Cần hiểu rõ tình yêu là nghiệp ái và bản chất của nó là trói buộc, vị kỷ nên hạnh phúc lứa đôi tuy có nhưng mong manh dễ vỡ.

Tổng quan giáo điển Phật giáo là hướng đến giải thoát, tuy vậy giáo lý về Nhân thừa tức những đạo lý làm người, bao hàm các giá trị nhân bản và đạo đức được đức Phật đặc biệt chú trọng. Tình yêu thương là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nên gia đình và xã hội hạnh phúc, an vui. Do đó tình yêu cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau sao cho gia đình trong ấm ngoài êm được Đức Phật chỉ dạy rất rõ ràng.

Về tình yêu thương, theo Phật giáo, có hai hình thái yêu thương với bản chất khác biệt nhau, đó là “Từ” và “Ái”.

“Từ” cũng là tình yêu thương nhưng là tình yêu rộng lớn, tình yêu này vượt lên cái tôi cá nhân, vô ngã. Tâm từ yêu thương tất cả mọi người cùng hết thảy chúng sanh, không ràng buộc, không điều kiện và không phân biệt.

“Ái” là tình yêu thương nam nữ, tình cảm gia đình bè bạn, tình yêu quê hương đất nước… là tình yêu dựa trên nền tảng tự ngã, cái tôi. Tôi yêu người yêu của tôi, tôi yêu gia đình và những người thân của tôi, tôi yêu quê hương đất nước tôi, đó chính là tâm ái.

Trong khi tình yêu thương của chúng ta số đông là chưa đạt đến tâm từ mà chủ yếu là tâm ái với các thuộc tính ích kỷ, có điều kiện, phân biệt và buộc ràng. Vì thế người ta yêu thương nhau nhiều nhưng đồng thời gây khổ cho nhau cũng không phải ít.

Mọi người cần hiểu rõ tình yêu là nghiệp ái và bản chất của nó là trói buộc, vị kỷ nên hạnh phúc lứa đôi tuy có nhưng mong manh dễ vỡ. Vì thế phải nâng niu, trân quý và gìn giữ suốt cả cuộc đời mới mong kiến tạo được hạnh phúc. Chuyện hợp tan trong cuộc đời xét cho cùng là do nhân duyên tan hay hợp. Cho nên, gieo trồng nhân duyên hòa hợp bằng cách tu dưỡng đạo đức, sống chân thành, hiểu biết, chia sẻ và yêu thương hết lòng với người mình thương và với tất cả mọi người. Gieo nhân tốt ắt sẽ gặt quả lành và hạnh phúc, bình an sẽ đến với chúng ta như ước nguyện.

Theo giáo lý Đạo Phật, tình yêu phải hội đủ bốn yếu tố: Từ, bi, hỉ, xả thì mới có thể trở thành tình yêu đích thực, cao thượng.

“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng, coi hạnh phúc của người mình yêu là hạnh của mình, vui vì người yêu được an vui. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng đau khổ, đó là tình yêu hệ lụy, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày. Như vậy, lúc này tình yêu với tâm ái đã có đã có tâm từ vì đã vượt lên cái tôi cá nhân, vô ngã.

“Bi” là lòng thương xót cứu khổ, thương dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sinh, là sự rung động trước nỗi đau của người khác. Đặc tính của tâm bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi cảnh khổ. Như vậy, trong tình yêu với tâm ái thì cần có tâm bi. “Bi” ở đây là khả năng chia sẻ, làm cho người yêu hết khổ và theo đó bản thân mình cũng được an vui, không phiền não, không khổ đau. Chính vì thế, những người yêu nhau cần biết chia sẻ, xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của người mình yêu.

“Từ, bi” theo Phật dạy, trong tình yêu, những người yêu nhau cần danh thời gian để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu để đem lại sự an vui cho người mình yêu, không làm cho người yêu phải phiền khổ và phải giúp người mình yêu bớt khổ. Như vậy, tình yêu đó mới là tình yêu đích thực và cao thượng. Tuy nhiên, “Từ, bi” không phải tự dưng mà có, mà mọi người phải học, phải “Tu tập” mới có được.

“Hỉ” là tâm vui vẻ (Tâm hỉ). Những người yêu nhau có được vui vẻ khi yêu nhau không? Có bị ưu sầu xâm chiếm tâm tư không? Nếu không được an vui mà vẫn bị ưu sầu trong tình yêu thì mỗi người đều phải xem lại, rằng họ đã đối xử với người yêu của mình bằng cả tâm từ và tâm bi hay chưa? Mỗi người đều phải cố gắng để bản thân có tâm hỉ và phát huy tính tích cực trong tâm hỉ để luôn được an vui, hạnh phúc. Càng yêu, càng vui, niềm vui càng được nhân lên, cả gia đình hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.

“Xả” là tâm buông xả. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc, khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì cần phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hóa nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc. Trong tình yêu cần có tâm buông xả, vậy xả cái gì? Là phát tâm cho người yêu sự vui vẻ, đoạn trừ cái khổ của người yêu và giúp đỡ người yêu trong cảnh nguy khốn. Làm được như thế, những người yêu nhau sẽ được hoan hỷ đến mức vô hạn, nhưng mọi người đừng nên chấp vào đó. Mỗi người nên có tinh thần “Thi ân bất cầu báo”, như vậy thì mới được xem là người cao thượng.

Như vậy, “Từ, bi, hỷ, xả” trong tình yêu, theo Phật dạy thật sâu sắc và có mối quan hệ mật thiết, biện chứng khoa học.

Những người trẻ, bạn hãy nghĩ về tình yêu của mình đi, đã thật sự có “Từ, bi, hỉ, xả” hay chưa? Bạn hãy can đảm tự hỏi mình rằng: Người yêu ta có hiểu niềm vui, nỗi khổ của ta không? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của ta không? Người ấy có nâng đỡ ta trong cuộc sống và trên con đường sự nghiệp không? Và, bạn cũng tự hỏi lại mình, liệu bạn đã thực hành tâm “Từ, bi, hỷ, xả” trong tình yêu của mình, với người mình yêu hay chưa?

Dù rằng cuộc sống chúng ta hôm nay có nhiều biến động, bị ảnh hưởng bởi luồng thông tin đa chiều, với muôn màu sắc văn hóa có cả yếu tố vốn có và ngoại lai,… với “Tâm từ” chân thành của người Phật tử, tôi mong rằng các bạn hãy học tập, tu tập để có được tâm “Từ, bi, hỷ, xả” trong tình yêu để được an vui, hạnh phúc mãi mãi.

Diệu Thanh



Có phản hồi đến “Để Có Tình Yêu Đích ThựcTheo Tinh Thần Giáo Lý Nhà Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com