Bắc Việt Nam xưa nay chưa có chùa Nam tông, tịnh xá Khất sĩ.

Vào chùa lạy Phật:

Ở những chùa xưa, người tín đồ đi lễ Phật trước nhất lễ Trụ trì, lễ Tổ sư, rồi đến Lễ Phật tại ngôi Tam Bảo, gọi là “tiên bái Trụ trì, hậu bái Thích Ca”; tức là Phật tử đi chùa (khách), trước nhất phải gặp Trụ trì (chủ chùa), sau đó Trụ trì hướng dẫn Phật tử đi lễ Tổ, lễ Phật. Đi chùa lễ Phật, không nên ngang nhiên vào chùa lễ Phật là đúng, trước nhất các Bạn phải tìm gặp vị Trụ trì rồi mới đi lễ. Trường hợp muốn gặp vị Trụ trì, Phật tử phải đến phòng tiếp tân, gặp sư Tri sự sẽ được hướng dẫn.

Ở chùa thời nay, đa số vẫn còn giữ vững nội quy vào chùa lễ Phật như chùa xưa, tuy nhiên do chùa được tạo dựng nhiều, có quá nhiều phương tiện xây chùa, cụ thể ở thành thị, khi vào chùa thì diện kiến Phật, Tổ sư, sau đó mới gặp Trụ trì, lý do vì môi trường chùa ở thành thị không thể xây dựng theo quy cách như các chùa xưa. Do đó Bạn có thể lễ Tổ, lễ Phật rồi gặp vị Sư Trị sự rồi mới gặp vị Trụ trì. Trường hợp nầy không phải bị lỗi lầm chi cả.

Việc nhận định danh hiệu Phật, Tổ, hay các tượng thờ tại các chùa ngày nay đều có một bản ghi chú danh hiệu tượng Phật, Bạn có thể lễ Thánh Tượng, sau đó đọc trong bản ghi chú sẽ biết danh hiệu Thánh Tượng đang thờ.

Lễ Phật, lễ Tam Bảo là lễ nghi khuôn thước, là cốt cách lễ giáo của người con Phật, thành tâm kính lễ gieo năm vóc, là truyền thống người Á Đông, là thước đo tấm lòng người con Phật với Đức Phật Bổn sư Thích Ca, với Thầy Tổ, chư vị Thánh Tăng, không có gì phải lỗi lầm khi Bạn chưa biết hết nội quy của Thiền môn.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Làm Thế Nào để Nhận Dạng Những Cơ Sở Thờ Tự Của Phật Giáo?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com