VẤN: Xin sư cho con biết ý nghĩa của việc hồi hướng là gì? Mỗi lần trì chú, tụng kinh xong con cũng thường đọc hồi hướng, nhưng nội dung thì theo sự suy nghĩ của con. Đôi khi con cũng có đọc bài hồi hướng theo các thầy chỉ dẫn hay trong sách nhưng nhiều bài hồi hướng dài quá con không thuộc nổi và khả năng con không thể nhớ nhiều. Xin sư cho con biết trước khi bước vào tụng niệm con nên làm gì và sau khi tụng niệm thì con nên phát nguyện hồi hướng như thế nào là đúng? Nếu được xin sư chỉ cho con một bài phát nguyện hồi hướng đơn giản dễ nhớ nhưng tròn đầy ý nghĩa theo lời Phật dạy. Con xin cảm ơn.

ĐÁP

Ý nghĩa hồi hướng

Hồi hướng là đem các công đức niệm Phật, tụng kinh, trì chú, trợ niệm... do chính mình đã tu (nếu không hồi hướng, thì nhờ vào những công đức ấy, sẽ chỉ được hưởng các thứ phước báo trời người) xoay cái nhân được hưởng phước báo trời người do công đức đã làm ấy gom về sự vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm cái quả siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, cho đến rốt ráo thành Phật trong tương lai. Hồi hướng chẳng phải chỉ nhằm hưởng phước trời, người mà thôi!

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói: Hồi hướng có nghĩa là gom về, tức là một phương pháp đem công đức niệm Phật, tụng kinh gom về một nơi. Gom về nơi nào? Gom về việc cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!

Từ điển Phật học Huệ Quang: Hồi hướng là dùng thiện căn công đức tu hành của mình để hướng về mục đích hoặc tự làm lợi ích cho chính mình hoặc làm lợi ích cho chúng sanh khác.

Dùng một chữ “hồi” nhằm thể hiện ý “quyết định, chẳng thuận theo thói tình thế gian”.

Dùng một chữ “hướng” nhằm thể hiện ý “quyết định mong mỏi phương cách xuất thế”.Đó gọi là “hồi nhân hướng quả, hồi sự hướng lý, hồi tự hướng tha”.

Công đức đã làm là cái nhân kết thành quả báo trong cõi trời - người, xoay cái nhân ấy lại để hướng về quả Niết bàn. Công đức đã làm là chuyện sanh - diệt; xoay nó lại để hướng đến diệu lý Thật Tướng bất sanh bất diệt. Công đức đã làm vốn thuộc tự hành, xoay nó lại

để hướng về hết thảy chúng sanh trong pháp giới. Đấy chính là danh từ nhằm thể hiện ý nghĩa phát nguyện lập thệ, quyết định hướng đến.

Kinh Niệm Phật Ba La Mật giảng như sau :

“- Thế nào gọi là hồi hướng phát nguyện tâm ? Nầy Diệu Nguyệt, Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm

nghĩa là dấy động cái tâm chí như thế nầy: Không riêng gì bản thân mà cầu xuất ly Ta bà loạn trược, khổ não. Trái lại, phải nguyện vì hết thảy chúng sanh khắp ba cõi, sáu đường mà cầu vãng sanh Cực lạc, chóng thành tựu Phật đạo để tế độ quần mê. Tại sao vậy? Vì muốn có cái quả đức siêu việt tối thượng thì phải phát khởi cái tâm chí quảng đại, dũng mãnh.

Người Niệm Phật nếu đem cái tâm thái hời hợt, hẹp hòi, yếu hèn, chỉ riêng vì giải thoát bản thân, thì chẳng bao lâu sẽ chiêu cảm cái quả báo nhỏ bé, nông cạn, tầm thường, không xứng hợp với bản hoài chư Phật, chẳng tương ứng cùng bản nguyện vĩ đại bi trí viên mãn của Phật A Di Đà. Cho nên khó được tiếp dẫn về nơi cõi nước Tây phương.

Lại nữa, người niệm Phật còn phải đem tất cả công đức thực hành sáu ba la mật, bốn nhiếp pháp, bốn vô lượng tâm hoặc ba mươi bảy phẩm trợ đạo... mà hồihướng khắp anh em, cha mẹ, bằng hữu, chư thiên, chư tiên, bốn loại chúng sanh kẻ oán người thân đều được an trụ trong hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật.”

Sư sẽ giới thiệu cho quý Phật tử một vài bài hồi hướng:

Bài hồi hướng thứ nhứt

Sau phần trì tụng phẩm Kim Cang Bát nhã (kinh Nhật tụng, trang 278, xuất bản năm 2010) có bài:

1) Nhứt hồi hướng Chân Như Thật Tế, tâm tâm khế hợp. Đây chính là nghĩa “hồi sự hướng lý”.

2) Nhị hồi hướng Phật Quả Bồ Đề, niệm niệm viên mãn. Đây chính là nghĩa “hồi nhân hướng quả”.

3) Tam hồi hướng pháp giới chúng sanh cùng sanh Tịnh độ. Đây chính là nghĩa “hồi tự hướng tha”.

Ai nấy có chí riêng, người người có nghiệp riêng (nghiệp ở đây là thức nghiệp), nhưng tùy duyên tùy phận đều được vãng sanh cả, bất tất mọi người phải giống hệt nhau.

Bài hồi hướng thứ hai

Nguyện đem công đức này Hướng về khắp tất cả Đệ tử và chúng sanh Đều trọn thành Phật Đạo

Nguyện đem công đức tu hành của mình để san sẻ khắp tất cả chúng sanh.Tất cả chúng sanh và mình đều đạt được kết quả tốt đẹp, cùng thành Phật.

Con xin nguyện dùng năng lực học tập, tu hành, làm việc lành của con, giúp đỡ, dắt dìu tất cả mọi người, mọi loài ở khắp chốn cùng với con tinh tấn tu học, tất cả đều hoàn toàn giác ngộ, giải thoát.

Bài hồi hướng ba

Bài kệ hồi hướng sau mỗi thời khóa niệm Phật

“Nguyện sanh Tây phương tịnh độ trung Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu

Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh Bất thối Bồ tát vi bạn lữ”.

Bất luận tụng kinh nào, trì chú nào, cũng đều phải niệm Phật bao nhiêu tiếng đó rồi hồi hướng vãng sanh Cực lạc thì mới hợp với tông chỉ tu Tịnh nghiệp.

Ngay trong sanh hoạt thường ngày, với tất cả những điều thiện nhỏ nhặt nhất và các thiện căn như tụng kinh, lễ bái… đều đem những công đức ấy hồi hướng vãng sanh Cực lạc. Như thế thì hết thảy hạnh môn đều thành trợ hạnh cho Tịnh độ, như gom các hạt vi trần thành đất, tụ các dòng nước thành biển, rộng lớn sâu thẳm, ai có thể cùng tột được! Nhưng phải phát Bồ đề tâm, thệ nguyện độ sanh, hồi hướng tất cả công đức tu trì cho khắp pháp giới chúng sanh, bốn ân, ba cõi.

Giống như đổ dầu vào lửa, như mạ gặp mưa; đã kết pháp duyên sâu xa cùng hết thảy chúng sanh lại còn có thể mau thành tựu hạnh Đại Thừa thù thắng cho chính mình.

Được biết ý nghĩa của hồi hướng, quý Phật tử nên chọn một bài trong ba bài trên để niệm hồi hướng về cho khắp tất cả. Thân tâm sẽ nhẹ nhàng an lạc.

Lời khuyến giáo

Người Phật tử, nếu chỉ thờ, lạy và cúng Phật, thì cũng chưa có thể gọi là thuần thành. Người Phật tử thuần thành còn phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Vả lại nếu bỏ qua ba phần sau này, thì ba phần trước là thờ, lạy và cúng khó có thể viên dung cả Sự và Lý được. Vì phần Lý là phần cao siêu khó thực hành, mà nếu chúng ta không tụng kinh, niệm Phật để cho tâm hồn được sáng suốt, tỏ ngộ các lý lẽ sâu xa huyền diệu trong kinh điển, thì chúng ta không làm thế nào để đạt được 4 phép lạy thuộc về Lý là:

- Phát trí thanh tịnh lễ,

- Biến nhập pháp giới lễ,

- Chánh quán lễ,

- Thật tướng bình đẳng lễ

5 món diệu hương để cúng Phật là:

- Giới hương,

- Định hương,

- Huệ hương,

- Giải thoát hương,

- Giải thoát tri kiến hương.

Nếu không thực hành được 4 phép lạy về Lý và cúng dường được 5 món diệu hương, thì sự lạy và cúng chỉ là phần “Sự” là phần hình thức, và vì thế, kẻ tín đồ khó có thể tiến được trên đường đạo.

Phật tử thờ, lạy và cúng Phật, chúng ta phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Đó là những điểm căn bản tối thiểu mà một Phật tử thuần thành không thể bỏ qua được.

Về sách nghi thức khai khóa lễ tụng kinh, ở Việt Nam thì không thiếu; chắc chắn trên thế giới ít nhiều đều có phát hành kinh Nhựt Dụng, kinh Tam Bảo. Để quý Phật tử dễ dàng tụng đọc, xin hỏi những nơi phát hành kinh sách Phật.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Hồi Hướng Là Gì? Nghi Thức Phát Nguyện Hồi Hướng Như Thế Nào Khi Tụng Niệm?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com