VẤN: Con đọc sách cũng như nghe các bài giảng về khả năng của các câu kinh chú Phật là bất khả tư nghì. Tuy nhiên, kinh nào cũng bảo là kinh tốt nhất, câu chú nào cũng được giảng là có khả năng diệu dụng nhất và vị Bồ Tát nào cũng đều có khả năng cứu khổ chúng sinh và nhiều quyền năng khác. Như vậy thì con nên tụng kinh chú nào là tốt nhất và nên lạy hay niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát nào mới đúng. Có bạn bảo vị Bồ Tát nào cũng nên đọc lạy, không tụng niệm thì Bồ Tát sẽ giận, sẽ buồn, không gia trì, như vậy có đúng không? Nếu thế thì con sẽ phải đọc hết các danh hiệu của các Ngài, như thế thì con không đủ thời gian, và cũng không biết làm vậy có đúng không? Xin Sư giải đáp giúp con.
Đáp:
I .
Trong 49 năm thuyết pháp độ sanh, lời dạy của Phật nhiều vô số kể, lời Phật dạy xuyên suốt cả nhơn thiên, lợi ích chúng sanh khắp mười phương, những bài pháp của Phật được Đức Ca Diếp, Ưu Ba Ly và A nan, các vị là bậc tu hành thông minh, đạo hạnh và đắc đạo, chịu trách nhiệm đọc lại lời Phật dạy.
Đức Phật nhập niết bàn vào năm 544 TCN, sau đó 7 ngày, Đức Ca Diếp vị đệ tử đầu tiên tổ chức đại hội kết tập kinh điển, lần kết tập nầy gọi là “kết tập Thanh Văn tạng”, địa điểm bên trong hang Thất La Phiệt, gồm có kinh và luật. Trong khi đó, ngoài hang Thất La Phiệt, chư vị Bồ tát ngọai hộ kết tập Bồ tát tạng (Lời nói đầu - Nhị khóa hiệp giải, HT Thích Khánh Anh)
Lời dạy của Phật được chia ra thành năm thời, tám giáo, cô đọng thành tam tạng kinh điển: kinh - luật - luận.
Năm thời là:
1. Thời giáo Hoa nghiêm. Thời giáo thứ nhất này chỉ kéo dài 3 tuần, là giai đoạn giáo hoá Kinh Hoa nghiêm của Phật ngay sau khi Ngài đắc đạo.
2. Thời giáo A-hàm. Vì nhiều người không lĩnh hội kinh Hoa Nghiêm nên Phật bắt đầu giảng các kinh A-hàm, thời giáo thứ hai.
3. Thời giáo Phương đẳng. Trong thời giáo này, Phật bắt đầu giảng giai đoạn sơ khởi của Đại thừa. Phật nhắc đến tính ưu việt của một vị Bồ Tát so với một vị A-la-hán.
4. Thời giáo Bát-nhã-ba-la-mật-đa, kéo dài 22 năm, chứa đựng giáo pháp của kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, tức là nói đến tính Không của vạn sự.
5. Thời giáo Diệu pháp liên hoa và Đại bát-niết-bàn, là thời giáo cuối cùng, bao gồm 8 năm cuối đời đức Phật.
Tám giáo:
1. Phương pháp đốn ngộ, dành cho hạng đệ tử xuất sắc nhất có khả năng tiếp cận sự thật nhanh chóng. Đó là phương pháp của kinh Hoa nghiêm.
2. Phương pháp tiệm ngộ, đi từ giản đơn đến phức tạp, là phương pháp của các kinh A-hàm, Phương đẳng, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Còn kinh Diệu pháp liên hoa lại không thuộc "đốn" hay "tiệm" mà chứa đựng sự thật cuối cùng.
3. Phương pháp mật giáo, là cách Phật dạy cho một người nhất định và chỉ người đó được lĩnh hội. Phương pháp này có thể được Phật áp dụng trong chốn đông người, nhưng nhờ thần thông của Phật chỉ có người đó được hiểu.
4. Phương pháp bất định, là phương pháp Phật dùng dạy cho nhiều người, nhưng mỗi người nghe hiểu khác nhau. Hai phương pháp 3 và 4 được Phật áp dụng khi người nghe có trình độ không đồng đều.
5. Tạng giáo - Giáo pháp Tiểu thừa, dành cho Thanh Văn và Độc Giác Phật,
6. Thông giáo - Giáo pháp tổng quát, bao gồm Tiểu thừa và Đại thừa, dành cho Thanh Văn, Độc Giác Phật và Bồ Tát cấp thấp.
7. Biệt giáo - Giáo pháp đặc biệt dành cho Bồ Tát.
8. Viên giáo - Giáo pháp viên mãn, tức là giáo pháp trung quán, phá bỏ mọi chấp trước.
Trong năm thời, tám giáo trên, cô đọng thành kinh luật luận, trong đó có văn xuôi, văn vần, có nơi Phật giảng thường lập đi lập lại nhiều lần, có nơi Phật giảng bài kinh ngắn, có nơi giảng bài kinh thật nhiều ngày... do đó kinh luật luận của Phật được chia ra nhiều thể lọai, giúp cho người đọc dễ dàng nhận định, như:
- Tu Đa La (kinh, nói lời thật),
- Kỳ Dạ (ứng tụng, ngẫu nhiên theo thể lọai văn vần),
- Thọ Ký (lời truyền dạy của Phật dành cho một người, một nhóm),
- Dà Đà (phúng tụng, đọc đi đọc lại nhiều lần),
- Ưu Đà Na (vô vấn tự thuyết, không ai hòi tự nói),
- Ni Đà Na (nhân duyên, đủ duyên lành gặp Phật),
- Ba Đà Na (thí dụ, cho mọi người dễ hiểu),
- Y Đế Mục Đà Na (bản sự, nói về tiền thân của Phật),
- A Đà Dà (bản sanh, nói về sự thị hiện của Phật),
- Tỳ Phật Lược (phương quảng, giảng rộng),
- A Phù Đà Đạt Ma (vị tằng hữu, hiếm có),
- Ưu Bà Đề Xá (luận nghị, giảng giải cặn kẽ)
(kinh Đại Bát Niết Bàn - Phẩm Phạm Hạnh thứ 20)
II .
Mỗi thời thuyết giáo của Phật được diễn ra nhiều ngày, nhiều tháng năm, như thời giảng kinh Hoa Nghiêm có 21 ngày, nhưng ý nghĩa thẳm sâu, làm cho con người thời đó trong nhất thời không thể thông suốt, mà phải trải qua quá trình tu hành, hoặc nghe thuyết giảng lại nhiều lần mới hiểu biết và thực hành. Mỗi thời kinh như thế, khi kết luận tổng quan thời giảng kinh, Phật thường chúc tụng kinh nầy là trên hết, là vi diệu hơn các kinh khác, các ông phải lấy đó mà thực hành.
Như Đức Phật giảng kinh Bát Nhã 22 năm, suốt 22 năm dài đăng đẳng thuyết giảng cho các bậc tu hành xuất thế có bề dày tu hành, trí tuệ được mở thông, hiểu được các pháp vốn là huyển hóa, hư hư thực thực, chứ không thực, nhưng không phải không có, khi tâm thấu hiểu được như vậy, dù cư trú cõi phàm phu vẫn đạt đến giải thoát, khi Phật dạy chúng tu hành như thế có người đạt đến giải thoát, đắc đạo chứng quả A la hán, Bồ tát quyền thừa, như Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Địa Tạng... được Phật bổ xứ hành đạo giáo hóa chúng sanh trong tương lai và thành Phật, vì thế Đức Phật kết luận kinh nầy là hơn hết trong các kinh.
Như 8 năm cuối cùng trước khi nhập diệt, Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa và Niết Bàn, ở thời gian đệ tử của Phật tiến hóa, dân trí cao, học là hiểu ngay, căn khí đại thừa, thông minh mẫn tiệp, hội nhập dòng đời mà không thấy ô nhiễm, Đức Phật chỉ giảng Phật thừa, chú trọng đến bổn môn, nói về sự hành đạo của chư Phật, công đức của các đức Như Lai, thọ ký cho mọi người đệ tử đều thành Phật, hướng dẫn nhiều phương tiện độ tha; thay vì nói Phật thừa, nhưng Phật vẫn dạy các môn đệ nói ba thừa Bồ tát, Duyên Giác, Thanh Văn, giúp chúng sanh thời mạt pháp có cơ sở tu hành từ thấp lên cao, từ dễ đến khó, từ hữu vi đến vô vi, không bị trở ngại trong khi hành đạo trên khắp các phương trời xa lạ.
Mỗi lần Phật thuyết giáo cho chúng sanh “phương thượng” và nói kinh cho chúng sanh “phương thượng”, khi kết luận, Phật xưng tán lời dạy cho chúng sanh “phương thượng” kinh nầy là hơn hết, giúp cho chúng sanh thấy tầm quan trọng của kinh mà tu hành. Khi thuyết giáo cho thế giới “phương hạ” và nói kinh cho chúng sanh “phương hạ”, khi kết luận, Phật đều xưng tán lời dạy cho chúng sanh “phương hạ” là hơn hết...
Tóm lại trong các kinh bộ, Phật dạy cho chúng sanh trong mười phương, khi kết luận Phật đều xưng tán tầm quan trọng của kinh, giúp chúng sanh tỏ thông kinh pháp, không xem thường giáo lý Phật.
Vì các nguyên nhân trên, nên Phật thường tuyên dương các kinh, kinh nào cũng vi diệu nhiệm mầu, kinh nào cũng là trên hết.
Việc lễ bái các Bồ tát
Kinh Phật có những dòng pháp vi diệu là tùy thời duyên mà hội nhập, gọi là khế lý, khi áp dụng vào đời phải cho sát hợp với từng chủng lọai chúng sanh khiến cho mọi người dễ tiếp nhận tu hành gọi là khế cơ. Các Kinh Phật thường diễn đạt công hạnh chư Bồ tát, từ Bồ tát quyền thừa như Di Lặc, Địa Tạng, Quan Âm, Dược Sư, Đại Thế Chí đến các vị Bồ tát đẳng giác như Văn Thù, Phổ Hiền, Hư Không tạng, Cư sĩ Duy Ma Cật... các bậc Bồ tát thuộc về công hạnh độ đời lợi tha, thị hiện vào đời cứu chúng sanh, hóa thân mọi hình dạng chúng sanh trên cơ sở cao đẹp thoát tục, ung dung tự tại chứ không mang thân chúng sanh, nên các vị mới có cơ sở độ đời. Các công hạnh Bồ tát như vừa kể, các Bạn có duyên với Bồ tát nào thì tín ngưỡng lễ bái Bồ tát đó. Như thế giới Bạn ở là thế giới khổ đau, Bạn muốn sanh sang cõi Cực lạc thì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, muốn hết khổ thì đảnh lễ học đạo với Bồ tát Quan Âm, Địa Tạng; Bạn muốn thế giới Bạn vui vẻ thì Bạn học đạo đảnh lễ Bồ tát Di Lặc; Bạn muốn đạt đến trí tuệ tuyệt vời thì đảnh lễ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi; Ban muốn có nhiều hạnh lành, Phật sự phong phú thì đảnh lễ Bồ tát Phổ Hiền; Bạn tu tại gia thì học đạo theo giáo lý Cư sĩ Duy Ma Cật v.v...
Đảnh lễ thánh tượng Bồ tát có ý nghĩa tiếp nhận hạnh lành của chư Phật và phát nguyện tu hành thành Phật, làm các việc thánh thiện (nhân), mọi việc an vui đến với các Bạn (quả), thêm phước lành, không có lỗi. Mong rằng những sở nghi của Bạn sẽ không còn, không phải trở ngại trên bước đường học Phật, tu nhơn của Bạn.
HT Thích Giác Quang