VẤN: Xin Sư cho con hỏi: người tu hành xuất gia có được tham dự chuyện thế sự và chính trị đời thường không? Con nghe nói người tu hành không được xen vào chuyện chính trị, chỉ lo thuyết pháp độ chúng, tu hành cho mình, nhưng con thấy rất nhiều các bài viết từ những người tu hành bàn luận chính trị, các chính sách của nhà nước, của nước ngoài, bàn chuyện đời nhiều hơn chuyện đạo như vậy là có đúng không? Có bạn bảo thì đó cũng là phương tiện hoằng pháp, mang đạo vào đời, xưa kia các vị thiền sư còn cởi áo nhà sư để lo chuyện chính sự, đánh đuổi quân xâm lược, hết chiến tranh, đất nước yên bình, lại trở về thảo am tu hành. Con cũng biết vậy nhưng con cảm thấy có điều gì đó không được bình thường nếu người tu hành lo bàn luận chuyện chính trị thế sự quá nhiều. Xin Sư từ bi giải đáp cho con được rõ.

Đáp:

I .

Trước khi niết bàn, Phật có khuyên bảo đức A Nan và đại chúng: “Ta tịch rồi các ông hãy lấy giới luật làm Thầy, giới luật còn là Ta còn, giới luật mất là Ta mất”. Ngoài ra, Phật còn nói những lời cuối cùng là kinh Di Giáo, tại chương Một, có đọan như sau:

"Này các Tỳ-kheo! Sau khi Ta diệt độ, các ông phải nên tôn trọng và trân kính Biệt Giải Thoát. Nó như trong bóng tối gặp được ánh sáng, như kẻ nghèo được châu báu. Phải biết rằng nó tức là vị đại sư của các ông, và cũng y như chính Ta trụ thế không khác.

Phàm người trì giới thanh tịnh thì không được kinh doanh buôn bán, không được sở hữu nhà cửa ruộng vườn, lưu giữ nô tỳ, hay chăn nuôi súc vật. Hết thảy các loại nông nghiệp và tiền tài, họ phải nên xa lánh như là tránh hầm lửa. Không nên cắt cỏ chặt cây, khai khẩn đất đai, bào chế thuốc thang, xem tướng cát hung, xem tinh tú, xem tử vi, hay xem bói. Tất cả những việc này đều không nên.

Họ nên điều hòa thân thể, thọ thực đúng thời, và sống thanh tịnh. Không nên tham dự chuyện thế tục hay làm sứ giả đại diện. Không nên dùng chú thuật, luyện tiên dược, kết giao với người quyền quý, và thân cận với kẻ đê tiện.

Với chánh niệm và lòng ngay thẳng, người trì giới thanh tịnh hãy nên cầu độ thoát. Họ không nên che giấu lỗi lầm hay tỏ ra vẻ khác lạ để mê hoặc đại chúng. Đối với bốn sự cúng dường, họ phải biết giới hạn và biết đủ. Khi được phẩm vật cúng dường thì đừng nên cất giữ...”

Câu Không nên tham dự chuyện thế tục hay làm sứ giả đại diện, đứng về góc độ xuất thế, Đức Phật không cho phép chư Tăng Ni tham gia việc chính trị, du thuyết thế sự, ngọai giao hòa đàm, đàm phán, khiêu khích chiến tranh, thời nay gọi là làm chính trị. Tuy nhiên, ở một công hạnh khác của người con Phật, thì người Phật tử có thể ra giúp nước giúp dân, tham gia góp phần đánh đuổi ngoại bang xâm lăng tổ quốc dưới mọi hình thức, mang lại nền hòa bình thống nhất đất nước, ấm no cho dân tộc .

II .

Trong quá khứ, vào thế kỳ thứ XIV, đất nước chúng ta có Phật Hoàng Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, hai lần đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lăng Đại Việt, chinh phạt Ai Lao, ngọai giao với Chiêm Thành mở mang bờ cõi đến Thuận Hóa. Ngài có để lại hai câu thơ về việc đánh giặc phương Bắc, bình định Chiêm Thành, Ai Lao như sau:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông muôn thuở vững âu vàng

(Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu)

Sau khi đất nước hòa bình độc lập thì Nhà Vua đi tu trở thành vị Thiền sư đắc đạo thiền và nhập Niết Bàn vào ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308). Nhìn chung, trải suốt gần 600 năm, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, giáo lý Đức Phật truyền bá sâu rộng trong chốn cung đình, tạo điều kiện cho vua quan, cận thần, đến hàng thứ dân đều quy y Tam bảo tu hành theo hạnh Phật.

Đứng về góc độ xuất thế, tầm nhìn của chúng ta có bị lệch, chứ không phải kinh hướng dẫn lệch hướng, hay đệ tử Phật giáo hóa lệch hướng. Tuy nhiên, theo tầm nhìn của Bồ tát giáo hóa chúng sanh thì dù ở thời đại nào, Phật sự của người con Phật phải làm là “hộ quốc an dân” đúng nghĩa và xứng tầm với nền giáo lý chính chân, chính đẳng. Đạo Phật đi vào cuộc đời làm cho quốc thới dân an, thiên hạ thái bình, đó cũng là bản hoài của ba đời chư Phật.

Trong quyển từ điển Phật học từ vựng, giải thích rằng: Đạo Phật đi vào cuộc đời là “tùy duyên bất biến” nghĩa là tùy theo cơ duyên mà duyên với ngàn sai vạn biệt, Đạo Phật hóa cuộc đời, tức là “Phật Độ Đời” làm lợi lạc cho đời, góp phần an sinh xã hội, làm cho xã tắc tổ quốc bình an chứ không phải bị cuộc đời hóa Đạo Phật, nên các Ngài, các bậc tổ sư “độ đời”; “bất biến tùy duyên” nghĩa là tùy theo duyên mà hiện ra vạn hữu, nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi, nghĩa là các Ngài vào đời “độ đời” chứ không tham chính gì cả! Ví như muốn tham chính cũng không có cơ sở để tham gia Bạn ạ! Vì đã là tu sĩ xuất gia học đạo giải thoát!

III .

Các nhà Sư đi vào cuộc đời giáo hóa chúng sanh, nhưng đi mà không đi đâu cả, mới thật sự là giáo hóa. Các Sư độ đời thật ra không độ ai cả! Có chăng các Ngài độ đời bằng hạnh nguyện, Phật tử nương theo hạnh nguyện của nhà Sư mà năng tác Phật sự theo hạnh nguyện của nhà Sư; như vậy nhà Sư vào đời mà không đi đâu cả là như thế.

Đạo Phật đi vào cuộc đời bằng lòng từ bi chí cả, nêu cao ý thức hệ của Tăng lưu, hướng thiện cuộc đời bằng tâm nguyện vô biên, hành động đi vào đời của con người Đạo Phật không có một động lực, thế lực nào xây trở biến thể các nhà Sư thành người thế tục. Tinh thần hộ Phật, hộ Pháp, hộ Tăng của người Phật tử một đôi khi bị lệch hướng, làm cho nhà Sư biến thái, biến dị. Phải có tinh thần hộ trì Tam Bảo sao cho Phật Pháp xương minh, giới luật được truyền trì, định tuệ được viên dung, người Phật tử mới tăng phước tăng huệ, đạo Phật mới vững bền. Đừng biến đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son. Đừng biến nhà Sư thành những con người sống vô tư trong sự ưu đãi của một chế độ cúng dường thiếu ý thức, quên lãng nhiệm vụ tự thực hiện giải thoát và phụng sự con người. Đừng để người Phật tử hiểu rằng Phật Pháp Tăng là những bảo vật xa vời không hiện hữu giũa cuộc đời đau khố. Phải thực hiện tất cả những hình thức sinh hoạt nào có thể chứng minh rằng đạo Phật hiện hữu trong cuộc đời để giải thoát cho con người (Ts Nhất Hạnh - 1966 - Lá Bối xuất bản).

Trong chiến tranh Việt Mỹ, người người bị nạn tai do chiến tranh, chết chóc do chiến tranh, từng gia đình ly tan do chiến tranh, nhà cháy, lửa bùng cháy do chiến tranh, người người tị nạn do chiến tranh, chẳng lẽ lúc bấy giờ các nhà Sư, chư Tăng Ni, các Phật tử đến an ủi ủy lạo, tụng kinh cầu nguyện nạn nhân chiến tranh...

Sau mỗi thời kinh tụng của người con Phật, chư Tăng Ni, Phật tử đều có bài cầu nguyện:

Phật nhật tăng huy,
Chiếu diệu đại thiên sa giới.
Pháp luân thường chuyển,
Lưu thông bá vạn nhơn thiên.
Tăng hải hòa bình,

Hạo hạo tông phong vĩnh chấn; Thiền môn nghiêm tịnh,
Nguy nguy Tổ ấn trùng quang.
Vũ thuận phong điều, dân an, quốc thạnh.

Phổ nguyện:

Đồng văn Phật thuyết, đồng diễn Phật âm,
Đồng kiến Phật tâm, đồng thành Phật đạo.

Hay là:

Phục nguyện:
Đèn thiền na tỏ rạng,
Chuông cảnh tỉnh reo vang.
Ba thừa xe pháp chuyển rần rần
Sáu thứ hoa trời tuôn rỡ rỡ
Cầu cho chúng sanh đặng phần ăn ở
Bề sanh nhai hớn hở thêm lên
Chúc cho nước nhà thêm cuộc mở mang
Đời thực tế dân sang giàu mạnh

Khắp trăm họ bỏ tà về chánh
Suốt sáu loài nhập thánh siêu phàm
Bao nhiêu phước thiện hãy nên làm
Tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Lời cầu nguyện trên, tức là nói đến sinh mệnh nước non, cầu cho vận mệnh nước nhà thêm giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Cầu nguyện cho thế giới hòa bình, không có vấn đề quốc gia mạnh hiếp quốc gia yếu; không đem bom đạn giết chết dân lành. Chẳng lẽ những lời cầu nguyện như trên là tham chính sao?

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Người Xuất Gia Có Được Tham Dự, Bàn Luận Chuyện Chính Trị Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com