Hằng năm, gần đến dịp Rằm tháng Bảy, ngày lễ Vu lan báo hiếu, tôi lại thấy có những xôn xao. Là khi những người đi đường lỉnh kỉnh với những hàng mã đủ kích cỡ.

Là khi tôi nghe thấy những người trẻ hỏi nhau nên đi chùa nào để cầu khấn những điều tốt lành cho người thân và cùng suy nghĩ về công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Và những trang Facebook của bạn bè tôi tưng bừng hoa hồng đỏ với lời tri ân đến bậc sinh thành. Cũng có những trang khác, ít thôi, là chút ngậm ngùi với những người không còn mẹ.

Thời đại kỷ nguyên số, dường như cái gì cũng có thể trở thành trào lưu. Tôi thấy trong sự hồ hởi, hòa mình của những người trẻ vào ngày lễ đặc biệt ấy là tình thương yêu, niềm biết ơn sâu sắc dành cho những bậc sinh thành.

Mà đâu chỉ dịp lễ Vu lan, những ngày lễ khác du nhập từ phương Tây như ngày của Mẹ, ngày của Bố hay những ngày lễ đã trở thành truyền thống như ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam…, giới trẻ cũng rất sốt sắng với việc thể hiện tình cảm của mình. Những ồn ào dễ thấy và chóng qua khiến tôi tự hỏi phải chăng đó chỉ là cách bao gói lộng lẫy cho những tình cảm hời hợt bên trong?

Một người bạn của tôi, người thường xuyên đến chùa để dự lễ “Bông hồng cài áo” vào ngày Báo hiếu Vu Lan, đã từ chối khi thấy mẹ mình gửi lời mời kết bạn trên Facebook. Bạn đi làm xa, cả năm mới về thăm nhà một lần nên bố mẹ cảm thấy lo lắng và muốn được quan tâm nhiều hơn nữa đến bạn cũng là một điều dễ hiểu.

Nhưng bạn đã từ chối làm bạn bè trên mạng với mẹ mình, vì bạn sợ một góc cuộc sống của bạn sẽ bị phơi bày trước sự quan tâm của mẹ. Thẳm sâu trong đó, còn là dặm dài giữa hai thế hệ mà bạn không muốn vượt qua để gần với mẹ hơn.

Tôi cũng đã thấy, nhiều bạn trẻ khác, sẵn sàng gọi bố, mẹ mình là “ông già, bà già” mặc dù bố, mẹ họ mới chỉ đang tuổi trung niên. Không ít người trong số họ chẳng ngại ngần chê bai về những quan niệm sống của bố mẹ, về những sở thích và thói quen của những người cách xa họ về cả tuổi tác lẫn kinh nghiệm sống.

Và, chẳng phải hiếm hoi khi thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có những tin, bài phản ánh về tình trạng con cái ngược đãi, hành hạ bố mẹ - một biểu hiện của sự suy đồi, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức.

Nhưng đến lúc có con, có gia đình riêng rồi, thì thời gian chúng ta dành cho cha mẹ còn được bao nhiêu?

Vì thế, trước mỗi ngày lễ Vu Lan, tôi không vội nghĩ tới việc lên chùa, để được cài lên áo mình một bông hồng đỏ thắm, được đắm mình trong những triết lý của nhà Phật. Tôi chỉ tự nhủ mình sống tốt, để đừng mãi là “một thứ quả non xanh” trong sự trông ngóng, mong mỏi của mẹ như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết. Bởi thời gian trên cõi sống và thời gian để trưởng thành đều có hạn. Đừng trì hoãn lớn khôn, lần lữa thương yêu và trách nhiệm với những bậc sinh thành. Được vậy, thì ngày nào với tôi, cũng là một ngày Vu lan.

Mai Hà Uyên

(Theo Tiền Phong)



Có phản hồi đến “Nhân Mùa Vu Lan - Đừng Lần Lữa Yêu Thương”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com